Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 7


Chương 7
Những vết khắc trong tim

Ôi trí nhớ thảm sầu của óc

Ngươi mạnh sao bằng trí nhớ tim người

Bachiuskốp



Độc giả thường hay hỏi những người cầm bút xem họ lượm lặt tài liệu dùng để xây dựng tác phẩm bằng cách nào, lâu hay chóng. Và thường thường độc giả rất ngạc nhiên khi nghe các nhà văn trả lời rằng không có và không thể có một sự cố ý sưu tầm tài liệu nào hết.

Điều nói trên tất nhiên không liên quan tới việc nghiên cứu những tài liệu khoa học và những tài liệu bồi bổ nhận thức mà nhà văn cần đến cho cuốn sách này hay cuốn sách khác. Nó chỉ nói về việc quan sát cuộc sống sinh động.



Tài liệu về cuộc sống là tất cả những gì mà Đôtxtôixepki(1) gọi là “những chi tiết vụn vặt của cuộc sống đang chảy trôi”. Tài liệu ấy không phải là cái để mà nghiên cứu. Đơn giản là

______________________________

1. Nhà văn Nga (1822-1881)

nhà văn sống trong lòng tài liệu ấy, nếu ta có thể nói như thế, anh ta sống, đau khổ, suy nghĩ, vui sướng, tham dự vào những sự kiện lớn và nhỏ, và tất nhiên cuộc sống bao giờ cũng để lại những dấu, những vết khắc trong trí nhớ và trong tim họ.

Cần phải xóa bỏ trong đầu óc bạn đọc (và nhân thể đây cũng cần phải nói là cả trong một số nhà văn trẻ nữa, cái quan niệm nhà văn là một người lang thang đây đó, tay lúc nào cũng cầm cuốn sổ ghi, như một “nhà ghi chép” chuyên nghiệp hay một tên mật thám của cuộc đời.

Người nào buộc mình tích lũy những quan sát và loay hoay với những ghi chép của mình (“kẻo lại quên mất”) người đó, tất nhiên, sẽ vớ được hàng đống những quan sát không lựa chọn và những cái đó sẽ chẳng có sinh khí. Nói cách khác, nếu những quan sát ấy được chuyển từ cuốn sổ ghi thành văn xuôi sống động thì hầu như bao giờ chúng cũng mất đi sức biểu hiện và giống như những mẩu văn lạc loài.

Không bao giờ nên nghĩ rằng cái bụi thanh lương trà này hay cái người đánh trống kia trong dàn nhạc rồi đây tôi sẽ cần đến trong một truyện ngắn và vì thế mà tôi phải đặc biệt chú ý, có khi còn quan sát một cách hơi lên gân nữa là khác. Đó là sự quan sát, như người ta thường nói, “ theo công vụ”, thuần tuý do công việc thúc ép.

Không bao giờ nên cố nhét vào văn dù là những quan sát rất trúng đi nữa. Khi cần đến, chúng sẽ đi vào tác phẩm và đứng vào vị trí đúng là của chúng. Nhà văn thường phải sửng sốt khi thấy một chuyện xảy ra đã lâu ngày, đã bị quên bẵng hay là một chi tiết nào đó bỗng nhiên nổi bật lên trong trí nhớ của anh ta đúng vào lúc chúng cần thiết cho tác phẩm.

Một trong những yếu tố cơ bản để viết văn là trí nhớ tốt.

Có lẽ những ý nghĩ trên đây sẽ sáng tỏ hơn nếu tôi kể các bạn nghe chuyện tôi viết truyện ngắn Bức điện như thế nào.

*

* *

Vào cuối thu tôi rời đến một làng quê ở Riazan. Tôi ở trong nhà của một nghệ sĩ khắc gỗ nổi danh một thời là Pôgialôxtin(1). Ở đó còn bà lão già yếu và hiền hậu Katêrina Ivanốpna, con gái nhà điêu khắc. Bà lão đã gần đất xa trời. Người con gái độc nhất của bà là Naxchia ở Lêningrat đã quên hẳn mẹ. Nàng chỉ gửi tiền về cho bà lão, hai tháng một lần.

Tôi thuê một căn phòng trong ngôi nhà lớn âm tiếng, với những bức tường gỗ ghép đã xạm đen. Bà lão ở trong một căn phòng khác. Muốn tới phòng bà lão phải đi qua mấy gian thờ bỏ không và mấy cái phòng lát ván, bụi bặm và kêu cọt kẹt.

Ngoài bà lão và tôi ra không còn ai khác ở trong nhà. Ngôi nhà được coi là một nhà lưu niệm.

Đằng sau sân và những gian xép cũ kỹ là một khu vườn ẩm thấp và giá lạnh xào xạc trước gió, nó cũng rộng lớn và hoang tàn chẳng khác gì ngôi nhà.

Tôi tới đây để làm việc và thời gian đầu tôi ngồi viết trong phòng từ sáng đến tối. Trời ở đây tối sớm. Mới năm giờ chiều tôi đã phải đốt cây đèn dầu hỏa có chao hình hoa tuy-líp làm bằng kính mờ.

Sau tôi chuyển sang làm việc tối. Giữa lúc có thể lang thang trong rừng, trên những đống cỏ đã sẵn sàng chờ đón tiết đông

______________________________

1. Ivan Pêtơrôvích Pôgialôxtin (1837-1909), nhà khắc gỗ xuất thân nông dân, viện sĩ hàn lâm từ 1871.

mà lại ngồi trong phòng vào những giờ ban ngày ít ỏi thì thật là tiếc.

Tôi lang thang rất lâu và trông thấy nhiều dấu hiệu của mùa thu. Sáng sáng, ở những vũng nước, bên dưới lớp vỏ băng trong suốt như thủy tinh trông rõ những bọt không khí. Đôi khi trong những bọt không khí ấy, giống như trong khoảng trống của một quả cầu phalê, có một chiếc lá liễu hoàn diệp hoặc bạch dương màu đỏ tím hoặc vàng chanh. Tôi thích phá lớp băng để nhặt những chiếc lá chết cóng ấy và mang về nhà. Chỉ ít lâu sau trên bậc cửa sổ phòng tôi đã có một đống lá như thế. Chúng được sưởi ấm và thoang thoảng mùi rượu.

Thú hơn cả là ở trong rừng. Gió thổi trên đồng cỏ, nhưng trong rừng vẫn có cái tịch mịch ảm đạm trong suốt như băng mỏng. Cũng có thể là vì những đám mây tối mà trong rừng đặc biệt yên lặng. Mây lửng lơ sát đất, đến nỗi những ngọn thông như vương vất sương mù.

Thỉnh thoảng tôi đi câu ở những nhánh sông Ôka. Ở đó, trong những bụi rậm, mùi chát của lá liễu dường như làm cho da mặt săn lại. Nước sông đen nhuốm màu lam nhạt mờ đục. Mùa thu cá ít cắn câu và có cắn cũng thận trọng.

Rồi đến lượt mưa rơi, vườn tược tơi tả, cỏ úa đen nằm rạp xuống tận đất. Trong không khí có mùi tuyết ướt.

Mùa thu có rất nhiều đặc điểm, nhưng tôi không chú ý ghi nhớ. Tôi chỉ biết chắc một điều là không bao giờ tôi có thể quên được nỗi buồn thu ấy, nó gắn bó một cách kỳ lạ với cái thanh thản trong tâm hồn và những ý nghĩ giản dị.

Mây đen càng sầu thảm, thứ mây đen lê lết những vạt áo rách rưới lòa xòa trên mặt đất, mưa càng lạnh thì tâm hồn càng tươi mát và chữ nghĩa hình như cứ tự nó nằm xuống mặt giấy một cách dễ dàng hơn.

Điều quan trọng là cảm thấy mùa thu, là dòng tình cảm và ý nghĩ mà mùa thu gợi lên. Và tất cả những gì ta gọi là tài liệu - người, sự việc, những điểm cá biệt và chi tiết - thì kinh nghiệm cho tôi biết rằng tất cả những cái đó nấp kín ở một nơi nào đó bên trong cái cảm giác về mùa thu kia trong một thời gian nhất định. Và hễ tôi trở lại với cảm giác ấy trong một truyện ngắn nào đó, thì ngay lập tức, tất cả những cái nói trên đã hiện lên trong trí nhớ và chuyển xuống mặt giấy.

Tôi không nghiên cứu ngôi nhà cũ kĩ nọ như tìm một chất liệu cho truyện. Tôi chỉ giản đơn yêu nó vì vẻ phiền muộn và cái yên lặng của nó, vì tiếng tích tắc vô vị của chiếc đồng hồ cổ, vì mùi khói bạch dương thường xuyên trong lò sưởi, vì những bản khắc treo trên tường (chúng còn lại rất ít, bởi hầu hết bản khắc của bà Katêrina đã bị viện bảo tàng địa phương lấy đi): bản “Tự hoạ” của Briulốp, “Rước thánh giá”, “ Người đánh bẫy chim” của Pêrốp và chân dung của Pôlina Viacđô.

Kính trong những khung cửa sổ đã cũ và cong. Chúng lóng lánh màu sắc cầu vồng và lửa nến không hiểu sao lại phản chiếu trong kính hai lần.

Tất cả đồ vật trong nhà - những cái đivăng, bàn và ghế - đều làm bằng gỗ màu sáng. Thời gian làm cho chúng bóng lên và có mùi gỗ trắc bá như là những tranh thờ.

Trong nhà có nhiều đồ vật buồn cười: những cây đèn đêm hình bó đuốc, những ổ khóa mật, những chiếc lọ sứ nhỏ xíu to bụng, trong đó kem xoa mặt đã cứng lại như đá, với chữ “Pari” trên nhãn hiệu, một bó hoa làm bằng sáp đầy bụi (người ta treo nó trên một chiếc chạc lớn đã han gỉ), một bàn chải nhỏ hình tròn dùng để xóa vết phấn ghi số quân thua trên bàn chơi bài lá.

Còn có ba quyển lịch dày của những năm 1848, 1850 và 1852. Trong lịch danh bạ những phu nhân quý tộc có ghi tên Natalia Nikôlaepna, Lanxkaia, vợ của Puskin và Êlizaveta Kxaveriepna Vôrônxôva, người đàn bà gắn bó với nhà thơ trong một mối tình. Và không hiểu sao, tôi đâm buồn vì chuyện đó. Đến nay tôi vẫn không hiểu vì lẽ gì? Có thể vì ngôi nhà này quá vắng lặng. Ngoài xa kia, trên sông Ôka, gần đập nước Kuzminxki một con tàu đang kêu lớn, và không thể nào không nhớ đến những vần thơ:

Một ngày mưa đã lụi, và đêm mưa mịt mùng

Như tấm áo chì phủ trời mênh mông

Vầng trăng sương tựa bóng ma mờ tỏ

Cất mình lên sau một rừng thông.

Tối tối tôi lại phòng bà Katêrina uống trà.

Mắt bà lão đã không còn trông rõ. Mỗi ngày vài ba lần, cô bé hàng xóm tên là Nhiuốcka tính tình cau có và bực mình với hết thảy chạy đến giúp bà lão những việc vặt trong nhà.

Nhiuốcka đặt ấm xamôva lên đun nước, cùng uống trà với chúng tôi và xì xụp húp nước chè trong đĩa. Đáp lại những câu hỏi khẽ khàng của bà lão, Nhiuốcka chỉ trả lời độc có một câu:

- Lại còn thế nữa! Sao mà bà bịa ra lắm chuyện!

Tôi quở nó nhưng nó vặc cả với tôi.

- Lại còn thế nữa! Cứ làm như cháu chẳng biết gì ấy, cứ như là cháu ngốc lắm ấy!

Thực ra, Nhiuốcka chính là người duy nhất yêu mến bà lão. Cũng hoàn toàn chẳng phải vì thỉnh thoảng bà đem cho nó lúc thì một cái mũ bằng nhung cũ có gắn hình một con chim kalibri sặc sỡ, lúc thì một cái mạng tóc bằng hạt cườm hoặc một chiếc khăn san đã ngả vàng vì cũ kĩ.

Bà Katêrina đã có thời gian ở Pari cùng với ông cụ thân sinh, biết Tuốcghênhiep, đã dự đám tang Vichto Huygô. Bà kể cho tôi nghe những câu chuyện ấy, còn Nhiuốcka thì nói:

- Lại còn thế nữa! Sao mà bà bịa ra lắm chuyện.

Nhưng Nhiuốcka thường không ngồi lâu. Nó phải đi về để đặt “lũ nhóc” ngủ.

Bà Katêrina không lúc nào rời một cái ví nhỏ cũ rích bằng lụa bóng. Tất cả của cải của bà cất trong đó: những bức thư của Naxchia, một ít tiền, giấy thông hành, bức ảnh cũng của Naxchia - một thiếu phụ xinh đẹp với đôi lông mày thanh tú gãy khúc và cái nhìn mơ mộng - và một bức ảnh của chính bà khi bà còn là một thiếu nữ. Lúc đó bà là hiện thân của sự dịu dàng và trong sạch.

Bà lão chẳng bao giờ phàn nàn gì hết, trừ những lời kêu ca về tuổi già sức yếu. Nhưng bà con hàng xóm và ông già tốt bụng, ngốc nghếch là Ivan Đơmitơriêvich, coi lều cứu hỏa cho tôi biết đời bà chỉ độc một vị cay đắng. Naxchia đã bốn năm không về với mẹ, nghĩa là cô ta đã quên đứt người mẹ đã gần đất xa trời. Bà lão có thể chết bất kì lúc nào, không được gặp con, không được âu yếm con; không được ve vuốt làn tóc màu sáng của con, làn tóc “đẹp mê hồn” (như bà thường nói).

Naxchia gửi tiền cho mẹ, nhưng gửi cũng thất thường. Không biết bà lão sinh sống bằng cách nào trong những ngày con gái không gửi tiền về.

Một hôm bà Katêrina nhờ tôi đưa ra thăm vườn. Từ đầu xuân bà chưa bước chân tới đây. Sức khỏe kém sút giữ rịt bà trong phòng.

- Ông này - bà lão nói, - ông đừng giận bà lão nhá! Tôi muốn được trông thấy mảnh vườn lần cuối. Lúc còn con gái, ở đây tôi đã say mê đọc Tuốcghênhiép. Có một số cây trong vườn do chính tay tôi trồng.

Bà lão mặc quần áo mất một lúc rất lâu. Bà bận chiếc áo choàng ấm đã cũ, quấn chiếc khăn len dày rồi nắm chặt tay tôi, bà lần bước xuống thềm.

Trời đã xẩm tối. Khu vườn trụi lá. Lá rụng cản bước đi. Chúng kêu lép bép và động đậy dưới chân. Bầu trời hoàng hôn đang chuyển sang màu lá cây, một ngôi sao bừng sáng. Ngoài xa kia trăng lưỡi liềm treo lơ lửng bên trên khu rừng.

Bà Katêrina dừng lại bên cây bồ đề sạm màu sương gió, vịn vào nó và khóc.

Tôi phải giữ chặt cho bà khỏi ngã. Như những người già lão, bà khóc không xấu hổ vì những giọt nước mắt của mình.

Bà nói với tôi:

- Cầu trời đừng bắt ông phải sống đến cái tuổi già cô độc thế này, ông bạn thân mến ạ!

Tôi nhẹ nhàng đưa bà về nhà và nghĩ: tôi sẽ hạnh phúc biết bao nếu tôi được có một người mẹ như bà.

Buổi tối, bà lão đưa tôi đọc một tập thư mà thời gian đã làm cho vàng úa của cụ cố để lại.

Trong đó có thư của họa sĩ Kramxkôi(1)và nhà khắc gỗ Ioocđan(2) ở La-mã, Ioocđan viết về tình bạn của ông với nhà điêu khắc Đan mạch Toócvanxen(3) về những bức tượng đá kì diệu của Latêran.

Cũng như mọi khi, tôi đọc những bức thư ấy ban đêm. Bên kia bức tường, gió phóng ào ào trong những bụi cây trơ trụi ẩm ướt, và ngọn đèn lép bép chán ngán nói chuyện một mình, không hiểu vì sao mà chính ở đây, trong cái đêm mưa này, nghe người gác nông trường gõ mõ ở cổng làng, tôi thấy có một cảm giác thật là lạ lùng và thích thú khi đọc những bức thư từ Rôm gửi tới.

______________________________

1. Họa sĩ Nga (1837 - 1887)

2. Ióocđan P.I., nhà khắc gỗ Nga (1803 -1882)

3. Thorvaldsen (1779-1884)

Tôi bắt đầu chú ý tới Toócvanxen và rồi sau này ở Matxcơva tôi đã đi kiếm tất cả những tài liệu có nói về ông và được biết thêm về tình bạn của ông với nhà viết truyện cổ Anđecxen (1). Vài năm sau tôi viết một truyện ngắn về Anđecxen. Cũng nhờ ngôi nhà cũ kỹ nơi thôn dã đó mà tôi đã viết được truyện ngắn ấy.

Mấy ngày sau bà lão Katêrina nằm xuống và từ đó không dậy nữa. Bà lão không bị đau gì. Bà chỉ kêu mệt.

Tôi gửi một bức điện đi Lêningrat cho Naxchia. Nhiuốcka sang ở với bà lão để nếu có chuyện gì thì đã có mặt ngay.

Một hôm đang đêm Nhiuốcka đập mạnh vào tường phòng tôi và gọi tôi bằng một giọng sợ hãi:

- Ông lại ngay đi! Bà cháu đang hấp hối!

Bà lão nằm mê mệt và thở rất khẽ. Tôi xem mạch, nó không đập mà run rẩy, mỏng manh như một sợi tơ nhện.

Tôi mặc quần áo, đốt đèn lên và đi tới bệnh xá trong làng tìm thầy thuốc. Bệnh xá ở mãi sâu trong rừng. Cơn gió tối tăm mang theo mùi mạt cưa từ cây cối bị đẵn trộm. Đêm đã khuya, đến nỗi chó cũng không còn sủa.

Bác sĩ tiêm cho bà một ống long não, ông thở dài và bỏ đi sau khi đã nói lại cho tôi hay rằng đó là cơn hấp hối, nhưng nó sẽ kéo dài vì tim bà lão còn khỏe.

Gần sáng, bà lão qua đời. Tôi phải vuốt mắt cho bà. Chắc chắn không bao giờ tôi có thể quên cái cảm giác khi tôi thận trọng vuốt đôi mắt hé mở của bà lão và bất thần từ trong đôi mắt ấy rơi ra một giọt lệ đục.

Nhiuốcka nghẹn ngào vì khóc, đưa cho tôi một chiếc phong

______________________________

1. Hans Christian Anđersen (1805-1875), nhà văn Đan Mạch, chuyên viết truyện cổ tích

bì nhàu nát và nói:

- Trong này bà đã dặn phải mặc cho bà quần áo gì khi đem chôn.

Tôi mở phong bì và đọc mấy dòng chữ mà cánh tay run rẩy của tuổi già đã viết. Đó là lệnh của bà lão dặn phải mặc cho bà quần áo gì khi bà qua đời và tôi đưa nó cho những người đàn bà đến nhà bà buổi sáng hôm ấy để sửa soạn cho bà đi tới nơi yên nghỉ cuối cùng.

Sau đó tôi ra nghĩa trang chọn chỗ mai táng. Khi tôi trở về thì người ta đã thay quần áo cho bà. Bà lão nằm trên bàn và tôi dừng lại, ngạc nhiên đến cực độ.

Bà nằm đó, nhỏ nhắn như một thiếu nữ trong bộ áo vũ hội tha thướt, màu vàng óng. Vạt áo lỏng lẻo quấn quanh chân bà. Dưới lần vải áo còn nhìn rõ đôi giày đen nhỏ nhắn bằng da thuần lộc. Một đôi găng da mềm mại, trắng toát, bó chặt đến khuỷu đôi tay cầm nến. Một bó hồng đỏ thắm bằng lụa gài trên ngực áo bà.

Mặt bà lão phủ mạng và nếu như không có đôi khuỷu tay khô xác và nhăn nheo hiện rõ giữa những cánh tay áo và đôi găng trắng, ta có thể tưởng người nằm đấy là một thiếu phụ trẻ, vóc người cân đối.

Naxchia về chậm mất ba ngày và khi nàng tới nơi thì đám tang bà lão đã xong.

Tất cả những gì tôi kể trên chính là cái tài liệu cuộc sống mà nhà văn có được, từ đó tác phẩm nảy sinh.

Đáng chú ý là mọi hoàn cảnh, mọi chi tiết, cả đến cảnh ngôi nhà vùng quê và mùa thu đều thích ứng hoàn toàn với tâm trạng của bà lão Katêrina, với tấn thảm kịch trong tâm hồn mà bà đã phải chịu đựng trong những ngày cuối cùng của đời mình.

Nhưng tất nhiên, không phải tất cả những gì tôi đã thấy và đã suy đi nghĩ lại lúc ấy đều được đưa vào Bức điện. Rất nhiều cái còn nằm ngoài lề truyện ngắn. Chuyện đó thường xảy ra.

Nói theo ngôn ngữ nhà văn thì thường muốn viết một truyện ngắn không lớn lắm cần phải “khai thác” những tài liệu lớn hơn để mà chọn trong đó những gì quí giá nhất.

Tôi đã có dịp quan sát công việc của những diễn viên giỏi khi họ đóng những vai phụ. Nhân vật mà anh ta thủ vai chỉ nói có đôi ba câu trong suốt vở kịch, nhưng diễn viên đã vặn đi vặn lại tác giả không riêng về tính cách và hình dạng bề ngoài của nhân vật.

Diễn viên cần biết chính xác điều đó chỉ để nói cho đúng vài ba câu của mình.

Đối với các nhà văn cũng vậy. Nguồn tài liệu dự trữ phải lớn hơn nhiều so với số lượng tài liệu cần dùng cho một truyện ngắn.

*

* *

Tôi đã kể lại chuyện Bức điện. Nhưng mỗi một truyện ngắn có lịch sử của nó và tài liệu của nó.

Có một lần, vào mùa đông, tôi ở Yanta. Khi tôi mở cửa sổ thì những chiếc lá sồi khô lả tả bay vào phòng. Gió làm cho những chiếc lá lăn trên mặt sàn và kêu lao xao. Đó không phải là những cây sồi bách niên mà là lá của thứ sồi con thấp lè tè thường mọc đầy những cánh đồng cỏ thoai thoải miền núi ở Krưm.

Đêm đêm gió lạnh thổi từ trên những ngọn núi phủ đầy tuyết xuống. Tuyết lấp lánh một cách huyền ảo trong ánh sáng của những vì sao lung linh.

Nhà thơ Axêép ở cạnh phòng tôi đang viết những bài thơ về nước Tây Ban Nha anh hùng (lúc đó là lúc đang xảy ra những biến cố về Tây Ban Nha), về “bầu trời cổ kính Bacxơlôn”.

Nhà thơ Vơlađimia Lugốpxkôi hát bằng một giọng trầm và khỏe những bài hát của thủy thủ Anh:

Vĩnh biệt đất liền! Tàu ra khơi

Và vết Hải âu còn sau lái...

Tối tối chúng tôi quây quần bên máy thu thanh nghe tin chiến sự Tây Ban Nha.

Chúng tôi đáp xe đi đến đài thiên văn Ximêizơ. Một nhà thiên văn đầu bạc phơ chỉ cho chúng tôi xem bầu trời sao ánh sáng tỏa ra từ những đốm lửa hiếm hoi và xa lơ xa lắc trong những vực thẳm bao la của bầu trời.

Thỉnh thoảng tiếng súng tập trận của những chiếc tàu chiến thuộc hạm đội Hắc hải vang đến tận Yanta. Khi tiếng súng dội đến, nước trong những bình thủy tinh rùng mình, một tiếng rền khẽ chạy qua đồng cỏ, quanh quẩn trong đám lá thông rồi câm bặt.

Ban đêm những chiếc máy bay vô hình ầm ĩ trên trời.

Tôi đọc một cuốn sách của Frankô(1) nói về Xecvăngtec(2). Sách chẳng có mấy vì thế tôi đọc đi đọc lại cuốn đó mấy lần.

Vào thời kì này cây thập ngoặc bốn chân bắt đầu bò rất nhanh trên châu Âu. Henrich Man(3), Anhxtanh(4), Rơmác(5), Xtêfan Xvaigơ(6) - những con người cao quí của nước Đức - đã rời bỏ quê hương,

______________________________

1. Nhà văn lớn Ukraina (1876-1916)

2. Nhà văn Tây Ban Nha, thế kỉ 17

3. Nhà văn lớn Đức.

4. Nhà khoa học lớn Đức (1879-1955) sống lưu vong và chết ở Mĩ

5. Nhà văn lớn Đức

6. Nhà văn lớn Áo

không muốn đồng lõa với “nạn dịch hạch nâu” và tên vô loại điên khùng Hitle. Những người lưu vong nơi đất khách vẫn mang theo nơi tim niềm tin không gì lay chuyển nổi vào thắng lợi của chủ nghĩa nhân đạo.

Gaiđa(1) mang về ngôi nhà chúng tôi ở một con chó becgiê lông xù lộc ngộc có đôi mắt vàng tươi rói. Anh bảo đó là chú chó chăn cừu miền núi.

Hồi đó Gaiđa đang viết truyện ngắn tuyệt diệu của anh - chuyện Chiếc chén xanh da trời. Và vờ như không biết tí gì về văn học. Nói chung anh hay làm ra bộ ngớ ngẩn.

Đêm đêm Hắc hải ầm ì một cách buồn thảm. Nó ầm ì cả ban ngày nhưng lúc đó không nghe rõ đến thế. Có tiếng ầm ì của biển viết cũng dễ hơn.

Đấy là một loạt những chi tiết của “cuộc sống đang chảy trôi” lúc đó. Từ những chi tiết đó truyện ngắn Chòm sao Chó săn hình thành. Trong truyện ngắn ấy các bạn sẽ thấy hầu hết những gì tôi nói đến trên kia: những chiếc lá sồi khô, nhà thiên văn đầu bạc, tiếng rền của những loạt đại bác, nhà văn Xécvăngtét, những con người tin tưởng sắt đá vào thắng lợi của chủ nghĩa nhân đạo, con chó bécgiê vùng sơn cước, chuyến bay đêm và nhiều thứ khác nữa.

Tất cả những cái đó tất nhiên đã được nhào nặn trong một tương quan khác và tạo thành tình tiết nhất định.

Khi tôi viết truyện ngắn này, lúc nào tôi cũng gắng giữ cho tôi cái cảm xúc trước cơn gió lạnh thổi từ những núi đêm xuống. Cái đó cũng giống như một cái letmotiv(2) của truyện ngắn.

______________________________

1. Nhà văn Xô Viết, chuyên viết chuyện thiếu nhi (1904 - 1941)

2. Chủ đề quán xuyến, khúc điệu chính trong một bản nhạc.

Ngôn ngữ kim cương*

những cuốn từ điển

*. Trong hai chương này Pauxtôpxki đặc biệt nói về ngôn ngữ Nga, sự giàu có của nó, xuất xứ của các từ, liên quan về âm của các từ và ngôn ngữ nói chung đối với nghề văn. Chúng tôi không dịch, vì khó mà truyền đạt được cái vẻ đẹp trong sáng, cái đặc thù của tiếng Nga.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86782


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận