Nhà bảo tàng này – Keating tự hào tuyên bố – sẽ phải hoàn toàn khác biệt: nó kh ông phải sự tái tạo đền Parthenon, mà là sự tái tạo công trình Maison Carrèe ở Nimes[41].
Sau khi Keating đi được một thời gian, một hôm, một nhân viên trẻ trong văn phòng đi đến bàn làm việc của Roark và thông báo rằng ông Francon muốn gặp anh trong văn phòng ông ta. Khi Roark bước vào thánh đường này, Francon mỉm cười từ phía sau bàn và vui vẻ nói: “Ngồi xuống đi anh bạn. Ngồi xuống...” nhưng một cái gì đó trong mắt của Roark, đôi mắt mà ông ta chưa bao giờ nhìn gần, khiến cho giọng của Francon chùng lại và dừng hẳn, rồi ông ta nói thêm một cách khô khan: “Ngồi xuống.”
Roark tuân lời. Francon chăm chú nhìn anh trong một giây, nhưng không thể đưa ra một kết luận nào ngoài việc anh chàng này có một khuôn mặt khó chịu nhất, thế nhưng trông anh ta vẫn có vẻ dễ bảo.
“Anh là người đã làm cho Cameron đúng không?” Francon hỏi.
“Vâng,” Roark trả lời.
“Cậu Keating đã nói những điều rất tốt về anh,” Francon cố gắng tỏ ra dễ chịu và dừng lại. Sự lịch sự này có vẻ uổng phí; Roark chỉ ngồi nhìn ông ta, chờ đợi.
“Nghe này... tên anh là gì nhỉ?”
“Roark.”
“Nghe này, Roark. Chúng ta có một khách hàng hơi... lập dị một chút, nhưng ông ta là một người quan trọng, một người rất quan trọng, và chúng ta phải làm ông ta hài lòng. Ông ấy vừa giao cho chúng ta việc thiết kế một tòa nhà văn phòng trị giá tám triệu đô la, nhưng vấn đề là ông ấy đã có ý tưởng rất rõ ràng về việc tòa nhà ấy phải trông như thế nào. Ông ta muốn nó phải...” Francon nhún vai ra ý thanh minh, với ý phủ nhận mọi trách nhiệm đi kèm yêu cầu ngớ ngẩn của khách hàng – “ông ta muốn nó phải trông thế này.” Francon đưa cho Roark một tấm ảnh. Đó là tấm ảnh Tòa nhà Dana.
Roark ngồi yên, tấm hình kẹp giữa các ngón tay.
“Anh có biết cái nhà đó không?” Francon hỏi.
“Có.”
“Thì đấy, đấy là cái ông ta muốn đấy. Và Keating thì lại đang đi vắng. Tôi đã giao cho Bennett và Cooper và Williams vẽ phác thảo, nhưng ông ta không thích. Cho nên tôi nghĩ tôi sẽ cho anh một cơ hội.”
Francon nhìn anh, tự thấy ấn tượng với sự cao thượng hàm chứa trong lời đề nghị của mình. Nhưng chẳng có một phản ứng gì cả. Chỉ có một người trông như thể anh ta vừa bị ai đánh vào đầu.
“Tất nhiên,” Francon nói, “việc này hơi quá sức anh, nó sẽ là một nhiệm vụ hơi lớn, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ để anh thử. Đừng sợ. Keating và tôi sẽ duyệt lại sau khi anh làm xong. Anh chỉ cần vẽ phác thảo mặt bằng và lập một bản phác khối thật tốt thôi. Anh hẳn là tưởng tượng được ý của khách hàng. Anh biết các thủ thuật của Cameron mà. Tất nhiên chúng ta không thể để một thứ thô thiển như thế này được làm ra từ văn phòng chúng ta. Chúng ta phải chiều ý khách hàng, nhưng cũng phải bảo vệ uy tín của mình và không làm các khách hàng khác sợ mà bỏ đi. Cho nên tóm lại là phải thiết kế nó đơn giản, có hơi hướng của tòa nhà này, nhưng cũng phải có tính nghệ thuật. Anh biết đấy, theo phong cách cổ điển của Hy Lạp. Anh không phải tuân theo kết cấu Ionic mà cứ dùng kiểu Doric ấy. Các trán tường và khung đơn giản thôi, hoặc đại khái thế. Hiểu không? Giờ thì cầm lấy cái này và cho tôi xem anh có thể làm được gì. Bennett sẽ nói cho anh các thông số cụ thể và... Có chuyện gì sa... o?”
Lời nói của Francon tự động ngừng lại.
“Thưa ông Francon, làm ơn cho tôi thiết kế theo cách Tòa nhà Dana đã được thiết kế.”
“Hử?”
“Hãy để tôi làm. Không phải sao chép nguyên xi Tòa nhà Dana, mà cho phép tôi thiết kế nó như thể Henry Cameron sẽ làm; và tôi sẽ làm đúng như thế.
“Ý anh là theo phong cách hiện đại á?”
“Tôi... vâng, cứ gọi như thế đi.”
“Anh điên à?”
“Ông Francon, xin hãy nghe tôi.” Lời Roark giống như bước chân của một người đi trên một sợi dây, chậm chạp, căng thẳng, cân nhắc để đặt được chân vào điểm cân bằng duy nhất, run rẩy trước vực thẳm, nhưng chính xác. “Tôi không trách ông vì những gì ông đang làm. Tôi đang làm việc cho ông, tôi đang nhận tiền của ông, tôi chẳng có quyền phản đối gì cả. Nhưng lần này... lần này chính khách hàng đề nghị như thế. Ông không mạo hiểm bất cứ cái gì. Khách muốn như thế. Ông nghĩ đi, có một người thấy, hiểu và muốn nó, và có khả năng xây dựng nó. Ông định đấu tranh với khách hàng lần đầu tiên trong đời ư – mà đấu tranh cho cái gì cơ chứ? Để lừa ông ta và quăng cho ông ta thứ rác rưởi cũ rích, trong khi ông đã có bao nhiêu người khác xin thứ rác đó, và một người, chỉ một người, đến với một đề nghị thế này?”
“Anh quên anh là ai rồi à?” Francon lạnh lùng hỏi.
“Nó có ảnh hưởng gì đến ông đâu. Xin cứ để tôi làm theo cách của tôi và cho ông ta xem. Chỉ đưa cho ông ta xem. Ông ấy đã loại ba bản phác thảo, nên có loại thêm bản thứ tư thì đã sao? Nhưng nếu ông ta không loại... nếu ông ta không loại...”
Roark chưa bao giờ biết cầu khẩn và lần này anh làm việc đó không tốt lắm; giọng anh cứng, không âm sắc, thể hiện rõ sự nỗ lực, khiến cho lời thỉnh cầu trở thành sự lăng nhục đối với người đã làm anh phải khẩn cầu. Keating hẳn sẽ cực kỳ muốn thấy Roark trong lúc này. Nhưng Francon không thể đánh giá hết được giá trị của chiến thắng mà ông ta là người đầu tiên đạt được; ông ta chỉ nhận thấy sự lăng nhục.
“Theo tôi hiểu” – Francon hỏi – “thì hình như anh đang phê phán và lên lớp tôi về kiến trúc?”
“Tôi đang cầu xin ông.” Roark nói, hai mắt anh nhắm.
“Nếu anh không phải là người được Keating bảo trợ thì tôi sẽ không buồn thảo luận thêm với anh. Nhưng vì anh rõ ràng là rất ngây thơ và thiếu kinh nghiệm nên tôi sẽ nói để anh biết là tôi không có thói quen hỏi quan điểm mỹ thuật từ những người thiết kế của tôi. Anh sẽ nhận bức ảnh này; tôi không muốn có bất kỳ tòa nhà nào theo kiểu Cameron sẽ thi ết kế; tôi muốn mô hình của cái này phải được biến đổi theo ý chúng ta – và anh sẽ làm đúng những chỉ dẫn của tôi về việc xây mặt tiền theo lối cổ điển.”
“Tôi không thể làm thế.” Roark nói rất khẽ.
“Gì cơ? Anh đang nói với tôi đấy à? Có phải anh định nói là: ‘Xin lỗi, tôi không thể làm thế’?”
“Tôi không nói ‘xin lỗi’, ông Francon.”
“Thế anh nói gì?”
“Tôi nói tôi không thể làm thế.”
“Vì sao?”
“Ông không muốn biết tại sao đâu. Đừng bảo tôi thiết kế gì cả. Tôi sẽ làm bất kỳ việc gì ông muốn. Nhưng không phải là thiết kế. Và không phải là với các công trình của Cameron.”
“Anh nói sao, không thiết kế à? Anh định trở thành kiến trúc sư, phải không?”
“Không phải theo cách thế này.”
“Ồ... tôi hiểu rồi... Vậy là anh không thể làm được? Ý anh là anh sẽ không làm?”
“Nếu ông muốn nói như vậy?”
“Nghe đây, đồ ngu ngốc hỗn xược, thật không thể tin được!”
Roark đứng dậy:
“Tôi có thể đi được không, ông Francon?”
“Cả đời tôi” Francon gầm gừ “chưa bao giờ tôi gặp việc gì giống như thế này cả! Anh dám cả gan nói với tôi anh sẽ làm gì và không làm gì à? Anh dám cả gan lên lớp tôi, chỉ trích thị hiếu của tôi và đánh giá tôi đấy hả?”
“Tôi không chỉ trích gì cả” Roark nói khẽ “Tôi không đánh giá gì cả. Có một vài thứ tôi không thể làm. Chỉ có thế thôi. Tôi có thể đi được rồi chứ?”
“Anh có thể đi khỏi phòng này và đi luôn khỏi hãng này luôn! Anh có thể đi thẳng xuống địa ngục! Cứ đi và kiếm một ông chủ khác xem! Cố mà tìm lấy ông ta! Đi mà lấy séc của anh và cút ngay!”
“Vâng, ông Francon!”
Tối hôm đó Roark đi bộ đến quán rượu tầng hầm nơi anh luôn gặp được Mike sau giờ làm việc ban ngày. Bây giờ Mike đang làm cho dự án xây dựng một nhà máy do chính tay thầu khoán chuyên thầu các công trình lớn nhất của Francon đảm nhận. Mike đã hy vọng sẽ gặp Roark đi thị sát nhà máy vào buổi chiều hôm ấy, và anh chào Roark một cách tức giận:
“Có chuyện gì thế Tóc Đỏ? Ngủ quên à?”
Khi nghe tin, Mike ngồi yên lặng và trông anh giống như con chó trâu đang nhe răng ra vậy. Rồi anh chửi thề một cách độc địa.
“Đồ khốn nạn” anh nuốt nước bọt giữa những câu chửi nặng nề hơn, “đồ khốn nạn...”
“Bình tĩnh đi Mike.”
“Giờ thì sao đây, Tóc Đỏ?”
“Lại tìm lấy một ai như thế cho đến khi chuyện như này lại xảy ra.”
*
* *
Khi Keating trở về từ Washington, anh đi thẳng đến văn phòng của Francon. Anh đã không dừng lại ở phòng vẽ thiết kế và không nghe được tin gì.
Francon đón tiếp anh một cách vui vẻ: “Chàng trai, thật tuyệt khi thấy cậu trở lại! Cậu uống gì? Một ly whiskey với soda hay một chút brandy?”
“Không, cảm ơn bác. Cho cháu điếu thuốc là được rồi.”
“Đây... Cậu bé, trông cậu bảnh lắm! Bảnh hơn bao giờ hết. Cậu làm thế nào mà được thế hả anh chàng may mắn? Tôi thì có rất nhiều điều để kể cho cậu nghe. Mọi chuyện ở Washington đến đâu rồi? Vẫn tốt cả chứ?”
Và trước khi Keating kịp trả lời, Francon lại tiếp tục nói: “Có một chuyện rất tệ đã xảy ra với tôi. Một chuyện đáng thất vọng. Anh vẫn nhớ Lili Landau chứ? Tôi đã nghĩ là mình tóm được cô ta rồi, thế mà lần cuối tôi gặp cô ta, tôi đã bị dội một gáo nước lạnh. Anh có biết ai đã có được cô ta không? Anh sẽ ngạc nhiên cho mà xem. Là Gail Wynand, đúng là thế đấy! Cô ả đang lên như diều. Anh nên xem ảnh cô ta và hình cặp giò của cô ta trên tất cả các tờ báo của ông ta. Điều đó có giúp cô ta lăng-xê bản thân mình. Tôi thì có thể làm gì để cạnh tranh với chuyện đó chứ? Và anh có biết lão ta đã làm gì không? Anh có nhớ là cô ta luôn miệng nói rằng không ai có thể cho cô ta thứ mà cô ta muốn nhất – đấy là ngôi nhà thuở thơ ấu, cái ngôi làng nhỏ chết tiệt ở Áo nơi mà cô ta sinh ra ấy? Thì đấy, Wynand đã mua nó, lâu rồi, mua đứt cả làng, và đã dùng tàu chở nó đến đây – tuốt tuột mọi thứ! Và lão cho xếp đặt lại cái làng đấy ở cạnh sông Hudson, và giờ thì nó chễm chệ ở đấy, cả sỏi cuội, cả nhà thờ, cả những cây táo, cả chuồng lợn – tất tật! Rồi lão đem tặng nó cho Lili hai tuần trước. Nghĩ ra thì cũng chả đáng ngạc nhiên! Nếu vua Babylon có thể tặng vườn treo cho bà vợ nhớ nhà của ông ta thì sao Gail Wynand lại không thể cơ chứ? Lili thì cười suốt và tỏ ra biết ơn nhưng cô nàng tội nghiệp lại thật sự khốn khổ. Cô ta thích một cái áo khoác lông chồn hơn nhiều. Cô ta chẳng bao giờ muốn cái ngôi làng chết tiệt ấy cả. Và Wynand cũng biết như thế. Nhưng cái làng vẫn ở đó, ngay sông Hudson. Tuần trước lão ta tổ chức một bữa tiệc cho cô ta, ngay ở cái làng đó, một bữa tiệc hóa trang. Wynand hóa trang làm Xêda Borgia – mà tại sao lại không cơ chứ? Có vẻ là một bữa tiệc ra trò – nếu cậu tin những gì người ta kháo nhau... Nhưng mà cậu biết rồi đấy, chẳng bao giờ mình có thể biết chắc cái gì về lão Wynand cả. Thế rồi hôm sau lão ta dẫn xác đến cái làng đó với một lũ học sinh chưa bao giờ nhìn thấy một ngôi làng Áo – ra vẻ là một nhà từ thiện! – rồi lão ta rải ảnh khắp các tờ báo của lão với đủ những câu chuyện lá cải về giá trị của giáo dục và nhận rất nhiều thư từ từ các câu lạc bộ phụ nữ! Tôi thì tôi muốn biết xem lão ta sẽ làm gì với cái làng đó khi nào lão ta bỏ rơi Lili! Cậu biết đấy, phụ nữ chả bao giờ ở lâu được với lão. Thế cậu có nghĩ là lúc đó tôi sẽ có cơ hội với cô ta không?”
“Chắc chắn rồi” – Keating nói – “Chắc chắn là bác sẽ có cơ hội rồi. Mọi chuyện ở văn phòng thế nào?”
“Ồ tốt cả. Vẫn như bình thường thôi. Lucius bị cảm lạnh và uống hết cả rượu Bas Armaganc hảo hạng của tôi. Như thế rất không tốt cho tim của ông ta, mà mỗi thùng rượu những 100 đô la đấy. Rồi ông ta còn tự vướng vào một vụ rắc rối nho nhỏ nữa. Liên quan đến cái trò điên của ông ta – đồ sứ ấy. Có vẻ như ông ấy đã mua một cái ấm trà từ một tên ăn cắp. Ông ta cũng biết đó là đồ ăn cắp. Vụ đó khiến tôi gặp rất nhiều phiền toái để tránh cho chúng ta khỏi xì-căng-đan. À này, tôi đuổi anh bạn của cậu rồi, cái thằng oắt tên gì ý nhỉ? À, Roark.”
“Ồ” Keating nói, và chờ một giây rồi hỏi tiếp “Vì sao thế bác?”
“Nó là đồ giẻ rách láo toét! Cậu nhặt nó ở đâu thế?”
“Thế có chuyện gì?”
“Tôi nghĩ là mình nên tốt với nó, cho nó một cơ hội tử tế. Tôi bảo nó vẽ phác thảo cho tòa nhà Farrell – cậu biết đấy, cái nhà mà cuối cùng thì Brent đã xoay sở thiết kế xong và Farrell đã chấp nhận, cậu biết đấy, kiểu Doric tối giản – thế mà bạn cậu đã từ chối làm. Có vẻ như anh ta có những lý tưởng hay cái gì đó. Thế là tôi đuổi nó ra khỏi cửa... Cái gì nào? Cậu cười cái gì nào?”
“Không có gì. Tôi có thể hình dung được cảnh ấy.”
“Giờ thì cậu đừng có xin tôi gọi nó trở lại nữa!”
“Không, tất nhiên là không rồi.”
Trong mấy ngày Keating nghĩ anh nên đến thăm Roark. Anh không biết anh sẽ nói gì, nhưng lờ mờ cảm thấy mình cần nói gì đó. Anh cứ trì hoãn mãi. Anh đang lấy được sự tự tin trong công việc và cảm thấy là rốt cuộc anh chẳng cần đến Roark. Ngày lại ngày trôi qua, Keating đã không đến chỗ Roark; anh cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy mình có thế tự do quên Roark.
Qua cửa sổ phòng mình, Roark nhìn thấy những mái nhà, bồn nước, ống khói và xe hơi đang lướt nhanh phía dưới. Có một vẻ đe dọa trong sự im ắng của căn phòng, trong những ngày trống rỗng, trong hai bàn tay anh đang buông thõng bên mình. Và anh cảm thấy một sự đe dọa khác dâng lên từ thành phố phía dưới, như thể mỗi cửa sổ, mỗi đoạn hè đường đang xiết chặt lại với nhau, lặng lẽ đối đầu với anh. Điều đó không làm phiền anh. Anh đã biết và đã chấp nhận từ lâu.
Anh lập một danh sách những kiến trúc sư mà anh ít ác cảm nhất với công trình của họ – người ít ác cảm nhất đứng đầu tiên; và anh bắt đầu tìm kiếm việc làm một cách lạnh lùng, có hệ thống, không tức giận mà cũng không hy vọng. Anh không bao giờ biết liệu những ngày này có làm anh đau hay không, anh chỉ biết rằng đó là một việc phải làm.
Những kiến trúc sư anh gặp mỗi người một kiểu. Có người thì ngắm nhìn anh qua bàn làm việc một cách tử tế và mơ hồ – cái cung cách của họ có vẻ như muốn nói rằng khát vọng làm kiến trúc sư của anh thật cảm động – cảm động, và đáng khen, và kỳ quái, và đáng buồn một cách thú vị, giống như tất cả những ảo tưởng của tuổi trẻ. Có những người mỉm cười với anh bằng đôi môi mỏng mím chặt – dường như họ thích sự có mặt của anh ở trong căn phòng bởi vì nó khiến họ ý thức được sự thành công của mình. Vài người nói một cách lạnh lùng, như thể cái khát vọng của anh là một sự lăng nhục mang tính cá nhân. Những người khác thì thô lỗ cộc cằn, và sự sắc lạnh trong giọng nói của họ dường như muốn bảo anh là họ cần những người vẽ thiết kế giỏi, họ luôn cần những người vẽ thiết kế giỏi, nhưng cái tiêu chuẩn này chắc chắn không áp dụng đối với anh, và anh hãy làm ơn đừng khiếm nhã đến mức buộc họ phải nói trắng điều đó ra.
Đó không phải là sự ác ý. Đó cũng không phải là sự phán xét đối với tài năng của anh. Họ không cho là anh vô dụng. Đơn thuần là họ không buồn tìm hiểu xem liệu anh có tài giỏi hay không. Đôi khi người ta bảo anh cho xem những bản phác thảo; anh trải chúng ra bàn và cảm thấy những thớ thịt ở tay anh co rút lại vì xấu hổ; giống như thể quần áo anh bị xé toạc ra khỏi thân thể anh, và nỗi xấu hổ không phải là vì cơ thể anh bị phơi bày mà là vì nó bị phơi bày trước những con mắt thờ ơ.
Thỉnh thoảng anh đi New Jersey để gặp Cameron. Họ cùng ngồi trên hiên một ngôi nhà nằm trên đồi: Cameron ngồi trên chiếc xe lăn, tay ông đặt lên chiếc chăn cũ đắp choàng qua đầu gối. “Thế nào rồi Howard? Đang rất khó khăn phải không?”
“Không ạ.”
“Có muốn tôi viết thư cho một trong số chúng không?”
“Không ạ.”
Rồi Cameron không nói về chuyện đó nữa, ông không muốn nói về nó, ông không muốn ý nghĩ là Roark bị thành phố này chối bỏ sẽ trở thành hiện thực. Khi Roark đến chỗ ông, Cameron nói về kiến trúc với sự tự tin đơn giản như thể nó thuộc sở hữu của cá nhân ông. Họ ngồi cạnh nhau, ngắm thành phố ở phía xa, ngay cạnh đường chân trời, bên trên dòng sông. Bầu trời đang sẫm lại và tỏa ánh dạ quang như một tấm kính xanh lá cây pha lẫn xanh da trời; những tòa nhà như những đám mây tụ lại trên tấm kính, những đám mây xanh xám đó đông cứng lại trong giây lát thành những góc vuông và những trục thẳng – và hoàng hôn bị đóng lại trong những ngọn tháp.
Khi những tháng hè trôi qua, khi anh đã thử cả danh sách của mình và quay trở lại những nơi đã một lần từ chối anh, Roark nhận thấy rằng người ta đã biết thêm vài thứ về anh và anh được nghe họ đưa ra cùng một câu trả lời – dù được nói ra thẳng thừng hay rụt rè, tức giận hay với hàm ý thanh minh – rằng “Anh đã bị đuổi khỏi Stanton. Anh đã bị đuổi khỏi văn phòng của Francon...” Tất cả những giọng nói khác nhau đó đều có một nốt chung: cái nốt biểu hiện sự nhẹ nhõm khi họ biết chắc chắn rằng phán quyết về Roark thực ra đã được quyết định trước đó, họ không phải là người đầu tiên ra quyết định.
Anh ngồi trên bậu cửa sổ vào buổi tối, hút thuốc, bàn tay anh xòe rộng trên tấm kính cửa sổ. Thành phố ở bên dưới những ngón tay anh, mặt kính áp vào da anh mát lạnh.
Vào tháng Chín, anh đọc được một bài báo có tựa đề Mở đường cho ngày mai của Gordon L. Prescott thuộc Hiệp hội Kiến trúc Hoa Kỳ đăng trên tờ Diễn đàn Kiến trúc. Bài báo nói rằng bi kịch của ngành kiến trúc là những khó khăn mà nó đặt ra trên con đường của những kiến trúc sư tài năng mới vào nghề; rằng những tài năng lớn đã bị mất đi trong cuộc tranh đấu mà người ta không hề nhận ra; rằng ngành kiến trúc đang mục ruỗng vì thiếu nhiệt huyết và suy nghĩ mới, vì thiếu tính độc đáo, thiếu tầm nhìn và sự can đảm; rằng tác giả bài báo đặt ra mục tiêu cho mình là tìm kiếm những kiến trúc sư mới vào nghề có triển vọng để khuyến khích, phát triển họ và cho họ những cơ hội xứng đáng. Roark chưa bao giờ nghe nói về Gordon L. Prescott, nhưng bài báo có vẻ chân thành. Anh cho phép mình đến văn phòng của Prescott với một chút hy vọng.
Phòng tiếp tân của văn phòng Gordon L. Prescott được sơn màu ghi, đen và tím, rất chuẩn mực, tiết chế mà vẫn táo bạo. Một cô thư ký trẻ và rất xinh đẹp báo với Roark rằng không ai có thể gặp ông Prescott mà không hẹn trước, nhưng cô sẽ vui lòng xếp một cuộc hẹn vào thứ Tư tuần tới vào lúc 2 giờ 15. Vào thứ Tư, lúc 2 giờ 15, cô thư ký mỉm cười với Roark và bảo anh vui lòng ngồi chờ một lát. Lúc 4 giờ 45 anh đã được phép vào phòng ông Gordon L. Prescott.
Ông Gordon L. Prescott mặc một cái áo khoác vải tuýt kẻ carô màu nâu và một cái áo len cổ rùa màu trắng bằng len lông thỏ angora. Ông ta cao, dáng thể thao và mới 35 tuổi, nhưng khuôn mặt lại kết hợp giữa một thần thái trí tuệ sâu sắc với một làn da mỏng, chiếc mũi tròn, cái miệng nhỏ và liến láu của một kiểu sinh viên giỏi ở trường đại học. Khuôn mặt ông ta rám nắng, mái tóc vàng tỉa ngắn theo kiểu nhà binh Phổ. Ông bộc lộ rõ sự nam tính, bộc lộ rõ sự thờ ơ với chuyện tạo dáng, và đồng thời biết rõ hiệu ứng của hai thái độ trên.
Ông ta yên lặng lắng nghe Roark, và đôi mắt như như một cái đồng hồ tính giờ đếm từng giây mà từng lời nói của Roark đang tiêu tốn. Ông ta để Roark nói hết câu đầu tiên; đến câu thứ hai ông ta ngắt lời và nói cộc lốc: “Cho tôi xem những bản vẽ của anh,” cứ như thể ông muốn cho thấy rõ những gì Roark sắp nói đã khá quen với ông ta rồi.
Ông ta cầm những bản vẽ trong hai bàn tay màu đồng của mình. Trước khi nhìn vào chúng, ông ta nói: “À, phải, rất nhiều chàng trai trẻ đến chỗ tôi để xin lời khuyên, rất nhiều.” Ông ta liếc qua bản phác thảo đầu tiên, nhưng ngẩng đầu lên trước khi nhìn kỹ nó. “Tất nhiên, những người mới vào nghề thường khó nắm bắt được sự kết hợp giữa tính thực tiễn và sự trừu tượng” Ông ta đút bản vẽ xuống cuối chồng các phác thảo. “Về cơ bản, kiến trúc là một nhận thức về thực tế, và vấn đề chính là phải đẩy nguyên tắc thực dụng vào trong địa hạt của trừu tượng thẩm mỹ. Mọi thứ khác đều là vô nghĩa.” Ông ta liếc qua hai bản phác thảo và đút chúng xuống cuối. “Tôi không có kiên nhẫn với những kẻ có hoang tưởng muốn thấy cả một cuộc Thánh chiến trong kiến trúc chỉ vì kiến trúc. Nguyên tắc phát triển lớn nhất chính là nguyên tắc cân bằng trong phương trình con người.” Ông ta nhìn lướt một bản vẽ khác và giúi nó xuống dưới. “Thẩm mỹ và trái tim của công chúng là những tiêu chuẩn rốt ráo của người nghệ sĩ. Thiên tài là người biết cách thể hiện cái khái quát. Cái khác thường chính là ở chỗ chạm vào được cái bình thường.” Ông ta nâng tập bản thảo trong tay, nhận thấy mình đã xem qua nửa số đó và thả chúng xuống bàn.
“À phải,” ông ta nói,” về tác phẩm của anh. Rất thú vị. Nhưng không thực tế. Chưa trưởng thành. Không tập trung và không có kỷ luật. Thiếu niên. Sáng tạo chỉ để sáng tạo. Không hề mang tinh thần của thời đại. Nếu anh muốn có ý tưởng về thứ mà người ta đang rất cần thì – đây – để tôi chỉ cho anh thấy!” Ông ta lấy ra một bản vẽ phác từ ngăn kéo bàn. “Đây là một chàng trai trẻ đã đến chỗ tôi – hoàn toàn không được ai giới thiệu, một người mới vào nghề chưa đi làm bao giờ. Khi anh có thể làm ra những thứ như thể này thì anh chẳng cần phải tìm việc nữa. Tôi chỉ xem một bản vẽ này của anh ta và tôi nhận anh ta lập tức, lương khởi điểm cho là 25 đô la một tuần. Chẳng nghi ngờ gì – anh ta là một thiên tài tiềm ẩn.” Ông ta trải bản vẽ ra cho Roark xem. Bản vẽ đó thể hiện một ngôi nhà có hình dáng của một cái tháp tròn đựng ngũ cốc[42] được hợp nhất một cách khó tin với mô hình đã được giản lược và thay màu của đền Pantheon.
“Đó,” Gordon L. Prescott nói, “đó chính là sáng tạo, là cái mới trong cái vĩnh cửu. Hãy cố gắng theo hướng như thế này. Tôi thực sự không thể nói là tôi lạc quan về tương lai của anh. Chúng ta phải thẳng thắn, tôi không muốn tạo cho anh những ảo tưởng từ những đánh giá của tôi. Anh còn phải học hỏi nhiều. Tôi không thể mạo hiểm mà đoán xem anh đang có hoặc sẽ phát triển tài năng gì. Nhưng nếu anh chăm chỉ thì cũng có thể... Tuy nhiên kiến trúc là một ngành khó, và cuộc cạnh tranh là rất khốc liệt, anh biết đấy, rất khốc liệt... Và bây giờ, nếu anh thứ lỗi, thì thư ký của tôi đã có một cuộc hẹn đang đợi tôi...”
*
* *
Roark đi bộ về nhà vào một buổi tối muộn của tháng Mười. Lại một ngày nữa trong rất nhiều ngày đã trải qua những tháng dài phía sau anh, và anh không nhớ rõ những gì đã xảy ra trong những giờ đồng hồ của ngày hôm ấy, cũng như anh đã gặp ai và người ta đã nói những gì để từ chối anh. Anh gắng sức tập trung vào những phút hiện tại, khi anh ở trong một văn phòng nào đó, bỏ mặc hết mọi thứ khác; rồi anh lại quên ngay những phút đó khi rời khỏi văn phòng; đấy là việc cần làm, đấy là việc đã được làm, nó không còn làm anh bận tâm nữa. Anh lại tự do một lần nữa trên đường về nhà.
Một con phố dài trải ra trước mắt anh, hai cái gờ cao của nó tiến gần nhau ở phía xa, hẹp đến nỗi anh thấy như thể anh có thể giang tay ra túm lấy những ngọn tháp và đẩy chúng ra xa khỏi nhau. Anh rảo bước, hai bên vỉa hè như những đệm nhún đẩy bước chân anh về phía trước.
Anh nhìn thấy một hình tam giác bằng bêtông được thắp sáng treo lơ lửng đâu đó cách mặt đất vài trăm mét.
Anh không nhìn rõ cái gì đứng phía dưới, đỡ lấy hình tam giác ấy, anh hoàn toàn tự do nghĩ xem cái gì nên ở đó, cái gì anh có thể làm cho có ở đó. Rồi anh chợt nghĩ rằng giờ đây, vào chính lúc này, theo cái thành phố này, theo như tất cả mọi người - trừ niềm tin sắt đá trong anh - thì anh sẽ không bao giờ xây nhà nữa, không bao giờ - dù rằng anh chưa cả bắt dầu. Anh nhún vai. Những điều đang xảy ra với anh, trong những văn phòng của những người lạ đó, chỉ là một thứ thực-tại-thứ-cấp[43], là những biến cố không đáng kể gì trên con đường của một thứ thực tại mà chúng không thể với tới hay chạm đến được.
Anh rẽ vào những con đường ngách dẫn đến sông Đông. Một ngọn đèn đường cô độc treo xa xa phía trước - một chấm đỏ trong bóng tối ảm đạm. Những ngôi nhà cũ gập mình thấp xuống mặt đất, oằn người dưới sức nặng của bầu trời. Đường phố vắng tanh và trống rỗng, cứ vọng lại những bước chân của anh. Anh cứ đi, cổ áo dựng lên, hai tay đút túi. Mỗi khi anh đi qua một ngọn đèn, cái bóng của anh lại mọc lên từ dưới gót chân anh và vẽ lên tường một hình vòng cung dài màu đen, như một cái cần gạt nước trên cửa kính ô-tô.