Ông bạn hẹn đến hiệu bánh tôm, nói có việc cần. Khi tôi đến nơi thì hắn đã uống hết nửa chai rượu anh đào. Hắn đứng dậy bắt tay đon đả, cái cười hơi khiên cưỡng. Là bạn thân nên tôi dễ nhận ra điều ấy. Chuyện gì mà quan trọng vậy. Tôi vào đề luôn. Hắn vẫn cười, rót thêm ly rượu anh đào: “Thì uống đi đã, vội gì!”. Tôi nâng ly lên cụng cái tạch, hết, gắp miếng bánh tôm nhai rôm rốp béo ngậy. Tôi sốt ruột giục. Hắn rót ly nữa, không cụng mà đưa lên ngang mặt rồi tợp vào miệng như để lấy thêm can đảm. Một tiếng “khà” nằng nặng, bạn mở lời:
- Tôi định in cuốn tiểu thuyết nhưng hơi kẹt. Bà “sề” đổ cái bệnh cũ. Thời buổi này thì ông biết đấy, phải đầu tư, kết hợp với nhà xuất bản, không thì chịu cứng cổ.
Xưa nay có chuyện gì tôi và hắn cũng tâm sự, kể cả chuyện chăn gối với vợ trục trặc, chẳng câu nệ. Tiền nong với chúng tôi chưa ai dư dật. Trước đây hắn từng giúp tôi, nay là cơ hội để báo đáp. Cái tên Vợi - bạn tôi nó hư hao như đời hắn vậy, còi cọc lận đận lao đao, quẫy đạp trong đói nghèo để tìm một quầng sáng mãi vẫn vời vợi xa xăm. Tôi hỏi: “Ông cần tiền in sách?”. Hắn gật, gương mặt vẫn thắp nỗi lo lắng nặng trĩu.
- Còn chuyện nữa, người biên tập - nhà văn Bùi Đức bảo tôi sửa vài chỗ. Tôi không muốn vì sẽ mất giá trị của nó, những chính kiến của tôi trình bày trong đó, mà không sửa thì nghỉ in. Tức quá!
Hơi thở dài thườn thượt của Vợi đầy mùi rượu và mùi hôi của thuốc lào. Hắn không ngừng rót, nâng lên tợp vào miệng. Ông bạn nói đó là cuốn viết về cô gái điếm, tôi đã được nghe. Tôi hỏi thì sao. Ông bạn diễn giải:
- Ông đã từng nghe một cô điếm biết làm thơ chưa? Thơ hay hẳn hoi, gấp vạn lần thơ của mấy tay xưởng thép chỗ ông. Tôi nói: Những cô điếm không xấu, tiền kiếm được từ nghề bán dâm cũng không xấu. Kẻ bố thí chưa chắc đã là kẻ tốt. Cuộc đời cô này tôi rõ lắm, chừng nào có điều kiện tôi đưa ông đi. Đảm bảo ông sẽ có nhiều bất ngờ. Xã hội chẳng gay gắt lên án những tệ nạn liên quan đến gái điếm sao. Nhiều gã họa sĩ, nghệ sĩ đâm bổ vào đối tượng này. Họ nói đối tượng cho họ cảm hứng nghệ thuật. Điều đó là sự thực hay là trò ham hố của các bố đã chán ngấy thân thể già nua nhẽo nhoẹt của vợ? Nhà văn, họa sĩ chẳng phải là trí thức, chẳng đang lên án tệ nạn đó sao? Tôi đả động đến cánh nhà văn. Thế đấy, đời muôn hình muôn vẻ, người ta bắt tôi phải bỏ những đoạn đó, thế còn ra tiểu thuyết của tôi nữa không?
Nước bọt bắn tung tóe, phun ra cả mép lún phún râu của Vợi. Tôi đồng tình với hắn. Không thể bỏ được, không in thì thôi.
- Khổ là tôi đã mang nó đến hai nhà xuất bản rồi. Số phận nó bi đát.
Tiếp tục nhiệt tình cụng ly. Khi tôi đã ngà ngà, Vợi vẫn còn vững, hơn một chai anh đào chẳng nhằm nhò gì, hắn còn có thể uống tiếp. Tôi mạnh bạo hơn, hỏi bạn cần bao nhiêu. Vợi nói độ dăm triệu. Vợi là kẻ tâm huyết với nghề. Trước đây từng làm ở Cục địa chất. Gã cục trưởng háo danh, võ vẽ thơ ca, dở không ai tiêu hóa nổi, trẻ con không ra trẻ con, người lớn không ra người lớn. Khó tiêu hóa hơn bất cứ loại cơm khê nào. Để có bài thơ viết lên bảng tin của cơ quan gọi là “quảng cáo” hắn phải tốn mấy ngày. Vậy còn bày đặt tổ chức thi thố trong cơ quan mỗi năm một lần và năm nào gã cục trưởng cũng giành giải nhất. Nhân viên dưới quyền gọi gã là nhà thơ, tiếng tăm trong cơ quan nổi như cồn. Được như vậy thì mỗi năm nhân viên cơ quan được đi nghỉ mát xả láng. Một lần, Vợi làm bài thơ đúng với cái tài của hắn, mọi người đọc thích quá, từ trước giờ cơ quan không hề xuất hiện bài thơ nào hay như vậy. Gã cục trưởng càng đừng hòng có được bài thơ chất lượng tương tự. Vợi được nhân viên tán thưởng. Gã cục trưởng mất “ngôi” điên lên, tìm cách trù dập Vợi, gây khó khăn rồi sa thải. Tuổi trẻ, nỗi uất ức lớn, Vợi bỏ. Hắn muốn ở lại cơ quan làm việc yên ổn thì phải ngoan ngoãn, không được thể hiện cái tài của mình. Bị đuổi là cái giá mà hắn không muốn thấy trò bịp bợm của cục trưởng tiếp diễn. Khi đó hắn mới lấy vợ được hơn năm, về nhà ăn bám vợ hai tháng, tiếp tục tìm đến văn chương. Viết và gửi báo. Truyện hắn lần lượt được in, càng hăng say sáng tác, cảm hứng dồi dào, nhuận bút kiếm được cũng khá. Hai năm sau tờ báo tỉnh gọi hắn về làm, từ biệt vợ con, hắn đi. Công việc nhiệt huyết thật, phải tội ác mồm ác miệng quá, không ai ưa cái tính thẳng thắn của hắn. Được một năm hắn bỏ tòa báo, bảo nếu ở đó thêm một thời gian nữa chắc hộc máu ra chết tươi. Cơ quan toàn kẻ bảo thủ, không ai nghe hắn, hắn thành ra lạc lõng. Không ai bên cạnh ủng hộ thì sớm muộn phải bật đi. Vợi ra Hà Nội làm cửu vạn, hàn xì vẫn cầm bút với tâm lực mạnh mẽ. Tôi quen hắn từ lần hắn lặn lội từ quê ra lấy cái nhuận bút truyện ngắn, rồi thân nhau. Cuộc đời đổ lên đầu Vợi những lỗi lo ngày càng lớn, đè lên vai, vùi đầu hắn xuống, bắt hắn phải vác sắt nhiều hơn để có tiền lo cho vợ con. Độ thằng con thứ hai chết hắn như kẻ tuột linh hồn, ngơ ngẩn, miệng lẩm bẩm: “Con tôi chết rồi, con tôi chết rồi!”. Ngỡ hắn lại đùa như những lần trước nói về cái chết của đứa con trong truyện, phải đến khi thấy hai khóe mắt hắn chắt ra hai cục nước lớn tôi gặng hỏi: “Sao ông buồn thế?” Hắn nói: “Một tháng vừa rồi ông có gặp tôi không? Một tháng trời đủ để xảy ra bao nhiêu chuyện. Con trai tôi bị bệnh chết thật rồi. Vợ tôi ngất lên ngất xuống, tội nghiệp quá”. Tôi thảng thốt hỏi tại sao không báo cho bạn. Vợi bảo báo làm gì để cả bọn cùng buồn, ảnh hưởng đến văn chương. Tôi ôm lấy hắn, trách mình vô tâm...
Vợi quá say, hắn uống trước tôi nhiều, và khi có tôi thì vẫn không ngừng tống vào miệng. Tôi tha bộ xương của bạn về bằng chiếc xe cọc cạch của mình. Hắn như cây dưa rõa rượi. Vợi ở cùng đám thợ thuyền trong con ngõ tối thui, mùi nước tiểu nồng nặc. Nhiều trang viết của Vợi dường như có cả mùi nước tiểu án ngữ, nặng nề những kiếp sống cơ hàn.
*
* *
Vợi gọi tôi đến nhà để “đàm thiên thuyết địa luận nhân” vì có mấy tay nhà văn ở đó, trẻ có già có. Tôi đồng ý. Đằng nào cũng đang bế tắc trong một truyện ngắn, cứ đến nói chuyện biết đâu nảy sinh vấn đề khai sáng. Thấy tôi Vợi reo lên, các nhà văn đổ mắt về phía tôi. Người lớn tuổi nhất đưa tay ra bắt, người trẻ tuổi nhất đứng ra chỗ khác nhường chỗ. Năm người ngồi khoanh tròn như năm cánh ngôi sao. Mặt Vợi đỏ bừng, có tôi hắn cười rôm rả hơn. Qua một vòng giới thiệu, cuộc nói chuyện trở nên thân mật. Người có cái bút danh ngồ ngộ Quyền Tào, làm biên tập ở một tòa báo. Cái “ông” ngồi cạnh tôi mới ha mươi tư tuổi đầu, phóng viên tự do. Tốt nghiệp hướng dẫn viên du lịch, đam mê văn chương đi vào vẽ vời, học sáng tác. Trong số những người ngồi đây, ông nào cũng uống được rượu cả. Họ ráo nhau hãy uống cho say mềm, điêu đứng. Ông Trực, từ bấy ngồi yên lặng nay cất lời sau hơi thuốc lào đậm đặc:
- Cứ rượu vào là tôi nghĩ đến vầng trăng ở quê. Bình yên là thế mà giờ cũng bị nô dịch, có nguy cơ những trăng những sao bồng bế nhau kêu than trên phố.
Vợi hắt xì hơi:
- Còn tìm đâu ra một vầng trăng trinh bạch nữa. Nhưng người sáng tác thì cứ phải bịa đặt ra cái trăng cái sao cho đẹp đẽ thôi. Lừa dối cả, ta lừa dối cả.
Trực nói tiếp:
- Phải, những người sáng tác như chúng ta lừa dối cả sao? Ngay cả tình hình cái mặt trăng cũng không dám viết thật thì còn dám viết cái gì nữa. Chúng ta lừa dối mình và dối người khác. Miệng ta lu loa đau khổ, nhưng ta vẫn tô vẽ những trăng sao...
Tôi hỏi ông có bút danh Quyền Tào. Chén rượu bắt người ta thật thà hơn, gần nhau hơn.
- Tôi à? Ông Vợi rõ hơn cả. Văn chương của tôi rặt một mớ bất bình. Chỗ nào cũng thấy bất bình. Dường như tôi cứ động đến văn là động đến chuyện bất bình. Hóa ra tôi chẳng viết được một dòng nào về con người yên ổn cả. Tính tôi như ông Vợi, không chịu được gò bó, không chịu được sự đấu đá trong môi trường sư phạm liền bỏ ra ngoài. Ôi, cái thói đời. Người ta lu loa đạo đức, để rồi chính bàn tay họ lại xóa nhòa cái chữ đạo đức trên mặt họ đi chỉ vì lợi lộc, vì cái bụng. Con người hiện đại hâm mộ cái gì thế! Có lẽ quyền lực và nhục dục, đến chết vẫn còn cái dư âm. Tôi may mắn ẵm được cái giải thưởng, được báo X. mời về. Lúc này vẫn cay cú cái “sư phạm”.
Tôi vỗ vào vai ông bạn hơn tuổi:
- Các ông xử sự như thế là hợp ý tôi. Văn chương cho chúng ta phóng khoáng. Ngày nay được thoải mái chút ít.
Nhấp một ngụm, Vợi hất hàm hỏi người bạn trẻ nhất, bút danh Du Viễn về ý định của cậu trong tương lai. Giọng Du Viễn ngà ngà: “Bẩm các quan bác, em mơ tưởng đến cái giải thưởng như bác Quyền Tào. Em đang săn. Phải có một cái mới phất lên được, cứ làng nhàng khó sống lắm”. Tôi nghi ngờ rằng giải thưởng liệu có phải là thước đo về tài năng. Đa phần ý của anh em nói giải thưởng không thể đem ra là thước đo tài năng, nhưng là nguồn động viên khích lệ, và từ đó người viết mới được chú ý. Trực cười:
- Phải đấy, chú Du Viễn nói đúng. Chú cứ việc mơ đến cái đích của chú. Văn là cả đời người.
Trời khuya, đồ nhắm hết rượu hết. Vợi bảo anh em ngồi đợi hắn đi kiếm. Phải uống cho đã, uống dở mồm tức như bò đá. Vợi đứng lên một cách loạng choạng, sau để Trực đi vì hắn tỉnh táo nhất. Hắn nhảy lên cái xe mi ni vẹo vọ. Quyền Tào nhìn lắc đầu: “Nhanh nhẹn ra trò, nhưng cô vợ thì ghê gớm quá. Giá hắn chưa cưới, sẽ kiếm được chỗ tốt. Lẽ ra tôi có thể kiếm cho hắn một em trẻ trung xinh tươi nghề nghiệp ổn định, chẳng hiểu sao quyết cái con mụ già. Buôn mà lắm tiền à? Hắn là bông hoa nhài cắm bãi
Nửa tiếng sau Trực mới lóc cóc về. Cả bọn đang sốt ruột chờ, thấy Trực liền hất hàm hỏi hay con mụ chủ nó xin ít sườn? Trực giơ lên bọc túi ni lông cười khoái chí: “Vớ được món bốc mả của mụ bán phở. Mụ đang dọn hàng, may mà mình ra kịp, tha hồ gặm. Có cả rượu nhá”. Trời đã toan đổ về sáng. Gió heo heo và sương lạnh lạnh. Cả nhóm kéo nhau ra ngồi trên cỏ. Chẳng ai muốn về ngủ. Những cây bút cùng chung ý tưởng là thưởng thức trọn đêm trăng, dù là trăng ngoài bãi, trăng đã thật sự “không còn trinh tiết” như xưa. Trực có vẻ xa xăm hơn cả, hắn đang tiếc vầng trăng tuổi đôi mươi hắn, nhớ về vợ con hay đang định hình cho một cấu tứ mới?
*
* *
Tiểu thuyết của Vợi in ra. Hắn đã thay đổi, sửa chữa phần nào cách sống của nhân vật cô gái điếm theo yêu cầu của nhà xuất bản. Người ta không theo ý hắn. Hỏng. Lại thêm cuốn nữa hỏng ý tưởng của nghệ thuật. Hắn đầy hy vọng vào cuốn này, hy vọng chau chuốt nghệ thuật và ngôn từ để kiếm giải. Vận may chưa đến dù hắn đã tham gia biết bao cuộc thi. Lĩnh nhuận bút, hắn vác khuôn mặt chảy dài rủ tôi đi khao. Hắn dằn vặt trách mình là kẻ đồi bại. Thế mà hắn đã hùng hồn nói với cô gái kia sẽ viết thận trọng, đúng thân phận cô, người đọc thấy được tâm tưởng của cô: cái tâm tưởng của cô điếm. Hắn đang thấm dần nhục nhã của kẻ thất hứa. Cô gái có thể đang chờ đợi tin tức của Vợi. Cô tin rằng sẽ có người ở cuộc đời này biết số phận cô. Họ phải thốt lên: “Đã có cô điếm như vậy sao!?”.
Tôi động viên bạn, bảo Vợi viết cái khác. Vợi đấm sầm xuống mặt bàn:
- Mẹ kiếp, sống hết đời không loại được cái tức. Xã hội này chẳng thằng chó nào được là chính mình. Để sống được thì phải biến chất đi. Đến cái thân tôi, về nhà vợ hỏi anh vất vả lắm không, vẫn lắc đầu nói không, chẳng vất vả gì. Anh vẫn còn thời gian đi gặp bạn bè. Vợ lại bảo anh đừng đi theo con nào nhá. Ối giời, có con nào chịu được mồ hôi dầu của tôi.
Hai người cười khằng khặc với nhau. Tưởng vui, nào ngờ con mắt Vợi long lanh thế kia. Hồi lâu rót thêm rượu. Hắn hỏi tôi có muốn gặp cô gái tên Nguyệt trong tiểu thuyết của hắn? Gợi mở rằng khi tiếp xúc với cô ấy, tôi sẽ có cái để viết. Tôi quyết định đi cùng hắn. Hắn bảo: “Hãy chuẩn bị tinh thần nhá!”.
Vợi gắp thêm một “nỗi buồn” nữa đưa vào miệng ngấu nghiến. Nhiều khi “nỗi buồn” chấm ớt, trộn thêm vị cay của men rượu làm ta vơi đi nỗi đau đớn tinh thần đang đè nặng trên vai. Đêm ấy khi đã ngật ngưỡng, Vợi rước tôi về nhà hắn để tâm sự. Hắn đưa cho tôi cuốn Ai xấu hơn ai vừa lấy ở nhà xuất bản về. Là cuốn hắn cày cục đổi mới với cách tân. Hắn trải lòng mình trên thân phận của cô gái điếm. Hắn muốn tôi chia sẻ về thân phận của cô này, theo dòng hồi tưởng đã trình bày trong sách.
Cái nghề bắt đầu từ ông bố vô lương tâm, đẩy cô vào bước đường cùng. Thú rượu chè đú đởn khuất lấp tình cha con, tình người của một con người. Mẹ Nguyệt bỏ đi vì không chịu nổi cảnh sống phục dịch. Nguyệt nghỉ học để ở nhà làm lụng khi mới mười hai tuổi. Mẹ đi rồi, mọi công việc đổ hết lên đầu cô. Nguyệt không muốn em khổ, nên nhận về nỗi vất vả để nuôi em ăn học, nuôi bố. Ông bố mỗi ngày thêm quái quắt khiến Nguyệt thấy tủi cực. Vì mẹ vì em cô nín nhịn. Một hôm ông bố đòi mỗi tháng cô phải đưa bốn trăm ngàn, là tổng số tiền lương cô làm thêm ở công ty bao bì. Cô mếu máo: “Con còn lo cho em, chi tiêu trong gia đình. Bố bảo con đưa ngần ấy thì con kiếm đâu ra?”. Ông bố thét to hơn: “Tao không cần biết mày sẽ kiếm đâu ra, đi làm đĩ cũng được, miễn là có tiền cầm về đây
cho tao!”
Câu nói của ông bố làm Nguyệt đau điếng. Câu nói vô tình mở cho Nguyệt một lối thoát, vạch ra con đường: làm điếm. Khi đã đớn đau chồng chất, người ta dễ làm liều. Nguyệt nhen nhóm ý nghĩ dại dột ấy, chẳng còn cách nào khác. Cái giá cho những đồng tiền là nhục nhã nhơ nhớp đời con gái. Ôi đời con gái thê lương chảy dài! Tự lúc nào, cô gái đã đặt chân vào công việc mới đầy nhơ bẩn đó như một định mệnh chẳng thể nào khác. Một khởi thủy để tìm kiếm sự giải thoát. Cô chỉ còn biết nuốt nước mắt, mở mặt cười đời.
Dừng chuyện ở đấy, Vợi tung ra mấy câu chửi đổng ông bố xấu xa. Tôi hào hứng nghe và dâng lên niềm ác cảm với ông bố. Một ông bố đã đẩy chính con ruột của mình vào vòng oan nghiệt. Một sự đày đọa, cướp công vô nhân tính. Tôi thừa hiểu tư tưởng của Vợi trong đó. Hắn muốn mô phỏng sự bất bình đẳng trong xã hội. Con người xã hội vẫn dùng quyền lực đẩy đồng loại vào kiếp sống đê hèn. Tôi không cầm lòng được, Vợi càng không. Hắn kể tiếp, vẫn cái giọng bi ai, như chính đó là chuyện xảy ra với hắn. Cô gái điếm bước vào trang sách của Vợi với những cơn hoan lạc, nỗi đau thể xác và tinh thần. Cô Nguyệt không phải là kẻ có tội, đó là ý tưởng của Vợi. Kẻ có tội là kẻ đẩy cô vào đó. Cô chỉ là kẻ bị sai khiến bởi sự đồi bại của
nhân cách.
Sau cái đêm tôi, Vợi và những người khác tụ tập nhau uống rượu, nói về sự mất trong trắng của trăng và sao, tôi thực sự bị ám ảnh. Năm mảnh đời, năm tâm trạng ngồi với nhau. Trực đã về Hải Phòng làm đấu thầu xây dựng, cái nghề ấy dễ sống chứ không ngột ngạt như nghề văn. Du Viễn đi học một cái nghề khác cho đảm bảo cuộc sống. Cộng tác viên tự do khó mà cạnh tranh được bằng cầm bút. Hắn ấp ủ ước mơ giải thưởng. Hôm rồi gặp, Du Viễn hùng hồn tuyên bố: “Em hứa với quan bác, chưa đầy ba mươi tuổi, em sẽ làm được cái gì đó, bác cứ chờ em”.
Tôi và Vợi rủ nhau lên Cao Bằng. Cạnh bến xe có quán cháo lòng bắt mắt ở cái biển, không khí tấp nập càng làm nặng trĩu cái dáng uể oải của hai người. Chúng tôi gọi đĩa lục phủ ngũ tạng, một chai rượu và dùng hai bát cháo cho êm. Xơi món này cái anh Tào Tháo có đuổi không? Tôi lưỡng lự. Vợi vỗ vai bảo yên tâm.
Nghỉ ngơi một lát, chúng tôi tìm đến địa chỉ mà Nguyệt ghi cho Vợi. Đó là một quán cà phê núp sau cây liễu lớn, khá bình yên. Ngồi đợi ở bàn nước, có người đi gọi Nguỵêt, lát sau Nguyệt đi ra. Mái tóc như dòng suối đêm đen óng, phía dưới dán một đôi mắt đượm buồn. Thấy Vợi, cô cười thân thiện, cái cười không giấu được buồn. Vợi cất lời trước:
- Chào em, trông em đẹp lắm.
- Dạ, em chào hai anh.
Nguyệt ngồi xuống, pha nước mời chúng tôi. Ở cô, toát lên vẻ đẹp nhân hậu và thực sự có duyên. Nếu số phận không đưa đẩy, hẳn cô sẽ là một mẫu người phụ nữ đoan trang cổ điển. Nhưng cô đã là cô gái bán hoa rồi, ác nghiệt thế. Cô là một người đã chịu sự hắt hủi của Thượng đế, để bóng đen tủi hổ bao trùm. Lời ăn tiếng nói của cô mà tôi nghe được rất dễ để người ta đồng cảm. Tội nghiệp một
cô gái.
Nguyệt xin nghỉ và đưa chúng tôi về nhà, do cô thuê mỗi tháng hơn hai trăm ngàn, trong một con hẻm khá sâu. Vợi nói với Nguyệt: “Tôi đưa anh bạn này đến là để giới thiệu với em, chứ tuyệt nhiên không phải là...”. Cô gái thoáng ngượng, còn tôi mặt nóng ran.
Nguyệt hỏi về truyện Vợi viết. Hắn lấy cuốn sách vừa in ra đưa cô. “Anh viết rồi đây, nhưng...”. “Nhưng sao anh?”. “Không được như những gì em đã kỳ vọng, là mô tả được cuộc đời em". Giọng nói buồn buồn của Nguyệt dập tắt luôn nụ cười trên môi Nguyệt. “Vậy ư, thế thì anh còn đưa cho em làm gì. Không là cuộc đời em thì đừng viết nữa còn hơn. Coi như em không có cái phúc ấy. Cuộc đời em là cuộc đời bỏ đi thì sách nào chấp nhận em đúng không?”. Giọng Vợi đầy hối lỗi: “Anh thực lòng xin lỗi em”. “Thôi, anh không có lỗi gì cả. Em bắt anh làm vậy là rất khó. Đời em chẳng có gì đáng phải chú ý cả, thân phận của những con điếm như em là thân phận rác rưởi. Mà rác rưởi bị thiêu lúc nào đau lúc ấy. Người ta cho chúng em là người thì chúng em là người, bắt chúng em là vật thì chúng em là vật”. Nói rồi, cô cố làm cho cuộc nói chuyện đừng chìm vào ê ẩm như vậy, nó được vực lên bằng khả năng khéo léo đến thánh thiện của Nguyệt. Vợi chắp vào đó câu chuyện cười khiến cả ba cười đến chảy nước mắt.
Hơn tám giờ tối, Vợi nói có việc cần giải quyết ở gần đây. Sự việc diễn tiến một chiều khác hẳn. Hắn giao tôi cho Nguyệt “săn sóc”: “Em chăm anh bạn anh nhé, sáng mai anh đến đón. Đêm nay em phải nghỉ ở ngoài kia thôi”. Tôi ngớ người: “Ông đi đâu?”. Vợi vỗ vai tôi: “Tôi đi đằng này, ông cứ ở đây, đừng lúng túng thế. Hỏi em gái chuyện gì thì cứ tự nhiên”.
Vợi đi rồi, tôi và Nguyệt ra quán để ăn tạm cái gì đó. Nhưng không ăn tạm được, thức ăn quá ngon và chúng tôi say sưa. Trở về nhà đã hơn chín giờ. Lúc này, Nguyệt mới hỏi lý do tôi cất công tìm cô. Tôi nói:
- Để biết thêm về cuộc đời của em. Vợi nói em là cô gái đẹp và nhân hậu nhưng đầy bất hạnh.
Nguyệt nhìn xa xăm, nét buồn cố hữu lẩn quất vây bọc. Cô chi tiết kể về đời mình cho tôi, dù đã nghe qua Vợi, nhưng từ miệng cô câu chuyện trở nên chua xót hơn. Ngoài kia, mảnh trăng nhỏ nhoi chứng kiến câu chuyện này. Khuôn mặt chúng tôi cũng ướt rượt trăng. Tôi muốn trào nước mắt, một tình thương dâng lên vô vàn. Nguyệt chỉ có một mơ ước là qua Vợi, cô được phơi bày hết những tủi nhục của đời mình ra, và cô đã thất vọng. Văn chương không chấp nhận con người thật của cô ta, như vậy, hóa ra văn chương tuyên truyền. Nhưng tôi nghĩ, viết sự thực mà thành nghệ thuật thì hoàn toàn đáng hưởng ứng hơn loại văn chương tưởng tượng đầy tuyên ngôn mà chẳng đạt tới tí chút nghệ thuật nào. Ôi vậy thì rút cục, văn chương phục vụ điều gì vậy, có phải con người?
- Em tính thế nào cho thời gian sắp tới? Anh nghe Vợi nói em gái em đã đi làm. Em nên tìm một công việc khác, có phải sống đến thế là đã hết.
- Còn biết làm gì nữa, em thấy mình không còn muốn động chạm đến những công việc mệt nhọc. Thân xác em trễ nải và thành ra lười nhác. Em khổ quá.
Hai tôi nói chuyện thâu đêm. Mỗi lời của cô đều chất chứa khao khát và những mặc khải buồn. Cô muốn trở lại làm cô gái của ngày xưa, nhưng con đường trở lại khó quá. Cô chưa có sự chuẩn bị nào cho việc trở lại này. Tôi nghĩ, nếu cuốn sách của Vợi in đúng như tâm nguyện của cô thì sẽ thế nào, liệu có thay đổi được chút ít tình hình. Nghĩ là có, biết đâu, đó là sự động viên cho một nguyên mẫu. Tôi suy xét lại, cũng chẳng nên hiểu một cách hẹp hòi như vậy. Một cô gái điếm, chắc chắn chẳng vì một cuốn tiểu thuyết mà thay đổi đi. Nhưng biết đâu, cho cô gái một chút hy vọng, có thể cứu được một con người...
Sáng sau Vợi đến đón tôi, đi Tuyên Quang để tìm hiểu văn hóa vùng miền. Trở lại Cao Bằng thì nhận được tin đau xót. Cô gái tên Nguyệt nhảy sông tự tử, may mắn có người cứu thoát. Tôi và Vợi tái mặt nhìn nhau, tìm đến căn phòng thuê sâu hút thì được biết cô đã trả phòng và đi. Hỏi, bà chủ bảo nghe đâu cô ta đi Hải Phòng. Vợi đấm thùm thụp vào ngực mình: “Chính ta là kẻ gây ra chuyện này”. Tôi đỡ Vợi ngồi xuống, hắn đã loạng choạng...
Tôi nhận giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Hội tổ chức vào năm sau. Đó là cái truyện ngắn tôi viết về Nguyệt, thông qua những chi tiết tôi được nghe kể. Truyện của tôi nói cô tự tử chết. Tư tưởng nghệ thuật và ước vọng của cô, chính là tôi “vớt” từ dưới sông lên. Tôi vớt những tư tưởng của người đã chết. Day dứt và đau đớn chảy dài. Truyện ngắn đó là một định mệnh, cũng là định mệnh của đời văn tôi. Hóa ra, tôi thành công là nhờ một cô gái điếm. Nhưng các bạn sẽ phải rất ngạc nhiên, đó chỉ là một giấc mơ dài trong đêm của tôi. Những điều ta ước vọng thường hay mơ vào ban đêm. Tôi sợ người ta đuổi văn tôi ra khỏi văn đàn, tôi chỉ là một thân cây bé nhỏ, bão táp nào nổi lên cũng có thể ngả nghiêng. Nhưng sẽ cần phải dũng cảm, tôi biết, mình không thể viết theo yêu cầu, để rồi ân hận như Vợi. Có phải không màu trăng sạch đêm nay?