Ngọt Ngào Pha Mặn Chát Chương 5

Chương 5
Dành dụm mấy năm trời Mai Du mới mua nổi một chiếc xe đạp Thống Nhất nữ.

Nhận điện báo của Phú từ Bằng Tường, Trung Quốc, cô đạp ào về thành Nam cho kịp chuyến tàu chiều, may ra kịp đón. Con đường liên huyện lởm chởm đá sỏi và lóc xóc những ổ gà, Mai Du vẫn vượt lên. Chưa lúc nào cô cảm thấy đôi bánh lốp to kềnh lại giá trị như lúc này, xe đi càng êm. Bảy giờ rưỡi tối Mai Du ra tới Hà Nội, nhưng chuyến tàu liên vận đưa du học sinh về nước đã vào ga Hàng Cỏ từ mấy tiếng trước rồi.

Trong căn phòng nhỏ ở gác 3 khu B Kim Liên, ánh điện hắt ra sáng trưng, năm bảy người đang râm ran trò chuyện bên bàn ăn - bữa tối vừa tàn. Mai Du đưa tay gõ nhẹ vào cánh cửa khép hờ. Chàng trai nhỏ nhắn, trắng trẻo trong bộ trang phục thun đen đứng bật dậy và reo lên mừng rỡ: "Mai Du!". Không phải giới thiệu, mọi người đã quen nhau cả. Giây lát, Phú xin phép những người thân đưa Mai Du về nhà. Anh khệ nệ xách theo một chiếc đàn Ác-coóc-đê-ông và đôi môi đỏ mọng của anh khẽ bật lên hai tiếng ngọt ngào: "Tặng em!". Thay lời cảm ơn, Mai Du ngước nhìn Phú bằng đôi mắt ướt long lanh, cười cười, vừa sung sướng vừa cảm động. Cô đưa tay đỡ và thốt ra lời ái ngại: "Nặng, anh!". Phú lại cười ngọt ngào: "Anh xách được mà! Anh đã xách từ Berlin về đây. Không muốn đóng thùng gửi hàng chậm. Để em vui!".

Hai người bên xe đạp đưa nhau về nhà Mai Du ở tận mé Giáp Bát. Mấy gian nhà lá cạnh đường tàu hỏa rộn lên: "Anh Phú về! Anh Phú về!".

Sáng hôm sau, Phú theo bác Trầm - mẹ Mai Du - và út Hồng cùng tiễn Mai Du về tới tận thành phố Nam Định. Họ lưu lại chơi ở nhà bác Trần Kha một buổi, chụp mấy bức ảnh kỷ niệm với gia đình bác rồi vội vã chia tay: Mai Du còn phải đạp xe gần bốn mươi cây số về huyện H. cho kịp trước khi trời tối, còn mẹ con bác Trầm và Phú cũng phải quay trở lại cho kịp chuyến tàu chiều. Phú chưa chuẩn bị đi chơi xa mà bác Trầm với út Hồng thì sáng mai đã phải đến trường rồi. Ba người tiễn Mai Du ra tận bến phà Đò Quan, nhìn theo mãi cho đến khi Mai Du dắt xe đạp lên bờ bên kia ngó sang vẫy vẫy...

Đó là một buổi chiều đông, tiết trời lành lạnh buồn như lòng người!

Phú tranh thủ về quê thăm mẹ mấy hôm. Anh cẩn thận hẹn ngày giờ, bảo: "Mai Du chuẩn bị đón anh về huyện H.". Trên đường từ quê trở ra nhận công tác, Phú thực hiện lời hứa với người yêu của mình.

Tay xách chiếc va li nho nhỏ, và trong trang phục là lạ: một chiếc áo dạ xanh, một chiếc quần chẽn bó gối... anh bước xuống bến xe Yên trước những cặp mắt tò mò của bọn trẻ con thị trấn. Anh đang định hướng theo sơ đồ của Mai Du để tìm về trường cấp 3 huyện H. thì kia rồi, Mai Du cùng cô bạn Thủy đã gần sang hết cây cầu. Họ mừng rỡ đưa Phú trở lại, qua một cây cầu nhỏ nữa rồi đến ngôi nhà thờ xứ. Bây giờ Mai Du đã ra ở khu tập thể ngoài trường, cùng phòng với Điệp và Thủy. Người đàn ông đầu tiên mà Phú gặp ở trường cấp 3 huyện H. chính là Thanh. Mai Du giới thiệu: "Anh Thanh à! Đây là người anh đã thấy trong ảnh. Anh Phú đó. Còn đây là anh Thanh, giáo viên toán, bạn em". Phú nắm chặt tay anh Thanh rất thân thiện, còn anh Thanh thì hơi đỏ mặt, cười cười và lia lịa gật đầu như muốn bảo: "Tôi biết rồi! Tôi biết rồi!".

Buổi tối đó, trên sân nhà thờ thôn Vượt, lớp 10B của Mai Du có buổi dạ hội văn học. Mai Du đến đúng giờ, nhưng cô không đi một mình. Cả lớp đang reo lên khi cô giáo tới thì chợt im bặt: cô đi với một người lạ. Ai thế nhỉ? Mấy mươi cặp mắt tò mò. Lớp trưởng Lại Thế Sung đứng lên chào rồi nhanh nhảu nói: "Các bạn à! Xin được giới thiệu... khách của cô giáo". Tiếng cười và vỗ tay rộ lên. Cả chủ và khách cùng vui. Trong buổi dạ hội hôm đó, ngoài những giọng thơ, bài hát của học trò còn có cả tiếng đàn Ác-coóc-đê-ông của cô giáo chủ nhiệm. "Cô đàn cho các em hát!". Học trò đề nghị, và vị "khách của cô giáo" vui vẻ đánh nhịp theo cùng. Chắc hẳn mấy năm ở nước ngoài anh Phú không thể có một niềm vui nào hơn thế, không có cái phút nào gợi nhớ những kỷ niệm tươi tắn hồn nhiên của tuổi học trò hơn thế?

Phú vừa ra tới Hà Nội lại lập tức phải trở vào xứ Nghệ. Anh chưa được giao công tác. Bởi Bộ Văn hóa có chủ trương đưa những người du học trở về đi một chuyến thực tế vài ba tháng. Nhóm học ảnh của Phú cùng một số bạn nữa được điều lên lao động ở Hợp tác xã Vĩnh Sơn, thuộc một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.

 

"Cuộc sống lao động vất vả nhưng mà cũng vui - Phú viết thư cho Mai Du - Ngày đi cuốc đất, cắt rạ, tối về bó gối trên chõng tre ngồi kể chuyện tiếu lâm. Và đêm đến, anh che bớt ngọn đèn dầu vốn đã tù mù để viết thư cho em đây... Bọn anh góp gạo thổi cơm chung với nhà chủ. Dân ở đây tốt bụng, rất chân thật, nhưng mà nghèo lắm. Cơm ăn độn lổn nhổn đầy sắn hoặc khoai chuối (củ giong riềng). Tội nhất là bọn trẻ con đứa nào cũng nhếch nhác và chỉ có đi chân đất... Bọn anh thỉnh thoảng kéo nhau qua sông đi "cải thiện". Có đồng nào đổ hết vào mấy hàng chuối và bánh đúc ở cái chợ lèo tèo chưa họp đã tàn. Để chống đói mà. Đời kể cũng buồn cười thật...".

Mai Du đọc những lá thư như thế của Phú, lòng bồi hồi xúc động, thương anh Phú không biết làm sao mà chịu nổi cảnh sống cơ cực này. Một sự thay đổi môi trường thật quá cách biệt và đột ngột!

Sắp đến tết Nguyên đán. "Cái tết đầu tiên sau bốn năm xa nhà, anh phải về quê với mẹ, với bà con, họ hàng" - Phú tâm sự trong thư như để Mai Du thông cảm, rồi anh mạnh dạn phác ra một kế hoạch: "Anh muốn em vào đây một lần, cho biết quê chồng. Em chiều anh đi nhé. 26 tết, kết thúc đợt lao động, anh sẽ về tới Vinh. Nếu em không được nghỉ sớm để về Vinh thì anh sẽ đón em xuống ga Yên Lý nhé... Cũng là tiện thể để em thăm cậu, cậu Bình em đang đóng quân ở gần Yên Lý đó...". Lòng Mai Du băn khoăn: làm thế nào mà "chiều" anh Phú được đây? Mai Du đã trúng cử Hội đồng nhân dân huyện rồi. Bây giờ Mai Du là ủy viên Ủy ban hành chính, phụ trách khối Văn - Xã. Mà cán bộ huyện thì chỉ được nghỉ có ba ngày tết, 30, mồng 1, mồng 2. Sáng mồng 3 tết tất cả đã phải tham gia "hội xuống đồng": đi cấy chăng dây thẳng hàng theo lối mới.

Thư anh Phú lại đến, gần như hàng ngày. Phú bảo với Mai Du: "Em đừng nên phong kiến quá. Về quê chồng trước ngày cưới thì đã sao? Mẹ anh là một bà già nông dân hiền lành và tội nghiệp, đã nhiều năm thui thủi cô đơn, một mình...", "... Anh chưa ra Hà Nội ăn tết với gia đình em được, cả em nữa. Tết này mà em chiều anh về trong này, em hãy viết thư xin Ba, Mẹ cho phép em và thông cảm cho anh nghe"... "Em thân yêu! Kế hoạch là như thế. Có thực hiện được hay không là ở em quyết định. Em nhớ tính thời gian cho chính xác rồi báo ngay cho anh hay...".

Mai Du viết thư về Vĩnh Sơn, viết thư về Vinh rồi


Yên Lý, chưa lần nào dám hẹn chắc chắn với Phú là tết
Mai Du sẽ về.

Tối 29 tết, đã lên đến Nam Định rồi, Mai Du vẫn phân vân: đi vào hay đi ra đây? Mấy cô bạn gái cùng trường cổ vũ: "Đi vào đi! Đi vào thôi! Ưu tiên người đi xa về".

 

Thôi được, tối 29 vào, tối 30 ra Hà Nội, chiều mồng 2 về huyện H., sáng mồng 3 "xuống đồng". Mai Du phác ra một cử chỉ quả quyết thực hiện kế hoạch đó. Họ chia tay nhau trên sân ga. Tàu vào chật như nêm cối. Mai Du phải đứng suốt đêm ở chỗ nối toa, chân mỏi tê đi. Càng về khuya, gió càng hun hút lạnh.

Mờ sáng 30 tết, con tàu Hà Nội - Vinh ghé lại cái ga xép cuối cùng. Mai Du đã thấy có cậu Bình, cùng với anh Phú đứng đón. Trong mừng rỡ, Mai Du hỏi:

- Sao anh biết em vào?

- Anh dè chừng, anh hy vọng. Cả ngày hôm qua, chuyến nào anh cũng đón. Riêng hôm nay thì anh tin...

- Linh tính mách bảo - Cậu Bình của Mai Du đùa. Song Phú thì khẳng định: "Phải rồi, linh tính mách bảo. Hôm nay thì anh tin thế nào em cũng về".

Bà Thiệu vừa ở chợ về. Bà đón con dâu tương lai xởi lởi với một rá đầy nào cá trích nướng, bánh đúc lạc, kẹo "cu-đơ", lại cả món đặc sản quê hương gọi là "hai ướt
một ráo"...

Trong bữa ăn thân mật đông đủ cả gia đình, chị gái và em gái Phú cũng đã về, Mai Du thưa với bà Thiệu:

- Mẹ ạ, tối nay con phải lên tàu ra rồi! Con về Hà Nội ăn tết với gia đình một ngày. Hết mồng 2 con hết phép ạ.

 

- Để mai. Mai em Sinh nó cũng phải đi, mồng 2 nó cũng phải lên trường, tận Hòa Bình kia.

- Để mai anh đi cùng. Anh đưa hai chị em ra.

- Anh còn phép. Anh ở nhà với mẹ thêm mấy ngày nữa - Mai Du bảo.

- Em ăn tết hai nơi. Anh cũng ăn tết cả hai nơi. Anh đã quyết định rồi.

- Với lị, mai là mồng một, anh mà đi thì... Mẹ ơi! Mẹ có kiêng không?

- Kiêng gì. Việc đi thì cứ phải đi chứ.

Mai Du sung sướng nhận ra: mẹ anh Phú không phong kiến.

Chiều 30 tết. Chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên, chị Thiệu của Phú hỏi Mai Du:

- Ung (cậu, gọi thân mật) có biết làm thịt gà không?

- Dạ có ạ.

Chị Thiệu ngồi cạnh xem Mai Du mổ moi.

Tối mồng Một. Cúng tết xong, bà con họ hàng về cả rồi, chị Thiệu tiễn các em ra tận sân ga. Chị đặt vào tay Mai Du một cái túi xách nằng nặng:

- Mấy cặp bánh chưng nhân dừa, mẹ bảo đưa cho em mang ra. Quà nhà quê mà. Hà Nội chỉ có bánh nhân thịt, không có thứ này đâu.

 

- Dạ. Em xin chị. Nhưng để em Sinh mang bớt về trường cho các bạn.

- Hắn có rồi. Hắn có rồi. Tết này Phú về mẹ mới tự tay gói bánh chưng đó. Em mang ra biếu ông bà và cho chị gửi lời chúc tết gia đình.

- Dạ.

9 giờ đêm tàu chạy. Qua khỏi cầu Hàm Rồng, Phú bảo: "Hai chị em ngủ một giấc cho đỡ mệt. Để anh canh đồ cho". Rồi anh giũ cái chăn len anh mang từ Đức về, trùm kín người hai chị em.

Cô Sinh xuống tàu thì ến thẳng nhà bạn, để cùng lên Hòa Bình. Phú và Mai Du thủng thẳng đạp xe về nhà. Các em Mai Du đón anh chị bằng tiếng reo mừng báo tin cho ba mẹ.

Mai Du ăn cái tết muộn có phần vội vã với gia đình, nhưng cô sung sướng và cảm thấy chưa có cái tết nào
vui bằng.

Gần 2 giờ sáng ngày mồng 3, Phú tiễn Mai Du ra ga Vọng, mua vé tàu xuôi. Anh ái ngại:

- Mấy giờ tàu đến Nam Định, em?

- Khoảng 5 giờ 30. Rồi em đạp thẳng một mạch về huyện H. 9 giờ nắng ấm mới bắt đầu lễ "xuống đồng". Chắc là kịp.

 

Tiếng còi tàu vào ga phá tan giây phút bịn rịn ngắn ngủi của hai người. Khi con tàu chuyển bánh xa dần, khuất hẳn bóng Phú rồi, Mai Du mới chợt băn khoăn: "Mình quên mất không hỏi anh Phú có về quê ăn tết với mẹ mấy ngày nữa không? Cho mẹ vui".

Tâm trí Mai Du dần hiện lên những hình ảnh êm đẹp của chuyến về quê anh Phú lần đầu, lòng cô tràn ngập một niềm vui, một niềm tin.

Sáng mồng 3 tết, khoảng 10 giờ, trong lễ "xuống đồng" của cán bộ huyện H với bà con Hợp tác xã thôn Đông, người ta thấy có cả cô giáo Mai Du quần vo quá gối đang tách từng chẽn mạ cấy chăng dây thẳng hàng theo kích thước kỹ thuật đã quy định.

Mai Du vừa dạy học, vừa làm quen dần với công tác Ủy ban. Khi thì dự khai mạc một lớp tập huấn của cán bộ thông tin văn hóa các xã, khi thì góp phần phân giải một vấn đề gay cấn nào đó ở phòng y tế huyện. Hoặc giả, tổ chức các cuộc họp sơ kết học kỳ của phòng giáo dục, hay cùng các cán bộ chuyên môn của phòng đi dự giờ, thăm lớp, kiểm tra chất lượng mấy trường phổ thông cấp 2.
Có những khi mưa dầm gió bấc hay trong đêm lạnh, Mai Du phải xuống tận cơ sở để đi thực tế hoặc dự họp hành với địa phương.

 

"Hay đi đêm vào các vùng sâu như thế, đồng chí cũng nên phòng thân". Đồng chí Tâm, huyện đội trưởng huyện H. nói với Mai Du như vậy, rồi cấp cho cô cái giấy phép mang súng quân dụng để cô được sử dụng tặng phẩm quý giá của bác Trần Kha - một khẩu súng lục xinh xinh nằm gọn trong túi xách của Mai Du.

Phú gửi thư về bàn chuyện cưới. Anh viết: "Bọn bạn cứ hỏi anh: "Sao mới về đã tìm được "Bà Huyện" ở nơi chân trời góc bể ấy?"... Chỉ khổ nỗi "Bà Huyện của anh" thời gian ngặt nghèo quá!...", "... Thôi được, chỉ cần em về một tuần, vừa đăng ký vừa cưới. Mọi việc chuẩn bị trên này anh và ba mẹ sẽ lo. Công đoàn cơ quan hứa chỉ cần đưa cho họ mấy trăm bạc, họ sẽ tổ chức cho mình thật chu đáo, thật vui...", "... Em cứ yên tâm, sau cưới anh sẽ về huyện H. với em ít hôm. Bây giờ, điều cần nhất là em cho biết chắc chắn ngày em về để anh còn in thiếp mời, và còn kịp gửi xuống
dưới đó...".

Mai Du về nhà hôm trước thì hôm sau đi đăng ký kết hôn, rồi hai người đi mua sắm đôi nhẫn cưới và mấy thứ thật cần thiết. Trước khi ai về nhà nấy, Mai Du vẫn đỏ mặt xấu hổ tránh cái hôn đầu tiên. Phú hờn dỗi nói trong hơi thở: "Bây giờ em đã là vợ của anh rồi. Giá em đừng phong kiến quá thì anh vui hơn!". Mai Du áp đầu vào ngực Phú như muốn xin lỗi, cô nghe rõ tiếng tim anh rộn ràng, rồi cô cũng nói trong hơi thở: "Anh ơi! Hôm nay trời rất đẹp. Ba ngày nữa chắc cũng như thế này, anh nhỉ?". Phú gật đầu, lại vui khi nghĩ đến ngày cưới.

24 tháng 7-1964, Hà Nội mưa như trút nước. Mưa từ sáng đến tối, không lúc nào ngớt mưa. Những người thân đã đến đông đủ nhưng cái sân đất trước nhà Mai Du lấp xấp nước. Ông Bưu điện lội vào đưa tận nơi cái điện mừng của Ủy ban hành chính huyện H. Mai Du thoáng buồn. "Thế là không ai lên được. Mà khách Hà Nội cũng chả chắc đã ai đến. Mưa to thế này...". Nghĩ vậy, cô dâu chưa buồn mặc áo dài. Bảy giờ rưỡi tối, chiếc com-măng-ca của cậu Bình xịch đỗ lại. Mọi người cả mừng: "Ổn rồi! Cô dâu chú rể đi nhờ xe cậu, ổn rồi!". Gần 8 giờ, bước vào căn hộ số 5 đầu một dãy phố nhỏ, Mai Du thật không ngờ: trong hội trường sáng trưng ánh điện đã đông nghịt khách rồi. Cửa sổ hành lang vắt cơ man nào là áo mưa, vải nhựa. Chẳng biết có bao nhiêu người. Mai Du chỉ thấy rằng đông lắm, khách ngồi chật ních cả hội trường. Nhiều người com-lê, cà-vạt hẳn hoi. Bữa tiệc trà giản dị chỉ có mấy đĩa bánh kẹo, hạt bí, thuốc lá Điện Biên và nước trà, vậy mà trông ai cũng vui. Có những người nghịch ngợm chạy hết dãy bàn này sang dãy bàn khác để bắt tay cô dâu chú rể nhiều lần. Mai Du sung sướng bật cười.

Khi chiếc com-măng-ca đưa cô dâu chú rể về lại căn nhà ở gác 3 khu B Kim Liên, Phú mới có giây phút thư thả để ngắm vợ mình. Anh nhìn Mai Du từ đầu đến chân, đoạn, anh ôm choàng lấy vợ và nói một hơi đầy xúc động:

- Khổ vợ anh chưa! Từ đầu đến chân toàn là... của đi mượn!

- Chẳng sao đâu anh. Ta càng vui vì có những người bạn tốt đã giúp đỡ mình. Với lại, thời chiến mà anh. Vợ chồng bộ đội còn chẳng có áo dài, họ chỉ mặc quân phục thôi - Mai Du an ủi chồng.

- Đành vậy - Phú âu yếm vợ - nhưng anh vẫn giận mình, ngày cưới không sắm nổi cho vợ một chiếc áo dài.

Mai Du cảm thấy yêu thương chồng vô cùng. Cô như muốn hóa thân hòa tan mình trong cơ thể ấm nóng và trẻ trung của anh.

Nguồn: truyen8.mobi/t87344-ngot-ngao-pha-man-chat-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận