Đang chuẩn bị đi viết bài cho số báo Tết thì cô tôi đến. Hai mí mắt sưng húp, mặt vàng bủng như bị phù nề, trông cô tôi như vừa qua một đêm hoảng loạn ghê gớm.
- Cô làm sao thế? Chú ấy hay cái Duyên, thằng Mừng...?
Tôi chưa kịp hỏi hết câu, cô tôi đã ôm mặt khóc hu hu.
- Cô khổ lắm... Anh phải cố giúp cô...
- Thì có việc gì? Cháu đang lo cuống về bài vở Tết đây.
- Bài vở gì thì anh cũng phải thu xếp cho cô xong việc đã... Trời ơi... Cô đến đeo mo vào mặt. Nhục nhã lắm...
Tôi đã lờ mờ hiểu ra câu chuyện, và thấy thương cô tôi đến thắt lòng.
- Cô ngồi xuống đây. Kể ngắn gọn thôi. Cháu sẽ cố nghĩ cách giúp.
*
* *
Cô Thảo là con gái út của ông bà nội tôi. Thời thiếu nữ, cô xinh đẹp nhất vùng. Ông bà nội tôi trước đây vốn khá giả, nên cô được chiều và có cơ may được chăm chút học hành tử tế.
Năm hai mươi tuổi, cuộc đời đã mỉm cười với cô: Cả xã tôi chỉ có một chỉ tiêu duy nhất được sang Đức học nghề, lại rơi đúng vào cô Thảo. Nói là số may thì không phải. Phải bình bầu, rà xét, chấm điểm trong cả hàng xã, hàng huyện chứ không đơn giản. May mà cô tôi đã tốt nghiệp cấp hai, lại là em gái bố tôi, một chủ tịch xã đang có máu mặt. Không có bố tôi, đời nào cô Thảo được bay sang xứ sở Đông Đức thần tiên kia?
Sau này tôi mới biết rằng, với cô Thảo tôi, chuyến đi nước ngoài cũng chẳng hạnh phúc gì. Viết thư về cho tôi, cô đau đớn thú nhận: Chính cô bị bố tôi ép phải đi Đức cũng vì muốn cắt bỏ cuộc tình duyên giữa cô và chú Toàn, người làng bên. Bởi chú Toàn là con địa chủ. Bố tôi, một chủ tịch xã, một du kích kỳ cựu từ hồi kháng chiến, phó bí thư Đảng ủy, đời nào lại chịu gả em gái cho một gã có lý lịch bất hảo như thế?
Chú Toàn thì tôi biết quá rõ. Ngay từ hồi tôi học cấp hai, chú đã là thần tượng của bọn trẻ trong vùng. Chú học giỏi nhất trường cấp ba của huyện, năm nào đi thi cấp tỉnh cũng giật giải. Không những thế, chú còn là một thủ môn bóng đá cực kỳ, một người chơi đàn măng-đô-lin và thổi kèn ac-mô-ni-ca tuyệt vời. Nhưng thật buồn cho cái lý lịch của gia đình. Thành ra học giỏi, nhiều tài nhưng chú Toàn vẫn không thể thoát ra khỏi lũy tre làng. Học hết cấp III, chú Toàn xin tình nguyện đi bộ đội cũng không được. Cô Thảo đi Đức rồi, chú Toàn càng bị suy sụp. Hàng tuần liền chú ở lì ngoài đồng, ăn ngủ ngay trong cái lều vịt giữa mênh mông nước trắng.
Bốn năm sau cô Thảo ở Đông Đức về. Cô đẹp rực rỡ và giàu có, ít ra là so với mức sống thời đó. Áo lông Đức, xe Diaman, đồng hồ, len... mấy thùng hàng cô chia hết cho anh em, người thân trong gia đình. Tôi đang học đại học cũng được chia phần một chiếc Diaman màu cánh chả. Tiền của phát tán mãi rồi cũng hết. Cô Thảo tôi đi làm ở nhà máy và ở chung phòng tập thể, sung mãn thế mà cứ nở phí hoài. Bao nhiêu người đến ve vãn, tán tỉnh, đều bị cô dửng dưng hoặc từ chối. Cô như vô cảm trước mọi tình cảm trai gái. Tôi đâm nghi ngờ. Hay là ở bên Đức cô sống quá phóng khoáng nên giờ đã bão hòa rồi chăng?
Nhưng tôi đã lầm. Tình yêu của cô Thảo và chú Toàn vẫn được nuôi dưỡng một cách âm ỉ và mãnh liệt. Họ hẹn hò và chờ đợi nhau bằng cách nào đó chỉ có hai người mới biết được. Năm 1974, chú Toàn bị thương và được đưa ra điều trị ở Ninh Bình, cô Thảo tôi đã bổ vào ngay. Và họ hối hả làm lễ cưới. Mười năm xa cách. Tuổi trẻ dường như qua đi. Nhưng tình yêu của họ vẫn tươi mới, đằm thắm như ngày nào. Đám cưới ấy, chính bố tôi - ông chủ tịch xã về hưu - đã thân hành vào trại an dưỡng của chú Toàn tổ chức cho hai cô chú. Và ông đã khóc vì ân hận.
*
* *
Tưởng như chú Toàn và cô Thảo tôi là những người thực sự hạnh phúc.
Chú Toàn, sau mười năm ở chiến trường, đã trút bỏ được bộ áo khoác lý lịch nặng nề. Chú được kết nạp Đảng tại trận, được phong danh hiệu dũng sĩ, phong quân hàm. Ra Bắc, chú tiếp tục được cử đi đào tạo tại trường quân sự cao cấp và được điều về công tác ở Hà Nội. Còn cô Thảo tôi, liên tiếp được đề bạt từ phó quản đốc lên phó giám đốc nhà máy, được phân nhà ở, một căn nhà mà sau này trở thành nơi đắt giá nhất của thành phố.
Cô Thảo tôi sinh liền trong hai năm được một trai một gái, đặt tên là Mừng và Duyên. Công thức sinh đẻ như thế, cánh trẻ bây giờ gọi là "hơi bị đẹp".
Thằng Mừng và cái Duyên - bản thân hai cái tên nôm na đó đã hàm chứa niềm ước vọng và sự thỏa mãn tột cùng của hai cô chú tôi. Quả tình, cho đến khi chúng đến tuổi đi học, trong mắt tôi và bao người khác, chúng vẫn là những thiên thần. Mừng đẹp trai, khỏe mạnh, học thông minh. Riêng bé Duyên thì quả là hiếm có cô bé nào xinh đẹp như thế. Nhiều người bảo: Sau này nhất định Duyên sẽ trở thành hoa hậu trong các cuộc thi người đẹp.
Vậy mà tai họa bỗng ập đến.
Khi thằng Mừng lên tám tuổi thì nó bỗng bị chứng rụng tóc và hai chi dưới teo dần. Đến năm Mừng mười tuổi thì nó hoàn toàn không còn khả năng đi lại được. Tiếp theo, đến lượt cái Duyên, nó bị rụng tóc, nổi mụn khắp người, tròng mắt trồi ra, trí nhớ giảm sút. Bao nhiêu của nả, tiền nong trong nhà cô chú tôi lần lượt đội nón ra đi. Nghe nói có bác sĩ nào giỏi, ông lang nào có tiếng, cô chú tôi đều tìm đến cầu cứu. Nhưng tất cả đều vô vọng. Các bác sĩ đều kết luận: Mừng và Duyên bị hậu quả của chất độc màu da cam mà suốt mười năm ở chiến trường chú Toàn tôi đã nhiễm phải.
Con cái giờ đây không còn là niềm tự hào, ký thác nữa, mà đang trở thành nỗi tủi hổ và gánh nặng nghiệp chướng. Thằng Mừng suốt ngày lăn lóc ở góc nhà, ăn uống, bài tiết ngay tại chỗ. Cái Duyên thơ thẩn như một đứa dở hơi, bỗng dưng cười nhăn nhở, bỗng dưng khóc sụt sùi. Chú Toàn, cô Thảo tôi già tọp, lúc nào cũng sầu não, bơ phờ. Cũng may, vị trí căn nhà đã vớt vát lại phần nào đời sống cho cô chú tôi những năm tháng về hưu. Xoay đằng sau, căn nhà bỗng ngoảnh ra phố chính, trở thành mặt tiền. Buôn bán nhì nhằng mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn.
Thấm thoát rồi cái Duyên cũng mười tám tuổi. Tóc nó thưa thớt như người qua trận ốm thương hàn. Người nó còi cọc như đứa trẻ mười ba. Vẫn là một thiếu nữ, vẫn có mông có vú, vẫn bước vào thời kỳ khao khát yêu đương, tình dục. Bi kịch cho cái Duyên và cho cô chú tôi là ở chỗ này. Duyên như một quả bom mà ai cũng nghĩ rằng đã bị câm, điếc, nhưng không ai dám cam đoan rằng mó máy vào nó sẽ không phát nổ.
*
* *
Và rồi quả bom Duyên đã nổ. Bằng tất cả tình yêu và sự lo âu của người mẹ, cô Thảo tôi phát hiện ra ngay cái Duyên đã có chửa. Trời ơi, thật là khủng khiếp. Lành lặn, đẹp đẽ còn chẳng ăn ai, huống hồ...
Cô Thảo tra khảo cái Duyên. Ban đầu nó cứ cười cợt một cách ngô nghê và chối đây đẩy. Cô Thảo tôi phải quay ra dụ dỗ, mua chuộc. Cô hứa sẽ tổ chức đám cưới cho nó thật to, cho hẳn vợ chồng nó cửa hàng ở tầng một. Xuôi tai, Duyên khai ra vanh vách nó đã yêu đương, tình ái như thế nào.
Khổ chưa, người ngủ với nó lại chính là thằng San, con một người bạn chiến đấu của chú Toàn. San học hết lớp 12, thi ba năm liền không đỗ đại học. Nhờ chỗ quen biết, chú Toàn xin cho San làm chân bảo vệ ở một công ty liên doanh với nước ngoài, mỗi tháng hai trăm đô la. San cao to, đẹp trai, nhưng tẩm ngẩm và lì lợm. Cậy chỗ quen thân, lại biết cô chú tôi thoải mái, ngày nghỉ, San vẫn về với cô chú tôi như về nhà mình. Lửa gần rơm, dẫu là rơm ướt, rơm mục thì rồi cũng bén. Cái Duyên đẫy ra, xinh ra, lúc nào cũng cười hinh híc. Thằng San càng không thể ngờ rằng cái việc nó tưởng chơi bời, giết thời gian ấy lại gây hậu quả nghiêm trọng. Khi vỡ lẽ ra, nó bùng, lặn một mạch mất tăm. Tất nhiên, thanh niên bây giờ anh nào ở vào cảnh ngộ của San, cũng đều tìm chọn chước "tẩu vi thượng sách" cả thôi.
*
* *
- Gay đấy cô ạ. - Tôi nói với cô Thảo - Hôn nhân là phải thuận cả đôi đằng. Thằng San nó chỉ chơi bời chứ đằng nào nó chịu lấy con Duyên nhà mình...
- Thế nên cô mới phải nhờ đến anh. - Cô Thảo nhìn tôi cầu cứu, van vỉ - Anh thử cố thuyết phục thằng San và gia đình nó. Bằng mọi cách cô chú phải cưới chồng cho con Duyên. Tốn kém bao nhiêu cũng được.
- Mà cô chú cũng lạ. - Tôi tỏ vẻ bực bội - Cho nó đi nạo thai là xong. Việc gì mà phải chèo kéo. Vả lại, con Duyên làm sao mà đủ tư cách làm mẹ.
- Anh phải thương lấy hoàn cảnh của cô chú. - Cô Thảo lại sụt sùi - Thằng Mừng em anh coi như đã bỏ đi rồi. Con Duyên cũng tưởng nuôi báo cô suốt đời. Nay nó thế này, âu cũng còn để phúc. Biết đâu nó chẳng sinh được một đứa con tử tế cho cô chú vui lúc tuổi già. Cô chú đã bàn nát nước rồi cháu ạ. Cưới xong dăm bữa nửa tháng, thằng San bỏ con Duyên cũng được...
- Trời ơi, cô! - Tôi nghẹn ngào và bỗng thấy thương cô tôi đến thắt lòng - Con hiểu ý cô rồi. Thôi, mọi việc để con lo. Con sẽ gặp thằng San ngay và cùng nó về gặp bố mẹ nó để bàn công việc.
*
* *
Đúng như tôi dự đoán, thoạt đầu thằng San chối bay biến. Bộ mặt vốn lì lợm của nó giờ cứ tối sầm lại chẳng hé mở một chút thông tin nào. Nhưng tôi nào phải tay vừa. Tôi có thừa khả năng mớm cung, bức cung như một tên cai ngục thực thụ.
- Cậu đừng để gia đình chúng tôi phải dùng đến biện pháp y học. - Tôi nói - Cái Duyên nó khai hết với tôi rồi. Hoặc là gia đình chúng tôi sẽ thu xếp mọi việc êm đẹp, cậu vẫn ở lại Hà Nội, mỗi tháng thu nhập hai trăm đô la, lại có nhà cửa đề huề... Hoặc là ngay tuần sau cậu sẽ phải nghỉ việc về quê bám đít con trâu...
Quả nhiên thằng San không chịu nổi cú đòn cân não của tôi. Nó đã thú nhận tất cả.
- Vậy thì các em tổ chức cưới ngay trước Tết - Tôi tuyên bố dứt khoát.
- Ấy chết... Anh ơi, đừng bắt em phải lấy Duyên. Anh hãy thương lấy em. Em xin bỏ tiền chu đáo để cô ấy đi bệnh viện.
- Nạo thai để chạy làng hả? Đâu có dễ dàng thế. - Tôi tiếp tục ra đòn - Cả bàn dân thiên hạ ai cũng biết cậu làm cho em gái tôi có chửa. Ông chú tôi về hưu với hàm đại tá, dễ gì để thiên hạ họ chửi vào mặt... Nếu tôi không can thì hôm qua ông chú tôi đã đến gặp giám đốc công ty liên doanh của cậu rồi...
San đờ người, đôi mắt thất thần và tuyệt vọng.
Tôi vỗ vào vai San:
- Anh nói để chú yên tâm. Cứ việc dũng cảm mà tổ chức cưới đi. Chẳng ai bắt chú phải chung thủy đâu. Cưới xong rồi, chú mày "phắn" ngay cũng được. Cô chú anh chỉ cần có một động tác che mắt thế gian thôi. Chú mày hiểu chứ?
San mở tròn mắt nhìn tôi nghi ngờ.
- Đàn ông với nhau, anh nói thật. Chú mày không cưới là chú mày đại ngu.
San rơm rớm nước mắt:
- Vâng, nếu vậy thì em cũng đành...
- Bây giờ ta bàn sang bước hai. - Tôi lại nói - Ngày mai tôi và cậu về quê cậu để bàn việc cưới xin với gia đình.
- Anh ơi, em van anh - San níu lấy tay tôi, van vỉ - Người làng em mà biết chuyện này thì em chết mất. Bố mẹ em cũng không thể biết chuyện này. Một mình em đứng ra tổ chức cũng được chứ anh?
A, anh chàng sĩ diện và xấu hổ. Đẹp mã thế kia tội gì mà phải vơ quàng vơ xiên. Tôi thấy thực sự cảm thông với cảnh ngộ của San và thôi không muốn dồn ép cậu ta nữa. Cuối cùng tôi phải tìm giúp cậu ta một giải pháp: Người của họ nhà trai sẽ hoàn toàn do tôi thuê mướn. Ông A sẽ đóng vai bố, ông X đóng vai ông cậu, chị Y bà dì... Tóm lại một đám cưới chỉ có chú rể thật, còn lại tất cả bố mẹ, chú bác, bạn bè của chú rể đều là rởm. Thời buổi kinh tế thị trường này, thiếu gì. Dân cửu vạn ngoài đầu đường đầy rẫy, chỉ cần ới một tiếng là có ngay một đội ngũ "nhà trai" hùng hậu vài ba chục người.
Trong đời, chưa bao giờ tôi đạo diễn một đám cưới bi hài đến thế. Chú Toàn, cô Thảo tôi mặt mày phờ phạc, lòng dạ như xát muối, nhưng lúc nào cũng phải thường trực nụ cười như mếu. San thì khỏi phải nói, cậu ta lầm lì một cách trang nghiêm, rất hợp với tâm thế một người chồng trẻ ngay trong ngày vui vẫn xác định rõ trách nhiệm và sự lo toan cho hạnh phúc gia đình.
Vô tư nhất là đám "họ nhà trai". Từ ông "bố vợ" đến các "ông chú, bà bác" và cánh phù rể đều cười nói như pháo ran. Miệng ai nấy đều như tép nhảy. Họ ăn uống còn quá những nhân vật trong truyện ngắn "Được bữa no" của nhà văn Nguyễn Công Hoan xưa. Chẳng những được ăn được nói mà họ còn tranh thủ mọi lúc để "gói mang về". Túi vị nào cũng phồng căng toàn kẹo bánh và thuốc lá Vina, khổ, nhà trai gì mà toàn những kẻ tham ăn tục uống.
Nhưng nổi trội nhất trong đám cưới lại là Duyên. Tôi thật không còn nhận ra nó nữa. Trong bộ đồ cưới màu trắng và nhờ sự kì công trang điểm của chuyên gia có hạng, trông nó bớt xấu xí đi nhiều, nhưng bộ mặt của nó thì lại ngô nghê kệch cỡm đến thảm hại, một bộ mặt bự son phấn, như mặt hình nhân, lúc nào cũng ngoác rộng một hàm răng trắng ởn.
Không có pháo, nhưng ngoài kia hoa đào đã nở, báo hiệu mùa xuân đã đến và Tết sắp gần kề. Nhìn những cánh hoa đào, tự nhiên tôi lại nghĩ đến những cánh rừng đầy chất độc màu da cam mà chú Toàn tôi đã sống gần chục năm trời. Hơn hai mươi năm rồi mà cái màu da cam ấy vẫn còn luẩn quất quanh đây. Rất có thể nó còn tiếp tục sinh sôi từ cái "nụ mầm" mà cô em gái của tôi đang ấp
- Anh Hoàng ơi, chụp cho em với anh San một kiểu ảnh dưới gốc hoa đào. - Duyên cười toe toét chạy đến kéo tay tôi.
Tôi nhìn cô em gái mà lòng bỗng se thắt một tình thương không nói được thành lời. Khốn khổ cô em tôi. Không hiểu rồi phúc hay họa sẽ đến với nó?
Tôi cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với Duyên. Tên như thế, chẳng lẽ mùa xuân này lại không một chút duyên gì vận vào em ư?
(*) Đã dịch ra tiếng Anh: "Grace" in trong tập Family of Fallen Leaves", NXB "The University of Georgia Press", Hoa Kỳ - 2011.