Ngày 10-9-1966
Mấy ngày nay mình thật cảm động khi liên tục đón bà con dân làng và các bạn trong lớp đến nhà bác Dần thăm hỏi mình. Có nhiều người ở tận đầu làng cũng dẫn con đến xin mình chữ ký. Lại có cụ bà đã già lắm, lưng còng như cầu vồng, vẫn chống gậy làn mò tìm đến, thổ lộ: "Anh cho già sờ cái bàn chân của anh một tí xem có gì khác thường không mà sao tài vậy?".
Trong số nhiều bạn đến với mình những ngày qua mình thật ấn tượng với Nguyên Hương, Hoàng ích Minh và Bùi Hạnh Nhu.
Nguyên Hương quê Hà Tây, có tật ở cột sống nên đi luôn phải khòng khòng. Mới gặp trông có vẻ tồi tội, tiếp xúc chuyện trò cùng nhau rồi mới thấy anh sâu sắc lạc quan lắm. Anh đưa mình xem cuốn sổ nhỏ chưa bằng lòng bàn tay, chép dày đặc những bài thơ anh thích. Chữ anh nhỏ như đàn kiến nhưng rất rõ ràng, nét nào cũng như phượng múa, rồng bay, rất duyên dáng mà không kém phần cứng cỏi, hàng nào cũng đều tăm tắp. Thấy mình thích thú, anh nói luôn:
- Đây, Ký cầm mà đọc. Thích bài nào cứ chép thoải mái. Nói thật, bạn là người đầu tiên được cầm cuốn sổ thơ này của tớ đấy. Trong đây có cả thảy hơn 100 bài. Có hai bài gắn liền với vùng đất này đấy. Đó là bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan và một bài ca dao cũng nói về sim.
Đói lòng ăn nửa trái sim
Húp lưng bát nước đi tìm người thuơng...
Người thương ơi hỡi nguời thương
Đi đâu mà để buồng hương lạnh lùng?
Biết mình chưa hiểu ra vấn đề, Hương tiếp luôn bằng giọng thật mạch lạc:
- Ký có biết vùng đất chúng ta sơ tán đây là quê hương của loại cây gì không?
- Mình mới tới nên chẳng biết đâu.
- Đó chính là sim đấy. Lớp chúng mình và cả khu tập thể của chúng mình nữa đều nằm giữa bốn bề sim và sim. Tiếc là mùa này không phải mùa hoa sim nên chúng ta không được ngắm nhìn sắc tím đầy quyến rũ ấy.
Hoàng ích Minh quê Thái Bình, hiền khô, ít nói, giọng rủ rỉ như con gái. Mình thấy lạ khi lúc nào cậu cũng chụp mũ lưỡi trai lên đầu. Minh trọ nhà cụ Trường, sát sân nhà bác Dần. Cứ lúc nào mình có mặt ở nhà là cậu lại sang rủ mình ra ngõ dạo quanh hoặc cả hai lên giường nằm tâm sự như đôi tri kỷ. Ngay cả khi nằm như vậy, Minh vẫn không rời chiếc mũ. Mình băn khoăn:
- Sao cậu không bỏ mũ ra cho mát?
- Ký ạ! Tớ cũ ng có nỗi buồn riêng khó chia sẻ lắm. Với cậu tớ không giấu. Đây cậu nhìn đi. - Vừa nói Minh vừa đưa tay lật chiếc mũ.
Mình giật mình nhận ra cái đầu Minh trọc lóc, không một sợi tóc.
- Chắc có một thời cậu xuống tóc định đi tu phải không?
- Làm gì có chuyện đó! - Minh thanh minh. - Hồi vừa vào cấp 3, tớ bị ốm một trận kịch liệt. Sau khi bệnh qua, tóc cứ tự nhiên rụng dần, chạy chữa thế nào cũng không mọc lại được. Sợ mọi người dị nghị, thế là từ đó tớ buộc phải làm bạn với chiếc mũ.
Rồi Minh ôm mình, giọng nghèn nghẹn:
- Nhiều lúc tớ mặc cảm lắm, chẳng muốn chuyện trò tiếp xúc với ai. Cái răng cái tóc là gốc con người. Ngày tựu trường biết có cậu cùng học chung, mình mừng lắm. Lại trời xui đất khiến thế nào hai nhà trọ của cánh ta giống hệt cảnh "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn".
- ừ, vậy là hai ta có duyên với nhau đấy. Đồng thanh tương ứng mà! - Mình thủ thỉ.
- Đúng vậy! Cậu thì có nỗi buồn thiếu đôi tay, còn tớ có nỗi buồn thiếu mái tóc.
- Minh ơi! Đã là con người, thiếu cái gì cũng thấy khổ, thấy buồn. Song Minh cứ nghĩ mà xem, buồn khổ đâu có giúp gì được cho mình. Càng buồn càng khổ càng dẫn mình đến bế tắc, tự ti. Minh rất thích câu châm ngôn: "Thay vì ngồi than khóc bóng đêm, xin bạn hãy thắp sáng thêm những ngọn nến".
- Hay quá! Tớ phải chép câu này vào sổ ghi nhớ mới được. Mấy hôm nay gặp Ký, được tâm sự với cậu, tự nhiên mình thấy vui và tự tin hẳn. - Minh nhoẻn cười càng lộ rõ cái cằm lẹm thật dễ thương.
(Xin kể thêm một kỷ niệm khó quên về Hoàng ích Minh 30 năm sau: Đầu thu năm 2000, nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra trường, lớp tôi tổ chức buổi họp mặt về thăm lại khu sơ tán năm xưa. Sau nhũng phút giây hoan hỉ tay bắt mặt mừng với các gia đình đã cưu mang chúng tôi những ngày gian khổ, cá lớp lên xe về hội quân tại khu du lịch hồ Núi Cốc – thắng cảnh du lịch nổi tiếng thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Tối đó trong một phòng họp sang trọng nhìn ra hồ núi Cốc thơ mộng lung linh sắc đèn màu huyền ảo, chúng tôi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên, hát cho nhau nghe những bài một thời nhung nhớ.
Hoàng ích Minh hăm hở bước lên chia sẻ với mọi người những cảm xúc của mình. Ai cũng để ý đến mái tóc Minh óng mượt, để ngôi giữa, chải bông về hai phía, thầm mừng cho bạn "đổi đời" cái đầu trọc lếu năm xưa. Sau này tìm hiểu, tôi mới vỡ lẽ cái đầu trọc của Minh vẫn chẳng có gì thay đổi. Cái khác xưa là thay vì đội mũ, Minh chụp lên đầu mái tóc giả mà thôi.
Trong nỗi xúc động nghẹn ngào, Minh bồi hồi kể lại những Kỷ niệm bây giờ mới kể của một thời khó mà vui. Rồi Minh vanh vách đọc lại hai bài thơ vui thất ngôn độc thanh cú (7 câu, các chữ trong mỗi câu đều phải cùng thanh) về chuyện ghẻ, chuyện giết lợn mà ai cũng biết ngay từ ngày lớp còn mang biệt danh E1 nhưng chẳng ai nhớ trọn. Trong tràng vỗ tay tán thưởng rầm rộ, có ai đó nói lớn: "Đọc luôn bài Bốn ông Hoàng đi!".
Với mạch cảm xúc đang tuôn trào, Minh lên giọng đọc luôn:
Khoa ta có bốn ông Hoàng
Ông Hoàng Xuân Nhị đứng hàng đầu tiên
Thứ hai ông Hoàng Hữu Yên
Thứ ba tiếp đến thầy Hoàng Như Mai
Thứ tư đích thực chẳng sai
Hoàng ích Minh đó nào ai lạ gì
Lời Minh vừa dứt, tràng vỗ tay vang rên như muốn làm vỡ tung cả phòng họp. Đúng phút ấy Minh đột ngột loạng choạng. Trang và Quốc - hai người dẫn chương trình - vội vàng dìu bạn xuống chỗ ngồi. Mọi ngươi đổ xô đi tìm dầu gió về xoa bóp, tìm bác sĩ cấp cứu cho Minh, song đều vô hiệu. Minh lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng giữa vòng tay bạn bè cả lớp, trong nỗi bàng hoàng thảng thốt khó quên của mọi người.
Sáng hôm sau, đi vĩnh biệt Minh tại bệnh viện Thái Nguyên, ai cũng lạ lùng xúc động khi trên khuôn mặt Minh vẫn rạng rỡ nụ cười như ngày nào. Thế mới biết người ta chết vì buồn, vì khổ, vì đau. Song cũng có cái chết vì vui là thế!)
Còn với bạn gái Bùi Hạnh Nhu quê ở Thái Bình, mình rất ấn tượng chiếc áo màu xanh sĩ lâm, khuôn mặt bầu bầu, phúc hậu, nổi bật một nốt ruồi lớn đo đỏ rất duyên ở cằm trái. Đôi mắt Nhu thì khỏi nói: không lá liễu, không hạt huyền, song cái nhìn là lạ, đầy tâm trạng mà mình chưa gặp ở bạn gái nào đã chinh phục lòng cảm mến của mình từ giây phút đầu tiên gập gỡ khi Nhu cùng Phạm Thị Thanh Trà, Võ Kim Nga đến thăm mình vào tối qua.
Để khỏi phiền gia đình bác Dần chủ nhà, chúng mình rủ nhau ra bờ suối ngồi tâm sự. Câu chuyện lúc sôi lên, lúc lại chùng xuống khi mọi người cùng tỉ tê chia sẻ với nhau những chuyện riêng.
Thanh Trà nói về những ngày tháng tuổi thơ đầy bất hạnh: Hai tuổi đã mồ côi mẹ, bố đi bước nữa, sinh thêm năm đứa con. Quyết tâm lắm, bền chí lắm Trà mới vượt qua cái nghèo cái cực để sự học không bị đứt quãng suốt bao năm qua.
Kim Nga chia sẻ những ngày vượt qua bom lửa từ huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) khốc liệt ra đất Thái Nguyên.
Hạnh Nhu tâm sự về gia đình: nhà bạn có ba chị em gái, đều ngoan, luôn hết lòng nhường nhịn, thương quý nhau. Nỗi buồn sinh con một bề với bố mẹ Nhu vì thế dường như không có. Hạnh Nhu còn kể về mảnh đất quê bạn một thời thương khó, mở đầu bằng lời đùa tếu làm cả đám cười ngất: “Thái Bình có chiếc cầu Bo/ Có nhà máy cháo, có lò đúc muôi/ Thái Bình là đất ăn chơi/ Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành".
Tối nay mình lại được đón bộ ba cán bộ lớp: lớp trưởng Lưu Quốc Sỹ và hai lớp phó Lê Quang Trang – Nguyễn Thị Kim Cúc. Mọi người rất vui khi thấy chỗ ở của mình đã ổn định, sức khỏe cũng không có gì đáng ngại. Thể theo yêu cầu, mình đưa cả ba vào thăm nơi minh ngủ.
- Thế này là tốt rồi! Hôm hội ý ban cán sự lớp, chúng mình định bố trí để Ký ở nhà bác Tiếp cho gần chỗ học nhưng rồi nghe nói có anh Đãng cùng quê, cùng học chung trường cấp 3 với Ký ngày xưa nên lớp đồng ý để anh đi đón Ký và để Ký ở chung với anh và Nghị, Bính. Bác Dần dành cho các cậu hẳn một phòng riêng thế này thì tuyệt quá còn gì!
Tiếp lời lớp trướng Quốc Sỹ, lớp phó Quang Trang đế luôn:
- Lại có cả giường nằm đàng hoang thế này chứng tỏ bác Dần ưu ái với Ký lắm đấy!
Lớp phó Kim Cúc như phát hiện ra điều mới, liền lên tiếng:
- Chỗ giường Ký đây lại liền kề cửa sổ. Thật tiện ích cho cậu quá! Vừa có chỗ cho Ký ngồi học thuận lợi, đọc sách dễ dàng, vừa thoáng mát, Ký tha hồ nhìn mây, ngắm núi, thả hồn làm thơ nhé!
Trước khi ra về, anh Sỹ vỗ vai mình động viên:
- Thôi vậy là yên chí! Ký cứ ở nhà nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe. Bao giờ có lịch họp lớp, chuẩn bị khai giảng chúng mình sẽ báo. Còn bây giờ, cả lớp tập trung lao động, dựng cùng lúc năm chiếc lán lớn làm chỗ ở tập thể. Tốp vào rừng lấy gò, nứa; tốp ở nhà dựng. Lúc nào thấy khỏe, Ký lên chân núi chỗ lớp chơi. Cậu sẽ thấy một không khí lao động rộn ràng, hối hả không khác gì một đại công trường.
Sau đó, mọi người chia tay nhau trong tràng cười rôm rả.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!