Ngày đó ở ta chưa có phong trào phổ cập giáo dục, cứ ai có nhu cầu là được cắp sách đến trường. Nhiều người ở tuổi 15, 17 mới vào học cấp một là chuyện bình thường. Ở lớp E1 của mình có nhiều anh chị là cán bộ được cứ đi học, hơn mình cả mười mấy tuổi.
Có người đã có gia đình. Anh Minh Hoài ở Gia Lâm Hà Nội có cháu 3 tuổi. Mẹ cháu phải đi làm xa, sơ tán theo cơ quan. Minh Hoài đành đem bé Minh Hằng lên khu sơ tán của bố. Bé rất kháu khỉnh, khuôn mặt tròn xoe sáng láng như trăng rằm. Đôi mắt huyền đen láy. Đôi má lúm đồng tiền cùng làn môi phớt hồng màu hoa đào, mỗi khi cháu nhoẻn cười, trông càng dễ thương trìu mến lạ thường. Có chú nào trong lớp cũng muốn được bế, được chơi vui cùng bé. Mình chẳng có tay để bế cháu nên thường xuyên rủ cháu ra bìa rừng ven chân núi ngắm hoa, nghe chim hót; trả lời những câu hỏi đầy ngộ nghĩnh của cháu. Có lúc mình ngồi bệt xuống vệ có bên suối say sưa kể chuyện cổ tích cho cháu nghe. Đây là bài thơ mình viết tặng cháu những ngày đó:
CHÁU CŨNG LÀ SINH VIÊN
Chưa tròn tuổi lên ba
Cháu đã phải xa nhà
Cùng bố đi sơ tán
Giữa một vùng núi xa
Ở đây không phố xá
Không điện sáng nhà xây
Chỉ núi cao vời vợi
Và rừng cây rừng cây
Ở đây không tiếng máy
Không hiệu còi loe toe
Chỉ gió rừng hú gọi
Và chim ca bên hè
Cháu ơi còn giặc Mỹ
Ta còn phải gian lao
Ở đây dù vắng mẹ
Không nhà trẻ bạn chơi
Cháu ơi đừng lo nhé
Có cô chú đây rồi
Cô lên đồi hái hoa
Cùng cháu chơi mỗi sớm
Chú vào rừng bắt bướm
Nựng cháu mỗi chiều sang
Những giờ lên lớp học
Dành chỗ cháu ngồi bên
Mắt đen tròn lóng lánh
Cháu cũng là sinh viên.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!