Chương 4 Tia chớp Ý sáng tác nảy ra như thế nào?
Hầu như không bao giờ có hai ý sáng tác lại nảy ra và phát triển giống nhau. Rõ ràng là không thể trả lời câu hỏi “ý sáng tác nảy ra như thế nào” một cách chung chung mà phải liên hệ với từng truyện ngắn, từng tiểu thuyết hay từng truyện dài riêng biệt.
Dễ hơn là trả lời câu hỏi “Muốn có ý sáng tác xuất hiện cần có những gì?” hay nói một cách khô khan hơn, “để có ý sáng tác phát sinh cần có những điều kiện gì?”. Sự xuất hiện của nó bao giờ cũng được chuẩn bị trước bởi trạng thái nội tâm của nhà văn.
Giải thích sự xuất hiện của ý sáng tác tốt nhất là bằng cách so sánh. Đôi khi cách so sánh cho ta cái sáng rõ kỳ lạ trong cả những điều phức tạp nhất.
Người ta hỏi nhà thiên văn Ginxơ rằng tuổi quả đất là bao nhiêu, Ginxơ trả lời:
- Các bạn hãy tưởng tượng một ngọn núi khổng lồ, thí dụ như ngọn Enbrux ở Kapkazơ chẳng hạn. Và hãy hình dung một con chim sẻ độc nhất, nhỏ bé, chỉ có mỗi việc nhảy nhót và mổ khóet ngọn núi đó. Như thế, nếu con chim sẻ ấy muốn khóet cho đến chân quả núi thì phải mất một số năm bằng số tuổi của quả đất.
Cách so sánh có thể cho ta hiểu sự xuất hiện của ý sáng tác đơn giản hơn nhiều.
Ý sáng tác là một tia chớp. Điện khí trong nhiều ngày tích tụ lại mỗi lúc một nhiều thêm bên trên mặt đất. Khi bầu không khí đầy ứ điện thì những mảng mây trắng sẽ biến thành những đám mây giông khủng khiếp và những đám mây ấy, từ trong lượng điện dày đặc phát sinh một tia lửa đầu tiên - đó là tia chớp.
Mưa rào đổ xuống mặt đất hầu như ngay lập tức sau khi có tia chớp đó.
Ý sáng tác cũng như tia chớp nọ, nảy ra trong ý thức của con người khi nó đã tràn đầy những ý nghĩ, những cảm xúc và những dấu vết ghi trong trí nhớ. Tất cả những cái đó được tích tụ dần dần, chậm chạp cho tới khi đạt tới mức căng thẳng, khiến sự phóng điện trở nên không tránh khỏi. Lúc đó cả thế giới bị nén chặt và còn hơi hỗn loạn ấy phóng ra một tia chớp, đó là ý sáng tác.
Muốn cho ý sáng tác, cũng như tia chớp, phát sinh thường cần có một kích thích rất nhỏ.
Ai biết được đó sẽ là cái gì? Một cuộc gặp gỡ bất ngờ, một từ chợt đến trong tâm hồn, giấc mộng, một giọng nói xa xa, ánh mặt trời trong giọt nước hay một tiếng còi tàu thủy.
Mọi cái đang tồn tại quanh ta, ở chính trong ta đều có thể là cái kích thích đó.
Lep Tônxtôi trông thấy một cây ngưu bàng bị gẫy và một tia chớp chợt lóe lên: ý sáng tác cuốn truyện dài tuyệt tác về Khatgi Murát đã xuất hiện.
Nhưng nếu như Tônxtôi không được ở Kapkazơ, không được biết, không được nghe người ta kể chuỵên Khatgi Murát thì tất nhiên cây ngưu bàng kia chẳng gợi được ý đó trong ông. Trong nội tâm, Tônxtôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho đề tài ấy và chỉ vì vậy mà cây ngưu bàng đã cho ông cái liên tưởng cần thiết.
Nếu như tia chớp là ý sáng tác thì chính cơn mưa rào là sự thể hiện ý đó? Đó là những dòng nước đầy hình tượng và từ ngữ chảy nhịp nhàng. Đó là tác phẩm.
Nhưng khác với tia chớp chói lòa, ý sáng tác đầu tiên không được rõ rệt.
“Vậy là qua tấm kính nhiệm mầu ta vẫn chưa thấy rõ chân trời của cuốn tiểu thuyết.
Nó chỉ chiếm lĩnh dần dần, dần dần chiếm lĩnh khối óc và trái tim của nhà văn, dần dần được suy nghĩ kỹ hơn và trở nên phức tạp hơn. Nhưng cái gọi là sự “thai nghén” ý sáng tác hoàn toàn không như những người ngây thơ tưởng tượng. Nó không thể hiện ở chỗ nhà văn ngồi, hai tay ôm lấy đầu, hoặc đi lang thang, cô độc và kỳ quái, vừa đi vừa lẩm bẩm thành tiếng những ý nghĩ của mình.
Hoàn toàn không phải như thế! Ý sáng tác kết tinh lại, phong phú thêm mãi, từng giờ, từng ngày, mọi lúc và mọi nơi, trong mọi sự tình cờ, mọi công việc, mọi niềm vui và mọi nỗi đau khổ trong “cuộc sống trôi nhanh” của chúng ta.
Muốn nung nấu ý sáng tác cho chín, nhà văn không bao giờ được tách khỏi đời sống và đắm đuối trong thế giới nội tâm. Ngược lại do sự cọ sát thường xuyên với thực tại, ý sáng tác sẽ nở hoa và cứ mọng như nhựa sống của trái đất.
Nói chung có rất nhiều định kiến và ý nghĩ sai lầm về công việc của nhà văn. Một số trong những định kiến và ý nghĩ đó làm cho ta phải tuyệt vọng kêu trời vì tính dung tục của chúng.
Bị dung tục hóa nhiều nhất là cảm hứng của nhà văn.
Bọn dốt nát bao giờ cũng tưởng tượng cảm hứng đó như là đôi mắt của nhà thơ trợn trừng phút say mê, cái nhìn ngước lên hay chiếc bút lông ngỗng bị nhà văn cắn cụt.
Chắc nhiều người còn nhớ cuốn phim “Nhà thơ và hoàng đế”. Trong cuốn phim đó Puskin mơ mộng ngước mắt nhìn lên rồi hối hả vớ lấy cây bút, bắt đầu viết, ngừng lại, lại nhìn lên, gặm cây bút lông ngỗng rồi lại viết vội vã.
Biết bao nhiêu hình tượng Puskin mà chúng ta đã thấy, trong đó ông giống như một cuồng sĩ phấn hứng.
Trong một cuộc triển lãm nghệ thuật, tôi đã được nghe một câu chuyện thú vị bên cạnh bức tượng Puskin với bộ tóc ngắn uốn cong và cái nhìn “thần hứng”. Một cô bé nhỏ tuổi nhìn ông Puskin nọ rồi chau mày hỏi mẹ:
- Má ơi, ông ta đang mơ một cái ước mơ phải không má!
- Phải đấy, bé cưng ạ, bác Puskin đang mơ một cái ước mơ.
Người mẹ dịu dàng trả lời.
Bác Puskin đang “mơ ước một cái ước mơ”! Chính cái bác Puskin, người đã nói về mình như thế nào: “Rồi nhân dân sẽ còn mến tôi mãi mãi vì tôi đã dùng thơ đánh thức những tình cảm tốt lành, vì trong thế kỷ tàn khốc của chúng ta tôi ngợi ca tự do và tình thương kẻ khốn cùng!”.
Và nếu như cái cảm hứng “thần thánh” đã “bao trùm” (cứ phải là “thần thánh” và cứ phải là “bao trùm” kia) lên nhà soạn nhạc thì ông ta ắt phải ngước mắt lên, điều khiển một cách uyển chuyển - và điều khiển cho bản thân mình thưởng thức những - nét nhạc mê hồn chắc chắn lúc đó đang vang vang trong tâm hồn ông hệt như bức tượng Tsaikôpski(1) ngọt sớt ở Matxcơva.
Puskin nói về cảm hứng một cách chính xác và đơn giản:
______________________________
1. Nhà soạn nhạc Nga, thế kỷ 19.
“Cảm hứng là trạng thái tâm hồn thích hợp cho sự tiếp nhận một cách sinh động những ấn tượng, do đó, cho sự lĩnh hội một cách nhanh chóng những ý niệm tức là những cái tạo điều kiện cho việc giải thích những ấn tượng nói trên”. Ông nói thêm: “Những nhà phê bình thường hay lẫn lộn cảm hứng với niềm hứng khởi”. Cũng như người đọc đôi khi lẫn lộn cái thật với cái giống thật.
Như thế cũng còn chưa tai hại lắm. Nhưng khi một số họa sĩ và nhà điêu khắc lẫn lộn cảm hứng với “niềm phấn khởi của con bê(1)” thì thật đó là cả một sự dốt nát và không biết tôn trọng cái lao động nặng nhọc của nhà văn..
Tsaikốpxki quả quyết “rằng cảm hứng là trạng thái của con người mang hết sức mình ra làm việc như trâu(2) chứ không phải là chỉ ve vẩy một cách õng ẹo”.
Xin các bạn tha lỗi cho vì những dòng tùy bút này của tôi, nhưng tất cả những điều tôi nói trên hoàn toàn không phải là chuyện vặt. Đó là dấu hiệu cho chúng ta biết rằng vẫn còn những kẻ tầm thường và thiển cận.
Người nào cũng vậy, dù chỉ một đôi lần trong đời mình, nhưng thế nào cũng đã trải qua trạng thái cảm hứng: đó là sự cao hứng của tâm hồn, sự thoải mái, sự tiếp nhận hiện thực một cách sinh động, khi trong người tràn đầy ý nghĩ và tri thức về sức mạnh sáng tạo của mình.
Vâng, cảm hứng chính là trạng thái lao động nghiêm túc, nhưng nó có màu sắc thơ riêng biệt của nó, tôi muốn nói cái ẩn ý thơ của nó.
Cảm hứng đi vào tâm hồn chúng ta như một buổi sáng mùa
______________________________
1. Một thành ngữ trong tiếng Nga chỉ sự khoái trá ngây ngô thậm chí ngu xuẩn.
2. Nguyên văn: một con bò đực thiến.
hạ rực rỡ vừa mới rũ khỏi thân mình sương mù của một đêm êm ả, nhưng vẫn còn lại những hạt sương sớm với những bụi cây ẩm ướt. Nó nhẹ nhàng thổi cái tươi mát tốt lành của nó vào mặt chúng ta.
Cảm hứng giống như mối tình đầu, khi tim ta rộn ràng cảm thấy trước những cuộc gặp gỡ ly kỳ, đôi mắt đẹp tuyệt trần, những nụ cười và những câu hỏi ngập ngừng dang dở...
Lúc đó thế giới bên trong của chúng ta trở nên tinh tế và chuẩn xác như một cây đàn kỳ diệu, đáp lại mọi âm thanh của cuộc đời kể cả những tiếng động thầm kín nhất, khó nhận thấy nhất.
Nhiều nhà thơ và nhà văn đã viết những dòng tuyệt diệu về cảm hứng. “Chỉ có lời thần mới động đến tai tinh” (Puskin). “Mối lo âu trong tâm hồn ta chỉ dịu đi lúc đó” (Lermôntốp). Âm thanh đến, và tâm hồn ngoan ngoãn nghe theo tiếng gọi của âm thanh dần dần trẻ lại (Blốc), Fet nói rất chính xác về cảm hứng:
Chỉ đẩy nhẹ thôi thuyền kia đã xuống
Khỏi bãi cát vàng nước triều san phẳng
Một đợt sóng - và thuyền đi xứ khác
Đón gió lành từ những bờ hoa
Một tiếng động thôi - thế là
Giấc mộng buồn bỗng nhiên đứt quãng
Và bất thần hồn ta tận hưởng
Một cái gì thân yêu ta chưa hề biết
Cho cuộc đời - một tiếng thở dài
Cho những đau khổ thầm kín - một niềm vui
Và rồi phút xuất thần của người
Ta cảm thấy là của ta...
Tuốcghênhiep gọi cảm hứng là “Trời đến gần ta” là sự thần khởi của con người nhờ ý nghĩ và tình cảm. Ông sợ hãi nói đến cái dằn vặt ghê gớm quá sức tưởng tượng đối với nhà văn khi nhà văn bắt đầu biến sự thần khởi ấy thành những từ.
Tônxtôi nói về cảm hứng một cách giản dị hơn hết thảy: “Cảm hứng chính là sự bất thần chợt thấy rõ điều ta có thể thực hiện. Cảm hứng càng rõ ràng thì việc thực hiện cảm hứng lại càng cần phải cần cù”.
Nhưng dù ta có định nghĩa cảm hứng là cái gì đi nữa thì ta cũng vẫn biết rằng nó bao giờ cũng màu mỡ và không được phép mất đi vô ích nếu nó chưa tự hiến dâng nó - cảm hứng - cho con người.