Ý muốn được bùng tiết thôi thúc mạnh mẽ trong tôi. Đúng vậy, những bài giảng lan man đối với tôi thật vô nghĩa, giống như nước đổ lá khoai vậy.
Nghĩ là làm, tôi len lỏi theo những dãy bàn ghế trong giờ chuyển tiết để chuồn qua cửa sau. Và mọi việc đều chót lọt, hơn chục phút sau tôi đã an nhiên nằm dang tay thoải mái tận hưởng khí trời trên bãi cỏ sau triền đê.
Có đôi lúc tôi cũng nghĩ đến việc mình làm, nghĩ đến việc học lại thêm một mảnh dang dở, nghĩ đến ánh mắt buồn thảm của mẹ. Nhưng tôi lại gạt đi, bởi thực sự tôi không hề thích học. Những con chữ sâu xa, chuẩn mực như cào cào nhảy loạn mỗi khi tôi nhìn vô trang sách. Là một thằng con trai ưa khám phá, tôi chỉ thích giống như cha tôi, được lênh đênh, phiêu lưu trên những con sóng biển cả.
Sẩm chiều muộn, tôi ù về nhà khi đã thấy cơn đói reo lên trong bụng, ở khúc ngoặt trước con ngõ rẽ vào nhà, tôi chợt đứng sững lại khi trông thấy thầy Lâm dạy toán của tôi đứng đó. Dáng thầy gầy mảnh trong ánh hoàng hôn chiều tà trông hiu quạnh đến thắt lòng. Có lẽ là thầy đang chờ mình, tôi đoán vậy.
Dù không muốn nhưng tôi vẫn phải lê bước lại gần, không dám nhìn vào đôi mắt trũng sâu của thầy nên tôi cúi mặt, lí nhí:
- Em chào thầy!
- Chào em! Thầy mang cặp sách về cho em. - Tiếng thầy nhỏ nhẹ hơi khàn.
Tôi chờ nghe những lời trách mắng, những lời giáo huấn mà bất cứ thầy cô nào cũng sẽ làm đối với một đứa học trò luôn mắc lỗi như tôi. Nhưng thầy chẳng nói gì cả, chỉ mỉm cười thật hiền. Dạo gần đây thầy Lâm trông gầy và già đi khá nhiều, phải để ý lắm mới nhận ra những đường vàng vọt như hằn sâu trên những nếp nhăn.
Thầy nói bỗng nhiên muốn đi dạo, mong tôi cùng đồng hành trong tiết trời chiều êm dịu mà đẹp đến nao lòng này. Vậy nên hai thầy trò tôi cứ tản bộ thong dong hứng trọn những làn gió thơm mùi đồng nội dọc theo triền đê.
Tôi vẫn lặng im theo bước chân thầy, vì thầy không lên tiếng nên tôi cũng chẳng biết nói gì thêm. Chợt thầy đứng lặng, ánh nhìn xa xăm mông lung vượt trên những cánh đồng hoa ngút tầm mắt sang tận những bãi sậy ở bờ sông bên kia.
- Cuộc sống thật đẹp phải không em?
Hôm nay người thầy dạy toán của tôi thật lạ, những hành động ý nhị khiến đầu óc non trẻ, bồng bột trong tôi không tài nào thấu nổi. Tôi chỉ biết đưa mắt nhìn theo thầy qua dòng sông quê hương ngầu phù sa, những hàng lau sậy bờ bên cứ lay lắt, đùa bỡn theo cơn gió mát lành.
Thầy Lâm nói tiếp:
- Ước mơ của em là gì?
- Dạ? - Tôi ngần ngại gãi tai, bỗng dưng thầy lại hỏi đến ước mơ của tôi.
- Con người ai cũng phải có hy vong, ước mong. Được sống ở trên đời đã là một niềm hạnh phúc. Được sống mà có ước mơ, hoài bão và thực hiện được điều đó thì càng tuyệt vời hơn nữa. Em ạ!
Lời thầy thật ấm áp, tình cảm. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh, và lần đầu tiên trong đời tôi được giãi bày những mong ước lớn lao của tôi.
Thầy cứ dịu dàng, lắng nghe không một tiếng ngắt lời, không một cử chỉ sốt ruột. Khi đã trải lòng ra hết những tâm sự bấy lâu, tôi bỗng lại thắc mắc ngược rằng không hiểu thầy tôi trước đây, khi còn trẻ giống tôi thầy đã mơ ước điều gì.
Tiếng thầy Lâm lại vang vọng như rót vào tai tôi những lời vàng ngọc, câu nói mà sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời này, tôi sẽ còn nhớ mãi lời thầy trong ánh hoàng hôn đang lụi tàn. Câu nói ướm đượm cả hơi thở trời đất, mây gió ngày đó:
- Em biết không! Ước mơ nào cũng đáng quý, đáng trân trọng và đáng tự hào. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ta chọn cho mình hành trang gì trên bước đường gây dựng những ước mơ đó.
- Giang! Em lên bảng giải cho tôi bài này!
Tôi giật mình bừng tỉnh khỏi cơn mơ màng, mắt chớp chớp cố rũ cho sạch vẻ lờ đờ. Thầy Lâm đứng trên bục nghiêm khắc nhìn tôi, tay thầy cầm cán thước dài gõ lạch cạch lên bảng - nơi mấy con số toán học rồi ký tự loằng ngoằng đang nằm chình ình - rồi hắng giọng lặp lại yêu cầu.
Tôi không biết làm sao nữa, chỉ biết gãi đầu sồn sột, ngó bài toán đã phát ngốc lên được, ờ thì, sau cuộc trò chuyện “mùi mẫn” với thầy chiều hôm qua ấy, tôi cũng có nghĩ ngợi đôi chút. Lời thầy nói chí tình chí lý quá, mình không học hành cho đàng hoàng thì mai sau được cái trò trống gì cho đời chứ. Rồi cả kỳ vọng của mẹ, của ba... nhà thì nghèo, miệng ăn còn chả đủ thế mà cứ phải chắt bóp từng đồng cho cái thằng tôi ăn học... Nghĩ vậy, tôi hạ quyết tâm một lần, phải sống cho ra sống, học cho ra học. Nhưng rồi qua chưa mấy khắc, mùi nắng mới tinh tươm quện với hương lá non ngạt ngào ngoài kia và cộng thêm những tiếng giảng liên miên, đều đều như rót mật vào tai đã đánh gục tôi lúc nào chẳng hay. Quả tình không gật gà gật gù thì tôi nghe cũng có hiểu mô tê chi đâu.
Thất thểu ra về, tôi ẵm theo em ngỗng tổ chảng, chính ra cũng chẳng phải việc gì lạ lẫm cho cam. Khổ nỗi câu “tuyên án” xanh rờn, chắc nịch và đầy nghiêm túc của thầy Lâm mới khiến tôi đến giờ vẫn thấy nao nao và bí xị cả người: “Em quá mất căn bản rồi. Bắt đầu từ ngày mai tôi sẽ chính thức kèm riêng cho các em Giang, em...”
Thôi rồi tôi ơi, còn đâu những ngày xưa thân ái, thời gian tới đây ắt là những ngày tháng đày ải, khốn khổ cho coi. Mải lo lắng, tôi lê chân theo quán tính mà không chú ý xung quanh, bỗng vô tình lao sầm vào một bóng người phía trước.
Loạng quạng lùi lại. Tôi ớ người. Ra là thằng Vĩnh lớp phó học tập lớp tôi. Nó bị ngã bệt dưới đất và đang quơ quào nhấc mình dậy.
Tôi đưa tay định kéo nó lên kèm theo câu nói bông đùa mang ý thân thiện:
- Èo! Trai tráng gì dễ ngã quá vậy mày. Hôm nào qua nhà tao dượt cho mấy bài thể lực cho sung há mày!
Thế mà nó gạt phắt tay tôi ra, lồm cồm tự đứng dậy, xong vừa chỉnh trang lại bộ đồng phục vốn thẳng thướm, tỉnh tươm đã xô xệch đi chút ít vừa nhìn tôi bằng ánh mắt kẻ cả.
Cái thằng, mới thế đã làm bộ thấy sợ, tôi biết nó vốn không ưa thằng học hành chẳng ra gì như tôi. Nhưng nó tưởng tôi ưa nó chắc, cái cung cách lúc nào cũng trịch thượng, ra chiều học vấn cao luôn đóng mác con ngoan, trò giỏi như nó là mấy thằng dân dã chúng tôi ngứa mắt lắm. Nhà nó cũng chân lấm tay bùn như nhà tôi thôi, thế ấy mà cứ trông chúng tôi bằng con mắt nửa vời khó coi của nó, bảo sao tôi không gai mắt.
- Ngày mai tôi sẽ bàn với ban cán sự lớp về trường hợp của cậu. Dạo gần đây không những cậu học hành giảm sút làm ảnh hưởng đến thành tích chung của cả lớp mà còn có hành vi trái kỷ luật về việc đi trễ và trốn tiết. Thêm nữa với thái độ hành xử vô tâm nơi công cộng gây phiền toái cho người khác... - Thằng Vĩnh nói giọng đều đều, mắt nó quắc lên nhìn tôi hăm dọa.
- Mày... - Tôi vặn nắm đấm, sớm đã đang điên đầu sẵn, nghe nó nhỏ nhen lôi chuyện mình ra máu nóng tôi bốc lên phừng phừng. Răng nghiến kèn kẹt, tôi đương dấn tới định tống cho nó vài quả cho ngậm bớt cái miệng eo ẻo lại, thì chợt...
Một bàn tay nắm vai tôi kéo giật lại, tôi bực tức quay ngoắt đầu ra sau xem thằng nào mà lớn gan xía vô, không ngờ lại là thầy Lâm. Dường như mấy lúc gần đây thầy trở thành khắc tinh của tôi hay sao ý, hay chừng là có thù hằn gì mà cứ “ám” tôi ghê gớm.
Tiếng thầy vẫn nhẹ nhàng song rất uy nghiêm:
- Em còn chưa xin lỗi khi vô ý xô ngã bạn. Đó là phép lịch sự tối thiếu trước khi chúng ta nói sang chuyện khác em ạ!
Thấy thầy thằng Vĩnh dạ ran chào hỏi, nó bỏ ngay cái vẻ vênh vênh khi nãy mà thay bằng sự chừng mực thường trực trước mặt thầy cô.
Hừm. Tôi càng thêm bực tức. Môi mím chặt nén nỗi uất ức trong lòng. Xin lỗi nó á? Đời nào. Bây giờ tôi ghét lây cả thầy Lâm, thầy chỉ chăm chăm bắt lỗi và giáo huấn tôi mà thôi. Rõ rồi, nó là học trò cưng của thầy, thầy phải bênh nó chứ!
Tôi bướng bỉnh lắc đầu phản đối, mắt trừng trừng lườm thằng Vĩnh đến tóe lửa.
Thầy Lâm thở dài, siết mạnh vai tôi hơn - nãy giờ tay thầy vẫn giữ nguyên vậy.
- Xỉn lỗi bạn đi em!
Tôi muốn nhất mực phản kháng, muốn vùng thoát khỏi cái lề lối khuôn mẫu đang bóp nghẹt tôi đến tức thở lúc này, muốn vỡ bung sự giận dữ của mình ra... Nhưng rồi, ánh mắt ấy, ánh mắt của thầy... sâu trong đáy là những đốm sáng li ti hiển hiện một sự quyết đoán có thể trấn áp người khác và cũng lại tràn ngập thiết tha, khắc khoải và âu lo cứ nhìn tôi mong đợi, bất giác khiến tôi phải lúng túng lảng tránh. Sau cùng, vì quá áp lực từ cái nhìn của thầy tôi đành hậm hực mà lí nhí buông lời xin lỗi thằng Vĩnh.
Khi đó thầy Lâm mới khe khẽ thở phào, kêu thằng Vĩnh cứ đi trước, việc của tôi để thầy giải quyết. Còn mình hai thầy trò, lúc ấy thầy mới bảo tôi:
- Chắc em có nghe qua câu: “quân tử dụng ngôn chứ không dụng thủ” rồi? Nhớ đừng bao giờ giở vũ lực ra với người khác, nhất là bạn bè mình em nhé! Tự em khắc biết làm sao để được mọi người nể trọng rồi đó.
Ngày qua ngày trôi đi trong những khoảnh khắc miên man, hối hả. Sáng lên lớp, chiều phụ đạo. Đúng y hẹn, thầy Lâm dành cả buổi chiều tất cả các ngày trong tuần để kèm riêng môn toán cho mấy thằng học yếu chúng tôi. Kể từ những bài đầu cấp, thiếu bao nhiêu thầy bồi lấp bấy nhiêu. Tựa như người thợ may chăm chỉ vá miếng vải thủng, thầy đang ngày đêm miệt mài, cố gắng khâu đắp lại những mảnh vỡ rời rạc trong trí óc chúng tôi.
Giọng nói trầm ấm lẫn với những tiếng ho khan cố nén của thầy cứ quay đều, quay đều không ngừng còn theo tôi vào tận sâu những giấc mơ đêm đêm. Tôi chẳng biết mình tiến bộ ngần nào, hay thay đổi bao nhiêu. Chỉ biết là đã gần như hết hẳn những ngày tháng rong ruổi và lêu lổng. Hiển nhiên là không phải tôi tự nguyện.
Dăm bữa nay thầy Lâm nghỉ dạy vì mắc bệnh. Cả lớp bọn tôi kháo nhau đến thăm, nhưng mới manh nha ý kiến cô chủ nhiệm đã gạt đi, nghe bảo thầy nói thầy không muốn ai thăm nom. Tôi thắc mắc ghê lắm, không hiểu thầy ốm bệnh gì, có nặng lắm không? Nhưng biết sao giờ, thầy đã muốn vậy... Những ngày này, đương nhiên lớp phụ đạo cũng tạm nghỉ vô thời hạn. Tôi lại lăng quăng sau triền đê, thả hồn theo những cánh gió mây trời, nhưng lạ thay lại chẳng còn cái cảm giác thư thái bất tận nữa, mà thay vào đó là một nỗi trống vắng sao đó thật khó gọi tên...
Tan trường, tôi ù nhanh ra khỏi cổng - gọi cổng cho oách chứ thực ra cổng trường làng tôi chỉ là dãy rào gỗ được kết bằng những thớ gỗ thô đã xập xệ đôi chỗ, ngăn cách với bên ngoài - hôm nay tôi có hẹn với tụi thằng Tình xóm trên đi bắt dế lửa. Nhưng vừa rảo bước ra chưa được mấy mét tôi chợt nhớ còn bỏ quên gói ô mai cho nhỏ Tư em thằng Tình trong hộc bàn, liền vội quay đầu trở về phía cửa lớp tôi còn bỏ ngỏ kia.
Vừa dợm chân trên hành trước phòng học tôi đã nghe loáng thoáng tiếng cô Mai - giáo viên lớp bên, tạm thời dạy thay thầy Lâm trong những ngày thầy nghỉ ốm này - và cô Thoa chủ nhiệm lớp tôi đang trò chuyện.
- Tội nghiệp thầy ấy. Từ bệnh viện tỉnh trả về bệnh viện huyện, từ huyện trả về trạm xá xã. Thế là coi như hết hy vọng rồi!
- Vâng. Bệnh ung thư phổi phát tác nhanh lắm. Lúc phát hiện đã là giai đoạn cuối rồi. Ông trời quả là bất công, người tốt như thầy Lâm sao nỡ phải chịu số mệnh bạc bẽo như thế chú?
Cùng với câu nói là tiếng khóc sụt sịt của hai cô giáo.
Tôi đứng chết lặng trước cửa lớp. Từng câu, từng chữ lọt đến tai tôi cứ quay mòng mòng một cách rối rắm rồi cùng lúc trôi tuồn tuột đi mất theo mọi thứ trong tôi lúc này. Tôi không biết người ta diễn tả cơn đau thế nào, chỉ biết với tôi lúc này đây tất cả đều chẳng rõ ràng. Đây là đâu. Tôi là ai. Dường như chẳng có điều gì còn tồn tại nữa. Cả tôi, cả không gian quanh tôi, cả những tiếng nói vừa xong, cà những ồn ã rối bời ngoài kia... Sao lạc lõng và trơ khấc thế này. Tim tôi rơi rớt đâu đó không sao tìm về...
Ung thư phổi... giai đoạn cuối... thầy tôi... trạm xá...
Những âm vang ấy sao mà ghê gớm, sao mà đáng sợ cứ khuấy đảo lòng tôi. Sợ. Giờ đây tôi mới thấy sợ hãi. Sợ rằng... Không kịp nghĩ ngợi nhiều nữa tôi lao đi trong những bước chạy vội vã. Tôi phải đi gặp thầy tôi ngay, gặp để nói với thầy rằng tôi có muôn vàn điều muốn nói.
Chớp thấy thằng Vĩnh ngay ngoài cổng trên chiếc xe đạp cà tàng của nó, đang sắp sửa phóng đi. Tôi ngừng bước, miệng thở hổn hển nhưng tay không chậm một giây tôi vội túm áo nó đẩy ra khỏi yên và thế ngay mình vào đó.
- Tao mượn. Việc gấp lắm mày! - Không để nó kịp hết ú ớ và sửng sốt tôi đáp qua loa vài cái rồi nhún mình đạp xe lao vụt đi.
- Này! Nó mà hỏng mày đền cho tao con khác nhá!
Hình như thằng Vĩnh phía sau gọi với theo tôi, mà cũng lạ, nó xưng mày tao với tôi thì phải. Nhưng bây giờ tôi không còn tâm trí đâu để bận tâm đến thằng khỉ ấy nữa. Lúc này trong tôi chỉ ngập một ý nghĩ duy nhất là phải mau mau, chóng chóng gặp thầy.
Tôi cứ hì hục guồng chân, đạp vòng vèo theo con đường đất bạc màu quanh co hướng tới trạm xá. Nắng trưa tỏa xuống hơi nhiệt oi nồng, mồ hôi tôi tuôn thành dòng cùng hơi thở gấp gáp. Quãng đường phía trước như trải dài vô tận, màu xanh lúa mới xen những màu nâu của đất bụi và màu vàng hoa dại cứ nhịp trùng tăm tắp như không có điểm dừng.
Kìa đằng xa, bóng một người cũng đang lạch cạch trên chiếc xe đạp chạy về phía tôi. Gần lại, ra bác Tạo trưởng thôn, thấy tôi bác chậm xe lai.
- Đi đâu thế này? - Bác hỏi tôi mà giọng nghèn nghẹn, mắt còn hơi hoe đỏ nữa.
Tôi rê chân chạm đất cho xe dừng hẳn.
- Cháu xuống trạm xá xem thầy cháu thế nào bác ạ!
- Thầy... mất rồi... bác mới ở dưới đó...
Rụng rời. Tôi buông tay nắm để con xe đổ kềnh ra đường, thân mình sụp quỳ xuống không chống đỡ. Mắt nhòe ướt lẫn lộn, quay cuồng mấy màu hoa tím rịm ven đường và trắng xóa màn nước. Không kịp nữa rồi, không kịp nữa rồi. Thầy đã rời xa tôi thật rồi sao?
Thầy ơi, thầy ơi, thầy ơi! Tiếng gọi như cào xé lòng tôi cứ vang vọng thổn thức. Nỗi buồn thương đang gặm nhấm con tim từng chút, từng chút một khi hiểu rằng tôi sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy khuôn mặt nhân từ, ánh mắt nồng ấm và mái đầu bạc vì lo nghĩ cho lũ trẻ chúng tôi được nữa.
Ngửa mặt nhìn trời để cố hiểu rằng có lẽ thầy tôi đã đang ở đâu đó trên kia rồi... và cũng để nước mắt thôi rơi. Nền trời thoắt nhiên tắt nắng, ngả màu lợt lạt cắt đôi hai nửa trắng xám. Như phủ trùm một màu tang thương tiễn đưa thầy tôi...
Thầy ra đi để lại một nỗi tiếc thương vô hạn cho những ai yêu quý thầy Lâm - người thầy giáo tận tâm và luôn thương yêu những đứa học trò còn khờ dại. Tôi nhớ, đến tận những ngày cuối cùng trước khi nhập viện thầy vẫn cố gắng trau dồi thêm thật nhiều kiến thức bổ ích để giúp chúng tôi khỏi bỡ ngỡ về sau.
Từ ngày ấy, từ ngày thầy qua đời tôi đã không còn ham chơi như trước. Nguyện hứa với linh hồn thầy nơi cõi vĩnh hằng mênh mông và xa xôi nơi nào rằng tôi sẽ chăm chỉ vào việc học hành hơn, sẽ luôn gắng hết sức để đạt được những điều tốt đẹp... Dù mai sau trên đường đời, có sóng gió, có đau thương vấp ngã thì tôi vẫn luôn vững tin vượt qua. Bởi như lời thầy nói, được sống và trải nghiệm những điều đó đã là một điều vô cùng ý nghĩa.
Thầy ơi, ở trên thiên đường thầy hãy an lòng nhé. Em sẽ mang trong mình hành trang tốt đẹp nhất để bước vào đời.