QUY LUẬT PARKINSON: Quy luật Parkinson (không liên
quan gì đến căn bệnh cùng tên) cho rằng một doanh nghiệp càng phát triển thì nó càng tuyển mộ những người tầm thường nhưng lại được trả lương cao. Tại sao? Đơn giản là vì các nhà lãnh đạo đương chức sợ phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh. Cách tốt nhất để không tự tạo đối thủ nguy hiểm cho mình là tuyển mộ những người kém năng lực. Và cách tốt nhất để loại bỏ mọi ý đồ nổi dậy ở họ là trả lương cho họ thật cao. Nhờ vậy, các tầng lớp lãnh đạo có thể an tâm hưởng thụ thanh bình lâu dài.
Edmond Wells,
Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.
67. VỤ ÁN MỚI
- Giáo sư Maximilien MacHarious là bậc cây đa cây đề của trường Đại học hóa học Arkansas. Trong chuyến thăm Pháp của mình ông đã đến ở khách sạn này được một tuần, thanh tra Cahuzacq vừa tra cứu một hồ sơ vừa thông báo.
Jacques Méliès vừa rảo bước trong phòng vừa ghi chép.
Một cảnh sát canh gác thò đầu qua cửa:
- Một nữ phóng viên của tờ Tiếng vang Chủ nhật muốn gặp anh, thưa đội trưởng. Để cô ấy vào nhé?
- Ừ.
Laetitia Wells xuất hiện, vẫn luôn tuyệt vời như vậy trong bộ đồ bằng lụa đen.
- Chào đội trưởng.
- Chào cô Wells! Cơn gió tốt lành nào mang cô tới đây vậy? Tôi cứ tưởng chúng ta ai phải làm việc người nấy cho đến khi người giỏi nhất giành phần thắng chứ.
- Song điều đó không ngăn cản chúng ta gặp nhau ở hiện trường vụ án. Suy cho cùng, khi xem chương trình “Bẫy suy tưởng”, cả hai chúng ta đều phân tích một vấn đề giống nhau... Mà anh đã cho giám định mấy cái lọ của CCG chưa?
- Rồi. Theo phòng thí nghiệm, đó có thể là chất độc. Trong đó có cả đống thứ tôi chẳng nhớ tên. Cái nọ độc hại hơn cái kia. Họ nói từ mấy thứ đó sản xuất ra đủ loại thuốc trừ sâu.
- Ồ đội trưởng ạ, đến đây thì anh biết bằng tôi rồi đấy. Thế việc khám nghiệm tử thi Caroline Nogard thì sao?
- Tim ngừng đập. Chảy máu trong nhiều lần. Vẫn cái điệp khúc ấy.
- Hừm... Còn trường hợp này? Lại thêm một vụ khủng khiếp nữa!
Nhà khoa học tóc đỏ hung nằm sấp, đầu quay về phía các vị khách đến thăm như thể đó là một bằng chứng cho sự sững sờ và khiếp hãi. Mắt lồi khỏi tròng, miệng mửa ra những thứ chất nhớt kinh tởm không rõ là chất gì khiến bộ râu rậm vấy bẩn, đôi tai vẫn còn rỉ máu... Và một lọn tóc trắng kỳ lạ rũ xuống trán, lọn tóc mà người ta phải kiểm chứng xem liệu nó có tồn tại trước lúc người đàn ông này chết hay không. Méliès còn nhận thấy đôi tay nạn nhân co quắp đặt trên bụng dưới.
- Cô biết đây là ai không? anh hỏi.
- Nạn nhân mới của chúng ta hẳn là Giáo sư Maximilien MacHarious, chuyên gia thế giới về thuốc trừ sâu.
- À ờ, thuốc trừ sâu... Ai lại có thể thấy lợi ích trong việc giết những nhà chế tạo thuốc trừ sâu xuất sắc nhỉ?
Họ cùng ngắm cái xác rúm ró của nhà hóa học lừng danh.
- Một hiệp hội bảo vệ thiên nhiên chăng? Laetitia gợi ý.
- Ừ, thế tại sao lại không phải là chính những con côn trùng? Méliès giễu cợt.
Laetitia lắc lắc mớ tóc nâu của mình.
- Thực tình thì tại sao lại không chứ. Có điều là đấy, chỉ loài người mới đọc báo chí mà thôi!
Cô chìa ra một mẩu tin cắt từ báo trên đó thông báo việc Giáo sư Maximilien MacHarious đến Paris tham dự một hội thảo về vấn đề xâm lấn thế giới của các loại côn trùng. Bài báo thậm chí còn chỉ rõ ông ở khách sạn Bellevue.
Jacques Méliès đọc bài báo rồi đưa lại cho Cahuzacq, ông liền xếp nó vào đống hồ sơ của mình. Sau đó anh đi xem xét kỹ lưỡng căn phòng. Được sự có mặt của Laetitia khích lệ, anh muốn chứng tỏ tính chuyên nghiệp tỉ mẩn của bản thân. Vẫn không thấy vũ khí, không thấy vết bẻ khóa, không thấy dấu in trên các tấm kính, không thấy vết thương ngoài da. Hệt như trường hợp anh em nhà Salta và Caroline Nogard: không chút dấu hiệu dù là nhỏ nhất.
Cả trong trường hợp này cũng không thấy đoàn ruồi thứ nhất bay đến. Vậy là kẻ sát nhân đã ở lại hiện trường trong vòng năm phút sau khi nạn nhân chết, như để giám sát cái xác hoặc để tẩy rửa căn phòng khỏi mọi dấu vết tố cáo.
- Anh thấy điều gì đó à? Cahuzacq hỏi.
- Lũ ruồi vẫn còn sợ hãi.
Viên thanh tra có vẻ lo lắng. Laetitia hỏi:
- Lũ ruồi ư? Lũ ruồi thì có liên quan gì trong chuyện này?
Không nóng vội vì đã có lợi thế hơn một chút, đội trưởng đọc cho cô nghe bài diễn văn ngắn của anh về lũ ruồi:
- Ý tưởng sử dụng ruồi để giúp giải quyết các vụ án bắt nguồn từ một Giáo sư tên là Brouarel gì đấy. Năm 1890, người ta phát hiện ra một bào thai chết kẹt trong một ống khói lò sưởi ở Paris. Trong vài tháng đó, nhiều người thuê nhà đã thay nhau đến và đi khỏi căn hộ ấy: vậy ai là người trong số họ đã giấu cái xác nhỏ bé kia? Brouarel đã giải đáp câu đố bí ẩn này. Ông lấy trứng ruồi trong miệng nạn nhân, đo thời gian trứng chín và nhờ đó xác định được thời gian bào thai bị vứt vào ống khói lò sưởi là khoảng một tuần. Kẻ gây án bị bắt giữ.
Cái nhăn mặt vì kinh tởm mà cô phóng viên xinh đẹp không nén nổi lại khuyến khích Méliès tiếp tục mạch chuyện của mình:
- Bản thân tôi cũng vậy, nhờ phương pháp này, một lần tôi đã phát hiện thấy một giáo viên tiểu học vốn chết trong trường nơi ông dạy thực ra là bị ám sát trong rừng rồi mới bị mang vào một phòng học hòng làm cho mọi người tin đó là do học sinh trả thù. Lũ ruồi đã làm chứng theo cách của chúng. Ấu trùng lấy được trên xác nạn nhân rõ ràng là ấu trùng của ruồi trong rừng.
Laetitia thầm nghĩ khi có cơ hội, lý thuyết hẳn sẽ có thể được lấy làm đề tài cho một bài báo của cô.
Hài lòng với bằng chứng mình đưa ra, Méliès quay lại gần chỗ cái giường. Nhờ chiếc kính lúp có gắn đèn pin, rốt cuộc anh cũng tìm ra một lỗ nhỏ xíu hết sức vuông vắn ở ống quần ngủ của cái xác. Cô phóng viên bước tới chỗ anh. Anh ngần ngại, rồi cuối cùng nói với cô:
- Cô có thấy cái lỗ nhỏ kia không? Tôi từng thấy cái lỗ tương tự trên áo vest của anh em nhà Salta. Chính xác là có hình dáng tương tự...
ZZZZZzzzzzz...
Thứ tiếng động đặc trưng ấy vo vo bên tai đội trưởng. Anh ngẩng đầu lên và nhận thấy có một con ruồi trên trần nhà. Con ruồi bò vài bước, cất cánh rồi bay vòng vòng phía trên đầu họ.
Một cảnh sát, khó chịu trước thứ tiếng động này, định xua con ruồi đi nhưng đội trưởng ngăn anh ta lại. Anh dõi theo đường bay của con ruồi và muốn biết nó sẽ đậu ở đâu.
- Nhìn kìa!
Sau nhiều vòng bay với kết quả là làm suy giảm lòng kiên nhẫn của tất cả các cảnh sát cùng cô phóng viên, con ruồi cũng chịu đậu lên cổ cái xác. Rồi nó trượt xuống dưới cằm. Nó biến mất dưới xác Giáo sư MacHarious.
Jacques Méliès tò mò tiến lại gần và lật cái xác lên để xem con ruồi ở đâu.
Và thế là anh nhìn thấy các chữ khắc.
Giáo sư MacHarious đã thu hết chút năng lượng cuối cùng để nhúng ngón tay trỏ của mình vào đống máu chảy từ tai và viết một từ lên tấm ga trải giường. Sau đó ông đổ sụp người lên đấy, có lẽ để tránh không cho kẻ sát nhân nhận thấy bức thông điệp, có lẽ đúng khoảnh khắc ấy thì ông chết...
Tất cả những ai có mặt đều tiến lại gần để đọc các con chữ.
Con ruồi đang dùng vòi hút đống máu tạo thành chữ cái đầu tiên: “K”. Tiếp đến, nó hoàn thành nốt các chữ cái còn lại và nó uống các chữ “I”, “Ế” và “N”.
68. THƯ GỬI LAETITIA.
“Laetitia, con gái yêu quý của bố,
Đừng phán xét bố.
Bố không thể chịu đựng nổi việc ở bên con sau khi mẹ con mất bởi mỗi lần bố ngắm nhìn con, người bố thấy lại chính là bà ấy và điều đó hệt như nhát dao nung đến nóng đỏ đâm vào trí não bố.
Bố không thuộc típ những người đàn ông vững vàng, những người đàn ông mà không điều gì có thể đụng chạm được tới, những người đàn ông vốn vẫn nghiến răng chịu đựng khi cơn bão nổi lên. Vào những thời điểm như thế, bố thường có xu hướng buông xuôi tất cả và để mình bị cuốn đi như một chiếc lá rụng.
Bố biết, bố đã chọn cách xử sự nhìn chung sẽ bị coi là hèn nhát nhất: trốn chạy. Nhưng chẳng điều gì khác có thể cứu được chúng ta, cứu được con và bố.
Vậy là con sẽ phải tự mình lớn lên, tự dạy dỗ mình, con sẽ phải tìm thấy ở bản thân sức mạnh cùng những sự bảo vệ thúc đẩy con tiến về phía trước. Đó không phải trường học tồi tệ nhất đâu, còn xa mới là như thế. Trong cuộc sống, chúng ta luôn luôn cô đơn, nên càng sớm nhận ra điều ấy, chúng ta càng trở nên mạnh mẽ.
Hãy tìm lấy đường đi cho chính mình
Mọi người trong gia đình bố đều không biết đến sự tồn tại của con. Bố luôn biết cách giữ bí mật những gì thân thương nhất với bố. Lúc con tìm được lá thư này, chắc chắn bố đã chết. Nên đi tìm bố là việc làm vô ích. Bố đã di tặng căn hộ của mình cho anh họ con là Jonathan. Đừng tới đó, đừng nói chuyện với cậu ấy, đừng đòi hỏi gì cả.
< p style="text-align: justify;">Bố để lại cho con toàn bộ gia sản khác. Món quà có thể vô giá trị đối với những người bình thường. Thế nhưng nó lại cực kỳ cao quý đối với một tâm hồn ham hiểu biết và dám nghĩ dám làm. Mà ở điểm này thì bố tin con.Đó là sơ đồ của một cỗ máy, cỗ máy này cho phép giải mã ngôn ngữ tỏa mùi ở loài kiến. Bố đặt cho nó cái tên “Đá Hoa thị”, bởi nó tạo ra cơ hội duy nhất kết nối giữa hai loài, hai nền văn minh, cả hai cùng phát triển ở trình độ cao.
Tóm lại, cỗ máy là một dịch giả. Qua nó, chúng ta không chỉ có thể hiểu loài kiến mà còn có thể nói chuyện được với chúng. Đối thoại với loài kiến! Con hiểu chứ?
Bố chỉ mới bắt đầu sử dụng nó thôi nhưng nó đã mở ra cho bố nhiều triển vọng tuyệt vời tới nỗi những gì bố còn phải trải nghiệm sẽ không đủ nữa.
Hãy theo đuổi công trình của bố. Hãy tiếp sức bố. Sau này, con hãy truyền nó thành một người được lựa chọn khác, để không bao giờ nó bị rơi vào quên lãng. Nhưng hãy hành động hết sức kín đáo: còn quá sớm để cho trí thông minh của loài kiến xuất hiện công khai trước loài người. Hãy chỉ nói chuyện này với người nào có ích cho con nhất trong quá trình tiến triển.
Có lẽ vào ngày đó, anh họ Jonathan của con đã sử dụng thành công phiên bản nguyên mẫu mà bố để trong hầm. Thực lòng, bố vẫn nghi ngờ chuyện đó, nhưng điều ấy không quan trọng.
Về phần con, nếu con đường này can hệ đến con và mời gọi con thì bố nghĩ nó sẽ mang lại cho con những bất ngờ đáng kinh ngạc.
Con gái của bố, bố yêu con.
Edmond Wells
Ghi chú 1. Kèm theo đây là sơ đồ cỗ máy Đá Hoa thị.
Ghi chú 2. Cũng kèm theo đây là quyển hai cuốn Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối. Còn một phiên bản khác y hệt nằm tận đáy hầm trong căn hộ của bố. Tác phẩm đề cập đến mọi lĩnh vực kiến thức và dĩ nhiên dành sự ưu ái cho lĩnh vực côn trùng học. Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, đó tựa như một quán trọ Tây Ban Nha, ai cũng có thể tìm được cho mình thứ mình cần tìm trong đó. Mỗi lần đọc lại mang một ý nghĩa khác nhau bởi nó cộng hưởng với cuộc sống của độc giả và hài hòa với cách nhìn thế giới của riêng người ấy.
Hãy nghĩ đây là một người chỉ đường, một người bạn mà bố cử đến với con.
Ghi chú 3. Con có nhớ hồi con còn bé, bố đã đặt cho con một câu đố không (mà con thì rất thích những câu đố)? Bố hỏi con làm thế nào để xếp được bốn tam giác đều bằng sáu que diêm. Bố đã cho con một câu trợ giúp: ‘Cần phải nghĩ khác đi.’ Con đã phải mất nhiều thời gian nhưng rốt cuộc cũng tìm thấy lời giải. Mở ra không gian ba chiều. Nghĩ khác đi so với mặt phẳng. Dựng một kim tự tháp nổi. Đó là bước đầu tiên. Bố còn một câu đố nữa cho con đây, câu đố của bước thứ hai. Liệu con có thể, cũng với sáu que diêm, xếp thành sáu tam giác đều chứ không phải bốn? Câu trợ giúp cho con thoạt tiên nghe có vẻ ngược lại với câu trước. Nó là: ‘Cần phải nghĩ theo cách giống như cách trước.’ ”
69. HAI MƯƠI NGHÌN DẶM QUA CÁC VÙNG ĐẤT
Đoàn quân thập tự chinh tiến bước, khu rừng thay đổi. Đôi chỗ, đá vôi xói mòn khiến cát kết lở ra như răng sữa rụng. Thạch thảo, rêu, dương xỉ nối tiếp nhau xuất hiện.
Được cái nóng như thiêu của tháng Tám kích thích, lũ kiến đến được các vùng phía Đông Liên bang trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục: Liviu-kan, Zoubi-zoubi-kan, Zedi-bei-nakan... Ở đâu chúng cũng được tặng những vỏ kén chứa đầy nước mật sâu, giăm bông châu chấu, đầu dế mèn nhồi ngũ cốc. Tại Zoubi-zoubi-kan chúng được mời nhận hẳn một bầy gồm sáu trăm con rệp cho sữa suốt cuộc hành trình.
Và rồi chúng bàn tán về các Ngón Tay. Ai nấy đều bàn tán về điều ấy. Ai lại chưa từng chịu những tai nạn do các Ngón Tay gây ra cơ chứ? Nhiều đoàn thám hiểm đã được tìm thấy trong tình trạng dẹp lép hoàn toàn.
Tuy nhiên đô thị Zoubi-zoubi-kan chưa bao giờ đối mặt trực tiếp với các Ngón Tay. Cư dân Zoubi-zoubi-kan hẳn không mong gì hơn là được củng cố cuộc thập tự chinh, nhưng mùa săn bọ rùa sắp bắt đầu mà chúng lại cần toàn bộ hàm dưới của mình để bảo vệ đàn súc vật đông đúc ấy.
Tại Zedi-bei-nakan, chặng đến tiếp theo, thành phố tuyệt vời được xây trong rễ một cây sồi rừng, cư dân tỏ ra thảo lảo hơn. Chúng quả cảm xếp thành một đội quân đông đúc những pháo binh được trang bị loại axit mới có nồng độ siêu cao lên đến 60%! Chúng còn tặng thêm một kho dự trữ gồm hai mươi vỏ kén vò hai quai chứa đầy thứ axit này.
Cả tại đây nữa, các Ngón Tay cũng từng gây ra nhiều thiệt hại. Chúng đã dùng một cái gai khổng lồ khắc vào vỏ cây các ký hiệu. Lúc ấy cây sồi rừng rất đau đớn và nó đã tiết ra một thứ nhựa độc suýt đầu độc tất cả cư dân Zedi-bei-nakan. Cư dân Zedi-bei-nakan buộc phải chuyển chỗ ở chờ đến lúc vỏ cây liền sẹo.
Thế nhỡ các Ngón Tay là những thực thể có lợi mà chúng ta không hiểu nổi hành động của họ thì sao?
Lời phát biểu ngây thơ của con số 24 được đón nhận bằng thái độ sững sờ đến ngơ ngác. Sao nó lại có thể phát ra thứ nhận xét tương tự ngay lúc lũ kiến tiến hành thập tự chinh chống lại các Ngón Tay nhỉ?
103 683 bay lên hòng cứu nguy cho con kiến dại dột. Nó giải thích rằng ở Bel-o-kan, lũ kiến không ngại nghĩ tới mọi khả năng có thể, bài tập nhằm mục đích tránh bị đối thủ đẩy vào tình thế bất ngờ.
Một con kiến Bel-o-kan dạy lũ kiến Zedi-bei-nakan khúc ca tiến hóa mới nhất do Mẹ Chli-pou-ni sáng tác nhân dịp thập tự chinh:
Giá trị của ta được định qua việc lựa chọn đối thủ.
Ai chiến đấu với thằn lằn sẽ trở thành thằn lằn,
Ai chiến đấu với chim sẽ trở thành c him,
Ai chiến đấu với ve bét sẽ trở thành ve bét.
Vậy ai chiến đấu với đức chúa có trở thành đức chúa không? 103 683 tự hỏi.
Dù sao, bài hát này cũng khiến cư dân Zedi-bei-nakan thích thú. Nhiều con còn hỏi lũ kiến thập tự chinh về các công nghệ tiến hóa mà kiến chúa Chli-pou-ni tiến hành. Lũ kiến Bel-o-kan không đợi các cư dân Zedi-bei-nakan cầu xin đã kể ngay chuyện làm thế nào Cấm Thành lại thuần hóa được bầy bọ tê giác, những con vật ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý. Chúng cũng nói về kênh lưu thông nội bộ, vũ khí mới, kỹ thuật nông nghiệp mới cùng những thay đổi kiến trúc ở Cấm Thành trung tâm.
Chúng tôi không ngờ phong trào tiến hóa lại có quy mô rộng lớn như vậy, kiến chúa Zedi-bei-nikiuni phát biểu.
Dĩ nhiên, chẳng ai hé môi nhắc đến những thiệt hại mà cơn mưa rào vừa rồi gây ra hay sự tồn tại của lũ kiến nổi loạn thân các Ngón Tay ở ngay trong lòng thành phố.
Cư dân Zedi-bei-nakan thực sự bị ấn tượng. Bởi có thể nói cách đây chưa đầy một năm, công nghệ tiên tiến nhất của đế chế Myrmécéen mới chỉ dừng lại ở việc nuôi rệp, trồng nấm và lên men nước mật sâu!
Cuối cùng lũ kiến cũng chỉ tranh luận xoay quanh cuộc thập tự chinh. 103 683 giải thích rằng đội quân sẽ vượt sông, vượt qua nơi tận cùng thế giới và từ đó sẽ càn quét trên diện rộng nhất có thể để không một Ngón Tay nào kịp chạy trốn.
Kiến chúa Zedi-bei-nakan tự hỏi liệu ba nghìn lính của Cấm Thành trung tâm có đủ để tiêu diệt toàn bộ các Ngón Tay trên thế giới không. 103 683 thú nhận nó cũng cảm thấy đôi chút nghi ngờ điều đó, bất chấp sự trợ giúp của đội quân bay.
Kiến chúa Zedi-bei-nakan suy nghĩ rồi chấp thuận cho đội quân viễn chinh mượn một đoàn kỵ binh nhẹ. Đó là những kiến lính chân dài, cực kỳ nhanh nhẹn và chắc chắn có khả năng truy đuổi những Ngón Tay bỏ trốn.
Rồi kiến chúa bàn đến chuyện khác. Những hành động ngông cuồng của một đô thị mới. Một đô thị kiến ư? Không, một đô thị ong, tổ của Askoleên, đôi khi còn được gọi là Tổ ong vàng. Tổ này được xây rất gần đây, trên cái cây thứ tư phía bên phải cây sồi lông lớn. Từ đó, lũ ong thu hoạch phấn hoa, điều vốn dĩ cũng bình thường. Điều không bình thường là chúng chẳng ngán gì việc tấn công các đoàn kiến ngay khi có dịp. Ở loài ong vò vẽ, hành vi cướp bóc này không khiến ai ngạc nhiên. Nhưng với loài ong thường, nó khiến loài kiến e ngại.
Zedi-bei-nikiuni thậm chí còn nghĩ rằng lũ ong ấy đang ấp ủ mưu đồ bành trướng. Chúng tấn công các đoàn kiến ngày càng gần đô thị mẹ. Lũ kiến rất khó đẩy lùi được chúng. Thường thì vì sợ bị chích nọc độc nên lũ kiến chọn cách bỏ rơi các chiến lợi phẩm của mình.
Có đúng là lũ ong sẽ chết sau khi chích không? một con bọ tê giác hỏi.
Ai nấy đều rất ngạc trước việc một con bọ cánh cứng lại đi nói chuyện trực tiếp với kiến như vậy nhưng suy cho cùng, vì con bọ cánh cứng ấy cũng tham dự cuộc thập tự chinh nên một con kiến Zedi-bei-nakan đã hạ mình đáp lời:
Không, không phải lúc nào cũng thế. Chúng chỉ chết nếu chúng châm ngòi quá sâu thôi.
Lại một huyền thoại nữa sụp đổ.
Chúng đã trao đổi cả đống những thông tin hữu ích, nhưng đêm đã buông. Lũ kiến Bel-o-kan cám ơn đô thị Zedi-bei-nakan vì đội quân bổ sung mà đô thị này hào phóng dành cho chúng. Hai bên tiến hành nhiều cuộc trao đổi dinh dưỡng. Chúng lau râu cho nhau trước khi cái lạnh khiến tất cả chìm vào giấc ngủ tất yếu.
70. BÁCH KHOA TOÀN THƯ
TRẬT TỰ: Trật tự làm nảy sinh lộn xộn, lộn xộn làm nảy sinh
trật tự. Về mặt lý thuyết, nếu ta đánh trứng để làm món ốp lếp thì sẽ tồn tại một khả năng rất nhỏ là món ốp lếp có thể trở lại hình dạng quả trứng ban đầu. Mà khả năng này có tồn tại. Và càng làm món ốp lếp lộn xộn, người ta càng có nhiều cơ hội tìm lại được trật tự của quả trứng ban đầu.
Vậy trật tự chỉ là sự kết hợp của nhiều lộn xộn. Vũ trụ trật tự của chúng ta càng phình ra, nó càng rơi vào tình trạng lộn xộn. Kiểu lộn xộn mà chính nó cũng phình ra rồi làm nảy sinh những trật tự mới và chẳng có gì trong trật tự mới đó loại trừ được việc cái này có thể giống với trật tự nguyên thủy. Ngay trước mắt chúng ta, trong không gian và thời gian, nơi tận cùng vũ trụ hỗn độn, ai biết được có tồn tại Vụ Nổ Lớn nguyên sơ hay không.
Edmond Wells,
Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.
Hết chương 70. Mời các bạn đón đọc chương 71!