Thiên Long Bát Bộ Hồi 272

Mộ Dung Bác đáp:

- Cao nghĩa của đại sư, tại hạ được kết giao với một bằng hữu như thế, có chết cũng còn gì mà tiếc nuối nữa? Tiêu huynh, tại hạ có một chuyện thỉnh giáo. Năm xưa ta giả truyền tin tức để đến nỗi gây ra đại họa, thế Tiêu huynh có biết tại hạ làm một việc vô hạnh bại đức như thế là vì cớ gì chăng?

Tiêu Viễn Sơn giận bừng bừng, chỉ tay mắng chửi:

- Ngươi là kẻ ti bỉ tiểu nhân, làm điều càn rỡ, hạnh tai lạc họa thì còn có dụng ý gì nữa?

Ông tiến lên một bước bụp một tiếng đánh ra một quyền. Cưu Ma Trí nghiêng qua chặn lại, song chưỡng đẩy ra bịch một tiếng quyền phong chưởng lực chạm nhau, dội ngược lên trên khiến bụi trên mái lả tả rơi xuống. Quyền chưởng đụng nhau tuy chưa phân cao hạ nhưng hai bên đều phục ngầm lẫn nhau.

Mộ Dung Bác nói:

- Tiêu huynh tạm dằn nộ khí, để nghe tại hạ nói hết lời. Mộ Dung Bác tuy là kẻ chẳng vào đâu nhưng trên giang hồ cũng tạo được chút danh con con, chưa từng quen biết Tiêu huynh, ắt là vô oán vô cừu. Đến như Huyền Từ phương trượng của phái Thiếu Lâm, tại hạ cũng có tình giao hảo lâu năm, vậy mà tại hạ hết công hết sức xúc xiểm gây rối để cho hai bên lưỡng bại câu thương, cứ theo lý thường mà nói, ắt phải có một nguyên do cực kỳ trọng đại.

Tiêu Viễn Sơn đôi mắt dường như đổ lửa, quát lớn:

- Còn có nguyên do trọng đại gì? Nói… nói mau!

Mộ Dung Bác nói:

- Tiêu huynh là người Khất Đan, còn Cưu Ma Trí minh vương là người nước Thổ Phồn. Bọn võ nhân Trung Thổ kia đều bảo các vị là phiên bang di địch, không biết ăn mặc theo thượng quốc y quan. Lệnh lang rõ ràng là bang chủ Cái Bang, tài lược võ công đều vượt trội, hơn hẳn mọi người, quả là một anh hùng hào kiệt xưa nay hiếm có trong Cái Bang. Thế mà trong bang vừa mới biết y là dòng dõi Khất Đan dị tộc, lập tức lật mặt không còn tình nghĩa gì, chẳng nhận y là bang chủ nữa đã đành, mà còn nhất định phải giết cho bằng được mới cam tâm. Tiêu huynh thử nghĩ chuyện đó có công bằng không?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Tống Liêu đời đời oán thù, hai nước chiến tranh công phạt đã hơn một trăm năm. Ở nơi biên cương, người Tống người Liêu gặp nhau là giết, trước nay vẫn thế. Người Cái Bang biết được con ta là người Khất Đan, làm sao có thể tôn kẻ thù làm chủ được? Cái đó cũng là thường lý mà thôi, có gì bảo là không công bằng đâu?

Ông ngừng một chút lại tiếp:

- Huyền Từ phương trượng, Uông Kiếm Thông bọn họ giết vợ ta, thuộc hạ ta vốn không phải do bản ý. Mà dẫu có cái bụng dạ đó chăng nữa, thì cũng là Tống Liêu tương tranh, không có gì lạ, còn như ngươi bày mưu tính kế hãm hại thì không thể bỏ qua cho được.

Mộ Dung Bác nói:

- Cứ như ý kiến Tiêu huynh, hai nước tương tranh, giao chiến sát phạt, chỉ cần làm sao thắng địch lập nên đại công, chứ không cần phải nói chuyện nhân nghĩa đạo đức chứ gì?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Binh bất yếm trá, từ xưa đến nay vẫn vậy. Ngươi nói chuyện không liên quan gì đến là làm sao?

Mộ Dung Bác mỉm cười nói:

- Tiêu huynh thử xem Mộ Dung Bác mỗ đây là người nước nào?

Tiêu Viễn Sơn hơi kinh ngạc nói:

- Ngươi Cô Tô Mộ Dung thị, hẳn phải là người Hán Nam triều chứ còn gì nữa, không lẽ lại là người ngoại quốc hay sao?

Huyền Từ học thức uyên bác, khi nghe Mộ Dung Bác ngăn trở Mộ Dung Phục đừng tự sát, chỉ qua vài câu ông ta nói ra liền đoán ngay ra thân thế lai lịch. Tiêu Viễn Sơn là một võ nhân Khất Đan, không biết chuyện xưa tích cũ nên chẳng biết bên trong nghĩa lý thế nào.

Mộ Dung Bác lắc đầu đáp:

- Tiêu huynh đoán thế là sai rồi.

Ông ta quay sang nói với Mộ Dung Phục:

- Hài nhi, chúng ta là người nước nào thế?

Mộ Dung Phục đáp:

- Chúng ta họ Mộ Dung vốn là bộ tộc Tiên Ti, năm xưa nước Đại Yên danh chấn Hà Sóc, lập nên giang sơn gấm vóc, tiếc rằng kẻ địch hung hiểm tàn ác, lật đổ bản quốc.

Mộ Dung Bác hỏi tiếp:

- Cha đặt tên con dùng một chữ Phục là có hàm nghĩa gì?

Mộ Dung Phục đáp:

- Gia gia bảo hài nhi không giờ phút nào được quên di huấn của liệt tổ tông, phải cố hưng phục Đại Yên lấy lại giang sơn.

Mộ Dung Bác nói:

- Ngươi đem truyền quốc ngọc tỉ của nước Đại Yên ra cho Tiêu lão hiệp xem.

Mộ Dung Phục đáp:

- Vâng!

Y cho tay vào túi lấy ra một quả ấn tạc bằng một khối ngọc đen. Chiếc ngọc tỉ đó trên núm khắc một đầu báo rất sinh động, Mộ Dung Phục lật lên để lộ ấn văn. Cưu Ma Trí thấy chữ trên đó khắc thành sáu chữ "Đại Yên Hoàng Đế Chi Bảo." Cha con họ Tiêu không biết chữ triện nhưng thấy ngọc tỉ điêu khắc tinh mỹ, các góc cũng đã sứt mẻ, đủ biết có từ lâu, qua nhiều trắc trở, tuy không biết thật giả ra sao nhưng không phải vật tầm thường, cũng không phải mới chế tạo.

Mộ Dung Bác lại tiếp:

- Ngươi đem Đại Yên hoàng đế thế hệ phổ cho Tiêu lão hiệp xem qua.

Mộ Dung Phục đáp:

- Vâng!

Y cất ngọc tỉ vào trong bọc, thuận tay lấy một bao bằng vải dầu, mở ra để lộ một bức lụa vàng, hai tay trương lên. Mọi người thấy trên tấm lụa viết đầy hai loại văn tự bằng bút son, bên phải là chữ ngoằn ngoèo, chẳng ai đọc được, chắc là chữ nước Tiên Ti. Phía bên trái là chữ Hán, dòng đầu tiên viết Thái Tổ Văn Minh Đế húy Hoảng, bên dưới là Liệt Tổ Cảnh Chiêu Đế húy Tuyến, dưới nữa là U Đế húy Vĩ. Lại đến một hàng chữ viết Thế Tổ Võ Thành Đế húy Thùy, bên trên viết Liệt Tông Huệ Mẫn Đế húy Bảo, bên dưới viết Khai Phong Công húy Tường, Triệu Vương húy Lân.

Bên dưới tấm lụa viết Trung Tông Chiêu Võ Đế húy Thịnh, Chiêu Văn Đế húy Hi... các loại danh húy Hoàng Đế, tất cả đều thiếu nét.(43.4) Đến năm Thái Thượng thứ sáu nhà Đại Yên Mộ Dung Siêu mất nước, các đời sau đều là dân thường, không còn là công hầu đế vương nữa. Niên đại đã lâu, con cháu đầy rẫy, Tiêu Viễn Sơn, Tiêu Phong và Cưu Ma Trí ba người không hơi sức đâu mà coi cho kỹ. Thế nhưng xem đến thế hệ biểu người sau cùng thì là Mộ Dung Phục, bên trên là Mộ Dung Bác.

Cưu Ma Trí nói:

- Thì ra Mộ Dung tiên sinh là vương tôn nước Đại Yên, quả là thất kính.

Mộ Dung Bác thở dài:

- Kẻ vong quốc lưu lạc, còn giữ được cái đầu trên cổ ấy cũng là may mắn lắm rồi. Có điều bao đời tổ tông di huấn, ai nấy dặn dò con cháu hưng phục, Mộ Dung Bác vô năng, bôn ba giang hồ hơn nửa đời người mà cũng chẳng nên cơm cháo gì. Tiêu huynh, họ Mộ Dung Tiên Ti ta có ý quang phục cố quốc, ngươi thử nghĩ có nên không?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Được làm vua, thua làm giặc. Quần hùng đuổi hươu ở Trung Nguyên, có gì để bảo là nên hay không nên?

Mộ Dung Bác đáp:

- Hay lắm! Lời của Tiêu huynh quả đúng như lòng ta nghĩ. Họ Mộ Dung muốn hưng phục Đại Yên, ắt cần có cơ hội mà nương theo. Nghĩ đến họ Mộ Dung ta nhân đinh đơn bạc, thế lực sơ sài, muốn lấy lại nước có phải là chuyện dễ dàng đâu? Cái cơ duyên duy nhất là thiên hạ đại loạn, bốn bề giặc giã như ong.

Tiêu Viễn Sơn sầm mặt xuống:

- Ngươi ngụy tạo âm tấn, xúi bị giục nguyên, cốt để Tống Liêu hục hặc đại chiến chứ gì?

Mộ Dung Bác đáp:

- Chính thế! Nếu như Tống Liêu hai bên nổi cơn binh lửa, Đại Yên có thể lựa gió phất cờ. Năm xưa nhà Đông Tấn có cái loạn tám vương tranh chấp, họ Tư Mã tự tàn sát lẫn nhau, Ngũ Hồ ta mới có dịp cát cứ một mảnh đất của Trung Nguyên. Cuộc diện hôm nay, cũng gần như thế.

Cưu Ma Trí gật đầu nói:

- Không sai! Nếu như Tống triều có họa hoạn từ bên ngoài, ắt sẽ sinh nội biến, không những cái mộng phục quốc của Mộ Dung tiên sinh có cơ thành hình, nước Thổ Phồn ta cũng được húp chút canh.

Tiêu Viễn Sơn cười khẩy một tiếng, liếc xéo hai người. Mộ Dung Bác nói:

- Lệnh lang đang giữ chức Nam Viện Đại Vương, tay cầm binh phù, trấn thủ Nam Kinh, nếu như xua quân xuống phương nam, chiếm tất cả đất của Nam triều mạn Bắc sông Hoàng Hà, kiến lập một công nghiệp hiển hách, tiến thì tự lập làm chủ một cõi, thoái cũng phú quí lâu dài. Lúc đó thuận tay gom cả quần hào Trung Nguyên giết sạch thì cũng chẳng khác gì đạp lên đàn kiến, mối bực tức năm xưa bị Cái Bang trục xuất có phải chỉ một buổi là rửa sạch hay không?

Tiêu Viễn Sơn hỏi lại:

- Ngươi tưởng con ta sẽ vì thế mà tận lực cho các ngươi có dịp nước đục thả câu, thực hiện dã tâm hưng phục Đại Yên hay sao?

Mộ Dung Bác đáp:

- Đúng thế! Khi đó họ Mộ Dung sẽ giương ngọn nghĩa kỳ, hưởng ứng tiếng gọi của Đại Liêu, đem binh từ Sơn Đông đánh ra đồng thời Thổ Phồn, Tây Hạ, Đại Lý ba nước cùng nổi lên, chúng ta năm nước qua phân Đại Tống không phải là chuyện khó. Nước Đại Yên ta nhất quyết không dám lấy một phân một thước đất của Đại Liêu, nếu có kiến quốc cũng chỉ lấy đất của Nam triều. Việc này đối với Đại Liêu có lợi rất lớn, Tiêu huynh còn gì mà không vui vẻ thuận theo?

Ông ta nói đến đây, đột nhiên lật ngửa tay phải, trong tay đã thêm một con dao găm sáng loáng, vung lên cắm phập vào chiếc bàn gần bên nói:

- Tiêu huynh chỉ cần bằng lòng nghe theo đề nghị đó, lập tức xin lấy mạng tại hạ để báo thù cho phu nhân, mỗ nhất quyết không phản kháng.

Soạt một tiếng Mộ Dung Bác đã mở phanh áo, lộ ngực ra. Câu nói đó quả ngoài dự liệu của cha con Tiêu Phong, người này đang chiếm ưu thế rất lớn nhưng lại bó tay chịu chết, nhất thời không biết phải trả lời sao. Cưu Ma Trí nói:

- Mộ Dung tiên sinh, người đời vẫn nói rằng: "Không phải cùng giống mình thì tâm tình cũng khác." Huống chi quân quốc đại sự thì lại càng dễ cơ trá. Ví như Mộ Dung tiên sinh cam tâm chịu chết rồi sau đó cha con họ Tiêu không làm theo lời tiên sinh, cái… chết của tiên sinh chẳng hóa ra nhẹ tợ lông hồng hay sao?

Mộ Dung Bác nói:

- Tiêu lão hiệp ẩn cư mấy chục năm, cái tiếng hiệp nghĩa nhân gian ít người biết tới. Thế nhưng Tiêu đại hiệp thanh danh vang lừng thiên hạ, một lời nặng như chín cái đỉnh, lẽ nào lại hối hận? Tiêu đại hiệp chỉ vì một thiếu nữ vô thân vô cố mà còn dám mạo hiểm một mình đến Tụ Hiền Trang cầu chữa bệnh, lẽ nào cầm đao đâm vào lão hủ rồi lại nuốt lời? Tại hạ trù tính đã lâu, đây chính là lương cơ thiên tải nhất thời. Chút tàn niên của lão hủ như ngọn đèn trước gió, đem một mạng đổi lấy cơ nghiệp vạn đại, cái giá hời như thế đời nào bỏ qua?

Ông ta nở một nụ cười, chăm chăm nhìn Tiêu Phong chỉ mong ông sớm ra tay hạ thủ. Tiêu Viễn Sơn nói:

- Này con, cái ý của người này xem chừng không phải là giả, con thấy sao? Nguồn tại http://truyenyy[.c]om

Tiêu Phong đáp:

- Không được.

Đột nhiên ông giơ chưởng đánh xuống cái bàn gỗ, nghe chát một tiếng vỡ thành mấy mảnh, thanh chủy thủ rơi ngay xuống đất, lạnh lùng nói:

- Mối thù giết mẹ đâu có thể đem làm món hàng trao đổi? Thù này báo được thì báo, nếu không trả được thì cha con ta cùng chịu chết nơi đây. Cái trò nhơ bẩn này đâu phải là việc cha con Tiêu mỗ có thể nhúng tay vào được!

Mộ Dung Bác ngẩng mặt lên cười ha hả, lớn tiếng nói:

- Ta từng nghe Tiêu Phong Tiêu đại hiệp tài lược cái thế, kiến thức hơn người, có biết đâu hôm nay gặp được lại chỉ là kẻ không biết đại nghĩa, hành vi chí khí chỉ là một kẻ dũng phu. Ha ha, nực cười ơi là nực cười!

Tiêu Phong biết y dùng lời khích mình, lạnh lùng nói:

- Tiêu Phong là anh hùng hào kiệt cũng được, mà có là phàm phu tục tử cũng chẳng hề gì, miễn là không vào tròng của ngươi, trở thành con dao giết người để ngươi lợi dụng.

Mộ Dung Bác nói:

- Ăn lộc vua thì phải hết mình báo chúa. Ngươi là trọng thần một nước, mà chỉ nhớ đến mối thù cha mẹ, không nghĩ bề tận trung báo quốc, liệu có phải với Đại Liêu hay không?

Tiêu Phong tiến lên một bước hiên ngang đáp:

- Ngươi đã thấy cảnh Tống Liêu thù hận giết lẫn nhau ở biên quan chưa? Đã thấy người Tống người Liêu vợ lìa chồng, con mất cha, nhà tan người chết chưa? Hai nước Liêu Tống bãi binh mấy chục năm nay, nếu như binh đao trở lại, thiết kỵ Khất Đan xâm nhập Nam triều, ngươi có biết sẽ thêm bao nhiêu người Tống chết thảm hay không? Bao nhiêu người Liêu chết chẳng toàn thây hay không?

Ông nói tới đây, nghĩ lại cảnh tượng tàn khốc lính Tống binh Liêu "đi gặt" nên càng lúc càng lớn tiếng:

- Binh hung chiến nguy, trên đời này làm gì có cái chuyện bảo là tất thắng? Đại Tống binh nhiều tiền bạc lắm, chỉ cần một hai danh tướng dẫn binh hết sức đánh, Đại Liêu Thổ Phồn hợp lại chắc gì đã thắng được? Chúng ta đánh một trận máu chảy thành sông, xác chất như núi để cho họ Mộ Dung nhà ngươi thừa cơ hưng phục nước Yên. Ta đối với Đại Liêu tận trung báo quốc là ở giữ gìn bờ cõi, vỗ yên trăm họ, chứ đâu phải lo chuyện vinh hoa phú quí cho bản thân để mà giết người cướp đất, kiến công lập nghiệp?

Bỗng nghe từ bên ngoài trường song tiếng nói già cả của ai đó vọng vào:

- Thiện tai! Thiện tai! Tiêu cư sĩ trạch tâm nhân thiện, nghĩ đến thương sinh thiên hạ quả là có lòng bồ tát.

Năm người nghe nói, đều kinh hãi, sao ở bên ngoài có người mà mình không hay biết? Nghe giọng nói của người này, tựa hồ ở bên ngoài cửa sổ đã lâu. Mộ Dung Phục quát lên:

- Ai đó?

Không đợi đối phương trả lời, bình một chưởng hai cánh cửa bật tung bay mất, rơi ra ngoài các. Chỉ thấy bên ngoài hành lang một nhà sư già gầy ốm mặc áo bào xanh tay cầm cây chổi, đang khom lưng quét dọn. Nhà sư đó tuổi tác đã cao, cằm lưa thưa mấy sợi râu cũng đã bạc trắng, hành động chậm chạp, hữu khí vô lực, không ra vẻ người có võ công. Mộ Dung Phục lại hỏi:

- Ông trốn ở nơi đây bao lâu rồi?

Vị lão tăng từ từ ngẩng đầu lên nói:

- Thí chủ hỏi ta trốn ở nơi đây đã… đã bao lâu ư?

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-272/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận