Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy Chương 4

Chương 4
Tôi trở thành con gấu trúc bốn mắt

Ghét cô giáo, nên không học giờ của cô, thành tích học tập kém, cuối cùng ai sẽ là người lĩnh hậu quả đây?

Trong mắt người lớn, sự phản kháng của trẻ con có thể vừa buồn cười lại vừa ấu trĩ, nhưng đấy là cách duy nhất mà chúng ta biết, bi tráng tới mức chỉ có thể tiến về phía trước mà không được quay đầu lại.

Mặc dù mẹ dặn là phải đến xin lỗi cô Triệu, nhưng tôi không làm thế, tôi không cảm thấy có lỗi với  mụ phù thủy độc ác ấy.

Sau lần công khai phản kháng lại tội danh chép bài tập, sự sợ hãi cực độ của tôi đối với cô ta chuyển thành sự chán ghét cực độ. Mỗi lần đến tiết học toán, tôi ngang nhiên nằm bò ra bàn ngủ, hoặc đọc tiểu thuyết. Nếu cô ta ném phấn vào đầu tôi, tôi sẽ ngẩng đầu lên, trừng mắt nhìn cô ta, chẳng phải cô muốn tôi nghe giảng sao? Vậy thì bây giờ tôi sẽ “tập trung tinh thần” để nghe. Bài tập tôi cũng không tự làm nữa, nếu cô ta đã cho rằng tôi chép bài, vậy thì tôi cũng không nên phụ cái hư danh đó. Tôi không thèm làm bài tập toán. Tất cả bài tập toán, tôi đều chép của bạn khác.

Cũng có thể mọi việc trên thế giới này đều như thế, mềm sợ cứng, cứng sợ ngang, ngang sợ bất cần đời. Khi ấy, mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng nỗi căm hận của tôi dành cho cô Triệu không nhỏ, bộ dạng lúc nào cũng như muốn quyết sống mái một phen, dần dần cô ta cũng không buồn để ý tới tôi nữa.

Nói ra thì cũng buồn cười mà cũng đáng thương, lần đầu tiên khi tôi muốn chép bài, tôi lại không mượn được vở để chép. Trong lớp học này, tôi chẳng có người bạn nào, những người mà tôi có thể mượn vở là những người ngồi đằng trước, phía sau, bên trái, bên phải tôi, nhưng bọn họ đều không chịu cho tôi mượn. Khi tôi đang thầm cười mỉa rằng cô Triệu đã đánh giá mình quá cao thì Trương Tuấn khệnh khạng đi đến, không nói không rằng, ném vở bài tập của cậu ta lên bàn tôi.

Nhất thời tôi không phản ứng kịp, cứ ngẩn người ngồi nhìn quyển vở của cậu ta. Cậu ta thấy tôi ngồi im, nghĩ rằng tôi không muốn chép bài của mình, không khách khí gì nói luôn: “Tớ chép bài của Trần Kình.” Trần Kình là thiên tài của lớp tôi, điểm toán bao giờ cũng đạt điểm tối đa, nhắm mắt làm bài thi mà vẫn bỏ xa người đứng vị trí thứ hai.

Tôi liền mở vở ra và chép, không biết tại sao, trong lòng tôi rất cảm kích, nhưng không thể thốt ra được câu “cảm ơn”, chỉ cắm cúi chép, khẽ nói: “Bài cậu làm, tôi cũng chép.”

Cậu ta cười nhạt một tiếng, cũng không biết rút cục là cười cái gì.

Tôi cứ nghĩ cậu ta đã đi rồi, nhưng một lúc lâu sau, giọng cậu ta lại bất thần vang l n trên đầu tôi: “Có ai chép bài mà như cậu không? Xin cậu đấy! Ít ra cũng phải thay đổi, chế biến khác đi một chút chứ?” Tôi luống cuống tẩy tẩy xóa xóa, lúc xong, ngẩng đầu định hỏi cậu ta xem thế này được chưa thì đã không thấy cậu ta đứng bên cạnh nữa.

Cùng với chính sách cải cách kinh tế thị trường của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc mở rộng cửa thị trường phía Nam. Đất nước Trung Hoa bắt đầu trải qua một quá trình thay đổi trước nay chưa từng thấy. Văn hóa Hồng Kông và Đài Loan đã ảnh hưởng đến Trung Quốc đại lục đầu tiên, trước cả kỹ thuật và kinh tế.

Thời ấy, ai ai cũng say mê Sở Lưu Hương. Vai Sở Hương do Trịnh Thiếu Thu đóng đẹp trai tới mức đã trở thành cụm từ thay thế cụm từ “lịch lãm, phóng khoáng”. Nhà nhà đều xem Anh hùng xạ điêu. Ông Mỹ Linh gần như đã trở thành Dung Nhi trong lòng tất cả những người sống ở thập niên 80 thời ấy. Nhờ Bến Thượng Hải, khái niệm về xã hội đen trong mắt các cô gái đều biến thành Châu Nhuận Phát.

Chúng tôi đều đã từng vì muốn được xem những bộ phim ấy mà cò kè, mặc cả với bố mẹ, đấu trí đấu dũng. Tôi vì muốn xem Anh hùng xạ điêu mà vờ ngủ trước, đợi bố mẹ ngủ rồi, lén lút ngồi dậy, lẻn ra phòng khách xem ti vi, tiếng vặn rất nhỏ, tai phải áp sát vào ti vi để nghe.

Thời ấy, xem tivi không phải là chuyện cá nhân, mà là hành vi tập thể. Tối tối xem phim, ngày hôm sau tập trung bàn tán với các bạn. Tất cả những bài hát chủ đề trong phim, chỉ nghe là có thể chép lại toàn bộ lời, sau đó truyền tay nhau hát. Ai là người đầu tiên trong lớp có được lời bài hát của bộ phim mà ti vi vừa phát, thì đấy quả là một việc đáng kiêu ngạo, tất cả mọi người sẽ vây quanh bạn để xin lời bài hát đó. Hầu như nữ sinh nào cũng có sổ chép bài hát. Mọi người dùng bút máy nắn nót chép từng câu từng chữ, bên cạnh dán ảnh minh tinh Hồng Kông, Đài Loan, trang trí cho nó trở nên vô cùng đẹp đẽ.

Trong các ca sĩ, nhóm nhạc của Hồng Kông và Đài Loan, Tiểu Hổ1 là nhóm nhạc được yêu thích nhất. Poster và ảnh của họ được lưu truyền rộng rãi trong lớp, nữ sinh nào cũng bàn luận về Tiểu Hổ. Ba thành viên trong nhóm, mỗi người đều có một lượng fan riêng. Thành viên nào đẹp trai nhất vẫn là đề tài được các nữ sinh tranh luận liên miên không dứt. Những cuốn băng của nhóm Tiểu Hổ được truyền tay nhau, cả nam sinh và nữ sinh đều thích ngân nga bài Vườn táo xanh hạnh phúc, Cuộc hẹn của các vì sao, Tình Yêu.

Tôi không có bạn, vì vậy tất cả những niềm vui nho nhỏ ấy, tôi chỉ có thể đứng ngoài thưởng thức.

Người bạn duy nhất của tôi là sách. Các loại sách. Chỉ cần trong tay có một cuốn sách, dù hiểu hay không, tôi đều đọc từ đầu đến cuối. Những khi thời tiết ấm áp, tôi có thể ngồi ở bất cứ đâu trong trường để đọc sách, nhưng khi thời tiết lạnh giá, tôi chẳng có nơi nào để đi.

Tôi có một sở thích rất kỳ quái: thường xuyên đến cửa hàng game đó để đọc sách. Bỏ ra hai tệ mua một cốc nước cam vắt, thu người ngồi trong một góc nào đó đọc sách, thỉnh thoảng lại nhấp ngụm nước, đảm bảo trước khi đứng dậy ra về là uống đến ngụm cuối cùng. Thực ra, tôi chẳng thích thứ nước cam vắt đó chút nào, nhưng trong trái tim nhỏ bé của tôi, có một tiêu chuẩn trao đổi kỳ quái. Tôi mua một ly nước trái cây thì sẽ không cảm thấy là mình chiếm chỗ của người ta, tôi bỏ tiền ra, vì thế tôi có quyền đàng hoàng ngồi đó.

Một thời gian dài, dần dần tôi cũng quen cả ba người ở bàn bida lần trước. Người đứng xem là ông chủ của cửa hàng này, họ Lý, mọi người đều gọi là anh Lý. Người gọi tôi là em gái tên Hứa Tiểu Ba, đang học cấp hai ở một trường điểm của thành phố, mọi người gọi là Tiểu Ba. Người còn lại lớn tuổi hơn anh ta, họ Địch, mọi người đều gọi là Ô Tặc, đang học ở một trường kỹ thuật. Trường kỹ thuật ở Trung Quốc, nhìn từ một góc độ khác có thể coi là “Trại tập trung học sinh yếu kém”, là cứ điểm của những học sinh thi trượt cấp hai hoặc học dốt.

Thời gian đầu, khi tôi vào cửa hàng game ngồi đọc sách, Tiểu Ba cười xém bể bụng, Ô Tặc nhìn tôi bằng vẻ mặt khó tin và như muốn nói “đầu óc cô nhóc này có vấn đề rồi”, ra sức đả kích, cười nhạo tôi. Dù bọn họ có nói gì, tôi cũng làm như không nghe thấy. Đối một đứa trẻ vừa không muốn về nhà vừa không muốn ở trường như tôi, căn phòng ấm áp này là một nơi không thể tốt hơn, mặc dù ở đây có rất nhiều người, nhưng họ không nhìn tôi như nhìn một học sinh yếu kém, cá biệt, tất cả đều khiến tôi thấy yên tâm.

Anh Lý là người có vẻ hiểu sự đời nhất, không màng chuyện tôi dùng ké máy điều hòa và ánh sáng của mình, chỉ mỉm cười nói với Tiểu Ba: “Cô em gái của cậu rất thú vị.”

Được ông chủ cửa hàng bật đèn xanh, tôi lại càng yên tâm hơn mỗi khi đến đó.

Trong cửa hàng game, tôi dường như đã đọc hết tất cả những loại sách có trong nhà: Kim cổ truyền kỳ, Hồng lâu mộng, Thư kiếm ân thù lục, Bát tiên quá hải, Tiết Nhân Quý chinh đông, Tiết Đinh Sơn chinh tây, Tiết Cương phản Đường, Dương gia tướng… Trong số đó, tôi thích nhất một cuốn tiểu thuyết của Cổ Long bị thiếu, vì vậy, nhớ rất rõ tên tác giả này.

Mỗi khi đọc sách, tôi thường quên ăn quên ngủ, có những cuốn sách không thể đành lòng đặt xuống, tôi thường cầm đèn pin rồi chui vào trong chăn đọc thâu đêm. Số sách tôi đọc càng ngày càng nhiều, những dòng chữ, con số trên bảng càng ngày càng mờ. Cho đến một hôm, bố thấy tôi xem ti vi mà phải cầm một chiếc ghế con gồi sát sàn sạt, gần như áp mặt vào ti vi, mới phát hiện ra tôi bị cận thị, bố đưa tôi đến bệnh viện để đo kính cận.

Khi tôi đeo kính bước vào cửa hàng game, Tiểu Ba lúc ấy đang bận rộn trông coi cửa hàng gần như sững lại mấy giây, rồi tiếp tục làm việc của mình như không có chuyện gì. Làm mãi, làm mãi, đến khi không thể nhịn được nữa, bò lên mặt quầy mà cười, sau khi cười xong, lại ngồi thẳng người dậy, tiếp tục bận rộn.

Khi Ô Tặc nhìn thấy tôi, chẳng buồn khách sáo, phá lên cười ngay, rồi nói với Tiểu Ba: “Em gái bốn mắt giờ không thể chê cậu cận thị được nữa nhé.”

Không ai trong số họ bị cận thị, tôi là động vật quý hiếm, nói như lời Ô Tặc khi cười nhạo tôi là: “Trí thức! Quốc bảo! Quốc bảo!” rồi từ Quốc bảo trở thành gấu trúc, sau đó Ô Tặc gọi tôi là “Gấu Trúc Bốn Mắt”, cho tới tận khi tôi trở thành một thiếu nữ hai mươi tám tuổi, anh ấy vẫn gọi tôi là “Gấu Trúc Bốn Mắt” trước mặt tất cả mọi người.

Trong trường tiểu học, mặc nhiên, những học sinh đeo kính đều được nghĩ là do học hành chăm chỉ. Nực cười thay, tôi là đứa luôn đứng thứ nhất từ dưới lên, nhưng lại là một trong những học sinh đeo kính sớm nhất lớp. Sau một lần đổi chỗ ngồi, tôi và thần đồng Trần Kình được chuyển sang cùng một bàn, khi đó cậu ta vừa mới đeo kính, không kìm được tò mò hỏi tôi: “Sao cậu lại phải đeo kính?”

Tôi cười ha ha trả lời: “Mình xem ti vi.”

Do mỗi lần cầm sách lên, tôi quên hết những gì đang xảy ra trong thế giới bên ngoài trang sách, nên trong mắt của Tiểu Ba và Ô Tặc, tôi là một con mọt sách ngốc nghếch.

Cửa hàng game thường mở những bản nhạc đang hot. Có một lần, ở đấy mở bài Vườn táo xanh hạnh phúc của nhóm Tiểu Hổ. Tôi chợt rời mắt khỏi trang sách, nghiêng đầu lắng nghe, Tiểu Ba liền hỏi: “Em thích nhóm Tiểu Hổ à?”

Tôi lắc lắc đầu, lại gật gật đầu, rồi lại lắc lắc đầu, đến album nhạc của họ tôi cũng chưa từng nghe một lần nghiêm túc, làm sao biết được mình có thích họ hay không?

Ô Tặc cười: “Gấu Trúc Bốn Mắt đọc sách nhiều thành ngớ ngẩn rồi, đến thích hay không thích mà cũng không biết.”

Tôi trừng mắt nhìn anh ta, không đáp.

Khi tôi chuẩn bị về, Tiểu Ba liền nhét vào tay tôi một cuộn băng nhìn có vẻ sờn cũ: “Tặng em!”

Ngoài vỏ cuộn băng là ảnh nhóm Tiểu Hổ, tôi cầm ngay lấy, vui mừng nhìn ngắm một hồi, rồi lại đặt xuống, lặng lẽ nhìn Tiểu Ba. Anh ta cười: “Cái này dành cho học sinh tiểu học nghe, bọn anh không mấy khi nghe. Nếu em không lấy, thì không biết chừng vài ngày nữa, bọn anh sẽ vứt vào xó nào đó.”

Tôi cầm lại cuộn băng, cũng không nói một tiếng “cảm ơn”, mà chạy ngay ra khỏi cửa hàng game. Tối hôm đó, tôi ôm chặt chiếc đài nhỏ trong nhà để nghe nhóm Tiểu Hổ hát, nghe đi nghe lại những bài hát mà mọi học sinh đều hát theo, nghe thật kỹ những ca từ mà từ trước tới nay tôi không có cơ hội được nghe một lần cho rõ. Trong tiếng hát của nhóm Tiểu Hổ, tôi có cảm giác hốt hoảng, như mình không phải là đứa học sinh hư bị các bạn bài xích, hít le.

Cô em gái nghe thấy giọng của nhóm Tiểu Hổ, lần đầu tiên chủ động sán lại gần tôi, hỏi tôi ở đâu mà có với giọng đầy ngưỡng mộ.

Tôi mỉm cười, kiêu ngạo nói với nó rằng, bạn tôi tặng. Khi nói ra từ “bạn”, trong tim tôi trào dâng một cảm giác ấm áp lạ kỳ. Khi ấy, tôi không hiểu đó là cảm giác gì, trong tiềm thức của tôi, tôi chỉ biết rằng, đó là một thứ quý giá, vô cùng quý giá.

Một buổi chiều, tôi đang thu mình trong góc quán game đọc sách, xung quanh chỉ có tiếng máy game đang vận hành, và thỉnh thoảng là những tiếng chửi thề của những người chơi game thua cuộc.

Tôi vui vẻ cầm cốc nước quả lên định uống, đột nhiên nghe thấy có tiếng khóc từ bên ngoài vọng vào. Tiếng gào như rung động cả trời đất, kinh động cả quỷ thần kia rất quen thuộc, mỗi lần vang lên là khiến bố mẹ tôi mặt mày biến sắc, một tiếng là mềm lòng, hai tiếng là đầu hàng, đến tiếng thứ ba thì không gì không đáp ứng.

Không phải là tiếng khóc của đứa em gái õng ẹo của tôi, thì là ai?

Tôi bình tĩnh đặt cốc xuống, làm như không nghe thấy, cúi đầu, tiếp tục đọc sách. Nhưng đây là thế giới bên ngoài, tiếng la khóc của cô em gái không thể gọi bố mẹ tôi đến, không có ai cưng chiều thỏa mãn mọi đòi hỏi của nó. Vì vậy, nó vẫn khóc, thậm chí nức nở, không thành tiếng, nghe như có thể ngất xỉu bất cứ lúc nào.

Ô Tặc không thể chịu nổi âm thanh nhức nhối, não nề đó nữa, vén rèm cửa, nhìn ra ngoài. Đầu tôi vẫn cúi gằm xuống trang sách, nhưng ánh mắt không kìm được bèn liếc theo.

Hai đứa con gái mặc đồng phục cấp hai, một đứa để mái xéo chặn em tôi lại bên đường. Có thể là chặn đường để cướp tiền tiêu vặt, cũng có thể là do em gái tôi đã đắc tội với đứa nào đó, nên nó đã gọi “đại tỉ tỉ” của nó đến để dạy cho em tôi một bài học. Bạn của em gái tôi co ro, cúm rúm đứng bên cạnh, không dám ho he gì. Hai đứa con gái đó đang hung tợn nói gì đó với em gái tôi, nhưng cô em gái bé nhỏ của tôi dường như chẳng để ý, cứ ngửa cổ lên trời, ngoạc mồm ra gào khóc, cảnh tượng nực cười vô cùng.

Với tính cách của em tôi, có lẽ hai đứa kia còn chưa kịp nói hết câu, mới tỏ thái độ hung hăng là nó đã bắt đầu ngửa cổ lên trời gào khóc rồi. Hai bậc đàn chị chưa kịp lấy lại công bằng cho ai đó thì đã thu hút một đám khán giả hiếu kỳ vây quanh. Bọn họ liên tục ra lệnh, yêu cầu em gái tôi nín, nhưng họ không hiểu em gái tôi rồi, nó không những không nín mà ngược lại còn khóc to hơn.

Trong đó có một đứa con gái hơi béo, chắc cảm thấy đến một đứa trẻ đít còn xanh mà cũng không xử lý được, nên lòng tự trọng bị đả thương nghiêm trọng, bực quá liền giơ tay cho em gái tôi một cái bạt tai.

Tôi luôn tự nhủ, “không liên quan gì tới mình”, nhưng khi nhìn thấy cái bạt tai đó, chưa kịp suy nghĩ, tôi đã nổi điên lên mà lao ra ngoài như một con bò đực. Theo lời kể của Ô Tặc sau đấy, thì anh ta chỉ cảm thấy có một luồng sát khí xẹt qua người mình, đến khi anh ta định thần lại, tôi đã đánh ngã một đứa.

Tôi cúi  xuống, nhằm thẳng vào đứa con gái béo kia, đâm đầu vào ngực nó. Con gái ở tuổi ấy, đang trong giai đoạn dậy thì nên ngực cũng mới nhú, cú đâm hung hăng ấy khiến nó đau tới mức phải ngồi xổm xuống đất. Đứa con gái còn lại sững người một lúc mới hiểu ra vấn đề. Thấy tôi thấp bé hơn, nó kiêu căng ngẩng cao đầu, xông đến định tát tôi, tôi nhanh nhẹn né sang một bên, chồm lên, vừa húc đầu vào nó, vừa lên gối. Người nó cao hơn tôi, nên túm chặt lấy tóc tôi, ra sức giật lên, lần đầu tiên đánh nhau nên tôi cũng phải học từ thực tế, tôi túm lấy tóc nó mà giật xuống.

Khi đó, toàn thân đau nhức, nhưng tôi vẫn lao lên như muốn thí mạng, bằng mọi cách phải đánh được nó. Nó kéo tóc tôi, thì tôi cũng ra sức kéo tóc nó. Nó cấu tôi, tôi càng cố cấu nó mạnh hơn. Khi cả hai chúng tôi đều ngã lăn ra đất, nó còn định dùng móng tay cào vào mặt tôi. Không chịu thua, tôi cào nó, thậm chí còn dùng đến cả miệng, ngoạm một miếng, mặc cho nó đánh, nó vùng vẫy thế nào tôi cũng không nhả ra, mùi máu càng lúc càng nồng nặc, tôi vẫn không chịu nhả, chỉ gắng sức ngoạm chặt hơn.

Đột nhiên, nó bắt đầu gào khóc, khóc còn to hơn cả em gái tôi.

Ô Tặc và Tiểu Ba mỗi người túm một đứa, tách chúng tôi ra. Khi tôi bị Tiểu Ba kéo ra, vẫn không ngừng đạp chân loạn xạ để đá vào đứa con gái bị tôi đánh tới khóc ngất kia.

Ô Tặc và Tiểu Ba lặng lẽ nhìn tôi, như nhìn một tiểu quái vật.

Trên mặt, trên cổ tôi đều có máu, mắt kính đã bị đập vỡ, một mảng tóc gần tai bị giật đứt, còn đứa con gái kia thì suýt bị tôi cắn đứt một miếng thịt trên cổ tay, máu chảy ròng ròng không cầm được. Bạn nó sợ tới mức mặt mày trắng bệch, cũng bắt đầu khóc. Tôi đưa tay lên miệng quệt máu, nhìn chúng cười gằn.

Em gái tôi lúc này không khóc nữa, ngây ngô đứng sang một bên. Tiểu Ba kéo tôi vào trong cửa hàng, vừa dùng cồn rửa vết thương cho tôi, vừa nhìn đứa em gái đi theo tôi, hỏi: “Nó là gì của em?”

Tôi như bị trúng gió, miễn cưỡng nói: “Nó là em gái em.”

“Em có em gái?!”

“Cậu có chị gái?!”

Cả Tiểu Ba và bạn em tôi cùng thốt lên kinh ngạc. Tôi quay đầu đi, em gái tôi cúi gằm đầu xuống. Do tôi học dốt, lại có biệt danh là “ba ngón”, nên đứa em gái kiêu căng và ưa thể diện của tôi chưa bao giờ nói với các bạn là nó có chị, dù chúng tôi học cùng trường. Thỉnh thoảng gặp tôi ở sân trường, nó vội vàng quay đầu nhìn đi chỗ khác, vờ như không thấy tôi. Tôi cũng vui vì khỏi phải tỏ ra quen biết một đứa em gái như thế. Dù sao tôi cũng chẳng yêu quý gì nó.

Tôi đuổi em gái về trước, một mình ngồi ngẩn ra trong cửa hàng game. Tai họa tôi vừa gây ra không nhỏ. Tôi còn chưa biết phải đối mặt với bố mẹ thế nào.

Ô Tặc đột nhiên cầm một con dao gấp ra, khẽ lắc một cái, lưỡi dao đã bật ra: “Cách đánh nhau của em chưa được.”

Anh ta múa múa con dao về phía tôi, tỉ mỉ giảng giải. Tiểu Ba lẳng lặng túm chặt lấy cổ tay Ô Tặc, quay nhẹ một cái, rồi đoạt lấy con dao. Ngón tay gẩy khẽ, lưỡi dao đã khép lại. Rõ ràng, nếu là đang đánh nhau, cho dù Ô Tặc có dùng dao, chưa chắc đã thắng được Tiểu Ba.

Tiểu Ba ném trả con dao cho Ô Tặc, không khách khí hỏi: “Anh bị thần kinh à?”

Ô Tặc cười hề hề: “Còn hơn là dùng miệng”, rồi nửa đùa nửa thật nói với tôi: “Em nhận Tiểu Ba là anh trai, rồi bảo cậu ta dạy cho cách đánh nhau, đảm bảo sau này không ai dám động tới em.”

Tôi lườm một cái, rồi mặc kệ anh ta. Giờ điều tôi đang lo lắng là phải đối mặt với bố mẹ thế nào chứ không phải là đánh như thế nào.

Chần chừ cho tới lúc không thể chần chừ hơn nữa, tôi mới về nhà. Trong nhà đèn điện sáng choang. Bố mẹ của đứa con gái kia đang ở trong phòng khách nhà tôi, mặt đằng đằng sát khí. Mẹ nó giống như ếch gặp nước nóng, vừa nhảy lên chồm chồm, vừa mồm năm miệng mười chửi mắng bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi không ngớt xin lỗi họ.

Thấy tôi đi vào, tiếng mắng chửi của mẹ đứa con gái ấy càng lanh lảnh hơn, cứ như nếu bố mẹ tôi không đem tôi ra chém đầu chấp pháp ngay thì không thể khiến lòng dân hả giận vậy. Tôi không thèm để ý tới bà ta, quay sang kể lại với bố toàn bộ câu chuyện. Tôi sử dụng chính sách đầu hổ đuôi rắn, bỏ qua những tình tiết nặng, chỉ kể những tiểu tiết, trọng điểm nhấn mạnh vào chỗ đồng bọn của con gái bà ta đã bắt nạt em tôi như thế nào, tát em gái tôi ra sao. Em gái tôi đứng một bên, nước mắt ngắn nước mắt dài gật đầu tới tấp, trên má vẫn còn hằn năm vết ngón tay, chứng cứ hết sức rõ ràng.

Tiếng gầm rú nhỏ dần, bà ta gân cổ lên cãi: “Con gái tôi không bao giờ làm những việc như thế.”

Tôi không phản bác lại quan điểm của bà ta mà tiếp tục kể, vốn con gái bà ta từ đầu tới cuối chỉ đứng một bên, nhưng do đồng bọn xúi giục, cuối cùng cũng đánh tôi một cái. Còn tôi đánh con gái bà ta, hoàn toàn là do tự vệ. Dù sao tôi cũng không sai. Con bà ta cũng chẳng sai gì nhiều, đáng ghét nhất vẫn là đứa đồng bọn của con gái bà ta.

Bà ta cũng dần nguôi giận, ngồi xuống ghế xô pha, vừa lau nước mắt vừa nói con gái bà ta bị đứt mạch máu ở cổ tay, mất rất nhiều máu, bác sĩ nói nếu đưa đến bệnh viện muộn chút nữa là sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Bố mẹ tôi lại tiếp tục xin lỗi. Bố nói tất cả mọi chi phí ngoài bảo hiểm đều do gia đình tôi chi trả, mẹ thì lôi ra rất nhiều đồ bổ dưỡng tặng cho họ, nói là để con gái họ bồi dưỡng. Không khí dần dịu lại, cuối cùng là tiễn họ về.

Chuyện xảy ra lần này suýt thì nguy hiểm tới tính mạng, bố mẹ tôi đều sợ hãi tột độ. Họ nhất trí cho rằng, mặc dù tôi làm thế là để bảo vệ em gái, nhưng đánh nhau vẫn sai, vì vậy vẫn phạt tôi quỳ nửa buổi tối trên bàn xát quần áo.

Vấn đề giữa người lớn đã được giải quyết ổn thỏa với thái độ thỏa hiệp của bố mẹ tôi, nhưng vấn đề giữa những đứa trẻ thì vẫn chưa được giải quyết. Đứa con gái béo kia vừa muốn báo thù cho bạn, vừa muốn lấy lại thể diện, thế là đi tìm hai tay đàn chị thật sự, muốn dạy cho tôi một bài học.

Hôm đó, tôi vừa tan học, phát hiện thấy có hai đứa con gái khá xinh đẹp đi theo sau mình. Chưa từng ăn thịt lợn thì cũng phải từng nghe tiếng lợn kêu, tôi hiểu ngay đây là những người được “mời” đến để đánh tôi. Tôi co giò lên chạy, không dám về nhà, mà chạy về phía cửa hàng game. Suy nghĩ của tôi khi ấy rất đơn giản. Đường về nhà vắng vẻ ít người, còn ở phòng game lại rất đông người, dù bọn họ có đánh tôi, cũng không dám nặng tay.

Tôi thở hồng hộc chạy vào cửa hàng game, Tiểu Ba và Ô Tặc ngạc nhiên nhìn tôi. Họ còn chưa kịp hỏi tôi thì hai tay đàn chị kia đã lao vào theo, một đứa chắn trước mặt tôi, một đứa chặn đằng sau, rõ ràng, lần này quyết không cho tôi thoát thân. Tôi như con sói nhỏ bị đàn chó săn bao vây, mặc dù sợ nhưng không chịu tỏ ra yếu thế, tay nắm chặt thành nắm đấm, mắt nhìn chúng trừng trừng.

Bọn chúng đang định dạy cho tôi bài học đầu tiên về ân oán giang hồ thì Ô Tặc gõ gõ lên mặt quầy, nhìn một trong hai đứa con gái, cười vừa gian tà vừa đê tiện: “Sư tỉ, nể tình học cùng trường, thằng em nhắc nhở chị một câu, muốn gây sự thì phải nhìn lại xem đây là quán của ai đã chứ?”

Một trong hai đứa con gái nhìn khá xinh xắn liền liếc mắt nhìn Ô Tặc một cái, có chút hoang mang, rõ ràng là không quen Ô Tặc. Ô Tặc liền lớn tiếng báo tên và chuyên ngành mà mình đang theo học ở trường kỹ thuật.

Tay đàn chị đứng chặn phía sau tôi nói: “Đúng là sư đệ của cậu đấy!”

Cô nàng xinh đẹp kia cười, hỏi: “Vậy đây là cửa hàng của ai?”

Ô Tặc nói ra đại danh của anh Lý. Cô nàng xinh đẹp tỏ vẻ thất kinh, phải mất một lúc sau mới lấy lại được bình tĩnh, chỉ chỉ vào tôi, cười nói: “Vậy chắc cậu không có quan hệ gì với con nhóc này chứ?”

Giọng của cô ta nghe rất điệu, từ “chứ” sau cùng nghe rất tình tứ. Ô Tặc suýt chút nữa thì mềm nhũn sau quầy thu ngân nhưng lại lập tức nghiêm giọng vạch rõ ranh giới. “Con Gấu Trúc Bốn Mắt này không có quan hệ gì với thằng em”, cô nàng xinh đẹp liền mỉm cười quay sang nhìn tôi, Ô Tặc bồi thêm một câu: “Nhưng lại có quan hệ với cậu ta.”

Ánh mắt cô ả nhìn theo ngón tay Ô Tặc hướng về phía chính diện của quầy thu ngân. Một cậu học sinh đang đổi mười tệ lấy xu. Tiểu Ba chăm chú cúi đầu đếm xu cho cậu ta. Cô ả nhìn một lúc, rồi quay sang tôi cười với vẻ biết lỗi, “Em gái, thật ngại quá, bọn chị nhận nhầm người”, nói xong kéo đồng bọn đi mất.

Ô Tặc hét với theo: “Người đẹp, lần sau cùng đi ăn nhé, địa điểm tùy em chọn.”

Cô ả quay đầu lại, liếc nhìn anh ta rất tình tứ, rồi cười đi tiếp. Ô Tặc liền cười phá lên, cả ngày tinh thần cứ như người trên mây.

Tôi biết họ đã thay tôi hóa giải kiếp nạn này, dù vậy, tôi vẫn kh ông thể thốt lên lời “cảm ơn”, chỉ có thể dùng một cách trả ơn khác. Chiều hôm đó, tôi nén lòng mua liền một lúc năm ly nước cam ép, và đi vệ sinh vô số lần.

Ô Tặc hỏi tôi với vẻ khó hiểu: “Em ăn thức ăn mặn quá hay sao? Uống nhiều nước thế?”

Tôi trợn mắt với anh ta: “Liên quan gì đến anh?”

Tiểu Ba chỉ mỉm cười nhìn tôi. Tôi biết anh ta đã nhìn thấu tâm can tôi nên ngượng ngùng, thoáng đỏ mặt, vờ như không có chuyện gì, tiếp tục đọc sách.


1 Tiểu Hổ hay còn được gọi là Tiểu Hổ đội, gồm ba thành viên: Ngô Kỳ Long, Trần Chí Bằng và Tô Hữu Bằng. Đây là ban nhạc nổi tiếng của Đài Loan hồi cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t32064-thoi-nien-thieu-khong-the-quay-lai-ay-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận