Chậm rãi, hắn men theo những dãy sách. Hắn dừng lại, cầm lên quyển sách của một người quen, thờ ơ lật vài trang rồi trả về chỗ cũ, bước tiếp. Hắn chột dạ khi thấy chồng sách của mình biến mất và thay vào vị trí dễ nhìn dễ thấy là những tên tuổi mới. Chẳng lẽ... bán hết? Hắn muốn biết. Hắn đến bên quầy. Hai cô gái không ngơi tay trao sách và nhận tiền. Hắn đợi đến sốt ruột mà vẫn chưa có cơ hội để hỏi. Trước mắt hắn, sách được mua phần nhiều là sách ngoại ngữ, sách vi tính, sách nấu ăn, sách dạy làm đẹp. Ngực hắn phập phồng: biết đâu sách hắn không bán được quyển nào, biết đâu đã bị trả lại và đang thành mớ bột giấy xám xì xám xịt. Hắn vội rời quầy, bước nhanh ra khỏi hiệu sách. Chợt, hắn khựng lại. Có tiếng gọi hắn. Tiếng gọi thật gần, thật quen và lôi kéo như có ma lực. Hắn nhìn quanh, tìm kiếm và thình lình bước xăm xăm trở lại quầy sách, cuống quýt đưa mắt lục lọi từng dãy sách. Hắn gặp những quyển sách của hắn. Chúng đứng im lìm trong một góc khuất. Hắn bước tới cầm lên quyển sách trên cùng. Tayhắn nham nhám bụi. Hắn cho tay vào túi và vội rút ra. Chỉ khi có nàng, chiếc khăn tay mới nằm trong túi hắn. Hắn kéo lẹ vạt áo lau bụi bám trên bìa. Đặt quyển sách về chỗ cũ, hắn đứng, chùng chình... Dưới ánh sáng mờ mờ, hắn nhận ra ông H.Sienkiewicz(1) và cả bà S.Lagerlof(2) nữa - những con người bất tử cũng chen vai thích cánh cùng với hắn trong cái góc nhờ nhờ tối này. Hắn thấy được trấn an. Hắn vừa kéo "Chiếc xe của thần chết" ra khỏi giá thì một quyển sách của hắn chuồi xuống, lôi nhiều quyển đổ nhào cùng một lúc. Hắn cúi xuống. Từ đống sách sã sượi cất tiếng nói: “Em ngộp lắm, đừng nhốt em ở đây!”
Hắn bị ám. Tiếng nói ấy, giọng nói ấy... Nàng xanh lướt, yếu lả, môi mấp máy van nài. Chợt hắn rên lên một tiếng và bật dậy, loạng choạng. Xâm chiếm hắn là sự giày vò giống như cái đói cái khát nhưng không thể lấp đầy bằng thức ăn nước uống. Hắn miên man trong trạng thái hụt hẫng mà không sao bù đắp để lấy lại thăng bằng. Ngàn ngạt, hắn thấy khó thở. Hắn bước tới mấy bước và mở toang cánh cửa.
Nắng chiều vàng rượi tràn vào. Nhiều tia nắng trườn lên những thành ghế ẩm mốc rồi từ từ chuyển dịch nhấp nhới trên những tấm rèm bụi ám ngả màu. Chiếc ghế xoay cũ kỹ có tay vịn bằng nhôm cũng loang loáng nắng. Cả đám bụi xám xịt thường ngày cũng bắt nắng trở nên óng ả. Hắn nheo nheo mắt và lừ lừ tiến ra khoảng nắng.
Nắng hâm hấp, mồ hôi rịn ra khắp người hắn. Đầu hắn bớt nặng và lồng ngực cũng như giãn ra. Hắn đưa mắt tìm khăn lau, không thấy. Hắn lục lọi, không gặp. Có lẽ nó lẫn trong mớ quần áo dơ vứt bừa trong nhà tắm. Hắn ngán ngẩm. Cái điều cỏn con này, tức là có được cái khăn sạch khi cần mà hắn cũng không làm được từ khi thiếu nàng. Hắn ngồi lên mép giường và kéo bừa chiếc gối. Khi cọ xát tấm thân gầy gầy rắn rỏi của mình vào chiếc gối mềm mại, hắn liền nhớ đến thân thể nàng. Nỗi nhớ ào tới, nóng ran, chạy rần rật khiến hắn bối rối. Hắn lật đật chuồi người xuống tấm drap nhũn nhịu, nhắm rịt mắt lại và như người mù, hắn mò mẫm tìm kiếm những hình ảnh ngoài thân xác nàng. Hắn chỉ gặp những mảnh rời rạc, mơ hồ không thể chắp nối hay vá víu để được hình ảnh trọn vẹn về nàng, ngoại trừ vóc dáng nàng, làn da mịn như nhung và cái lớp nhung tuyền từ da thịt nàng. Mặt hắn đỏ bừng. Cảm giác hổ thẹn bóp nghẹn mọi thèm muốn, phút chốc đưa hắn vào trạng thái bồng bềnh chơi vơi không điểm tựa không chỗ dừng.
Hắn thẫn thờ nhìn chiếc tủ của nàng. Ngay sau khi đẩy nàng thất thểu ra đi, hắn đã gom góp những gì thuộc về nàng, từng là của nàng và cả những gì từng là của nàng với hắn, bỏ tất vào tủ khóa lại, nhốt kín. Hắn tin vào khả năng gặm nhấm bền bỉ của thời gian. Nhưng lúc này, quá khứ như đang xoay chiều. Nhiều thước phim về nàng hiện lên, nhiều hình ảnh gần gũi tinh khôi dừng lại, một giây, nhiều giây rồi biến mất. Hắn háo hức và lo âu. Nhưng rồi cái khao khát được chạm vào nàng hay sờ vào bất cứ cái gì từng là hiện thân nàng nó mãnh liệt đến độ khiến hắn như kẻ kiệt sức. Hắn lò dò từng bước và đứng lặng câm trước chiếc tủ gỗ đóng im lìm. Rồi thập thò như kẻ trộm, hắn chạm tay vào ổ, tra chìa. Khi cánh cửa rít lên, hắn vội vàng ập lại. Hắn biết những kỷ vật vẫn còn đó, vẫn còn nguyên hơi hướm nàng và hắn sẽ không chịu nổi khi gặp lại chúng, dù đó chỉ là những vật dụng quá đỗi quen thuộc: lọ nước hoa, quần áo, đồ lót, rồi vô số những cái be bé của con trẻ mà mỗi lần tha về, nàng khoe, ngượng nghịu: “Em thấy dễ thương, em... để dành!”. Hắn vỗ vỗ cái trán nhễ nhại như xua đuổi, như trốn chạy. Nhưng ký ức giống như cuộn len vừa bị xổ tung, đang hối hả lăn xuống từ trên thang gác. Hắn thảng thốt nhìn những bậc thang dốc đứng. Chính trên những bậc thang trơn trợt đó, có lần nàng hụt chân và ngay dưới chân thang, chỗ này này, hắn cuống quýt...
... Hắn luống cuống, đóng sầm cánh cửa sau lưng, bỏ đi.
Đi đâu? Hắn ngao ngán nhìn thiên hạ ngược xuôi chật đường. Đi đâu? Đi đâu? Cái điệp khúc ngắn ngủi ấy cứ ong ong trong đầu hắn. Hắn chợt nghĩ đến H.Sienkiewicz, nghĩ đến con người lừng lững đang nép vào hắn trong cái góc tối chật hẹp - nơi mà sự vĩ đại vẫn có thể nương tựa bình đẳng vào cái kém cỏi tầm thường, nơi hạnh phúc khổ đau trở thành hàng hóa, nơi một phần linh hồn hắn bị giam cầm. Hẳn ông ta cũng như hắn, cũng từng vật vã trong cô đơn, lỗi lầm, mờ mịt để gào xiết trong cõi nhân gian: đi đâu?
Đi đâu? Hắn lặp lại và điều khiển tay lái trong trạng thái hoang mang, vô định.
Hắn lơ mơ dừng xe trước một quầy sách nhỏ bên đường, nơi hắn đã khệ nệ mang đến những chồng sách để ký gửi. Chủ quầy là người đàn ông tóc bạc, mang kính, có cái nhìn tinh khôn của gã thầy bói. Ngay lần gặp gỡ đầu, hắn liền bị kích thích bởi ánh mắt rẽ rọt mà theo hắn, nó có khả năng thu nhận hơn người của lão. Quầy sách vắng teo. Lão đẩy cặp kính trên sống mũi, giương mắt nhìn hắn:
- Chú mày vừa viết cái gì mới à!
Như bị giật tóc mai, hắn bừng tỉnh:
- Sao bác đoán vậy?
- Chú mày phờ phạc đến thất thần thế kia! - Lão phán tiếp - Viết lách kiểu chú mày là không thọ lâu đâu!
- Tại sao?
- Tại sao à? Tại chú mày quá nghèo óc tưởng tượng. Chú mày chỉ viết ra được cái gì của chính chú mày, mà như vậy là... là độc ác. Chú mày thành kẻ nhẫn tâm bày bán nỗi đau!
Hắn nóng mặt. Hắn nhẫn tâm hay lão già chết tiệt kia ác mồm độc miệng? Và vài tà áo dài trắng dừng lại trước quầy. Lão bận bịu với khách. Lão cúi sát những tờ giấy bạc nhàu nhàu và lần tay đếm. Nhìn lão cẩn trọng đếm những đồng bạc lẻ như đang lần tính những năm tháng đời mình, cơn nóng giận trong hắn chưa bùng lên thành ngọn lửa bỗng chùng xuống và tắt ngúm. Hắn thấy nguội lạnh, không còn chút ham muốn bốp chát, tranh cãi hay gây gổ như thói hung hăng thường có mỗi khi ai đó dám cả gan chõ mũi vào chuyện viết lách của hắn. Hắn uể oải dẫn xe đi.
Tiếng lão với theo:
- Sách bán được kha khá rồi đấy! Ngày nào cũng có một người mua.
Chi tiết “một người mua” kéo hắn lại:
- Một người mua?
- Phải, một người mua nhưng mua đều đặn mỗi ngày.
Hắn dừng xe, tắt máy:
- Người đó ra sao? - Hắn ngập ngừng tìm cách diễn đạt - Ý cháu muốn hỏi người mua sách của cháu ấy, người đó có... có bình thường không?
Lão hể hả:
- Chẳng những bình thường mà còn xinh đẹp nữa!
- Một người đàn bà?
- Phải, một người đàn bà có cái bớt đen bên tay trái.
Hắn như kẻ trúng thương, yếu lả.
Ý nghĩ đầu tiên của hắn là tìm một chỗ ngồi, lấy lại bình tĩnh để có thể rời khỏi chỗ này, nơi bất ngờ hắn có thể gặp lại nàng, điều mà hắn không đủ sức để chống chọi. Hắn khó nhọc đẩy xe qua bên kia đường, nơi có quán cà phê lộ thiên, đối diện với quầy sách. Hắn gọi một ly đen. Khi tiếng lanh canh khua lên, hắn vội dừng tay và hình dung ra dáng vẻ nàng khi cầm chiếc muỗng bé xíu, khuấy nhè nhẹ và từ lòng ly sóng sánh, chuỗi âm thanh khe khẽ rung. Nhiều lần hắn thử so sánh nó với khúc nhạc mơ hồ nào đó nhưng không thỏa, dường như đó là thứ âm thanh của riêng nàng mà chỉ có nàng mới tạo được. Bao giờ nàng cũng hớp trước một ngụm, giữ lại lâu lâu và nhiều khi hắn được nhâm nhi những giọt cà phê đặc sánh từ đôi môi đầy đặn không bôi son của nàng. Dần dà hắn đâm ghiện những giọt hạnh phúc đăng đắng và cũng dần dà, nàng cũng quên khuấy đi tác hại của những tách cà phê đen. Nàng thường chong mắt thâu đêm bên trang bản thảo của hắn, nhiều lúc mòn mỏi đổ gục dưới chân hắn như một con cún nhỏ. Nhưng khi nàng tỉnh táo và chăm chú đọc từng chữ từng câu thì hắn lại choáng ngợp trong trạng thái hồi hộp, âu lo nhiều khi không dám nhìn vào mắt nàng. Nhìn vào nàng, nhìn vào gương soi trong suốt ấy, hắn bắt gặp bộ mặt rằn rịt vết tích do sự tàn phá dai dẳng triền miên của bất tài và ảo vọng. Thay vì can đảm nhìn vào hình ảnh thảm hại của chính mình thì hắn lại vung tay đập nát tấm gương trung thực.
Hắn hớp ngụm cà phê, nuốt chầm chậm, cố tìm lại dư vị hạnh phúc đã mất. Và trong tuyệt vọng kiếm tìm, hắn biết hắn đã đánh mất niềm hạnh phúc lớn lao mà không một cơ may nào trong phần đời còn lại có thể tìm gặp. Hắn đã mất nó, vĩnh viễn và vĩnh viễn chỉ còn lại niềm nối tiếc.
1. Văn hào Ba Lan, tác giả Quo vadis (Đi đâu)
2. Nhà văn Thụy Điển, giải Nobel 1919, tác giả Chiếc xe của thần chết.