Chuyến Viếng Thăm Của Ngự Y Hoàng Gia Chương 1


Chương 1
Người làm rượu nho

1

 

Johann Friedrich Struensee được chọn làm Bác sĩ Hoàng gia cho vua Christian VII vào ngày 5 tháng 4 năm 1768, rồi bốn năm sau đó ông bị xử tử.

 

Mười năm sau, vào ngày 21 tháng Chín, 1782, khi cụm từ "thời đại Struensee" đã trở thành một từ hay được sử dụng, Đại sứ của Anh tại triều đình Đan Mạch, Robert Murray Keith, đã gửi một báo cáo về chính phủ Anh kể lại một sự kiện chính ông chứng kiến. Ông ta coi điều đó đáng kinh ngạc.

Chính vì vậy ông ta đã báo cáo về nó.

Viên Đại sứ Anh tới dự một buổi diễn kịch tại Nhà hát Hoàng gia ở Copenhagen. Trong số những người dự có nhà vua Christian VII cùng với Ove Hoegh - Guldberg, người thực sự nắm quyền ở Đan Mạch và trên thực tế là người thống trị tuyệt đối.

 

Ông ta có tước hiệu thủ tướng.

Bản báo cáo đề cập đến buổi gặp mặt với Đức vua.

Ông ta bắt đầu bằng việc nêu ra những ấn tượng của mình đối với hình thức bề ngoài của Nhà vua. Lúc đó, Nhà vua mới ba mươi ba tuổi: "Trông ngài như thể một ông già, thấp bé và hốc hác, khuôn mặt trũng xuống, đôi mắt lờ đờ, một biểu hiện của tình trạng ốm yếu về đầu óc." Ông ta viết rằng trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, nhà vua "điên"Christian bắt đầu đi tha thẩn quanh đám khán giả, mồm lẩm bẩm, mặt méo xệch, trông rất kỳ quặc.

Suốt thời gian này Guldberg không lúc nào rời mắt khỏi Nhà vua.

Điều kỳ lạ là mối quan hệ giữa hai người. Nó có thể được mô tả như quan hệ giữa hộ lý và người bệnh, một cặp song sinh, hay như thể Guldberg là cha của đứa trẻ bất trị hay ốm yếu mà Keith lại dùng từ" rất đáng yêu".

Hai người, ông ta viết, dường như gắn bó với nhau một cách "thật kỳ quặc".

Điều tai hại không phải là hai kẻ này, những người mà ông ta biết đã đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc cách mạng Đan Mạch, vốn là kẻ thù của nhau giờ đây lại phụ thuộc vào  nhau theo cách đó. Cũng kỳ quặc nữa là Nhà vua biểu hiện như một con chó cụp đuôi nhưng rất biết nghe lời, còn Guldberg lại là một ông chủ nghiêm khắc nhưng rất đáng yêu.

Đức vua xử sự như thể ngài đã hạ mình đến mức gần như khuất phục. Những người trong triều đình cũng không hề bày tỏ sự tôn kính đối với Đức vua mà thay vì đó phớt lờ hoặc đáp lại ngài bằng những nụ cười nhạo báng mỗi khi ngài xuất hiện, như thể chẳng hề mong đợi sự có mặt đáng xấu hổ của ngài.

Như thể ngài là một đứa trẻ bướng bỉnh họ đã chán ngán từ lâu rồi.

Chỉ có người duy nhất để ý đến Nhà vua là Guldberg. Nhà vua luôn đi sau ông ta dăm ba bước một cách mẫn cán, luôn cố không để bị bỏ rơi. Thảng hoặc, Guldberg thông qua một cử chỉ hay cái  nhìn để chuyển tới Nhà vua một tín hiệu nhỏ. Điều này xảy ra khi ngài lẩm bẩm to quá, xử sự bất thường hoặc đi ra khỏi chỗ Guldberg.

Mỗi lần thấy có tín hiệu như vậy, nhà vua Christian lại vội vã ngoan ngoãn chạy về.

Có lần những lời lẩm bẩm của Nhà vua to quá khiến mọi người mất tập trung, Guldberg bèn tiến tới chỗ ngài nhẹ nhàng nắm lấy tay ngài thì thầm điều gì đó. Nhà vua vội vã gật đầu một cách máy móc như thể mình là một con chó đang tìm cách bày tỏ sự thuần phục và khâm phục tuyệt đối với ông chủ đáng yêu của mình. Ngài cứ thế gật gật đầu cho đến khi Guldberg phải thì thầm một nhận xét khác để ngài dừng ngay cái động tác quái dị kia ở một người đứng đầu hoàng gia.

Rồi Guldberg lấy tay vỗ vào má Đức vua trong khi ngài lại nở một nụ cười đầy vẻ hàm ơn và thuần phục mà theo lời vị đại sứ "là đẫm nước mắt". Ông ta viết rằng cảnh tượng đó tuyệt vọng đến mức không thể chịu được. Ông ghi nhận sự tốt bụng của Guldberg, mà theo cách ông viết là "tình nguyện đảm nhận trách nhiệm đối với vị vua bé nhỏ và ốm yếu" cũng như sự khinh miệt và chế giễu bộc lộ ra từ đám diễn giả song không thấy rõ ở Guldberg. Hình như chỉ có ông ta mới là người để ý tới Nhà vua.

Nhưng có một thành ngữ được lặp đi lặp lại trong báo cáo" là giống như một con chó". Vị thống lĩnh của đất nước Đan Mạch bị đối xử như một con chó. Sự khác biệt là ở chỗ Guldberg hình như đã biểu lộ ý thức trách nhiệm đáng yêu đối với con chó đó.

"Nhìn thấy họ ở bên nhau- và cả hai đều rất lùn với bề ngoại dị dạng- đối với tôi là một trải nghiệm lạ lẫm không thoải mái chút nào, vì về mặt nào đó, tất cả quyền lực trên vùng đất này ở trong tay hai gã lùn dị dạng ấy."

Tuy nhiên, bản báo cáo đề cập nhiều nhất đến những gì xảy ra trong thời gian diễn và sau vở kịch.

Vào hồi giữa vở kịch có tên là Le Mechant (Kẻ Độc ác), một hài kịch của nhà viết kịch người Pháp Gresset, nhà vua Christian đột nhiên đứng phắt dậy từ chiếc ghế ngài đang ngồi ở hàng đầu, loạng choạng bước lên sân khấu, như thể ngài là một diễn viên. Ngài bắt chước tư thế của diễn viên nam và đọc lại những gì được coi là lời thoại, những từ như "tracasserie" và "anthropophagie" là những từ duy nhất phân biệt được. Keith đặc biệt lưu ý từ sau mà ông ta biết có nghĩa là" ăn thịt người". Rõ ràng là Nhà vua rất say sưa với vở kịch, thậm chí còn tin rằng mình là một trong số diễn viên, nhưng Guldberg, rất bình tĩnh bước lên sân khấu, nhẹ nhàng cầm tay Đức vua. Ngài lập tức trở nên im lặng và đồng ý để được dắt về chỗ ngồi.

Khán giả, vốn chỉ toàn những người trong hoàng gia, đều có vẻ quen thuộc với tình trạng bị gián đoạn như vậy. Chả ai có phản ứng gì thái quá. Lác đác cũng nghe được vài tiếng cười chế nhạo.

 

Sau buổi biểu diễn, rượu vang được đem ra mời. Lúc đó, Keith tình cờ đứng gần Nhà vua. Ngài bèn quay sang phía Keith rồi nhận ra vị đại sứ Anh nên lắp bắp giải thích chủ đề của vở kịch. "Nhà vua nói với tôi rằng vở kịch viết về một con quỷ đang tồn tại phát triển ở mức cao trong các thành viên của hoàng gia, đến nỗi làm họ giống hệt những con đười ươi hay ma quỷ. Họ vui sướng trước nỗi bất hạnh của người khác và bực bội trước mọi thành công; cái đó được gọi như trong thời kỳ chủ nghĩa ăn thịt người là anthropophagie. Chính vì vậy, có thể tìm thấy ngay trong số chính chúng ta những kẻ ăn thịt người."

"Sự bùng phát" của Đức vua xuất phát như thể từ một gã điên khùng mà đã được trình bày một cách hoàn hảo theo cách nhìn của một nhà ngôn ngữ học.

Keith chỉ biết gật đầu thích thú cứ như những gì Đức vua nói đều hay và có ý nghĩa. Tuy nhiên, vị đại sứ cũng nhận xét không phải là Christian đã đưa ra một phân tích hoàn toàn sai về nội dung trào lộng của vở kịch.

Nhà vua đã nói bằng giọng thì thào như thể đang tiết lộ một điều gì đó rất bí mật với Keith.

Guldberg từ một nơi cách đó dăm bước, cảnh giác nhìn sang vẻ không chút hài lòng với cuộc trò chuyện của họ. Cuối cùng ông ta cũng chậm rãi bước tới chỗ họ.

Christian để ý thấy vậy nên thôi không tiếp tục trò chuyện nữa. Cất cao giọng như thể bị khiêu khích, ông ta thốt lên:

- Họ đang nói dối.Nói dối! Brand là một gã thông minh nhưng lại rất hoang dã. Struensee là một người đàn ông tốt. Ta không phải là kẻ đã giết ông ta. Ngài có hiểu không?

 

Keith chỉ cúi đầu không nói nửa lời.

Rồi Christian bổ sung:

- Ông ta còn sống! Họ nghĩ rằng ông ta bị chặt đầu nhưng Struensee vẫn còn sống. Ngài có biết điều đó không?

Lúc đó, Guldberg đã tới rất gần nên nghe được những từ cuối. Ông ta nắm tay Nhà vua thật chặt rồi với bộ mặt rắn đanh nhưng vẫn mềm mỏng nói:

- Struensee đã chết, thưa Đức vua. Chúng ta biết điều đó, phải không ạ? Mọi người đều biết điều đó, phải không? Chúng ta đã đồng ý như vậy rồi, đúng không nhỉ?

Giọng ông ta nhã nhặn song cũng đầy trách cứ. Ngay lập tức Christian diễn lại động tác cúi đầu rất lạ lùng và máy móc của mình song rồi cũng dừng lại nói:

- Nhưng người ta vẫn nhắc đến thời Struensee, có đúng không? Mà không phải là thời Guldberg. Thời Struensee! Thật kỳ quặc!

Lúc ấy, Guldberg lặng im nhìn Nhà vua như thể trở nên câm lặng hay không tìm được câu trả lời. Keith nhận thấy ông ta có vẻ căng thẳng hoặc thất vọng; rồi Guldberg cũng trấn tĩnh lại được, bình thản nói:

- Chắc Đức vua hơi mệt. Tôi nghĩ Ngài nên quay về nghỉ. Chúng tôi đều thấy vậy.

Rồi ông ta vẫy tay ra hiệu và lui ra. Christian bắt đầu kiểu cúi đầu kỳ quặc như mọi khi, rồi bỗng dừng lại như thể chìm trong suy nghĩ. Ngài tiến về phía chỗ Đại sứ Keith nói bằng một giọng rất bình tĩnh và tự tin:

- Tôi đang trong vòng nguy hiểm. Vì vậy tôi phải tìm kiếm người phụ nữ bảo trợ cho tôi, người là bà chúa của nhân gian

Vài phút sau, ngài bước đi. Đó là sự kiện viên Đại sứ Anh đã báo cáo đầy đủ với chính phủ mình.

 

 

2

 

Ngày nay, không có một tượng đài nào ghi danh Struensee ở Đan Mạch.

Trong chuyến ông ta đến thăm Đan Mạch đã có rất nhiều bức chân dung về ông, từ tranh khắc, phác thảo đến sơn dầu. Vì không còn bức họa nào được thực hiện sau khi ông ta chết, nên hầu hết số tranh trên đã thần tượng hóa, không cái nào gây phản cảm cả. Điều này cũng rất tự nhiên. Trước chuyến thăm, ông chả có chút quyền lực gì, vì vậy chẳng có lý do gì để tôn vinh ông; còn sau khi ông chết chả ai muốn nhắc đến sự tồn tại của ông nữa.

Tại sao lại không có bức tượng nào được dựng lên? Một pho tượng cưỡi ngựa chẳng hạn?

Trong tất cả các vị lãnh đạo đất nước Đan Mạch được tôn vinh thường cưỡi trên lưng ngựa, không nghi ngờ gì ông là người phi ngựa giỏi nhất và cũng yêu giống ngựa nhất. Khi Struensee được giải đến đoạn đầu đài ở Ostre Fælled, tướng Eischstedt, chắc xuất phát từ thái độ khinh miệt  tàn bạo đối với người sắp bị hành quyết, đã cưỡi trên chính lưng con ngựa của Struensee, một giống ngựa quý màu trắng mà ông đã đặt tên cho nó là Margrethe, một cái tên rất không bình thường khi đặt cho ngựa. Nhưng nếu như ý đồ đó muốn kẻ xấu số bị tổn thương thêm nữa thì đã không thành, đôi mắt Struensee sáng rực lên, ông dừng lại, giơ bàn tay lên như thể muốn vuốt ve con vật một lần nữa, một nụ cười mãn nguyện sáng ngời trên khuôn mặt ông như thể con vật tới để vĩnh biệt chủ của nó.

Ông muốn vỗ về vào mũi con vật nhưng không thể vươn xa tới được.

Vậy tại sao lại là một pho tượng người cưỡi ngựa? Chỉ có những kẻ chiến thắng mới được tôn vinh theo cách đó.

Không thể tưởng tượng ra một pho tượng Struensee cưỡi ngựa ở Ostre Fælled, nơi ông ta bị xử trảm, mô tả cùng với Margrethe, con vật mà ông rất yêu mến, dựng trong một công viên vẫn còn đó đến ngày nay, được dùng làm địa điểm cho các cuộc biểu tình và hoạt động công chúng, gần với sân vận động. Một công viên giải trí và lễ hội, gần giống như các công viên hoàng gia Struensee đã có lần mở ra cho công chúng- những người mà đến tận lúc đó vẫn tỏ ra không mấy mặn mà. Ngày nay công viên vẫn còn đấy, một khuôn viên rộng rãi tuyệt vời, nơi vào một buổi tối tháng 10 năm 1941, Niels Bohr và Heisenberg vẫn đi dạo và có một cuộc trò chuyện bí mật và nhờ kết quả của việc đó mà Hitle đã không bao giờ sản xuất được bom nguyên tử. Một trong những bước ngoặt của lịch sử. Nó vẫn ở đó mặc dù đoạn đầu đài không còn nữa, cũng giống như những kỷ niệm về Struensee. Không bao giờ có một pho tượng người cưỡi ngựa để kỷ niệm một kẻ thất bại.

Guldberg cũng chẳng được dựng tượng cưỡi ngựa song ông ta lại là người chiến thắng và chính là kẻ đã đàn áp cuộc cách mạng Đan Mạch. Nhưng pho tượng người cưõi ngựa cũng không được dựng lên cho một kẻ nhỏ thó mới phất lên, có tên là Hoegh trước khi lấy tên là Guldberg, vốn là con trai của một người làm nghề phu mộ ở Horsens.

Thực ra thì cả hai đều là những kẻ mới phất lên, nhưng ít có ai để lại  dấu ấn trong lịch sử như họ đã làm, cả hai đều xứng đáng có tượng cưỡi ngựa. "Không ai đề cập đến thời Guldberg" - điều đó rõ ràng là không đúng.

Guldberg có thể tức giận. Rốt cuộc, ông ta vẫn là người chiến thắng. Hậu thế thực ra có nói về thời kỳ Guldberg. Nó kéo dài mười hai năm.

Rồi nó cũng đi đến chấm dứt.

 

 

3

 

Guldberg đã học cách phải thật bình tĩnh để kiềm chế sự khinh miệt.

Ông ta biết kẻ thù của mình. Chúng nói về khai sáng nhưng lại rải ra bóng tối. Kẻ thù của ông từng tin rằng thời đại Struensee sẽ kéo dài vô tận. Họ đã nghĩ như vậy. Đó là một nỗi ô nhục điển hình chả liên  quan gì đến thực tế. Họ từng mong như vậy. Guldberg luôn biết cách giữ mình, nhất là những lúc như khi viên Đại sứ Anh xuất hiện ở trong phạm vi có thể nghe được. Điều đó là cần thiết đối với những ai có vóc người nhỏ nhắn.

Guldberg có vóc dáng nhỏ nhắn. Nhưng vai trò của ông ta trong cuộc cách mạng Đan Mạch và thời kỳ tiếp theo lại không hề nhỏ. Guldberg vẫn luôn mong tiểu sử của mình được bắt đầu với dòng chữ: "Nơi đây từng có một người tên là Guldberg." Đó chính là phong cách từ những huyền thoại ở vùng Aixơlen, nơi mà sự vĩ đại của một con người không hề được đánh giá qua tầm vóc bên ngoài.

Guldberg chỉ cao bốn feet mười inch; mặt ông ta xám xịt, già trước tuổi, đầy những vết nhăn xuất hiện ngay từ hồi còn trẻ. Ông ta dường như đã biến mình thành một người già nua quá sớm; chính vậy thường bị người ta khinh miệt, coi thường vì bộ dạng chẳng lấy gì gây ấn tượng rồi kế đến mới là sự sợ hãi.

Sau khi Guldberg lên nắm quyền, người ta bắt đầu học cách quên đi dáng người không mấy đáng chú ý của ông. Lúc đó ông đã cho vẽ bức chân dung của mình với một cái hàm bằng sắt. Những bức họa chân dung đẹp nhất của ông được thực hiện trong thời gian cầm quyền. Chúng diễn tả được nội tâm của ông vốn rất phong phú. Những bức họa đã làm tăng thêm sự sắc sảo, học vấn và tàn bạo của ông ta đồng thời cũng giảm đi sự chú ý tới vẻ bên ngoài. Và điều này cũng thích hợp. Theo quan điểm của ông, đấy là mục đích của nghệ thuật.

Đôi mắt của ông ta lạnh lùng như mắt của loài sói, không hề chớp mắt khi nhìn thẳng vào người đang nói chuyện với mình. Trước cuộc cách mạng Đan Mạch, người ta gọi ông là một con "thằn lằn".

Nhưng sau đó không bao giờ họ còn gọi thế nữa.

Thời đó cũng từng có một người tên là Guldberg, tuy tầm vóc nhỏ nhắn nhưng ẩn chứa những điều vĩ đại bên trong, đấy là giọng điệu thích hợp.

Bản thân ông ta cũng không bao giờ sử dụng từ "cuộc cách mạng Đan Mạch".

Trong những bức chân dung tồn tại ở thời này thông thường ai cũng  có những cặp mắt to.

Vì đôi mắt được coi như cửa sổ của tâm hồn nên người ta thường vẽ chúng lớn hơn so với đời thường, thậm chí quá to; làm cho chúng dường như lòi hẳn ra khỏi khuôn mặt, sáng lấp lánh và quỷ quyệt; đôi mắt thật có ý nghĩa, hầu như luôn chăm chú. Nội tâm sâu thẳm của con người nào đó được thể hiện qua đôi mắt.

Việc nhìn nhận đôi mắt lại dành cho người ngắm nó.

Rõ ràng là chính Guldberg đã bác bỏ với vẻ ghê tởm ý tưởng dựng một bức tượng mô tả cảnh ông cưỡi ngựa. Ông ta ghét loài ngựa và luôn có  cảm giác sợ hãi thực sự đối với chúng. Chưa một lần nào lúc sinh thời ông ngồi trên mình ngựa.

Những cuốn sách, những bài viết của ông khi còn là một chính trị gia và về sau này thật đồ sộ. Trong các bức chân dung của Guldberg, ông được mô tả thật khoẻ mạnh, hừng hực sức sống, không hề già trước tuổi. Ông kiểm soát cách mình được mô tả thông qua thực thi quyền lực dù không bao giờ ra chỉ thị về bản chất của các bức chân dung. Nhà nghệ sĩ không còn cách gì hơn là phải tuân theo những điều được yêu cầu.

Ông ta coi những nghệ sĩ và người vẽ chân dung như những kẻ phục vụ cho chính trị. Họ được yêu cầu phải tạo nên sự thật, trong trường hợp này có nghĩa là những sự thật bên trong được che phủ bởi tầm vóc nhỏ thó bên ngoài của ông ta.

Và cũng phải nói trong một thời gian dài cách đó tỏ ra có tác dụng. Chính ông ta là người bảo toàn được chính mình nhờ bộ dạng không gây ấn tượng gì trong thời kỳ cuộc cách mạng Đan Mạch. Những ai gây được ấn tượng đều bị hạ bệ, tiêu diệt lẫn nhau. Chỉ cho đến khi Guldberg trụ lại, dù chẳng có gì đặc biệt nhưng lại là vật cao nhất trên cái nền tất cả cây cối bị đốn ngã la liệt xung quanh ông.

Ông ta phát hiện ra hình ảnh những cây cao lớn nhưng bị đốn ngã thật quỷ quyệt. Trong một lá thư, ông ta viết về sự nhỏ nhoi tương đối của những cái cây to đang sống và sự diệt vong của chúng. Hàng trăm năm nay, hoàng gia  luôn tìm cách đốn ngã tất cả các cây đại thụ ở Đan Mạch. Đây cũng là trường hợp đặc biệt với những cây sồi. Chúng bị đốn hạ để đóng tàu. Cho đến khi cả vương quốc không còn lấy một cây sồi lớn nào cả. Guldberg nói việc trưởng thành trên nền cảnh quan bị tàn phá giống như một bụi cây mọc lên giữa những thân của các loài cây lớn đã bị đốn hạ hoặc bị chinh phục.

Ông ta không đưa điều này vào các bài viết nhưng ý nghĩa của nó lại rất rõ ràng. Đó là vì sao sự vĩ đại lại nảy sinh ra từ những điều chẳng có ý nghĩa gì.

Guldberg tự coi mình là một nghệ sĩ, người đã từ bỏ nghệ thuật để đi theo chính trị. Đó là vì sao ông tôn thờ và bôi nhọ các nghệ sĩ.

Bài luận văn của ông về cuốn Thiên đường đã mất của Milton, xuất bản năm 1761 khi ông còn là giáo sư ở Học viện Soro, là một tác phẩm nghiên cứu đã bác bỏ sự mô tả về thiên đường; hiện thực ở chỗ bài thơ đã tự tiện đề cập đến những sự thật khách quan được xác nhận trong cuốn Kinh thánh. Milton, ông ta viết, là một nhà thơ có tầm cỡ, nhưng cần bị lên án vì lợi dụng. Ông ta đã tự tiện. Cái gọi là thơ ca thiêng liêng đã lạm dụng. Trong chương 16, ông đưa ra những ý tưởng để bác bỏ như "sự tạo dựng", "những vị tông đồ của ý nghĩ tự do". Chúng tạo ra sự mập mờ dẫn đến những con đập bị vỡ tung và sự bẩn thỉu của bài thơ đã vẩn đục tất cả.

Bài thơ không được bóp méo Kinh thánh. Bài thơ đã làm vẩn đục Kinh thánh. Tuy nhiên theo quan điểm của ông ta thì một bức tranh lại không như vậy.

Đấy thường là trường hợp người nghệ sĩ được tự do. Những quyền tự do đó có thể dẫn tới sự bất ổn, rối loạn và tệ nạn. Chính vì lý do ấy, những nhà thơ ngoan đạo cũng nên bị quở trách. Tuy nhiên ông ta vẫn ngưỡng mộ Milton, cho dù miễn cưỡng. Ông ta gọi nhà thơ là "có tầm cỡ". Ông ta là một nhà thơ có tầm cỡ đã lợi dụng tự do.

Còn Holberg thì ông ta khinh miệt.

Cuốn sách viết về Milton đã mang lại cho ông ta thành công. Đặc biệt nó lại được Thái hậu, vốn người sùng đạo, thích các phân tích sắc bén mộ đạo của ông ta. Chính vì lý do này, bà đã chọn Guldberg là gia sư cho Thái tử , vốn là anh em cùng cha khác mẹ với vua Christian, đầu óc bã đậu, hay nói theo từ thông dụng là khờ khạo.

Thế là bắt đầu cuộc đời chính trị của ông ta: qua một luận văn nghiên cứu về quan hệ giữa các sự kiện vốn đã được nêu ra rất rõ trong Kinh thánh và hiện thực, như được mô tả trong cuốn Thiên đường đã mất của Milton.

 

 

 

 

 

4

 

Vậy là không có những pho tượng người cưỡi ngựa.

Thiên đường của Guldberg là những gì ông ta chinh phục trên con đường từ khi bắt đầu kinh doanh ở Horsen cho tới lâu đài Christiansborg. Nó làm cho ông ta kiên trì và cũng dạy ông ta căm ghét nghèo đói.

Thiên đường của Guldberg là cái mà chính ông ta đã chinh phục được. Ông ta không thừa hưởng nó. Ông ta chinh phục nó.

Mấy năm liền, ông ta đã bị ám ảnh vì một lời đồn đoán xấu xa. Người ta đã mô tả đầy ác ý vẻ bên ngoài chả mấy ấn tượng của ông- dù rằng cũng vẫn vẻ bề ngoài đó cuối cùng đã được khắc phục và nâng cấp với sự giúp đỡ của các nghệ sĩ sau khi ông ta tiếm quyền vào năm 1772. Theo như lời đồn đoán khi ông ta mới bốn tuổi thì giọng hát của ông đã làm mọi người ngạc nhiên và thán phục, ông ta đã bị thiến đi bởi cha mẹ rất đáng yêu nhưng nghèo khó của ông ta nghe nói ở Italy có rất nhiều cơ hội cho các ca sĩ. Nhưng thay vì đó họ lại thất vọng và chán chường khi ông từ chối không đi hát lúc lên mười lăm tuổi và đi vào con đường chính trị.

Chẳng có điều gì đúng cả.

Cha ông ta là một phu huyệt nghèo khổ ở Horsen, cả đời chưa bao giờ đặt chân đến nhà hát và cũng chả hề mơ nhận được đồng tiền nào từ người  con trai bị thiến. Guldberg nghĩ điều bôi nhọ đó xuất phát từ đám nữ ca sĩ opera người Italy tại triều đình Copenhagen mà tất cả bọn họ đều là những con đĩ. Tất cả những kẻ báng bổ và những tên đàn ông của thời Khai sáng, đặc biệt từ Altona, là sản phẩm của thời kỳ này, thường xuyên lui tới các nhà thổ Italy. Từ họ đến tất cả đều bẩn thỉu, kể cả những lời đồn đoán xấu xa.

Tuy nhiên, chuyện già trước tuổi chỉ biểu hiện ở bề ngoài ngay ở độ tuổi mười lăm thì các bác sĩ không thể giải thích được. Vì lý do ấy, ông căm ghét các bác sĩ. Struensee là một thầy thuốc.

Liên quan đến tin đồn rằng mình đã bị "thiến": ông ta không thể loại bỏ được cho đến khi lên cầm quyền và không còn có ý nghĩa gì nữa. Ông ta biết chuyện đó chỉ khiến mọi người không được thoải mái, đành học cách sống chung với nó.

Nhưng ông ta đã nắm được ý đồ bên trong của tin đồn này mặc dù không đúng. Sự thật là chính bố mẹ ông vốn sùng đạo đã muốn ông trở thành một người phu huyệt song ông đã chối từ.

Ông tự chọn cho mình vai chính trị gia.

Những mô tả của vị Đại sứ Anh về Nhà vua và Guldberg từ những năm 1782 thật đáng kinh ngạc nhưng lại ẩn chứa một sự thật bên trong.

Vị đại sứ hình như rất ngạc nhiên trước "tình yêu "của Gulbberg đối với Nhà vua, người mà uy quyền đã bị tước đoạt và uy tín bị hủy hoại. Nhưng liệu có đúng là Guldberg không khi nào ngạc nhiên trước những biểu hiện của tình yêu? Điều ấy làm sao có thể mô tả được?

Ông ta luôn tự hỏi điều này. Những con người xinh đẹp và xuất chúng, những người có kiến thức về tình yêu lại mù quáng đến vậy! Chính trị là một cỗ máy có thể được phân tích và xây dựng; với ý nghĩa nó là một cỗ máy. Nhưng những kẻ mạnh mẽ, nổi bật, có được kiến thức về tình yêu thì lại quá ngây thơ khi họ cho phép trò chơi chính trị vốn rất rõ ràng bị lu mờ bởi sự lôi cuốn của tình cảm!

Sự lẫn lộn liên miên giữa tình cảm và lý trí của những trí thức theo Chủ nghĩa Khai sáng! Guldberg hiểu rằng đấy là điểm yếu dễ bộc lộ trong bụng con quỷ. Và ông ta nhận ra mình đã từng có lần tiến gần đến sự lây nhiễm của tội lỗi đó. Điều này đã đến từ một "con điếm bé nhỏ người Anh". Ông ta đã buộc phải quỳ xuống bên giường của mình.

Ông không bao giờ quên điều ấy.

Chính do liên quan đến điều này mà ông đã nói đến một khu rừng sồi lớn nơi những cây to bị đốn gục chỉ còn các bụi cây thấp tồn tại như kẻ chinh phục. Rồi ông đã mô tả những gì xảy ra trong khu rừng cây bị đốn gục và bằng cách nào mà ông, một kẻ thấp lùn chẳng có gì đáng để ý, lại được phép lớn vượt lên ở nơi ông đã chứng kiến mọi điều xảy ra giữa những thân cây bị hạ gục ngổn ngang.

Và ông ta nghĩ mình là kẻ duy nhất thấy được điều đó.

 

 

5

 

Guldberg phải được đối xử với sự tôn trọng. Ông ta vẫn gần như là kẻ vô hình. Chẳng mấy chốc, ông sẽ biến mình thành hữu hình.

Ông ta đã thấy và hiểu điều này từ rất sớm.

Vào mùa thu 1769, Guldberg viết trong một ghi chép rằng đối với mình nàng Hoàng hậu trẻ tuổi là "một điều bí hiểm mỗi ngày một lớn".

 

Ông ta đã gọi nàng là "một con điếm nhỏ bé người Anh". Ông ta đã quá quen thuộc với những chuyện xấu xa trong triều. Ông biết được lai lịch  của nó. Frederik IV rất ngoan đạo và có không biết bao nhiêu cung nữ. Christian VI là người sùng đạo nhưng lại sống một cuộc sống tệ hại. Vào ban đêm, Frederik V luôn đến các nhà thổ ở Copenhagen, dành thời gian uống rượu, đánh bạc cùng những câu chuyện tục tĩu, bẩn thỉu. Ông ta say sưa bí tỉ cho đến lúc chết. Các ả gái điếm bu xung quanh giường ông ta. Chuyện đó cũng giống như ở khắp châu Âu. Nó bắt đầu từ Paris rồi lan truyền đi như một bệnh dịch tới tất cả các triều đình. Khắp nơi đều bẩn thỉu.

Vậy ai sẽ bảo vệ sự trong sạch?

Ngay từ khi còn bé, ông đã biết sống chung với xác chết. Nghề nghiệp của bố ông chăm sóc những xác chết đã cho phép Guldberg giúp đỡ trong công việc. Biết bao nhiêu cánh tay, cẳng chân lạnh ngắt, cứng đờ ông ta đã cầm vào để chôn cất. Người chết là trong sạch. Họ không lăn lộn trong xạ hương. Họ chờ đợi ngọn lửa thanh lọc vĩ đại mang đi thân xác họ  đến cõi vĩnh hằng.

Ông ta đã nhìn thấy sự bẩn thỉu. Nhưng chưa bao giờ lại dơ dáy như ở triều đình.

Sau khi ả gái điếm nhỏ bé người Anh đến kết hôn với nhà vua, Fru von Plessen được cử làm nữ tổng quản. Fru von Plessen rất thánh thiện. Đó là bản chất của bà ta. Bà muốn bảo vệ cô gái trẻ trước mọi cái xấu xa của cuộc đời và trong thời gian khá dài đã thành công.

Một việc xảy ra vào tháng 6 năm 1767 đặc biệt làm Guldberg khó chịu. Điều này khá quan trọng vì trước thời điểm đó giữa Nhà vua và Hoàng hậu chưa hề có quan hệ tình dục mặc dù họ đã kết hôn được bảy tháng.

Vào buổi sáng ngày 3 tháng 6 năm 1767, nữ tổng quản Fru von Plessen đến phàn nàn với Guldberg. Bà ta bước vào căn phòng dùng làm nơi dạy học mà không hề báo trước, rồi không hề rào đón bà bắt đầu mổ xẻ những hành vi của Hoàng hậu. Người ta biết rằng Guldberg luôn coi Fru von Plessen là một người đàn bà rất khó chịu, nhưng vì sự trong sáng của bà ta, cũng như ảnh hưởng đối với Hoàng hậu. Fru von Plessen bốc mùi. Đó không phải là mùi vị của mồ hôi hay thứ dịch gì được tiết ra mà là mùi của một người đàn bà già nua, giống như một thứ ẩm mốc.

Tuy lúc đó bà ta mới bốn mươi mốt tuổi.

Hoàng hậu Caroline Mathilde khi ấy mười lăm tuổi. Như thông lệ, Fru von Plessen đến buồng ngủ của nàng chơi cờ để nàng bớt cô quạnh. Hoàng hậu nằm trên giường ngủ rộng thênh thang nhìn trân trân lên trần. Fru von Plessen hỏi nàng vì sao không nói. Hoàng hậu im lặng một hồi, không cựa quậy hay quay đầu lại trả lời. Cuối cùng nàng thốt ra:

- Ta thấy cô đơn quá.

Fru von Plessen hỏi Hoàng hậu điều gì đang đè nặng trong tim nàng. Nàng trả lời:

- Đức vua không tới. Tại sao ngài lại không tới?

Căn phòng thật lạnh lẽo. Fru von Plessen chăm chú nhìn cô chủ của mình hồi lâu rồi nói:

- Đừng băn khoăn gì cả, lúc nào Đức vua thấy thích hợp ngài sẽ tới. Cho đến khi đó, Hoàng hậu hãy tận hưởng sự tự do của mình, chả nên buồn bã làm gì.

 

- Bà nói vậy là có ý gì? - Hoàng hậu hỏi.

- Nhà vua, - Fru von Plessen nói toẹt ra - không nghi ngờ gì cả, Nhà vua sẽ vượt qua sự ngượng nghịu. Cho đến lúc đó, Hoàng hậu hãy tận hưởng, trong lúc còn rảnh rỗi.

- Tại sao lại tận hưởng?

- Khi nào cảm thấy khó chịu quá, như bị tra tấn! - Fru von Plessen đột nhiên xẵng giọng.

- Hãy biến đi nơi khác đi! - Hoàng hậu bỗng nói sau một hồi im lặng.

Điều này làm Fru von Plessen bực mình rồi bà rời căn phòng.

Tuy nhiên, sự phẫn nộ của Guldberg nảy ra từ những gì diễn ra vào cùng buổi tối hôm đó.

Ông ta đang vờ đọc sách, ngồi trên hành lang giữa phòng của viên Đổng lý hoàng gia và phía bên trái là thư viện của thư ký Nhà vua. Ông ta không giải thích tại sao mình lại viết là "giả vờ". Hoàng hậu xuất hiện. Ông ta đứng lên cúi chào. Nàng xua tay rồi cả hai ngồi xuống.

Nàng mặc áo váy màu hồng để lộ đôi vai trần.

- Ngài Guldberg, liệu tôi có thể hỏi ngài một câu hỏi rất riêng tư không? - Nàng hỏi.

Ông ta gật đầu, không hiểu gì cả.

- Tôi được người ta cho biết, - nàng thì thào, - rằng từ thời trai trẻ ngài đã được giải thoát... giải thoát khỏi sự tra tấn của ham muốn. Vì vậy tôi muốn hỏi ngài..

Nàng dừng lại. Ông ta vẫn im lặng nhưng cảm thấy một cơn giận dữ kinh khủng đang dâng trào trong người. Chỉ với sự kiên quyết ghê gớm mới khiến ông giữ được bình tĩnh.

 

- Tôi chỉ muốn hỏi...

Ông ta chờ đợi. Cuối cùng sự im lặng trở nên không thể chịu đựng nổi, Guldberg nói:

- Vâng, thưa Hoàng hậu!

- Tôi chỉ muốn biết... chuyện thoát khỏi sự cám dỗ là thoải mái hay là một sự trống rỗng ghê gớm?

Ông không trả lời.

- Ngài Guldberg, - nàng thì thào, - đó là sự trống rỗng? Hay tra tấn?

Nàng cúi người về phía ông. Đường cong chỗ bộ ngực sát vào ông. Ông thấy mình phẫn nộ "mà chả biết vì lý do gì". Ông đã nhìn thấu cô ta ngay lập tức và hình ảnh này qua các sự kiện diễn ra sau đấy tác động tới ông rất lớn. Sự tinh quái của nàng rất rõ ràng: xác thịt trần trụi, đường cong của bộ ngực, làn da trẻ trung nhẵn nhụi, tất cả đều rất gần. Đây không phải là lần đầu tiên ông hiểu những lời đồn đại quái ác về lý do của sự bất lực trong ông đã lan truyền trong triều đình. Ông thấy thật vô vọng khi phải đối phó với điều đó!  

 Thật khó mà chỉ ra được một kẻ bị thiến giống như một con vật béo mập, sưng vù, thiếu hẳn màu xám, sắc sảo, gầy gò và nhất là sự trong sáng về thể chất vốn có ở ông.

Những lời đồn đoán được thêu dệt về ông ta đã đến tai Hoàng hậu. Ả điếm nhỏ này nghĩ rằng ông vô hại, có thể là người có thể thổ lộ được. Và với tất cả sự thông minh của một kẻ láu cá còn trẻ giờ đây nàng đang cúi rất sát làm cho ông ta có thể nhìn được trọn vẹn bộ ngực đầy đặn của nàng. Nàng  hình như đang cố gắng thử ông, xem còn chút sức sống nào trong người ông và bộ ngực của nàng có thể khơi dậy chút nào lực cạn kiệt của người đàn ông trong ông ta.

Liệu điều ấy có kích động được chút còn lại của đàn ông, của một con người hay ông ta chỉ là một con vật.

Rồi nàng nhìn ông. Giống như một con vật. Nàng bày tất cả ra cho ông ta như thể muốn nói: tôi biết rồi. Nàng biết ông ta kinh ngạc và khinh bỉ, không còn là giống người, không còn có thể vươn tới sự ham muốn. Và giờ thì nàng làm điều ấy với nhận thức đầy đủ, và một ý định láu cá.

Lúc đó, khuôn mặt của nàng sát với Guldberg và bộ ngực phơi bày của nàng như muốn thoát ra lời thóa mạ với ông ta. Sau khi cố trấn tĩnh ông ta đã nghĩ: Cầu mong đức Chúa trời trừng phạt cô ta, cầu cho cô ta chết trên ngọn lửa vĩnh hằng, cầu mong cho một ngọn giáo của sự thù hận xuyên qua dạ con cô ta và cầu mong cho sự cọ xát đáng khinh bỉ của cô ta được đáp lại bằng nỗi đau và sự giày vò bất tận.

Sự kích động của ông ta lớn đến nỗi làm nước mắt trào ra. Rồi bỗng ông sợ con quái vật trẻ trung và ghê gớm kia sẽ để ý.

Nhưng cũng có thể ông ta đã hiểu nhầm nàng. Vì sau đấy, ông đã mô tả là nàng đã nhanh chóng, giống như một con mọt, lấy tay xoa trên má ông rồi thì thào:

- Hãy tha thứ cho tôi. Ồ, xin hãy tha thứ cho tôi, ngài... Guldberg. Tôi không có ý...

Guldberg vội vã đứng phắt dậy và bỏ đi.

Khi còn là một đứa trẻ, ông ta có một giọng hát thật tuyệt vời. Điều đó là sự thật. Ông ta căm ghét các nghệ sĩ. Ông ta cũng căm ghét sự không trong sáng.

 

Ông ta nhớ là những cơ thể cứng nhắc thì trong sáng. Và chúng không bao giờ gây ra sự hỗn loạn.

Sự vĩ đại và quyền lực tối thượng của Chúa biểu hiện ở thực tế là Người lựa chọn, ngay cả những kẻ nhỏ bé, ngu đần là công cụ cho ngài. Điều này thật kỳ diệu. Đó cũng là một phép mầu không thể giải thích nổi. Đức vua, anh chàng Christian trẻ tuổi, nhỏ bé, có thể là thiểu năng trí tuệ nhưng  đã được lựa chọn.

Tất cả quyền lực đã được trao lại cho ngài. Quyền lực đó, sự lựa chọn đó đến từ Chúa. Nó không hề được ban cho những kẻ xinh đẹp, mạnh khoẻ hoặc xuất sắc; họ là những người thực sự dẫn đầu. Những kẻ thấp bé nhất lại được lựa chọn. Đó là phép mầu của Chúa. Guldberg hiểu điều này. Về một ý nghĩa nào đó, Nhà vua và Guldberg là một phần của cùng một phép mầu.

Điều ấy làm cho ông ta thoả mãn.

Ông ta nhìn thấy Struensee lần đầu tiên vào năm 1766 ở Altona vào đúng ngày mà vị Hoàng hậu trẻ tuổi trên đường từ London tới Copenhangen, vài ngày trước khi kết hôn. Struensee đứng đó, nấp trong đám đông, vây xung quanh là những người bạn của anh ta.

Nhưng Guldberg đã nhìn thấy anh ta: oai vệ, đẹp trai và phóng đãng.

Chính bản thân Guldberg đã có lần phất lên từ nghề mộc.

Người đã có lúc phất lên từ nghề mộc; bất cứ ai làm việc đó  đều biết rằng tất cả công việc nghề mộc có thể liên kết được. Đơn giản là vấn đề tổ chức. Chính trị bao gồm cả tổ chức, do vậy khiến cho nghề mộc cũng được lắng nghe và báo cáo.

Ông ta luôn tin vào công lý và biết rằng thói xấu luôn bị gạt bỏ bởi một con người bé nhỏ vốn bị coi thường, một người không ai thèm để ý. Đây là động cơ thúc đẩy trong ông. Chúa đã chọn ông ta và biến ông thành một chú lùn màu xám, khẳng khiu vì phương cách của Chúa thật  bí hiểm. Nhưng những hành động của Chúa lại đầy khôn ngoan.

Đức Chúa là một nhà chính trị gia hàng đầu.

Ngay từ rất sớm, ông ta đã biết ghét sự không trong sáng và ma quỷ. Ma quỷ có nghĩa là chơi bời phóng đãng, những kẻ phỉ báng Chúa, những kẻ lưu manh cặn bã, trần tục, thích gái điếm và nghiện ngập. Tất cả đều có mặt tại triều đình. Triều đình chính là xấu xa. Do vậy, ông ta luôn đem theo một nụ cười thân thiện, rất khiêm nhường mỗi khi phải chứng kiến sự xấu xa. Guldberg nhỏ bé có thể cũng muốn tham gia, họ nghĩ vậy nhưng ông thì không thể. Ông ta thiếu..công cụ. Vì vậy chỉ có thể đứng xem.

Những nụ cười mỉm chế giễu của họ.

Nhưng họ phải lưu ý đến cặp mắt của ông ta.

Ông thường nghĩ rồi một ngày nào đó, thời gian nắm quyền sẽ tới, khi sự kiểm soát chinh phục mọi thứ. Và rồi những nụ cười sẽ không còn cần thiết nữa. Rồi thời gian để cắt bỏ cũng sẽ tới, thời gian dành cho sự trong sáng, như cành cây khô cằn bị chặt đi khỏi thân cây. Rồi sự xấu xa sẽ bị cắt bỏ. Để rồi thời gian cho sự trong sáng sẽ  tới.

Và đến lúc ấy thời kỳ của những người đàn bà dâm đãng sẽ chấm dứt.

Mình sẽ làm gì với những người đàn bà dâm đãng thì chính ông cũng không biết. Dù gì, họ cũng không thể bị cắt bỏ. Có lẽ họ sẽ bị chìm nghỉm rồi tan biến đi, mục ruỗng như nấm mùa thu.

Ông ta rất thú vị với hình ảnh đó. Những phụ nữ dâm đãng sẽ chìm nghỉm đi rồi thối rữa mục nát, giống như nấm vào mùa thu.

Giấc mơ của ông ta là sự trong sáng.

Những kẻ cấp tiến ở Altona không trong sáng. Chúng khinh bỉ những ai bị cắt bỏ và nhỏ bé và chúng mơ những giấc mơ bí mật về quyền lực điều mà chúng la lối đấu tranh. Ông ta nhìn thấu bọn chúng. Chúng nói về khai hóa. Một ngọn đuốc trong bóng đêm. Nhưng từ những ngọn đuốc của chúng chỉ toả ra bóng tối.

Ông ta đã ở Altona. Thật có ý nghĩa là nhân vật Struensee cũng xuất thân từ Altona. Paris đã là hang ổ của những kẻ tráo trở trong số những nhà bách khoa toàn thư, nhưng Altona thậm chí còn tồi tệ hơn. Như thể họ đang cố hãm phanh lại ở ngôi nhà của thế giới mà thế giới lại đến bước tận cùng, còn sự băn khoăn, ghê tởm và những cơn giận dữ cứ thế trôi dạt. Nhưng đức Chúa Toàn năng đã lựa chọn một trong những đứa con nhỏ nhất của Người, kẻ bị khinh rẻ nhất, chính là Guldberg đứng ra đối mặt với cái xấu để cứu vớt Nhà vua và cắt bỏ đi phần nhơ bẩn trong kẻ được Ngài lựa chọn. Và, nhà tiên tri Isaiah đã viết:

Ai là người đã đến từ Edom, trong bộ trang phục màu sẫm từ Bozrah, người thật vẻ vang với hình dạng của mình, tiến bước với sức mạnh vĩ đại?

Đó chính là ta tuyên bố chiến thắng, cứu rỗi.

Vì sao cái áo khoác của nhà ngươi lại có màu đỏ giống như của gã đang giẫm đạp lên thùng làm rượu nho kia?


Chỉ có mình ta giẫm đạp lên chỗ rượu nho thôi, mà ngay cả đám đông kia chẳng ai có thể dám sánh với ta. Chính ta đã giẫm đạp lên họ trong cơn giận dữ khiến máu họ vấy bẩn lên quần áo và làm ô uế cả trang phục của ta.

Vì ngày báo thù vẫn ở trong tâm khảm ta và năm tháng hoàn trả đã tới.

Ta nhìn vào nhưng chẳng có ai giúp; ta thật kinh ngạc nhưng chẳng  có ai đỡ; vậy là cánh tay của chính ta đã đưa ta đến chiến thắng và sự giận dữ đã trỗi lên trong ta.

Ta chà đạp lên con người trong cơn giận dữ. Ta bắt họ phải uống đủ cơn giận dữ của ta và ta tắm máu của họ lên trái đất."

 "Vậy những kẻ vô gia cư đã trở thành nhà lãnh đạo," như trong Kinh thánh đã viết.

Ông ta chính là người được đức Chúa phái tới. Và nỗi sợ hãi khủng khiếp đến với trái đất khi kẻ thấp hèn nhất và bị khinh bỉ nhất lại nắm quyền được trả thù trong tay. Và sự giận dữ của Chúa sẽ giết chết tất cả.

Khi những kẻ xấu xa và ăn bám bị gạt bỏ, ông ta sẽ xá tội cho Nhà vua. Và ngay cả khi cái xấu đã làm hại Nhà vua thì ngài lại biến mình thành một đứa trẻ lần nữa. Guldberg thấu hiểu điều này: Christian luôn luôn là một đứa trẻ. Ngài không phải là kẻ điên rồ. Và một khi mọi việc chấm dứt và đứa trẻ được Chúa cứu vớt, Nhà vua sẽ lại đi theo sau ông ta như một cái bóng, một đứa trẻ, hiền lành và trong sáng. Ngài sẽ lại trở thành một đứa trẻ trong sáng, một kẻ lang thang sẽ trở thành một nhà cai trị.

Ông ta sẽ bảo vệ Nhà vua. Chống lại bọn họ. Bởi vì Nhà vua cũng là một kẻ lang thang và bị khinh rẻ nhất.

 

Nhưng những bức tượng người cưỡi ngựa không được dựng cho những kẻ làm rượu vang.

 

 

6

 

Guldberg đã có mặt tại giường bệnh của vua Frederik, cha của Christian khi ông ta qua đời.

Ông qua đời vào sáng ngày 14 tháng 1 năm 1766.

Những năm cuối đời, vua Frederik trở nên ngày một tệ hại; ông ta uống rượu liên tục; da thịt sưng vù lên, màu tái nhợt, đôi tay run lẩy bẩy, mặt xị xuống, nét mặt của một gã nghiện rượu - như thể véo được từng mẩu thịt ra từ khuôn mặt đó - ẩn sâu là đôi mắt của ông ta, màu xanh lơ và ướt nhoẹt chất  nhầy màu vàng tiết ra, như thể thân xác ông ta đã bắt đầu thối rữa.

Ông ta luôn bị kích động và chán chường; liên tục đòi phải có gái điếm túc trực bên giường để làm dịu những cơn đau. Thời gian lặng lẽ  trôi qua, ngày càng nhiều vị linh mục cảm thấy tức bực trước điều đó. Buộc phải có mặt để đọc kinh với hy vọng xua tan nỗi sợ hãi của Nhà vua, họ cảm thấy ghê tởm. Trong khi đó Nhà vua, sức đã tàn lực đã kiệt, không còn khả năng thoả mãn nhục dục vậy mà vẫn nằng nặc đòi kéo bằng được lũ gái điếm trần truồng đến nằm chung với ông ta. Đó chính là lúc các linh mục cảm thấy lời cầu nguyện của họ, nhất là những lời xưng tội trở thành bị báng bổ. Nhà vua đã phỉ nhổ vào Chúa, nhưng lại say sưa hút máu Ngài trong lúc các ả gái điếm trơ trẽn thi nhau sờ mó cơ thể ông ta.

Tồi tệ hơn nữa là khi tin  đồn về bệnh tật của Nhà vua loang ra đến tận công chúng và các linh mục cũng thấy mình bị cuốn vào những lời đàm tiếu đó.

Tuần cuối cùng trước khi chết, Nhà vua lâm vào tâm trạng sợ hãi tột cùng.

Ông ta dùng từ đơn giản "sợ hãi" thay "buồn phiền" hay "kích động". Những đợt nôn thốc nôn tháo lặp đi lặp lại ngày một liên tục. Ngày ông ta qua đời, Nhà vua đòi triệu Thái tử Christian tới giường bệnh.

Lúc đó, ngài giám mục của thành phố đã khăng khăng đòi đuổi tất cả các ả gái điếm ra ngoài.

Nhà vua im lặng hồi lâu nhìn chăm chăm vào tất cả những ai có mặt, kể cả tùy tùng, vị giám mục và hai linh mục. Rồi bằng một giọng chứa đầy  hận thù, ông ta hét toáng lên rằng những phụ nữ ấy một ngày nào đó sẽ cùng với ông lên thiên đường; ông ta nguyền rủa những kẻ đang xúm xít quanh mình, đặc biệt vị tổng giám mục của Aarhus, bị đầy xuống địa ngục.

Ông ta chả biết gì nữa cả vì ngài tổng giám mục đã quay về nhà thờ của mình từ hôm trước rồi.

Rồi ngài nôn thốc tháo và lại đòi được uống rượu tiếp.

Một tiếng sau ông ta bắt đầu lú lẫn, rồi hét toáng lên đòi gặp con trai  để ban phước.

Thái tử Christian, được đưa vào gặp mặt cha lúc 9 giờ. Cậu được người thầy giáo Thụy Sỹ là Reverdil đi cùng. Lúc đó, Christian mười sáu tuổi. Cậu hoảng hốt nhìn cha mình.

Cuối cùng Nhà vua cũng nhận ra cậu, ra hiệu cho Christian tiến gần lại nhưng  Christian vẫn đứng y nguyên, quá hoảng sợ. Rồi Reverdil cầm tay cậu ta dẫn đến bên Nhà vua song cậu ôm chặt lấy ông  ta, mồm lắp bắp những lời chả ai hiều gì, đôi môi mấp máy cố nói điều gì đó nhưng chả có âm thanh nào phát ra cả.

- Lại đây... con yêu của ta... - Nhà vua lẩm bẩm rồi vung tay thật mạnh,  quăng luôn cả cái bình rượu vang rỗng.

Khi Christian từ chối không chịu nghe lời, Nhà vua bắt đầu gào thét một cách man dại; và khi một linh mục cảm thấy thương hại bèn hỏi ông ta muốn gì thì Nhà vua nhắc đi nhắc lại.

- Ta muốn... quỷ Sa-tăng ban phước cho thằng trời đánh này...

Sau một giây phút im lặng, Christian cũng bị lôi đến bên giường bệnh của Nhà vua. Nhà vua nắm lấy đầu và cổ Christian, cố kéo cậu lại gần hơn.

- Thế nào... mọi việc thế nào hả đồ trời đánh?

Nhà vua đã bắt đầu nói ngọng nhưng rồi trở lại bình thường.

- Con sâu nhỏ! Nhà ngươi phải cứng rắn lên... cứng rắn lên! Nhà ngươi... có cứng rắn không? Ngươi phải tỏ ra mình không bao giờ hở sườn! Nếu không...

Christian không nói được lời nào vì cậu vẫn bị tóm gáy ấn sát vào bên sườn để trần của Nhà vua. Nhà vua lúc này thở hổn hển, nhưng rồi cũng phều phào tiếp:

- Christian! Con phải tỏ ra cứng rắn... cứng rắn... cứng rắn! Nếu không chúng sẽ nuốt chửng con luôn! Nếu không chúng sẽ nghiến nghấu... đè bẹp...

Rồi đầu ngài ngoẹo sang bên gối. Không khí im lặng bao trùm cả căn phòng. Chỉ có âm thanh duy nhất là tiếng khóc nức nở của  Christian.

Và Nhà vua, lúc này đã thiếp đi đầu vẫn tựa lên chiếc gối, nói rất khẽ, nghe thều thào:

- Ngươi không cứng rắn chút nào, con quỷ nhỏ. Ta ban phước cho ngươi!

Nước vàng rỉ ra từ mồm ông ta. Vài phút sau, vua Frederik V qua đời.

Guldberg nhìn thấy và ghi nhớ tất cả. Ông ta cũng thấy ông thầy người Thụy Sỹ Reverdil cầm tay Christian như thể Nhà vua mới vẫn còn là một đứa trẻ nhỏ; ông ta dắt tay Nhà vua như thể dắt một đứa bé, điều làm tất cả mọi người rất ngạc nhiên và bàn ra tán vào rất nhiều. Họ rời khỏi phòng như vậy rồi bước dọc hành lang ngang qua đám thị vệ kiếm tuốt trần và bước ra ngoài sân cung hoàng gia. Lúc đó là vào chính ngọ, mặt trời xuống rất thấp sau đợt tuyết rơi nhẹ đêm hôm trước. Đứa trẻ vẫn khóc òa tức tưởi, tay nắm chặt  ông thầy giáo Thụy Sỹ.

Bước tới giữa sân, đột nhiên họ dừng lại. Rất nhiều người đang quan sát họ. Tại sao họ lại dừng lại? Họ định đi đâu?

Đứa trẻ thấp và mảnh mai. Khi nghe tin về cái chết đột ngột và khủng khiếp của Nhà vua, mọi người trong triều đều kéo về phía cung đình. Một trăm người đứng đó, im lặng và tò mò.

Guldberg ở trong số họ, là người thấp bé nhất. Lúc này, ông ta chẳng có tước vị gì ngoài chức danh thầy giáo của thái tử, không có quyền lợi, không quyền lực, nhưng với niềm tin vững chắc r 5c0 ng những cây to rồi sẽ đổ gục và mình vẫn có thời gian chờ đợi.

Christian và ông thầy vẫn đứng yên vị, rõ ràng tỏ ra bối rối, chẳng biết đang chờ đợi điều gì. Họ vẫn đứng đó cho tới lúc ánh nắng chiều rọi xuống sân cung đình sau khi cơn mưa tuyết đã rắc lên trên một lớp mỏng, như thể chẳng trông hòng được điều gì trong khi đứa bé vẫn cứ tấm tức khóc.

Reverdil nắm chặt tay Nhà vua mới. Vị vua mới của Đan Mạch trông mới thật bé nhỏ làm sao, giống như một đứa trẻ. Guldberg cảm thấy xót xa vô bờ bến khi nhìn họ. Một ai đó đã chiếm chỗ bên cạnh Nhà vua mà lẽ ra  thuộc về ông ta. Hàng núi công việc cần phải làm để giành lại vị trí ấy. Nhưng nỗi xót xa của ông vẫn vô bờ bến. Rồi ông lấy lại bình tĩnh.

Thời gian của ông sẽ đến.

Và Christian được ban phước như vậy đó.

Cũng trong buổi chiều hôm ấy, Christian VII đã được tuyên thệ trở thành vị vua mới của Đan Mạch.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86308


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận