Nhặt Dũng Cảm Lên Ta Làm Lại Mừng bạn đã sống sót qua ngày tận thế

Mừng bạn đã sống sót qua ngày tận thế
Hồi đầu năm- tận- thế- 2012, em gái tôi mang về nhà một cuốn sổ gáy xoắn, em gọi nôm na là sổ đếm ngược đến ngày tận thế.

Mỗi tờ của cuốn sổ được thiết kế gồm hai trang, mặt trước là một bức tranh vui vui gắn liền với câu nói ý nghĩa của một danh nhân. Như trang đầu tiên của cuốn sổ là câu nói của Edith Lovejoy Pierce, “Chúng ta sẽ mở cuốn sách với các trang trắng tinh. Chính chúng ta sẽ viết lên đó. Cuốn sách có tên là Cơ hội, và chương đầu tiên là Ngày đầu năm”. Mặt sau luôn là giấy trắng với lời nhắn nhủ: “Còn... ngày nữa để sống. Những việc tôi phải làm tuần này là...”.

Và mặc dù những thành viên trong gia đình tôi chẳng mấy tin tưởng vào lời đồn đoán về ngày tận thế 21/12/2012, thì chúng tôi vẫn dành cho cuốn sổ ấy một góc trang trọng cạnh lẵng hoa trên bàn nước phòng khách.

Bố tôi gài vào những lọn xoắn bên sườn cuốn sổ một cây bút. Thế là bất kì ai trong nhà, thậm chí cả những vị khách ghé thăm, cũng có thể dễ dàng viết thêm vài dòng vào đó. Chúng tôi bút đàm về những dự định. Dài la liệt. Nhiều khi, và gần như mọi lúc, chúng tôi quên đi ý niệm về ngày tận thế, chỉ miết mải hướng về phía trước và gắng sống sao cho trọn vẹn mỗi ngày.

Cuốn sổ bắt đầu từ ngày 1/1/2012, nhưng lại kết thúc lửng lơ ở ngày 21/12. Mặt sau của trang giấy đó là dòng chữ “Một cuộc đời mới”.

Chúng tôi nhìn nhau cười ồ, ra là đã bước sang một cuộc đời mới. Bầu trời ngày Đông chí vẫn còn ảm đạm và rét căm căm, bố mẹ tôi mời mấy anh chị em về nhà ăn lẩu nấm, mừng ngày Đông chí, ngày rét mướt giữa mùa đông, và mừng một “ngày tận thế” cả gia đình sum họp bên nhau, ngày mà chúng tôi bỏ lại những buồn bã của thế gian ở bên ngoài khung cửa và chia sẻ với nhau niềm vui gia đình, giữa thức ăn và tình yêu.

Nhưng tôi biết chắc, mỗi người trong gia đình chúng tôi vào cái năm có “ngày tận thế” đều có những đổi thay.

Như cách bố tôi từ chối những tiệc rượu với đối tác để về nhà ngồi ăn cơm và trò chuyện với mẹ.

Như cách mẹ tôi trang trí lại gian bếp nhỏ xinh – giang sơn của mẹ, cũng là nơi mẹ nấu những món ăn nuôi lớn anh em chúng tôi từ ngày còn ăn bột ăn cháo.

Như cách ông anh trai tôi đã lấy vợ và ra ở riêng, thường xuyên ghé qua nhà, ăn vội bữa cơm và hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ hơn là biệt tăm biệt tích trong những chuyến công tác xa xôi.

Như cách cô em gái tôi, hiện đang là sinh viên, dù bận túi bụi với những hoạt động ngoại khóa ở trường, ở chỗ làm thêm, nhưng vẫn gắng ở nhà trọn vẹn cả ngày cuối tuần.

Như cách tôi bỏ lại công việc hứa hẹn mức lương cao trong Sài Gòn, để trở về và làm việc ở thủ đô, bên cạnh gia đình. Hay rút món tiền tiết kiệm vốn để nuôi dưỡng giấc mơ du lịch năm châu với người mình thương, đưa cho bố khi ông nói đang thiếu tiền để mua một chiếc ô tô, để cả nhà có thể đi du lịch cùng nhau, trước khi ông quá già và không thể cầm lái.

Tốt nghiệp một trường đại học kinh tế, tôi học được cách cân đo đong đếm những cơ hội lọt vào tay mình. Tôi biết những đồng lương của mình đáng giá bao nhiêu và tôi đã phải nỗ lực như thế nào mới có được vị trí hiện tại. Nhưng tôi cũng biết, hạnh phúc mà chúng tôi đang có, những ngày được ngồi ăn tối với bố mẹ, nói những câu chuyện không đầu không cuối, với tôi lại thực sự đáng giá hơn tất thảy.

Tôi biết nhiều người đã lựa chọn sống ở nước ngoài, làm việc cật lực, với hi vọng có thể mang về quê hương thật nhiều tiền, để thay đổi mái nhà tranh nơi mẹ già đang sống, để thay đổi bữa ăn đạm bạc của những đứa con, đứa cháu. Nhưng thông thường họ chỉ có thể trở về khi nếp nhăn đã vương đầy trên mặt. Đó cũng là lúc tuổi tác không cho phép những ông bố, bà mẹ ở quê chờ đợi những đứa con của họ trở về, là lúc họ nhắm mắt xuôi tay trong đợi chờ mòn mỏi.

Khoảnh khắc đó, tiền bạc liệu có ích gì?

Tôi và anh quen nhau trên một chuyến bay dài hơn mười tiếng. Tôi trở về quê hương sau một thời gian dài đằng đẵng học tập nơi xứ người. Anh tạm hoãn kế hoạch viết luận án thạc sĩ để trở về đón Tết với người bố già đã một mình nuôi anh từ năm anh sáu tuổi.

Anh bảo tôi, dẫu bận rộn đến mấy, khó khăn đến đâu, Tết vẫn là thời khắc sum họp và anh không bao giờ muốn bố mình phải đơn độc trong những ngày ấy. Tôi cảm phục và yêu mến những tâm tình của anh, tìm thấy mình trong những điều anh nói. Và chúng tôi yêu nhau. Nhưng những ngày lễ Tết, chúng tôi vẫn chia tay nhau trở về mái nhà của mình, nơi vòng tay thương yêu của bố mẹ luôn chờ đợi.

Tới tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ, Tết là dịp để về nhà, là dịp người ta ngồi bên nhau và nghĩ về điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Sau tất cả, chẳng phải điều ấy chính là gia đình sao?

Những ngày còn sống ở Pháp, tôi được làm quen với La fête du Muguet, Lễ hội Hoa lan chuông, diễn ra vào ngày mùng 1/5 hằng năm. Tôi nghĩ, có nhiều lí do để người Pháp tặng nhau hoa lan chuông xinh xắn vào ngày ấy. Bởi tháng Năm là khởi đầu của mùa xuân nơi đây, mùa thế gian tái sinh, hoa lan chuông mong manh nở ngời ngợi nhắc nhở chúng ta về những thứ quý giá trong đời, khiến tâm hồn như một lần nữa tái sinh.

Làm việc là chuyện cả đời, nhưng nói yêu thương đôi khi là quá trễ. Nên có một ngày, cho dù là đồn đoán, một manh mối từ cổ xưa nhắc nhở chúng ta: chẳng có gì mãi mãi.

Nhưng sau ngày ấy, tin rằng thế gian vẫn tái sinh.

 

Nguồn: truyen8.mobi/t119680-nhat-dung-cam-len-ta-lam-lai-mung-ban-da-song-sot-qua-ngay-tan-the.html?read_ty...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận