Bụi Cay Mắt Người Truyện 3


Truyện 3
Tìm thuốc chữ A

Là một người đã có thâm niên trong nghề, năm nay đã bước vào tuổi sáu mươi, giáo sư Mẫn, thầy thuốc ưu tú cho phép mình được nhàn hạ đôi chút kể từ nay đến cuối đời. Rất nhiều bậc tỷ phú, túc nho, học giả lẫn trí thức bình dân tìm đến các thú chơi tao nhã đầy trưởng giả của mình như nuôi chim, trồng lan, nuôi chó cảnh, sưu tầm đồ cổ, sách cổ. Một khi những thú chơi này đã ở mức cao siêu, thì nó còn chứng tỏ mình hơn là một phần gia tài kếch sù của chủ. Chúng còn là thứ để tôn vinh, khẳng định tính chất đa tài của những ông chủ đầy óc mẫn cảm với cuộc đời vẫn khảng khái ung dung làm ngơ, nhưng bên trong đó ngồn ngộn suy tư. Thay vì duy trì một thú chơi, giáo sư Mẫn phát hiện ra một thú chơi khăm tuyệt đối lợi hại, chỉ đơn thuần nó cho phép ông hả giận, giảm stress đó là nuôi mấy chú chó phốc, rồi gán luôn cho những chú chó ấy cái tên của những kẻ mà ông căm thù. Mỗi ngày, ông lại lôi cổ chúng ra, buộc dây xích vào một cái cột và dùng chiếc que nhỏ quất lấy quất để. Tuy không chết được, nhưng ba chú chó quằn quại lên vì đau đớn, lồng lộn tìm cách trốn chạy, chẳng thể nào thoát khỏi cái dây xích quá chắc chắn đã giằng lấy cổ. Thôi thì cứ chạy quanh, ư ử, choe chóe kêu lên vì đau đớn. Việc vẽ tên của những nhân vật ông căm thù lên lưng từng chú chó cũng thể hiện giáo sư tiềm ẩn không chỉ tài năng y học mà trong cả khả năng sáng tạo. Ba chú chó, một tên Ca, một tên Bá, tên còn lại là Xuyễn. Mỗi cái vung tay lên quật, giáo sư Mẫn thường sít hàm răng lại với nhau, đay nghiến: “Chết chưa con, này Ca, này Bá, này Xuyễn. Chết chưa này. Nhục chưa này con!”. Giáo sư Mẫn đi Tây đi Tàu nhiều, với vốn hiểu biết của mình thừa nhận rằng ba con chó này không có tội tình gì. Chúng chỉ là những con vật quá ư hiền lành. Việc chúng bị cột và đánh quặn thân bục da là oan uổng và thiệt thòi. Nhưng suy nghĩ này không đủ lớn hơn việc chúng có thể là phương tiện để ông hả giận. Vì thế đành xin lỗi chúng, để chúng thay những tên khốn kiếp kia chịu tội. Ai bảo chúng sinh ra đã là kiếp chó. Kiếp sau hy vọng chúng sung sướng hơn, khỏi rơi vào tay ông.

Ý tưởng chỉ dùng chó phốc làm phương tiện trả thù, nằm trong cái suy nghĩ tính toán hơn thiệt xuất thần của giáo sư Mẫn. Ông cho rằng lũ chó phốc này bé nhỏ, hiền lành. Chúng sẽ ăn ít, thải phân ít nên bớt hôi thối. Vả lại việc nhốt vào một chiếc cũi sắt nhỏ sẽ dễ dàng hơn. Điều quan trọng bậc nhất là với một cơ thể gọn ghẽ bé nhỏ bằng bắp chân của chúng, giáo sư có thể dễ dàng đánh đập, hành hạ mà không lo bị chúng tấn công lại. Nhìn vào khuôn mặt lem luốc, ngơ ngác không hiểu vì sao mình bị chủ đánh đau như vậy của ba con chó, giáo sư Mẫn rung rinh cười đắc chí. Ông lại vơi đi những uất hận mà kẻ thù của ông đã từng gây ra cho ông. Ngoài ra, ông đang chờ đợi tác phẩm khác của mình thể hiện trên mình những chú chó này. Ông đang tính làm sao cho thân hình lũ chó thể hiện được cái vẻ hèn hạ, đầy tính chất châm biếm nhất, có thể gây sốc, ngạt tim cho mấy tên Ca, Bá và Xuyễn. Sao cho khi nhìn thấy chó mang tên mình, với hình hài quái dị, chuyển tải phần nào vóc dáng của ông chủ có tên ghi trên bụng chúng, những kẻ kia sẽ sửng sốt kinh ngạc mà rụng rời chân tay. Có thể ông sẽ cạo trọc đầu của con mang tên Ca, kéo cho mắt con Bá trở nên xếch ngược, con Xuyễn khom lưng. Đương nhiên, trang phục của những con này cũng phải thể hiện được điệu bộ, tính cách hàng ngày của những tên kia. Có lẽ, ông phải mời một nhà thiết kế, hoặc ít nhất một thợ may có tài ở thành phố, để tạo trang phục cho ba chú chó. Ngày đó sẽ đến, khúc khải hoàn vang lên, bóng đen lui đi để nhật nguyệt ngự trị. Kẻ thù của ông sẽ bổ chửng cho mà xem. Lịch sử đồng thời ghi lại tên tuổi của một giáo sư có cách trả thù độc đáo nhất. Tuy nhiên, kế hoạch phải được thực hiện công phu một cách từ từ.

2

Đường quan lộ và học thuật thì chẳng ai dám nói giáo sư Mẫn là người không thành đạt. Trái lại điều đó, ở vương quốc “gia đình”, những tưởng sẽ răm rắp theo ý ông thì ngược lại, nó âm ỉ mục ruỗng. Giống như một vị vua mải chơi, ham hố dục vọng không tường tận việc làm của kẻ dưới, để mỗi người mỗi phách, tan tành đất nước. Vậy nhưng giáo sư lại không biết điều đó, ông ngây thơ tin những lời vợ con nói, lời con hứa suông và an tâm trên con đường của riêng mình. Rồi một ngày ông nhận ra sự khốc liệt của cái vương quốc riêng tư mình đang cai quản. Ngày ông nhận ra thì đã quá muộn.

Để tiếp tục câu chuyện này, xin quý vị hãy hiểu cho sơ sơ vài nét về gia đình giáo sư, một gia đình được quây bao bởi ngôi biệt thự sặc sỡ đầy kiểu cách phương Tây, rất hài hòa vì nghệ thuật phối màu và bố trí cây cảnh hợp lý.

Hẳn là nhiều người sẽ thần thánh hóa ngôi nhà này nếu chỉ nhìn vào mức độ giàu có, trình độ học vấn của mỗi cá nhân. Đất nước này có bao nhiêu phần trăm dân số sống trưởng giả được như vậy. Tất cả những khao khát giàu có vươn tới như vậy đều là ngộ nhận. Đó không phải là một gia đình mẫu mực mà người ta có thể mỗi năm nhận được một tờ chứng nhận gia đình văn hóa. Vợ giáo sư Mẫn là phó giáo sư công tác ở một Viện có tiếng tăm, và chắc chắn không phục gì ông cả. Trong con mắt của bà, ông chỉ là một người gàn dở và đầy khiếm khuyết, cũng giống như một con chuột vậy. Một con chuột đôi khi biết cúi đầu. Người ta nói thông cảm cho đàn ông nhất là người vợ, dùng lời cay nghiệt với đàn ông nhất cũng là người vợ. Trong bóng tối, ta không thể nhận ra đôi tất nếu nó không bốc mùi. Bà và ông thường có những tranh luận khốc liệt về những tư tưởng, đường lối của phong trào “văn hóa mới” và mở cửa thông thương. Không ai chịu ai, cho nên ngôi nhà đôi khi được ông tặng cho một danh từ cay nghiệt chẳng chút học thuật: Địa ngục. Mỗi lần bước chân ra khỏi ôtô, ông đều lẩm bẩm là đã về đến địa ngục. Từ ngày ông bà sinh xong đứa con thứ năm thì chẳng hiểu sao ông bị yếu sinh lý, từ đó bất lực, hằng đêm thầm trách Thượng đế đã cất khả năng thiêng liêng đó đi quá sớm. Bà Mẫn chắc chắn không ham gì nằm cạnh ông chồng không còn mấy khả năng. Ông Mẫn vẫn lặng lẽ tìm thuốc chữa, nhưng chưa gặp.

Tài sản của ông bà là bốn người con hai trai hai gái. Con cả ông tên Quân hiện ở Hà Nội, công tác trong một công ty lớn. Con thứ hai lang bạt nay đây mai đó ở nước ngoài, giờ phút này chẳng biết sống chết ra sao. Cậu còn ít tuổi nhưng tư tưởng thoáng đãng lại rất đỗi hào phóng với bạn bè, sớm muốn “tắm biển nước ngoài” chứ chẳng chịu “ta về ta tắm ao ta dù trong dù đục”. Hết cấp III cậu đã hỗn láo bất trị, phỉ nhổ vào học vấn của cha và công lao dưỡng dục bấy lâu. Kể từ khi ông lỡ tay tạt cậu một cái vào má thì đã chẳng còn tình cha con gì nữa. Cậu tuyên bố cắt đứt. Sợi dây đó không ai có khả năng nối lại. Hai cô con gái được hưởng nhung lụa từ bé, học xong đại học lấy chồng, chỉ lo bòn rút của cải. Hai cô tiểu thư nửa mùa cũng sở hữu cho riêng mình một anh chồng ham thích ăn chơi chẳng thích làm. Cuộc sống cứ dằng dịt con nhện chăng tơ. Ông Mẫn chỉ còn hy vọng vào Quân, cậu con cả có học thức nhất, đang qua thạc sĩ tiến tới tiến sĩ, cũng khệnh khạng bất phục tài ông. Ân hận thì quá muộn rồi. Ông là một ông vua không đủ tài cai quản vương quốc của mình. Người nghe lời ông nhất lại là bà An giúp việc. Kể từ khi ông không thể dứt khoát “lên cò” thì vợ ông đã cố tình chăng cho lịch làm việc của mình kín mít. Những quan hệ, tiệc tùng cuốn bà đi. Ông mặc, coi bà như một cơn gió. Riêng ông, ngấm ngầm một âm mưu khác. Đời vẫn ý nhị gọi là ông ăn chả bà ăn nem, rất xa xôi bóng gió. Nhưng mà đau. Một giáo sư, giám đốc bệnh viện X bị cắm sừng, nỗi đau sẽ tỉ lệ thuận với chức vụ ông đảm trách.

3

Ý tưởng dùng ba chú chó phốc giải tỏa cơn giận xuất hiện khi giáo sư Mẫn tụt chức giám đốc bệnh viện X - cái bệnh viện khiêm tốn mang tên một ngành, hoạt động trì trệ ròng rã nhiều năm. Giáo sư Ca hiện đang đảm trách cương vị này. Giáo sư Mẫn trở thành trưởng khoa Phẫu thuật. Công việc rất mất thời gian và tâm huyết nhưng nếu biết bố trí nhân lực thì vẫn nhàn nhã như ai. Trước đó, ông từng tự hào là một lãnh đạo mẫu mực với vẻ đắc ý rất tự nhiên. Người ngoài hết mực tôn vinh ông với thái độ khinh bỉ nhiều hơn kính trọng. Cũng do xu thế cả, thời buổi nghệ thuật uốn lưỡi luồn cúi được tôn vinh hơn bất cứ thủ pháp thể hiện tình cảm nào khác. Họ thản nhiên tin rằng giáo sư Mẫn biết cấp dưới hiểu rất rõ những việc làm đen tối của ông, nhưng được bôi che bởi một nghệ thuật sắp đặt hết sức tinh vi. Hình ảnh của giáo sư với bộ đầu tương đối khiếm tốn tóc, hào phóng phần trán nhẵn, dáng đi chúi chúi về phía trước và đôi khi cố ý tỏ ra nghiêm trang được đám bác sĩ giải phẫu cấp dưới vẽ bằng bút chì, đặt ở góc tủ nhà để mỗi khi căm hận thì lấy bút gạch cho một nhát. Khao khát xóa xổ quản lý tắc trách là năng lực tiềm tàng của cấp dưới. Thiên cơ không thể tiết lộ. Họ phải đợi chờ hoa tre trổ mùa.

Tóm lại, Hoàng Bá Mẫn, trang trọng gọi Hoàng giáo sư, là một hình ảnh có nhiều mặt tương phản. Đôi khi ông ấp ủ khát vọng lớn lao là “làm sạch” bộ máy tổ chức và toàn thể cơ quan. Nếu viết hồi ký thì chi tiết này không thể thiếu, để miêu tả một con người tài năng xuất chúng ở nhiều lĩnh vực. Dịp ông xuống tay đã đến. Nó như một ngày hội ở bệnh viện, khiến mọi người mệt bở hơi tai vì chạy đôn đáo. Bệnh nhân ít nên cán bộ thừa mứa thời gian để đảm bảo “từ trên xuống dưới đều sạch”. Từ giám đốc đến lao công đều phải đi về đúng giờ, ăn mặc chỉnh tề. Với bệnh nhân thì hết mực tận tụy. Tư tưởng lương y như từ mẫu nên triệt để nêu gương. Sự việc được xem là rất cải lương này thản nhiên diễn ra. Ông Mẫn tự tin rằng ông ra tay lần này là hiệu quả. Từ phó giám đốc trở xuống hưởng ứng răm rắp. Bệnh viện lấy lại được lòng tin và người bệnh sẽ đổ về để chữa trị. Ai vi phạm những nội quy đã đề ra sẽ bị đuổi việc. Trong vòng một tháng đầu đã có một bác sĩ nam mới nhận công tác và một y tá bị đuổi việc. Vui vì điều đó, ống cười sằng sặc, phụt cả nước bọt, rồi dõng dạc hô hào: “Mọi người thấy rồi đó. Vì sự phấn đấu của bệnh viện, tất cả hãy hợp tác với tôi!”. Hai kẻ ra đi làm gương răn đe kẻ khác. Giáo sư không biết trong mạch ngầm của số nhân sự trong bệnh viện đang âm ỉ tư tưởng phản kháng. Mười năm trước, tiến sĩ Xuyễn và Bá được giao làm chức phó giám đốc bệnh viện X., giờ hai ông này vẫn đang hãnh diện vì bao năm cái ghế của mình không bị lung lay, chỉ có ông Mẫn là đã “xuống ngựa”, nói rằng: “Ông Mẫn chẳng bao giờ đủ tài để quản lý nổi cấp dưới. Là người biết một mà không biết hai. Điều trì trệ nhất là ông ta cứ nghĩ ông ta giỏi nhất”. Và quan trọng hơn, là hai ông phó đều phản đối, ra sức phá phách, cản trở công việc của ông trưởng, làm sao bệnh viện hoạt động tốt. Thay vì có thể cải cách, làm sạch đội ngũ cán bộ công nhân viên trong cơ quan, thì ông


Mẫn tạo nên những xung đột bè cánh kịch liệt. Người theo ông, kẻ nghe hai ông phó. Đôi bên thanh trừng nhau, phá hoại nhau.

Ai đó đã tìm cách để cho cuộc kiểm tra của cấp trên đối với bệnh viện X. đến một cách bất ngờ. Những sai trái của ông Mẫn bị bóc tách. Ngay tức khắc, ông bị cách chức, đưa xuống làm trưởng khoa phẫu thuật. Nếu không vì chút ít công sức trước đây, ông có nguy cơ bị đuổi hẳn. Lên thay là giáo sư Ca ở nơi khác về. Chiếc ghế của Bá và Xuyễn vẫn chắc như đinh đóng cột. Ông Mẫn hiểu rằng mình bị “hạ bệ” là do bọn họ. Từ đó, ngay cả trong công việc hằng ngày, giáo sư Mẫn thường phải chịu đau đầu vì mấy người kia “giật dây”. Những mối quan hệ của ông không giúp được ông. Mối quan hệ của vợ ông cũng không nhằm nhò gì. Tất cả bị cuốn như một cơn bão lớn. Giáo sư Mẫn bị rất nhiều khuôn mặt quay đi, đã bị choáng váng, đôi lúc còn bị nghẹn nơi tim. Người tính không bằng trời. Các cụ xưa nói “còn rượu còn tiền còn đệ tử. Hết cơm hết rượu hết ông tôi”(1). Ông thầm oán cho những kẻ đó sẽ rụng như... ông. Căm thù quá đỗi, uất nghẹn quá đỗi. Niềm uất hận đó dâng lên, thành sự sáng tạo cách trả thù có một không hai: ba chú chó phốc mang tên ba người.

“Ta sẽ ám cho các ngươi phải sống khổ sống sở. Cứ đợi đấy. Ba con chó, ba các ngươi sẽ phải bò dưới háng ta”. Đây là một câu nói diễn ra ở thư phòng của ông Mẫn và nó được nhắc đi nhắc lại trong giấc ngủ của ông. Lời này chỉ mỗi bà giúp việc nghe được.

Vợ ông chắc chắn dè bỉu việc làm này của ông đối với ba con chó. Nó quá hão huyền. Ông sẽ mất hết tâm lực và chẳng bao giờ được thanh thản. Bà chẳng dại gì khuyên can cho mệt. Thành ra, mỗi khi ông lôi ba con chó ra quật thì bà tức tối bỏ đi. Cậu con trai và hai cô con gái chẳng can ngăn cũng chẳng ủng hộ. Họ lấy việc làm của ông làm trò đùa để đưa ra cợt nhả. “Chúng mày chẳng hiểu gì cả. Thôi, cứ mặc tao. Lũ chúng mày cút đi!”. Mỗi khi bị cười cợt, ông Mẫn lại cảm thấy cô đơn vô cùng, làm bùng phát cơn tức giận om sòm. Sau khi bị quát, lũ con bỏ ra ngoài. Còn ông hành hạ ba con chó.

Đúng như đã nói, ông Mẫn không còn đủ sức để giữ được bà vợ. Một ngày, ông đau đớn chứng kiến cảnh vợ đưa giai về nhà, còn làm chuyện bậy bạ. Khốn nạn, kẻ cưa sừng làm nghé. Ông cầm dao đuổi hai người nhưng chẳng chém nổi một ai, còn suýt ngã vì vấp, bước chân loạng choạng. Chẳng may hôm đó vợ ông cùng tên trẻ kia đi Đồ Sơn, gặp tai nạn giữa đường, chết tắp lự. Giáo sư không đau buồn mà trong lòng âm ỉ một nỗi phấn khích. Loại đàn bà trơ tráo này chết đi không đáng tiếc, ông nghĩ, đời ta sẽ thêm phần thanh thản. Quả đúng thế thật, sau khi vợ mất, không đêm nào ông nằm mơ thấy vợ nằm bên cạnh kẻ khác nữa.

 

4

Hai cô con gái đi lấy chồng, cậu con trai cả tên Quân lấy vợ ở riêng, con trai thứ hai ở nước ngoài vẫn không chút tin tức. Ngôi nhà chỉ còn mình giáo sư, bà giúp việc và ba con chó. Thi thoảng, hai cô con gái lại về tìm cách bòn rút của bố, cậu con trai cả cũng muốn nhân cơ hội tâm trạng của ông già không ổn định, bòn thêm ít nữa. Vào một ngày không hiểu làm sao phiền muộn ập đến túi bụi làm vậy, mấy cô y tá dưới quyền gọi điện í ới bảo ông phải đến ngay, có bệnh nhân cần mổ gấp. Ông lao xe máy đến. Lão già nhà quê mắc bệnh dạ dày. Giáo sư Mẫn bắt tay ngay vào việc, tâm trạng ông đã ngùn ngụt chán nản nên dáng vẻ uể oải, càng thấy hậm hực bực dọc khi đám bác sĩ phụ và y tá lóng ngóng trong các thao tác cơ bản là chuẩn bị dao kéo bông băng. Bệnh nhân ra nhiều máu nên phải tiếp thêm lượng lớn. Đó là một ca tồi tệ nhất của ông. Trên đường đi về nhà, đầu óc ông mông lung trôi theo một dòng hồi tưởng, đến nỗi va quệt ngã xoài, chân tay trầy xước, xương hông đau nhức phải xoa thuốc, định ngày mai sẽ chụp thử xem sao. Nằm trên xa lông nghe nhạc Tây và thưởng thức rượu Tây, chẳng để ý đến bên ngoài, khi ông xốc lại áo quần, vươn vai và kềnh càng vung tay bước đến lồng chó, định lôi chúng ra quật thì phát hiện ra một con phốc đang cong đuôi chạy bên ngoài, ông đuổi bắt vào, nó chạy ra đường, lao vào bánh ôtô, nát bét. Là con tên Ca mới ác. Giáo sư nói với cái xác: “Định trốn hả, ngươi sẽ không thoát được. Đó, lĩnh lấy cái chết”. Ngay trưa hôm sau ông phóng xe ga đi mua một con có hình dáng y như con trước. Cả ba đều đã được ông nhờ người thiết kế cho những bộ quần áo cực mốt. Chính tay ông dùng kéo cắt trụi lông đầu, sao cho độ hói của con đó giống với người ông đang ám chỉ. Các ngươi cứ việc tận hưởng nỗi nhục này. Thấy chưa, ta đã bảo mà, đồ vong ân bội nghĩa. Ông nói với cả ba con. Ông còn dùng chân đá ngang người chúng. Nỗi ân hận đã được phóng đại hóa trong ông từ rất lâu rồi, đó là không nhận ra chân tướng của kẻ dưới trướng mình. Chính Bá và Xuyễn là hai cấp dưới được ông nâng đỡ, coi như huynh đệ. Sự phản bội của lòng người cay nghiệt hơn bất kỳ một sự tàn phá nào của thiên nhiên. Những năm tháng cuối đời, ông sẽ ghi nhớ bài học này.

Người ông Mẫn nổi lên rất nhiều mụn nhọt mà trước đây ông chưa từng mắc phải. Những mụn nhọt cứ lớn dần lên, không thuốc nào chữa nổi. Có một chiếc mụn ở cánh tay đã lở loét, ảnh hưởng đến dây thần kinh làm cho cánh tay trái cứng đơ không cử động nổi. Những ngày sau đó, ông quyết định dùng dao tự khoét, cạo, nạo vét vết lở loét. Tiếng dao tiếp với xương xoèn xoẹt, như đồ tể cạo cái chân lợn. Máu và mủ phun ra. Ông hoảng hốt hét lên, nhổm dậy, chiếc roi quất lấy quất để vào không khí. Mồ hôi giáo sư đầm đìa. Thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Chiếc roi mà hồi tối ông dùng quật chó vẫn cầm trong tay. Ông thắc mắc sao ông lại cầm nó. Hồi tưởng lại, ông khẳng định rằng mình đã quật chó, mệt quá rồi lăn ra ngủ, chiếc roi vẫn trong tay.

Giấc mơ này còn trở đi trở lại nhiều đêm, khủng bố tinh thần thân chủ. Ông không biết nó là điềm gì, nhưng rất quái gở. Cũng từ đó về sau, chỉ cần nghe thấy tiếng chó ăng ẳng là ông có cảm giác muốn cầm roi quất mạnh. Đôi khi, ngồi trong phòng bệnh viện, ông cũng ngứa ngáy chân tay, cầm bút quất quất vào không khí. Thực sự, không hiểu sao ông có cảm giác bắt buộc phải làm như vậy. Cánh tay dường như không chịu nghe bộ óc điều khiển mà cứ một mực theo ý riêng của nó, là lúc nào cũng ở tư thế vung roi.

Có người xì xào nói xấu, tin này đến tai, ông uất lắm. Ở cái tuổi này có lẽ về là hơn. Ông nghĩ vậy, lẽ ra ông phải về vườn từ lâu. Ở lại viện chỉ chuốc thêm nỗi nhục. Là một giáo sư từng làm lãnh đạo, hẳn ông còn cơ hội cống hiến đến cuối đời, đằng này chẳng còn mặt mũi nào, nên ông xin rút.

Cái sự rút lui của ông được nhiều người ủng hộ, nhưng cả ba người ông đang căm hận vờ vịt ném vài lời lấy lòng: “Bác ở lại, thiếu bác, chúng em thật sự rất khó xử...”. Mấy cô gái ngày trước được ông cưng chiều, chỉ một cô quyến luyến, rớt vài giọt nước mắt ngày chia tay. Tiền bạc chẳng cần gì, giờ chỉ một mình, sẽ sống thoải mái với gia tài đang có. Giáo sư Mẫn lại giở giói làm thơ. Ngày trước ông học văn không đến nỗi nào, cũng rất có khả năng sáng tạo. Nếu không quá đam mê sự nghiệp thăng tiến, hẳn là ông đã thành nhà thơ từ lâu. Chưa thành thì giờ thành. Quan điểm của ông mở ra thông thoáng cho mình. Gừng càng già càng cay. Gà trống cuối đời còn có tiếng gáy hào sảng.

Ông tự cho mình cái thú vui nhàn hạ: làm thơ và đánh chó. Lại nữa, làm thơ không yêu rất khó động bút. Có tình thơ chảy mới dài. Thực sự ông đã kém khả năng đó từ lâu, nhưng nhìn thì mắt thích mắt. Cho nên, không khó khăn gì ông tìm cho mình một đối tượng. Có đối tượng rồi, ông muốn nhanh chóng tìm ra thuốc giúp mình hồi phục khả năng, điều mà bao năm qua đau đáu tinh thần ông. Quân, con trai cả ông có thằng con tám tuổi múp míp béo và tính tình hay hơn tính thằng bố nó. Nhiều lần ông nói với Quân như vậy. Thằng nhỏ cũng thích vào chơi với ông. Dạo nhàn hạ này, ông muốn nó đến thường xuyên. Ông còn gạ vợ chồng Quân để nó ở với ông. Việc đưa đón học hành sẽ có bà giúp việc lo. Quân không chịu. Đành vậy. “Ta sẽ nói chuyện với nó vào những lúc nó đến vậy. Hoặc là ngày chủ nhật, cứ bảo bà giúp việc đón nó đến”. Tiếng nói của trẻ bao giờ cũng ngây ngô và buồn cười. Cái ngây ngô đầy bản năng con trẻ. Nhưng nếu vào lĩnh vực mà chúng rành, thì chúng trở nên khôn ranh vô cùng. Thằng nhỏ chỉ năm tuổi, nhưng ông Mẫn đã bơm vào đầu nó những bất bình và rối rắm suy nghĩ của ông. Giả dụ ông quật vào chó và nói: “Đứa nào là kẻ thù ông, ông sẽ quật cho thế này!”. Thằng bé hỏi “Ba con chó này là kẻ thù ông à? Nó làm gì mà ông đánh thế?”. Tên thằng bé là Bin. Lúc khác ông nói: “Bin à, ông muốn cháu sau này lớn lên thành đạt, hơn cả bố cháu. Khi làm lãnh đạo, tuyệt đối không được nhẹ dạ trăm phần trăm tin cấp dưới”. Bin hỏi: “Thế là gì hả ông?”. Giáo sư bảo: “Là dù bất kể kẻ nào kêu gào, van xin, cháu cũng phải thật bình tĩnh. Phải ăn no bụng trước đã. Nhớ chưa...”. Ông không cần biết thằng nhóc có nhớ được những mưu chước ông vừa nói không, chỉ thấy nó nhe răng cười, ông cũng cười. Ba con chó bên ngoài ăng ẳng kêu, ông Mẫn lại vung vung tay. Thằng Bin hỏi “Ông làm gì đấy?”. Ông lắc đầu.

5

Thơ đã in được thành tập, trong đó số lượng từ “chó” xuất hiện trên mặt giấy hơi bị nhiều. Giáo sư Mẫn nhận lời mời của Đài Truyền hình, muốn ghi hình về một giáo sư nghỉ hưu làm thơ. Họ tin tưởng vào một ông già xuất thần trở thành hiện tượng trong mấy triệu người làm thơ. Ông Mẫn lấy cái uy của người cha ra hô hào các con: “Gia đình mình phải có mặt đầy đủ trước khi bên truyền hình đến. Họ sẽ ghi hình đầy đủ”. Ông tưởng lệnh của ông ban ra sẽ được mọi người răm rắp tuân theo như ở bệnh viện hồi ông còn đương chức. Ngờ nghệch quá. Quân nghĩ “Mình không phải một trong số những con vẹt đó”. Lời nói của ông bố chỉ có hiệu lực tuyệt đối, khi mà ông có khả năng tuyệt đối chu cấp cho mọi nhu cầu của các con. Chí ít thì Quân vẫn đang sở hữu một căn nhà do bố cho, dù với anh nó còn đơn giản. Chẳng cớ gì anh lý do không thể. Đến thì đến nhưng chân tay bải hoải, lòng dạ không phục. Một buổi ghi hình về giáo sư, bác sĩ, nay vừa mới cho in tập thơ đầy đặn một trăm năm mươi trang do ông đầu tư gần năm mươi triệu đã ra mắt độc giả. Truyền hình sẽ xoáy sâu vào thái độ làm việc không mệt mỏi của nhà văn hóa, cộng thêm tài năng sáng tạo nghệ thuật. Ông Mẫn thực bụng muốn dùng thơ và truyền hình làm vũ khí để hả cơn giận.

Tuy chẳng tự ca ngợi mình tử tế, nhưng Quân thấy mình có học hẳn hoi, thừa biết những việc làm của bố mình có sự khái quát thế nào đối với sự nghiệp quan trường của ông. Ông luôn dạy con cái sống giản dị. Lời dạy của ông hằng ngày xác suất từ “giản dị” hơi bị nhiều. Đối với ông, cái danh chỉ là thứ phù du. Thế ông thích lên truyền hình làm cái gì? Truyền hình chẳng phải là thứ sẽ phóng to những việc làm bé nhỏ của ông lên tầm vĩ đại sao? Cánh nhà báo đến viết bài, ông từng sai người lót tay để “các cô cậu uống nước”. Trên mặt báo bao giờ cũng có hình ảnh của cái đầu hói, mà ông ý nhị vén mớ tóc lòa xòa để che bớt đi. Cặp kính lão dày cộp. Cà vạt là phẳng. Trên khuôn mặt còn trang điểm một nụ cười rất đỗi thánh thiện và phúc hậu. Trong các phương tiện truyền thông: nghe, nhìn, đọc, thì ông thích truyền hình hơn cả. Báo chí cũng tiện nhưng chỉ có lời và ảnh. Truyền hình đắc hiệu hơn, khán giả còn có thể thấy những cử chỉ của ông, nghe thấy ông nói, mới toát lên được cái phong thái của một giáo sư mẫu mực. Đã nghĩ được như thế thì hẳn là ông quá sâu sắc trong ứng xử với đời. Vậy bằng giá nào anh cũng phải có mặt trong buổi ghi hình. Con cái nhà thơ không thể thiếu vắng, sự có mặt của chúng sẽ khiến cho những cảnh quay sinh động hơn. Vợ ông, người đã đẻ ra mấy anh em Quân không còn. Ông kịp trang trí cho mình một người vợ lẽ chưa chính thức, vì chưa đăng ký. Ông bảo có lẽ chẳng cần đăng ký làm gì, cứ về sống, đem hạnh phúc đến cho nhau là ổn, đỡ rườm rà. Cô tên Thanh Thanh, kém Quân sáu tuổi, cũng là nhân vật không thể thiếu.

Chẳng đi thì sợ ông trách phạt, mà đi thì chỉ hút bụi với khói. Quân là người ít thích di chuyển. Nó không đơn giản chỉ là đi đường, hít bụi khói mà còn phải giáp mặt một ông bố trí thức muốn uốn nắn con cái bằng cái giả tạo đến điêu luyện của mình. Sẽ lại chứng kiến ông bố kính cẩn ký tặng thơ, để chẳng bao lâu, người được tặng sẽ lại tiễn chúng vào một xó nào đó, để chuyển cho đồng nát, rồi lăn lóc ở hiệu sách cũ, hoặc nhảy vào lò tái chế.

Đến được cơ quan cũ của bố thì mọi cảnh quay đã xong. Nhà thơ - giáo sư nhìn con trai, uất ức dâng lên tận cổ, nhưng ông vẫn phải ngơ đi để cười với truyền hình. Cô Than 33da h Thanh người tình của ông vẫn duyên dáng trong bộ cánh mới mà cô nói cho vợ Quân rằng: “Anh Mẫn sắm cho đấy, có gần chục triệu”.

Xe riêng đưa gia đình về nhà. Quân đi xe máy về trước. Đoạn đường này không quá đông nên anh có thể thỏa phanh phóng. Ông cụ vừa vào nhà đã hỏi. “Anh Quân bận đi làm à?”. Quân giật thót: “Không, con xin lỗi bố, bị kẹt xe bố ạ”. “Tôi đã dặn là đừng làm lỡ việc. Anh bằng ngần ấy không biết tính toán làm sao cho đủ giờ”. Mấy anh làm phim phải nhập cuộc mới khiến tính nóng của ông cụ thôi bùng lên. Cảnh quay ở nhà rọi vào những sinh hoạt và giờ giấc làm việc của ông Mẫn, nên khuôn mặt ông rất đỗi phải nhất nhất vừa thanh thản vừa nghiêm nghị, phải thật thoải mái mới thấy tầm vóc ông không bị cứng trên màn ảnh. Truyền hình khen giọng ông hay, dễ ăn nhập với đạo diễn. Đúng quá, đâu phải chỉ vài lần ông đứng trước ống quay thế này. Khuôn mặt ông dãn ra, rói tươi. Nhà thơ rất thích ôm cô Thanh Thanh ngồi trước máy quay, cô gái mà ông trân trọng tôn là “con chim nhỏ”. Điều này khiến không chỉ con cái mà nhà phim cũng phản cảm. Họ chỉ thốt lên những tiếng cười. Ông Mẫn thường sâu sắc, nhưng chỉ chuyện tình cảm thì nông nổi quá chừng. Cánh quay phim nghỉ tay uống mấy bia lon. Ông cụ ghé vào tai Quân mà trách: “Tao thấy mày là thằng bất hiếu, chẳng ủng hộ cho những sở thích cao thượng của tao. Mày chần chừ nên mới muộn, nhưng chẳng sao cả. Không có mày thì hình ảnh của tao vẫn lên tivi”. Quân nín nhịn, chỉ nhếch mép cười, cái nhếch mép đầy coi thường và bí hiểm. Anh đi ra chỗ thùng bia lon. Cô Thanh Thanh duyên dáng ngồi cạnh ông Mẫn đúng lúc này lại bị cái bụng giở chứng. Cô xin phép vào nhà vệ sinh hai phút. Năm phút sau cô đi ra, khuôn mặt vẫn nhăn nhó, rồi cơn đau bụng dữ dội đổ dồn. Ông Mẫn xót đứt từng khúc ruột. Cả nhà cuống quýt lên. Riêng khuôn mặt đang đầy đặn thần sắc và học thức của ông chuyển sang tai tái. Dừng quay lại. Ông hét: “Đưa cô ấy đi bệnh viện thôi!”. Tất nhiên, ông không thể tự mình đưa đi, cũng không thể nhờ cánh nhà đài. Lúc này, chỉ mình Quân là có thể đưa đi được. Ông Mẫn nghĩ mình cần phải hoàn thành buổi quay phim, không thể dừng giữa chừng. Ông lại ra lệnh cho con trai, với thái độ như cầu khẩn. Vì đàn bà, sao ông có thể trở nên yếu đuối đến thế.

Đặt Thanh Thanh ngồi sau xe Quân rồi, ông không quên nói đưa cô ấy đi cẩn thận, quay xong sẽ vào viện luôn. Hưởng ứng cho lời ông, chiếc xe xả ra chút ít khói đen. Thanh Thanh rướn lên ôm lấy người Quân cho chắc. Cái nhếch mép cười lúc nãy được Quân hồi tưởng lại bằng một vài ý nghĩ sau đây: “Ngoài việc quảng bá cuốn thơ, ông già còn muốn quảng bá cho cái tác phẩm tồi tệ của mình là cô Thanh Thanh ngồi sau đây. Cô ấy còn ít hơn ta sáu tuổi. Bố tồi lắm!”.

Ra ngoài phố lớn, Thanh Thanh cười khanh khách, ôm Quân chặt hơn. Quân khó hiểu hỏi em khỏi nhanh thế? Thanh Thanh cười sặc: “Em chả đau đâu. Giả vờ chút xíu thôi. Chẳng qua em muốn thoát khỏi không khí ngột ngạt đó. Ông già anh chỉ thích danh hão thôi. Cả tháng nay ông ấy chả đụng chạm vào em, không hồi phục được. Em chỉ thích ở bên anh thôi. Này, nhưng em báo cho anh một tin, em có mang rồi đấy”. Quân hỏi: “Với ông già à?”. “Không, của anh đấy, nên bỏ hay để?”. Quân chỉ bảo cứ để rồi tính. Lát sau, anh cảm giác ông già mình đáng thương quá. Dù có lúc nói chuyện với anh ông mất ngọt mất nhạt. Như vừa rồi, anh chỉ nhếch mép. Nói nhiều không phải là bản chất của người có học như anh. Cái nhếch mép chứa đựng nhiều ẩn ý sâu xa. Quân hơi nghiêng đầu bảo Thanh Thanh: “Cũng chịu em đấy. Một người nhiều kinh nghiệm như bố anh em cũng lừa được”. “Anh quên à? Yếu đuối trước phụ nữ còn là bản chất của mấy lão già. Thôi, anh đưa em vào nhà nghỉ đi, em nhớ lắm rồi. Sau đó mình nói chuyện tiếp. Em chỉ cần tiền của ông ấy thôi”. Quân đồng ý, phóng ra ngoại thành...

 

 

6

 

In xong tập thơ, giáo sư Mẫn ăm ắp cảm xúc sáng tác. Mỗi ngày ông viết một bài, có ngày hai. Nhưng đọc lại, ông thấy xót xa vì thơ ông vẫn thiếu điều gì đó. Ông ao ước viết ra những vần thơ siêu thoát, chuyển tải được ý đồ tư tưởng thâm hậu, bác học. Kỳ thực khó khăn không lối thoát. Thơ ông vẫn rơi vào lối mòn, tăm tối. Có thời gian rỗi, ông chăm đi đền chùa cầu khấn. Chú em ngày xưa lái xe cho ông, giờ thi thoảng ông gọi cậu ta đến. Ông vẫn có xe riêng. Cầu cho mình viết hay hơn, khỏe mạnh hơn, và có khả năng hồi xuân chút ít. Nói chung ham muốn của ông còn nhiều, mà ham muốn nào cũng khó thực hiện. Một mực ông vẫn thích hành hạ ba con chó mỗi ngày. Ông không thể dừng, ngứa chân ngứa tay làm sao nếu mỗi ngày không lôi chó ra và quật vào chúng. Ngẫm nghĩ lại, đọc thơ có thể làm trong trẻo tâm hồn. Người làm thơ cũng có thể gột rửa được phần nào tâm hồn. Giáo sư Mẫn mỗi ngày lại thấy tầm quan trọng của thơ đối với đời sống ông.

Giấc mơ bị toàn thân lở loét và chính tay ông phải tự cắt bỏ phần thịt thối rữa của mình trở đi trở lại. Ông không muốn nó xuất hiện, nhưng nó vẫn xuất hiện. Đồng hành với nó là giấc mơ ông thấy mình đạo mạo quát tháo nhân viên dưới quyền, để khi tỉnh lại, thấy trơ vơ trống vắng. Thế rồi căn bệnh quái ác gớm ghiếc đó đến thật. Không hiểu nổi cơ thể nữa. Đôi khi cơ thể con người vẫn xuất hiện những căn bệnh lạ khó hiểu mà chẳng bao giờ có nguyên nhân. Bệnh lở loét toàn thân của giáo sư cũng không có nguyên nhân. Những vết lở loét đồng hành đổ bộ lên thân thể đang mệt mỏi của ông, khiến toàn thân bốc mùi hôi thối và ngứa ngáy khó chịu. Cảm giác ngàn vạn con giòi đang nhung nhúc trong đó và đang hút máu. Cả đời ông đã cứu cho bao nhiêu người, đuổi khỏi cơ thể họ biết bao bệnh tật nặng nhẹ, giành giật khỏi miệng tử thần không ít mạng sống. Thế mà lúc này, chính bản thân ông lại bế tắc, run sợ trước bệnh tật của mình. Ông từ bình thản đến hoảng hốt trước nó. Nhưng ông là người có kinh nghiệm, và tin rằng bệnh chữa được, cho nên ông tự mua thuốc và chữa lấy cho mình. “Không nên để thằng khác chữa trị, chúng lại dùng thuốc rởm thì nguy. Với lại chẳng nên để chúng biết mình bị bệnh này. Chúng thấy cơ thể mình, sẽ hốt hoảng”. Giáo sư cần mẫn chữa trị bằng bàn tay ông, những thao tác của ông, không muốn bất kỳ ai động vào cơ thể mình. Quân, con trai ông bảo: “Bố nên đến bệnh viện lớn mà chữa”. Hai cô con gái cũng đồng ý như vậy. Ông bảo: “Chúng mày sẽ thấy, mọi chuyện sẽ ổn thôi”.

Gian nan này tất nhiên giáo sư không thể thiếu người tình bên cạnh. Cô nàng chăm sóc ông bằng cả đôi tay và ánh mắt, với những lời dịu ngọt. Nhưng có điều ông nhận ra cô nhắc đến Quân hơi nhiều. Tối hôm đó, Quân đến thăm ông, khi ông trở dậy sau ít giờ chợp mắt thì bắt gặp Quân và người tình Thanh Thanh hôn nhau dưới nhà bếp. Sự thể khiến ông uất ức ngã khuỵu. Đàn đã đứt dây. Trống vỡ mặt. Tim ông Mẫn như có bàn tay thép bóp nghẹt. Ông xô đến cầm con dao, vung lên chém Quân, nhưng anh tránh được, chạy biến. Người tình Thanh Thanh chạy mất dép. Đồ chó. Ông cất lời chửi đổng. Đúng là nuôi ong tay áo. Đồ chó. Tất cả các người đều đáng bị hành hạ như lũ chó....

Sau đêm đau đớn mê man, ông Mẫn tỉnh dậy, thấy mình có thêm dũng khí. Ông quyết định dùng dao cắt bỏ phần da thịt thối của mình, như chính giấc mơ ông gặp. Đau cũng phải chịu, kẻ khác sẽ không biết ta bệnh. Khi khỏi rồi, ta sẽ cho thằng con bất hiếu biết tay, đứa con gái khốn kiếp đó biết tay. Ý nghĩ đó như liều thuốc an thần cho ông. Không giống như trong mơ, vết lở loét lớn nhất của ông Mẫn là ở bắp chân. Ông sẽ dùng ít thuốc gây mê phần này, rồi lấy dao cạo bỏ. Năm xưa, Quan Vân Trường thản nhiên ngồi đánh cờ cho thần y Hoa Đà cạo xương đắp thuốc, đâu sá gì. Giờ có thuốc tê dùng phụ. Ông tiến hành việc chuẩn bị rất nhanh chóng. Ông còn cười khi cầm con dao giơ lên và bắt đầu cứa vào da thịt mình. Cho đến khi ông mạnh tay động vào đến phần xương, chỗ đó phát ra tiếng sột soạt khiến cho ông ngã vật ra, ngất lịm...

Ông thấy những con chó sổng ra, chúng thản nhiên đến liếm láp vào vết lở loét của ông, vào mặt ông và ăng ẳng kêu.Tayông cầm roi quật nhưng không trúng con nào. Ông khản giọng gọi nhưng không có một ai bên mình. Ba con chó biết cười, chúng cười sằng sặc rồi quẫy đuôi bỏ đi, đầu trọc và mặc những bộ quần áo kỳ dị. Ông lê lết, bò đến một ngôi nhà có vườn hoa đẹp, nhưng càng bò, càng thấy mình xa ngôi nhà...

 7 

Giáo sư Mẫn tỉnh dậy thì thấy thằng cháu nội ngồi bên cạnh. Nó đang ngấu nghiến gặm quả ổi. Ông đảo mắt lên trần nhà và nhanh chóng nhận ra nơi ông đang nằm là bệnh viện. Bên ngoài, hình như có tiếng người đang nói chuyện, vẳng lại tai ông một câu: “Ông ta bị bệnh này, phải đến chúng tôi chữa, làm sao ông ấy tự cắt da thịt mình được”. Giáo sư bảo thằng Bin: “Mày ra gọi thằng bố khốn nạn của mày vào đây, để ông nội bắt nó mang ông về nhà. Sao lại để ông nằm đây”. Thằng Bin thản nhiên: “Ông bảo con nếu ai nhờ gì thì đừng vội mà. Cứ ăn đã”. Giáo sư giật mình. Thằng oắt con. Tao bảo mày thế bao giờ. Mày dám không nghe lời ông. Ông nghĩ lại: Có thể mình đã nói với nó như thế thật. Lát sau ông bảo nó: “Ông ước được như mày, Bin ạ”. Thằng Bin ngây ngô: “Chắc là do ông đánh chó. Ông đừng đánh chó nữa, cũng đừng viết viết gì đó trên giấy nữa. Ông nội đi Vườn thú với cháu là được”. Thằng bé nói xong chạy ra ngoài gọi bố.

Giáo sư chợt ứa nước mắt. Ông hiểu rằng, để thanh thản vô tư như một đứa trẻ, ở tuổi sáu mươi còn khó hơn lạc đà chui lỗ kim.

 


1. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86566


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận