Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa Chương 8


Chương 8
Câu chuyện xảy ra trong cửa hàng

Mùa đông năm 1921 tôi ở Ôđetxa, trong một ngôi nhà trước kia là cửa hàng bán quần áo may sẵn “ Ansvăng và công ty”. Tôi chiếm phòng thử quần áo trên tầng thứ hai của cửa hàng này, chẳng cần chờ ai cho phép.

Trong quyền sử dụng của tôi có ba căn phòng lớn với những tấm gương thượng hảo hạng. Những tấm gương này gắn chặt vào tường đến nỗi cả tôi, cả nhà thơ Êđua Bagritxki(1) đã nhiều lần cố nậy ra để mang đổi lấy thức ăn ở chợ Mới mà không được. Thậm chí chẳng một chiếc gương nào bị rạn.

Trong phòng thử quần áo, ngoài ba chiếc hòm trong có vỏ bào mục không còn đồ đạc gì khác. May mà cánh cửa kính lại dễ tháo khỏi bản lề. Tối đến tôi tháo nó ra, đặt lên hai chiếc hòm làm giường.



Cánh cửa kính rất trơn, vì thế chiếc đệm cũ đêm nào cũng cùng tôi lăn xuống sàn nhà vài lần.

Cứ mỗi lần chiếc đệm bắt đầu chuyển động là tôi lại tỉnh dậy ngay lập tức, nằm yên, nín thở, không dám động đậy đến

______________________________

1. Nhà thơ lớn Xô Viết

cả một ngón tay và hy vọng một cách ngốc nghếch rằng có thể, chiếc đệm sẽ đứng lại. Nhưng nó cứ trượt dần, chậm chạp, lì lợm, khắc nghiệt và cái ranh mãnh của tôi cũng chẳng giữ được tôi khỏi rơi xuống.

Việc đó chẳng đáng buồn cười tí nào. Mùa đông năm ấy thực hung dữ. Biển đóng băng suốt từ cảng tới Malưi Fôntan. Gió đông bắc cay nghiệt làm cho những con đường lát đá cứ nhẵn thín. Tuyết không rơi bữa nào và vì thế cái lạnh lại càng có vẻ lạnh hơn là khi có tuyết phủ trên đường phố.

Trong một phòng thử quần áo có một chiếc lò sưởi bằng sắt tây - một chiếc “tư sản”. Không có gì để đốt lò. Mà cũng chẳng có thể làm ấm cả ba gian phòng bằng một cái lò sưởi con thảm hại đó. Vì thế tôi chỉ dùng cái lò sưởi “tư sản” nọ đun nước chè càrốt. Chỉ cần vài ba tờ báo cũ là đủ đun một ấm nước rồi.

Cái hòm thứ ba được dùng làm bàn viết. Tối tối, tôi thắp ngọn đèn dầu hỏa không chao đặt trên cái bàn ấy.

Tôi đắp lên mình tất cả những vật ấm mà tôi có và nằm đọc thơ Hôxê Maria Erêđia(1) do Ghêoocghi Senghen dịch, dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu hỏa không chao nọ. Những bài thơ được xuất bản ở Ôđetxa trong cái năm đói kém ấy, nhưng tôi xin làm chứng cho chúng rằng chúng không hề làm yếu đi tinh thần dũng cảm của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy mình vững chắc như những người dân Lamã và nhớ đến những câu thơ của chính Senghen viết: “Các bạn ơi, chúng ta là những người Lamã. Chúng ta đổ máu...”

Tất nhiên, chúng tôi không đổ máu nhưng dù sao thì chúng tôi - những con người trẻ tuổi và vui tươi - đôi khi cũng quá rét và quá đói. Song không một ai than thở.

______________________________

1. José Maria de Herédia, nhà thơ Pháp, sinh ở CuBa(1842-1905)

Ở tầng thứ nhất của cửa hàng là cái hoạt động ầm ĩ và hơi khả nghi của một tập đoàn nghề họa. Đứng đầu xí nghiệp đó là một ông thợ vẽ già bẳn tính, nổi tiếng ở Ôđetxa với biệt hiệu “Vua biển hàng”.

Tập đoàn nọ nhận đặt làm các biển hiệu, khâu mũ đàn bà, đóng “giày gỗ” (giày phụ nữ, đặc biệt vì cái đơn giản cổ đại của nó: người ta chỉ đóng mấy cái quai vào đế gỗ - thế là xong!) và vẽ quảng cáo chiếu bóng (họ vẽ bằng màu có pha hồ trên những tấm ván mỏng cong queo).

Nhưng một lần xưởng họa gặp may, họ được đặt làm cái gọi là “trang hoàng đàng mũi” cho một chiếc tàu Hắc-hải, chiếc tàu độc nhất trong thời gian đó, tên là “Pêxten”. Nó chuẩn bị đi Batum chuyến đầu tiên.

Cái công trình ấy được làm nên bằng sắt tấm và sau đó người ta vẽ linh tinh lên trên nền đen của nó một thứ trang trí hình cây cỏ.

Công việc ấy lôi kéo tất cả mọi người, đến nỗi viên cảnh sát Giôra Kazlôpxki đã có lần bỏ cả vị trí gác gần đấy để đến xem.

Hồi đó tôi đang làm thư kí trong tờ báo hàng ngày Người thủy thủ. Trong tờ báo này, nói chung có nhiều nhà văn trẻ làm việc, trong số đó có Kataép, Bagritxki, Baben, Olêsa, Infơ. Trong số những nhà văn già, có kinh nghiệm, chỉ có Anđrê Xôbôn là hay đến tòa soạn chúng tôi. Ông là một người đáng yêu, một người ngồi không yên chỗ, lúc nào cũng hối hả vì một chuyện gì đó.

Một hôm Xôbôn mang đến cho Người thủy thủ một truyện ngắn. Nó rách mướp, lẫn lộn lung tung mặc dầu đề tài rất thú vị và hiển nhiên là một câu chuyện do một bàn tay tài năng viết ra.

Mọi người đọc xong truyện ngắn của Xôbôn đều băn khoăn: cứ để nguyên luộm thuộm như thế mà in ra thì không được. Đề nghị Xôbôn sửa lại thì không ai dám. Trong truyện đó Xôbôn là một người hết sức cứng nhắc và vì cái tự ái của tác giả thì ít (cái đó chính Xôbôn lại không có) mà vì bệnh thần kinh của ông thì nhiều: ông không thể làm lại những gì đã viết và mất hết hứng thú với chúng.

Chúng tôi ngồi thừ ra suy nghĩ: làm thế nào bây giờ? Cùng ngồi với chúng tôi có ông già Blagốp, người sửa bài của chúng tôi, nguyên chủ nhiệm tờ báo phổ biến rộng rãi nhất nước Nga hồi trước là tờ Tiếng nói Nga cánh tay phải của chủ nhân nhà xuất bản nổi tiếng Xưchin.

Đó là một con người kín tiếng, khiếp đảm vì quá khứ của mình. Với tất cả thân hình đường bệ của ông, ông hoàn toàn xa lạ với đám thanh niên ầm ĩ và rách rưới của tòa soạn.

Tôi mang bản thảo của Xôbôn về cửa hàng Ansvăng để đọc lại lần nữa.

Đến khuya (chưa đến mười giờ nhưng thành phố chìm trong bóng tối đã vắng ngắt từ chập tối, chỉ còn có những cơn gió hả hê độc ác rú lên ở những ngã tư), Viên cảnh sát Giôra Kazlôpxki đến gõ cửa nhà hàng.

Tôi vê một mảnh giấy báo cho chặt, châm lửa và cầm nó như ta cầm bó đuốc đi ra mở cánh cửa nặng nề của hiệu buôn được cài bằng một khúc ống dẫn hơi gỉ. Không thể mang theo cây đèn không chao: nó tắt không phải chỉ riêng vì một rung động nhỏ nhất của không khí mà thậm chí vì một cái nhìn chăm chú.

Chỉ cần mải suy nghĩ mà nhìn đăm đăm vào nó là ngay lập tức nó đã bắt đầu kêu lép bép một cách thảm hại, nhấp nháy nhấp nháy và lặng lẽ tắt ngấm. Đến nỗi tôi phải tránh không dám nhìn nó.

- Có người hỏi ông - Giôra nói - nếu ông nhận ông ta tôi sẽ cho vào. Ở đây toàn là xưởng cả. Người ta nói riêng cái chỗ thuốc vẽ cũng có tới ba triệu bạc.

Tất nhiên, nếu tính bằng lương tôi ở báo Người thủy thủ là một triệu đồng một tháng (theo giá chợ, số tiền ấy đủ mua bốn mươi bao diêm) thì món tiền nọ cũng chẳng đến nỗi quá lớn như Giôra nghĩ.

Blagốp đứng sau cửa. Tôi xác nhận ông. Giôra cho vào và nói rằng độ hai tiếng đồng hồ nữa ông sẽ quay lại sưởi và uống nước nóng.

- Này anh - Blagốp nói, - Tôi vẫn cứ nghĩ mãi đến truyện ngắn của Xôbôn. Đó là một truyện ngắn kiệt xuất. Không thể để cho nó chết. Tôi, con ngựa già của làng báo, có thói quen không chịu để tuột khỏi tay những truyện ngắn tốt.

- Nhưng biết làm thế nào! – Tôi trả lời.

- Anh đưa bản thảo đây cho tôi. Tôi xin lấy danh dự mà thề rằng tôi sẽ không thay đổi lấy một chữ trong đó. Tôi sẽ ở lại đây, bởi vì không thể nào về nhà ở phố Lănggiơrông được. Đi vào giờ này thì chắc chắn bị lột sạch. Tôi sẽ coi qua bản thảo trước mặt anh.

- “Coi qua” nghĩa là thế nào? - tôi hỏi - “Coi qua” có nghĩa là sửa.

- Tôi đã nói với anh rằng tôi sẽ không bỏ đi mà cũng không thêm vào một chữ nào.

- Thế ông sẽ làm gì?

- Rồi anh xem.

Trong câu nói của Blagốp tôi cảm thấy có một cái gì đó khó hiểu. Cùng với con người điềm đạm này, một cái gì bí ẩn đã lẩn trong đêm đông giông bão lọt vào cửa hiệu Ansvăng. Cần phải khám phá ra điều bí ẩn đó, và vì thế tôi đã ưng thuận.

Blagốp móc túi lấy ra một mẩu nến nhà thờ rất lớn. Những giọt sáp màu vàng chảy dài uốn khúc trôn ốc chung quanh mẩu nến. Blagốp châm lửa và đặt nó trên hòm. Ông ngồi lên chiếc vali cũ kĩ của tôi và cúi xuống tập bản thảo, chiếc bút chì dẹt của thợ mộc trong tay.

Nửa đêm Giôra Kazlôpxki tới. Vừa đúng lúc nước đã sôi và tôi đang pha trà nhưng lần này không phải là thứ trà làm bằng càrốt khô mà bằng những mẩu củ cải đỏ thái nhỏ rồi đem sao.

- Này các ông bạn - Giôra nói - đứng từ xa mà nhìn trông các ông thực chẳng khác gì bọn làm bạc giả. Các ông đang làm gì đấy?

- Chúng tôi sửa một truyện ngắn cho số báo sắp ra - tôi trả lời.

Giôra lại nói:

- Này các ông bạn! Không phải người cảnh sát nào cũng hiểu được các ông đang làm gì. Hãy cảm ơn ông trời, tất nhiên là chẳng có trời, vì tôi đã đứng gác ở đây, chứ không phải một anh chàng nào khác. Đối với tôi, văn hóa là trên hết. Còn bọn làm bạc giả thì đấy chính là những nghệ sĩ từ một cục cứt có thể làm ra cả đô la lẫn giấy chứng nhận cư trú. Nghe người ta nói trong viện bảo tàng Luvrơ ở Pari có một bàn tay bằng đá hoa cương đẹp tuyệt trần để trên một cái gối bằng nhung đen. Mà nào có phải tay Xara Berna(1), Sôpanh(2) hay là Vera Khalốtnaia cho cam. Đó là bàn tay lấy ra từ dấu thực của anh chàng làm bạc giả nổi tiếng nhất châu Âu. Thời ấy người ta chặt đầu hắn, nhưng tay hắn thì lại đem ra trưng bày như thể hắn là một người biểu diễn vĩ cầm đại tài vậy. Câu chuyện có

______________________________

1. Sarah Bernhart, nữ diễn viên kịch nổi tiếng của Pháp (1844-1923)

2. Chopin, nhạc sĩ thiên tài Ba Lan (1810-1849)

ý nghĩa giáo dục đấy chứ?

- Không có nhiều lắm - tôi đáp - Ông có xakharin(1) không?

Giôra trả lời:

- Có đấy. Xakharin viên. Có thể cho ông một ít được.

Mãi đến sáng Blagốp mới làm xong việc sửa bản thảo. Ông chỉ đưa cho tôi xem sau khi chúng tôi tới tòa soạn và cô thư kí đánh máy đã đánh lại sạch sẽ.

Tôi đọc hết truyện ngắn và sững sờ. Đó thực là một áng văn xuôi trong sáng, tôi luyện. Tất cả đều nổi bật, rõ ràng, phân minh. Cái đống chữ nghĩa lộn xộn, rối mù trước kia không còn để lại một dấu vết. Mà thực là không có một từ nào bị bỏ đi hoặc thêm vào.

Tôi nhìn sang Blagôp. Ông đang hút một điếu thuốc gộc, loại thuốc miền Kuban, đen như than(2) và tủm tỉm cười.

- Thật là phép lạ - tôi nói- Ông làm cách nào vậy?

- Có gì đâu. Tôi chỉ có việc đặt lại các dấu ngắt câu cho đúng. Xôbôn vốn hay đặt lung tung các dấu ngắt câu như thế. Đặc biệt tôi đặt các dấu chấm rất cẩn thận. Và chia đoạn nữa. Ông bạn ạ, đó là một việc vĩ đại. Từ thời Puskin còn sống, ông đã nói đến các dấu ngắt câu rồi. Có dấu ngắt câu là để làm cho ý được tách bạch, chữ nghĩa đâu vào đó, cho câu văn nhẹ nhàng và có âm điệu đúng. Những dấu ngắt câu cũng chẳng khác gì những nốt nhạc. Dấu ngắt câu giữ văn bài chặt chẽ không để nó bị vụn nát.

Truyện ngắn được in. Nhưng ngay hôm sau Xôbôn đã xồng xộc bước vào tòa soạn. Cũng như thường lệ, ông không đội mũ, tóc rũ rượi. Đôi mắt ông sáng rực lên một cách khó hiểu.

______________________________

1. Một loại đường hóa học phổ biến trong thời gian xảy ra câu chuyện.

2. Nguyên văn: đen như chè, ý so sánh với chè đen.

- Kẻ nào đã đụng đến truyện ngắn của ta?

Xôbôn hét lên bằng một giọng chưa từng thấy và vung cao gậy đập mạnh xuống bàn, nơi đặt những chồng báo. Bụi trên bàn phụt lên như từ một miệng núi lửa.

- Không ai đụng đến đâu - tôi trả lời, - Ông có thể kiểm tra lại nguyên văn.

- Nói láo! Xôbôn quát, - Láo! Rồi thế nào ta cũng biết kẻ đã đụng đến nó.

Câu chuyện trở thành om xòm. Những nhân viên nhút nhát bắt đầu chuồn nhanh ra khỏi phòng. Nhưng, cũng như thường lệ, nghe tiếng ầm ầm là cả hai cô đánh máy của chúng tôi là cô Liuxiêna và Liuxia đã chạy đến khua vang những đôi “giày gỗ”.

Lúc đó Blagốp mới nói bằng một giọng điềm tĩnh, thậm chí chán ngán.

- Nếu như ông cho rằng đặt các dấu ngắt câu trong truyện ngắn của ông cho đúng là đụng đến nó thì thưa ông, chính tôi đã đụng đến đấy. Vì trách nhiệm của người sửa bài.

Xôbôn nhảy xổ về phía Blagốp, nắm lấy tay ông mà lắc mạnh, rồi ôm lấy ông già và hôn ba lần theo kiểu Matxcơva.

- Cảm ơn ông! - Xôbôn xúc động nói, - Ông đã cho tôi một bài học tuyệt vời. Chỉ tiếc là ông đã cho tôi một bài học quá chậm. Tôi cảm thấy có tội đối với những tác phẩm trước kia của tôi.

Tối hôm ấy, Xôbôn kiếm đâu được nửa chai cônhắc và mang lại cửa hàng Ansvăng. Chúng tôi mời Blagốp, cả Bagritxki và ông cảnh sát Giôra Kazlôpxki vừa đổi gác cũng đến, và chúng tôi cạn cốc để ca ngợi văn học và những dấu ngắt câu.

Sau câu chuyện đó tôi mới hoàn toàn hiểu rõ rằng một dấu chấm đặt đúng lúc có tác động đến người đọc như thế nào.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86783


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận