Bụi Cay Mắt Người Truyện 5


Truyện 5
Con mèo lương thiện

Vừa chân ướt chân ráo ra thành phố đã gặp một ả mèo lạ lẫm chưa từng có. Ả có bộ lông trắng mượt rậm rịt đậm đà, cái mũi duyên dáng và cặp mắt tròn đen to tướng, nhìn thật sướng. Nhưng ông chủ Thúy cứ thế kéo tôi đi, quát. “Nào, ị nhanh lên!”. Gớm! Còn quát, cái lão chủ mắt cận này, lợi dụng đưa người ta đi ị để ngắm cô hàng xóm độc thân hay mặc hở đùi hở nách lượn lờ kia chứ gì, biết thừa. Bà chủ biết được có mà ăn cơn tam bành. Dù chưa một lần nào ở quê tự tay tôi tóm được chuột, nhưng khi ra thành phố nhất định ông chủ giao cho trách nhiệm này. Mẹ đẻ được ba anh em giờ mỗi đứa mỗi nơi. Tôi tạm biệt một anh và một em ra thành phố, chắc chắn cả đời này chẳng gặp được nhau nữa. Thực ra tôi là một món quà biếu của người nông dân quanh năm chổng đít lên trời làm lụng “kính tặng” ông chú thành phố đức cao vọng trọng. Để đưa đi, ông chủ nông dân phải tống tôi vào một cái bao tải hôi khù

 

tối om, ngồi ôtô mất gần buổi sáng mới đến nơi. Từ bến xe thành phố vào nhà ông Thúy mới đi xe ôm, hai tay ông chủ nông dân khệ nệ, chắc chắn ông nâng niu cái bao tải có đựng tôi hơn là mấy nải chuối, nửa cân bột sắn với chục trứng gà ri xếp trong cái làn. Thế là vui rồi. Ông chủ nông dân nói với ông Thúy: “Chú ạ, con biếu chú con mèo để nó diệt chuột. Cái loại mèo quê này nhắm chuột rau ráu. Lần trước về quê bà có than thở nhà mình nhiều...”. Ừ, chắc ông cháu này có ý định nhờ vả cho đứa con sắp thi đại học.

Ngay hôm đầu ông Thúy đã có vẻ quý tôi, liền ra phố mua cho chiếc vòng bạc quàng cổ và sợi dây xích i-nốc sáng loáng. Sau này tôi biết sợi dây bạc ở cổ để mắc với sợi xích. Bà chủ Thắm chưa có biểu hiện gì, cậu chủNamđi đâu về xin xỉn say lảo đảo suýt giẫm phải tôi, hất hàm hỏi ông Thúy: “Con gì thế bố?”. Ông đang tức cậu cả ngày say xỉn không trả lời, quắc mắt kèm theo mấy lời nằng nặng ý bắt cậu vào giường nằm. Mới đến nhưng tôi biết ông chủ thực sự là người cô độc trong “vương quốc” của mình. Tiếng nói của ông không có trọng lượng với bất cứ ai. Đến ngày thứ ba tôi mới gặp cô Trinh, cũng chỉ một loáng rồi cô quơ tiền của mẹ chạy ào như cơn gió ra chiếc xe ôtô sang trọng đợi ngoài kia. Bốn thành viên là bốn tính cách, bốn lối sống và hầu như không ai bảo được ai. Ông chủ tuy vậy nhưng kiếm được, chức ông chắc chắn to, bằng chứng là tôi thấy ông ăn mặc chỉnh tề, thi thoảng có cấp dưới đến chơi kính cẩn chào sếp xưng em ngọt như mía lùi. Quan sát sơ qua thì bên ngoài nhà ông có vẻ mộc mạc nhưng bên trong toàn đồ đắt tiền. Nhà xây hai tầng thời cổ để lại, nhưng trên khoảng đất rộng, có vườn cây cảnh, bên kia nhà hàng xóm cũng mộc mạc, còn nhiều bụi cây rậm rịt, là chỗ trú ngụ lý tưởng cho loài chuột hôi thối. Có hôm mưa buồn ông Thúy ẵm tôi lên đùi than thở:

- Này nhóc, tao nuôi mày là để mày bắt chuột. Đó là mệnh lệnh bất khả thi. Lẽ ra tao ở ngôi nhà cao to chẳng bao giờ lũ chuột có thể xâm hại được, nhưng vì tao phải tỏ ra mộc mạc, nghèo nghèo, không phung phí tiền bạc nên sẽ phải chấp nhận sống ở cái nhà này, lũ chuột mới được nước quậy phá.

Tôi quẫy quẫy đuôi trong tay ông. Được rồi. Vẫn là cái giọng ra lệnh của quan chức. Nếu là loại chuột chíp hôi tôi còn “làm thịt” được, chứ chuột cụ có các vàng cũng chẳng dám đụng. Tưởng ông chủ giàu kinh nghiệm quan trường lẫn đường đời tìm cách huấn luyện tôi, đào tạo thành một “võ sĩ” diệt chuột cho ra hồn để “chiến” bọn chuột trong cái ngôi nhà quá nhiều chuột này, hóa ra ông cắm đầu vào công việc, thi thoảng mới nhòm ngó đến. Công việc ở nhà ngập đầu giao hết cho cô giúp việc, vừa mới lên thay bà giúp việc trước được ba tháng mắc bệnh đi ỉa chảy do lạ nước phải về quê nghỉ. Cô giúp việc tuy nhà quê nhưng chẳng bao giờ tử tế được với tôi, cứ như sự có mặt của tôi sẽ làm cô ta bận thêm, thành ra tôi chẳng có một kỹ năng nào, ban đêm chỉ nghe thấy tiếng chít chít đã rúm ró chứ chưa nói chuyện chạm mặt chuột cụ. Nghĩ cũng thương cô giúp việc, hai tay mà lo cho cả nhà bốn người ương ngạnh, nhất là cô cậu chủ liên tục trút ra hàng đống quần áo giày dép bắt cô giặt, lại còn cơm nước, quá sức cô thật. Khó chịu với một con mèo là đúng. Ở xứ sở mới, trước mắt là sướng, không biết sau này thế nào. Nhưng giờ thấy nhớ mẹ, anh em và ông chủ nhà quê nghèo ngặt nghẽo. Dù phải đi xa tôi vẫn biết ơn ông cho tôi cơ hội được làm quà tặng ra thành phố, tại sao ông không chọn anh hoặc em tôi? Chắc ông đã nhận ra tôi có một tiềm tàng nào đó. Tôi chẳng nên phàn nàn, cứ trung thành với ông chủ Thúy, cho tận tường là đầy tớ tốt.

2

Trong vườn hoa ông chủ quý nhất một chậu đỏ lòe loẹt như máu. Không đẹp bằng hoa khác, chẳng hiểu sao ông chủ thích. Nhiều khi ông bưng đặt vào cái ghế đẩu cạnh giường mình. Cảm thấy không hay, ông lại đặt ra đầu hè, chỗ mình hay đứng vào buổi sáng làm mấy động tác thể dục nhất. Khách đến chơi ông đều tự hào khoe mình có loài hoa quý, màu đỏ như máu mà giống hình cái tai người. Giống cái tai người nhúng vào chậu máu nhấc ra thì đúng hơn. Ông nghĩ: “Loài lan này giống tai người có nguồn gốc từ Ý. Các hoàng đế La Mã xưa rất chuộng vì nó biểu tượng cho chiến thắng. Thành La Mã cũng xây bởi hàng núi xương, hàng biển máu. Ta đặt thế quả là hay”. Nghĩ ra điều tâm đắc, ông gật gù. Ông học đâu cái ý thích quái gở này, nhưng chẳng có người khách nào được ông giới thiệu mà không khen ngợi. Đúng là lũ nịnh bợ. À, mà tôi không có quyền trách họ, họ là cấp dưới của ông cơ mà.

Bận bịu đến đâu thì ít nhất ba ngày tôi cũng có vinh dự ngồi lên đùi ông chủ. Khi ra ngắm cây hoa tai người, ông đặt tôi lên cái ghế đẩu, thầm thì:

- Mèo này, tao quên mất là chưa đặt tên cho mày. Tao quý cây hoa tai người nhất, vậy thì tao đặt tên cho mày là Hoa Tai đi. Cây hoa này tao đặt tên cho nó đấy. Là một ý tưởng tuyệt vời của tao khi còn đương chức.

Tôi meo meo, xa xăm nhìn, lấy cái đuôi quệt vào ông, ông thích đặt cho tên gì chả được, chỉ là cái tên thôi mà. Thấy tôi meo meo, ông cười thân thiện, kể từ đây, tôi biết mình là đồng minh của ông ở cái nhà này. Từ hôm đặt tên cho tôi là Hoa Tai, ông Thúy hay tâm sự, quý tôi hơn. Cứ thấy cô giúp việc định cho tôi ăn là ông giành lấy làm. Và bao giờ khẩu phần cũng tăng, vì thế tôi ngày càng múp míp.

Cùng với cây hoa tai người, ông chủ kiếm ở đâu về một cái lồng xinh xắn có một con vẹt. Loài này tôi không thích lắm, tiếng mình chẳng sõi đi học tiếng người. Nhưng đó là ý thích của ông chủ, tôi chẳng ngăn được. Rồi nghĩ lại, thấy lỗi không phải vẹt. Nó chỉ làm theo những gì con người bảo, do người dạy. Lỗi là con người bắt nó học tiếng mình. Giờ ông Thúy đã có thêm đồng minh, cả cây hoa tai người, tôi và con vẹt là ba. Mặc sức cho ông tâm sự.

Chưa hết, một ngày kia ông mang đâu về một con chó Mích, biết tên nó vì thấy ông gọi trìu mến thế. (Không biết có phải tên nó cũng do ông đặt). Con này chân dài cao lêu đêu chắc chắn khỏe. Ngày đầu đã nhìn tôi nhe răng gừ gừ, sau thấy tôi không kém miếng, trừng trừng nhìn “đáp lễ”, phủ phục một tư thế “sẵn sàng chiến đấu”, con Mích thôi. Đừng tưởng bở, cậy to mà bắt nạt bé là không được. Trang bị nhiều con vật bên cạnh mình thế này, không biết ông chủ có ý định gì. Nuôi tôi chắc chắn để bắt chuột, nuôi con vẹt để khuây khỏa, còn con chó thì làm gì? Chưa kịp hiểu vì sao thì ông Thúy ngồi ghế, húng hắng ho khan rồi nhìn vào mấy con (đây là cuộc họp bất thường) khà khà mãn nguyện cười: “Có chúng mày thì tốt rồi, con chống trộm là con chó, con diệt chuột là con mèo, con báo tin là con vẹt. Tuyệt, tuyệt! Hảo, hảo!”. Thì ra ông đã sắp xếp tất cả vào vị trí. Đoán chắc của nả ông phải nhiều lắm, những thứ nổi bên ngoài kia khỏi phải bàn, còn của chìm, ý ông muốn bảo vệ của chìm cơ.

Ở với nhau lâu tôi thân được với chó Mích. Người ta bảo chó mèo khó ở với nhau, tôi đã lập kỷ lục về sự chung sống hòa thuận đầu tiên? Ban đầu gườm ghè nhau khủng khiếp, sau thấy tôi “chơi đẹp” con Mích làm lành. Chỉ không thân được với con vẹt. Tôi và Mích đều ghét nó, bởi vì chẳng những nó ở riêng một thế giới mất tự do, lại còn hay chạnh chọe nịnh nọt ông chủ, học đâu cái thói rởm đời ấy, động thấy ông chủ về là ưỡn ẹo kêu “Chao âm chu, chao âm chu”(chào ông chủ, chào ông chủ). Chả như tôi, cũng phải biết liêm sỉ là gì, khi nào ông chủ gọi mới vào.

 

 

3

 

Ông Thúy chuẩn bị “hạ cánh”. Đứng ở ngoài ngõ đám đàn em mang quà đến nhờ vả vẫn nói vậy, tai tôi thính lắm, chẳng gì qua được. Con Mích lúc này bị xích vào một góc cũng gân cổ lên sủa, đợi đến khi ông chủ quát mới im, ra vẻ ta đang “làm nhiệm vụ”. Thì ra ông Thúy về hưu nên muốn làm một mẻ, sẽ nhận lo lót cho ai có nhu cầu cần việc làm trong và ngoài cơ quan, chỉ cần có tiền. Ngoài ra, những dự án nghiên cứu X, dự án học thuật Y, công trình nghiên cứu khoa học Z... ông đều cố gắng nhận để có những khoản ngoài lương. Những việc mà người khác làm với ông cho tôi niềm tin ông phải là một người có tầm ảnh hưởng lớn, một sếp thật bự. Tuy ông chủ được gọi là người “thét ra lửa” nhưng đối với vương quốc riêng là gia đình thì hầu như hoàn toàn bất lực. Không bảo được vợ và hai con. Bà Thắm một mình thuê nhà làm quán cà phê. Cô Trinh cặp bồ với một quan chức tầm cỡ bằng tuổi ông Thúy bố cô, cậuNambỏ học giữa chừng cả ngày tụ tập bạn bè say xỉn, đôi khi gọi điện về nhà gặp cô giúp việc, nếu biết cả nhà đi vắng hết mới ẵm một cô ả nào đó về nhà vui thú. Bốn thành viên chẳng mấy khi ngồi ăn cơm với nhau cho đầy đủ, có khi ngồi với nhau nhưng nói dăm ba câu là to tiếng. Một lần gần như cả tuần ông không nhìn thấy con trai, bữa nay ngồi ăn cơm trước mặt ông, phờ phạc. Ông hỏi:

- Con đi đâu mà lâu rồi bố không thấy?

CậuNamgắt:

- Bố thì làm sao thấy con! Cả ngày bố cũng đi đâu ấy, có quan tâm đến ai.

Ông Thúy quắc mắt:

- À cái thằng này, mày nói với tao thế à?

Chẳng cần lấn át con cái, bà chủ Tô Tô Thắm thấy chồng quắc mắt lên với con thì cất tiếng mắng chồng:

- Có bao giờ ông quan tâm đến nó đâu mà thấy nó ở nhà. Chỉ được cái...

- Chỉ được cái gì? Tại sao bà cứ thích chặn họng người khác thế?

Bà Thắm dằn cái cốc uống nước đánh ‘‘rầm” xuống bàn, bỏ đi, còn ngoái lại ném một câu: “Đừng tưởng ra ngoài quát được người mà về nhà to. Ông hãy xem mặt ông đi”. Ông Thúy điên lên, nhưng phải hãm, chẳng ăn thua gì trong lúc này cả. Bỏ vào phòng với mấy cuốn sách luật.

CậuNamlà không có ngoan đâu. Cái thói lêu lổng, gái gú của cậu cũng do bà Thắm “đầu độc”. Hôm cậu đưa một cô gái về nhà, cả hai cởi hết ra, tôi nhìn thấy cái mông cậu rõ to, mông cô gái rõ trắng, cả hai cứ đè lên nhau, kinh thật. Ghét nhất là đi nhậu về cậu thường nôn, mùi mẽ khó chịu hơn mùi chuột thối. Chân cậu to mà nặng, vô tình để nó đá vào người tôi thì thôi rồi. Trái ngược với cậuNam, cô Trinh có thú chơi khác, cô chơi xe. Xã hội có mốt xe máy nào mới nhất định cô phải đòi có bằng được. Mỗi khi ông Thúy đe con thì bà Thắm sừng sổ: “Ông nói con nó vừa thôi, ít nhất nó cũng là dòng dõi quý tộc nhà ông”. Gần đây cô còn đòi mua ôtô. Ông Thúy bảo con: “Đừng làm vậy con gái, đến ôtô của bố bố còn hạn chế đi...”. Cô Trinh bĩu mỏ: “Đấy là tại bố muốn sống khổ, có ai bắt bố khổ thế đâu!”. Cả đời ông chủ com cóp, làm lụng, nhận quà, đều bị bà vợ tay hòm chìa khóa giữ cả. Về chuyện cô Trinh đòi mua xe, bà Thắm đã hứa sẽ lưu tâm, nhưng bảo cứ để từ từ tính. Cô Trinh phụng phịu, mẹ chưa cho cũng đành chịu.

4

Độ này lũ chuột tấn công nhà ông nhiều quá, bất kể những thứ gì ăn được chúng đều chén sạch. Thường chúng dùng được những thứ mà cô giúp việc quên không cho vào tủ lạnh, thùng gỗ. Hoặc chúng có thể tấn công vào thùng rác. Thùng rác nhà quan chức cái ăn cũng dễ kiếm hơn. Giấc ngủ ông chủ thường bị tiếng động của chúng khuynh đảo, điều đó khiến ông rất bực. Ông “triệu tập” tôi và con Mích, vỗ về, giao cho nhiệm vụ phải “dọn” lũ chuột, quét sạch chúng khỏi ngôi nhà. Hai chúng tôi đã có sự hợp tâm, nên sốt sắng nghe lời. Vì ông hứa sẽ thưởng.

Một hôm, tôi đang làm nhiệm vụ truy quét lũ chuột ra ngoài bờ giậu nhà hàng xóm. Lũ chuột tháo chạy mất tăm. Tôi thủ thế chờ để sẵn sàng lao tới bất kể tên nào xuất hiện, tức thì gặp một anh mèo hàng xóm. Anh ta đô con hơn tôi, móng vuốt to khỏe và sắc. Anh lò dò đi dạo trong bóng đêm, không có vẻ gì bận rộn. Tôi hỏi bằng ngôn ngữ của loài mèo: “Anh có thấy lũ chuột chạy qua không?”. Anh mèo kia cười ruồi: “Có, nhưng chúng nó chạy nhanh quá. Mà tôi thấy cậu nhiệt tình quá mức cần thiết rồi đấy!”. Thấy tôi ngớ người chẳng hiểu, anh ta gật gù: “Chuột là người bạn thân của tôi đó. Vì chẳng có chuột thì tôi không biết sống bằng gì. Thực ra, loài mèo đâu có được thưởng thức của ngon vật lạ nào. Cho nên, chủ yếu sống nhờ chuột. Tôi nghĩ, loài mèo chúng ta nên vừa bắt chuột vừa phải bảo vệ chúng”. Tôi thấy ngứa tai quá, nhưng điều tôi nghe thấy là sự thật, phát ra từ miệng một con mèo. Sự thật này quả là đau lòng. Như vậy loài mèo đã phụ lòng tin của con người. Tôi nói: “Anh mèo ơi, tôi non nớt không hiểu anh nghĩ gì, nhưng tôi cũng biết cái lý rằng ăn cây nào rào cây ấy. Còn anh thì lại thông đồng với chuột”. Hắn hất cằm, meo meo: “Này nhóc, ta chẳng việc gì phải rào cái gì cả. Điều gì có lợi cho ta thì ta làm. Trước mặt người, ta vẫn bắt chuột, nhai rau ráu cho họ xem. Họ quá tin tưởng vào ta, giao trách nhiệm cho ta, thì ta thích gì mà chả được”. “Cho nên chẳng bao giờ hết chuột cả” “Phải, con người đôi khi khờ khạo quá. Họ nghĩ ra nhiều cách, nhưng chẳng có giải pháp nào diệt chuột hữu hiệu cả. Và họ phải phục tùng mèo. Ông chủ của ta ý à, cũng là loài chuột cả. Vì ta thấy bà chủ ta nói vậy”. Chưa hết, mèo kia còn nói: “Chủ ta ý à. Xấu xa lắm. Chủ của cậu cũng chẳng hơn gì đâu. Ở đây lâu năm tôi biết điều đó, những việc làm lén lút của ông ấy”. “Không, chẳng tin, mà dù có như vậy, tôi cũng chỉ là con mèo. Tôi không chê ông chủ đâu”

Ôi, đồ đểu. Tôi nghĩ. Thế thì lòng tốt đã bị lợi dụng rồi. Tôi ghét hắn. Tại sao hắn có thể thốt ra những lời như vậy. Những lời hạ nhục họ nhà mèo. Loài mèo thì phải quân tử, chơi đẹp, sống bằng cơm chủ thì phải lo việc chủ, đằng này...

Tôi không thèm tranh luận với gã. Dù gã có nói thế nào tôi cũng không thể phản bội hay có bất kỳ ý nghĩ xấu xa nào. Vì dù có làm theo ý gã thì tôi vẫn chỉ là con mèo không hơn không kém. Ôi, những loài vật đôi khi vô tri. Tôi ước gì có một thứ tôn giáo nào đó cho loài vật, đặc biệt là mèo, như con người đã từng có tôn giáo rồi làm trái ngược với tôn giáo. Nhưng dù sao có tôn giáo vẫn tốt hơn.

Tôi vòng về nhà, dọc đường mấy thằng chuột nhắt chạy loạn xạ, không biết sợ thật hay giả vờ để tôi mất cảnh giác. Nhưng rõ ràng là chúng đã kêu la. Ông chủ đang ngủ. Đêm nay tôi muốn canh cho ông ngủ. Đêm qua bị lũ chuột quậy phá nên ông đã mất ngủ, dù chỉ tiếng động nhẹ. Lúc đó, tôi có “ra tay” với lũ chuột nhắt thì cũng để lại tiếng động. Ông chủ đã chửi đổng.

Mấy thằng chuột nhắt chít chít kêu rồi chạy mất vì ông chủ nói mê. Đêm qua trước khi thức giấc, ông cũng nói mê. “Ta phải cắt tai các người, ta phải cắt tai các người.” Lúc sau thấy ông hét “không...” làm tôi giật nảy. Mồ hôi ông vã ra như tắm, đoán chắc ông vừa trải qua ác mộng. Người hay lo sợ thường như vậy. Ông ngồi dậy, vớ lấy cốc nước nhưng nó đã khô từ lúc nào. Rướn người hẳn kéo chai nước suối tu. Ông thấy tôi vẫn ngồi canh, kêu meo meo, nhìn một cái rồi bế tôi lên. Cử chỉ này cho phép tôi nghĩ rằng ông đang rất lo lắng, muốn có người an ủi.

“Mèo này, mày không hiểu nổi tâm trạng tao lúc này. Tao toàn thấy ác mộng là thế nào nhỉ? Tao chưa tính sai chuyện gì. Tất cả đều được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyết định một việc. Tuy nhiên, hành sự tại nhân thành sự tại thiên. Càng phải cẩn thận hơn mới được”. Giọng ông thều thào trong đêm. Tôi bỗng thấy ông cô độc, hơn một con mèo xa quê bị ném vào thành phố như tôi. Thực ra con người là loài sợ cô đơn nhưng thường trải qua cô đơn nhất. Ông Thúy đặt tôi xuống, lại thả người mình xuống giường, vắt tay ngang trán. Sẽ lại trằn trọc cả đêm thôi. Tính ông hễ lo lắng là khó ngủ. Chẳng bù cho bà Thắm, đặt mình đâu mắt cũng muốn nhắm.

5

Mới hôm trước ông chủ hẹn đàn em đến bàn chuyện chia chác lợi nhuận của một dự án cấp Bộ mà ông đã tham ô một phần. Còn hả hê khao nhau bằng rượu Tây nhắm với thịt ba ba hầm thuốc bắc mừng chiến thắng. Hôm sau khi nhận được một cuộc điện thoại đã thấy mặt ông Thúy tái dại. Nhanh chóng gọi lái xe đến chở đi. Tình hình gấp gấp.

Ông chủ tha bộ mặt đắp thuốc súng từ cơ quan trở về. Đầu tiên là ông đá con Mích khi nó chạy ra quẫy đuôi, liếm vào chân ông mừng. Sau ông đi vào sân, con vẹt lại chao âm chu, chao âm chu. Bực mình ông vả vào chiếc lồng, nó chao đảo lộn ngược một hồi rồi rơi phịch xuống đất. Con vẹt xõa cánh phạch phạch rồi im bặt. Còn tôi, đứng trên cái ghế meo meo, ông Thúy quát “Còn mày nữa” rồi thưởng cho phát đá đau điếng, ngã lộn nhào, cảm giác phèo phổi trộn lẫn vào nhau. Tôi lảo đảo chạy xuống bếp, liếm vào cạnh sườn cho đỡ đau. Cô giúp việc nhìn tôi tức tối, chạy ra ngoài xem sự thể thế nào. Ông chủ ném bịch chiếc áo khoác gọi cô giúp việc:

- Dọn mấy thứ này đi.

Cô giúp việc chạy vào, nhặt mấy thứ vỏ hộp bia với vỏ bánh kẹo cậu chủ ban sáng moi ra từ chiếc cặp khoác của mình. Sáng nay người yêu cậu chủ đến sớm, rủ nhau đi đâu đó, hình như đi chơi xa bằng xe máy. Ông chủ hỏi:


“ThằngNam đâu?”. Cô giúp việc khẽ thưa: “Cậu ấy cùng người yêu đi chơi rồi ông ạ”. “Mày có biết chúng đi đâu không?” “Dạ, cháu không biết, nhưng chắc đi xa. Cậu ấy có sờ vào két của ông”.

Ông Thúy mở tủ, xem xét những cọc tiền. thấy vơi đi nhiều. Ông đấm thụp vào chiếc tủ sắt, nhưng phải nhận đau là nắm đấm của ông. Cáu tiết, ông chủ lôi ra chai Remy dốc vào cổ. Được mấy tợp ông nằm vật xuống thở, vừa xót xa vừa lo lắng. Chắc ở cơ quan có chuyện gì... Hay là
tai họa...?

Vừa đặt mình xuống thì bà chủ về. Bà Tô Tô Thắm độ này nở nang gớm, ăn mặc gợi ơi là gợi. Vị khách theo thi thoảng ý nhị nhìn xoáy vào ngực bà cười nhỏn nhẻn. Bà cũng cười đầy ý tứ. Ông ta ăn mặc đồ thể thao, dáng còn khỏe và có râu quai nón. Chắc người tình. Cô giúp việc một lần than thở bảo đố ai đếm được người tình của bà chủ. Tôi nghe trộm được những lời thầm thĩ đó. Ông chủ húng hắng ho đánh động trong phòng, nhưng bà Thắm vẫn râm ran nói chuyện với khách không để ý đến chồng. Lát sau ông chủ đi ra, bà Thắm vồn vã:

- Mình, mình về sớm thế? Em định bàn với mình một việc đây.

- Việc gì thế?

- Này, em định bán cái nhà này, mình sẽ mua một biệt thự khác ở Hồ Tây sống cho sướng. Vừa lãng mạn vừa đẹp, chẳng như mấy cái thứ dở người mình treo lủng lẳng ngoài kia. Giá ở khu này đang lên. Mình đủ tiền mua trên đó.

- Không được.

Bà Thắm tròn miệng:

- Sao thế mình?

- Dứt khoát không được. Cái nhà này ở vẫn tốt chán, tôi chả phải mua chỗ nào khác.

Bà Thắm không thuyết phục được ông chủ, nổi cáu. Mắng ông dở hơi nệ cổ. Có người đàn ông kia trong nhà, ông Thúy tránh đi, chẳng tranh luận gì với vợ. Ông biết mối quan hệ của vợ bên ngoài, nhưng trắng trợn đưa về nhà thì không ngờ. Mặc. Ông chẳng thèm chấp. Loại đàn bà không biết giữ thể diện cho chồng chắc gì còn liêm sỉ. Ông cay đắng nghĩ rồi trở lại giường.

Bên ngoài, bà Thắm liếc xéo chồng rồi cay đắng rủa: “Đồ phải gió, chết quách đi rồi ôm lấy cái đống cổ này. Anh không biết là em ngán lão đến thế nào”. Gã đàn ông kéo bà Thắm lại, hôn đánh chụt vào má: “Bình tĩnh, lão chẳng sống được vài năm nữa đâu!”.

Trời gió nhẹ và đèm đẹp dễ sợ. Không khí nhỏn nhẻn được bà chủ lôi đi cùng với người đàn ông lạ mặt, trả lại cái vắng vẻ cho ngôi nhà. Cho tiếng meo meo của tôi và tiếng ư ử vì tức của con chó. Tôi ngồi cạnh cây hoa Tai người của ông chủ và tưởng tượng ra, có lúc nào đó mình sẽ cắt tai tất cả lũ chuột ở khu này để làm hài lòng ông chủ, như ông chủ đã từng mơ ước mình cắt được tai tất cả những kẻ chống lại mình. Càng nghĩ tôi càng thấy mình bất lực, bởi vì tôi mất niềm tin. Loài mèo nhà tôi đã có những kẻ chẳng tử tế gì. Ăn cơm chủ không tận tâm vì chủ. Ông Thúy lại chẳng cho tôi một nghiệp vụ nào để diệt chuột, vì bản thân ông cũng chẳng am tường chuyện đó. Nhưng thôi, biết làm thế nào. Để khỏi buồn tôi luồn ra vườn, khu bụi rậm nơi lũ chuột thường hoành hành ban đêm. Chẳng ngờ gặp gã mèo hôm nọ đã hùng hồn tuyên bố loài mèo phải vừa diệt vừa bảo vệ chuột. Gần chỗ gã mấy tên nhắt vẫn chít chít, sự xuất hiện của tôi mới xua chúng đi. Gã mèo bệ vệ hơn. Gã biết tôi vừa ăn đòn của ông chủ. Gã cảnh báo tôi về con người và sự trung thành mù quáng của tôi. Nhưng tôi bỏ ngoài tai, chẳng muốn giao du với một kẻ ăn ở hai lòng. Tôi về.

CậuNambị tai nạn vào bệnh viện. Ông chủ đích thân đến đó, ới đàn em đến giúp, vẫn đứng ngồi không yên. Cậu ấm của ông được sinh hạ trong nhung lụa nhưng thừa hưởng cái bất cần của mẹ, cái phớt đời của cha và tính tiểu thư của cô chị nên tạp nham nhân cách, thành một cậu ấm có đầy đủ sự ham thích đua đòi nhưng khiếm khuyết sự tiến bộ. Rốt cuộc cậu vẫn là quý tử thành ra ông bà vẫn phải nâng như nâng trứng. Giờ cậu nằm đó yếu ớt, máu me đầy mình. Cô Trinh đi đâu mãi từ hôm qua. Bà chủ không thấy xuất hiện cũng chẳng thèm gọi điện về. Trưa. Để con nằm lại bệnh viện ông chủ về. Ông ngồi gảy cơm một mình còn cô giúp việc ăn sau. Tôi được ông chủ ném cho miếng sườn như để bù lại cú đá. Tôi không để bụng nên ăn ngon lành. Được nửa bát ông Thúy đứng dậy cầm miếng táo, nói không muốn ăn. Cô giúp việc thưa: “Ông ăn ít vậy ạ? Ông ăn thêm đi ạ”. Ông lắc đầu. Đồ ăn ngon được cô giúp việc “giải quyết” quá nửa. Ông ngả lưng ở ghế gọi cô giúp việc vào bóp chân nhưng cô gượng, nói không dám rồi lảng xuống nhà bếp. Rất nhiều ngày chỉ có ông chủ và cô giúp việc ở nhà nên kiểu gì cũng có chuyện. Ông chủ vừa mệt với việc xã hội, vừa lo lắng cho tương lai lại mệt nhoài vì vợ, chuyện muốn tâm sự gần gũi với cô giúp việc trẻ tuổi những lúc tâm trạng yếu mềm chẳng có gì lạ. Nhưng ông thường bị nhẹ nhàng cự tuyệt.

Nóng lòng ông gọi điện cho vợ và con gái nhưng đều thất vọng cúp. Hôm sau cậuNamtỉnh. Ông Thúy lui ra khi thấy cô người yêu của con trai mình nhỏn nhẻn hôn nhau. B 3556 n trẻ giờ táo tợn thật. Mãi trưa hôm đó mới thấy bà chủ về, ông chủ cáu gắt: “Bà không đi nữa đi. Bà chẳng coi cái nhà này ra gì. Thằng con đang nằm trong viện kia kìa”. Bà chủ òa khóc rồi lao vào bếp hỏi cô giúp việc cậu chủ nằm viện nào. Bà bổ đến đó chẳng đếm xỉa gì ông chủ. Và đến tối thì sự xuất hiện của cô Trinh cùng với người tình đã làm ông chủ nổi đóa. Cô con gái chỉ ý nhị cười làm bố hạ hỏa càng nhanh càng tốt. Ông hạ hỏa thật. Lúc đó có tôi quẫy đuôi cọ cọ vào chân ông nữa. Cái thở của ông buồn thật buồn...

6

Gần hai tuần sau cậuNamđược ra viện với những vết thương chưa thực sự lành. Bất kể những can ngăn của bố cậu vẫn muốn tụ tập bạn bè. Ông chủ một hôm ở cơ quan mang về bộ mặt thiểu não đến thê thảm. Hóa ra ông chẳng cắt được tai ai cả, cũng chẳng kiếm chác thêm được gì cho giai đoạn “hậu sự”. Hơn nữa ông còn bị đánh động với rất nhiều việc làm khuất tất của mình trước đó. Bè bạn quay ngoắt phản bội ông. Những kẻ từng được ông nuông chiều giờ có kẻ khác béo bở hơn nuông chiều đã hắt hủi ông. Một mình một thế giới cô lập là cái kết quả mà cuối đời hoạn lộ ông nhận được. Cay lắm chứ! Vì thế ông lâm trọng bệnh. Tinh thần ông suy nhược và mê sảng mỗi giấc ngủ. Tôi là con mèo ngốc nghếch lại ở cùng ông trong những lúc này. Sức ông kiệt đi nhanh chóng và thân thể tong teo. Bà chủ phởn phơ phấn son và người tình. Và một ngày, tôi biết là bi kịch của gia đình ông đã đến. Ông chủ tận mắt chứng kiến thấy bà chủ ông hôn người tình trong nhà mình. Ông cầm gậy đuổi nhưng bị xô ngã dúi dụi. Ông Thúy nằm kêu khóc. Bà chủ nhăn mũi: “Ông hết thời rồi còn lên nước làm gì. Đừng làm gì quá đáng mà tổn thọ”. “Đồ mất nết, thằngNamcái Trinh đâu, tống cổ con đàn bà này ra khỏi nhà này!”- ông Thúy kêu trong vô vọng. Cô giúp việc ngồi trong kia không dám nhúc nhích, còn mặt mũi cô cậu chủ vẫn bặt tăm. Bà chủ tiến lại, hất hàm: “Ông gọi chúng à? Chắc gì chúng đã là con ông mà ông gọi. Ông đã xét nghiệm ADN chưa? Hư, bao nhiêu năm nay ông... phải nói thế nào nhỉ. À, người khác thả cá ao nhà mình...” Những lời cay độc cố tình của bà Tô Tô Thắm khiến ông chủ đã đau lại muốn nổ tung đầu. Từng lời bà nhọn hoắt như muốn chọc vào tim ông khiến ông ngã bổ chửng. Cô giúp việc vội vàng lao ra đỡ ông lên giường. Miệng ông rên hừ hừ. Bà chủ nheo nheo mắt bỏ đi.

Biết là bố ốm nhưng cô Trinh vẫn bay ào ào như cơn gió cùng người tình. Cô và mẹ dường như thi nhau mải mê đeo đuổi tình nhân thì phải. CậuNamđã khỏi hẳn và bỏ học cùng đám bạn xuống Hải Phòng đánh bạc sau khi cuỗm được cọc tiền của bố. Ngôi nhà chỉ có mình cô giúp việc và ông chủ, và mấy người bạn của ông là chúng tôi. Chẳng còn một cậu cấp dưới, một anh bạn sang hèn nào đó đến thăm cả. Đêm ông chủ mê sảng nhiều hơn. Thường hét toáng vì như có ai đó đuổi cắt tai mình. Tôi biết là ở cơ quan, ông đã bị hạ gục và chờ ngày ra tòa. Cấp trên đã cử một đoàn thanh tra, phát hiện những việc làm khuất tất của ông. Lũ chuột dường như biết ông chủ ốm thì phải, ra sức oanh tạc. Còn có sự cổ vũ của gã mèo lạ lùng phản chủ thì phải. Tôi mất quan điểm, cấu kết với loài chuột, chắc gì đã yên thân sau này. Với lũ chuột chẳng có gì đảm bảo là không bán đứng tôi. Cự tuyệt, không đội trời chung với chúng là hay nhất. Bỗng, tôi bắt gặp một tên chuột cống to tướng. Hắn lừng lững nhe nanh như một kẻ sẵn sàng ứng chiến. Mấy đêm rồi hắn tự do ra vào nhà bếp, nhưng đêm nay mới thấy hắn đứng lại. Sớm muộn cũng có ngày hôm nay mà. Tôi thủ thế chuẩn bị tấn công. Chuột ta rung rung bộ râu bẩn thỉu của loài ăn cướp, tỏ vẻ khinh thường một con mèo nhép. Được. Cứ khinh đi. Tôi tỏ vẻ sợ hãi để chuột chủ quan lơ là, đồng thời dồn sức vào đôi chân trước với bộ vuốt đã được gìn giữ nhọn sắc. Hai chân sau có vẻ chệnh choạng mà vững chãi, sẵn sàng đẩy nhanh cơ thể về phía trước, xông thẳng tới tên chuột. Hắn tiến lên, còn tôi lùi, lông hơi rúm. Những hình ảnh này khiến chuột cống càng chủ quan, nghĩ tôi đang sợ. Chờ cho chuột tiến lên mấy bước nữa, tôi dùng hết lực đâm thẳng tới, bộ vuốt vồ đánh sượt vào mạng sườn tóe máu. Cổ nó lại dính một vết ngoạm điếng người. Hắn lảo đảo chạy liền bị tôi định hướng trước chộp được, đè lên lưng cào cắn liên tiếp. Chuột cũng ngoái đầu lại ngoạm được vào chân tôi một miếng đau buốt. Nhưng chẳng ăn nhằm gì với khí thế của tôi lúc đó. Tôi giữ miệng mình cho những chiếc răng cắm sâu vào cổ chuột cho đến chết. Ờ, khinh ta nữa đi, đồ chuột cống thối tha. Ngươi chẳng ngờ ta lại khỏe hơn ngươi phải không. Chỉ vì ta có lòng dũng cảm, hơn nữa, ta biết ta cần phải sống đúng là con mèo.

Đó chỉ là một con chuột trong triệu triệu con. Tôi đánh thắng nó ngoài lòng dũng cảm ra còn bởi sự liều mạng một mất một còn. Thú thực lúc đó tôi run nhưng cùng đường rồi. Không đánh bại chuột thì xấu mặt nhà mèo, mà có thể nó sẽ giết tôi. Kéo nó về phòng ông chủ rồi canh cho đến sáng. Ông Thúy thất thần thấy một con chuột chết xơ xức lông nằm giữ vũng máu. Bên cạnh là tôi. Ông nhìn tôi hiền từ, tỏ vẻ tán dương một con mèo đã có công. Gần trưa hôm đó vì quá buồn nản và đầu óc mê mị, ông Thúy gọi cô giúp việc đến, cầm tay và nói: “Ta biết là cháu thương ta. Này, ta rất buồn. Cháu thương thì thương cho chót. Cháu hãy chiều theo ý ta đi”. Ông lại kéo cô vào gần mình. Cô giúp việc giãy ra: “Ấy ông, những ngày vừa qua ông ốm nặng. Thưa với ông, cứt đái ông thải ra cháu có thể mang đổ được, hầu hạ ông được. Bẩn bao nhiêu cũng chịu... Còn chuyện này thì... cháu không thể...”.

Nói rồi cô bỏ vào trong khóc ti tỉ. Ông chủ thất vọng đăm chiêu ngồi. Sau ông lê lết ra ngoài, suýt ngã khi nhìn chậu hoa Tai người đã rơi rụng hết. Những cánh hoa lả tả đầy gốc như những chiếc tai bị cắt còn dính máu đỏ tươi. “Số kiếp ta tận rồi sao? Số kiếp ta tận rồi sao?”- Ông lẩm bẩm. Ông cứ lẩm bẩm những lời quái dị đó. Rồi đích thân ông thả con vẹt ra. Chỉ chờ có thế, con vẹt lỉnh luôn không một lời chào trong khi trước đó nó còn nịnh nọt: “Chao âm chu, chao âm chu" inh ỏi. Ông cũng nhìn con chó rồi gọi cô giúp việc, bảo: “Hãy mở xích cho chó, mở cổng cho nó. Cho cả con mèo này nữa. Con nào muốn đi thì đi. Cả cháu nữa. Bác sẽ trả hết tiền công cho cháu về”. Cô giúp việc khóc ti tỉ: “Không, cháu về rồi ai chăm sóc bác. Cháu phải đợi bà chủ về” “Bà ấy sẽ không về đâu. Không phải đợi. Mở cổng đi”.

Con chó tót đi thật. Đúng là đồ chó. Nó sẽ bị thằng nào đó câu rồi chế biến thành mười món thôi. Nó cũng giống con vẹt nịnh nọt. Còn tôi quyết không rời ông chủ. Cứ ve vãn, quẫy đuôi, lượng qua người ông. Ông vuốt ve tôi: “Mèo ngoan của ta. Hãy đi đi, tìm đến nhà nào đó đàng hoàng mà sống. Thời của tao hết rồi. Chẳng bao lâu người ta sẽ đến lôi tao đi. Nhà này thế là tan tác. Mày cũng đi đi thôi, tao không thể cùng sống được với mày nữa”. Oao oao... tôi kêu lên mấy tiếng, để thông báo với ông chủ rằng tôi sẽ không đi đâu hết. Ôm tôi, rồi ông chủ khóc. Ông lại ho ra máu. Biết là bệnh của ông đã rất nặng.

Chiều. Cô Trinh trở về, chỉ hỏi một câu: “Bố ốm nặng à? Nghỉ đi nhá!” rồi ôm tôi đi. Tôi chẳng hiểu cô ôm tôi đi để làm gì. Về đến nhà người tình, cô dúi cho tôi ăn món xúc xích đã mua sẵn. Lát sau người tình cô cầm một bọc to về, bảo thức ăn mèo. Ôi, cô Trinh lại giở chứng thích nuôi mèo. Cô ngỏn nghẻn ngồi nói với người tình: “Ở với anh, tự nhiên em thích mèo. Bế mèo nhiều khi thú vị hơn ôm anh”. Người kia ha ha cười.

Cô Trinh lại còn vùi tôi vào ngực mình nữa khiến tôi ngạt thở. Mùi phấn son với nước hoa sực nức. Nhưng tôi không xài được món này. Nếu xài được tôi đã là người chứ không phải mèo. Mấy ngày ở với cô chủ tôi được chuốc nhiều thức ăn, nhưng buồn thương ông chủ không ăn được. Với lại không quen đồ ăn chế biến sẵn. Lúc nằm trong ngực cô cũng thấy ấm áp, nhưng nhớ ông chủ hơn. Tôi quyết định đến tối sẽ về với ông chủ.

Khi vượt đường trở lại nhà bằng một bên chân còn tập tễnh do dính miếng đòn hiểm khó khỏi của tên chuột, tôi đã suýt quên. Nhưng vì quá nhớ, cho nên tôi đã nhanh chóng tìm được đường về. Lúc này là nhập nhoạng tối. Tôi biết cô chủ sẽ cuống lên đi tìm, cô chẳng thể ngờ tôi lại tìm về nhà.

Cô giúp việc đã đi. Ngôi nhà lạnh lẽo tang thương. Lũ chuột chút chít chạy rầm rầm tìm thức ăn. Ông chủ ngồi đó, bất động, như một pho tượng cổ xuống cấp. Có lẽ ông là người cô đơn nhất thế gian này. Tôi chui vào lòng ông, cọ cọ lưng của mình vào người, chân ông. Ông vuốt nhẹ vào bộ lông của tôi mà than. “Tao đã tưởng chẳng bao giờ gặp lại mày nữa. Nhưng mày đã về đây rồi. Đúng là con mèo trung thành. Đời tao được một vài người như mày, hẳn sẽ chẳng có kết cục ngày nay”. Rồi bất thình lình công an ập vào đọc lệnh bắt giữ, không khí bị lật tung. Ông chủ của tôi ơi, ông đã bị bắt. Lúc này tôi chỉ còn biết đứng nép vào chậu hoa nhìn ông bị khóa tay. Đời ông buồn quá ông ơi. Dù ông phạm tội gì, dù ông có sai trái thì ông vẫn là ông chủ. Tôi đau đớn nhìn ông bị dẫn đi, khi đã thành một người tàn tạ, già nua. Bà chủ, cô chủ, cậu chủ ở đâu?

7

Con mèo đó đã bị bọn câu trộm câu mất và trở thành một món nhậu ngon lành của chúng. Sau khi ông Thúy bị bắt, phần nhiều tài sản của ông bị phanh phui, tịch thu. Có phần bà chủ Tô Tô Thắm làm thủ tục bán mất. Nhưng bà bị tình phụ. Là gã đàn ông đó. Bà đã bị đời làm cho trắng mắt. Bị lợi dụng nẫng hết tiền của. Sau bà ân hận, tìm đến trại giam nơi chồng đang thụ án. Bà nói lời ăn năn. Và, những ngày ở tù, những lần vào thăm chồng, hai ông bà lại được hưởng hạnh phúc ở “buồng hạnh phúc” của nhà giam. Bởi khi ông còn đương chức thì bà cũng “tung hoành” với các mối tình. Việc lấy ông Thúy hoàn toàn là lợi dụng. Giờ thì...

Ông Thúy vẻ tiếc nuối nói với vợ:

- Giá anh bị bắt sớm hơn thì vợ chồng mình đã sớm có được hạnh phúc thực sự, em nhỉ?

 

19- 10- 2008

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86568


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận