Vũ Điệu Thiên Nga Truyện ngắn 16


Truyện ngắn 16
Bức xạ

Người ta đồn thổi rằng ở làng tôi có một đại gia mới xuất hiện, thấy lạ tôi hỏi, bà xã đánh gọn một câu :

- Bạn ông chứ ai!

- Ai nhỉ? Tôi đâu có mấy người bạn.

Bà xã cho là tôi giả ngô giả ngọng, bĩu môi :

- Cùng một duộc với nhau cả. Hắn lại mới sắm cô bồ trẻ ở ngoài phố nữa cơ đấy.

Tôi trợn mắt cáu gắt :

- Nhưng ai mới được chứ? Cái bà này, tôi làm gì có ông bạn nào giỏi giang đến thế.

- Ai?

Phải nói bà xã tôi cũng biết trêu người, vẫn không nói, mà cắp nón ra vườn, làm như không thèm nhắc đến cái tên của tay đại gia lừa nữa. Tức khí tôi gọi ngay điện thoại sang cho chú Cừ em, để hỏi cho ra nhẽ thì mới hay đó là Quang, bạn tôi từ thuở nhỏ. Chú em tôi còn nói chi li rằng, sau khi thôi làm bí thư xã, Quang bỗng dưng nổi lên là một ông chủ buôn đồ cổ có hạng. Người ta còn thấy, nhiều đêm vẫn có khách mang hàng đến nhà Quang, làm chó sủa râm ran khắp xóm. Ban đầu, ai cũng thấy khó tin và lắm người còn ngờ vực, vì chả lẽ cái ông bí thư Quang, hiền lành là thế, tiếng là thật thà, làm tới mấy khóa rồi cũng chả có tai tiếng gì, vậy mà giờ đây lại đổi khác. Nghe chú Cừ nói tràng giang đại hải, con cà con kê tôi bèn ngắt lời :

- Thì người ta có tiền người ta buôn bán, có cướp của ai đâu.

 Thấy tôi cà khịa vài câu, chú Cừ lập tức nói to:

- Bác lại còn bênh. Tiền ấy ở đâu? Thì ra mấy khóa làm bí thư, ông ta ngấm ngầm ních tiền vào túi mà không ai biết.

- Chú chả có chứng cứ gì cả nói thế phải tội...

Không đợi tôi nói hết, chú Cừ dập máy. Tôi thừ người ra và bỗng nhiên có một cảm giác lạ trỗi dậy đánh thức những ký ức từ đâu đó trở về giữa tôi và Quang. Bởi tôi và Quang đã từng có chuyện xảy ra hết sức lạ lùng.

... Ấy là chuyện đã từng xảy ra bên chiến hào, ở mặt trận Quảng Trị ác liệt, năm 1972. Khi đó cánh lính cùng làng tôi hy sinh đến non nửa. Quang lúc nào cũng nơm nớp hoảng sợ, lo rằng mình sẽ hy sinh và luôn tìm cách thoái thác nhiệm vụ đơn vị giao cho khi phải đi ra ngoài. Lắm lúc tôi rất bực nhưng lại thấy thương bạn vì nghĩ Quang là con một, được gia đình nuông chiều quen, giờ khoác áo lính, lại phải đối diện với súng đạn, quả là quá sức với cậu ta. Nhiều lúc Quang còn bộc bạch nói với tôi xem có cách nào để cho cậu ta không phải đi chiến đấu. Tôi nổi khùng to tiếng làm cho hắn hoảng hốt, vì sợ tôi nói ra cho cấp trên biết. Ấy thế rồi mặt trận mỗi lúc một quyết liệt. Cánh lính còn lại của làng tôi đều cùng viết lên bờ vai hai chữ "Chiến thắng", nhưng riêng Quang không chịu mà còn cãi lý rằng, cầm súng thì chiến đấu chẳng sợ gì mà phải viết lên cánh tay cả. Tôi gàn mãi mấy người mới thôi xỉ vả Quang và còn cho là tôi bênh hắn chằm chặp, một người bạn thân hèn nhát.

Cũng từ đó, tôi luôn đi kèm bên Quang và để ý xem có những diễn biến gì trong tâm tư của Quang để an ủi và khích lệ, sao cho người bạn thân của mình không dao động sợ sệt trước súng đạn. Chiến trường mỗi lúc một quyết liệt hơn trước, đơn vị tôi có lệnh lên đường nhận nhiệm vụ, đột phá khẩu mũi cửa phía Nam thành cổ. Quang ngồi ủ rũ bên vách hào quay lưng về phía tôi. Nhìn bạn, tôi biết mọi diễn biến tâm tư hoảng loạn sẽ xảy ra. Tiếng súng dội ì oàng từ xa. Cả đại đội im lặng chờ lệnh phát hỏa. Đột nhiên Quang quay lại nói nhỏ bên tai tôi :

- Mày giúp tao chuyện này nhé!

Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt Quang thấy ánh lên nét lo âu sợ hãi, tôi nói :

- Hãy bình tĩnh nhé!

Tiếng súng mỗi lúc một to, đại đội trưởng ra hiệu lệnh sẵn sàng vượt hào. Tôi nhổm người lên cò súng, nhưng Quang kéo lại nói như muốn khóc :

 

- Mày hãy làm cho tao bị thương ở chân đi!

- Cái gì?

Tôi vừa hỏi to thì tiếng súng chát chúa hơn. Có những viên đạn găm ngay trên bờ đất ở miệng hào. Mọi người


đã khom lưng đứng dậy. Quang ôm lấy chân tôi nói như cầu cứu:

- Mày hãy bắn vào chân tao trước khi vượt hào. Để tao ở lại!

Lệnh phát hỏa. Tôi cùng đồng đội xung phong tiến lên, Quang cố kéo tay tôi lại như không thể, tất cả đã lao về phía trước. Chợt có tiếng súng phía sau nổ đanh gọn. Tôi ngoái lại thấy Quang đang lăn lộn trên miệng hào.
Có lẽ trong lúc hoảng loạn hắn đã nhắm mắt bắn vào chân mình.

... Thế rồi hắn ở lại điều trị và được phục viên về làng với tấm thẻ thương binh. Chẳng bao lâu hắn được điều lên làm công tác quân sự ở xã, rồi được kết nạp Đảng. Sau này, khi trở về làng, tôi giữ kín mọi chuyện vì thấy bạn mình đã là một đảng ủy viên của xã. Thời gian trôi qua, tôi nghĩ câu chuyện bên chiến hào sẽ rơi vào quên lãng. Nhưng thật buồn, từ ngày về làng, tôi với Quang tự nhiên có một khoảng cách thật xa lạ. Tôi giữ im lặng và ít khi gặp lại Quang để trò chuyện như ngày còn trẻ. Nhưng trong lòng tôi lại rất vui vì thấy Quang được lòng bà con cùng những người công tác trên ủy ban xã. Quang nổi lên là một bí thư chi bộ cần mẫn hiền lành, nói ít làm nhiều. Nhưng thực tình lại có người kêu, tay Quang lì lợm nhiều thủ đoạn để tiến thân. Cùng nhiều lời đồn thổi, về chuyện Quang đút lót cấp trên và có nhiều mối quan hệ rộng rãi các cấp, các ngành trong huyện nên được lòng các quan chức lắm. Nhưng lời đồn vẫn cứ đồn. Chẳng có chứng cứ gì hết. Hơn nữa, Quang chỉ có một ngôi nhà tuềnh toàng từ xưa, không hề có biểu hiện chút gì gọi là tham nhũng. Kiểm chứng thấy đúng nhiều người dần dần tin yêu vị bí thư chi bộ của thôn. Thế rồi, khi được điều lên xã, làm tới phó bí thư, rồi bí thư Đảng ủy xã, Quang vẫn thế, nổi tiếng là hiền lành, chịu khó không hề có chuyện tiêu cực gì xảy ra. Nhiều việc khi dân cần, bao giờ Quang cũng chú ý lo toan cho kịp thời và chu đáo. Mọi người cứ nhìn ngôi nhà cũ kỹ của bí thư Quang lại thấy thương. Họ còn cho rằng, thật khó kiếm được một ông bí thư như thế trong thời buổi thị trường hiện nay.

Vậy là, hết khóa này đến khóa khác, Quang lúc làm bí thư, lúc lại là chủ tịch xã. Mọi thứ cứ răm rắp, tuần tự như tiến suốt hơn hai chục năm. Và bí thư Quang vẫn chui ra, chui vào qua cánh cửa tưởng như đổ đến nơi ấy. Cánh cửa mọt, xệ xuống, được dựng lại bao lần để che mưa gió cho ngôi nhà nhỏ bé của gia đình Quang. Đôi lúc thoáng trong đầu óc tôi lại ngờ vực và khó tin ông bạn hèn nhát của mình lại có một chân dung như thế, một bí thư Đảng có uy tín như vậy. Nhưng mọi nghi vấn trong tôi bắt đầu bị dao động, khi hay tin bí thư Quang tổ chức đám cưới cho con trai theo nếp sống mới, khác hẳn tục lệ làng từ xưa đến nay, ăn rải rác phải hai ngày mới hết cỗ. Mà ngược lại bí thư Quang tổ chức cưới cho con trai theo hình thức tiệc trà, chỉ có bánh kẹo và thuốc lá. Thậm chí, trong thiệp mời bí thư Quang còn cho in đậm dòng chữ "Không nhận phong bì."

Khi nhận thiếp mời, mọi người tá hỏa lên, cho là bí thư Quang định giở trò gì đây, phá lệ làng à? Có người kêu toáng lên rằng, tay bí thư Quang làm khó cho mọi thủ tục sau này, cứ kiểu này, rồi làm sao thu lại được tiền đã đi mừng cho hàng chục đám từ trước tới nay cơ chứ.
Thậm chí, có người nói oang oang, kệ hắn cứ làm theo lối cũ, nghĩa là vẫn cứ đánh chén linh đình và tiền mừng phải đầy túi.

Mọi chuyện xôn xao lên một thời gian. Quang lại càng nổi như cồn. Các xã xung quanh, đâu đâu cũng nêu chuyện bí thư Quang để học tập và làm gương. Ai cũng mủi lòng mỗi khi đi qua nhà bí thư, vẫn là ngôi nhà cũ kỹ của ngày nào. Tôi cũng vậy, mặc dù tôi ở thôn cuối xã nhưng vẫn nghe tin tốt về ông bạn thời trai trẻ ấy và nghĩ, thôi thế cũng đáng mặt trai làng. Chuyện cũ bên chiến hào ngày ấy chỉ là tai nạn tinh thần mà thôi. Có gì đâu, chuyện đời lúc này, lúc khác như các cụ nói " Sông có khúc, người có lúc", mà Quang đang ở cái đoạn, cái lúc, phát phúc đức cũng thỏa đáng lắm.

 

... Ấy vậy mà sau khi về hưu, Quang bỗng nổi lên như một tay giàu có và buôn đồ cổ thì thật lạ. Tôi không thể hình dung nổi nữa. Mặc dù trước khi nghỉ, Quang đã đập bỏ cái nhà cũ đi và xây một cái nhà to, có sân vườn, nhưng cũng không thể nói là giàu có bất thường được. Có người hỏi thì Quang nói xây nhà chỉ hết bốn trăm triệu. Nhưng lại có người nhẩm tính xây cái nhà theo mẫu biệt thự và sân vườn như thế cũng phải ngót nghét đến tỷ bạc chứ chả đùa. Rồi cũng có người châm chọc, ờ thì đến hơn hai chục năm làm cán bộ xã chả lẽ về tay không. Trước khác, giờ khác. Trước cố giữ cái xác nhà cũ để che mắt thiên hạ thôi. Hốt bạc bấy nhiêu năm để làm kho à? Tuy nhiên xây cái nhà to như cái đình ấy cũng chả thấm gì, giờ đây hắn mới tung tiền tham nhũng để buôn đồ cổ.

Tôi nghe mọi chuyện cứ rối tinh lên. Vả lại giờ đây về hưu rồi. Ai truy cứu lại làm gì. Mà suốt bao năm Quang có bị kiện tụng hay tố cáo gì đâu. Chắc chả sao. Tôi đang nghĩ lơ mơ về cái sự đời thì vợ tôi về cùng với chú Cừ, cả hai có vẻ bực dọc. Tôi chưa kịp hỏi, thì vợ tôi hất hàm nói :

- Thì chú cứ hỏi anh chú thì biết!

Chú Cừ nhìn tôi hỏi :

- Năm trước, họp hội cựu chiến binh có người tố cáo tên Quang tự sát thương để đảo ngũ có đúng không?

Tôi ngạc nhiên nói:

- Tôi cũng họp hôm ấy, có thấy ai nói gì đâu nhỉ?

Chú Cừ khoát tay, gằn giọng:

 

- Ấy là người ta xì xào ở ngoài. Mà ông Hải nói, chính bác là người có thể làm chứng, vì nghe đâu tay Quang còn yêu cầu bác làm chuyện đó mà. Có người nghe thấy nói lại cho ông Hải biết.

 Rồi chú Cừ kết luận:

- Đúng là cháy nhà mới ra mặt chuột. Tham nhũng bao nhiêu năm. Giờ mới tòi ra.

Tôi sững người nhưng cố trấn tĩnh nói :

- Thôi mọi chuyện đã hơn 30 năm rồi, ai còn nhớ gì nữa. Mà chỉ nghe nói đi nói lại làm sao mà đúng được. Nhưng mà mọi người nhắc lại chuyện đó làm gì cơ chứ?

Chú Cừ rít lên :

- Nếu anh vạch mặt nó ra từ trước thì đâu đến nỗi hắn lừa đảo mọi người mấy chục năm nay. Lúc nào cũng tỏ ra liêm khiết nhưng thực ra lại ngấm ngầm chia chác quyền lợi với nhau. Thảo nào lắm tiền đến thế. Buôn đồ cổ cơ mà.

Tôi nghĩ ngợi thắc mắc :

- Nhưng ở xã làm gì lắm khoản mà chia nhau nhiều đến thế nhỉ?

Lúc này, kể cả vợ tôi cũng tranh nhau nói với chú Cừ :

- Chứ chả nhiều à? Nhất là vài năm trước khi về hưu, hắn chả mưu mô chia chác đất của xã, hết dự án này đến dự án khác. Biết bao nhà đầu tư chả ném tiền cho hắn để giành lấy những thửa ruộng ngon nhất còn gì.

Chú Cừ lại thẫn thờ kể :

 

- Mà ức nhất là mấy thửa ruộng nhà em hắn cùng với địa chính đền bù rẻ thối ra. Mà ngay sau đó mấy thằng cha chủ đất bán lại ngay trước mũi mình. Mình tiếc đứt ruột mà chẳng kêu vào đâu được.

Tôi ngồi lặng đi và vỡ lẽ ra mọi chuyện không như mình nghĩ. Có một mạch sống khác đang cuộn chảy ở phía dưới mặt sông tưởng như phẳng lặng yên bình. Bí thư Quang là thế ư? Nào ai có thể kiểm chứng được mọi chuyện. Nhưng dù sao tôi vẫn chưa thể tin được giờ đây Quang lại để tiền đi buôn đồ cổ. Nghe mọi người nói nhà hắn có đến một kho đồ cổ. Bỗng nhiên tôi muốn tận mắt mình kiểm chứng chứ không chỉ nghe tin đồn. Bởi không lẽ hắn lại có một bản lĩnh ghê gớm đến thế. Ngấm ngầm chịu kham khổ mấy chục năm trời làm cán bộ xã đến như vậy. Tôi như thấy mình có duyên nợ với Quang và cũng thấy mình như có lỗi với mọi người khi không nói ra sự thật bên chiến hào năm xưa ấy. Nghĩ vậy, sáng hôm sau tôi đến nhà Quang. Quả lần này, khi đứng trước cổng nhà Quang tôi mới thấy choáng ngợp vì từ trước ít có việc đi qua nên chỉ nghĩ ngôi nhà to, nhưng không có cảm giác gì rõ rệt. Lúc này, tôi lại có suy nghĩ khác hẳn và bỗng dưng tim tôi đập mạnh hơn, vì lẽ gì không rõ. Tôi bấm chuông lần thứ nhất. Rồi lần thứ hai. Sau một lát không thấy động tĩnh gì. Tôi bấm chuông lần thứ ba. Có tiếng chó và tiếng chân người đi ra. Một cô gái kéo miếng sắt, ló mặt hỏi :

- Bác gặp ai?

 

- Tôi xin gặp ông Quang

- Bác có hẹn chưa đấy?

Tôi lặng đi rồi nói :

- Tôi chưa hẹn, tôi là người cùng làng tên là Hợi,
cô nói hộ...

Ngay lập tức cô gái sẵng giọng nói:

- Người nào và ở đâu cũng phải hẹn trước nhé!

Nói rồi cô gái đi vào nhà. Con chó cứ nhảy lên sủa làm như tôi vừa lấy một thứ gì đó. Tôi cố gọi với :

- Này cô ơi! Cho tôi...

Lúc này thì đến con chó cũng đi vào không thèm sủa nữa. Tôi nghĩ đi nghĩ lại không lẽ mình mất công mà không được việc gì, bèn lại bấm chuông thật dài. Lúc này tiếng chó sủa to hơn và tiếng dép loẹt quẹt nghe nặng trịch đi ra. Tôi hy vọng gặp Quang và chuẩn bị những câu chuyện tào lao như ngày xưa để thăm dò, thì có tiếng đàn bà vang lên, cũng vẫn ánh mắt nhìn qua ô sắt nhỏ :

- Ai là người làng đấy, có việc gì vậy?

- Tôi đây, Hợi đây! Hợi thôn 6 cuối làng.

- Hợi nào? Sao tôi không biết nhỉ? Ông quen ông Quang nhà tôi à?

- Vâng!

- Ông đến có việc gì? Ông Quang nhà tôi có hẹn không?

- Dạ tôi chưa kịp hẹn.

 

- Nhà tôi đang tiếp khách nhá. Nếu không hẹn trước ông về kẻo lỡ việc.

Vừa nói xong, bà ta bỏ ô cửa sập xuống rồi đi vào. Tôi định cố gọi thêm nhưng con chó lần này không theo chủ vào mà cứ nhảy chồm lên cửa sắt mà sủa. Tiếng chó sủa to đến inh tai nhức óc. Thế là tôi đành quay đi. Sự kiểm chứng của tôi đến đó là dừng. Rồi tôi lại nghĩ, việc quái gì đến mình. Mà biết để làm gì? Vô nghĩa. Sự day dứt trong tôi cũng nguôi dần. Tôi tặc lưỡi, kệ cái sự đời.

Thế thôi! Mọi chuyện bị lãng quên theo thời gian. Và nếu, trước đây xã tôi nổi tiếng có ông bí thư Quang, trong sạch mẫu mực thì nay lại lừng danh có một Quang đại gia, Quang đồ cổ, thế thôi! Cái sự trớ trêu ấy chẳng có gì lạ, nếu không có sự kiện hết sức bất ngờ đó là: Quang đồ cổ lập quỹ từ thiện. Đầu năm rồi, hắn đã ghi danh mình về việc làm nhà tình thương cho gia đình cụ Thơm ở thôn 5. Nghe nói, hôm cắt băng khánh thành hầu hết cán bộ xã đều đến chúc mừng, vị - nguyên bí thư Quang đầy nhân ái. Và ai cũng hứa sẽ làm tốt mọi việc và phát huy tinh thần nguyên bí thư Quang đã chỉ đạo. Tôi nghe thấy cũng cho là bình thường. Giờ hắn có tiền hắn làm gì chả được. Nhưng đến khi mọi người đồn thổi hắn sẽ cấp tiền xây lại trụ sở của Hội cựu chiến binh xã to hơn thì tôi lại thấy nghẹn ngào khó chịu trong lòng. Không lẽ hắn còn muối mặt làm thế và không nhớ lại hành vi tự bắn vào chân của mình năm nào. Hơn nữa hắn biết chắc là tôi, là hội phó, cũng sẽ có mặt hôm khánh thành trụ sở. Tôi nghĩ chắc hắn không thể quên tội lỗi của mình. Nhưng hắn đã làm thật. Trụ sở cũ bị đập đi và dựng lên một trụ sở mới khang trang, đẹp đẽ, còn có một bàn thờ để thắp hương tưởng niệm những người con của làng đã hy sinh, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Rồi không hiểu số trời run rủi thế nào, trước ngày khánh thành vài hôm tôi cùng hội trưởng cựu chiến binh lên nghiệm thu công trình. Tất nhiên khi ấy có cả Quang. Biết sao được, vì xã đứng ra tổ chức và nhận tiền từ tay Quang nộp cho chủ công trình. Và tất nhiên phải có một bia đá mà Quang đã cho khắc từ trước ghi tên mình gắn ngay ở cổng. Sau khi vờ như tay bắt mặt mừng, lúc này tôi mới ngắm rõ gương mặt của Quang sau bao năm không gặp. Đôi mắt của hắn có thâm trầm và lạnh lùng hơn. Cái mũi khoằm vẫn như ngày nào nhưng nhọn hơn. Còn cái môi thâm sì vẫn mím lại mỗi khi nói, nghe cứ rin rít, rin rít. Gặp tôi hắn cố mở to miệng làm tôi bỗng nhớ lại giây phút ở chiến trường năm ấy. Hắn lí nhí thảm thiết bên tai tôi rằng: Bắn tao đi! Bắn tao đi. Ấy thế rồi, Pằng! Hắn tự bắn chân mình. Một tiếng thét. Hình ảnh hắn quằn quại, đau đớn bên miệng hào lại hiện lên. Tôi rùng mình khi hắn chìa tay ra bắt tay tôi với nụ cười mỉm và tiếng cười lục khục trong miệng. Hắn nói :

- Khỏe chứ? Khỏe chứ? Lâu quá không gặp!

Miệng hắn cứ mím lại khi cười khi nói với mọi người. Tôi đứng như chôn chân ở bên gốc cây bàng, còn trơ lõi tươi, mà luyến tiếc vì hắn đã cho chặt đi bởi mỗi lý do là cây bàng lắm sâu. Hắn không biết rằng, cây bàng đó mọi người đã trồng nó hơn ba chục năm để làm bóng mát cho trụ sở. Tôi thẫn thờ chẳng biết nên nói gì nữa. Nhưng hắn lại sán đến vờ băn khoăn :

- Năm ngoái, có lần bác đến không tiếp được tôi cứ ân hận mãi.

- Thì ra ông cũng biết tôi đến?

Hắn nhún vai thanh minh :

- Thời buổi làm ăn mà. Thời gian bây giờ là vàng  bạc. Hồi còn làm bí thư mình bao giờ cũng phải nói với anh em và đồng chí rằng, phải tận dụng thời gian để làm việc cho dân.

Tôi nghe mà nghẹn tới tận cổ. Chả lẽ lại bỏ đi, nhưng cứ nhìn thấy miệng hắn mím lại trong khi nói mà thấy ghê sợ. Cũng lạ, hắn ngậm miệng thế mà lời nói vẫn rành rọt, với ngữ điệu rất lạ. Hắn biết nhấn nhá, ngừng nghỉ và thở dài trong phân đoạn từng câu một. Tôi quyết định bước đến gần bác hội trưởng cựu chiến binh để nói cùng ký vào biên bản nghiệm thu rồi về. Tôi muốn trốn khỏi con mắt cú vọ của hắn và muốn xa lánh giọng nói rin rít của hắn, nên vội vơ cái bút, ký bên cạnh rồi đưa cho hắn. Trước khi ký cùng với phụ trách công trình hắn lại ngẩng lên nói
với tôi:

- Thôi hẹn gặp lại nhau ngày khánh thành nhỉ?

Tôi im lặng. Quang vẫn không rời khỏi tôi với ánh mắt vô cảm. Bởi vì hắn biết tôi đang giữ một bí mật về tội lỗi của hắn mà chỉ tôi và hắn biết rõ nhất. Tôi muốn thét lên để xả cơn cuồng phong đang nén trong lồng ngực mình, nó tích tụ hàng chục năm nay mỗi khi nghĩ về hắn. Tôi đi mải miết trên đường làng. Cùng lúc đó những ký ức lại sống dậy, tiếng súng và khói lửa trong cuộc chiến năm xưa bỗng hiện về như những tia chớp xé đám mây dông trên trời cao. Bất ngờ tôi đứng sững người như muốn hóa đá trên đường, bởi đâu đó có tiếng nổ vang lên, mà tôi ngờ đó là phát súng mà hắn tự bắn vào chân mình tự năm xưa dội về...

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83735


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận