Ngày những vết thương bắt đầu kéo da non, dì Lan đưa tôi tới trạm y tế để họ cắt chỉ. Tôi vẫn chưa nói cho dì Lan nghe vì sao người tôi có những vết cắt này. Tôi không bao giờ có thể nói cho ai biết được tôi đã đâm tôi - hay đã đâm Chi, vào một đêm như thế nào, trong một căn phòng ở nơi nào. Tôi trả lời dì Lan:
"Con không nhớ."
"Mi nói thế ai tin mi."
"Chuyện này chết con cũng không nói được."
Dì Lan thở dài. Dì không hỏi nữa. Nỗi buồn của dòng giống tôi là đây: mỗi người có một câu chuyện chết không nói được. Chúng tôi đắm chìm trong những lòng sông buồn lặng, không bao giờ thực sự tìm thấy nhau.
Nhưng Chi không chịu nằm dưới lòng sông. Nó trồi lên, bơi về, đêm đêm. Ngày tôi vẫn phụ đong nếp, rọc lá chuối, trông quán, tối tôi vẫn ngủ trên bộ phản kê cạnh cửa sổ. Bên ngoài cửa sổ, cành lá của cây sầu đâu lớn luôn luôn nghiêng ngả êm đềm trong gió trên cao, hay trong mưa rớt từ trời, nhưng sự thanh bình không còn nữa. Chi về nói chuyện, bằng tiếng của lá, bằng tiếng của mưa và những cơn gió đêm không bao giờ ngủ. Tôi không hiểu lời Chi nói, nhưng tôi vẫn nghe, đêm đêm, tiếng của những đốt xương không mồ chôn và của tình yêu không mồ chôn đang trăn trở, đang chờ đợi tôi nơi nơi, ngoài sân, trong nhà, giữa trời đêm và trong lồng ngực.
Đêm đêm tôi nói chuyện với em tôi. Có khi Chi nói nó còn bé lắm, nó kêu tôi hát ru cho nó ngủ, vì ngày xưa mẹ hát chưa xong câu đã mang nó đi bỏ. Tôi hát trong giấc mơ, nhưng lời hát tắt ở giữa lưng chừng ngực, chỉ có những tiếng gọi u mê thoát ra ngoài giữa đêm lặng lờ đồng vọng. Có khi Chi múa cho tôi xem, khăn áo nửa đục nửa trong, mơ màng buông trôi, êm ái quấn quít lấy thân mình tôi, rồi kéo chặt làm tôi không thở được. Chợt chỉ còn mình tôi đang nằm lõa lồ, những dải lụa dài siết lấy tấm thân, giữa một nơi đầy hơi thở hàng trăm đàn ông lạ, mắt tôi bị bịt không thấy gì, chỉ có bóng đêm.
Tôi thức giấc, đầy sợ hãi. Tôi sợ những giấc mơ, không dám ngủ lại. Tôi không dám thức, sợ Chi sẽ đến ngồi nơi đầu bên kia của tấm phản, buông mái tóc ma lỵ xuống hai vai, u uất nhìn tôi bằng cặp mắt của chính tôi. Bên ngoài, gió vẫn không ngủ trên đầu ngọn sầu đâu cành mềm. Tôi nhớ có người nói nếu đêm nằm thấy ác mộng, hãy đem một con dao theo người lúc đi ngủ. Tôi ra bếp lấy con dao đem vào để dưới gối. Tôi mơ màng giữa tỉnh và mê. Một lúc, tôi sợ lỡ mình chưa đi lấy dao thì sao, biết đâu con dao chỉ mới nằm trong ý nghĩ, hay biết đâu nó không còn đó, vì một lý do nào tôi chẳng biết. Tôi thò tay xuống gối. Con dao vẫn còn đó. Tôi nắm con dao trong tay, để ngủ được yên lành.
Buổi sáng, tay tôi có máu, vài giọt thấm ra áo gối. Tôi đã nắm lưỡi dao quá chặt, nó cắt vào mấy ngón tay tôi, trên những vết thương chưa lành, mà tôi không hay. Tôi sợ dì Thư biết, lén chùi máu trên phản, rửa dao, tôi giặt áo gối bằng tay trái, phơi trên hàng rào sân sau, ở một góc khuất.
Nhưng dì Thư vẫn biết. Dì không cho tôi rọc lá chuối nữa. Dì cũng không rọc, dì mua lá đã rọc sẵn ở chợ. Dì mang rau và thịt cá sang nhà hàng xóm thái. Ở nhà không còn một con dao, một tấm gương, một cái ly thủy tinh nào, dì đã mang đi gửi hết. Tôi nói tôi chỉ giấu dao dưới gối để đuổi ác mộng, chứ không định tự tử. Dì Thư nói dì tin tôi, nhưng dì vẫn không dám để những thứ sắc bén trong nhà.
Dì Thư gọi dì Lan sang. Hai người nói chuyện về tôi hết một buổi chiều. Dì Lan nhờ cô thợ may đến nhà nói với dượng là dì ở lại nhà dì Thư đến tối. Chúng tôi ăn cơm muộn. Dì bưng bát cơm, nhìn tôi lại khóc. Tôi không biết vì sao. Vì tôi nắm con dao ngủ, hay vì dì nhìn tôi và nghĩ là Chi đang ngồi đó, đang ăn cơm như người còn sống?
Dì Thư khuyên đưa tôi đi bác sĩ, nhưng dì Lan lắc đầu. Tôi nói:
"Con có bệnh gì đâu mà sao lại đi bác sĩ? Con hoàn toàn khỏe mạnh mà."
"Dì không có nói con bệnh. Con ngủ thường mê sảng, la hét trong đêm. Tay con vết thương chưa lành, đã có vết cắt mới, dì nghĩ con cần đến bác sĩ khám."
Tôi xin phép đứng dậy. Tôi mang bát đũa của tôi ra nhà sau, rồi thay áo đi ngủ sớm.
Tôi nằm trên phản, ngước nhìn lên ngọn sầu đâu bên ngoài cửa còn in bóng trên bầu trời chưa tối hẳn. Tôi vừa sợ Chi, vừa thương nhớ em tôi. Tôi chỉ còn có Chi.
Tôi yêu mẹ. Nhưng mẹ chỉ là một chiếc bóng. Mẹ không chịu đựng nổi những mất mát quá lớn, nên thôi thà không có một cuộc đời, còn hơn có một cuộc đời quá nhiều hao hụt. Mẹ không dám đứng soi gương, nhìn thấy gương mặt mình, cùng những nỗi buồn và ước mơ bên trong. Mẹ đi qua cuộc đời lặng lờ, thấp thoáng, không dám bước mạnh chân, nói to tiếng. Mẹ không dám mua một thỏi son hồng, một chiếc khăn tay có thêu hoa để chặm nước mắt, một quyển sổ để viết những câu chuyện của riêng mình. Mẹ không dám thực sự có mặt trong cuộc đời của mẹ. Mẹ chờ tôi lớn, chờ tôi sống thay cho mẹ, thành công thay cho mẹ, hạnh phúc thay cho mẹ. Mẹ hy sinh hết cho tôi, và sự hy sinh đó, sự chờ đợi đó làm cho tôi oằn xuống rồi gãy đôi. Nó xảy ra rồi mẹ vẫn không biết tôi đã gãy đôi. Mẹ vẫn không hiểu cuộc đời như mẹ chưa từng hiểu nó một lần nào.
Chỉ có Chi hiểu tôi tận cùng. Tôi chỉ còn có Chi. Nhưng Chi tàn ác, Chi không nương tay, không cho phép tôi vùi mặt vào nỗi buồn, vào số phận, vào một mai sau nào vị tha quên hết ưu phiền. Chi bắt tôi mở to mắt nhìn cuộc đời dù tôi có đủ hồn phách để hiểu cuộc đời hay không. Chi bắt tôi vùi dập thân mình, để tàn phá cuộc đời đó, đập vỡ mặt trăng, để sự thật được hiểu đúng vào lúc nó trở thành những mảnh vụn. Để Chi cũng sẽ trở thành bụi cùng với những mảnh vỡ của mặt trăng. Chi sẽ đi, khi câu chuyện của nó, nỗi buồn của nó, sự thật của nó đã được hiểu. Dù trong một giờ tan tác nhất. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Chi còn ở đây làm gì, đâu có ai yêu em đâu. Trong suốt hai mươi hai năm, mẹ đã không nhắc đến Chi một lần nào. Trong căn nhà của mẹ không có một dấu vết gì của Chi. Người thỉnh thoảng vào những đêm mồng một trăng non thắp ngọn đèn dầu cho Chi là dì Lan, người nhờ Mai hỏi thăm cha về cái chết của Chi là dì Lan. Tại sao là dì Lan chứ không phải mẹ? Vì dì Lan đã đem Chi đi vất. Vì mặc cảm tội lỗi lâu bền hơn tình yêu, vì nỗi hoang mang, lo sợ dai dẳng hơn tình yêu. Ngọn đèn dầu đốt cho Chi còn sáng là vì chưa có ai giải tội cho dì Lan, chứ không phải vì tình yêu dành cho Chi chưa tắt. Tại sao nuôi dưỡng hồn ma bằng sự lo sợ, bằng tội lỗi, bằng hối hận và oan khiên của người khác? Chi phải đi, Mai sẽ tìm mọi cách để đuổi Chi cho dù Mai phải một trăm ngày không ăn cơm hay trầm mình giữa sông Hương, làm sao cho Chi không còn nơi trú ngụ.
Dì Lan đưa tôi lên chùa. Sư cho tôi mặc áo tràng, quì dưới đất, nơi chân ghế của ông. Ông đặt chiếc mõ bằng gỗ lên đầu tôi, rồi gõ vào đó tụng niệm. Tiếng mõ vang dội trong đầu, làm rùng mình từng chân tơ kẽ tóc, từng mạch máu, từng đường đi của dây thần kinh. Nhưng Chi vẫn không nghe thấy, ba ngày nó vẫn không nghe. Dì Lan đưa tôi đến một ngôi chùa khác, rồi một ngôi chùa khác.
Sư ông nói cửa Phật không mở ra để trừ ma đuổi quỉ. Chỉ mong những oan hồn nghe tiếng chuông thì sầu hận lắng xuống, rũ bỏ dục vọng, xa lìa trần thế. Dì Lan lập đàn cầu siêu cho Chi. Dì gửi tôi ở lại chùa nghe kinh công phu ban chiều. Chùa có một cái chuông lớn, tiếng ngân lan khắp một khúc sông, một thôn làng, một cánh đồng bát ngát. Nhưng nó vẫn không làm rung được niềm từ tâm trong lồng ngực của Chi. Tôi đứng tựa cửa chùa chắp tay nghe kinh, lòng ước mơ về một cõi bình yên an tĩnh, nhưng tôi chỉ là một người đứng tựa cửa, Chi chỉ là một người đứng tựa cửa. Không có chỗ cho chúng tôi trong thiên đường này.
Những đêm sau đó, tôi bị sốt. Tôi không nhớ tôi đã ăn cháo, uống thuốc, chiêm bao ra sao. Tôi chỉ nhớ mỗi lần tôi mở mắt ra tôi đều thấy trời mưa. Mưa suốt ba ngày, hay một tuần, và tôi mênh mang chìm nổi trong một thứ ý thức mong manh, thời gian trôi rất chậm, hoặc là không trôi nữa.
Rồi tôi khỏi ốm. Dì Thư gội đầu cho tôi. Buổi sáng trời thôi mưa, dì Lan đến đưa tôi lên một thôn trên đường đi Tam Giang, dì Thư cũng đi cùng. Không ai nói đi đâu, tôi cũng không hỏi. Tôi biết lần này không phải là một ngôi chùa nào nữa. Tiếng chuông ban chiều ngân vọng khắp cánh đồng bát ngát đã không làm nỗi buồn đã kết tinh thành Chi nhắm mắt buông lơi thân mình vào thinh không, tan vào trong gió như tiếng chuông tĩnh mịch hơn cả sự yên lặng này.
Không còn lời của trầm hương. Chỉ còn nỗi phũ phàng.
Chúng tôi xuống xe ở giữa đường, đi vào những lối nhỏ. Dì Lan hỏi thăm đường đến nhà một thầy pháp. Mấy người ở đầu ngõ chỉ đường xong, cứ nhìn chúng tôi mãi. Đi được một đoạn đường cát trắng và lá dương khô, dì Lan chùng bước. Dì đứng lại nói với tôi:
"Hay là mình quay lại đường cái đón xe quay về?"
Mắt dì đỏ, từ nãy giờ dì khóc mà tôi không biết. Tôi nói:
"Chưa đuổi được Chi thì con không về."
Tôi đứng trước bàn thờ trập trùng những bức tượng lạ. Thầy pháp đặt một cái đĩa nhỏ lên đầu tôi, trên có một lá bùa. Ông châm lửa đốt. Tro từ đầu lá bùa bay xuống tóc. Trong tro còn một chút than hồng, làm cho tóc cháy, dù lửa không thành ngọn. Thầy pháp vẩy nước cho nó tắt. Tôi nghe mùi khói, mùi tóc cháy, mùi rong lẫn trong nước. Thầy pháp nắm tay tôi dắt ra ngoài. Trong khoảng sân nhỏ ông bôi máu lên tóc tôi mới gội, lên hai cánh tay trần, lên áo dì Thư mới may cho tôi. Sáng nay hình như họ đã giết một con chó.
Thầy pháp chắp những cành dâu tằm còn lá tươi vừa niệm chú vừa đánh tôi. Tôi nhận lấy cái quất đầu tiên. Cái đau lạ lùng làm tôi muốn gục xuống. Cái đau không sắc nét, không phải từ da thịt, như thể cái roi dâu đã không quất xuống lưng, hay vai. Nó quất xuống một nơi nào khác tôi không biết, tôi không biết có một nơi như thế trên thân thể hay trong tâm trí mình. Tôi không muốn gục. Tôi lấy hết sức vùng bỏ chạy trong khi thân thể tôi vẫn còn đứng lại, tiếp tục nhận những cái quất tiếp theo đó. Tôi ở bên ngoài, nhìn người ta đánh Chi, vì tôi biết em tôi còn ở trong tôi. Nó ương ngạnh, không gục, không lui, nhưng người nó co lại mỗi khi các cành dâu quất xuống. Tôi nghe tiếng nó kêu la, và nước mắt chảy không ngừng. Tiếng kêu của Chi làm cho tâm linh tôi rát buốt. Và lần này thì nỗi đau sắc nét, như những vết cắt bằng dao có ánh thép xanh ngăn ngắt. Tôi không còn hơi thở, không còn cảm giác, không thấy buồn, chỉ thấy buốt. Nó còn khóc bằng đôi mắt của tôi, nên người ta còn đánh nó. Và nước mắt của nó - của tôi, cứ còn chảy mãi.
Rồi tôi gục, dù tôi ở bên ngoài và những cành dâu kia không quất xuống tôi. Tôi gục vì tiếng kêu oan hờn buồn thảm của em tôi. Tôi không biết Chi có hiểu vậy không. Khi tôi gục xuống, cùng lúc tiếng kêu của nó tắt đi, dòng nước mắt tắt đi, tấm thân ở ngoài kia ngã xuống. Mọi thứ đều chợt im lìm tắt ngấm. Dì tôi chạy lại. Mọi người dìu tấm thân vừa ngã xuống vào chiếc giường tre. Giữa tôi và họ có một làn kính, tôi trông thấy, nhưng không nghe âm thanh từ phía bên kia. Tôi thấy dì tôi ngỡ ngàng không tiếng động, khóc than không tiếng động, và tôi nằm đó không tiếng động.
Hai dì đưa tôi về, như thế nào, tôi không nhớ. Tôi bị ốm. Dì Lan nấu cháo cho tôi ăn. Tôi nghĩ đó là thứ cháo người ta ăn ở gian phòng cuối của địa ngục trước khi đầu thai, để quên đi kiếp trước, quên đi đày đọa. Tôi ăn thấy cháo đăng đắng. Trong suốt một tuần thứ gì tôi động tới cũng mằn mặn, đăng đắng như có pha nước mắt của Chi. Tôi ăn nước mắt của Chi, uống nước mắt của Chi, để mà quên nó. Nước mắt là một bài thuốc, tôi không biết sao? Dùng ưu phiền để trị ưu phiền, dùng thương nhớ để xô tôi rơi vào quên lãng, mất mát, mù khơi. Tôi ăn xong phần cháo dành cho mình, thì mới đầu thai trở lại kiếp người được. Để làm gì? Tôi hỏi dì Lan, có phải dì hứng nước mắt của Chi rồi nấu cháo, pha trà cho tôi không. Dì Lan nói tôi sốt cao, nói chuyện nghe lạ. Rồi dì Lan khóc, dì khóc làm mắt tôi cũng mờ đi, thế giới nhạt nhòa, không còn nét.
Tôi đã ăn cháo quên hết một tuần. Và Chi đã đi thật rồi.