Tôi Học Đại Học Chương 10

Chương 10
Bữa cơm ân tình của thầy chủ nhiệm

Ngày 3-11-1966

Ở môi trường đại học, thật hiếm có giáo viên chủ nhiệm nào gần gũi thân thiện với sinh viên như thầy Bùi Ngọc Trác chủ nhiệm lớp E1 chúng tôi. Thầy hơn chúng tôi chừng 15 tuổi, da ngăm đen, đôi mắt ẩn chứa sự nhạy cảm thường trực, có thể ứa lệ bất cứ lúc nào. Mới hơn tuổi 30 mà mái tóc thầy đã phơ phất muối tiêu. Thầy có chất giọng khàn khàn nhưng đầy cảm xúc. Chúng tôi được thụ giáo thầy môn Lý luận văn học.

Dù biết đội ngũ cán bộ lớp E1 rất giàu năng lực và có bản lĩnh, tiêu biểu như lớp trưởng Lưu Quốc Sỹ, song thầy vẫn thường xuyên quan tâm theo sát, cố vấn từng hoạt động nhỏ. Sau mỗi tiết lên lớp, bao giờ thầy cũng tranh thủ tiếp xúc, hòa nhập chuyện trò với chúng tôi vui vẻ cởi mở như người anh cả thân thiết. Chỉ sau hơn 1 tháng, thầy đã nhớ cơ Bản tên của hầu hết các bạn lớp tôi. Ai có gì khúc mắc cũng tìm đến thầy để tâm sự.

Mới đây, có việc về Hà Nội, khi trở lại, thầy mua tặng chúng tôi mỗi đứa một quyển lịch nhỏ bỏ túi. Ai cũng cảm động vui sướng như vừa được đón nhận món quà vô giá. Thầy không nói nhưng chúng tôi hiểu nội hàm của món quà đó: hãy biết quý trọng mỗi ngày, mỗi tháng trôi qua nơi giảng đường thời sơ tán này, đừng để tuổi trẻ trôi đi hoài phí.

Chúng tôi càng quý trọng khi biết đôi chân đi hơi cà nhắc của thầy không phải do bệnh tật như tôi mà là di chứng vết thương không bao giờ quên thời thầy là anh Bộ đội Cụ Hồ tham gia chiến dịch Hà Nam Ninh năm 1952. Sau khi rời quân ngũ, thầy vào học Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội trước chúng tôi 8 khóa, tốt nghiệp loại xuất sắc và được trường giữ lại làm giảng viên.

Chúng tôi càng cảm phục thầy hơn khi trên tuần báo Văn Nghệ liên tục xuất hiện bài phê bình của thầy về các vở kịch đang lưu diễn. Dù sức khỏe có hạn, thầy vẫn vừa đảm bảo chương trình lên lớp cho chúng tôi, vừa thường xuyên từ khu sơ tán Thái Nguyên về Hà Nội dự khán các vở kịch mới để góp ý phê bình theo thư mời của các đoàn và Bộ Văn hóa.

Sau buổi lên lớp sáng thứ sáu tuần rồi, thầy gặp tôi, Lê Thành Nghị và Nguyễn Bính, dặn 10 giờ sáng chủ nhật đến nhà thầy chơi có chút việc. Cả ba đều thắc thỏm, không biết có việc gì quan trọng mà thầy không trao đổi luôn tại lớp, lại mời đến chỗ ở của thầy.

Sáng chủ nhật, ba chúng tôi vừa chuẩn bị đi thì trời nổi giông mưa. Từng làn gió bắc rú gào. Mưa không lớn nhưng rất dày hạt. Cái lạnh đột ngột ập đến. Chúng tôi nhận ra mùa đông nơi đây đã bắt đầu. Cả ba nhìn nhau lưỡng lự.

-  Hay thôi, mưa gió thế này ta để chiều đến cũng được!

-  Nguyễn Bính lên tiếng.

-   ừ, chắc chẳng có chuyện gì quan trọng, gấp gáp đâu. Ta đến chơi thăm thầy chẳng đi lúc này thì đi lúc khác. Tội gì phải đi trong mưa gió, rét mướt thế này?

Tôi nói ngay:

-   Không thể được! Gì thì gì thầy đã hẹn, cứ phải đi thôi! Chắc là có chuyện đặc biệt thầy mới bảo tới nhà. Là con nhà lính, tính thầy dứt khoát lắm. Không thể lỗi hẹn được đâu hai ông ơi!

Trước thái độ kiên định của tôi, sau một thời gian trù trừ, Bính và Nghị đành miền cưỡng thực hiện. Mặc thêm áo lạnh, cả ba chào xin phép bác Dần, choàng chung một tấm ni-lông cùng bước nhanh ra ngõ.

Lần mò hỏi thăm, gần 12 giờ trưa chúng tôi mới tới được nơi trọ của thầy ở mãi gần suối Đôi. Thầy đứng bên hiên ngóng chờ. Bất ngờ thấy chúng tôi xuất hiện, thầy mừng lắm. Thầy ôm lấy tôi, bắt tay Bính và Nghị, rồi nói:

-   Thầy chờ các em mãi! Cứ lo mưa rét đột ngột, các em không tới. Thôi vậy là vui rồi! Nào, ta vào nhà, thầy trò cùng vui chuyện thôi chứ chẳng có việc gì quan trọng đâu!

Thầy vồn vã dẫn chúng tôi vào nơi chiếc bàn kê giữa nhà. Uống xong với thầy hớp chè nóng, câu chuyện đang dở dang, thầy đứng lên nói lớn:

- Thôi bây giờ thế này! Đã trưa rồi, mời các em cùng vui bữa. - Vừa nói thầy vừa nhanh chóng xuống bếp bê lên một mâm cơm thịnh soạn, đầy tú hụ hai đĩa thịt gà bự.

Bính, Nghị vội vàng đưa tay đỡ mâm đặt lên chiếc chiếu vừa được người chủ nhà trải ra giữa gian nhà bên. cả ba tròn mắt nhìn nhau trươc sự bất ngờ quá lớn thầy dành cho. Để chúng tôi đỡ ngạc nhiên, thầy vui vẻ kéo chúng tôi ngồi xuống chiếu, giải thích:

-  Chẳng giấu gì các cậu, mình vừa có chút việc về thăm quê ở Ninh Bình, được gia đình cho con gà trống thiến. Ăn một mình đau tức. Nghĩ đến Ký, biết Ký đang ở cùng Bính và Nghị, nhân chủ nhật mời ba cậu đến cùng thưởng thức chút hương vị của quê mình cho vui. Lý do cuộc gặp gỡ này chỉ có thế. Nào! Ta bắt đầu đi! Cứ tự nhiên nhé!

Vừa dứt câu, thầy cầm đũa chọn gắp bỏ vào bát tôi miếng phao câu bự. Nhớ ra chuyện tôi ăn bằng chân, thầy hỏi luôn:

-  ờ, Ký ngồi ăn thế này có thuận lợi không nhỉ? Hay để thầy bón cho?

Nghị liền nói:

-   Dạ thưa thầy, Ký vẫn dùng chân tự ăn đấy ạ!

-   Ở nhà, Ký thường ăn trên bàn thầy ạ! - Bính tiếp lời Nghị.

Thầy quyết định ngay

-  Ồ! Vậy thì có gì khó đâu. Nào, chúng ta cùng chuyển mâm lên bàn ngay thôi. Thú thật, lúc đầu mình cứ nghĩ Ký Phải ăn trên mặt phẳng nên mới chủ động trải chiếu đấy chứ. Thế mới biết cái gì cũng phải qua thực tế mới rõ!

Thầy trò vừa ăn vừa sôi nổi hết chuyện này gây chuyện khác. Thấy chúng tôi có vẻ giữ ý, chốc chốc thầy lại gắp bỏ thức ăn hết cho tôi lại cho Nghị và Bính.

-    Các em cứ phải tự nhiên đi chứ! Hay lâu nay quen với cơm tập thế chỉ có canh "toàn quốc", nước mắm "đại dương", kèm theo một vài "người lái"cho nên quên mất mùi vị thịt gà quê hương chăng?

Thầy trò cùng cười vui thoải mái. Song sự dè dặt trong mỗi chúng tôi vẫn không dễ loại bỏ. Đứa nào cũng thấy xúc động ngỡ ngàng. Không ngờ mình được thầy dành cho sự ưu ái đặc biệt rất thân tình, gần gũi và thiết thực như thế này.

Miếng ngon nhớ lâu. Cuộc đời rồi sẽ có nhiều cơ hội được thưởng thức những bữa ăn ngon, sang trọng như mơ. Song bữa ăn ân tình, bất ngờ với thỏa thuê thịt gà luộc chấm muối chanh và cơm gạo mới mà thầy chủ nhiệm lớp Bùi Ngọc Trác dành cho giữa những ngày đầu xa lạ nơi miền sơ tán đầy thiếu thốn, kham khổ này chắc sẽ mãi mãi ngọt ngào bao hương vị nhớ đời trong đáy thẳm tâm hồn ba chúng tôi.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/t44477-toi-hoc-dai-hoc-chuong-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận