Và với phong thái đó, thời gian của _Edward cứ thế trôi đi, hết ngày này qua ngày khác. Chẳng có gì đáng kể xảy ra. Ồ, có một sự kiện kịch tính đặc biệt nho nhỏ đã xảy ra đấy. Một lần khi Abilene đang ở trường, con chó nhà hàng xóm, một con bốc xơ giống đực có lông màu nâu khoang trắng chẳng hiểu tại sao được đặt tên là Rosie, đã bước vào nhà chẳng thèm thông báo không cần mời mọc, ghếch chân chỗ bàn ăn, xòe một bãi nước tiểu lên lớp khăn trải màu trắng. Sau đó nó lon ton chạy lại hít hít Edward, và thậm chí trước khi Edward có thời gian để hiểu ý nghĩa của việc bị một con chó ngửi mùi, chú đã nằm gọn trong mõm Rosie và bị con chó gầm gừ thô bạo lắc tới lắc lui, nước dãi chó làm chú ướt nhoe ướt nhoét.
May mắn thay, mẹ Abilene đi ngang qua phòng ăn và chứng kiến sự tra tấn mà Edward phải hứng chịu.
“Nhả nó ra!” bà quát con Rosie.
Và Rosie, ngoan ngoãn đáng kinh ngạc, làm đúng như thế.
Áo lễ bằng lụa của Edward nhớp nháp đầy dãi nhớt và đầu chú ê ẩm suốt nhiều ngày sau đó, nhưng lòng tự trọng của chú bị tổn thương mới là điều đau đớn nhất. Mẹ Abilene đã gọi chú là “nó”, và bà nổi đóa vì vụ nước đái chó trên khăn trải bàn nhiều hơn là vì sự sỉ nhục Edward phải chịu đựng trong hàm răng của Rosie.
Và đó là khi một cô hầu gái, kẻ mới gia nhập đội giúp việc nhà Tulane đang khao khát gây được ấn tượng với ông bà chủ về sự siêng năng của mình, chạy tới chỗ Edward ngồi, trên chiếc ghế trong phòng ăn.
“Con thỏ con này làm gì ở đây vậy?” cô nói rõ to.
Edward không thèm quan tâm tới cái từ thỏ con tẹo nào. Chú thấy nó cực kỳ không xứng đáng với mình.
Cô hầu gái khom người xuống sát chú và nhìn vào mắt chú.
“Hừm,” cô nói. Cô đứng lùi lại. Cô chống nạnh. “Tao đoán mày cũng như tất cả các thứ khác trong nhà này, lại là một thứ phải được làm sạch và phủi bụi.”
Và thế là cô hầu hút bụi cho Edward Tulane. Cô hút từng bên đôi tai dài của chú vào cái ống máy hút bụi. Cô cào cào lên áo quần chú và đập đập đuôi chú. Cô phủi bụi mặt chú tan tác, thô bạo. Và trong cơn say mê tẩy sạch chú, cô hút cả chiếc đồng hồ bỏ túi của Edward bay ra khỏi lòng chú. Chiếc đồng hồ rơi vào túi đựng rác của máy hút bụi với một tiếng keng buồn bã mà cô hầu xem ra chẳng buồn nghe thấy.
Khi đã xong việc, cô đẩy chiếc ghế về chỗ bàn ăn, và vì chẳng biết chính xác Edward được đặt ở đâu, cuối cùng cô quyết định dúi chú vào giữa bầy búp bê đặt trên giá trong phòng ngủ của Abilene.
“Được đấy,” cô hầu nói. “Mày ở đấy đi nhé.”
Cô để mặc Edward trên cái giá trong tư thế gớm ghiếc dã man nhất - mũi chú chúi xuống tận đầu gối; và chú đợi ở đó, với đám búp bê bàn tán rầm rĩ và cười cợt chú như một bầy chim điên cuồng thiếu thân thiện, cho tới khi Abilene đi học về, nhận ra chú biến mất và chạy hết từ phòng này sang phòng kia gọi tên chú.
“Edward!” cô bé la lớn. “Edward ơi!”
Chẳng có cách nào, tất nhiên rồi, để chú nói cho cô biết chú đang ở đâu, chẳng có cách nào để chú trả lời cô. Chú chỉ có thể ngồi yên chờ đợi.
Khi Abilene tìm thấy chú, cô ôm chú thật chặt, chặt tới mức Edward có thể nghe thấy trái tim cô đập loạn xạ như muốn rơi khỏi lồng ngực vì lo sợ.
“Edward,” cô bé thổn thức, “ôi Edward. Chị yêu em. Chị không bao giờ muốn em rời xa chị.”
Chú thỏ, cũng như thế, đang nếm trải một xúc cảm mãnh liệt. Nhưng đó không phải là tình yêu. Đó là nỗi phẫn nộ vì chú đã bị xúc phạm kinh khủng, vì chú đã bị một cô hầu đối xử khinh miệt cứ như chú là vật vô tri vô giác - như một cái bát ăn, có thể nói vậy, hay như một ấm trà. Điều bù đắp duy nhất sau suốt cả vụ rùm beng là cô hầu mới đã bị đuổi việc ngay lập tức.
Cái đồng hồ bỏ túi của Edward được tìm thấy sau đó, sâu trong ruột của cái máy hút bụi, bị mẻ đôi chút, nhưng vẫn chạy tốt; nó được cha Abilene chuyển lại cho chú, ông vừa trình nó ra vừa cúi đầu ra điều giễu nhại.
“Ngài Edward,” ông nói. “Đồng hồ của ngài, phải thế chứ?”
Vụ Rùm Beng Rosie và Sự Kiện Máy Hút Bụi - Đó chính là những pha kịch tính lớn nhất trong cả cuộc đời Edward cho tới đêm sinh nhật lần thứ mười một của Abilene, tại bàn ăn tối, lúc chiếc bánh đang được bê ra, chuyện con tàu đã được đề cập đến.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !