Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 2


Chương 2
Người Nga tin rằng ai có bàn tay lạnh tức là có trái tim (tâm hồn) nóng

Tôi ở trong một ngôi nhà nhỏ dựng trên vùng cồn cát. Cả một vùng ven biển Riga ngập trong tuyết. Từ những ngọn thông vòi vọi, tuyết không ngừng bay xuống như những món tóc dài và tan ra thành bụi.

Tuyết bay xuống vì gió và vì trên ngọn thông có những con sóc nhảy. Khi trời thật yên lặng, có thể nghe rõ tiếng sóc nhấm bóc vỏ quả thông.

“Ngôi nhà ở ngay bờ biển. Chỉ cần ra ngoài cửa rào và đi ít bước theo con đường nhỏ do chân người giẫm trên tuyết mà thành, ngang một biệt thự đóng im ỉm, là đã nhìn thấy biển rồi.

______________________________



1. Phiêu nham là đá lăn, không có chân ăn liền với đá gốc (thuật ngữ địa chất)

Ở những khung cửa sổ biệt thự này vẫn còn lại những bức rèm cửa từ mùa hè. Rèm lay động mỗi khi gió thổi nhẹ. Chắc gió đã lọt qua những khe hở kín đáo nào đó vào trong cái biệt thự bỏ trống ấy nhưng nếu nhìn từ xa anh sẽ tưởng có ai đó đang kéo rèm lên và cẩn thận theo dõi anh.

Biển không đóng băng. Tuyết nằm dài đến tận mép nước. Trên tuyết trông rõ những dấu chân thỏ rừng.

Khi ngoài biển có một con sóng lớn cất lên, ta không nghe thấy tiếng nó đập vào bờ mà lại nghe tiếng băng vỡ và tiếng lạo xạo của tuyết già.

Biển Bantich mùa đông hoang vắng và sầu tư.

Người Látvia gọi Bantich là “Biển hổ phách” (Dintaraiura). Có lẽ đó chẳng phải chỉ vì Bantich ném lên bờ nhiều hổ phách mà còn vì nước biển hơi nhuốm sắc vàng của hổ phách.

Suốt ngày chân trời nặng những tầng u ám. Đường nét những bờ biển thấp biến đi trong cái u ám ấy. Chỉ ở đôi nơi có có những giải trắng rũ rượi sà xuống trên mặt biển: ở đó tuyết đang rơi.

Đôi khi, những con ngỗng trời năm nay bay về quá sớm, hạ cánh xuống nước và kêu ầm ĩ. Tiếng kêu hoảng hốt của chúng bay đi rất xa trên bờ biển nhưng không có tiếng trả lời: mùa đông trong những khu rừng ven biển hầu như không còn chim chóc.

Ban ngày trong ngôi nhà tôi ở cuộc sống quen thuộc vẫn tiếp diễn. Củi nổ tí tách trong những lò sưởi ốp gạch men sặc sỡ, máy chữ đập rào rào, chị phục vụ ít lời Lilia ngồi trong gian phòng đợi ấm cúng và làm ren. Mọi cái đều bình thường và giản dị.

Nhưng tối đến thì bóng đêm đen kịt lại vây chặt ngôi nhà. Những cây thông nhích sát lại gần và khi ta bỏ gian phòng rực ánh đèn bước ra ngoài, ta sẽ ngập trong một cảm giác hoàn toàn cô độc khi chỉ có mình đối diện với mùa đông, biển cả và đêm tối.

Biển lùi ra hàng trăm dặm về phía xa có màu chì xám. Không có lấy một ánh lửa trên mặt nước. Và không có lấy một tiếng sóng vỗ.

Ngôi nhà nhỏ bé giống như ngọn hải đăng cuối cùng bên bờ vực thẳm vô tận của sương mù. Đất đến đây là hết. Vì thế ta phải ngạc nhiên khi thấy ánh sáng đèn vẫn bình thản sáng trong nhà, máy thu thanh vẫn hát, những tấm thảm mềm mại nuốt mất tiếng bước đi và trên bàn có những cuốn sách để ngỏ và những tập bản thảo.

Đằng kia, về phía tây, hướng Venxpinx, sau bức màn tối là một thôn chài nhỏ bé. Một thôn chài bình thường với những tấm lưới phơi trong gió, với những ngôi nhà lè tè và những làn khói là là bay ra từ những ống khói, những thuyền máy màu đen đã được lôi lên bãi cát và những con chó cả tin, lông xù rã rượi.

Những người đánh cá Látvia đã sống hàng trăm năm trong cái thôn chài ấy. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Những cô gái tóc sáng với cặp mắt e thẹn và giọng nói như hát đã trở thành những bà lão da xạm nắng gió, già lọm khọm quấn mình trong những tấm khăn nặng nề. Những chàng trai hồng hào diện những chiếc mũ kêpi đỏm dáng đã trở thành những ông già râu ria tua tủa với cặp mắt trầm tĩnh.

Cũng như hàng trăm năm về trước, những người dân chài ra khơi đánh cá trích. Và cũng như hàng trăm năm về trước, không phải tất cả những người trong bọn họ đều trở về. Nhất là về mùa thu, khi Bantika gầm thét trong phong ba và sủi lên bọt sóng lạnh giá như trong vạc dầu của quỷ sứ.

Nhưng dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, dù đã bao lần phải ngả mũ khi nghe tin các bạn chài thiệt mạng người ta vẫn cứ phải tiếp tục công việc của mình, cái công việc nguy hiểm và nhọc nhằn của cha ông để lại. Không thể lùi bước trước biển cả.

Ngoài biển, gần thôn chài, có một tảng phiêu nham lớn. Trên đó, đã lâu lắm rồi, những người dân chài khắc một hàng chữ “Để tưởng niệm những ai đã bỏ mình trên biển và sẽ bỏ mình trên biển cả”. Từ xa đã có thể trông rõ hàng chữ ấy.

Khi tôi được biết hàng chữ ấy, tôi cảm thấy nó cũng buồn thảm như hết thảy các mộ chí. Nhưng anh bạn nhà văn Latvia, đã kể cho tôi nghe về tảng đá đó, không đồng tình với tôi. Anh nói:

- Trái lại. Đó là một hàng chữ rất dũng cảm. Nó nói rằng con người không bao giờ được hàng phục và bất chấp tất cả, sẽ vẫn cứ làm công việc của mình. Tôi muốn đặt hàng chữ ấy như một đề từ cho bất cứ cuốn sách nào nói về lao động và chí kiên nhẫn của con người. Đối với tôi hàng chữ ấy có ý nghĩa đại khái như thế này: “Để tưởng niệm những ai đã thắng và sẽ thắng biển này”.

Tôi đồng ý với anh bạn và nghĩ rằng cái đề từ ấy có lẽ thích hợp cả với cuốn sách bàn về lao động nhà văn.

Nhà văn không thể hàng phục, dù chỉ trong giây lát, trước những dập vùi và không thể lùi bước trước những trở ngại. Dù thế nào chăng nữa, nhà văn vẫn cứ phải không ngừng làm công việc của mình, công việc do những bậc tiền bối để lại và được người đương thời ủy thác. Chẳng thế mà Xantưkốp Sêđrin đã nói rằng nếu như văn học chỉ im tiếng trong một phút thôi, thì điều đó cũng sẽ chẳng kém gì cái chết của cả một dân tộc.

Nghề văn không phải là một nghề thủ công và cũng không phải là một thứ công việc. Nghề văn là sứ mệnh. Đi sâu vào một số từ, vào tận âm hưởng của chúng, ta tìm thấy cái nghĩa đầu tiên của chúng. Từ sứ mệnh có nguồn gốc với từ “tiếng gọi”(1).

______________________________

1. Dịch theo nghĩa gốc từ zov (tiếng gọi) và prizvanie (sứ mệnh, thiên chức)

Không có ai kêu gọi con người đi làm việc vặt. Người ta chỉ kêu gọi con người đi làm tròn bổn phận và thực hiện những nhiệm vụ khó khăn.

Vậy thì cái gì thôi thúc nhà văn đến với cái lao động tuyệt mỹ nhưng đôi khi cay cực kia?

Trước tiên là tiếng gọi của trái tim mình. Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép một nhà văn chân chính sống trên trái đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt cho người khác một cách hào phóng nhất tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm tràn ngập trong chính tâm hồn nhà văn.

Nếu anh không làm cho nhãn quan của con người tinh tường thêm, dù chỉ là một chút, anh không phải là nhà văn.

Con người trở thành nhà văn không phải chỉ do tiếng gọi của trái tim. Chúng ta nghe thấy tiếng gọi của trái tim nhiều hơn hết vào lúc thiếu thời, khi chưa có gì lấn át và đập tan cái thế giới tình cảm tươi mát của chúng ta.

Nhưng rồi tuổi trưởng thành đến và ngoài tiếng gọi của trái tim ta, ta còn nghe rành rọt một tiếng gọi mạnh mẽ khác tiếng gọi của thời đại ta đang sống và của nhân dân ta, của nhân loại.

Theo lệnh truyền của sứ mệnh, do sự thôi thúc tự bản thân con người có thể làm nên những điều kỳ diệu và có thể chịu đựng những thử thách gay go nhất.

Số mệnh của nhà văn Hà Lan Eđua Đekke(1) là một trong những dẫn chứng về điều nói trên. Ông ký tên dưới biệt hiệu “Muntatuli”. Theo tiếng la tinh tên đó có nghĩa là “Người chịu nhiều đau khổ”.

______________________________

1. Edouard Douzes Dekker, biệt hiệu là Multatuli (1820-1887)

Có thể là chính ở đây, trên bờ biển Bantich u tối, tôi đã nghĩ đến Đekke bởi vì cũng một biển phương Bắc nhợt nhạt như thế bao quanh tổ quốc Hà Lan của ông. Ông đau đớn và hổ thẹn nói về đất nước mình: “Tôi là con của Hà Lan, đứa con của xứ sở những tên ăn cướp nằm giữa Frixlanđia và Ecôtxơ”.

Nhưng, tất nhiên, Hà Lan chẳng phải đất nước của những tên ăn cướp văn minh. Chúng là số ít và không phải chúng đại diện cho nhân dân. Đó là đất nước của những con người yêu lao động, con cháu của những “gơrơ”(1) dũng mãnh và Tin Ulans-pigen(2). Đến nay “nấm tro tàn của Klaaxơ(3) vẫn lên tiếng” trong tim rất nhiều người Hà Lan. Nó cũng lên tiếng trong trái tim của Muntatuli.

Xuất thân trong một gia đình thủy thủ, Mutatuli được bổ làm công chức trên đảo Giava và sau một thời gian ngắn thậm chí đã đạt được chức công sứ của một trong những tỉnh trên đảo này. Trước mắt ông là chức trọng, quyền cao, lợi lộc, giàu sang, có thể cả ghế phó vương nữa chứ, nhưng... “nắm tro tàn của Klaaxơ lên tiếng trong tim ông” và Muntatuli đã coi khinh những bổng lộc đó.

Với tấm lòng dũng cảm và kiên gan hiếm có, ông định phá từ trong phá ra cái thực tế đã kéo dài hàng thế kỷ: sự nô dịch của chính quyền Hà Lan và bọn lái buôn đối với người dân Giava.

Lúc nào ông cũng đứng ra bảo vệ người Giava và không cho ai làm nhục họ. Ông thẳng tay trừng trị bọn ăn hối lộ. Ông giễu cợt phó vương và những cận thần của ông ta - tất nhiên họ đều là những kẻ ngoan đạo và ông giải thích những hành động của mình bằng thuyết bác ái của chúa Giêsu. Chúng không thể phản đối ông điều gì. Nhưng chúng có thể khử ông.

______________________________

1. 2. 3. Nhân vật trong các truyện dân gian Hà Lan

Khi cuộc khởi nghĩa của nhân dân Giava bùng nổ, Muntatuli đã đứng ngay về phía quân khởi nghĩa, vì rằng “nắm tro tàn của Klaaxơ vẫn tiếp tục lên tiếng trong tim ông”. Ông viết về những người Giava, về những đứa trẻ cả tin ấy với một tình yêu làm ta phải cảm động và viết về đồng bào mình với cả lòng căm giận.

Ông bóc trần cái mưu mẹo bỉ ổi trong chiến đấu của bọn tướng lĩnh Hà Lan.

Người Giava rất sạch sẽ và không chịu nổi nhơ bẩn. Lợi dụng đức tính ấy của họ, người Hà Lan tính kế cho mình.

Họ ra lệnh cho quân lính trong lúc giáp chiến ném phân vào người Giava. Và người Giava không hề run sợ khi đương đầu với lửa đạn vũ bão của quân thù đã không chịu đựng nổi lối đánh nhau như vậy và phải tháo lui.

Muntatuli bị cách chức đưa về châu Âu.

Trong mấy năm liền ông đòi quốc hội Hà Lan trả lại lẽ công bằng cho người Giava. Đi đâu ông cũng nói tới chuyện đó. Ông viết kiến nghị gửi cho các bộ trưởng, cho nhà vua.

Nhưng vô ích. Người ta nghe ông một cách miễn cưỡng và vội vã cho qua chuyện. Chẳng bao lâu sau họ tuyên bố rằng ông là một con người kỳ quặc nguy hiểm, thậm chí là người điên. Ông không tìm đâu được việc làm, gia đình ông đói khổ.

Lúc ấy, theo tiếng gọi của trái tim, nói một cách khác là nghe theo cái sứ mệnh vốn vẫn sống trong lòng ông, tuy trước đó chưa rõ rệt, Muntatuli bắt đầu viết. Ông viết một cuốn tiểu thuyết vạch trần bộ mặt thật người Hà Lan trên đảo Giava, cuốn “Mác Havela hay là những tên lái buôn cà phê”. Nhưng đó chỉ là lần thử bút đầu tiên. Trong cuốn đó hình như ông mới chỉ sờ mó tới mảnh đất nghệ thuật văn chương còn chưa vững chãi đối với ông.

Nhưng bù vào đó, cuốn sách tiếp sau: “Những bức thư tình” lại được viết bằng một sức mạnh kinh khủng. Lòng tin mãnh liệt vào lẽ phải của mình đã cho ông sức mạnh đó.

Từng chương trong cuốn sách lúc thì như tiếng kêu cay đắng của con người hai tay ôm lấy đầu khi phải chứng kiến cảnh bất công quái đản, lúc thì giống những bài ngụ ngôn đả kích sắc sảo và sâu cay, lúc thì như những lời vỗ về nhẹ nhàng, đượm màu hài hước buồn rượi nhằm an ủi người thân, lúc thì giống như niềm mong ước cuối cùng làm sống lại niềm tin của tuổi thơ ngây.

“Không có Trời, mà nếu có thì thời phải tốt - Muntatuli viết - Biết đến bao giờ người ta mới thôi ăn trộm của kẻ ăn mày!

Ông rời Hà Lan với hy vọng kiếm kế sinh nhai ở phương xa. Vợ con ông ở lại Amxtecđam. Ông không có lấy một xu thừa để đưa vợ con đi cùng.

Con người hay giễu cợt, bị coi là cái gai trong xã hội đứng đắn và bị ngược đãi ấy đi hành khất qua các thành phố châu Âu và viết, viết không ngừng. Ông không nhận được thư vợ vì bà cũng chẳng có cả đến tiền mua tem.

Ông nhớ vợ, nhớ con, nhất là thằng út có đôi mắt xanh. Ông lo thằng bé sẽ không còn biết mỉm cười tin cậy với mọi người và ông cầu xin người lớn đừng bắt nó phải nhỏ những giọt nước mắt trước tuổi.

Không ai muốn xuất bản sách của Muntatuli.

Nhưng cuối cùng thì cuốn sách cũng được in. Một nhà xuất bản lớn của Hà Lan bằng lòng mua mua bản thảo của ông nhưng với điều kiện là ông không được phép cho xuất bản ở bất cứ nơi nào khác.

Muntatuli mệt mỏi rã rời đành phải nhận lời. Ông trở về tổ quốc. Người ta thậm chí còn cho ông một ít tiền. Nhưng họ mua bản thảo của ông chỉ cốt để tước vũ khí của ông. Bản thảo được in ra với một số lượng rất ít và bán đắt đến nỗi chẳng khác gì chúng bị tiêu hủy. Bọn lái buôn và chính quyền Hà Lan không thể ăn ngon ngủ yên khi cái thùng thuốc súng kia chưa ở trong tay chúng.

Chưa được thấy lẽ công bằng thì Mutatuli đã qua đời. Mà lẽ ra ông còn có thể viết nhiều cuốn tuyệt hay nữa, những cuốn sách, như người ta thường nói, được viết không phải bằng mực mà bằng máu của trái tim.

Ông đã đấu tranh hết sức mình và đã hi sinh. Nhưng ông đã “thắng biển cả”. Và rất có thể, trong một ngày gần đây, trên đảo Giava độc lập, ở Giacácta người ta sẽ dựng tượng con người đau khổ đã vì người quên mình kia.

Đó là cuộc đời của con người đã hợp hai sứ mệnh vĩ đại lại làm một.

*

* *

Muntatuli có một bạn đồng nghiệp cũng trung thành hết mực đối với sự nghiệp của mình như ông; một người Hà Lan cùng thời với ông: họa sĩ Vinxent Van Gốc(1).

Khó mà tìm được một tấm gương sáng về đức hi sinh vì nghệ thuật như cuộc đời của Van Gốc. Ông mơ ước thành lập ở Pháp một “liên minh huynh đệ các họa sĩ” - một thứ công xã, trong đó các họa sĩ có thể dốc toàn tâm toàn lực vào việc phụng sự hội họa.

Van Gốc đau khổ rất nhiều. Ông đã rơi xuống tận đáy vực

______________________________

1. Vincent Van Gogh, họa sĩ Hà Lan (1853-1890).

tuyệt vọng của con người trong bức “Những người ăn khoai” và “Giờ đi dạo của tù nhân”. Ông cho rằng sự nghiệp của họa sĩ là phải dốc toàn lực và đem hết tài năng chống lại đau khổ.

Sự nghiệp của họa sĩ là sáng tạo niềm vui. Và ông đã tạo ra nó bằng những phương tiện mà ông nắm vững hơn hết: màu sắc.

Trên nền vải ông thay đổi bộ mặt của trái đất. Như thể ông đã rửa đất đai bằng một thứ nước phép và nó sáng chói lên những màu trong sáng và đậm đến nỗi mỗi gốc cây già cũng trở thành một tác phẩm điêu khắc, mỗi cánh đồng cỏ ba lá cũng biến thành ánh sáng mặt trời biểu hiện trong muôn vàn nhị hoa bình dị.

Ông lấy ý chí của mình mà hãm sự đổi thay không ngừng của màu sắc để ta có thể đi sâu vào cái đẹp của chúng.

Nhưng chẳng lẽ vì thế mà ta có thể nói rằng Van Gốc thờ ơ đối với con người? Ông đã tặng cho con người cái tốt nhất mà ông có - đó là khả năng sống trên mặt đất chói lọi muôn màu muôn sắc với những cung độ vô vùng tế nhị của chúng.

Van Gốc là một người đau khổ, kiêu hãnh và không thực tế. Ông chia sẻ với những kẻ vô gia cư mẩu bánh cuối cùng và biết rõ, bằng kinh nghiệm bản thân, thế nào là sự bất công xã hội. Ông coi khinh những thành công rẻ tiền.

Tất nhiên, Van Gốc không phải là một chiến sĩ. Chủ nghĩa anh hùng của ông nằm trong lòng tin hết sức mãnh liệt ở tương lai huy hoàng của những người lao động - dân cày và thợ, nhà thơ và bác học. Ông không thể trở thành một chiến sĩ, nhưng ông muốn đóng góp và đã đóng góp phần của mình vào kho báu của tương lai: đó là những bức tranh ca ngợi đất đai.

Trong mọi dạng của cái đẹp Van Gốc chọn một: màu sắc. Điều làm cho Van Gốc ngạc nhiên là cái thuộc tính của thiên nhiên không bao giờ sai lầm trong quan hệ tương ứng giữa các màu, muôn vàn độ chuyển tiếp của màu sắc, cái nước sơn nhiều vẻ của trái đất, luôn luôn thay đổi nhưng mùa nào cũng đẹp và ở đâu cũng đẹp như nhau.

Đã đến lúc phải lấy lại lẽ công bằng cho Van Gốc và các họa sĩ khác như Vruben, Bôrixốp, Muxatốp, Gôganh và nhiều người khác nữa.

Chúng ta cần tất cả những gì làm cho thế giới bên trong của con người xã hội xã hội chủ nghĩa thêm giàu có, tất cả những gì nâng cao đời sống tình cảm của họ. Cái chân lý đương nhiên ấy chẳng lẽ lại cần phải chứng minh?!

Nói cho đúng, chúng ta phải trở thành chủ nhân của nghệ thuật mọi thời đại và mọi nước. Chúng ta phải tống cổ ra khỏi nước ta cái bọn đạo đức giả điên cuồng chống lại cái đẹp chỉ vì nó tồn tại độc lập bên ngoài ý muốn của chúng.

Xin các bạn tha lỗi cho tôi vì những dòng tùy bút nhảy từ lĩnh vực văn học vào hội họa này. Tôi cho rằng mọi loại hình nghệ thuật đều giúp cho nhà văn hoàn thiện nghề viết của mình. Nhưng về cái đó ta sẽ có với nhau cuộc nói chuyện khác, riêng biệt.

Không thể để mất ý thức về sứ mệnh. Nó không thể thay thế bằng sự tính toán sáng suốt cũng không thể thay thế bằng kinh nghiệm văn học.

Trong quan niệm đúng đắn về sứ mệnh của nhà văn hoàn toàn không có những cái mà bọn hoài nghi rẻ tiền cố gán ép cho nó không có cái nhiệt tình giả dối, không có cái quan niệm thổi phồng của những nhà văn về vai trò đặc biệt của mình.

Prisvin hiển nhiên là người mang sứ mệnh nhà văn. Ông buộc cả cuộc đời ông vào sứ mệnh ấy. Nhưng chính ông lại là người nói ra những lời tuyệt đẹp rằng “hạnh phúc vĩ đại nhất của nhà văn là không tự coi mình như một người đặc biệt, một người cô độc, mà là một người như những người khác”.

 

 

 

Những bông hoa làm bằng vỏ bào



Khi nghĩ đến cái nghiệp văn chương tôi thường tự hỏi: nó bắt đầu từ khi nào nhỉ? Và nói chung nó khởi đầu như thế nào? Cái gì đầu tiên đã buộc ta cầm bút để không bao giờ buông ra nữa cho đến mãn đời.

Khó nhất là cái việc nhớ lại xem nó bắt đầu từ lúc nào. Chắc là cái nghiệp văn chương bao giờ cũng xuất hiện trong con người như một trạng thái tâm hồn từ rất lâu trước khi ta bắt đầu xài hết hàng chồng giấy. Nó xuất hiện từ thời niên thiếu và có thể từ lúc ta còn thơ ấu.

Trong tuổi thơ và trong thời niên thiếu, thế giới tồn tại khác hẳn lúc ta đã trưởng thành. Với tuổi thơ mặt trời nóng bỏng hơn, cỏ rậm hơn, mưa to hơn, trời tối hơn và con người nào cũng thật thú vị.

Đối với trẻ con thì bất kỳ người lớn nào cũng là một sinh vật bí ẩn, dù đó là một ông thợ mộc với bộ đồ bào sặc mùi xơ gỗ hay đó là nhà bác học biết rõ vì sao cỏ lại màu xanh.

Cảm thụ thi vị về cuộc đời, về tất cả những gì quanh ta, là tặng phẩm vĩ đại nhất mà tuổi thơ đem đến cho ta.

Nếu con người sau nhiều năm dài tỉnh táo không để vương vãi mất món quà ấy đi thì người đó sẽ là nhà văn hay nhà thơ. Nói cho cùng họ cũng chẳng khác gì nhau cho lắm.

Cảm giác về cuộc sống như một sự đổi mới không ngừng chính là cái mảnh đất màu mỡ trên đó nghệ thuật sinh hoa kết quả.

Khi còn là học sinh trung học, tất nhiên tôi cũng làm thơ. Tôi làm thơ nhiều đến nỗi chỉ trong một tháng là đã hết vèo quyển vở dày.

Những bài thơ ấy tồi, hoa mĩ và hào nhoáng, nhưng lúc đó tôi lại cho rằng chúng rất đẹp.

Bây giờ tôi đã quên những bài thơ ấy rồi. Chỉ còn nhớ lõm bõm đôi đoạn. Thí dụ như những câu này:

Hãy ngắt đi, hoa trên những nhành sa thấp

Khi mưa rơi lặng lẽ xuống đồng

Và chân trời, nơi chiều thu cháy đỏ

Những chiếc lá vàng tan tác bay đi...

Thế còn khá. Càng về sau tôi càng chất đủ mọi thứ hoa mĩ thậm chí là vô nghĩa vào trong thơ:

Và nỗi nhớ chàng Xaadi(1) lấp lánh như đá ngọc

Trên những trang tháng ngày chậm chạp trôi qua...

Tại sao nỗi nhớ lại “lấp lánh như đá ngọc” thì cả lúc ấy cũng như bây giờ tôi đều không thể giải thích nổi. Đó chẳng qua chỉ vì âm hưởng của từ lôi kéo tôi. Tôi không hề nghĩ đến nghĩa.

Tôi làm thơ về biển nhiều hơn cả. Lúc đó hầu như tôi chưa biết biển là gì.

Đó không phải là một biển nào rõ rệt, không phải Hắc Hải, không phải biển Ban Tích hay Địa Trung Hải mà là một “biển nói chung” hào nhoáng. Nó gắn lại với nhau tất cả cái phong

______________________________

1. Saadi (hoặc Sadi), nhà thơ lớn Ba Tư, tác giả “Vườn hồng” (khoảng 1184-1291).

phú của màu sắc, mọi thứ phóng đại, tất cả cái lãng mạn viển vông không có người thực, thời gian thực và không có không gian địa lý cụ thể. Lúc đó chất lãng mạn ấy bao trùm cả địa cầu trước mắt tôi như một khí quyển dày đặc.

Đó là một biển tươi vui, có sóng bạc đầu, tổ quốc của những con tàu có cánh và những người vượt biển gan dạ. Trên các bờ biển những ngọn hải đăng tỏa sáng như những viên ngọc bích. Một cuộc sông vô tư lự sục sôi trên các hải cảng. Những người phụ nữ duyên dáng tuyệt trần với nước da bánh mật bị ngòi bút tôi lôi vào cơn bão lốc của những dục vọng.

Nói cho đúng, thơ tôi theo thời gian bớt dần hào nhoáng. Cái chuộng lạ cũng bắt đầu mất dần trong thơ.

Nhưng thực thà mà nói, tuổi thơ ấu và niên thiếu không bao giờ không chuộng lạ, dù cho cái lạ đó là của những nước vùng nhiệt đới hay của thời nội chiến.

Tính chuộng lạ làm cho cuộc sống có phần phi thường, điều đó cần thiết cho bất cứ người trẻ tuổi và nhạy cảm nào.

Điđơrô(1) đã nói rất đúng rằng nghệ thuật là ở chỗ tìm ra cái phi thường trong cái bình thường và cái bình thường trong cái phi thường.

Dù sao tôi cũng không nguyền rủa thói chuộng lạ mà lúc thiếu thời tôi đã mê say.

Có ai lúc còn thơ mà không bao vây các lâu đài cổ, không chết trên những con thuyền có những cánh buồm tơi tả bên bờ eo biển Magiơlăng hay bên Tân thế giới, không cùng với Tsapaep(2) cưỡi xe ngựa gắn trung liên phóng băng băng trên những cánh đồng cỏ dại bên kia dãy núi Uran, không đi tìm những kho báu

______________________________

1. Diderot, nhà văn, nhà triết học duy vật Pháp thế kỷ 18.

2. Một nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc của hồng quân Nga, thời kỳ nội chiến.

mà Xtivenxơn(1) đã giấu rất tài tình trên một hòn đảo bí mật, không nghe tiếng cờ reo trên trận địa Bôrôđinô(2) hoặc không giúp đỡ Maogli(3) trong những rừng hoang rậm rạp xứ Inđuxtan.

Tôi thường sống ở nông thôn và hay để ý xem các trò chơi của trẻ em ở nông trang. Bao giờ chúng cũng thích thú chơi những trò lạ, vượt đại dương trên những chiếc bè (đại dương đây là một cái hố nông có cái tên chẳng lấy gì hay ho lắm là hồ “Con bê”), thích bay lên các vì sao hoặc đi tìm ra những xứ sở bí ẩn. Chẳng hạn lũ trẻ hàng xóm của tôi đã tìm ra một đất nước chưa ai biết đến giữa các đồng cỏ. Chúng đặt tên cho nó là “Lukômoriê”. Đó là một cái hồ có nhiều vũng nhỏ và đầy cây củ gấu đến nỗi chỉ ở giữa hồ mới có một chút nước lấp lánh mà thôi.

Tính chuộng lạ, tất nhiên, không phải một lúc đã mất hẳn trong ý thức của tôi. Nó còn lại rất lâu như hương thơm bền của hoa đinh hương trong vườn. Nó làm cho trong mắt tôi, cái thành phố Kiep quen thuộc thậm chí đến phát ngán của tôi thay đổi hẳn.

Ráng chiều vàng lộng lẫy trong các công viên thành phố. Chớp loang loáng trong bóng đêm bên kia sông Đnhieprơ. Tưởng như ở đó có một nước chưa ai biết đến - một đất nước đầy giông tố và ẩm thấp - tràn ngập tiếng lá chuyển động ào ào.

Mùa xuân trút xuống thành phố cơ man nào là hoa dẻ vàng nhạt với những cánh lốm đốm đỏ. Hoa nhiều đến nỗi khi trời mưa chúng rơi thành từng đống, ngăn nước mưa lại và làm một

______________________________

1. R.L.Stevenson (1850-1894), nhà văn Anh, tác giả “Đảo giấu vàng”.

2. Tên một làng ở Nga, nơi xảy ra trận đánh lớn giữa quân Nga và quân Napôlêông (1812).

3. Nhân vật trong truyện của nhà văn Anh Rudyard Kipling.

số đường phố biến thành những hồ con.

Nhưng sau cơn mưa thì bầu trời Kiep lại sáng sủa như một vòm đá trắng. Và những vần thơ bỗng dưng được nhớ lại một cách mạnh mẽ lạ thường.

Ôi sức mạnh của mùa xuân bí ẩn

Đang ngự trị với ngàn sao trên trán

Người hiền dịu trên bụi trần nhơ bẩn

Người hứa cho ta hạnh phúc vô ngần...

Thời kỳ đó gắn liền với mối tình đ 54d u say đắm của tôi. Đó là một trạng thái kỳ lạ, khi hầu như bất cứ cô gái nào cũng kiều diễm. Mỗi nét của tuổi xuân thiếu nữ thoáng hiện ở thành phố, trong vườn hoa, trên xe điện - một khóe mắt thẹn thùng như chú ý đến ta, hương thơm của mái tóc, hàm răng trắng hồng sau làn môi hé mở, bắp chân trần khi gió làm tung váy, cái chạm nhẹ với những ngón tay lạnh(1) - tất cả những cái đó nhắc tôi rằng sớm hay muộn rồi tình yêu cũng sẽ đến với tôi. Tôi tin chắc như thế. Tôi muốn nghĩ như thế và tôi đã nghĩ như thế.

Cứ mỗi lần gặp gỡ như vậy là trong tôi lại dậy lên một nỗi buồn khó hiểu.

Phần lớn tuổi trẻ nghèo túng và thực ra rất cay đắng của tôi đã qua đi trong những vần thơ và trong niềm xao xuyến mơ hồ.

Sau đó tôi bỏ không làm thơ nữa. Tôi hiểu rằng đó chỉ là cái hào nhoáng bề ngoài, là những bông hoa làm bằng vỏ bào nhuộm khéo, một thứ vàng mạ.

Thay vào thơ tôi viết truyện ngắn đầu tiên. Nó có lịch sử của nó. Tôi sẽ kể trong chương sau, lịch sử truyện ngắn này.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86331


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận