Jên Erơ Chương 26


Chương 26
Lúc bảy giờ sáng, Xôphi vào trang điểm cho tôi, chị ta làm việc này lâu quá đến nỗi ông Rôchextơ sốt ruột về sự chậm trễ của tôi, tôi đoán thế, phải cho người lên hỏi tại sao tôi còn chưa xuống.

Chị ta vừa cài xong tấm khăn choàng vào tóc tôi bằng một cái trâm - rút cục vẫn chỉ là một vuông khăn lụa mộc mạc - tôi đã vội gỡ mình ra.

- Khoan đã nào, - chị ta nói bằng tiếng Pháp. - Cô hãy soi gương đã, cô chưa liếc mắt vào gương tí nào.

Vì thế nên ra đến cửa tôi còn quay nhìn lại, tôi thấy một người mặc áo dài, mặt che mạng, chăng giống tôi ngày thường một chút nào, hầu như hình ảnh một người lạ mặt. Có tiếng gọi "Jên"! Tôi vội vã xuống thang. Ông Rôchextơ đứng đón tôi ở chân cầu thang.

- Dềnh dàng mãi thế, tôi đến phát điên lên vì sốt ruột mà sao em cố ở mãi trên ấy.

Ông đưa tôi vào phòng ăn, nhìn tôi soi mói từ đầu đến chân, bảo tôi xinh tươi như một đóa hoa huệ, tôi không những là niềm kiêu hãnh của đời ông mà còn là nguồn vui thú cho mắt ông nữa. Rôi ông giao hẹn chỉ cho tôi mười phút để ăn điểm tâm qua loa, và ông rung chuông gọi một người ở mới vào làm chạy lên.

- Jôn đã chuẩn bị xe xong chưa?

- Thưa ông, xong rồi ạ!

- Hành lý mang xuống rồi chứ?

- Thưa ông, họ đang mang xuống.

- Anh chạỵ ra nhà thờ, xem ông Ut (là vị linh mục) và người phụ lễ có đấy không, rồi về đây bảo tôi.

Nhà thờ - như bạn đã rõ - ở ngay gần cổng lớn, nên lát sau anh người làm đã quay vào.

- Thưa ông, ông Ut đã ở trong kho đồ thánh, đang bận áo lễ.

- Thế còn xe?

- Họ đang đóng yên ngựa.

- Ra nhà thờ thì không cần xe, nhưng khi chúng tôi trở về thì xe phải sẵn sàng, hòm xiểng hành lý phải xếp đặt chằng buộc đâu vào đấy. Xà ích phải ngồi sẵn ở chỗ của mình rồi.

- Thưa ông, vâng.

- Jên, em đã xong chưa?

Tôi đứng dậy. Đám cưới không có phù dâu, phù rể hay họ hàng tiễn đưa hoặc đón đợi, chỉ có mình tôi và ông Rôchextơ, bà Fefăc đứng trong phòng lớn khi chúng tôi đi qua. Tôi toan nói với bà vài lời, nhưng một bàn tay đã nắm chặt lấy tay tôi. Tôi hối hả bước theo ông Rôchextơ mà cũng khó kịp, và cứ nhìn vẻ mặt ông cũng đủ cảm thấy ông không muốn chậm trễ một giây một phút bất kỳ vì lý do gì. Tôi không hiểu một chàng rể khác có như thế không - nghĩa là tìm mọi cách đạt mục đích, kiên quyết dữ tợn, mắt sáng rực nảy lửa dưới đôi mày cau lại như thế.

Tôi không rõ ngày hôm đó đẹp xấu, khi xuống đường tôi cũng không nhìn trời, nhìn đất. Mắt tôi cũng như lòng tôi chỉ hướng về ông Rôchextơ thôi. Tôi muốn trông thấy được cái vật vô hình mà suốt trong lúc đi đường, đôi mắt dữ dội của ông hình như cứ nhìn dán vào. Tôi muốn nắm được những tư tưởng mà sức mạnh ràng buộc ông phải đương đầu và chống đỡ.

Đến trước cửa nhỏ của nhà thờ, ông dừng lại. Lúc ấy ông mới nhận thấy tôi đã hết cả hơi sức.

- Tôi thô bạo trong tình yêu lắm phải không? - Ông nói. - Thôi nghỉ một chút. Em hãy tựa vào người tôi, Jên.

Và bây giờ tôi vẫn còn nhớ hình ảnh tòa thánh đường cũ kỹ màu xám bình thản đứng trước mặt tôi, một con quạ lượn quanh tháp chuông, và lồng lộng trên cao bầu trời rực hồng buổi sớm mai. Tôi cũng còn nhớ đại khái những nấm mồ xanh rì, và tôi cũng không quên bóng dáng hai người khách lạ thơ thẩn giữa đám gò đống thấp, cúi đọc những dòng chữ khắc trên các tấm mộ chí rêu phong. Tôi để ý đến họ, vì khi họ trông thấy chúng tôi thì liền vòng ngay ra phía sau nhà thờ, và tôi đoán chắc thế nào họ cũng vào bằng lối cửa bên để chứng kiến lễ cưới. Ông Rôchextơ không để ý thấy họ, ông đang chăm chú nhìn mặt tôi lúc bấy giờ có thể nói là tái nhợt đi, vì tôi cảm thấy trán toát mồ hôi, má và môi tôi lạnh ngắt. Lát sau tôi lại sức rồi, ông cùng thong thả bước trên con đường vào cổng nhà thờ.

Chúng tôi bước vào tòa thánh đường lặng lẽ và khiêm tốn ấy. Vị tu sĩ vận áo lễ trắng đứng đợi cạnh bàn thờ giản dị, có người phụ lễ ở bên cạnh. Mọi vật đều lặng lẽ, chỉ có hai bóng người động đậy ở một góc xa. Tôi đã đoán đúng, những người khách lạ đã lẻn vào nhà thờ trước chúng tôi, bây giờ họ đang đứng gần phần mộ họ Rôchextơ, quay lưng về phía chúng tôi, đang nhìn qua lan can ngôi mộ bằng cẩm thạch đã xỉn màu vì thời gian, trên đó có tượng một thiên thần quỳ gối, canh giữ nắm xương tàn của ông Đêmơ Rôchextơ, bị giết ở Marxtơn trong thời kỳ nội chiến(1) và của bà Êlizabet, vợ ông.

Chúng tôi đang đứng cạnh bàn ban phép thánh. Nghe có tiếng chân rón rén bước đằng sau, tôi liếc nhìn lại thấy một trong hai người - có vẻ là một người lịch sự - đang đi lên giữa giáo đường. Cuộc lễ bắt đầu. Sau khi đọc chúng tôi nghe những lời giảng về nghĩa của hôn nhân, vị tu sĩ tiến lên một bước, hơi nghiêng xuống ông Rôchextơ, nói tiếp:

- Tôi yêu cầu và đòi hỏi cả hai người (cũng như các người sẽ trả lời trong ngày phán quyết đáng sợ kia, khi phải bộc lộ mọi nỗi bí ẩn của cõi lòng) rằng nếu một trong hai người biết có một trở ngại nào khiến các người không thể hôn phối hợp pháp được với nhau, thì bây giờ hãy nên thú ra đi, vì các người nên hiểu rõ rằng những ai lấy nhau có lời Chúa cho phép, thì không được Chúa phối hợp, và cuộc hôn nhân của họ bị coi như bất hợp pháp.

Ông dừng lại, theo nghi thức. Đã bao giờ có câu trả lời nào phá vỡ sự im lặng sau câu nói trên chưa? Có lẽ hàng trăm năm họa chăng có một lần. Vẫn nhìn vào quyển sách và chỉ cầm hơi nín lặng trong giây lát, vị tu sĩ lại tiếp tục buổi lễ, ông đã chìa tay về phía ông Rôchextơ và vừa hé môi lên tiếng hỏi: "Ngươi có thuận kết hôn với người đàn bà này không?" - thì một tiếng nói rành rọt vang lên ngay bên cạnh:

- Hôn lễ không thể tiếp tục được. Tôi tuyên bố có một trở ngại.

- Tu sĩ ngẩng lên nhìn người vừa nói, nín lặng, người phụ lễ cũng thế, ông Rôchextơ hơi lảo đảo, hình như nền gạch dưới chân ông rung chuyển. Ông đứng vững lại và không hề quay đầu hay đưa mắt nhìn lại, ông nói: "Xin cứ tiếp tục", ông nói câu ấy bằng một giọng thấp và trầm, sau đó là một sự im lặng hoàn toàn. Rồi ông Ut nói:

- Tôi không thể tiếp tục, nếu chưa có điều tra về lời tuyên bố vừa rồi, mà chưa có chứng cớ rõ ràng là đúng hay sai.

- Phải bãi bỏ hẳn hôn lễ thôi, tiếng nói phía sau chúng tôi lại vẳng lên - tôi có đủ chứng cớ về lời nói, có một trở ngại không vượt qua nổi ngăn cản cuộc hôn nhân này.

Ông Rôchextơ nghe thấy, nhưng không chú ý, ông vẫn đứng thẳng đuỗn, bướng bỉnh không cử động, mà chỉ nắm lấy tay tôi. Bàn tay ông nóng và nắm chắc làm sao! Và vừng trán nở của ông lúc ấy tái nhợt và đanh lại, hệt như tạc bằng cẩm thạch, mắt ông sáng rực lên, lặng lẽ, chăm chú và dữ tợn chừng nào? Ông Ut có vẻ bối rối, hỏi lại:

- Trở ngại ấy như thế nào? Có lẽ có thể vượt qua được nó, sau khi giải thích chăng?

Câu trả lời là:

- Khó lắm, tôi đã nói là không vượt qua được, và tôi nói có căn cứ.

Người đã nói tiến lên phía trước và tựa mình vào gióng gỗ; ông ta tiếp tục bằng một giọng rành rọt bình tĩnh, rắn rỏi, nhưng không nói to:

- Sự đó rất đơn giản, là vì đã có một cuộc hôn nhân rồi. Ông Rôchextơ có một người vợ hiện còn sống.

Mấy lời nói nhỏ ấy làm cho tôi bàng hoàng cả người, như chưa bao giờ có một tiếng sét nào làm tôi rung chuyển đến thế. Sự ác liệt tinh tế của những lời đó quất vào máu tôi như chưa bao giờ nó cảm thấy vì lửa hoặc vì băng giá. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh, không bị ngất đi. Tôi nhìn ông Rôchextơ, làm cho ông phải nhìn tôi. Cả khuôn mặt ông là một khối đá không mài sắc, mắt ông sáng quắc, lạnh lùng, ông không chối cãi điều gì, ông có vẻ sẵn sàng đương đầu với mọi sự. Không nói, không mỉm cười, dường như cũng không nhận ra tôi là một người nữa, ông chỉ quàng tay ôm ngang lưng và ghì chặt lấy tôi vào người ông.

- Ông là ai? - Ông hỏi người lạ mặt.

- Tên tôi là Bric, luật sư ở phố... Luân Đôn.

- Ông muốn gán cho tôi một người vợ à?

- Thưa ông, tôi chỉ muốn nhắc ông nhớ lại sự tồn tại của bà nhà tôi, người vợ mà pháp luật công nhận, mặc dù ông không công nhận.

- Ông vui lòng cho tôi biết rõ về người đó, tên tuổi, dòng họ, chỗ ở hiện tại.

- Hẳn thế - ông Bric bình tĩnh rút trong túi ra một tờ giấy, và đọc lên bằng một thứ giọng mũi, có vẻ quan cách:

- Tôi khẳng định và có thể chứng minh rằng ngày 20 tháng 10 năm... (thời gian cách đây mười lăm năm), ông Eđua Fefăc Rôchextơ, ở lâu đài Thornơfin, thuộc quận... và ở lâu đài Fơcđin, thuộc quận... Anh-cát-lợi, đã làm lễ thành hôn cùng em gái tôi, Bertha Antoanetta Maxơn, là con gái ông Jôna Maxơn, thương nhân, và vợ là bà Antoanetta, một người da trắng sinh ở thuộc địa tại nhà thờ... Xpanixt Tao, ở đảo Jamaica. Nguyên bản tờ giá thú sẽ có thể tìm thấy trong sổ sách của nhà thờ nói trên, hiện tôi có giữ một bản sao. Ký tên: Risa Maxơn.

- Cái đó - nếu là một tài liệu xác thực - có thể chứng minh rằng tôi đã có vợ, nhưng không chứng minh người vợ đó hiện còn sống.

Luật sư đáp:

- Ba tháng trước đây, bà còn sống.

- Sao ông biết?

- Tôi có một nhân chứng về điều đó, mà lời khai của người này thì đến chính ông cũng khó lòng phủ nhận được.

- Hãy đưa hắn ta ra đây, nếu không thì ông cút đi.

- Tôi sẽ đưa ông ta ra ngay, ông ta có mặt tại đây, ông Maxơn, xin ông vui lòng bước lên cho.

Nghe thấy tên đó, ông Rôchextơ nghiến răng lại, người ông rung chuyển dữ dội, đứng sát bên ông, tôi cảm thấy toàn thân ông run lên bần bật vì giận dữ hoặc tuyệt vọng. Người khách lạ thứ hai, từ nãy vẫn đứng ở phía sau, bây giờ mới tiến lại gần, một bộ mặt tái xanh ngó qua vai ông luật sư - phải, đúng là Maxơn. Ông Rôchextơ quay lại, trừng mắt nhìn hắn ta. Mắt ông - như tôi thường nói - vốn đen láy, thế mà bây giờ trong con mắt u tối đó lóe lên một ánh sáng hung hung, không, đúng hơn, là nhuộm màu máu. Mặt ông bừng đỏ, gò má và vừng trán nhợt nhạt như bỗng nhuốm một ánh lửa bốc lên và lan đi từ trái tim và ông nhấc cánh tay mạnh mẽ, tưởng như sắp đánh Maxơn... sắp quật hắn ta xuống sàn nhà thờ... sắp đập không thương hại cho hắn chết tươi ngay - nhưng Maxơn đã lùi lại và kêu lên, giọng yếu ớt: "Trời ơi!". Sự khinh bỉ làm cho ông nguôi cơn nóng, nỗi giận dữ tan đi như do phép lạ, ông chỉ hỏi:

- Anh muốn nói gì?

Một câu trả lời lí nhí thoát ra từ đôi môi nhợt nhạt của Maxơn.

- Nếu anh không trả lời được rõ ràng thì quỷ bắt anh đi. Tôi hỏi anh một lần nữa, anh muốn nói gì?

- Ông ơi, thưa ông - vị tu sĩ ngắt lời - xin ông đừng quên là ông đang ở nơi đất thánh - Đoạn quay lại Maxơn, ông nhẹ nhàng hỏi: "Thưa ông, ông có rõ bà vợ của vị này còn sống hay không?".

- Can đảm lên! - ông luật sư thúc giục. - Cứ nói ra đi.

- Hiện nay vợ ông ấy còn sống ở lâu đài Thornơfin - Maxơn nói rõ ràng hơn trước. - Tháng tư vừa rồi tôi có gặp cô ấy ở đó, tôi là anh cô ấy.

- Ở lâu đài Thornơfin? - Vị tu sĩ kêu lên! - Vô lý! Ông ạ, tôi ở vùng này đã lâu rồi, mà có hề nghe nói bà Rôchextơ sống ở lâu đài Thornơfin đâu?

Tôi thấy ông Rôchextơ khẽ nhếch môi cười gằn, ông lẩm bẩm:

- Không, lạy Chúa! Tôi đã giữ gìn cho không một ai nghe nói đến nó... hay nghe nói đến nó với cái tên ấy.

Ông nghĩ ngợi - trong mười phút ông suy tính một mình, rồi ông quyết định và nói:

- Thôi, để cho chuyện vở lỡ tung ra, như quả trái phá thoát khỏi nòng súng. Ông Ut, xin hãy gấp sách lại, và cởi áo lễ ra. Jôn Grin (ông bảo người phụ lễ) anh về đi thôi. Hôm nay không có cưới xin gì cả.

Người phụ lễ vâng lời. Ông Rôchextơ nói tiếp, vẻ táo bạo và phóng tâm:

- Đa thê là một chữ rất xấu! Thế mà tôi lại định làm một người đa thê, nhưng số mệnh đã phá vỡ dự định của tôi, hoặc Chúa đã ngăn trở tôi, nói như thế có lẽ đúng hơn. Lúc này tôi xấu xa không kém gì một con quỷ, và hẳn là cha mẹ mục sư của tôi đây sẽ bảo tôi rằng đáng phải chịu những phán xử nghiêm khắc nhất của Chúa, đáng chịu lửa thiêu hỏa ngục hoặc bị đọa đầy vĩnh viễn. - Thưa các ông, kế hoạch của tôi thế là vỡ hết! Điều ông luật sư này và thân chủ ông ta nói là đúng, tôi đã có vợ và người vợ mà tôi đã lấy hiện nay còn sống? Ông Ut, ông bảo rằng không hề nghe nói có một bà Rôchextơ nào sống ở tòa nhà trên kia, nhưng tôi dám chắc ông đã nhiều lần để lọt vào tai những lời bàn tán về một người điên bí mật, bị giam cầm ở đó. Có người đã xì xào với ông rằng đó là một người chị em khác mẹ của tôi, có người lại bảo là tình nhân bị tôi ruồng rẫy. Bây giờ tôi xin nói ông rõ người đàn bà ấy là vợ tôi, mà tôi đã lấy cách đây mười lăm năm - Tên là Bectha Maxơn, em gái của con người cương quyết này, mà chân tay run lẩy bẩy và cặp má nhợt nhạt hiện đang chứng tỏ cho ông thấy một người tâm hồn dũng cảm có thể chịu đựng được những gì. Này Đic, hãy vui vẻ lên... đừng bao giờ sợ tôi nữa? Thà tôi đánh một người đàn bà còn hơn đánh anh. Bectha Maxơn điên, cô ta sinh trong một gia đình điên, đã ba đời gồm toàn những người ngu xuẩn, mất trí. Mẹ cô ta, người đàn bà da trắng sinh ở thuộc địa ấy, vừa điên lại vừa nghiện rượu! Sau khi cưới cô gái rồi tôi mới khám phá được điều đó, vì trước đó họ giữ kín mọi điều bí ẩn của gia đình. Bectha thực là một cô gái có hiếu, cô ta học tập được ở mẹ cả hai đức tính trên. Tôi đã được một người bạn đời duyên dáng, trong trắng, khôn ngoan, khiêm nhường quá, các ông có thể tưởng tượng tôi là con người sung sướng thế nào. Tôi đã sống qua những cảnh thật là phong phú! Ồ, giá thử các ông biết được kinh nghiệm thiên đàng của đời tôi! Nhưng tôi không bắt buộc phải phân giải kỹ hơn nữa. ông Bric, ông Ut, ông Maxơn, tôi mời các ông cùng lên trên nhà để thăm bệnh nhân của cô Grêxơ Pun và thăm vợ tôi! Các ông sẽ thấy tôi đã bị lừa mà lấy phải một cái giống gì, và rồi ông sẽ xét định tôi có quyền hủy bỏ cái hợp đồng ấy đi hay không, để tìm sự cảm thông ở một người có nhân tính hơn. Người con gái này - ông nhìn tôi, nói tiếp - không biết gì hơn ông, ông Ut ạ, về sự bí mật ghê tởm ấy đâu, cô ta tưởng mọi sự đều tốt đẹp và hợp pháp và không bao giờ nghĩ rằng mình sắp bị sa vào bẫy, tức một cuộc hôn nhân giả dối với một kẻ lường gạt khốn nạn, đã lấy một người vợ xấu xa, điên dại, u mê như súc vật. Mời tất cả các ông đi theo tôi.

Tay vẫn nắm chặt tay tôi, ông rời khỏi nhà thờ, ba người kia theo sau. Chúng tôi thấy xe ngựa đỗ trước cửa chính của phòng khách.

- Đánh vào nhà xe đi, Jôn! - ông Rôchextơ lạnh lùng nói, - hôm nay không cần đến nữa.

Lúc chúng tôi bước vào nhà, bà Fefăc, Ađen, Xôphi, và Li tiến đến đón chào và chúc tụng chúng tôi.

- Lùi ra hết đi! - Ông chủ tôi quát lên. - Chúc với tụng cái gì. Ai cần chúc tụng? Tôi chẳng cần đâu. Lời chúc tụng bây giờ là muộn mất mười lăm năm rồi!

Ông đi qua mặt họ, bước lên cầu thang, vẫn nắm tay tôi và ra hiệu cho ba người khách đi theo. Chúng tôi lên tầng thứ nhất, qua hành lang, và lại lên tầng nữa. Ông Rôchextơ lấy chìa khóa riêng mở một cánh cửa đen thấp, và đưa chúng tôi vào một gian buồng có căng thảm, kê một cái giường lớn và một cái tủ chạm mà tôi nhận ra ngay.

- Maxơn, anh biết chỗ này rồi, - ông Rôchextơ nói. Cô ta đã cắn anh và đâm anh ở đây.

Ông vén màn buông rủ ở tường, để lộ ra một cánh cửa thứ hai, ông mở nốt cửa này. Trong một căn buồng không có cửa sổ, một ngọn lửa cháy trong lò sưởi, một tấm lưới sắt chắc và cao chắn bên ngoài, một ngọn đèn treo trên trần bằng một dây xích. Grêxơ Pun cúi mình trên lửa, hình như đang nấu nướng gì trong một cái chảo. Cuối buồng, trong bóng tối âm u một hình thù đang chạy đi chạy lại. Thoạt nhìn người ta không thể nói được đó là cái gì, là người hay vật. Hình như nó lổm ngổm bò bốn chân, nó cào mặt đất và gầm gừ như một con thú dữ kỳ quái, nhưng nó lại có vận quần áo, và một mớ tóc sẫm màu, đốm bạc, tơi bời như một cái bờm ngựa, che kín cả đầu và mặt nó.

- Chào chị Grêxơ Pun! - ông Rôchextơ nói, - mạnh khỏe chứ? Bệnh nhân của chị hôm nay thế nào?

- Cũng khá, thưa ông, cám ơn ông! - Grêxơ Pun trả lời, chị cẩn thận nhấc cái món đặc sệt đang sôi của chị đặt bên cạnh lò sưởi - chỉ hơi cằn nhằn không lên cơn.

Một tiếng thét the thé như muốn phủ nhận câu nói lạc quan của chị ta. Con sói bận quần áo ấy vùng dậy và đứng lênh khênh trên hai chân sau.

- Ấy, thưa ông, bà ấy trông thấy rồi đó! - Grêxơ kêu lên, - ông không nên ở lại đây nữa.

- Tôi chỉ đứng một lát thôi, chị Grêxơ ạ, chị cho tôi ở lại vài phút.

- Vậy thưa ông, xin ông cẩn thận! Lạy Chúa... xin ông cẩn thận cho!

Người điên rống lên, mụ gạt những món tóc lả tả trước mặt và ngó trân trân những người khách tới thăm một cách hung dữ. Tôi nhận ra cái bộ mặt tím bầm với những nét sưng mọng ấy. Chị Pun tiến lên.

- Tránh ra, ông ông Rôchextơ nói, gạt chị ta sang một bên, hiện giờ nó không có dao, phải không? Vả lại tôi đã đề phòng rồi.

- Thưa ông, chẳng bao giờ biết được trong tay bà ấy có gì, bà ấy ranh lắm, không ai dò được mưu mô của bà ấy đâu.

- Ta nên lánh đi thì hơn, - Maxơn thì thầm nói.

- Quỷ bắt anh đi? - Em rể ông ta đáp lại như vậy.

- Cẩn thận đó! - Grêxơ Pun kêu lên.

Cả ba người đàn ông cùng lùi lại một lúc. Ông Rôchetxơ gạt tôi sau lưng, người điên chồm lên vồ lấy cổ ông, muốn nhè má ông mà cắn, hai người vật nhau.

Mụ là một người đàn bà to lớn, vóc người cao gần bằng chồng, lại mập mạp nữa, trong cuộc vật lộn, mụ tỏ ra sức lực không kém đàn ông, nhiều phen tưởng chừng ông Rôchetxtơ bị mụ bóp chết nghẹt, dù ông rất lực lưỡng. Kể ra ông có thể giáng cho mụ một quả đấm nên thân, nhưng ông không muốn đánh, ông chỉ muốn nắm giữ mụ ta thôi. Sau cùng, ông tóm chặt được tay mụ, Grêxơ đưa cho ông một sợi dây thừng, ông trói mụ quặt ra sau lưng, rồi sẵn thừng ông cột mụ vào một chiếc ghế. Trong lúc bị trói, mụ la hét dữ dội, lồng lên giãy giụa. Sau đó, ông Rôchetxtơ quay lại phía những người đứng xem, ông nhìn họ, mỉm cười chua chát và đau đớn, nói:

- Đấy, vợ tôi đấy! Trong tình nghĩa vợ chồng, tôi chỉ được ôm ấp theo kiểu ấy thôi, chỉ có những cách vuốt ve ấy để an ủi tôi trong những giờ nhàn rỗi! Và đây là người tôi mong muốn được có (ông đặt tay lên vai tôi), người thiếu nữ đứng trước cửa địa ngục này vẫn giữ được thái độ bình thản, trang nghiêm điềm tĩnh nhìn con quỷ quay cuồng lồng lộn. Tôi cần đến nàng như cần đổi vị sau khi đã nếm món ăn cay đắng này. Ông Ut và ông Bric, hãy nhìn sự khác biệt, hãy so sánh đôi mắt trong sáng này với hai quả cầu đỏ tía kia, gương mặt này với bộ mặt nạ kia, dáng người thanh tú này với một cây thịt kia, rồi hãy phán xử tôi, hỡi vị tu sĩ của Chúa và con người của pháp luật! Xin hãy nhớ rằng, các ông phán xử thế nào thì rồi các ông sẽ được phán xử như thế. Thôi, bây giờ xin đi cả đi! Tôi cần đóng cửa kho tàng của tôi lại.

Chúng tôi lui ra hết. Ông Rôchetxtơ ở lại sau lưng chúng tôi một lát để dặn dò thêm chị Grêxơ Pun. Lúc xuống cầu thang, ông luật sư bảo tôi:

- Thưa cô, cô thì không có gì đáng trách hết, chú cô sẽ rất sung sướng khi được biết rõ cụ thể, nếu như... nếu như ông còn sống... đến khi ông Maxơn trở về Mađêra.

- Chú tôi. Chú tôi làm sao? ông quen chú tôi ư?

- Ông Maxơn quen, ông Erơ là đại diện giao dịch cho hãng buôn của ông Maxơn tại Fơnsan trong mấy năm. Khi chú cô nhận được thư của cô báo tin cô dự định kết hôn với ông Rôchextơ, thì ngẫu nhiên ông Maxơn cũng có mặt ở đó trên đường về Jamaica, ông đã lui lại ở Mađêra để dưỡng sức. Chú cô đem chuyện này nói với ông Maxơn, vì biết rằng vị thân chủ của tôi đây có quen một người tên là Rôchextơ. Ông Maxơn tất nhiên là rất kinh ngạc và đau lòng như cô thừa đoán được bèn nói toạc sự thực ra. Tôi rất tiếc phải nói rằng chú cô hiện nay đang nằm trên giường bệnh và cứ xem chừng những triệu chứng trầm trọng thì cũng khó lòng qua khỏi được. Do đó ông không thể đích thân đi sang Anh để gỡ cô ra khỏi cạm bẫy mà cô đã rơi vào, nên nhờ ông Maxơn tìm ngay mọi biện pháp ngăn ngừa cuộc hôn nhân, ông còn giới thiệu tôi giúp đỡ Maxơn. Tôi vội vã chuẩn bị, lấy làm mừng rằng thực là may mà tôi không đến quá chậm, chắc cô cũng vậy. Nếu tôi không tin chắc rằng chú cô sẽ mất trước khi cô tới được Mađêra, thì tôi sẽ khuyên cô cùng đi với Maxơn, nhưng, vì sự thể như vậy, nên tôi nghĩ tốt hơn là cô nên ở lại nước Anh cho đến khi cô được thêm tin tức về ông Erơ, hoặc do chính ông Erơ gửi cho cô.

Đoạn ông quay lại hỏi Maxơn:

- Ta còn có chuyện gì khác phải ở lại đây nữa không nhỉ?

Maxơn trả lời giọng lo âu: "Không, không ta đi thôi!" rồi chẳng đợi cáo từ ông Rôchextơ, hai người đi ra ngay qua cổng chính. Vị tu sĩ còn ở lại, nói vài câu, khuyên răn hay trách móc gì đó với người tín đồ kiêu ngạo thuộc xứ ông cai quản, xong nhiệm vụ ấy, ông cũng ra về nốt.

Lúc này tôi đã trở về buồng riêng, tôi nghe tiếng chân ông đi lúc tôi đứng bên cửa buồng hé mở. Khách đã về cả, tôi ngồi lì trong buồng, cài chặt then cửa cho không ai vào được không phải để khóc lóc hay than vãn gì, vì tuy vậy tôi vẫn rất bình tĩnh - nhưng để tự nhiên trút bỏ bộ đồ cưới và thay bằng chiếc áo dài vải tôi mặc hôm qua, mà tôi đã tưởng là mặc lần cuối cùng. Rồi tôi ngồi xuống, tôi cảm th 1cfb ấy mình yếu ớt mỏi mệt. Tôi khoanh tay trên bàn và gục đầu xuống đó. Bây giờ tôi mới suy nghĩ, cho đến lúc này tôi mới chỉ nghe, nhìn, cử động, bị lôi kéo lại, quan sát những sự việc, và khám phá ra những bí ẩn liên tiếp, nhưng bây giờ tôi mới thật suy nghĩ.

Sáng nay, nói chung là một buổi sáng khá yên tĩnh, trừ cảnh người điên làm dữ, câu chuyện ở nhà thờ cũng không ầm ĩ gì, không có ai nổi xung, không ai to tiếng, không ai tranh cãi, thách thức, khiêu khích, cũng không có ai khóc lóc, chỉ có vài lời qua lại, một câu nói bình tĩnh phản đối cuộc hôn nhân, vài câu hỏi ngắn và gay gắt của ông Rôchextơ, rồi trả lời, rồi giải thích, rồi viện chứng cớ, rồi ông chủ tôi thừa nhận sự thực, rồi mọi người nhìn thấy cái bằng chứng sống ấy, khách bỏ ra về, và thế là xong xuôi mọi sự.

Tôi lại ở trong buồng tôi như trước - vẫn chỉ là tôi, không có gì thay đổi hiển nhiên, nào có ai đánh đập, đâm chém gì cho tôi què cụt, ấy thế mà còn đâu là cô Erơ của ngày hôm qua? Đâu là đời cô? Đâu là những viễn tưởng về hạnh phúc.

Mới hôm qua đây là Jên Erơ còn là một cô gái say sưa chờ đợi - sắp làm cô dâu đến nơi - nay lại vẫn chỉ là một thiếu nữ cô đơn, lạnh lẽo? Đời cô thật là vô vị, tương lai cô thật đen tối. Giữa mùa hè mà bỗng có băng giá như vào tiết lễ Giáng sinh, giữa tháng sáu mà có bão tuyết như tháng chạp, băng giá làm cho nhũng quả táo chín cứng lại, tuyết vùi dập những bông hồng đang nở rộ, tuyết trùm lên những đồng cỏ và ruộng lúa như một dải khăn liệm, các lối đi đêm qua còn đầy hoa nở, thế mà hôm nay đã bị lấp dưới tầng tuyết phủ, không một dấu chân, những cánh rừng, mới cách đây nửa ngày, còn sum suê cành lá, ngạt ngào hương thơm, như những cánh rừng nhiệt đới, thế mà bây giờ trông mênh mông, quạnh quẽ, trắng xóa như những khu rừng phong xứ Na Uy giá rét.

Mọi hy vọng của tôi đều đã chết vì số phận trớ trêu, cũng như chỉ trong có một đêm, hết thảy những con đầu lòng của mọi giống trên đất Ai Cập(1) đều bị chết. Tôi nhìn lại những ước mong tha thiết, mới hôm qua còn rực rỡ huy hoàng, hôm nay đã như những thây ma giá lạnh, nhợt nhạt, không bao giờ còn hồi sinh được nữa. Tôi nhìn lại tình yêu của tôi, tình cảm đó thuộc về ông chủ tôi, chính ông đã tạo ra nó, nhưng nó run rẩy trong trái tim tôi như một đứa trẻ ốm o trong chiếc nôi lạnh lẽo, bệnh tật và lo âu đã hành hạ nó, nó không còn tìm được cánh tay ông Rôchextơ, không còn kiếm được nơi ấm ở ngực ông nữa. Ôi! Không bao giờ nó còn quay lại được với ông nữa, vì lòng tin đã bị tổn thương, đã bị hủy diệt. Ông đối với tôi không còn như trước nữa, vì ông không phải như tôi đã tưởng - tôi không muốn gán cho ông những tật xấu. Tôi không muốn bảo là ông đã lường gạt tôi nhưng nghĩ về ông, tôi không còn thấy là sự thành thực không chút vẩn đục nữa, và nhất định là tôi phải rời xa ông, tôi cảm thấy rất rõ điều đó. Nhưng rời xa khi nào... như thế nào... và vì đâu, tôi chưa có một ý niệm rõ rệt nhưng tôi tin rằng chính ông cũng muốn cho tôi đi khỏi Thornơfin. Hình như ông đã không thể có tình yêu chân thực đối với tôi, có chăng chỉ là một dục vọng thất thường và bây giờ đã bị trở ngại, ông chẳng còn cần đến tôi nữa. Ngay đến gặp ông bây giờ, tôi cũng e ngại, trông thấy tôi hẳn là ông phải ghét lắm. Ôi, sao tôi mù quáng đến thế! Sao tôi yếu đuối trong hành vi xử sự đến thế!

Mắt tôi mờ đi, bóng tối dầy đặc tràn ngập quanh tôi và bao nhiêu suy nghĩ ập đến như một dòng nước đen ngầu và hỗn loạn. Buông xuôi tay, không còn sức lực, tôi hình như ngả mình xuống giữa lòng một con sông lớn cạn nước. Tôi nghe thấy tiếng nước cuồn cuộn đổ xuống từ những ngọn núi xa xôi nào, và cảm thấy dòng nước sắp ào đến, nhưng tôi không còn chú ý để ngồi dậy, không còn sức lực để chạy trốn, tôi nằm lịm đi, chỉ mong sao được chết. Trong lòng tôi chỉ còn độc có một ý nghĩ lay lắt, là nhờ đến Chúa, nó trở thành một lời cầu nguyện thầm. Lời cầu nguyện đó vật vờ trong tâm tưởng âm u của tôi, tôi muốn được thốt lên tiếng thì thào, nhưng tôi không còn sức lực nói ra tiếng nữa:

"Xin Chúa đừng xa con, vì đau khổ đã gần con, chẳng có ai cứu giúp con hết thảy"(1).

Nó đã ở gần; và vì tôi không cầu trời ngăn nó lại, tôi không chắp tay, không quỳ gối, cũng chẳng hé môi, cho nên nó đến, thác nước đổ xuống tôi ào ào, dồn dập. Ý thức đầy đủ hoàn toàn về cuộc đời vô vọng, về tình yêu đã mất, về hy vọng bị dập tắt, về lòng tin đã bị tiêu tan, đè lên người tôi thành một khối nặng nề, hắc ám. Không thể nào mô tả được giờ phút chua chát ấy, thực ra "nước đã thấm vào tâm hồn tôi, ngập trên bùn sâu, chân tôi không chạm đất, tôi chìm sâu vào lòng nước, sóng tràn qua người tôi"(2).

 

 

 



1. Thời kỳ nội chiến trong lịch sử nước Anh là thời kỳ chiến tranh giữa phe Nghị viện và phe Quân chủ (1642-1652) trận Marxtơn Mua xảy ra ở Yorksơ (1644), phe Quân chủ bị thất bại (NXB).

1. Theo Kinh Thánh, Chúa Trời trong cơn thịnh nộ đã tiêu diệt trong một đêm "tất cả những con đầu lòng trên đất Ai Cặp", từ con đầu lòng của nhà vua ngự trị trên ngai vàng đến con đầu lòng của người nữ tỳ trong ngục thất, và tất cả những con đầu lòng của gia súc nữa (NXB).

1, 2. Lời trong một đoạn thánh thi (NXB).

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86021


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận