Sự Thật Và Bịa Đặt Về Lăng Lenin Và Khu Mộ Bên Tường Thành Kremli Phụ lục 8-9


Phụ lục 8-9
Nước Nga là một quốc gia thế tục - Bất chấp hiến pháp và pháp luật.

Nước Nga là một quốc gia thế tục

“Tôi đồng ý với Thượng phụ giáo chủ toàn Nga Aleksiy II rằng điều đó không hợp với con người, không theo tinh thần Cơ Đốc giáo”, - cách đây không lâu Tổng thống B. Yeltsin đã tuyên bố như vậy khi trả lời phỏng vấn báo Tin tức.

Một chuyện lạ: tất cả đều im lặng, cả giáo chủ Ravil Gainutdin đại diện cho 50 triệu tín đồ Hồi giáo của nước Nga, cả giáo sĩ Do thái giáo Adolf Shaevich, Đức Lạt ma tối cao, cả hàng triệu những người vô thần cũng im lặng. Trong khi đó tổng thống lại dựa vào lời phát ngôn độc thoại của đại diện riêng một tôn giáo. Chẳng kể mới chỉ là Thượng phụ giáo chủ toàn Nga, dù có là Thượng phụ giáo chủ toàn thế giới đi chăng nữa, cũng không có quyền áp đặt số phận những nấm mồ của những công dân bình thường cũng như vĩ đại.

Hiến pháp của chúng ta nêu rõ: “Liên bang Nga là một quốc gia thế tục. Không một tôn giáo nào có thể được quy định là quốc giáo hay là tôn giáo bắt buộc phải theo” (điều 14).

Điều đó có nghĩa là cuộc sống của đất nước không thể điều chỉnh theo giáo luật của một tôn giáo nào.

“Lenin là một người vô thần - viện sĩ kiến trúc nổi tiếng toàn thế giới S. Khan-Magomedov nói - và những chiến hữu vô thần của ông đã mai táng ông. Vào thời điểm khi đất nước ta là đất nước vô thần duy nhất trên thế giới. Tại sao Chính thống giáo lại được quyền quyết định cách thức mai táng của người vô thần?... Những kiến nghị cần phải mai táng Lenin như thế nào chính là mưu toan ép buộc ý chí của giáo hội cho những người vô thần”.

Trong số tổ tiên của Lenin có người Nga, người Thụy Điển, người Đức, người Kalmyk, người Do Thái, tức là có tín đồ Chính thống giáo, Tin Lành, Phật giáo và Do Thái giáo. Sẽ ra sao đây, thưa Boris Nikolayevich, nếu như mỗi một tôn giáo trong số đó yêu cầu cải táng Lenin theo tập tục của họ?

“Dù thế nào đi nữa không được tách rời thi hài Lenin với Lăng - viện sĩ S. Khan-Magomedov tiếp tục - Lenin đã được mai táng ở đó... Lăng đã trở thành một hình thức mai táng mới. Và nó cần phải được tôn trọng giống như bất kỳ hình thức mai táng nào”.

Phát biểu chống lại hành động man rợ nhục nhã đó không chỉ có những người cộng sản.

Cách đây không lâu Hội đồng Nghị viện nước cộng hòa Bắc Osetia-Alanya gửi đến Trung tâm liên bang một thông điệp trong đó gọi sáng kiến cải táng Lenin theo truyền thống Cơ Đốc giáo là hành động “không có một cơ sở ý nghĩa nào”. Theo ý kiến của các nghị sĩ nghị viện Osetia, việc thực hiện ý tưởng đó sẽ “làm nổ ra sự bất bình của nhân dân và sự chống đối chính trị với những hậu quả không lường trước được đối toàn thể nước Nga và thậm chí có thể là nguyên nhân khởi đầu sự tan rã đất nước hùng mạnh của chúng ta.

Vào cao điểm của một đợt điên cuồng đòi phá Lăng năm 1993, Tổng thống nước cộng hòa Kalmykia K. Ilyumzhinov vì muốn gìn giữ Lăng Lenin đã phát biểu đề xuất sáng kiến chuyển Lăng về thủ đô của nước cộng hòa này và điều đó đem lại vinh dự cho nhà chính trị gia trẻ tuổi. Nhưng trong đầu ông cũng chưa bao giờ nảy sinh cái ý nghĩ quái gở là mai táng Lenin, một người vô thần, con cháu của một người Kalmyk, theo nghi lễ Phật giáo, mặc dù tại Quảng trường trung tâm Elista có hai bức tượng đứng sừng sững- tượng Lenin và tượng đức Phật - hai người được kính trọng nhất ở nước cộng hòa này.

Hội đồng khoa học của Viện nghiên cứu Khoa học về Lý luận Kiến trúc và Xây dựng đô thị (Moskva) ra tuyên bố rằng “bất kỳ sự thay đổi và làm biến dạng diện mạo kiến trúc của Quảng trường Đỏ đã hình thành theo lịch sử cũng sẽ làm mất đi giá trị nghệ thuật và lịch sử-văn hóa được toàn thế giới công nhận của Quảng trường chính của thủ đô Moskva.

Bất chấp hiến pháp và pháp luật

Đề nghị của Giáo hội Moskva về việc phá bỏ Lăng Lenin và Hàng mộ Danh dự là sự vi phạm trắng trợn điều 44 Hiến pháp Liên bang Nga, vì điều này nói rõ: “Mọi công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ quan tâm gìn giữ di sản lịch sử và văn hóa, bảo vệ các di tích lịch sử và văn hoá”.

Tại sao Thượng phụ giáo chủ Aleksiy II, người gốc Estonia, dòng dõi của một gia tộc Đức vùng Cận Baltic lại muốn xâm phạm vào Thánh địa của chúng ta. Phải chăng vì ông ta giống như Dantes “bị số phận đẩy trôi dạt từ phương trời nào đến chỗ chúng ta? Một lần nữa những lời của Lermontov có sức mạnh chân thật đến chết người lại vang lên: “Hắn ta không thể thương xót vinh quang của chúng ta, vào thời điểm đẫm máu này hắn không hiểu mình đã ra tay đánh ai!...”

Ngay từ năm 1974 Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng Nga đã công nhận Lăng Lenin, các mộ tập thể và các bình tro hài cốt là những đối tượng nằm dưới sự bảo vệ của nhà nước như những di tích lịch sử, còn ngày 20 tháng 2 năm 1995 sắc lệnh của Tổng thống Nga đã liệt những đối tượng đó vào hàng các công trình lịch sử và văn hóa cấp Liên bang (cấp toàn Nga).

Bộ Luật Liên bang “Về việc chôn cất và mai táng” quy định rằng nếu không có ý nguyện của người đã mất muốn được chôn tại một nghĩa trang xác định nào đó, thì hài cốt của người đó phải được để yên tại chỗ mai táng đầu tiên. Điều này hoàn toàn đúng khi áp dụng vào trường hợp Lenin và hơn 400 người đã khuất khác đang yên nghỉ tại chân tường thành Kremli. Ví dụ, trong bản giải trình của cơ quan lưu trữ Nga được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống B. Yeltsin ngày 11 tháng 4 năm 1997, có viết: “Trong kho lưu trữ của Trung ương Đảng trước đây không có một văn bản nào của Lenin cũng như họ hàng thân thích của ông nói về cái gọi là “ý nguyện cuối cùng” của Lenin muốn được chôn cất tại một nghĩa trang xác định của nước Nga (ở Moskva hay Saint Petersburg)”. Trong bản giải trình còn đưa ra ý kiến của vợ Lenin là bà N. Krupskaya: “Chôn [Lenin] cùng với các đồng chí, hãy để họ cùng nằm dưới bức tường Đỏ (tức tường thành Kremli. - A. A.)...”. Người cháu họ còn minh mẫn O. D. Ulyanova cũng nhận định: “Thi hài Lenin phải để ở trong Lăng trên Quảng trường Đỏ” (báo Sự thật ngày 10 tháng 6 năm 1999). Bà nhắc lại một cách chính đáng rằng Lăng được xây dựng theo nghị quyết của Đại hội Xô viết toàn liên bang lần thứ II - cơ quan nhà nước cao nhất của quốc gia, thực hiện ý nguyện của nhân dân muốn gìn giữ hình ảnh Lenin cho muôn đời sau. Theo luật pháp, ý kiến của người vợ hoặc chồng và của những người ruột thịt thân thiết nhất trong những trường hợp như thế này mang ý nghĩa quyết định.

Bộ Luật Liên bang “Về việc chôn cất và mai táng” cấm phá hủy và di chuyển mộ. Điều đó chỉ được phép trong trường hợp thường xuyên xảy ra ngập úng, đất trượt hay động đất (điều 4.2).

Ngoài ra, bộ Luật Hình sự quy định hành vi xâm phạm di hài của người đã khuất và nơi chôn cất họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù giam đến ba năm (điều 244) và nếu phá hoại di tích văn hóa thì bị tù giam đến 5 năm (điều 243). 

Hết phụ lục 9. Phụ lục tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26631


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận