Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 5


Chương 5
Nhân vật nổi loạn

Ngày trước, khi dọn nhà, đôi khi người ta cũng thuê tù nhân nhà lao địa phương làm công việc chuyển đồ.

Bọn trẻ chúng tôi bao giờ cũng chờ đợi sự xuất hiện của những người tù ấy với lòng thương và nỗi tò mò nôn nóng.

Bọn cai ngục để ria mép với những khẩu súng lục to tướng kiểu “Bunđốc” đeo bên sườn giải họ đi. Chúng tôi nhìn chằm chằm những con người mang áo tù xám, đầu đội những chiếc mũ xám nhỏ tròn xoay. Nhưng không hiểu sao chúng tôi lại ngắm nghía người tù bị những dây xích nhỏ kêu xoang xoảng buộc ngang người như những chiếc dây lưng kia với một niềm kính trọng đặc biệt.



Tất cả những cái đó thật là bí ẩn. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn cả là hầu hết những người tù nọ chỉ là những con người bình thường, mệt mỏi đến rã rời và tốt bụng đến nỗi không sao có thể tin được rằng họ là những người độc ác và có tội. Ngược lại, họ không những chỉ lễ phép mà còn phải nói là lịch thiệp nữa. Họ sợ nhất là lỡ va phải ai khi di chuyển những đồ vật cồng kềnh hoặc làm gẫy, vỡ vật gì.

Bọn trẻ chúng tôi được người lớn đồng tình đã nghĩ ra một kế hoạch láu cá. Mẹ chúng tôi đưa bọn cai ngục vào bếp uống trà trong khi đó thì chúng tôi vội vã nhét vào túi những người tù bánh mỳ, xúc xích, đường, thuốc lá và đôi khi cả tiền nữa. Bố mẹ chúng tôi cho chúng tôi những thứ đó.

Chúng tôi tưởng tượng ra đấy là một công việc nguy hiểm và vui mừng đến tột độ khi những người tù vừa thì thào cảm ơn vừa nhấm nháy chỉ về phía bếp. Họ giấu quà biếu của chúng tôi vào những túi bí mật ở trong người.

Thỉnh thoảng những người tù lén lút đưa thư cho chúng tôi. Chúng tôi dán tem rồi ầm ĩ kèo nhau đi bỏ vào thùng. Trước khi bỏ vào, chúng tôi còn nhìn quanh xem gần đấy có viên xếp bốt hoặc tên đội xếp nào không? Cứ như là họ có thể biết chúng tôi gửi những bức thư gì.

Trong đám tù nhân tôi nhớ một người có bộ râu bạc. Họ gọi ông là trưởng toán.

Ông ta coi sóc việc chuyển đồ. Đồ đạc, đặc biệt là tủ áo và đàn dương cầm thường cứ mắc kẹt giữa cửa, xoay trở lại rất khó; đôi khi không tài nào đặt nổi chúng vào chỗ mới đã đã dành riêng cho chúng dù những người tù có vật vã với chúng đến mấy. Đồ đạc chống cự họ ra mặt. Trong những trường hợp như vậy, trưởng toán thường nhận việc khuân một cái tủ nào đó mà nói:

- Hãy để nó vào chỗ mà nó muốn. Cưỡng ép nó làm gì! Tôi đã năm năm nay làm cái việc chuyển đồ này, tính nết đồ đạc thế nào, tôi biết. Nếu đồ nó chẳng muốn đứng ở đây thì anh có ấn mấy nó cũng chẳng chịu. Gãy thì gãy chứ nó chẳng chịu.

Khi nghĩ đến những đề cương sáng tác của nhà văn và hành vi của các nhân vật trong văn học tôi chợt nhớ đến câu nói cửa miệng của người tù già nọ... Trong cách xử sự của đồ đạc và nhân vật kia có một cái gì đó giống nhau. Nhân vật thường thường thay đổi chống lại tác giả và bao giờ cũng chiếm phần thắng. Nhưng chuyện đó hãy để sau.

Tất nhiên, hầu hết nhà văn đều có đề cương cho những sáng tác sẽ viết của mình. Một số nhà văn làm những đề cương tỉ mỉ và chính xác. Nhiều nhà văn làm rất đại khái. Nhưng cũng có một số nhà văn chỉ vạch đề cương vẻn vẹn có vài chữ như thể chúng chẳng có liên quan gì với nhau.

Chỉ có nhà văn có tài xuất khẩu thành chương mới có thể viết mà không cần có một đề cương dựng từ trước. Trong các nhà văn Nga, Puskin rất tài về mặt này, còn trong đám các nhà văn hiện đại của chúng ta thì có Alêcxây Tônxtôi.

Tôi dám nghĩ rằng nhà văn thiên tài có thể viết mà không cần đến một đề cương nào cả. Thiên tài vốn đã giàu có tự bên trong đến nỗi bất cứ một đề tài, một ý nghĩ, một trường hợp hay một vật nào cũng gợi lên trong nhà văn một dòng liên tưởng vô tận.

Tsêkhốp khi còn trẻ, bảo Makarenkô:

- Đây này, trên bàn anh có cái gạt tàn thuốc lá. Nếu anh muốn, tôi sẽ viết ngay lập tức một truyện ngắn về nó.

Và tất nhiên, ông có thể viết thừa đi được.

Ta có thể tưởng tượng một người nhặt được một tờ giấy bạc một rúp đã nhàu nát ở giữa phố, bắt đầu cuốn tiểu thuyết của mình từ tờ bạc một rúp ấy, bắt đầu như đùa thôi, một cách nhẹ nhàng và đơn giản. Nhưng ngay sau đó, cuốn tiểu thuyết đã phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng, dần dần đầy thêm người, sự việc, ánh sáng, màu sắc và bắt đầu trôi chảy một cách mạnh mẽ và phóng khoáng, bị trí tưởng tượng dồn đuổi nó đòi hỏi nhà văn mỗi lúc một nhiều thêm những vật hiến tế cho nó buộc nhà văn phải nộp cho nó những dự trữ quý giá về hình tượng và ngôn ngữ.

Và như thế là trong câu chuyện bắt đầu bằng cái ngẫu nhiên những ý mới nảy ra, nảy ra cả cái số mệnh phức tạp của những con người. Và nhà văn đã không còn đủ sức nén nổi xúc động của chính mình. Nhà văn sẽ khóc trên chồng bản thảo của chính mình như Đikkenx, rền rĩ vì đau đớn như Flobe hay cười phá lên như Gôgôn.

Cũng như vậy, ở vùng núi, một tiếng động nhỏ bé, một tiếng nổ súng săn thôi, cũng đủ làm từng đợt tuyết lấp lánh chợt sụp xuống trên sườn núi dựng đứng. Rồi ngay đấy, tuyết sẽ biến thành một con sông tuyết rộng, lao nhanh xuống dưới và chỉ sau vài phút thôi là cả một núi tuyết đã ầm ầm đổ xuống thung lũng làm cho không khí tràn đầy một thứ bụi óng ánh.

Nhiều nhà văn đã viết về sự dễ dàng xuất hiện trạng huống sáng tác ở những con người thiên tài mà lại có thêm cả tài xuất khẩu thành chương.

Baratưnxki, người biết rất rõ Puskin sáng tác như thế nào, đã nói về ông:

Chàng Puskin kia trẻ trung bay bướm

Với tay chàng viết nghịch cũng thành thơ,

Tôi đã nói rằng có một số đề cương chỉ là một mớ từ.

Đây là một thí dụ nhỏ. Tôi có một truyện ngắn Tuyết. Trước khi viết, tôi ghi ra một tờ giấy và từ những ghi chép đó, truyện ngắn ra đời. Những ghi chép đó có hình thù như thế nào?

“Cuốn sách về phương Bắc đã bị bỏ quên. Màu căn bản của phương Bắc là màu giấy thiếc. Hơi nước trên mặt sông. Những người đàn bà rũ quần áo ở những lỗ băng thủng. Khói. Những chữ đề trên quả chuông nhỏ ở nhà bà Alêchxanđra Ivanốpna “Ta treo người trên cửa - hãy kêu ròn cho vui”, “Và quả chuông nho nhỏ, quà tặng của Vanđai, nó treo nơi cổ ngựa, một điệu buồn bi ai”. Người ta gọi chúng là quả chuông ấy, là “quà-của-Vanđai”. Chiến tranh. Tanhia. Nàng ở đâu, trong cái tỉnh lị xa vắng nào? Một mình. Trăng mờ khuất sau mây - cái miền xa lơ xa lắc. Cuộc đời nén chặt trong vòng ánh sáng nhỏ bé của ánh sáng đèn. Suốt đêm có cái gì kêu u u trong tường. Những cành cây nhỏ cào mặt kính. Chúng tôi rất ít khi ra khỏi nhà vào cái giờ lặng lẽ nhất của đêm đông... Cái đó cần phải kiểm tra lại. Cô đơn và chờ đợi. Con mèo già bất mãn. Không sao chiều nổi nó. Hình như mọi vật đều rõ - cả những cây nến hình xoáy ốc (nến dầu ô-liu) trên chiếc đàn dương cầm, ngoài ra hiện nay chẳng còn có gì khác. Nàng tìm một căn nhà có dương cầm (nữ ca sĩ). Tản cư? Câu chuyện về sự chờ đợi. Nhà người. Cổ, nhưng ấm áp cách riêng, những cây vạn niên thanh, mùi thuốc lá cũ miền Xtămbôn hoặc Menxakxuđi. Ông lão đã sống và đã qua đời. Cái bàn viết bằng gỗ chà là với những vết vàng trên tấm dạ xanh phủ trên. Đứa con gái nhỏ. Đứa bé bị hắt hủi. U già. Tạm thời không còn ai thêm nữa. Người ta nói rằng tình yêu có sức hút vượt đường xa.

Có thể viết truyện ngắn chỉ riêng về nỗi chờ đợi. Chờ gì? Chờ ai? Nàng không biết nữa. Cái đó làm tim nàng vỡ ra. Trên những ngã năm ngã bảy của hàng trăm con đường, những con người ngẫu nhiên gặp nhau, không hề biết rằng cả cuộc sống đã qua của họ là sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy. Thuyết xác suất. áp dụng vào tâm hồn người. Đối với lũ ngốc thì mọi sự đều đơn giản. Cả nước chìm trong tuyết. Tất phải xuất hiện một con người. Thư ai gửi cho người đã chết? Chúng xếp thành chồng trên bàn. Chìa khóa là ở đó. Thư gì? Trong thư viết những gì? Anh bộ đội hải quân. Người con trai. Nỗi lo sợ anh bộ đội sẽ đến. Chờ đợi. Lòng tốt của nàng không có giới hạn. Những bức thư biến thành sự thực. Lại những cây nến hình xoáy ốc. Trong một tính chất khác. Những bản nhạc. Cái khăn mặt với những chiếc lá sồi. Cây đàn phong cầm. Khói bạch dương. Người lên dây đàn, người Tiệp nào cũng chơi nhạc cừ. Khăn quấn đến tận mắt. Rõ cả rồi!”.

Đó là cái mà ta có thể gọi một cách hết sức gượng ép là đề cương của truyện ngắn nói trên. Nếu chỉ đọc bản ghi chép này mà không biết gì về truyện ngắn ta cũng có thể thấy nó là sự mò mẫm chậm chạp, không rõ ràng, nhưng kiên trì để tìm đề tài và cốt truyện.

Vậy thì cái gì thường xảy đến với những đề cương chính xác đã được suy nghĩ, được kiểm tra chu đáo nhất của nhà văn. Nói tình thật, cuộc sống của những đề cương ấy phần lớn là ngắn ngủi.

Trong tác phẩm mới bắt đầu viết, cứ vừa xuất hiện những con người và những con người đó vừa mới bắt đầu hoạt động theo ý của tác giả thì họ cũng lại bắt đầu chống lại đề cương sáng tác và bước vào cuộc vật lộn với nó. Tác phẩm bắt đầu phát triển theo cái lôgích nội tại của mình. Tất nhiên, động lực đầu tiên của nó là do nhà văn tạo ra. Nhân vật hoạt động theo cá tính của mình, không đếm xỉa gì đến việc nhà văn là người sáng tạo ra những cá tính đó.

Nếu như nhà văn buộc các nhân vật hoạt động ngược với cái lôgích nội tại đã nảy ra, nếu nhà văn dùng sức nhét nhân vật vào trong khuôn khổ của đề cương thì nhân vật bắt đầu chết dần, biến thành những công thức biết đi, những người máy.

Lép Tônxtôi đã diễn tả ý đó một cách hết sức đơn giản.

Có một người đến thăm Iaxnaia Pôliana(1) đã trách Tônxtôi đã quá tàn nhẫn với Anna Karênina khi bắt nàng lao vào gầm xe lửa.

Tônxtôi mỉm cười và trả lời:

- Ý kiến đó gợi tôi nghĩ đến một trường hợp đã xảy ra với

______________________________

1. Nơi ở và làm việc của Lép Tônxtôi

Puskin. Có lần ông nói chuyện với bạn: “Anh có thể tưởng tượng được cái cô Tachiana đã xỏ tôi một vố như thế nào không? Cô ấy đi lấy chồng. Chuyện đó thực tôi không thể nào ngờ là có thể xảy ra được với cô ấy”. Tôi cũng có thể nói hệt như vậy trong trường hợp của Anna Karênina. Nói chung đám nhân vật của tôi, cả nam lẫn nữ, họ làm những chuyện mà tôi chẳng muốn tí nào. Họ làm những gì mà họ phải làm trong cuộc sống thực sự và thường xảy ra trong cuộc sống thực, chứ không làm những gì tôi muốn.

Tất cả các nhà văn đều biết rõ cái ngang ngạnh của nhân vật. Alêchxây Tônxtôi nói: “Trong lúc công việc đang sôi nổi nhất tôi không hề biết năm phút sau nhân vật sẽ nói gì. Tôi theo dõi nó với cả một sự ngạc nhiên.”

Có khi nhân vật phụ lấn át các nhân vật khác, tự biến thành nhân vật chính, làm đảo lộn cả trình tự câu chuyện và kéo nó đi theo mình.

Tác phẩm chỉ bắt đầu sống thực sự một cách hết sức mạnh mẽ trong ý thức của nhà văn trong lúc nhà văn viết nó ra. Cho nên sự đổ vỡ của đề cương chẳng có gì là lạ, và cũng chẳng có gì bi đát.

Ngược lại, cái đó rất tự nhiên và chỉ chứng minh thêm rằng cuộc sống chân chính đã xông vào, tràn đầy giản đồ sáng tác, mở rộng nó ra, dùng áp lực sinh động của mình bẻ gãy cái khuôn khổ đầu tiên của nhà văn.

Cái đó hoàn toàn không làm hỏng đề cương, không hề đưa vai trò của nhà văn đến chỗ chỉ làm cái việc ghi chép tất cả những gì mà cuộc đời nhắc cho. Bởi vì chính đời sống của những hình tượng trong tác phẩm của nhà văn chịu sự qui định của ý thức nhà văn, của trí nhớ, sức tưởng tượng, toàn bộ cơ cấu bên trong của nhà văn.

 

 



Lịch sử một truyện dài

“HỎA TINH”



Tôi sẽ cố nhớ lại xem ý sáng tác cuốn truyện dài KaraBugaz của tôi đã xảy ra như thế nào ?

Trong thời thơ ấu của tôi ở Kiep, tối nào trên ngọn đồi Vlađimir trên dòng sông Đnheprơ cũng thấy xuất hiện một ông lão đội chiếc mũ xụp vành bụi bậm. Ông lão mang theo một chiếc kính thiên lý cũ kỹ và loay hoay rất lâu để đặt nó lên một cái giá ba chân cong queo bằng sắt.

Người ta gọi ông lão là “nhà chiêm tinh” và cho rằng ông ta người Ý vì lúc nào ông cũng cố ý nói lơ lớ tiếng Nga theo lối nói của người nước ngoài.

Sau khi đặt xong kính thiên lý, ông lão nói bằng một giọng thuộc lòng, đều đều:

- Thưa các xinho và các xinhorina!(1). Ruôna giorơnô! Chỉ mất có năm kôpếch là các quý ông và quý bà sẽ được bay từ trái đất lên mặt trăng và các vì tinh tú khác. Tôi đặc biệt khuyên các vị hãy nhìn lên sao Hỏa hung dữ, ngôi sao có màu máu người. Ai bị sao Hỏa chiếu mệnh, người đó sẽ chết tươi vì đạn

______________________________

1. Thưa quý ông và quý bà! Xin chào! (tiếng Ý)

trong chiến tranh.

Một hôm tôi cùng đi với cha tôi lên đồi Vlađimir và được nhìn thấy sao Hỏa qua kính thiên lý.

Tôi nhìn thấy một cái vực thẳm đen ngòm và một quả cầu đo đỏ thản nhiên lơ lửng giữa cái vực thẳm đó mà không cần tựa vào vật gì. Trong khi tôi còn đang nhìn nó thì quả cầu bắt đầu từ từ tiến ra phía cạnh kính thiên lý và trốn vào sau vành kính bằng đồng. “Nhà chiêm tinh” khẽ quay kính thiên lý lại và lôi sao Hỏa về chỗ cũ. Nhưng nó lại bắt đầu chuyển động về phía vành kính.

- Thế nào? - cha tôi hỏi. - Con có nhìn thấy gì không?

- Có - tôi trả lời - Con còn nhìn thấy cả những con sông đào nữa kia.

Tôi biết rằng trên sao Hỏa có người - dân Hỏa tinh - và biết rằng họ đã đào, không hiểu để làm gì, những con sông thật lớn trên thiên thể của họ.

- Thôi xin anh đi! - Cha tôi nói - Đừng có bịa! Mày chẳng thấy sông đào gì hết. Chỉ có một người nhìn thấy, đó là nhà thiên văn Ý tên là Xkiapareli. Mà ông ta cũng phải nhìn bằng kính thiên lý lớn kia.

Cái tên Xkiapareli của đồng bào “nhà chiêm tinh” chẳng gây một ấn tượng gì cho ông ta.

- Con còn nhìn thấy một hành tinh nào bên cạnh sao Hỏa về phái bên trái nữa cơ - tôi nói một cách không chắc chắn. - Nhưng không hiểu tại sao nó cứ chạy lung tung trên trời.

- Hành tinh quái gì đâu! - “Nhà chiêm tinh hồn hậu kêu lên - Lại cái bụi quỷ nào rơi vào mắt cháu đấy thôi.

Ông ta tóm chặt lấy cằm tôi và khéo léo lấy ra một hạt bụi ở trong mắt.

Cái cảnh sao Hỏa làm cho tôi lạnh người, khiếp sợ. Tôi nhẹ hẳn người khi rời khỏi chiếc kính thiên lý. Và đường phố Kiép với ánh đèn mờ, tiếng lộc cộc của những chiếc xe một ngựa chở khách, mùi bụi bặm của hoa dẻ tàn đối với tôi trở thành đầm ấm và chắc chắn.

Không, hồi đó tôi không hề có ý muốn bỏ trái đất để bay lên mặt trăng hay là sao Hỏa!

- Tại sao nó lại đỏ như gạch thế hở ba? - Tôi hỏi cha tôi.

Cha tôi kể cho tôi nghe rằng sao Hỏa là một hành tinh đang hấp hối, rằng nó xưa kia cũng đẹp như trái đất của chúng ta, có biển, có những rặng núi thấp và cây cối um tùm xanh tốt. Nhưng dần sông biển khô cạn đi, cây cối chết hết, núi non sụt lở không còn vết tích gì và thế là sao Hỏa biến thành một sa mạc khổng lồ. Chắc hẳn núi ở trên sao Hỏa cấu tạo bởi đá đỏ, vì thế mà cát sao Hỏa cũng có màu đỏ nhạt.

- Thế ra sao Hỏa là một quả cầu bằng cát! - Tôi hỏi.

- Đúng, có lẽ là như thế. - Cha tôi đồng ý - Chuyện đã xảy ra với sao Hỏa sẽ xảy ra với Trái đất của chúng ta. Trái đất sẽ biến thành sa mạc. Nhưng điều đó sẽ xảy ra sau hàng triệu triệu năm nữa kia. Cho nên con chẳng việc gì mà sợ! Vả lại cuối cùng, đến lúc ấy, người ta sẽ nghĩ ra cách chấm dứt cái trò quái gở nọ.

Tôi trả lời rằng tôi không hề sợ hãi. Nhưng thực ra tôi cũng bực mình cho trái đất của chúng ta và lo thay cho nó. Hơn nữa ở nhà, anh cả tôi lại cho tôi biết thêm rằng sa mạc ngay giờ đây đã chiếm gần nửa diện tích trái đất.

Từ ngày ấy nỗi sợ hãi sa mạc ( mặc dầu tôi chưa hề trông thấy nó) cứ ám ảnh tôi. Và mặc dầu tôi thường đọc tạp chí “Vòng quanh thế giới” những truyện ngắn hấp dẫn về sa mạc Xahara, về những trận bão cát và những “con tàu sa mạc” là những con lạc đà, nhưng những cái đó vẫn không cám dỗ nổi tôi.

Chẳng bao lâu sau tôi đã được làm quen lần đầu với sa mạc. Nhưng cái đó chỉ làm cho tôi thêm sợ nó.

Cả gia đình tôi đi nghỉ hè ở quê nhà, về với ông tôi là ông Mắcxim Grigôrêvích.

Mùa hè năm ấy ấm áp và nhiều mưa. Cỏ mọc rậm rịt. Đám tầm ma bên hàng rào cao bằng đầu người. Trên đồng, lúa mạch đang trổ bông. Từ những mảnh vườn rau bên nhà xông lên mùi thìa là. Mọi cái đều báo trước một vụ mùa tốt đẹp.

Nhưng một hôm tôi đang ngồi bên cạnh ông tôi trên bờ sông câu cá bống, bỗng ông tôi đứng phắt dậy, lấy tay che nắng, chăm chú nhìn lâu sang những cánh đồng bên kia sông rồi giận dữ nhổ bọt và nói:

- Nó lại kéo đến rồi kìa, đồ quỷ! Chết tiệt cái giống đi cho rồi!

Tôi nhìn theo ông tôi, nhưng tôi không thấy gì hết ngoài một đợt sóng đục và dài. Nó tiến lại phía chúng tôi rất nhanh. Tôi tưởng sắp có giông, nhưng ông tôi bảo:

- Không phải đâu, gió nóng đấy! Cái hỏa lò khốn khiếp! Gió từ Bukhara, từ sa mạc thổi lại đấy cháu ạ. Nó sẽ đốt cháy hết! Cái tai hại đang đến với chúng ta nó thế đấy, Kôxtik ạ. Rồi còn không thở được nữa kia.

Đợt nóng hung tợn lao nhanh trên mặt đất, tiến thẳng về phía chúng tôi. Ông tôi vội vã quấn sợi dây câu dài làm bằng xơ bồ đào lại và bảo tôi:

- Chạy ngay về nhà kẻo bụi đầy mắt bây giờ. Ông sẽ lết theo cháu. Chạy đi!

Tôi chạy ngay về nhà, nhưng cơn gió nóng đã đuổi kịp tôi giữa đường. Những cơn lốc xào xạc cát lao nhanh, cuốn lông gà lông chim với những vỏ bào nhẹ lên trời. Chung quanh là cả một sự mù mịt nặng nề. Mặt trời tự dưng trở nên bù xù và đỏ như máu không khác gì sao Hỏa. Những cây liễu nghiêng ngả, rú rít. Đằng sau tôi gió thổi tới nóng đến nỗi tưởng chừng áo sơmi bắt đầu cháy âm ỉ trên lưng. Bụi lạo xạo ở răng và phả vào mắt.

Cô tôi - bà Fêôđôxia Mácximôpna - đứng trên ngưỡng cửa, tay cầm ảnh Chúa bọc trong một chiếc khăn thêu.

- Lạy Chúa tôi, hãy tha tội chúng tôi và cứu lấy chúng tôi. - Cô tôi sợ hãi lẩm nhẩm - Lạy Đức mẹ đồng trinh, xin mẹ hãy cho chúng con tai qua nạn khỏi.

Một cơn lốc xoáy ào vào nhà, quay cuồng.Những tấm kính gắn máttít không kỹ kêu loảng xoảng. Rơm ở đầu mái tranh dựng ngược lên. Từ dưới mái nhà những con sẻ bay vụt ra như thể những viên đạn màu đen.

Lúc đó cha tôi không có mặt ở đấy, Người ở lại Kiép. Mẹ tôi lo sợ ra mặt.

Tôi còn nhớ cái nóng mỗi lúc một tăng, khi đó mới thật đáng sợ hơn hết. Tưởng chỉ qua một hai tiếng đồng hồ thôi, rơm trên mái sẽ bốc cháy rồi sau đó đến tóc và quần áo trên người chúng tôi. Vì thế, tôi òa khóc.

Đến tối, lá trên những cây liễu sum suê héo quắt lại, rũ xuống như những mảnh giẻ xám. Ở chân mọi hàng rào gió dồn lại từng đống bụi đen nhờ nhờ, mịn như bột mì.

Sáng ngày ra, lá cây đã héo quắt và khô đét lại. Có thể lấy tay bóp những chiếc lá rụng vụn ra như cám. Gió thổi mạnh thêm. Nó bắt đầu vặt đi những tán lá chết bẩn thỉu kia và rất nhiều cây đã trở thành trần trụi, đen đủi như lúc cuối thu.

Ông tôi ra thăm đồng rồi trở về, vẻ mặt bối rối và thảm hại. Ông không sao thắt được cái nơ đỏ trên cổ chiếc áo sơmi vải thô; tay run run, ông nói:

- Qua đêm nay mà gió không lặng thì cứ là cháy sạch. Cả vườn cây lẫn vườn rau.

Nhưng gió không dịu đi. Nó thổi suốt hai tuần, sau đó ngừng một chút rồi lại mạnh lên. Đất biến thành tro xám ngay trước mặt.

Phụ nữ kêu khóc trong các nhà. Đàn ông buồn bã ngồi gục ở đầu hồi tránh gió. Họ lấy gậy chọc chọc xuống đất và hồi lâu lại nói:

- Đá chứ không phải là đất nữa! Chẳng khác gì thần chết tóm chặt gáy, thật không còn biết chạy đâu cho thoát.

Cha tôi từ Kiép tới và đưa chúng tôi trở về thành phố. Khi tôi hỏi cha tôi về gió nóng thì người trả lời một cách miễn cưỡng:

- Mùa màng thế là mất hết. Sa mạc đang tiến dần về Ukraina.

- Thế có làm cách nào tránh được không? - tôi hỏi.

- Không có cách gì hết. Làm thế nào mà xây được một bức tường đá dài hai nghìn dặm.

- Tại sao không? - tôi hỏi - Người Trung Hoa chả xây được Vạn lý trường thành là gì.

- Nhưng họ là người Trung Hoa; - cha tôi trả lời. - Họ là những người thợ bậc thầy.

Cùng với năm tháng những ấn tượng lúc thiếu thời tưởng đã quên đi. Nhưng, tất nhiên, nó vẫn tiếp tục sống trong đáy sâu của ký ức tôi và thỉnh thoảng lại tròi ra ngoài. Nhất là trong những lúc hạn hán. Chúng bao giờ cũng dấy lên trong lòng tôi một nỗi lo lắng khó hiểu.

Đến lúc trưởng thành thì tôi đã đem lòng yêu mến miền Trung Nga. Có thể là cái tươi mát của thiên nhiên vùng này, sự giàu có, những sông hồ trong và mát, những khu rừng ẩm ướt, những cơn mưa bụi ảm đạm đã dẫn tôi tới tình yêu ấy.

Vì thế mà khi hạn hán tràn đến vùng Trung Nga, như một mũi dao nhọn nóng đỏ đâm vào nó, thì nỗi lo lắng của tôi đã biến thành cơn giận dữ bất lực trước sa mạc.



ĐÁ VÔI KỶ ĐÊVÔN(1)



Rất nhiều thời gian đã trôi qua và sa mạc lại nhắc tôi nhớ tới nó.

Năm 1931 tôi tới thị trấn Lipnư, thuộc tỉnh Ôriôn để nghỉ hè. Lúc đó tôi đang viết cuốn tiểu thuyết đầu tay và vì thế tôi cứ muốn đến một tỉnh lỵ nhỏ bé nào đó, nơi không có ai quen biết, để có thể tập trung tư tưởng và không có ai, không có việc gì có thể cản trở tôi làm việc.

Tôi chưa đến Lipnư lần nào. Tôi thích thị trấn này vì nó sạch sẽ, vì nó có rất nhiều hoa quỳ nở, vì nó có những con đường lát bằng đá nguyên phiến và con sông “cây thông xanh”, con sông đã đục vào trong tầng đá vôi vàng kỷ Đêvôn thành một khe núi.

Tôi thuê một căn phòng ngoại ô, trong một ngôi nhà gỗ ọp ẹp. Ngôi nhà ở ngay trên một bờ vực đổ xuống sông. Đằng sau nhà là một khu vườn gần như khô héo, khu vườn kéo dài cho tới khi lẫn với những bụi cây ở bờ sông.

Ông chủ nhà đứng tuổi và rụt rè làm nghề bán báo ở quán sách ngoài ga có một bà vợ gầy còm, ủ ê và hai cô con gái: cô lớn tên là Anfixa, cô nhỏ tên là Pôlina.

Pôlina người yếu và xanh. Khi nói chuyện với tôi cô cứ bối rối hết gỡ ra lại tết vào cái bím tóc màu hạt dẻ xám. Pôlina mười bảy tuổi.

Anfixa là một thiếu nữ có thân hình cân đối trạc mười chín. Cô có bộ mặt xanh xao, đôi mắt xám cương nghị và một giọng

____________________________

1- Một loại đá vôi trong bảng phân chia địa tầng của ngành địa chất.

nói trầm trầm. Cô vận đồ đen như một cô tu kín và hầu như chẳng làm việc gì trong nhà, chỉ nằm hàng giờ ngoài vườn trên cỏ khô và đọc sách.

Trên gác xép của ông chủ ngổn ngang rất nhiều sách bị chuột gặm, phần lớn là những tác phẩm cổ điển của các nhà văn nước ngoài do nhà xuất bản Xôikin ấn hành. Tôi cũng lên gác xép để lấy những cuốn sách nọ để đọc.

Một vài lần đứng trên vườn nhìn xuống, tôi bắt gặp Anfixa trên bờ sông “Cây thông xanh”: Cô ngồi ở bên dưới bờ sông dựng đứng, gần một bụi sơn trà. Bên cạnh cô là một chú bé ốm yếu ít nói, trạc mười sáu tuổi có bộ tóc vàng và đôi mắt to, chăm chú.

Anfixa giấu giếm mang thức ăn ra bờ sông cho thằng bé. Thằng bé ăn, còn Anfixa thì dịu dàng nhìn nó và đôi khi lấy tay vuốt tóc nó.

Một lần tôi trông thấy cô ta đột nhiên lấy tay ôm mặt và toàn thân run lên vì nức nở. Thằng bé thôi không ăn nữa và sợ hãi nhìn Anfixa. Tôi lặng lẽ bỏ đi và cố không nghĩ đến Anfixa và thằng bé trong một thời gian dài.

Thế mà tôi đã ngây thơ cho rằng ở thị trấn Lipnư vắng vẻ này không ai có thể lôi tôi ra khỏi đám người và việc mà tôi sẽ viết trong cuốn tiểu thuyết của mình! Nhưng cuộc đời đã tức khắc phá tan tành những hy vọng ngây thơ của tôi. Tất nhiên, khi tôi còn chưa dò ra được chuyện gì đã xảy ra với Anfixa thì đừng có nói chi đến tập trung tư tưởng, đến yên tĩnh để làm việc.

Ngay từ trước, khi tôi nhìn thấy cô và thằng bé, nhìn đôi mắt mệt mỏi của cô tôi đã đoán rằng trong đời cô này hẳn có chuyện gì đau khổ và bí mật đây.

Đúng như vậy.

Sau đó vài hôm, đang đêm, những tràng sấm đã làm tôi thức giấc. Ở Lipnư luôn luôn có giông. Những người ở đây giải thích rằng do dưới lòng đất của thị trấn có những dải quặng sắt và những dải quặng ấy đã “hút” giông bão tới.

Đêm tối lồng lộn ngoài cửa sổ, lúc thì mở toan 7a9d g ra thành một ngọn lửa trắng ào ạt, lúc thì khép lại thành bóng tối đen kịt, đến nỗi không còn trông thấy gì nữa. Ở bên kia tường nghe rõ những giọng nói xúc động. Sau đó tôi nghe Anfixa giận dữ kêu lên:

- Ai đã nghĩ ra chuyện đó? Luật nào viết rằng tôi không được yêu người ta? Đưa đây cho tôi xem cái luật ấy? Đã đẻ tôi ra xin hãy cho tôi sống. Quân ác độc! Anh ta mỗi ngày một lụi tàn như ngọn nến. Như một ngọn nến! - Cô kêu lên và nghẹn lời.

- Thôi bà, hãy bình tâm lại nào - ông chủ nhà quát vợ bằng một giọng thiếu tin tưởng - Mặc cho con ngốc nó muốn sống thế nào tùy ý. Không thể bảo nó được đâu. Còn tiền thì dù sao tao cũng không cho mày đâu Anfixa ạ!

- Tôi không cần đến đồng tiền đáng căm ghét của các người! - Anfixa hét lên - Tự tôi sẽ làm kiếm lấy, tôi sẽ mang anh ấy đi Krưm. May chăng anh ta có thể sống thêm được năm nữa. Dù sao tôi cũng sẽ bỏ các người tôi đi. Các người sẽ mất mặt. Hãy nhớ lấy.

Tôi bắt đầu đoán xem câu chuyện gì đã xảy ra. Ở ngoài hành lang nhỏ bên kia cửa ra vào có người nào đó cũng đang khóc sụt sùi.

Tôi mở cửa và trong ánh chớp lóe lên một cách vụng trộm, tôi nhìn thấy Pôlina. Cô quấn một chiếc khăn san dài đứng gục đầu vào tường.

Tôi khẽ gọi. Một tiếng sét phá tan bầu trời, tưởng chừng nó chỉ cần giáng xuống một cái là cả ngôi nhà nhỏ bé sẽ bị nhận xuống đất đến tận mái. Pôlina sợ hãi nắm lấy tay tôi.

- Trời ơi! - Cô thì thào - Rồi cơ sự sẽ ra thế nào đây? Mà trời thì giông bão thế này.

Pôlina thì thào kể cho tôi chuyện Anfixa. Thì ra Anfixa yêu say đắm Kôlia, con trai bà quả phụ Kacpôpna. Bà Kacpôpna sống bằng nghề giặt quần áo thuê cho mọi nhà. Đó là một người đàn bà hiền lành ít nói. Còn Kôlia thì ốm yếu, nó bị lao. Anfixa thì cứng đầu cứng cổ, nóng nẩy, không ai bảo được. Cô chỉ có hoặc là làm theo ý mình, hoặc là tự tử.

Bỗng nhiên tiếng lao xao bên kia tường bặt hẳn, Pôlina chạy về phòng. Tôi đi nằm nhưng vẫn chú ý lắng nghe và mãi không ngủ được. Ở bên phòng nhà chủ vẫn yên lặng. Lúc đấy tôi mới bắt đầu thiêm thiếp ngủ. Trong cơn mơ mơ màng màng tôi nghe thấy sấm rền lười biếng và tiếng chó sủa. Rồi tôi ngủ hẳn.

Tôi ngủ chắc chỉ được một lát. Những tiếng đập cửa mạnh làm tôi thức giấc. Đó là ông chủ.

- Tai vạ cho chúng tôi! - Ông đứng ngoài cửa và nói bằng giọng hấp hối. - Xin ông bỏ qua cho việc chúng tôi làm phiền ông.

- Có chuyện gì xảy ra vậy ông?

- Con Anfixa bỏ trốn rồi.Nó mặc nguyên quần áo ngủ.Tôi đi Xlôbốtka, đến bà Kacpôpna đây: Có lẽ nó chạy đến đằng ấy. Còn ông, xin phiền ông đến với chúng tôi một lát. Nhà tôi đang bị ngất.

Tôi vội vã mặc quần áo và mang thuốc an thần cho bà lão. Pôlina gọi tôi và tôi đi ra thềm cùng với cô. Tôi không thể giải thích vì sao, nhưng tôi biết là điều bất hạnh sẽ xảy ra ngay lúc ấy.

Pôlina nói khẽ:

- Ta đi ra bờ sông đi.

- Có đèn không?

- Có.

- Đưa mau ra đây.

Pôlina mang ra một cây đèn mờ và chúng tôi trượt theo cái bờ lở trơn tuột dẫn ra sông.

Tôi tin chắc rằng Anfixa đang ở đâu đây, ngay bên cạnh chúng tôi.

- Anfixa... a...!

Bất thần Pôlina gào lên một cách tuyệt vọng và không hiểu sao tiếng gào ấy làm cho tôi sợ hãi “Cô ta kêu gào vô ích! - Tôi nghĩ - vô ích”!

Những tia chớp nháy lấp loáng bên kia sông, kiệt lực và mạnh mẽ. Sấm động xa xa. Những giọt mưa rơi sột soạt trong những bụi cây bên bờ lở.

Chúng tôi đi xuôi dòng. Ngọn đèn tỏa sáng mờ mờ. Rồi ở ngay trên đầu chúng tôi, một tia chớp đến chậm làm bầu trời sáng rực lên và trong ánh chớp tôi nhìn thấy một vật gì trăng trắng ở phía trước.

Tôi tới gần vật trắng ấy và cúi xuống. Tôi nhìn thấy chiếc áo ngoài của Anfixa và chiếc áo cánh nhỏ của cô. Đôi giày ướt sũng cũng lăn lóc ở ngay đấy.

Pôlina hét lên và chạy ngược về phía nhà mình. Tôi đi tới bến phà và đánh thức ông lái. Chúng tôi ngồi vào một chiếc thuyền gỗ và bắt đầu chèo, cứ thế bơi hết bờ này lại sang bờ kia và chăm chú nhìn xuống nước.

- Đêm thì tìm thế quái nào đước cơ chứ! Trời lại mưa thế này! - Người lái đò nói và ngáp, ông ta vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn - Xác mà chưa nổi lên thì tìm mấy cũng chẳng được. Ông ạ, cả các cô gái đẹp thần chết cũng không tha đâu.Thế đấy, ông bạn! Cô ấy cởi xống áo nghĩa là muốn chết cho được nhẹ nhàng hơn đấy. Chao ôi, cô gái!

Sáng hôm sau người ta tìm thấy Anfixa ở gần đập nước.

Nằm trong quan tài, cô vẫn đẹp khôn tả với những bím tóc tết vàng óng, nặng và ướt, với nụ cười biết lỗi trên đôi môi nhợt nhạt.

Một bà lão nào đó nói với tôi:

- Này chàng trai, anh chớ nhìn cô ấy. Chớ, anh ạ. Bởi vì cô ấy đẹp đến nỗi tim có thể vỡ ra bất thần đấy.

Nhưng tôi không thể không nhìn Anfixa. Lần đầu tiên trong đời tôi được chứng kiến tình yêu vô bờ bến của người đàn bà, cái tình yêu còn mạnh hơn cái chết. Trước lúc ấy tôi chỉ đọc về tình yêu trong những cuốn sách và không tin ở nó lắm. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nghĩ rằng phần nhiều chỉ những đàn bà Nga mới có một thứ tình yêu như thế.

Đám tang rất đông người đi đưa. Kôlia đi mãi tít đằng sau: nó sợ người nhà Anfixa. Tôi đã định đến bên nó, nhưng nó chạy vội đi, ngoặt vào một ngõ hẻm và mất hút.

Tâm hồn tôi bị đảo lộn hoàn toàn và tôi không thể nào viết thêm lấy một dòng. Buộc lòng tôi phải rời ngoại ô vào thị trấn, nói cho đúng hơn là đến ga, tới ngôi nhà mờ tối và thấp của bà bác sĩ đường sắt - bà Maria Đơmitơriepna Satxkaia.

Trước ngày Anfixa chết ít lâu, tôi có lần đi ngang vườn hoa thị trấn. Bên cạnh rạp chiếu bóng mùa hè có chừng bốn chục đứa trẻ ngồi lê trên mặt đất. Chắc là chúng đang chờ đợi gì và liến láu như một bầy chim sẻ.

Một người đàn ông tóc bạc, từ rạp chiếu bóng bước ra, chia vé cho lũ trẻ và chúng chạy ùa vào rạp, vừa chạy vừa chen lấn, chửi mắng nhau.

Căn cứ vào bộ mặt còn trẻ, người đàn ông tóc bạc nọ tuổi không quá bốn mươi. Ông ta hồn hậu nheo mắt nhìn tôi, lấy tay vẫy vẫy tôi rồi đi.

Tôi quyết định phải hỏi bọn trẻ xem con người kì dị đó là ai. Tôi vào rạp và ngồi một tiếng rưỡi đồng hồ để xem một cuốn phim cũ Bọn quỷ đỏ, nghe lũ trẻ huýt sáo, giậm chân, thở phì phò kêu í ới vì thích thú và vì sợ hãi.

Tan rạp, tôi ra cùng lũ trẻ và hỏi chúng con người tóc bạc kia là ai và vì sao ông ta lại mua vé cho chúng.

Lập tức một cuộc mít tinh của lũ trẻ lắm điều được tổ chức xung quanh tôi và rồi ít nhiều tôi đã biết về con người ấy.

Thì ra người đàn ông tóc bạc là anh của nữ bác sĩ đường sắt Maria Satxkaia. Ông này đang có bệnh, ông ấy “loạn óc”. Chính phủ Liên Xô trợ cấp cho ông ấy rất hậu. Còn vì sao ông được trợ cấp thì không ai biết. Mỗi tháng một lần, cứ vào ngày này, khi người ta đưa tiền trợ cấp đến cho ông, ông liền gọi tất cả bọn trẻ con ở khu vực ga lại và dẫn chúng đi xem phim.

Lũ trẻ bao giờ cũng biết chính xác khi nào ông được lĩnh tiền trợ cấp. Ngày hôm đó, từ sáng sớm chúng đã chen chúc nhau chung quanh nhà ông, ngồi ở cái vườn nhỏ trước ga và làm ra bộ hoàn toàn vô tình tới đó.

Đó là tất cả những gì tôi tìm hiểu được ở lũ trẻ. Tất nhiên, trừ những chi tiết vụn vặt không liên quan đến cái mà tôi cần biết. Thí dụ như lũ trẻ ở xóm thợ Ianxkaia cũng lân la xán đến với Satxki, nhưng bị bọn trẻ ở ga đả lại kịch kiệt.

Bà chủ nhà tôi, sau cái chết của Anfixa cứ nằm liệt giường luôn miệng than thở vì bệnh tim. Một hôm bà Maria Satxkaia đến thăm bệnh và tôi làm quen với bà. Đó là một người đàn bà tầm vóc cao, tính tình rất cương quyết, đeo kính trắng. Tuy đã đứng tuổi, bà vẫn giữ được dáng dấp của một nữ sinh viên đại học.

Qua bà, tôi được biết anh bà là một nhà địa chất, ông bị đau thần kinh và thực là có được hưởng trợ cấp đặc biệt vì ông đã cống hiến nhiều tác phẩm khoa học ở trong nước cũng như ở châu Âu.

- Ông chẳng nên ở đây làm gì - bà Maria nói với tôi bằng giọng của người thầy thuốc không hề quen với những lời phản đối - Mùa thu đến nơi, mưa nhiều, ở đây rồi ngập ngụa, bẩn lắm. Ở đây lại ảm đảm nữa, làm việc sao nổi. Ông cứ sang bên tôi. Ở nhà tôi chỉ có cụ bà thân sinh ra tôi, ông anh tôi và tôi. Nhà ở ga, lại có năm buồng. Anh tôi là một người lịch thiệp, anh ấy không làm phiền ông đâu.

Tôi bằng lòng và sang ở nhà bà. Thế là tôi làm quen với nhà địa chất, Vaxili Đơmitơriêvich Satxki - một trong những nhân vật tương lai của cuốn truyện dài Kara - Bugaz.

Ngôi nhà này quả yên tĩnh, có thể nói là buồn ngủ nữa. Bà Maria suốt ngày ở trong phòng khám, hoặc đi thăm bệnh nhân, bà lão thân sinh ngồi chơi bài một mình, còn nhà địa chất thì họa hoằn lắm mới ra khỏi phòng ông. Từ sáng ông đọc hết các loại báo, không sót dòng nào và hình như viết lách cái gì đó một cách vội vã cho đến tận khuya. Trong một ngày ông viết hết veo một quyển vở học sinh loại dày. Thỉnh thoảng ở cái nhà ga hiu quạnh mới vẳng lại tiếng còi của chiếc đầu tàu độc nhất đang dồn toa.

Thời gian đầu, Satxki còn lạ, sau quen dần và bắt đầu nói chuyện với tôi. Trong những câu chuyện ấy tôi hiểu được đặc tính bệnh của ông. Sáng ngày ra, khi Satxki chưa mệt mỏi thì ông là một người khỏe mạnh hoàn toàn và là người tiếp chuyện thú vị. Ông hiểu biết nhiều. Nhưng chỉ hơi mệt một chút là ông bắt đầu lảm nhảm. Nội dung căn bản của những câu nói lảm nhảm đó là một ý điên rồ nhưng nó lại phát triển một cách rất lôgích.

Bà Maria cho tôi xem những quyển vở của Satxki trong đó ông viết chi chít những từ rời rạc. Câu kệ không có. Đại khái những ghi chép đó là như thế này: “Những bộ lạc Thổ Nhĩ Kỳ, nước Đức, những Gôgen-xôlécna, sự hủy diệt của nền văn minh”, “Lipnư, sự giảo hoạt, đạo đức giả, dối trá”.

Đó là những từ chọn theo một vần chữ cái nào đó(1). Nhưng đôi khi trong đó cũng có thể tìm ra những lời kín đáo ám chỉ một ý.

Trong lúc tôi làm việc, Satxki không bao giờ làm phiền, thậm chí ở buồng bên cạnh ông cũng đi rón rén.

Lịch sử bệnh của ông đã được tả lại trong KaraBugaz. Trong thời gian đoàn địa chất của ông hoạt động ở miền Trung Á, ông bị rơi vào tay bọn batmansơ(2). Ngày nào chúng cũng mang ông và những tù binh khác đi bắn. Nhưng Satxki gặp may.Khi chúng bắn những người số năm theo thứ tự thì ông là người số ba, khi chúng bắn người thứ hai thì ông lại đứng đầu hàng. Ông còn sống nhưng phát điên. Người em gái khó khăn lắm mới tìm được ông ở Kraxnôvốtxkơ, ở đó ông sống trong một toa đen rách nát.

Ngày nào ông cũng tới bưu điện Lipnư và gửi một bức thư bảo đảm cho Hội đồng ủy viên nhân dân.Theo yêu cầu của bà Maria, người phụ trách bưu điện không gửi những bức thư ấy đi Mátxcơva mà đưa lại cho bà để bà đốt đi.

Tôi muốn biết Satxki đã viết gì trong những báo cáo đó. Ít lâu sau tôi đã được biết những điều ấy.

Có lần ông vào phòng tôi, khi tôi còn đang nằm đọc sách. Đôi giày của tôi đặt bên cạnh giường, mũi hướng ra giữa phòng.

- Ông chớ bao giờ đặt giày như thế, - Satxki giận dữ nói

______________________________

1. Loại từ đầu lấy theo chữ cái G, loại từ thứ hai lấy theo chữ cái L.

2. Bọn phiến loạn ở vùng trung Trung Á trong thời gian xảy ra câu chuyện.

- Như thế rất nguy hiểm.

- Tại sao?

- Tôi sẽ cho ông biết ngay bây giờ.

Ông bước ra và một phút sau đã mang lại cho tôi một tờ giấy.

- Ông đọc đi! - Satxki nói - Khi nào đọc xong, ông gõ vào tường. Tôi sẽ lại và nếu có điều gì chưa hiểu, tôi sẽ giải thích để ông rõ.

Ông bước ra và tôi bắt đầu đọc:

“ Gửi Hội đồng ủy viên nhân dân.

Tôi đã nhiều lần báo trước để Hội đồng ủy viên nhân dân biết mối hiểm họa có cơ làm cho nước ta diệt vong.

Ai cũng biết rằng trong những địa tầng có chứa một năng lượng vật chất rất lớn (cũng giống như than đá, dầu hỏa, đá phiến). Con người đã học cách giải phóng nguồn năng lượng đó và sử dụng nó.

Nhưng ít người biết rằng chính trong những lớp đất ấy còn dồn nén một năng lượng tinh thần của những thời đại trong đó đã hình thành những lớp đất ấy.

Thị trấn Lipnư ở trên những tầng đá vôi kỷ Đêvôn mạnh nhất ở châu Âu. Trong kỷ Đêvôn trên trái đất chỉ mới nảy sinh một ý thức mờ tối và độc ác, không có một chút dấu hiệu của nhân tính. Khối óc u mê của loài cá có giáp lúc đó chiếm ưu thế.

Năng lượng tinh thần còn phôi thai ấy đã tập trung cả ở trong những con ammônit thân mềm. Những tầng đá vôi kỷ Đêvôn chứa đầy những con ammônit đã hóa thạch ấy.

Mỗi một con ammônit là một khối óc nhỏ của thời kỳ nọ và nó chứa trong mình một năng lượng tinh thần to lớn dữ tợn.

Qua nhiều thế kỷ, may mắn thay, người ta vẫn chưa học được cách giải phóng năng lượng tinh thần của những tầng kia. Tôi nói: “may mắn thay” là vì nếu ta kéo năng lượng ấy ra khỏi trạng thái tĩnh thì nó có thể giết chết cả nền văn minh của nhân loại. Người ta khi nhiễm phải chất độc của nó sẽ biến thành những con thú tàn bạo và chỉ còn biết nghe theo những bản năng thấp hèn và mù quáng. Mà điều đó có nghĩa là sự hủy diệt của nền văn hóa.

Nhưng như tôi đã nhiều lần báo để hội đồng ủy viên nhân dân biết, bọn phát xít đã tìm ra cách thả năng lượng tinh thần kỷ Đêvôn ra và làm sống lại những con ammônit.

Chính vì những tầng Đêvôn giàu có nhất nằm ngay dưới thị trấn Lipnư của chúng ta, cho nên không phải ở một nơi nào khác mà tại đây bọn phát xít định thả năng lượng ấy ra. Nếu như chúng thực hiện được điều đó thì không thể nào ngăn ngừa nổi cái chết trước hết về mặt tinh thần rồi đến thể xác của toàn thể loài người.

Kế hoạch giải thoát tinh thần kỷ Đêvôn ở trong vùng Lipnư đã được bọn phát xít nghiên cứu rất tỉ mỉ. Nhưng cũng như mọi kế hoạch phức tạp nhất, nó cũng dễ bị phá vỡ. Chỉ cần không tính trước một chi tiết vụn vặt, thế là kế hoạch đổ vỡ.

Vì thế, bên cạnh sự cần thiết phải tức tốc dùng những binh đoàn lớn để bao vây Lipnư, phải hết sức nghiêm khắc ra lệnh cho nhân dân tỉnh này từ bỏ những thói quen (bởi vì kế hoạch của bọn phát xít chính là dựa trên nếp sống đã quen thuộc của dân chúng Lipnư) và tạo ra những thói quen ngược với điều mà bọn phát xít trông đợi. Tôi xin lấy thí dụ làm sáng tỏ điều này. Tất cả công dân thị trấn Lipnư khi đi ngủ đều đặt giày của họ bên cạnh giường, mũi trở ra ngoài. Từ nay về sau cần phải đặt mũi quay vào tường. Chính chi tiết đó có thể là cái mà kế hoạch của chúng không tính đến và vì cái chuyện thực chất là nhỏ nhặt ấy, kế hoạch sẽ bị vỡ.

Cần phải nói thêm rằng sự thẩm lậu tự nhiên (nói cho đúng, không đáng kể) của bệnh tinh thần truyền nhiễm xuất xứ từ những tầng Đêvôn ở Lipnư đã dẫn đến chỗ phong hóa của dân chúng thị trấn này thô lỗ hơn nhiều so với những thị trấn khác cùng cỡ. Có ba thị trấn nằm trên những lớp đá vôi Đêvôn là: Krômư, Lipnư và Elétxơ. Chả thế mà đã có câu tục ngữ từ xưa “Krômư là nhà kẻ cắp, Lipnư đẹp vì kẻ cắp, Elétxơ là cha kẻ cắp”.

Gián điệp của chính phủ phát xít tại thị trấn Lipnư là người chủ hiệu thuốc ở địa phương”.

Giờ thì tôi đã hiểu tại sao Sátxki đã quay mũi giày của tôi vào tường. Thêm vào đó, tôi còn cảm thấy khiếp sợ. Tôi đã hiểu hết tính chất bấp bênh của sự yên tĩnh trong gia đình Sátxki. Sự bùng nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Sau tôi nhận thấy những vụ nổ ấy xảy ra cũng chẳng hiếm gì cho lắm, nhưng mẹ Sátxki và bà Maria đã khéo giấu những người ngoài.

Tối hôm sau, khi chúng tôi đang ngồi uống trà và nói chuyện một cách bình thường về liệu pháp vi lượng đồng căn(1) thì Sátxki vớ lấy vò sữa và bình thản đổ vào ống khói ấm xamôva. Bà lão thân sinh hét lên. Bà Maria nghiêm khắc nhìn ông và nói:

- Anh làm trò gì vậy?

Sátxki cười với vẻ biết lỗi, giải thích rằng chính cái hành động man rợ đối với sữa và ấm xamôva chắc chắn là điều bọn phát xít chưa tính đến trong kế hoạch của chúng và vì thế tất nó sẽ phá vỡ kế hoạch đó và cứu vớt toàn thể nhân loại.

- Đi vào phòng!

______________________________

1. Lối trị bệnh bằng cách dùng dần dần những liều cực nhỏ của chính những chất gây ra bệnh (ND)

Vẫn bằng một giọng nghiêm khắc, bà Maria nói với ông và bà đứng dậy, giận dữ mở toang cửa sổ cho khói sữa cháy bay ra khỏi phòng.

Sátxki cúi đầu ngoan ngoãn đi về phòng mình.

Nhưng trong những “giờ tỉnh táo” Sátxki lại rất thích nói chuyện và nói rất nhiều. Lúc đó tôi mới biết ông làm việc nhiều nhất ở Trung Á và là một trong những người đầu tiên khảo sát vịnh KaraBugaz.

Ông đã đi xem hết bờ đông của vịnh. Thời gian đó công việc của ông được coi là cực kỳ nguy hiểm. Ông miêu tả những bờ biển đó, ghi vào bản đồ và tìm ra trong những ngọn núi khô cằn gần vịnh một vùng có than đá.

Sátxki cho tôi xem rất nhiều ảnh. Trông những ảnh đó mà rợn người. Chỉ có người làm công tác địa chất mới có thể chụp ảnh những ngọn núi bị cày lên bởi một mạng lưới những đường rãnh cổ quái và giống hệt như một bộ óc người để trần, hoặc ảnh một đoạn tầng hùng vĩ - bình sơn hung dữ Uxtơ Uốctơ. Nó cất mình lên như một bức tường đen thẳng đứng trên sa mạc.

Nhờ Sátxki mà lần đầu tiên tôi được biết về Kara Bugaz cái vịnh đáng sợ và bí ẩn của biển Kaxpi, về những trữ lượng mirabilit không bao giờ cạn trong biển này, về khả năng tiêu diệt sa mạc.

Sátxki căm thù sa mạc một cách ghê gớm và không biết thương hại. Chỉ có con người mới có thể căm thù như vậy. Ông gọi sa mạc là cái nhọt vỡ, là cái mụn sâu quảng, là cái ung thư đang gặm dần mặt đất, là sự đểu cáng không sao hiểu nổi của thiên nhiên.

Ông nói:

- Sa mạc chỉ biết giết hại mà thôi. Đó là thần chết. Nhân loại cần hiểu điều đó. Tất nhiên, nếu như họ chưa mất trí.

Thật lạ lùng khi nghe những lời lẽ như vậy ở miệng một người điên.

- Phải trói gô nó lại, cái sa mạc ấy, không cho nó thở, đánh liên tục, không thương tiếc, đánh cho kỳ chết. Đánh không mệt mỏi, chừng nào nó tắt thở mới thôi. Và trên xác nó, một thiên đường nhiệt đới ẩm ướt sẽ mọc lên.

Ông đánh thức lòng căm thù sa mạc đã thiếp ngủ trong tôi, cái dư âm thời niên thiếu của tôi.

Sátxki nói:

- Nếu người ta chịu bỏ ra chỉ một nửa số tiền và sinh lực vẫn dùng trong việc chém giết lẫn nhau vào công cuộc tiêu diệt sa mạc thì sa mạc từ lâu đã chẳng còn. Tất cả của cải của nhân dân và hàng triệu sinh mệnh vẫn cứ đem đổ vào chiến tranh. Cả khoa học, cả văn hóa. Cả đến thơ ca người ta cũng biết cách biến nó thành kẻ cộng sự với việc giết người hàng loạt.

- Vaxia(1)! - Từ trong phòng mình bà Maria nói lớn - Anh cứ yên tâm. Không bao giờ còn có chiến tranh nữa đâu. Không bao giờ!

- Không bao giờ ư? Nói bậy! - Bất thình lình Sátxki trả lời bà. - Không cần lâu la gì đâu, chỉ nội đêm nay thôi những con ammônit sẽ sống lại. Các người có biết ở đâu không? Ở bên cạnh cối xay gió của Ađam. Ta cùng đi chơi rồi xem xem có đúng không.

Cơn mê sảng bắt đầu. Bà Maria dẫn ông ra, cho ông uống thuốc ngủ và đặt ông vào giường.

Tôi chỉ muốn viết cho chóng xong cuốn tiểu thuyết để bắt đầu viết một cuốn mới về việc tiêu diệt sa mạc. Cái ý sáng tác còn chưa rõ của cuốn KaraBugaz đã xuất hiện như thế.

Tôi rời thị trấn Lipnư vào cuối thu. Trước khi ra đi tôi lại từ

______________________________

1. Tên Sátxki, gọi thân mật trong gia đình.

biệt những người chủ trọ cũ.

Bà lão vẫn chưa dậy được. Ông lão không có nhà. Pôlina tiễn tôi tới thị trấn.

Trời đã tối. Băng rạn vỡ trong những vết bánh xe. Những vườn cây đã rụng gần hết lá, nhưng đây đó, trên những cành táo vẫn còn lại những chiếc lá khô màu hồng. Trên nền trời đông giá những đám mây cuối cùng được ánh hoàng hôn lạnh lẽo chiếu sáng đã tắt.

Pôlina đi bên tôi và tin cậy vịn vào tay tôi. Cử chỉ đó làm tôi có cảm giác cô là một cô bé và niềm trìu mến của tôi với cô - người con gái cô độc và nhút nhát - tràn ngập tâm hồn tôi.

Nhạc trầm trầm từ trong rạp chiếu phim của thị trấn bay ra. Nhà nhà đã lên đèn. Một làn khói nhẹ như hơi nước từ ấm xamôva bốc lên trên những khu vườn. Đằng sau những cây trần trụi đã lấp lánh những vì sao.

Một nỗi xúc động khó hiểu làm lòng tôi se lại và tôi nghĩ vì đất đai tươi đẹp này, hay hơn nữa, vì một thiếu nữ như Pôlina cũng đủ để ta kêu gọi con người đấu tranh cho một cuộc sống vui tươi và có ý nghĩa. Tất cả những gì đè nén con người, làm cho con người buồn khổ, những gì làm nhỏ dù chỉ một giọt nước mắt thôi, phải nhổ sạch đến tận rễ. Cả sa mạc, cả chiến tranh, cả bất công, cả sự dối trá lẫn sự miệt thị tâm hồn người.

Pôlina đi với tôi đến tận những ngôi nhà đầu tiên của thị trấn. Ở đó tôi từ biệt cô.

Pôlina nhìn xuống dưới đất, bắt đầu gỡ bím tóc và bất thần cô nói với tôi:

- Giờ tôi sẽ đọc thật nhiều, ông ạ!

Cô ta ngước mắt lên, bối rối nhìn tôi, rồi đưa tay cho tôi và đi nhanh về nhà.

Tôi trở về Mátxcơva trên một toa ghế cứng chật ních.

Ban đêm tôi ra đầu toa hút thuốc, hạ cửa kính xuống và thò đầu ra ngoài.

Tàu hỏa phóng nhanh trên đường sắt xuyên qua những khu rừng rụng lá. Hầu như không trông rõ rừng. Nhưng có thể đoán ra sự có mặt của chúng nhờ tiếng động, cái tiếng vang vội vã xuất hiện trong những khu rừng rậm dội lại tiếng bánh xe ầm ầm. Không khí hình như bị giá lạnh đi trên tuyết, tụ thành hạt, phả vào mặt người mùi lá cóng.

Bên trên rừng, bầu trời thu nửa đêm như bốc khói bởi những vì sao sáng chói cũng phóng nhanh, không chịu thua con tàu. Mặc dầu tàu chạy nhanh ta vẫn có thể nhìn thấy dưới cầu những ánh sao phản chiếu vụt hiện ra rồi vụt biến đi trên mặt nước tối đen, không rõ là nước đầm lầy hay nước sông.

Con tàu phóng ầm ầm, rầm rĩ trong hơi nước, trong khói. Những ngọn nến cháy nốt mẩu cuối cùng, tỏa sáng trong những chiếc đèn lồng run rẩy. Bên ngoài cửa sổ, những tia lửa đỏ thẫm bay theo đường đi của tàu. Đầu máy kêu lên một cách hân hoan, say sưa vì tốc độ vùn vụt của chính nó.

Tôi tin rằng con tàu đang phóng nhanh đưa tôi đến với hạnh phúc. Ý sáng tác cuốn sách mới đã tràn ngập óc tôi. Tôi tin rằng tôi sẽ viết được cuốn sách ấy.

Tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ, hát lên những lời chẳng mạch lạc gì về đêm tối, về chuyện trên thế giới này không có nơi nào thân yêu hơn là nước Nga. Gió, giống như những bím tóc thiếu nữ xổ tung, thơm mát mơn man trên mặt tôi. Tôi muốn hôn những bím tóc ấy, làn gió ấy, mảnh đất lạnh lâu đời ấy. Nhưng tôi không làm thế được mà chỉ hát lung tung như một người điên và ngạc nhiên trước cái đẹp của bầu trời phương Đông chỉ hé lộ một màu xanh rất mực yếu ớt và dịu dàng.

Tôi ngạc nhiên trước cái kiều diễm của bầu trời phương Đông, trước ánh hào quang yếu ớt, trong trẻo của nó, cho đến khi hiểu ra rằng một bình minh mới đang ló rạng.

Tất cả những gì tôi nhìn thấy bên ngoài cửa sổ, tất cả những niềm vui hỗn độn đang lồng lộn trong ngực tôi, không hiểu bằng cách nào đã hợp lại với nhau thành một quyết định: viết, viết và viết!

Nhưng viết cái gì. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi chẳng hề bận tâm đến chuyện những ý nghĩ của tôi về vẻ kiều diễm của đất đai, cũng như ý muốn thiết tha bảo vệ cho đất khỏi bị kiệt mầu, khỏi trở nên cằn cỗi, rồi đây sẽ xoay quanh cái gì, sẽ gắn với đề tài nào như sắt bị nam châm hút.

Sau đó ít lâu những ý nghĩ đó hòa vào nhau thành ý sáng tác cuốn KaraBugaz. Chúng có thể biến thành ý sáng tác một cuốn nào khác; nhưng cuốn đó nhất thiết phải chứa đầy cái nội dung chính và những tình cảm đã choán lấy tôi lúc đó. Rõ ràng là ý sáng tác hầu như bao giờ cũng từ trong tim mà ra.

Từ đó trở đi bắt đầu một giai đoạn mới, giai đoạn mà người ta gọi là thời kỳ “thai nghén” ý sáng tác, nói cho đúng hơn là làm cho ý sáng tác có đầy đủ chất liệu thực.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86780


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận