Đời Ảo Chương 8

Chương 8
“Đáng lẽ ra tôi nên bỏ từ tháng trước. Đáng lẽ ra tôi không nên nhận công việc này.” Bà rời khỏi phòng với kiểu đi kỳ cục như ngựa què chạy nước kiệu nhỏ.

Tối trước buổi phỏng vấn đầu tiên ở Trion, tôi tới thăm bố. Tuần nào tôi cũng đi ít nhất một lần, thỉnh thoảng nhiều hơn, tùy xem ông có gọi và bảo tôi tới không. Ông gọi nhiều, một phần là vì ông thấy cô đơn (Mẹ tôi đã mất sáu năm trước) và một phần vì ông bị steroid làm hoang tưởng và tin rằng những người chăm sóc mình đang cố giết mình. Vì vậy mà các cuộc gọi của ông chẳng bao giờ thân thiện, chẳng bao giờ rôm rả; luôn luôn là phàn nàn, cường điệu hóa và buộc tội. Vài viên thuốc giảm đau biến mất, ông nói, và ông tin là y tá Caryn đã chôm chỉa nó. Ô xy do công ty ô xy cung cấp có chất lượng tệ hại. Y tá Rhonda cứ vấp mãi vào ống thở và giật những cái ống nhỏ, ống thông ra khỏi mũi ông, suýt thì giật đứt cả tai.

Bảo rằng khó giữ chân người chăm sóc ông là đã nói giảm nhẹ tới mức khôi hài. Hiếm khi có ai ở lại được quá vài tuần. Francis X. Cassidy là người nóng tính, đã luôn như vậy theo trí nhớ của tôi, và càng già và ốm yếu thì càng dễ nổi khùng hơn. Ông luôn hút vài bao thuốc mỗi ngày và ho khan ầm ĩ, luôn luôn bị viêm phế quản. Vì vậy không ai ngạc nhiên khi ông bị chẩn đoán mắc khí thũng. Ông còn mong gì chứ? Ông đã không sao thổi tắt nến trên bánh sinh nhật của mình nhiều năm trời rồi. Giờ bệnh khí thũng đã tới lúc mà người ta gọi là giai đoạn cuối, có nghĩa là ông có thể đi trong vài tuần, vài tháng, cũng có thể là cả mười năm. Không ai đoán trước được.

Thật không may việc lo chăm sóc ông lại tới tay tôi, đứa con duy nhất. Ông vẫn sống trong căn hộ tầng-một-cộng-tầng-hầm trong khu nhà ba tầng mà tôi đã lớn lên, và ông chưa thay đổi bất cứ điều gì kể từ khi mẹ tôi mất - vẫn cái tủ lạnh vàng hươm chẳng bao giờ chạy bình thường, vẫn cái ghế trường kỷ sệ xuống cả một bên, vẫn những tấm rèm cửa viền đăng ten đã ố vàng theo thời gian. Ông không tiết kiệm được tí tiền nào và lương hưu thì thảm hại; ông chỉ vừa đủ trả chi phí thuốc men cho mình. Điều đó có nghĩa là một phần lương của tôi phải dùng để trả tiền thuê nhà, tiền lương cho người trợ giúp y tế, gì gì nữa. Tôi chẳng bao giờ hy vọng được cảm ơn, và chưa bao giờ nhận được lời cảm ơn nào. Dù có cả triệu năm nữa thì ông cũng sẽ không hỏi xin tiền tôi. Chúng tôi giả bộ như ông ấy đang sống nhờ vào một cái quỹ ủy thác hay đại loại thế.

Khi tôi đến, ông đang ngồi trên chiếc ghế bành hiệu Barcalounger ông thích nhất trước cái ti vi to tướng, thú vui chủ yếu của ông. Nó giúp ông có cái gì đó trong thực tế để mà phàn nàn. Ống thở cắm vào mũi (giờ thì ông phải thở ô xy cả ngày), ông đang xem phim quảng cáo trên truyền hình cáp.

“Chào bố,” tôi lên tiếng.

Trong khoảng một phút, ông không nhìn lên - bị chương trình quảng cáo hút hồn, cứ như thể đó là cảnh tắm vòi sen trong phim Tâm thần hoảng loạn_(1) vậy. Ông gầy đi, dù ngực vẫn thùng phi, và đầu húi cua đã bạc trắng. Khi nhìn lên tôi, ông bảo: “Con chó cái đó định thôi, mày biết chứ?”

“Con chó cái” mà ông nói là nhân viên hỗ trợ chăm sóc y tế tại nhà mới nhất của ông, một phụ nữ tuổi chừng năm mươi người Ai len có gương mặt nhăn nhó ủ rũ và mái tóc đỏ chói tên là Maureen. Bà ta lê bước qua phòng khách, như thể chọn đúng lúc để vào - bà bị đau hông - rổ quần áo nhựa đầy nhóc áo phông trắng và quần đùi gấp gọn ghẽ, mấy thứ đồ chủ đạo trong tủ quần áo của bố tôi. Điều ngạc nhiên duy nhất trong chuyện bà nghỉ việc chỉ là bà quyết định điều đó quá lâu mà thôi. Bố tôi có cái chuông cửa không dây hiệu Radio Shack trên bàn nhỏ cạnh ghế Barcalounger, ông dùng nó để gọi Maureen bất cứ khi nào ông cần, và điều đó cũng chẳng khác gì luôn luôn. Bình ô xy của ông không hoạt động, hay mấy cái ống thông đang làm mũi ông khô khốc, hay ông cần giúp ra phòng tắm để đi tiểu. Thỉnh thoảng Maureen đưa bố tôi ra ngoài “đi dạo” trên chiếc xe lăn gắn động cơ để ông có thể tuần tra quanh khu mua sắm và phàn nàn về bọn “du côn” và bắt nạt bà hơn nữa. Ông buộc tội bà tìm cách đầu độc mình. Điều đó sẽ khiến người bình thường phải hóa điên, mà Maureen thì vốn đã dễ xúc động rồi.

“Sao ông không bảo cậu ấy ông gọi tôi như thế nào?” bà nói, đặt đồ giặt xuống ghế dài.

“Ôi, vì Chúa,” ông nói, lời ngắn, câu cụt lủn, vì ông lúc nào cũng thiếu hơi. “Mày bỏ thuốc chống đông vào cà phê của tao. Tao nếm thấy rồi. Cái đó gọi là giết người già, mày thấy đó. Kiểu giết người mờ ám.”

“Nếu tôi muốn giết ông thì tôi sẽ dùng thứ tốt hơn là thuốc chống đông đấy,” bà gắt trả miếng. Giọng bà vẫn đậm chất Ai len dù đã sống ở đây ngoài hai chục năm. Ông vô cớ buộc tội người chăm sóc mình muốn giết mình. Nếu họ có làm thế thật thì ai trách họ được chứ? “Ông ta gọi tôi bằng từ - bằng từ tôi thậm chí không nhắc lại nổi.”

“Lạy Chúa chết dẫm, tao gọi mụ ta là con đĩ. Với mụ thì đó còn là từ lịch sự đấy. Mụ hành hung tao. Tao ngồi chết dí ở đây cắm đầy những cái ống hơi mắc dịch, và con chó cái này còn tát tao nữa.”

“Tôi giật điếu thuốc ra khỏi tay ông ấy,” Maureen nói. “Ông ấy định lén hút thuốc khi tôi đi xuống dưới nhà giặt đồ. Cứ như thể tôi không ngửi thấy khắp nhà ấy.” Bà nhìn tôi, một con mắt hướng ra xa. “Ông ấy không được phép hút thuốc! Tôi thậm chí không biết ông ấy giấu thuốc ở đâu - ông giấu chúng ở đâu đó, tôi biết mà!”

Bố tôi cười đắc thắng nhưng không nói gì.

“Mà sao tôi lại phải quan tâm chứ?” bà nói cay đắng. “Đây là ngày cuối cùng của tôi. Tôi hết chịu nổi rồi.”

Đám khán giả thuê trong đoạn phim quảng cáo há hốc miệng và vỗ tay nhiệt liệt.

“Làm như tao để ý ấy,” bố tôi nói. “Con mụ này chẳng làm gì cả. Nhìn đám bụi quanh chỗ này xem. Con chó cái này thì đã làm cái gì chứ?”

Maureen nhấc giỏ đồ giặt lên. “Đáng lẽ ra tôi nên bỏ từ tháng trước. Đáng lẽ ra tôi không nên nhận công việc này.” Bà rời khỏi phòng với kiểu đi kỳ cục như ngựa què chạy nước kiệu nhỏ.

“Đáng lẽ ra tao nên đuổi cổ mụ ngay lúc trông thấy,” bố tôi lầm bầm. “Tao biết là mụ cùng một giuộc với bọn giết người già mà.” Ông mím môi lại mà thở như thể đang hít vào bằng ống hút.

Tôi không biết giờ mình sẽ làm gì. Ông không thể ở một mình được - ông không thể vào phòng tắm mà không có người giúp. Ông cự tuyệt tới nhà an dưỡng; bảo rằng thà tự tử còn hơn.

Tôi đặt tay mình lên tay trái ông, bàn tay với ngón tay trỏ được nối với một máy hiển thị sáng đỏ, tôi nghĩ nó được gọi là máy đo ô xy dạng xung. Con số điện tử trên màn hình báo 88%. Tôi nói, “Chúng ta sẽ kiếm được ai đó, đừng lo bố ạ.”

Ông nhấc tay lên, hất tay tôi ra. “Mà mụ là loại y tá quái quỷ nào vậy?” ông nói. “Mụ không thèm quan tâm tới ai cả.” Rồi ông ho một tràng dài, khạc nhổ vào cái khăn mùi xoa vo viên lôi ra từ đâu đó trên ghế. “Tao không hiểu vì cái quái gì mà mày không chuyển lại về đây. Mày có cái mẹ gì để làm chứ? Mày chỉ có cái công việc chẳng đi đến đâu cả.”

Tôi lắc đầu và nhẹ nhàng nói, “Con không thể, bố ạ. Con còn phải trả nợ hồi sinh viên.” Tôi không muốn nói là cũng phải có người kiếm tiền để trả cho những người hỗ trợ luôn luôn đòi nghỉ việc.

“Học đại học tốt quá đấy nhỉ,” ông nói. “Tất cả chỉ là lãng phí tiền. Bỏ thời gian đi chè chén với đám bạn mày, lẽ ra tao không cần phải tốn hai mươi nghìn đô mỗi năm chỉ để mày chảy thây ra đấy. Cái đó thì mày làm ở đây cũng được.”

Tôi cười để ông biết là tôi không thấy khó chịu. Tôi không biết có phải do steroid, dòng prednisone ông uống để giữ khí quản luôn mở mà ông thành người khó chịu như vậy không, hay đó vốn là bản chất tự nhiên. “Mẹ mày, mong bà ấy yên nghỉ, mẹ mày chiều mày hư rồi. Biến mày thành thằng ẻo lả béo phị.” Ông hớp vào một ít không khí. “Mày đang lãng phí cuộc đời đấy. Mẹ, lúc chết tiệt nào thì mày mới kiếm được việc cho ra việc chứ hả?”

Bố rất giỏi đánh trúng đích. Một cơn khó chịu tràn qua tôi. Không thể nào coi những lời ông nói là nghiêm túc được, bạn sẽ phát rồ mất. Ông có tính khí nóng nảy như một con chó canh gác ở bãi phế liệu. Tôi luôn nghĩ sự tức giận của ông như bệnh dại - ông không kiểm soát được, vì vậy mà không thể trách ông. Ông chưa bao giờ kiểm soát được cơn giận của mình. Khi tôi còn là thằng nhóc, quá nhỏ không đỡ lại được, chỉ cần bị chọc tức một chút thôi là ông có thể tháo phắt thắt lưng da mà dần tôi nhừ tử. Ngay khi vừa đánh xong, ông luôn luôn lẩm bẩm, “Xem mày bắt tao phải làm gì này?”

“Con đang giải quyết chuyện đó,” tôi nói.

“Họ ngửi được mùi kẻ thua cuộc cách cả dặm, biết không.”

“Bố nói ai?”

“Các công ty ấy. Chẳng ai muốn một kẻ thua cuộc. Ai cũng muốn có được người chiến thắng. Mày đi lấy cho tao một chai cô ca đi?”

Đó là câu cửa miệng của ông, nó bắt nguồn từ những ngày ông còn làm huấn luyện viên - rằng tôi là “kẻ thua cuộc”, rằng chỉ thắng cuộc mới có ý nghĩa, rằng về nhì cũng là thua. Đã từng có lúc kiểu nói đó làm tôi tức tối. Nhưng giờ thì tôi đã quen; tôi thậm chí bỏ ngoài tai.

Tôi vào bếp, nghĩ xem giờ chúng tôi sẽ làm gì. Bố tôi cần trợ giúp cả ngày, chuyện đó không có gì bàn cãi. Nhưng sẽ không cơ sở nào gửi bất cứ ai tới nữa. Lúc đầu chúng tôi có y tá thực sự từ bệnh viện, họ làm ca ngoài giờ để kiếm tiền. Khi ông đã hành hạ hết lượt bọn họ, chúng tôi cố xoay xở tìm được một loạt những người chỉ vừa vặn đủ điều kiện vì đã qua khóa huấn luyện hai tuần để lấy chứng chỉ hỗ trợ y tá. Rồi thì nhận bất cứ ma nào chúng tôi tìm được qua quảng cáo trên báo.

Maureen đã sắp xếp cái tủ lạnh hiệu Kenmore màu vàng hươm gọn tới mức cứ như nó thuộc về một phòng thí nghiệm của chính phủ. Dãy lon cô ca đứng thẳng hàng, lon này sau lon kia trên cái giá bằng dây kim loại mà bà đã điều chỉnh cao vừa tầm. Thậm chí cốc trong tủ cũng sáng loáng thay vì đục và cáu bẩn như thường lệ. Tôi lấy đá đầy hai cốc và rót mỗi cốc một lon. Tôi sẽ phải ngồi lại với Maureen, thay mặt bố xin lỗi, van vỉ và nài nỉ, mua chuộc bà ta nếu cần thiết. Ít nhất thì cũng làm bà ở lại cho tới khi tôi tìm được người thay thế. Có lẽ tôi có thể đánh vào ý thức về trách nhiệm của bà với người già, dù tôi đoán là nó đã bị xói mòn phần lớn bởi tính cáu gắt của bố tôi rồi. Thật sự thì tôi đã hết nước. Nếu làm hỏng buổi ph ỏng vấn ngày mai, tôi sẽ có tất cả thời gian trên thế giới này, nhưng tôi sẽ ở sau song sắt ở đâu đó tại Illinois. Thế sẽ chẳng thay đổi được gì.

Tôi cầm cốc bước ra, đá kêu leng keng theo mỗi bước đi. Đoạn phim quảng cáo vẫn đang tiếp tục. Mấy thứ đó đã kéo dài được bao lâu rồi? Ai mà xem chúng chứ? Nghĩa là ngoại trừ bố tôi ra.

“Bố ạ, đừng lo lắng gì cả,” tôi bảo, nhưng ông đã thiếp đi rồi.

Tôi đứng trước mặt ông vài giây, nhìn xem ông còn thở không. Ông vẫn còn thở. Cằm tì lên ngực, đầu ngoẹo một góc trông rất buồn cười. Khí ô xy tạo thành âm huýt khe khẽ. Đâu đó dưới tầng hầm, Maureen đang khua khoắng các thứ loảng xoảng, có lẽ là đang diễn tập lại lời kết của mình. Tôi đặt hai ly cô ca xuống chiếc bàn nhỏ đầy thuốc men và điều khiển từ xa.

Rồi tôi rướn người hôn lên cái trán lấm bẩn đỏ ửng của ông già. “Sẽ tìm được ai đó thôi,” tôi nói nhỏ.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t29874-doi-ao-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận