Bụi Cay Mắt Người Truyện 7


Truyện 7
Kho phấn hoa

Đừng buông giọt mắt xuống sông

 Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm.(1)

1

Lớp có hai chín người, con gái hơn hai phần ba, nhan sắc khiêm tốn. Đầu năm học, anh chìm đắm trong một mối tình vu vơ mà tuyệt vọng. Bọn nó gọi sét đánh. Đoàng đoàng vài ánh mắt xa xăm, hơi ngờ nghệch, thế mà anh chàng nhà văn trẻ ngã lòng. Thì đúng. Mà cũng không phải, anh không yêu, chỉ đùa bỡn chút ít, nhưng cũng đủ để người khác coi đó là chân thành. Trong anh chồng chất mâu thuẫn. Chinh chiến cuộc sống bên ngoài nhiều, cô ấy nói, anh không bị mất đi sự hồn nhiên, tình yêu của anh dành cho em trong trẻo quá. Anh ngả ngớn cười thầm.

    Anh hiểu rõ con đường chinh phục trái tim đàn bà, dạ dày là con đường đi tắt. Nên hai đứa thường dạo phố và

ăn uống, ăn uống và dạo phố, nhạt phèo, để rồi đêm về miên man nghĩ. Người con gái mình đang chăm sóc lẽ ra phải là em. Nhưng em ở xa quá. Làm sao đây. Còn một khoản khác, mà khiến những gã trai như anh rất ngại nghĩ đến, nôm na là tình phí. Không còn được gia đình chu cấp nữa. Anh viết văn, làm báo, mài đũng quần lên ghế và sòng sọc gõ máy tính, vò đầu bứt tai, tại vì thế mà anh được gọi là người có mái tóc mì tôm. Kiếm chác bằng ngòi bút chỉ tàm tạm dè xẻn chi tiêu, đèo thêm khoản tình phí không đâu, tốn kém. Với cô ấy, với mọi người, anh vẫn tỏ ra hào phóng, vô tư. Tiền chi ra lúc ấy dứt khoát, không gợi chút rụt rè, tối về mới nằm xoa ví một mình. Trong khi với em anh chỉ dám viết thư, điện thoại không dám gọi nhiều, đi đường nhìn gì cũng thèm thuồng nuốt nước bọt.

 Anh không có nhiều thời gian, cũng chẳng có điều kiện vào trong đó, nên những năm tháng trống tênh này, không còn biết làm gì khác, là kiếm mối tình vắt vai, dạo chơi, và chờ. Mà biết bao giờ em về. Lòng nhiều khi mệt mỏi, sợ mình không còn đủ sức bươn bải học hành, văn chương. Mà em có biết người làm thơ, viết văn đa sầu đa cảm lắm sao! Ao ước em về đây, tay nắm tay, như ngày mình mới yêu nhau. Tình yêu đầu ngây thơ chân thực. Cùng dạo phố đông. Hà Nội những con phố anh đã trải thơ, và hồn mình. Nhiều hôm đi học quên mang sách, ăm ắp mơ hồ, lạc vào phố mà chẳng biết đi đâu. Anh mong đưa em về ngõ Tạm Thương, cà phê Phố Cũ, Chiều Mây, hay đường Cổ Ngư bên Hồ Tây trữ tình...

Cô gái đó tên Tân, người anh đã đắm chìm trong mơ hồ yêu đương đó. Càng gần gũi cô ta, càng nghĩ đến em. Cô ta có gò lưỡng quyền cao, chiếc cổ dài, lưng hơi gù. Anh không ưa tướng số nhưng cũng biết nhận xét vài lời cho một dáng người. Vớ phải người yêu như vậy, em biết là sao rồi... Một người bạn lớn tuổi, đàn bà, gặp Tân một lần, nói con đấy có cái chó gì mà làm mày mê. Bạn anh gọi cô ấy là Dũng sĩ diệt mồi, cụm từ vừa thể hiện sự khinh thường vừa như thân thiện. Khi tận mắt chứng kiến Tân ôm hôn một người đàn ông thì máu anh sôi lên, nhưng không đủ bùng phát một cơn bão, anh quay về, tay chân khua loạn xạ vào không khí. Chưa là gì của nhau, vậy có quyền gì. Và đấm ngực tự trách mình, hỏi sao đời lại sinh ra cái thứ giả dối là đàn bà? Đàn bà ơi, đàn bà! “Đàn bà là con dao làm tim nhỏ máu...”. Em có nhớ bài hát Đàn bà không?

 

 

2

 

Hai bảy con người còn lại thắc mắc tại sao anh và Tân không đi cùng nữa, không đèo nhau đến lớp mỗi hôm, chẳng dính lấy nhau như những ngày đầu. Tình cảm của anh với Tân đã rơi tõm, cả những ý nghĩ tốt về cô cũng teo tóp. Anh nghĩ đến một kết cục, nhọc nhằn xâu chỉ, kẻ khác đơm khuy. Nói nhỏ, anh không yêu thật. Vậy thì có sao. Nhưng đến một tuần không đi với nhau, anh bỗng nhớ, cồn cào gan ruột, nhớ bỏng tim sôi máu. Anh cười, anh khóc, tiếng khóc nô dịch nụ cười. Anh gọi điện, lại hẹn Diệt mồi. Cô ấy châng lâng, hình như biết tâm trạng của anh lúc này, khinh khỉnh. Trước đó, anh hỏi. Tại sao lừa anh? Diệt mồi nói, lừa gì cơ. Lừa gì à. Anh gắt, em có hắn, sao còn... Ô hay, anh là gì của em mà cấm được. Anh chua chát bứt lá trên đầu, ném tơi tả xuống đất, giống một nhà thơ trẻ thất vọng xé toang bản thảo phơi mưa.

Tất nhiên Tân nhận lời hẹn, lại dạo phố, cà phê, lại ăn uống. Anh hỏi, tại sao em đi với anh. Diệt mồi cười, lấp liếm anh bằng cái cười rung rinh. Chán không hỏi nữa, tự mình hiểu rồi, nhưng đã bảo người viết văn đa cảm. Một loại người ương ngạnh, nhược điểm lớn nhất là ương ngạnh và thích hành hạ chính mình. Đôi khi cảm tưởng mối tình khó đến này, lại ban phát cho mình cảm xúc viết văn, làm thơ. Có chuyện đó thật. Chả thế mà anh viết khỏe, đẻ khỏe, như gà công nghiệp. Đêm đêm ngồi trước máy tính, trước trang giấy, tung cảm xúc dồn nén trong lòng, nghĩ, nếu cảm xúc đó biến thành đá, thành gạch, có thể đè chết anh. Vì thế mà túi đầy thơ, đầy truyện, đầy sự bộn bề chi tiết... Thấy ngày nào không gặp Tân là không chịu được. Anh yêu thật mất rồi, giả hóa thật. Đau quá, không hiểu nổi mình, đã tự bảo đừng để sự ngu ngốc rơi ra, thế mà tự nó lao ra thật. Cảm thấy có lỗi với em. Lại những ngày lao như con thiêu thân trong lửa liếm, gió bạo ngược. Anh tự đặt mình lên con tàu không có phanh, chỉ biết lao và lao. Diệt mồi vẫn khinh khỉnh, bắt anh chấp nhận một con số không, sự thèm khát rộn rạo không được chấp nhận một chút nào. Chài đã mất mà có thấy chì đâu. Đàn ông con trai ở cái tuổi này, xa người yêu, không thèm khát một cặp đùi ngơn ngớn trắng, đôi vú nở, không nhớn nhác nhìn khi cô gái nào đó ăn mặc hở hang đi qua, hóa ra chuyện lạ.

Vậy thì làm sao, làm sao anh chịu được? Khi xưa ở nhà, chúng mình gần nhau, mỗi lúc chỉ có hai đứa, anh gối đầu lên chân em, ngực em quệt vào má, vào mặt. Mùi da thịt tỏa ra. Cả mùi tình yêu ủ ấp hai năm trời. Làm sao anh không nhớ. Con đường quê xưa, ta nắm tay. Anh hát em nghe. Rồi khi nói về mơ ước của mình, em mơ thành bác sĩ, anh thành nhà văn. Nhà văn truân chuyên lắm, em sợ làm vợ nhà văn không? Em lắc đầu. Thế đấy, nghề viết đeo đuổi anh, sự đa cảm, đa sầu bám riết lấy anh, sao ông trời quàng vào cổ anh trách nhiệm này... Rất nhiều kỷ niệm, chúng mình chăm lo cho nhau, cho cánh đồng tình yêu lớn lên. Từ khi xíu nhỏ như hạt cải, đến khi thành cây cải bẹ to. Ông trời bắt anh xa em, xua em vào nửa kia đất nước. Làm sao anh không chông chênh, làm sao anh không nhớ. Ngôn ngữ phần lớn lúc này là nhớ nhung em, nhưng lại muốn ôm một người khác. Gọi đó là giây phút ngoài tình yêu, phản bội. Anh phản bội em, anh có tội.

 

 

3

 

Tân gọi cho anh, nói buồn. Anh đến, mặt Tân bợt bạt như tờ nhật báo. Tân nói hắn bỏ em rồi, độc ác. Hắn kiếm được cô khác, hơn em, đá em liền. Anh chở Tân đi, Diệt mồi buồn thiu dưa khú.

Tân đòi đi chùa, thì đi. Anh theo đạo, không vào, chỉ làm phương tiện. Thấy Tân lầm rầm khấn vái điều gì không rõ. Lại từ bi hỉ xả thôi. Lại lưu tâm trắc ẩn. Trái ngang duyên tình. Anh đưa Tân đi chơi, công viên, bơi Thiên nga Hồ Tây... Mặt Diệt mồi đỡ giống nhật báo. Anh tưởng mình được chấp nhận, thi thoảng đụng chạm được vào cặp đùi một lần vải ấy, với những cái hất tay yếu ớt. Anh đừng làm thế. Thì sao. Em ngại. Ngại gì, đằng nào chả thế. Anh thấy mình giống dân chợ búa hơn một nhà văn tương lai. Hóa ra, con số không vẫn chẳng chịu buông tha mình.

 

Và bởi vì anh và Tân tự bủa vây nhau, nên những cô gái trong lớp không cô nào ngấp nghé đến anh, mặc dù, họ vẫn đang...tìm. Trong số họ, rất nhiều người trong giai đoạn khao khát. Hờ, vàng đây mà có tìm thấy đâu. Giống như những cuốn sách hay hiện thời, chẳng ai thèm đọc, chúng nằm im ỉm cho lớp bụi thời gian dày lên. Người ta đi tìm những cuốn tẻ nhạt, dễ đọc, có chút hào nhoáng ngoài bìa. Cái mẽ quan trọng em nhỉ. Ngoài giờ phút bên Tân, anh thấy bải hoải trong câm lặng, ngấu nghiến nỗi niềm trống vắng. Sợ một lúc nào đó, mình cũng lặng câm như những cuốn sách bị lãng quên.

Hai bảy người lớp anh, có người thì đã lớn tuổi. Ngôn ngữ nói mạnh hơn bàn tay. Miệng đầy khao khát, mong những tấm thân đàn bà, cặp đùi, quả mông, đôi vú, dáng hấp dẫn, đôi khi ý nghĩ muốn phạm tội với cô giáo trẻ. Cái bản năng con người, cứ phải chêm vào đó cái gọi là đạo đức, là xấu hổ kia, để cuộc sống này được trật tự. Mà để anh ta tiếp cận thực sự, bằng một tình yêu, thì anh ta run rẩy, ngọng nghịu.

Vài đôi cũng góp gạo thổi cơm chung, nhóm lửa lòng nhau bằng mấy gói mì tôm, lạng bánh đa, mớ rau cải. Duy trì cuộc sống bằng tiền nhuận bút từ mồ hôi gia đình, đăng báo vặt. Hứa hẹn cầm tấm bằng cử nhân văn chương xông xáo vào đời, sáng tác và sáng tạo. Rồi cũng cào cấu đau thương, cũng vật vã trên trang giấy, cũng đua đòi sexy


ngôn từ.

Độ mới vào, Tân trông cũ kỹ, đặc quê mùa, giờ khác lắm. Anh có thể nói rằng không khí đô thị đã lùa tới cô ta rất nhanh, nét mộc mạc ngày nào bị bóp nghẹt. Nhưng chính bản thân anh thừa hiểu, nhan sắc cô khiêm tốn, không làm sao quạ hóa thiên nga, nhưng anh vẫn muốn ôm, muốn hôn, muốn...

Diệt mồi sắm điện thoại di động, có con mèo con đính kèm lủng lẳng. Nói em vay tiền mua. Anh hào phóng, ờ, thì đây. Cho em một ít, thêm tí nữa vào mà trả. Tân cười hì hì, cái hì hì ăn tiền. Mấy hôm sau có người nhìn thấy em ngoài phố, một ông giàu có, tóc bạc, đang dạy em đi xe máy.
Từ Cầu Giấy đi Nội Bài. Em mặc áo chẽn, eo eo, mặc quần bò, hở ra cái hốc phía sau. Ông ta ngồi sau, ôm eo Tân, đít Tân cong bọ ngựa, ngực nhô phía trước cản gió. Họ cười hành hạch.

Mấy hôm sau Tân nói mất điện thoại, bỏ túi sau đi chợ bị móc mất. Lại mấy ngày sau cô có điện thoại mới, trông là biết đắt tiền. Hỏi, cô tránh, lấp bằng cái cười và ánh mắt hơi đi đĩ. Tại quán cà phê Mới. Cô nói anh bạn mới mua cho. Bằng cách nào mà giỏi thế. Tân quảng cáo anh ta chỉ hơi già, hào phóng lắm, giàu nữa, chẳng tiếc em cái gì. Anh dạy em đi xe này, đưa em đi đặc sản này. Thế em phải làm gì cho anh ta? Anh hỏi. Tân liếc xéo. Anh này, hỏi khó nhau. Anh thấm thía, thế nào gọi là Diệt mồi. Chi tiết này, không phải hiếm gặp, cái kiểu sinh viên cặp bồ lấy tiền ăn học sẵn lắm trên cái thành phố này. Cặp bồ cũng biến thành một nghề như ai. Đàn ông cần tình đàn bà cần tiền, ta đáp ứng cho nhau, lúc nào chán thì thôi, tìm mối khác. Như cái hợp đồng vậy mà. Không riêng gì dân văn chương, dân sư phạm hay báo chí, hay bất cứ dân sinh viên ở ngành nào. Cờ bí gí tốt. Cái giá phải trả là nhan sắc. Nhiều cô gái đánh đổi trinh tiết để được đăng mấy bài báo vặt, cái truyện, chùm thơ. Chính miệng một cô gái lớp anh phát biểu kiếm được đứa con gái chân thiện mỹ khó lắm thay. Càng ngày nhan sắc càng nhiều, người ta càng hào phóng ban phát. Thì nhan sắc cũng rẻ rúng, tầm thường.

 

 

4

 

Em nói với anh còn một năm nữa thôi, là em sẽ về. Hãy cố gắng. Anh cũng bảo mình vậy, nhưng thấy mình nản quá, bởi vì gái đẹp vẫn ngày ngày bay lượn ngoài đường kia, tưởng chỉ cần với tay là túm được. Bọn bạn chúng nó dù đẹp hay xấu cũng đôi cặp hết. Ngày nghỉ chúng rủ nhau làm tổ, ngấu nghiến niềm vui. Anh thì chỉ biết câm lặng. Cuốn sách lâu ngày không ai giở ra. Sau này về, liệu em có chữa được anh, sự trầm cảm này, trái tim chi chít sự mông lung hoảng loạn, hay một thân cây vì hướng đến mặt trời mà nghều ngọn mỏng lá. Em chữa được không? Hay căn bệnh này nữa: khinh những cô gái cùng lớp. Chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết của họ, chỉ nhìn thấy sự thô bỉ, kém cỏi về học thức, chỉ thấy sự dốt nát trong cách hành xử. Em chữa được không?

Không lâu sau kể từ khi Tân quen với anh bạn già, cô bị ném trả lại với một dáng vẻ thảm hại. Thì ra đã tạm xong một cái hợp đồng, sau cuộc rao bán nhan sắc. Mọi thứ đều diễn ra nhanh chóng, đến và đi. Cái kết cục còn lại như cỗ máy cuộc đời đã được lập trình sẵn. Những gì cô còn lại cho mình là chiếc điện thoại chừng một triệu, điện thoại không còn là thứ trang sức xa xỉ nữa, tràn ngập rồi, và một tấm thân nhàu nhĩ.

Anh quyết định không dây dưa với Tân nữa, ít nói chuyện với nhau. Những ngày này tự cho phép mình thanh thản, viết nhiều, tìm hiểu cuộc đời để làm phóng sự xã hội. Bươn bải trong guồng quay tấp nập đời. Một phút ngã lòng, anh đến nhà nghỉ trong tâm trạng lâng lâng vì cuốn thơ mới được in, tự bỏ tiền túi, tặng bạn bè. Anh mặc
com-lê, đi giày tây bóng lộn. Người ta dễ tưởng giàu có, lắm tiền. Tiếp anh là con bé son son môi đỏ, trông khả ái. Vân vê nhau một lát, nó mời uống nước tăng lực. Thì uống cho tăng sức khỏe, cho sảng khoái lần đi chơi, để bước vào cuộc. Ai ngờ uống vào, thấy choáng đầu, gục xuống, chả biết gì. Tỉnh dậy thấy cặp số bị giật tung, những cuốn thơ lộn xộn, tơi tả rơi xuống sàn. Hiểu vì sao chứ. May, phải nói là may. Vào đây anh cầm theo có hai trăm ngàn. Một trăm rưỡi nộp cho chủ nhà nghỉ trước lúc vào phòng, còn năm mươi ngàn trong ví đã bay đi xa cùng cô gái điếm. Chiếc ví nghèo nàn nằm chỏng một góc. Những dòng này, anh không ngại em mà phải giấu giếm, cái thằng đàn ông phản bội này. Anh ghi vào nhật ký, để khi về em sẽ đọc nó.

Bỏ mặc tất cả, những đứa con gái ăn mặc tưng bừng trong lớp, những buổi sinh nhật bánh kẹo và hoa quả, những đêm trải chiếu tầng tư ký túc xá, phơi mặt nhìn trăng. Anh trở về nhà. Thà anh nhớ đến em. Nên trong gian phòng trọ mười hai mét vuông, những khi chỉ có một mình, anh hay cởi bỏ hết, khỏa thân và gọi em về từ một giấc mơ mơ hồ. Bao cơn mưa đã tàn nhẫn trút lên mái ngói, não nuột tưới lên gian nhà trọ mà không khỏi vơi buồn. Sài Gòn có nhiều cơn mưa như Hà Nội, hay chỉ ở phương anh đang ngóng chờ, mưa nhiều hơn, buồn nhiều hơn.

 

 

5

 

Anh lại đâm vào một vụ tình khác, một cô gái học bên Văn hóa, có cái duyên ngầm. Làm phép so sánh, hơn những cô gái lớp mình. Quen nhau ở căng tin. Là do anh thử nghiệm cái sự bạo mồm của ông bạn già nhất lớp. Anh hỏi: Có phải em đánh rơi chiếc ô ngoài sân hôm trời mưa to không? Cô gái còn ú ớ chưa nói được lời nào thì anh đã đút vào tay cô chiếc kẹo cao su. Em ăn kẹo này. Rồi sau đó bủa vây bằng những lời nói thanh thoát đã được chuẩn bị. Thế là có cớ quen nhau. Thời đại mà, quen nhau không khó, thân nhau chẳng lâu. Hỏi han, tất cả trôi tuột như mong muốn. Anh không hiểu nổi mình, con tim khó bảo mà em. Cứ ân hận đấy, cứ trách bản thân đấy rồi ý nghĩ phạm tội, rồi hành động phạm tội. Anh thèm khát em, thèm khát gần gũi và thèm khát tình yêu, thực sự. Nhưng càng mong càng xa vời, không biết Diêu có thật lòng với anh, và cái sự nhìn nhận của cô đối với anh như thế nào. Tình yêu đến nhanh chóng có phải sẽ sớm ra đi. Ôm Diêu mà anh không ngừng nghĩ đến em. Mái tóc em ngào ngạt hơi thở anh, bàn tay Diêu nhỏ nhắn mềm mại giống bàn tay em anh đã cầm, đã đưa lên má. Và, có lúc anh thùm thụp đấm vào ngực để nhận rõ mình quá hèn nhát. Sao không thắp cháy tình yêu khao khát mình trên ngọn lửa, dù tan tác thành tro, còn hơn cứ âm ỉ nhức nhối. Một chuyến tàu để vào với nhau. Nhưng cũng xem lại, vượt gần hai ngàn cây số, bao núi bao sông, bao khuôn mặt xa lạ, vào đó chỉ để gặp em mấy ngày. Cùng lắm đưa nhau lên giường tìm cảm giác yêu đương, mơn trớn và thỏa mãn, vài ngày rồi về. Và anh lại chìm vào nỗi nhớ, lại thèm khát. Anh viết văn, đâu có nhiều tiền để đi Nam về Bắc thường xuyên.

Diêu có điệu cười đong đưa, khuôn ngực căng mọng lúc nào cũng muốn phá bĩnh. Khi Diêu mặc váy ngắn cơ, hai cột đùi thẳng thách thức anh, mời mọc nữa. Hôm cô ấy mời anh đến ăn cơm. Chỉ có hai đứa thôi. Anh sướng rơn người, vui như vớ được vàng. Diêu nấu cơm ngon như em vậy, rất khéo, cơm lành canh ngọt, làm vợ hay quá còn gì. Hai đứa uống hết hơn một lít bia. Cô ấy bạo dạn, bia vào mặt hồng hào, càng hấp dẫn. Và vẫn bộ váy ngắn ấy, cặp chân ấy. Đôi mắt đã nhuộm men của anh rót vào, trời ơi, bỗng trở thành thiên thần. Cô ấy xếp bát đũa gọn vào, bảo để mai rửa. Hai đứa ngồi trên giường, thèm khát anh trỗi dậy, nó ngứa ngáy, cựa quậy. Nó đạp thình thịch vào ngực. Diêu ngồi hơi ngả người, ngực chĩa phía anh, nó ninh ních, chật cứng, lần vải muốn nứt toác, cái núm nhòn nhọn khoét vào mắt anh. Khu nhà trọ vắng người, họ làm về khuya. Diêu muốn nói gì đó nên khép cửa. Cô lại đến ngồi gần anh, lần này sát hơn. Trước đây anh yêu mấy người rồi. Diêu hỏi. Anh như gà mắc tóc. Nhát thế, có vậy mà. Diêu cười như giễu cợt. Cô đan mười ngón tay vào tóc, giũ giũ. Thở dài. Rồi lại giũ giũ. Chợt cô nằm ngửa ra. Đến lúc này thì con quỷ trong anh đã thực sự trỗi dậy. Anh đè lên Diêu, nghiến chặt. Giữ hai tay. Hơi thở gấp gáp. Anh đắm đuối trong cơn bạo liệt. Điện thoại của Diêu kêu tít tít. Cái tin nhắn. Cô ấy nhắn lại. Báo bên kia nhận được, tít tít kêu. Anh khờ thế. Diêu nói, cô bắt anh cởi quần áo ra. Cởi thì cởi. Được rồi. Chìm vào mây, vào gió, vào giấc mơ. Không nhớ được đến em.

Bỗng cánh cửa phòng bật tung. Hai tên thanh niên nhảy vào, lăm lăm con dao sáng lóa. Chúng chộp quần áo của anh trước. Anh sợ toát mồ hôi. Thằng khốn, sao mày dám... với bạn tao? Anh chống đối: Cô ấy là bạn tao. Anh nhìn sang Diêu, cô lắc đầu. Anh ta ép em. Chết tôi rồi. Mỗi tên cho anh một cái gót chân, hừ hự. Chúng móc ví anh ra, vẫn cái ví nghèo chỉ có mấy chục ngàn. Khóa cửa lại, chúng gí dao vào anh. Thằng kia, mày đồi bại. Phải chuộc gì đây. Chúng mày muốn gì. Một thằng cọ hai ngón tay vào nhau. Tiền. Anh hiểu chúng đã làm trò gì. Thế là đành chấp nhận ghi vào giấy nợ. Anh nợ chúng ba triệu, không được mặc cả. Không nghe chúng cho nhát dao, bọn chó thèm tiền này, chúng dễ làm liều. Mà nhìn điệu bộ chúng, biết là rất khó chơi. Không theo ý chúng, anh chẳng có quần áo để về.

Lúc này đây, anh bỏ lên tầng tư ký túc, nằm mơ trăng và chua chát về một mối tình nhanh chóng qua. Hơn hai tuần đi kèm với vài phút thoải mái, cùng ba triệu. Em có thể trách anh là khờ, là ngu, điên, rồ, dại. Nhưng cũng hãy nghĩ cho anh, những ngày tao tác đợi, thời gian nhẫn tâm quá em.

 

 

6

 

Em đã nói chỉ còn hai tháng là tốt nghiệp, ra Bắc. Nhưng hai tháng mà em nói với anh dài như hai năm, hai mươi năm. Đợi đến tháng thứ tư, thứ sáu. Không còn liên lạc được với em nữa. Chán học, đi lang thang, đau đớn tơi bời. Em ở đâu. Ở đâu. Ở đâu. Một hôm anh vui sướng vì em gọi điện. Hỏi ở đâu em không nói. Dứt khoát không. Em bảo anh hãy quên em đi, coi như em chết rồi. Em không còn yêu anh nữa. Từng lời em xoáy vào anh, vết thương từ lâu chưa lành rộng ngoác. Em có khóc. Đúng rồi, anh nghe tiếng khóc chảy dài, hình như em có tâm sự. Đất trời tối sầm khi em cúp máy.

Anh về quê và thấy em bên hắn. Nhưng hắn không còn oai hùng như xưa. Hắn ngồi trên xe lăn, vô hồn, không còn sức sống. Hắn làm sao. Một kẻ mơ ước làm phi công bay lên bầu trời. Và hắn đã sắp đạt được cái đích của mình. Ngày ở quê, hắn cũng yêu em như anh yêu em. Ngày đó hắn thảm hại vì thua, nhưng ngấm ngầm một chiến thắng khác. Hắn khẳng định vậy. Rồi anh theo đường văn chương, hắn theo đường bay trên trời.

Phải khó khăn lắm mới gặp được em. Đợi em đằng đẵng, vậy mà em đã hí húi với hắn trong Sài Gòn. Đồ phản bội. Anh trách móc. Em khóc, thanh minh: Không, em không làm gì có lỗi với anh, cho đến khi anh ấy ngồi trên xe lăn. Vậy là sao, là sao. Hắn ngồi trên xe lăn thì mặc hắn, can cớ gì đến chúng mình. Trước mặt anh, hắn ngồi bất động, không nói, ánh mắt dài dại. Anh lao ra bờ đê sông Hồng, mùa nước nổi, dòng sông ngầu đục, sôi quằn quại. Đàn chim nhỏ lao trên trời như té trấu, mà trấu không rơi. Chới với trong cảm giác mất mát, anh nhảy tõm xuống dòng nước đục, chân tay đập loạn xạ.

Mẹ em thường qua nhà anh, chơi với mẹ anh. Bà khóc khi hai đứa lỡ dở. Con Dung không phải là người ích kỷ đâu cháu. Nó đang cứu một đời người. Thằng Hoàng cũng vì cứu người mà bị tai nạn, tàn phế. Cháu thiệt thòi quá. Nhưng bác không khuyên được nó, nó khóc sướt mướt.
Nó bảo Hoàng sẽ chết mất nếu không có bàn tay nó. Thằng bé tội nghiệp, cứ đòi tự vẫn, chân nó không đặt lên đất được nữa.

Anh không biết nên cười hay nên mếu. Mơ ước bay lên trời, Hoàng đã rơi. Nhưng vì thế mà hắn cướp được em từ tay anh. Anh không dám trách em nữa khi nhận được những trang nhật ký này. Anh biết em mong anh nhiều và dồn nhớ nhung vào trang giấy, giờ biết là em cũng tơi bời day dứt. Rất nhiều trang nhoè nước. Tội nghiệp em, Dung ơi. Anh mới là kẻ phản bội.



1. Thơ Đồng Đức Bốn.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86929


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận