Tôi Học Đại Học Chương 2

Chương 2
Tình quê giữa lòng Hà Nội

Ngày 4-9-1966

Hơn 2 giờ sáng, mình và Cách mới xuống ga Hàng Cỏ. Hà Nội vẫn rực rỡ ánh đèn. Người qua lại thưa dần. Mấy chị lao công vẫn say sưa quét rác trên đường. Một đoàn xe quân sự phủ kín lá ngụy trang, rầm rập kéo pháo dọc đường Nam Bộ.

Cách dẫn mình đến nhà người bác họ tại số nhà 76 phố Quán Sứ. Nghe tiếng gọi, đèn trong nhà bật sáng. Một phụ nữ chừng ngoại sáu mươi, khuôn mặt phúc hậu khả kính, mái tóc buông dài phía sau như lọn mây trắng xóa, bước ra mở cổng. Bà niềm nở:

-  Ồ! Bác chào hai cháu. Hai cháu vừa từ quê lên hả?

Cách đon đả giới thiệu mình với bà và lý do của chuyến đi. Bà ngỡ ngàng ôm mình vào lòng, giọng như reo:

-  Trời! Tưởng ai, hóa ra Ký con cụ Hào Thúy đây! Nghe nói cháu học bằng chân mà giỏi lắm!

(Sau hỏi ra mới biết bà gốc người cồn Quay làng mình. Nhà bà liên giậu nhà mình, lại cùng cữ tuổi với bố mẹ mình nên rất thân thiết, quý mến nhau, ông bà lập gia rồi len Hà Nội lập cư và lập nghiệp từ trước năm 1945. ông hành nghề lái taxi, thường dược gọi là Tài Chúc. Sau năm 1954, với uy tín tay nghề và đạo đức mẫu mực, ông được thu dụng chuyên lái xe chở các lãnh đạo của  thành phố Hà Nội).

Bà đưa chúng mình vào nhà. ông nhà cũng đã dậy, xắn sở cười vui hỏi thăm tình hình bố mẹ mình và gia đình Cách. Với tuổi ngoại lục tuần, mái tóc hớt cao trắng xóa, khuôn mặt chữ điền, nước da trắng hồng, giọng trầm đục luôn song hành cùng nụ cười và sự vui vẻ; trông ông vừa lịch lãm - từng trải, vừa nhân từ - phúc hậu, khiến ai cũng cảm thấy dễ gần, dễ thân.

Trong lúc ông hỉ hả hỏi chuyện, bà lặng lẽ nhanh chân vào nhà trong, chưa đầy 30 phút sau bà bê ra mâm cơm thịnh soạn, bắt chúng mình ăn. Thấy hai đứa còn lưỡng lự, bà véo vắn:

-  Thôi ăn ngay đi khỏi đói các cháu ạ. Cảnh chờ đợi tàu xe thời chiến bác biết mà. Chắc từ sáng tới giờ chưa có gì bỏ bụng chứ gì? Ăn đi rồi tranh thủ ngủ cho đỡ mệt. Chuyện còn, mai nói tiếp.

Không biết vì đói, vì sự chân tình gần gũi như tấm lòng người mẹ, người cha của ông bà hay vì món thịt bò xào măng quá ngon lần đầu mình được thưởng thức mà hai đứa chỉ một loáng đã ăn hết veo mỗi thằng ba bát cơm bự. Xong xuôi, quay ra đã thấy ông đang mắc màn, bà đang chuẩn bị chăn gối cho chiếc giường dành cho khách kê sát tường phía tây. Giọng bà thỏ thẻ:

-  Hai cháu ngủ đây nhé. Khuya lắm rồi đấy! Nhà vệ sinh phía sau. Nếu cần, Cách bật đèn dẫn Ký đi cho an toàn. Quạt điện bác để phía hôn g này. Các cháu cứ dùng cho mát để ngủ cho ngon.

Thấy cả nhà chỉ có một chiếc quạt điện con cóc, mình băn khoăn từ chối:

-  Dạ! Hai bác cứ để quạt mà dùng. Bọn cháu không nóng đâu!

Ông nói luôn:

-  Thôi, ưu tiên cho Ký vì Ký không dùng được quạt tay. Hai bác dùng quạt nan, quạt giấy, quạt mo. Quạt điện thì ít chứ quạt tay thì chủng loại nào cũng có vài cái. Các cháu cứ yên tâm dùng. Đừng băn khoăn gì. Thôi, bác tắt đèn nhé!

Hà Nội, đêm đầu tiên xa nhà mà vẫn thấy ấm áp bình yên như giữa lòng mẹ quê hương.

♦ ♦♦

Buổi sáng ngày 4-9-1966, khi mình và Cách vừa xuất hiện ở cổng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tại số 19 Lê Thánh Tông thì bất ngờ thấy thầy Hoàng Đình Trừu đã chờ sẵn ở đó từ lúc nào (thầy quê ở Huế, rất hiền hậu, vui tính, dáng khắc khổ. Khuôn mặt xương xương, mũi hếch, để lộ hai "cửa sổ" to rộng khác thường. Mắt thầy to, sáng, luôn ẩn chứa sự trìu mến, thân thương. Thầy dạy mình môn Nga văn lớp 10 ở trường cấp 3 Hải Hậu).

Thấy mình ngỡ ngàng, thầy liền ôm lấy mình, nói luôn:

-  Thầy lên để tiễn Ký đây!

Mình nghẹn ngào:

-  Nhà trường đã giao Cách giúp em rồi mà! Sao thầy còn phải đi cho vất vả?

-   Sau khi Ký và Cách đi rồi, nhà trường không an tâm. Thế là thầy hiệu trưởng giao thầy lên tận trường xem tình hình nhập trường của Ký thế nào để trao đổi với các thầy cô ở đây về việc tạo điều kiện giúp đỡ Ký học tập.

Cách băn khoăn hỏi luôn:

-  Vậy thầy lên đây bằng phương tiện gì ạ?

-  Bằng xe đạp!

-  Vậy là thầy đạp xe hơn 130 cây số suốt đêm qua?

-   ừ, thời chiến mà! Với lại phải đi thế mới kịp gặp các em sáng nay chứ!

-  Chắc thầy mệt lắm?

-  Có gì đâu. Thầy đã đến các thầy cô ở phòng Tổ chức của trường Tổng hợp. Khi trao đổi việc đưa Ký lên nhập học, ai cũng cảm động và vui vẻ hứa sẽ giúp đỡ Ký mọi mặt. Thấy các em tới trường an toàn làm thầy mừng lắm. Giờ chẳng còn thấy mệt là gì... À thầy quên, đây là chút tiền thầy Thịnh (hiệu trưởng) gửi, nói là trường tặng Ký để bù vào tiền mua sách vở, giáo trình trong những ngày khó khăn bước vào học ở môi trường mới.

Thầy khẽ khàng bỏ chiếc phong bì nhỏ vào túi áo mình. Mình đứng lặng, không nói được gì, chăm chắm nhìn thầy trong đôi mắt nhòa lệ,

Phút xúc động lắng dần. Thầy dẫn mình và Cách vào gặp phòng Tổ chức của trường. Gặp thầy Nguyễn Trung. Vì được Thầy Trừu giới thiệu từ trước nên thầy Trung vừa thấy mình đã niềm nở ngay:

-   À, Ký đấy hả? Nhà trường rất mừng được đón Ký vào học. Điều kiện học sơ tán chắc là với Ký càng khó khăn lắm đây! Song Ký cứ bình tâm, nhà trường đã trù liệu cả. Thầy Trừu cứ an tâm về! Tối mai ngày 5-9, chỉ cần anh bạn này (tức Cách) đưa Ký lên tàu tới ga Phổ Yên, nhà trường sẽ có người lo cho Ký.

(Sau này mới hay cũng chính thầy Nguyễn Trung đã ghi vào giấy báo nhập học của mình dòng chữ: “Ký yên tâm lên gặp phòng Tổ chức ở 19 Lê Thánh Tông đúng hẹn nhé. Mọi chuyện trường sẽ lo liệu. Em chỉ cần mang đủ nhũng tư trang thật cần thiết").

Mọi việc tưởng đã xong xuôi, mình và Cách liền chào chia tay thầy Trừu ngay tại cổng trường. Nào ngờ thầy gọi lại, giọng đầy vẻ quan trọng:

- Còn một việc nữa. Các cậu phải đi với thầy để giải quyết nốt!

Mình và Cách nhìn nhau. Một thoáng âu lo. Chỉ khi chúng mình theo lệnh thầy, bước vào một tiệm phở gần Nhà hát lớn Hà Nội mới biết thầy "bắt" cả hai... đi ăn sáng với thầy.

Đó là lần đầu tiên trong đời mình được biết thế nào là phở Hà Nội. Có lẽ mình sẽ không bao giờ quên hương vị thơm ngon khác thường của bát phở mang nặng tình thầy trò đầy ấn tượng ấy giữa lòng thủ đô.

♦ ♦♦

Ngày 5-9-1966

Buổi sáng, mình, Cách và cu Doãn (con trai cưng duy nhất của ông bà Tài Chúc, đang học lớp bảy. Khi học giữa cấp 3 Doãn xung phong nhập ngũ và đã hy sinh tại chiến trường D) cùng thả bộ ra Hồ Gươm. Cảnh hồ vào thu thật quyến rũ. Màu xanh ngắt của trời. Màu xanh rì mơ màng của những hàng cây xõa bóng quanh hồ. Màu xanh dịu mát thoáng nhẹ se se của những làn gió heo may đầu mùa. Tất cả càng làm cho màu xanh của hồ thêm huyền ảo như một khối ngọc bích lung linh đẹp đến mê hồn.

Cều Thê Húc như vành trăng non tươi đỏ dẫn lối chúng mình vào thăm và thắp hương đền Ngọc Sơn. Từ không gian tĩnh mịch thâm u mát rượi bóng cổ thụ nơi sân đền, chân mình như không muốn bước khi ngắm nhìn tháp Rùa đang trầm mặc vươn mình giữa mênh mang màu xanh của nước, của trời như đang thầm thì nói với đời bao lời cha ông một thủa.

Chiều, Cách bảo mình cho mượn cuốn sổ thầy Châu tặng để ghi bài thơ tặng mình. Trong lúc Cách ra hiên ngồi một mình trầm tư với cây viết và cuốn sổ thì mình lên giường giúp cu Doãn giải mấy bài toán hình học mà cậu đang bí.

May mà trí nhớ của mình vẫn còn tốt nên cu Doãn hỏi bài nào là mình chỉ cần suy nghĩ chốc lát là chỉ được cho cậu ngay. Sau một lúc chăm chú ngồi nhìn công việc của hai anh em từ chiếc bàn trà, ông Tài Chúc lặng lẽ đứng dậy tiến đến vỗ vỗ nhẹ vào lưng Doãn, vừa cười vừa nói vui vẻ:

-    Đấy con thấy không, anh Ký dùng chân mà vẽ hình nào cũng thoăn thoắt. Chương trình này anh đã học qua 3 năm rồi mà bài nào động đến anh c ng giải ngon ơ. Con phải gắng mà học tập theo gương anh ấy thì mới có tương lai được.

Vừa lúc Cách từ ngoài hiên vào, nói đế luôn:

-   Doãn biết không, ngày anh Ký học lớp bảy như em bây giờ anh đã đoạt giải 5 cuộc thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc đấy!

Doãn ngạc nhiên:

-  Ồ, thế sao anh lại có giấy gọi vào học Tổng hợp văn chứ không phải toán ạ?

Mình cười, nói như thanh minh:

-   Chuyện đời rắc rối thế đấy em ạ! Có nhiều lý do để anh thay đổi nguyện vọng. Em hãy hiểu rằng ước mơ không phải cái bất biến. Nó tùy thuộc vào hoàn cảnh và nhận thức ở mỗi giai đoạn. Sự chuyển hướng một sở trường quả thật không dễ. Nhưng Bác Hồ đã dạy ta rồi: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền" thôi Doãn ạ!

Cách đưa mình đọc bài thơ bạn vừa viết, cảm động quá. Bài thơ dài tới gần trăm câu. Hình ảnh, chi tiết nào cùng chân mộc bình dị, nồng đượm nghĩa tình quê hương như chính con người và tâm hồn Cách vậy. Dưới đây là những đoạn mình tâm đắc:

Hải Thanh quê ta lúa đồng xanh mát

Có hàng tre ôm ấp xóm làng

Có cầu mới vươn dài, dòng sông uốn khúc

Có trường xây và tiếng hát vang vang…

Hai đứa quen nhau

Trên đường về học

Cải buổi ban đầu

Mình xem Ký viết

Nét chữ run run nhưng rất rõ ràng.

Mình cùng Ký vào chùa xin vú gạo

Ký vè khác dấu.

Nét chữ đẹp sao

ôi bàn chân kỳ diệu biết bao!

Ký hòa mình trong nhịp sống quê hương

Yêu những bác những cô cần cù lao động

Yêu những dòng sóng phù sa đỏ sóng

Những cánh đồng lúa mượt màu xanh

Những con đường xanh mát bóng điền thanh

 Những nhà kho ngói hồng rực rỡ

 Tâm hồn Ký như cửa trường vừa mở

Tha thiết yêu thương nhộn nhịp tưng bừng

Những bài thơ Ký viết

Những bài thơ

Màu xanh

Màu tím

Màu hồng...

Tạm biệt Ký, Ký ơi!

Hè sang năm lại gặp

Ký lại về thăm lại quê hương

Thăm những hàng cây

Thăm những con đường

Thăm trường học, nhà kho ngói đỏ

Tất cả đổi thay. Bát ngát lúa vàng...

Tối. Đèn đường đã bật sáng. Cơm nước xong mình và Cách ra ga Hàng cỏ đợi tàu đi Phổ Yên, Vĩnh Phúc. Từ phố Quán Sứ ra ga chỉ khoảng mấy trăm mét. Dù chúng mình một mực khước từ, ông bà Tài Chúc vẫn nhiệt tình cùng cu Doãn cuốc bộ ra ga tiễn.

Ông và cu Doãn xăng xái cùng Cách tháp tùng mình lên tàu, còn bà chạy tới chạy lui đến mấy bà bán hàng rong ở sân ga, chọn tìm mua cho chúng mình mỗi đứa hai cái bánh giò. Bà nói như ra lệnh:

-    Bánh đây. Anh em cầm lấy, trên tàu lúc nào đói thì dùng. Đừng mua của bọn bán với lên tàu ở các ga lẻ. Nhiều người tham rẻ nên mua vội, bóc ra nào ngờ bánh giò hóa bánh đất đấy. Không ít kẻ lợi dụng thời chiến để làm bậy lắm. Thôi hai anh em đi cho khỏe nhé! Khi nào về nghỉ hè, qua Hà Nội nhớ ghé bác!

Tàu hú còi, xình xịch chuyển bánh rời ga Hàng cỏ. Trong màn sương đẫm ngời ánh trăng, Hà Nội hiện lên lộng lẫy, kiêu sa mà vẫn thân thuộc mến yêu, nghĩa tình như chính quê hương mình, dù mình mới gắn bó nơi đây được hai ngày.

Hết chương 2. Mời các bạn đón đọc chương 3!

Nguồn: truyen8.mobi/t42894-toi-hoc-dai-hoc-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận