Từ đó, lúc nào cô cũng có chút gì đấy để ăn, khi nhiều khi ít, tùy hàng xóm láng giềng có gì và nhường bớt được bao nhiêu. Cô đã có một 'mái nhà' che nắng che mưa, giường nệm hẳn hoi; khi gặp trời lạnh, cô bé cũng đã có lò sưởi. Nhưng điều quan trọng nhất là: cô có nhiều bạn tốt.
Ta có thể nghĩ rằng vì Momo may mắn nên mới gặp được những con người tốt bụng như thế. Chính Momo cũng nghĩ y vậy. Nhưng ngay cả hàng xóm láng giềng của cô cũng sớm nhận thấy rằng họ may mắn chẳng kém gì cô. Ai cũng thắc mắc không hiểu sao hồi chưa quen biết cô họ đã có thể chung sống hòa thuận với nhau. Để rồi họ nghiệm ra rằng càng chung sống lâu với Momo thì họ càng không thể thiếu cô. Họ thấy cần Momo. Họ cần Momo đến nỗi luôn nơm nớp lo sợ một ngày nào đó cô sẽ bỏ đi biệt tăm biệt tích.
Vì thế mà Momo luôn có nhiều người đến thăm. Hầu như lúc nào cũng có người tìm đến nói chuyện nghiêm túc với cô. Ai không tự đến được thì nhờ người mời Momo. Còn ai chưa thấy cần Momo sẽ được nghe mọi người bảo: "Đến gặp Momo đi!".
Câu này dần dà trở thành một thứ thành ngữ quen thuộc của những người sống quanh nhà hát lộ thiên cổ. Giống như ta nói: "May mắn nhé!" hay "Ăn ngon nhé!" hay "Có Trời biết!" thì họ toàn nói: "Đến gặp Momo đi!".
Sao thế nhỉ? Phải chăng Momo thông minh ngoài sức tưởng tượng khiến cô có thể cho bất cứ ai một lời khuyên tuyệt hảo? Hay cô luôn tìm được lời lẽ thích hợp cho những ai cần được an ủi? Hay cô biết cách phân xử sáng suốt và công bằng?
Không! Giống như mọi đứa trẻ khác, Momo không có những khả năng ấy.
Vậy chắc Momo có tài vặt khiến người ta trở nên vui vẻ? Hay cô hát tuyệt hay? Hoặc cô biết chơi một nhạc cụ nào chăng? Hay cô biết múa nhào lộn như trong gánh xiếc?
Không, cũng không phải như thế.
Hay là Momo có tài phù phép? Chẳng hạn cô biết một câu thần chú bí ẩn nào đấy xua được mọi nỗi lo âu và quẫn bách chăng? Hay cô biết xem chỉ tay, biết bói đoán tương lai hậu vận hên xui, may rủi?
Cũng không luôn.
Điều Momo làm được, khác hẳn mọi người, đó là: biết lắng nghe.
Thế có gì đặc biệt đâu nào, hẳn một số bạn đọc sẽ nói. Ai mà chẳng biết lắng nghe!
Nhầm to! Chỉ một số người biết cách lắng nghe thôi. Còn cách Momo lắng nghe thì trên đời này chỉ có một là thôi!
Momo biết cách lắng nghe khiến ngay cả những kẻ ngốc ngh ếch cũng đột nhiên nảy ra ý nghĩ khôn ngoan. Không phải vì cô biết cách trò chuyện, hỏi han khiến họ có được những ý kiến ấy, không, cô chỉ ngồi lắng nghe thôi, chăm chú lắng nghe với đầy thiện cảm. Lúc đó cô mở đôi mắt to đen thẫm nhìn người đang trò chuyện với mình, thế là người ấy chợt thấy tư tưởng trào dâng, những tư tưởng mà người ấy không ngờ nổi rằng vốn sẵn có trong tâm trí mình.
Momo biết lắng nghe đến nỗi những kẻ vốn luôn hoang mang do dự cũng đột nhiên biết rõ mình muốn gì. Hay những kẻ nhút nhát bỗng cảm thấy thoải mái, mạnh dạn hẳn. Hay những người đau khổ, trở nên vui vẻ lạc quan. Hoặc có ai đó nghĩ rằng đời mình kể như bỏ đi, mình chẳng nên trò trống gì, mình chỉ là một trong hàng triệu người, chẳng có gì đáng kể, không khác một cái nồi thủng bỏ đi lúc nào cũng được; người đấy chỉ cần đến tìm Momo, kể hết sự tình, thì ngay trong lúc đang kể lể, lạ lùng sao, người ấy liền cảm thấy rõ rằng mình đã nhầm to, rằng trong muôn người mới có được độc nhất một người như mình thôi; thế là người ấy, hiểu theo cách của mình, sẽ thấy mình quan trọng hẳn đối với thế giới này.
Momo biết cách lắng nghe như thế đấy!
Một ngày nọ có hai người đàn ông đến tìm cô trong nhà hát lộ thiên. Họ đã cãi nhau kịch liệt và, tuy là láng giềng, không còn muốn nói chuyện với nhau nữa. Mọi người đã khuyên họ đến tìm Momo đi, vì láng giềng mà thù hận nhau thì thật không nên. Mới đầu họ khăng khăng không chịu, nhưng rồi miễn cưỡng làm theo.
Giờ đây họ ngồi trong nhà hát lộ thiên, mỗi người một góc trên hàng ghế đá, mặt mày sưng sỉa nhìn tận đâu đâu, câm lặng và thù địch.
Một người là anh chàng thợ nề đã đắp cái bếp lò và sáng tác bức tranh hoa cho 'phòng khách' của cô. Anh tên là Nicola, khỏe như vâm, có bộ ria mép đen vểnh lên như sừng bò. Người kia tên là Nino, gầy còm, lúc nào cũng mệt mỏi. Nino thuê lại quán rượu nhỏ sát ngoại ô mà phần lớn khách là dăm ba ông lão luôn ngồi suốt buổi tối bên cốc rượu duy nhất, khề khà kể lể những kỷ niệm xa xưa của họ. Nino và chị vợ to béo của anh ta cũng là bạn của Momo. Họ vẫn thường hay mang cho cô nhiều món ngon lành.
Thấy hai người giận nhau nên mới đầu Momo không biết nên đến với ai trước để họ khỏi phật ý; cuối cùng cô đã ngồi lên gờ sân khấu, cách đều cả hai, rồi hết nhìn người này lại ngó người kia, chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nhiều chuyện cần thời gian. Mà thời gian là thứ duy nhất Momo thừa thãi.
Ngồi chán chê rồi, chợt Nicola đứng lên nói: "Thôi, anh về. Anh đến đây là đã chứng tỏ thiện chí lắm rồi. Nhưng Momo ạ, như em thấy đấy, hắn ngoan cố. Anh còn chờ thêm làm gì nữa?"
Rồi anh ta quay đi thật.
"Ừ, xéo đi cho khuất mắt!" Nino gọi với theo. "Lẽ ra mày chẳng nên đến đây làm gì. Tao không làm hòa với phường gian manh!"
Nicola liền quay phắt, mặt phừng phừng lửa giận, đỏ như mặt gà chọi.
"Ai gian manh nào?" Anh ta vừa hùng hổ hỏi vừa đi trở lại. "Có giỏi nói lại xem nào!"
"Mày muốn tao nói bao nhiêu lần thì tao sẽ nói bấy nhiêu cho mà nghe!" Nino quát. "Mày cậy khỏe và hung tợn thì không ai dám nói toạc sự thật vào mặt mày à? Nhưng mà tao, tao sẽ nói cho mày và tất cả những ai muốn nghe điều đó! Phải, có giỏi cứ lại đây giết tao đi như mày đã có lần muốn!"
"Phải chi tao giết mày được!" Nicola gầm lên, hai tay nắm chặt. "Momo, em thấy đấy, hắn đúng là đồ nói láo ngậm máu phun người! Anh chỉ nắm cổ áo, lẳng hắn vào chậu nước rửa sau cái quán rượu tồi tàn của hắn thôi. Đến một con chuột nhắt rơi vào đấy cũng không chết đuối được."
Rồi anh ta quay qua Nino hét: "Đáng tiếc rằng mày vẫn còn sống nhăn như thế kia!"
Hai người không ngớt hùng hổ chửi bới mà Momo không hiểu chuyện gì đã khiến họ gay gắt với nhau đến thế. Dần dà mới hé ra: sở dĩ Nicola làm cái chuyện hành hung đáng xấu hổ kia chỉ vì trước đó Nino đã bạt tai anh ta trước mặt vài người khách. Và trước nữa lại vì Nicola định đập phá hết ly tách, chén đĩa trong quán của Nino.
"Làm gì có chuyện đó!" Nicola phùng mang trợn mắt nói. "Tao chỉ ném một ly cối duy nhất lên tường, mà cái ly đó đằng nào cũng đã nứt rồi!"
"Nhưng đó là ly của tao, đúng không?" Nino vặn lại. "Thành ra mày đâu có quyền ném!"
Nhưng Nicola lại nhất quyết rằng mình có quyền, vì Nino đã xúc phạm đến danh dự thợ nề của anh ta.
"Em có biết hắn nói gì về anh không?" Anh ta nói với Momo. "Hắn bảo anh không xây nổi bức tường nào cho thẳng thớm, vì anh say sưa tối ngày. Hắn còn bảo cụ tổ của anh đã như thế rồi, rằng cụ đã cùng xây ngọn tháp nghiêng của thành phố Pisa 1!"
"Ơ hay, Nicola," Nino đáp, "đó chỉ là đùa thôi mà!"
"Thế mà gọi là đùa được à!" Nicola gầm gừ. "Tớ không chịu được lối đùa nhả như thế."
Hóa ra Nino chỉ muốn trả miếng một trò đùa nhả của Nicola thôi. Chuyện như thế này: một buổi sáng kia Nino phát hiện trên cửa quán mình có mấy dòng chữ đỏ rực như sau: "Không nên trò trống gì thì mới làm chủ quán." 2Và Nino lại thấy câu đùa này chẳng hài hước chút nào.
Cả hai liền ra sức tranh biện trước mặt Momo xem câu đùa nào ý nhị hơn, để rồi lại cùng sửng cồ. Nhưng đột nhiên họ chấm dứt cãi nhau.
Momo mở to mắt nhìn họ và cả hai người đều không hiểu cô nghĩ gì. Cô cười thầm họ chăng? Hay cô buồn? Gương mặt cô không biểu hiện điều gì. Nhưng cả hai anh chàng bỗng dưng có cảm giác như vừa nhìn thấy khuôn mặt mình trong gương và họ liền lấy làm xấu hổ.
"Đúng," Nicola nói, "lẽ ra tớ không nên viết câu ấy lên cửa quán của cậu Nino ạ. Nhưng nếu hôm đó cậu chịu bán cho tớ một ly rượu vang, một ly duy nhất thôi, thì tớ đã không làm thế. Đằng này cậu từ chối, không rót rượu cho tớ; thế là không phải, đúng không nào? Tớ luôn trả tiền sòng phẳng m , đâu có lý do gì để cậu đối xử với tớ như thế?"
"Sao lại không!" Nino đốp lại. "Chẳng lẽ cậu đã quên vụ bức ảnh thánh Antonius rồi sao? Đấy, cậu biến sắc rồi kìa! Vụ ấy cậu đã lừa tớ hết nước hết cái, làm sao tớ chịu được."
"Tớ mà lừa cậu à?" Nicola nổi cáu, bứt đầu bứt tai nói lớn. "Ngược lại thì có! Cậu muốn bịp tớ mà không được đấy thôi!"
Hóa ra chuyện như thế này: trong cái quán nhỏ của Nino có một bức tranh vẽ hình thánh Antonius. Đó là bức hình màu Nino đã cắt từ một tờ họa báo nào đó rồi lồng khung, treo trên tường.
Một ngày nọ Nicola gạ mua bức tranh, bảo rằng thấy nó đẹp. Nino đã khéo mặc cả để Nicola chịu đổi chiếc radio của anh ta lấy bức tranh. Họ đồng ý trao đổi. Nino khoái trá cười thầm, và dĩ nhiên Nicola bị lỗ to.
Nào ngờ giữa bức tranh và bìa sau có một tờ giấy bạc mà Nino không biết. Bỗng dưng bị người khác chơi gian nên Nino đâm cáu. Anh ta đòi Nicola trả lại tờ giấy bạc, vì nó không thuộc vào món hàng trao đổi. Nicola không chịu, thế là Nino không bán rượu cho anh ta nữa. Họ cãi vã nhau vì thế.
Sau khi đã đi lần về tới gốc rễ của câu chuyện như thế thì cả hai liền lặng thinh một hồi lâu.
Rồi Nino hỏi: "Nicola, bây giờ hãy nói cho tớ biết một lần trung thực: trước khi hai ta đổi chác cậu có biết về tờ giấy bạc ấy không?"
"Dĩ nhiên là có, nếu không tớ đã chẳng đổi."
"Vậy cậu phải nhận rằng đã lừa bịp tớ."
"Tại sao? Chẳng lẽ cậu không biết gì về tờ giấy bạc ấy thật à?"
"Không, tớ thề danh dự."
"A! Rõ ràng là cậu muốn lừa tớ rồi. Bằng không thì sao lại đem cái mảnh giấy lộn đổi lấy radio của tớ, hả?"
"Thế tại sao cậu biết về tờ giấy bạc kia?"
"Tại hai ngày trước đấy tớ thấy một ông khách đã nhét vào đó cúng thành Antonius."
Nino cắn môi. "Nhiều không?"
"Bằng giá cái radio của tớ thôi, không hơn không kém," Nicola đáp.
"Bọn mình cãi nhau," Nino trầm ngâm nói, "hóa ra chỉ vì ông thánh Antonius mà mình đã cắt từ báo ra."
Nino gãi đầu. "Đúng thế thật," anh lẩm bẩm, "tớ sẵn sàng trả lại nếu cậu muốn, Nino."
"Đâu có được!" Nino long trọng đáp. "Đổi là đổi! Người quân tử đã bắt tay nhau đồng ý rồi là xong."
Cả hai người cùng chợt cười ồ. Họ leo những bậc đã xuống gặp nhau giữa bãi đất tròn mọc đầy cỏ dại. Họ ôm nhau, vỗ lưng nhau, ôm cả Momo nữa. Họ cùng nói: "Cảm ơn em gái!"
Lát sau, khi họ ra về, Momo còn bịn rịn vẫy theo mãi. Cô hài lòng thấy hai người bạn của mình lại thân mật như trước kia.
Lần khác có cậu bé đem đến một con chim hoàng yến không chịu hót để nhờ Momo. Cô thấy việc này thật khó hơn nhiều. Cô đã phải lắng nghe suốt một tuần lễ thì chim mới lại ríu rít líu lo.
Momo lắng nghe tất cả, từ chó mèo đến dễ và cóc nhái, thậm chí lắng nghe cả tiếng mưa gió trên cây. Mỗi loài đều có cách riêng của nó để trò chuyện với cô.
Có nhiều đêm, khi bạn bè đã ra về hết cả, cô vẫn còn ngồi một mình thật lâu trong nhà hát lộ thiên lớn hình tròn bằng đá này, dưới vòm trời lấp lánh sao, lắng nghe sự tĩnh lặng mênh mông.
Lúc ấy cô cảm thấy như ngồi trong một vỏ sò thật lớn, thả hồn lắng nghe thế giới của các vì sao. Momo như nghe thấy một khúc nhạc dịu dàng mà mãnh liệt, khiến lòng cô bồi hồi khác lạ.
Trong những đêm như thế cô luôn mơ những giấc mơ tuyệt vời.
- Và bây giờ nếu ai đó vẫn còn nghĩ rằng lắng nghe chẳng có gì đặc biệt thì xin mời, bạn hãy cứ thử xem có làm được như Momo không.
--------------------------------
1. Một thành phố ở Ý, nổi tiếng vì tòa tháp (xây vào thế kỷ 12) nghiêng do bị lún, hàng năm, thu hút rất nhiều du khách. Tương truyền nhà vật lý học thiên tài Galilei (1564-1642) đã lên tháp này thí nghiệm 'sự rơi tự do')
2. (Nguyên văn tiếng Đức: "Wer nichts wird, wird Wirt". Ba âm wird/Wirt (đều đọc như là việc) đi liền nhau. Đúng là chơi chữ! Tiếng Anh cũng có câu chơi chữ thật hay: "two to two to two two" (hai giờ kém hai phút tới hai giờ hai phút) - 6 âm 'tu' liên tiếp!)