Ngày Của Kiến Chương 81-85

Chương 81-85
Bách khoa toàn thư

TÍNH ĐỐI NGẪU: Toàn bộ Kinh Thánh có thể được tóm gọn

trong quyển đầu tiên: Sáng Thế Ký. Toàn bộ Sáng Thế Ký có thể được tóm gọn trong chương đầu tiên. Chương kể lại quá trình Sáng tạo ra thế giới. Bản thân toàn bộ chương này cũng có thể được tóm gọn trong từ đầu tiên. Béréchit. Béréchit nghĩa là “khởi thủy”. Toàn bộ từ này có thể được tóm gọn trong âm tiết đầu, Ber, nghĩa là “điều được sinh ra”. Toàn bộ âm tiết này đến lượt nó có thể được tóm gọn trong chữ cái đầu, B, vốn được phát âm là “Beth” và được thể hiện bằng một hình vuông mở, với một mũi nhọn ở giữa. Hình vuông này tượng trưng cho ngôi nhà, hoặc dạ con bao quanh trứng, bào thai, chấm nhỏ được sinh ra.

Tại sao Kinh Thánh lại bắt đầu bằng chữ cái thứ hai trong bảng chữ cái chứ không phải chữ cái thứ nhất? Bởi lẽ B thể hiện tính đối ngẫu của thế giới, A là sự thống nhất nguyên lai. B là sự thoát ra, sự phản chiếu sự thống nhất này. B, đó là thứ khác. Xuất phát từ “một”, chúng ta là “hai”. Xuất phát từ A, chúng ta ở trong B. Chúng ta sống trong một thế giới đối ngẫu và trong sự luyến tiếc - thậm chí là kiếm tìm - sự thống nhất, Aleph, điểm phát xuất mọi điều.

Edmond Wells,

Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.

82. VẪN LUÔN THẲNG TIẾN

Trại đóng quân ngoài trời bị chao đảo bởi một quả cánh rụng xuống từ cây thích, thứ chong chóng thực vật này sẽ mang hạt cây đi xa. Cánh kép có màng của quả xoay tít khiến nó trở nên nguy hiểm đối với lũ kiến. Lần này, đoàn quân thập tự chinh phải giải tán và tỏa ra khắp mặt đất rồi mới tập hợp lại và tiếp tục cuộc hành trình.

Trong hàng ngũ, lũ kiến đã tìm thấy chủ đề trò chuyện. Chúng tranh luận về những nguy cơ phát sinh từ các vật thể phóng tự nhiên khác nhau. Một số kiến cho rằng thứ tệ nhất là cánh hoa bồ công anh vốn dễ dính chặt vào râu và làm nhiễu mọi thông tin liên lạc. Đối với 103 683, ở thể loại này chẳng loài nào sánh kịp cây bóng nước. Chúng chỉ cần khẽ chạm vào quả của cây đó thôi là dây nó đã cuộn chặt lại và phóng hạt ở khoảng cách có thể hơn một trăm bước!

Dù vừa đi vừa nói chuyện phiếm nhưng đoàn quân vẫn không hề chậm bước. Thi thoảng lũ kiến lại cọ cọ bụng mình vào đất để tuyến Dufour của chúng để lại dấu vết tỏa mùi dẫn đường cho các chị em đi sau.

Trên cao có rất nhiều chim bay lượn, đây lại là mối nguy hiểm khác so với quả cánh. Có những chú chim chích phương Nam lông màu xanh nhạt, những chú chim chiền chiện cụt đuôi và đặc biệt có vô số chim gõ kiến, chim gõ kiến bụng đỏ, đen hoặc xanh ve. Đây là những loài chim thường gặp nhất trong rừng Fontainebleau.

Một con trong số đám chim ấy, một con gõ kiến bụng đen, ghê gớm tiến lại gần. Nó đậu ngay trước mắt hàng quân kiến đỏ hung, đặt cả hàng quân vào tầm ngắm của mỏ mình. Nó bước thẳng lên, chỉnh lại thế bay rồi lao đến là là trên mặt đất. Lũ kiến hốt hoảng chạy tan tác khắp nơi.

Thế nhưng mục tiêu của con chim không phải là bắt vài con kiến bất hạnh lẻ tẻ. Khi đứng thẳng trước đội quân kiến lính, nó đã nhả ra một cục phân màu trắng khiến lũ kiến bị vấy bẩn hoàn toàn. Cứ lặp đi lặp lại hành động ấy nhiều lần, cuối cùng nó cũng chạm được vào khoảng ba mươi con kiến. Một tiếng kêu báo động vang khắp đoàn quân.

Không được ăn thứ đó! Không được ăn thứ đó!

Quả vậy, phân chim gõ kiến thường nhiễm sán dây. Con kiến nào mà nếm phải thì...

83. BÁCH KHOA TOÀN THƯ

SÁN DÂY: Sán dây là loài ký sinh trùng đơn bào sống ở trạng

thái trưởng thành trong ruột chim gõ kiến. Sán dây được thải ra ngoài theo phân chim. Có thể cho rằng lũ chim này ý thức được hành động đó bởi chúng thường xuyên thả bom các thành phố kiến bằng phân của mình.

Mỗi lần muốn lau sạch những dấu vết màu trắng này khỏi đô thị mình, lũ kiến lại ăn chúng và bị nhiễm sán dây. Lũ ký sinh trùng làm rối loạn quá trình phát triển của kiến, thay đổi khả năng nhiễm sắc tố của vỏ kiến khiến kiến trở nên trong hơn. Con kiến nhiễm sán trở nên uể oải, nó phản xạ kém nhanh hẳn đi và thực tế là khi một con gõ kiến xanh ve tấn công một đô thị, lũ kiến bị nhiễm sán từ phân chim chính là các nạn nhân đầu tiên.

Lũ kiến bạch tạng này không chỉ phản ứng chậm chạp hơn mà lớp kitin vốn trở nên trong suốt của chúng còn khiến chúng dễ bị phát hiện trong những hành lang tối om của thành phố.

Edmond Wells,

Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.

84. NHỮNG KẺ ĐẦU TIÊN TỬ NẠN

Con chim quay lại thả bom tiếp. Nó áp dụng chiến thuật tấn công trung hạn: trước tiên là đầu độc, rồi mới thu hoạch đám kiến yếu sức trong trận không kích tiếp sau.

Lũ kiến lính cảm thấy bất lực. Con số 9 hướng về phía bầu trời hét lên rằng chúng đang trên đường tiêu diệt các Ngón Tay thế nhưng bằng cách tấn công chúng, con chim ngu ngốc đã bảo vệ những kẻ thù chung ấy. Song con chim gõ kiến không hiểu các thông điệp tỏa mùi. Nó lộn một vòng và lao hết tốc lực về hàng quân thập tự chinh.

Tất cả vào vị trí tự vệ chống lại tấn công không trung! một con kiến chiến binh già phát lệnh.

Lũ kiến pháo binh nặng nề trèo nhanh hết mức lên những thân cây cao. Chúng lựa lúc con chim bay qua và bắn mà con chim thì rõ ràng là bay quá nhanh. Trượt rồi! Tệ hơn nữa, hai con kiến pháo binh đã bắn phải nhau và cùng lăn ra chết!

Nhưng trong lúc chuẩn bị thả phân lần nữa, con chim gõ kiến bụng đen trông thấy trước mặt mình hiện ra một cảnh tượng quen thuộc. Cảnh một con bọ tê giác, trong tư thế lửng lơ gần như bất động nhờ vào cử động cánh không đồng bộ, đứng trên đầu nhọn của sừng trán nó, lạ thay, là một con kiến trong tư thế bắn. Đó chính là 103 683. Hậu môn nó bốc khói, bởi nó đã nạp đầy axit với nồng độ siêu cao lên đến 60%.

Trong trạng thái cân bằng tạm thời, con kiến không cảm thấy yên tâm cho lắm. Con chim sẽ tiêu diệt nó, bởi con chim vốn to lớn hơn, khỏe mạnh hơn và nhanh nhẹn hơn gấp vô số lần. Bụng dưới con kiến bỗng rung lên không kìm lại được, nó không thể ngắm nữa.

Thế là nó nghĩ đến các Ngón Tay. Nỗi sợ các Ngón Tay vượt lên trên mọi nỗi sợ hãi khác. Nó sẽ không nao núng: khi đã từng đến gần các Ngón Tay thì không thể để một con chim săn mồi làm cho xáo động.

Nó đứng thẳng lại và thả một phát hết sạch thứ chứa trong túi nọc độc của mình. Bắn! Con chim gõ kiến không kịp lấy lại độ cao. Mắt mờ đi, nó trệch khỏi quỹ đạo bay, đâm sầm vào một thân cây, nảy lên rồi rơi xuống đất. Thế nhưng nó vẫn bay lại được trước khi các nhóm kiến ăn thịt giẫm đạp lên cơ thể nó.

Kể từ sau thời điểm này, 103 683 trở nên vô cùng có uy tín. Không ai biết nó đã phải chiến thắng nỗi hãi sợ còn nghiêm trọng hơn trong mình.

Giờ đoàn quân thập tự chinh có thêm thói quen lấy lòng dũng cảm, kinh nghiệm và tài bắn khéo léo của 103 683 làm gương. Ai khác ngoài 103 683 có thể chặn đứng một con chim ăn mồi khổng lồ đang đà bay nhanh chứ?

Lòng mến mộ mỗi lúc một tăng ấy còn mang đến hệ quả khác: để thể hiện sự thân mật tình cảm, lũ kiến đã gọi tắt tên của 103 683. Từ nay, mọi quân thập tự chinh đều chỉ gọi nó là 103.

Trước khi tiếp tục lên đường, lũ kiến bị dính phân chim gõ kiến được khuyên ngừng trao đổi dinh dưỡng để tránh nhiễm bệnh sang các kiến lính khác.

Hàng ngũ đang được tái lập thì con 23 lại gần 103. Chuyện gì xảy ra vậy? Con 24 đã biến mất. Đã tìm nó một lúc lâu rồi nhưng không thấy. Mà con gõ kiến bụng đen đâu có bắt mất con kiến nào! Thật đáng buồn khi con 24 mất tích bởi cùng với nó cái vỏ kén bướm của nhiệm vụ Sao Thủy cũng bốc hơi theo.

Không thể thông báo tin này cho các con kiến khác được. Không thể chờ đợi được nữa. Mặc kệ con 24 thôi. Bầy vẫn quan trọng hơn một cá thể.

85. ĐIỀU TRA

Méliès đi một mình đến căn hộ của vợ chồng Odergin. Nhà khoa học người Ethiopia đang ngồi xếp bằng trong một bồn tắm không nước. Một lớp dầu gội dày màu xanh ve trải dài trên đầu bà với những dấu vết có thể liệt kê được: vết nổi da gà, vẻ mặt kinh hãi và máu đông lại ở vành tai. Trong toa lét bên cạnh cũng diễn ra cảnh tượng tương tự, có điều khác là chồng bà đang đứng trên một cái chậu, phần trên cơ thể nghiêng về phía trước còn chiếc quần dài tụt đến mắt cá chân.

Thực ra Jacques Méliès chỉ tạt qua nhìn hai cái xác một chút. Giờ anh đã biết nguyên nhân vì đâu nên ngay sau đó anh đi thẳng đến căn hộ riêng của Emile Cahuzacq.

Viên thanh tra rất ngạc nhiên khi thấy đội trưởng xuất hiện ở nhà mình sớm như vậy, ông chỉ kịp trùm áo khoác ra ngoài bộ đồ ngủ. Thật chẳng đúng lúc gì cả. Cahuzacq đang chuẩn bị cho trò giải trí ưa thích của mình: làm bướm nhồi.

Không để ý tới điều đó, đội trưởng đi thẳng vào vấn đề:

- Ông bạn yêu quý, vậy là xong! Chúng ta đã nắm được thủ phạm của vụ này!

Viên thanh tra có vẻ nghi ngờ.

Méliès nhìn thấy rơm trên bàn cấp dưới của mình:

- Mà ông đang sản xuất thứ gì thế?

- Tôi ấy à? Tôi sưu tầm bướm. Vậy thì sao chứ? Tôi chưa nói với cậu điều này ư?

Cahuzacq đậy nút chai axit formic lại, dùng một cây cọ quét quét axit lên cán h một con ngài tằm rồi dùng một cái kìm dẹt đầu nghịch nghịch nó.

- Đẹp đấy chứ, phải không nào? Này, nhìn mà xem... Đây là một con ngài tằm trên cây thông. Tôi tìm được nó cách đây vài ngày trong rừng Fontainebleau. Thật lạ là một cánh nó bị thủng một lỗ tròn xoe còn cánh kia thì bị cắt. Có lẽ tôi đã phát hiện ra một loài mới.

Méliès nghiêng người và bĩu môi ghê tởm.

- Nhưng đống bướm của ông, chúng chết cả rồi! Ông treo xác con nọ cạnh xác con kia. Ông thích người ta đặt ông vào lồng kính và dán nhãn bên ngoài là Người tinh khôn Homo sapiens à?

Viên thanh tra già nhăn nhó:

- Cậu quan tâm đến lũ ruồi, tôi quan tâm đến lũ bướm. Ai có tật riêng của người ấy chứ.

Méliès vỗ vỗ vai ông:

- Thôi nào, đừng nổi giận. Không có thời gian để lãng phí đâu, tôi đã tìm ra thủ phạm. Đi theo tôi, chúng ta sẽ bắt được một loài bướm xinh đẹp khác.

Hết chương 85. Mời các bạn đón đọc chương 86!

Nguồn: truyen8.mobi/t40073-ngay-cua-kien-chuong-81-85.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận