1
Ngày 14 tháng Giêng năm 1769, phái đoàn hoàng gia về đến Copenhagen. Cách cổng thành hai dặm, những chiếc xe ngựa cũ nát bùn lấm lem đều buộc phải dừng lại để thay thế; những chiếc xe mới đã được sắp xếp sẵn sàng với những mảnh vải lụa phấp phới và Hoàng hậu đã ngồi vào vị trí của nàng trong xe bên cạnh chồng, Đức vua Christian VII.
Chỉ có hai người trong xe. Họ ngắm nghía, nhìn nhau chăm chú như thể để phát hiện xem có điều thay đổi nào mà họ hy vọng hoặc sợ hãi.
Trước khi đoàn người khởi hành, màn đêm đã buông xuống; trời thật lạnh và đoàn xe đi vào cổng qua phía Vesterport. Hàng trăm lính đứng gác với những ngọn đuốc trên tay. Những tên lính tuần tiễu qua lại nhưng không nghe thấy tiếng nhạc.
Mười sáu chiếc xe ngựa tiến vào cổng lâu đài. Bên trong, cả triều đình đã tề tựu đông đủ. Mọi người đều chờ đợi trong bóng tối và giá lạnh với tâm trạng mỏi mệt.
Từ lúc tới, chẳng có ai nhớ giới thiệu Struensee với Hoàng hậu.
Dưới ánh đuốc lập loè, trong giá lạnh, buổi đón tiếp Nhà vua đã được tổ chức. Ngay sau khi xe ngựa dừng lại, ngài đã cho triệu Struensee, người đang đi ở phía sau họ một quãng. Đứng ở cuối cùng hàng những người chờ đón- cả đoàn đón tiếp tung hô- là Guldberg. Ông ta nhìn như dán chặt vào Nhà vua và viên ngự y.
Có nhiều người nhìn và quan sát.
Khi họ trèo lên bậc cầu thang, Struensee hỏi Nhà vua:
- Cái gã thấp bé vừa nhìn ngài một cách rất hỗn xược là ai vậy?
- Guldberg.
- Thế gã là ai?
Nhà vua chờ để trả lời anh ta, ngài bước lên phía trước rồi quay lại, thái độ tỏ rõ căm ghét, bất ngờ ngài gào lên:
- Hắn biết! Biết! Caterine ở đâu?
Struensee không hiểu gì cả.
- Đồ chó má! - Nhà vua nói tiếp giọng the thé. - Chó má và vô tích sự!
- Ít nhất là đôi mắt của hắn, không phải là không có ý nghĩa gì. - Struensee nói.
2
Ngồi một mình trong xe với Nhà vua, cô gái người Anh bé nhỏ không nói lời nào.
Nàng cũng chẳng biết là mình ghét cuộc gặp gỡ này hay mong chờ nó. Có lẽ không phải nàng chờ đợi Christian mà là một cái gì khác. Một sự thay đổi.
Nàng bắt đầu nhận ra rằng mình có một thân hình.
Trước kia, thân hình nàng là một cái gì đó mà những người hầu gái thường cụp mắt xuống mỗi khi thấy và nàng mang trên mình bộ nhung y dưới cặp mắt dò xét của triều đình thì giống như một pháo hạm nhỏ. Lúc đầu, nàng nghĩ mình chỉ có áo giáp. Chính bộ quần áo của Hoàng hậu định hình tính cách của mình. Mặc quần áo trong vai này nàng giống như một tàu chiến bọc thép nhỏ, được những người Đan Mạch ngạc nhiên ngắm nghía; những người nói thứ tiếng Anh của nàng rất tồi và vệ sinh cá nhân bốc mùi. Tất cả họ đều bụi bặm, toát ra mùi nước hoa rẻ tiền và phấn sáp cũ kỹ.
Giờ đây, nàng đã phát hiện ra thân hình của mình.
Sau khi sinh đứa trẻ khi những người giúp việc lui ra ngoài, nàng bắt đầu quen với việc trút bỏ hết áo ngủ nằm trần truồng dưới tấm chăn lạnh toát. Rồi nàng đụng chạm vào cơ thể mình, không phải là nhục dục, không, đó không phải là nhục dục, nàng nghĩ, cái đó chính là để cho mình có thể dần dần xác định và khám phá cơ thể của chính mình mà lúc này thoải mái không phải mặc thứ quần áo cung đình và son phấn.
Chỉ có làn da của nàng.
Nàng bắt đầu thích cơ thể mình. Nó có cảm giác như càng ngày càng thuộc về nàng. Sau khi đứa bé ra đời, ngực nàng đã trở lại vị trí trước đây của nó làm cho nàng càng thấy yêu thân hình mình. Nàng thích làn da, cái bụng, cặp đùi của mình. Nàng có thể nằm đó hàng giờ, ngẫm nghĩ. Đây chính là thân thể của mình.
Đụng chạm vào thật thích.
Trong thời gian Nhà vua đi châu Âu, nàng đã mập ra và đồng thời nàng cũng thấy mình lớn lên cùng với cơ thể. Nàng có thể cảm nhận được mọi người chiêm ngưỡng mình không phải chỉ vì là Hoàng hậu mà còn là một cái gì khác nữa. Xét cho cùng, nàng cũng chẳng ngây thơ. Nàng biết có một cái gì đấy tồn tại liên quan đến cơ thể trần truồng của nàng dưới bộ nhung y và tước vị, một cái gì đấy tạo ra xung quanh nàng một sự phản chiếu vô hình của tình dục, ham muốn và cái chết.
Tất nhiên, Hoàng hậu là một trái cấm, một phụ nữ. Chính vì vậy, nàng hiểu một cách rõ ràng là những người đàn ông nhìn xuyên qua bộ quần áo nàng đang mặc để thấy cơ thể nàng và đấy là điều nàng thích. Nàng đoan chắc là bọn họ đều muốn xâm chiếm nàng và chính cái chết trong đó lôi cuốn họ.
Trái cấm ở đó. Nó toả sáng qua nhung y. Nàng là trái cấm hàng đầu trong tất cả những phụ nữ, và nàng biết thừa rằng mùi xạ hương dục tình quanh nàng là điều không thể cưỡng nổi đối với họ.
Đấy là điều cấm kỵ cuối cùng: một phụ nữ trần truồng, và một Hoàng hậu và vì lý do ấy cũng là cái chết. Nảy sinh ham muốn với Hoàng hậu có nghĩa là chạm vào cái chết. Nàng là trái cấm và sự thèm muốn nhưng bất cứ kẻ nào đụng vào thứ trái cấm quý nhất ấy là phải chết. Điều đó kích thích họ; và nàng biết điều này. Nàng nhìn thấy vậy trong ánh mắt của họ. Và một khi nàng nhận thức được điều đó tất cả những cái khác hình như trở thành bị gài bẫy, thậm chí mạnh mẽ hơn, chói lọi trong căng thẳng và thầm lặng.
Nàng nghĩ về điều này rất nhiều. Nó làm nàng tràn ngập sự hứng khởi đầy tò mò: Nàng là một trái cấm thiêng liêng và nếu trái cấm thiêng liêng bị chinh phục, nó sẽ mang lại cho họ niềm đam mê tận cùng và cái chết.
Nàng có thể nhìn thấy vậy trong bọn họ. Mong muốn được làm tình với nàng luôn hiện hữu trong nhận thức của bọn họ. Nó giống như một cơn ngứa. Nó tiêm nhiễm trong họ. Nàng hình dung họ đều nghĩ về nàng mọi lúc khi họ ngủ với người tình hoặc gái điếm, và họ mắt nhắm nghiền ra sao, tưởng tượng rằng đó không phải là con điếm hay vợ họ mà là thân thể tuyệt đối cấm của Hoàng hậu họ đang đi vào; chính điều này mang lại cho nàng một ý thức mãnh liệt về quyền lực.
Nàng đang hiện diện trong cơ thể họ với nhận thức rằng dính vào cơ thể này có nghĩa là cái chết. Một chiếc giũa thần(trái cấm).
Nàng giống như một nốt ngứa ở dương vật của triều đình. Và bọn họ không thể với tới nàng. Tình dục, cái chết và cơn ngứa. Và bọn họ không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này cho dù có cố trút cơn ngứa hay xả hết vào những người đàn bà của họ. Chỉ riêng mình nàng là không thể với tới được và duy nhất là cầu nối giữa ham muốn và cái chết.
Đó là một hình thức..của quyền lực.
Nhưng thỉnh thoảng nàng vẫn nghĩ: ta thích cơ thể mình. Và ta biết rằng mình là một vết ngứa trên cái dương vật của triều đình. Nhưng ta lại không thể sử dụng cơ thể mình một cách tự do và cảm nhận được sự cận kề tuyệt đối với cái chết trong quan hệ tình dục với ta, và chính ta cảm thấy thỏa mãn về điều đó. Đôi lúc vào ban đêm, khi nàng nằm trần truồng, nàng thường sờ vào người mình, chạm vào chỗ kín và nỗi đam mê cứ thế dâng trào như những đợt sóng dâng lên trong con người nàng, mà giờ đây nàng ngày một thích.
Và thật là ngạc nhiên, nàng không cảm thấy xấu hổ dù nàng là một con người đang sống.
3
Christian, người chồng mảnh mai chẳng bao giờ nói chuyện với nàng, vậy anh ta là ai nhỉ? Anh ấy có cảm thấy ngứa ngáy không?
Anh ấy là một người ở bên ngoài. Và nàng cố hiểu xem anh ta là người thế nào.
Vào tháng Tư, Hoàng hậu dự một buổi diễn vở Zaire của nhà văn Pháp Voltaire tại Nhà hát hoàng gia. Ngài Voltaire đã gửi vở kịch này tới Nhà vua như một lời chào cá nhân và Nhà vua cũng muốn đóng một trong các vai. Ngài cũng duyệt lại vai diễn.
Trong lá thư kèm theo, ngài Voltaire đã tâm sự vở kịch ẩn chứa một thông điệp bí mật, một chìa khóa dẫn tới những hành động mà vị vua cao cả nhất của Đan Mạch, Ánh sáng của phương Bắc và người cứu rỗi của những kẻ bị áp bức sẽ sớm thực hiện.
Sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, Nhà vua tuyên bố ý muốn của mình được đóng vai Sultan.
Và thực sự ngài cũng không phải là một diễn viên tồi.
Ngài nói những dòng chữ của mình chậm rãi với cách nhấn nhá đặc biệt tạo ra một sự căng thẳng đến ngạc nhiên trong những vần chữ. Sự ngưng nghỉ đã tạo ra những gay cấn như thể đột nhiên ngài nhận ra một vài ẩn dụ nào đó và tự mình dừng lại giữa chừng. Và khi thấy Nhà vua trên sân khấu bỗng nhiên Caroline Mathilde cảm thấy có một tình cảm kỳ lạ và miễn cưỡng đối với chồng mình.
Trên sân khấu, ngài là một người khác hẳn. Những dòng chữ của ngài dường như thật hơn những câu hội thoại. Như thể ngài xuất hiện lần đầu tiên:
Điều tôi biết giờ đây, còn điều gì khác nữa mà tôi đã biết
Nếu không phải là những lời dối trá và sự thật đều giống nhau
Như thể chúng là hai giọt nước
Nghi ngờ! Nghi ngờ! Vâng tất cả đều đáng ngờ.
Và chẳng có gì mà chỉ có sự nghi ngờ là thật.
Về mặt nào đó, trông ngài thật ngộ nghĩnh trong bộ quần áo kịch. Hóa trang trong bộ quần áo phương Đông! Chiếc khăn quấn đầu! Và cái kiếm cong quá lớn so với hình hài nhỏ bé mảnh mai của ngài! Nhưng ngài nói những câu độc thoại khá dài với niềm tin thật đáng khâm phục, như thể trên sân khấu, trước toàn thể triều đình, ngài đang kiến tạo những dòng chữ của chính ngài. Chính vào giây phút này, chúng được tạo ra. Vâng, đứa trẻ điên loạn đây người vẫn sống cuộc đời mình bằng cách nói những dòng chữ của cung đình trong nhà hát cung đình, lần đầu tiên nói không cần văn bản. Cũng lần đầu tiên những từ ngữ cứ thế tuôn trào.
Như thể ngài tạo ra những dòng chữ ngay ở đó, trên sân khấu.
Một tội ác mà tôi phạm phải
Chống lại quyền trượng của kẻ thống trị tôi
Và quyền lực mà tôi đã hoang phí khi tôi cố gắng
Để mang nó.
Ngài đã diễn vai của mình một cách êm ả nhưng đầy hứng khởi và các nghệ sĩ khác đều kinh ngạc trước cách trình diễn của ngài, quên cả những lời của mình, nhìn trân trân Nhà vua. Vậy thì cơn giận dữ được kiềm chế của Nhà vua từ đâu tới? Và niềm tin đó liệu có phải đến từ nhà hát không?
Tôi chỉ muốn được ở một mình- trên cái địa ngục này
Nỗi xấu hổ trong máu, trong máu! Tôi sẽ tự mình lau sạch
Đây là bàn thờ của tôi, bàn thờ của sự trả thù.
Và tôi - vị linh mục đứng đầu
Sau đó là một trận vỗ tay kéo dài hồi lâu nhưng hình như với vẻ sợ sệt. Caroline Mathilde để ý thấy viên ngự y người Đức, bác sĩ Struensee, chỉ vỗ tay một lát rồi dừng lại, có lẽ không phải là do không tán thưởng, nàng mường tượng, mà có thể vì lý do nào khác.
Anh nhìn Christian với vẻ tò mò khác thường, ngả người về phía trước như thể đứng dậy rồi tiến về phía Nhà vua, như thể có một câu hỏi sẵn trên môi.
Nàng đã gần như chắc chắn rằng kẻ mới được sủng ái này, bác sĩ Struensee, là kẻ thù nguy hiểm nhất của nàng. Và thật cần thiết phải đánh bại anh ta.
4
Sự im lặng bao quanh Hoàng hậu dần trở nên lan rộng sau sự xuất hiện của một kẻ thù mới.
Nàng cảm thấy chắc chắn như vậy. Có gì đó nguy hiểm đang diễn ra, một điều gì đó sẽ xảy ra, một sự thay đổi. Trước đấy, mọi thứ đã trở nên thực sự buồn chán không thể chịu nổi; một sự chán chường cuộc sống cung đình ở Copenhagen và Đan Mạch hình như giống một trong những ngày mùa đông khi sương mù từ Oresund dày đặc trôi lững lờ trên mặt nước và nàng muốn được đi dọc theo bờ biển rồi đứng trên mép những tảng đá nhìn các chú chim yên ngủ trên mặt nước đen, yên ả, lấp lánh ánh bạc; và khi một con chim vút lên, đập đôi cánh xuống mặt nước rồi biến mất trong sương mù, nàng nghĩ: nơi đây quả là một biển rộng, và bờ bên kia là nước Anh, nếu như ta trở thành một con chim có đôi cánh... nhưng rồi cái lạnh lẽo và buồn bã đưa nàng trở lại thực tế.
Trở lại cuộc sống phẳng lặng, đẫm mùi chết chóc và rong biển. Bây giờ cuộc sống vẫn đứng yên, nhưng nó lại bốc mùi sống hoặc chết; duy chỉ có sự khác biệt là hình như nguy hiểm hơn và nó làm cho nàng cảm thấy hào hứng một cách kỳ quặc.
Vậy đó là cái gì? Có phải kẻ thù mới không?
Bác sĩ Struensee không giống những kẻ khác, và anh ta là kẻ thù của nàng. Anh ta muốn hủy diệt nàng, và nàng chắc chắn điều này. Anh ta luôn gần gũi với Nhà vua và có quyền lực đối với
Vậy anh ta muốn cái gì?
Anh được coi là một người đàn ông đẹp trai. Anh vẫn còn trẻ. Anh cao hơn hẳn những người khác trong triều một cái đầu, rất vui vẻ và biết lắng nghe, và trong triều người ta gọi anh là" kẻ im lặng".
Nhưng anh đang che giấu trong mình cái gì?
Một hôm, nàng đang ngồi thêu trên con đường Hoa hồng ngay mép ngoài nội cung, bỗng nhiên nàng thấy như bị hút vào một nỗi buồn ghê gớm, không thể kiềm chế được bản thân mình. Mảnh vải thêu rơi xuống đùi, nàng cúi xuống rồi ôm mặt, cảm thấy tuyệt vọng tột đỉnh.
Đấy không phải lần đầu tiên nàng khóc ở Copenhagen. Thỉnh thoảng nàng thấy thời gian mình đang sống ở Đan Mạch chẳng có gì khác hơn là một chặng đường dài khóc lóc. Song đây là lần đầu tiên nàng khóc ở bên ngoài căn phòng của mình.
Và nàng ngồi đó một mình, tay ôm mặt và không biết Struensee đang bước tới. Đột nhiên, anh ta ở đấy. Anh bước tới chỗ nàng một cách bình thản và không nói một lời rút chiếc khăn mùi soa đưa cho nàng.
Bằng cách này, anh cho thấy là đã nhìn thấy những giọt nước mắt của nàng. Thật là thô bỉ, nhúng mũi vào chuyện riêng của người khác.
Nhưng nàng vẫn cầm lấy khăn mùi soa lau những giọt nước mắt. Rồi anh cúi đầu và lui lại như thể muốn bước đi. Nàng cảm thấy cần phải quở trách anh ta.
"Bác sĩ Struensee, mọi người đều muốn nhào đến quanh Nhà vua. Nhưng chả mấy nhà ngươi sẽ trở thành kẻ duy nhất. Vậy nhà ngươi hăng hái vậy để làm gì? Nhà ngươi muốn như thế để làm gì?"
Anh chỉ mỉm cười, một nụ cười hóm hỉnh, ngắn ngủi, lắc đầu, cúi gập người xuống rồi bước đi không nói một lời.
Không nói một lời!
Điều nàng tức giận nhất là sự không tiếp cận thân mật của anh.
Anh ta cũng chả buồn nhìn như xuyên qua quần áo của nàng giống những kẻ khác với cơ thể trái cấm của nàng. Nhưng nếu như nàng là một thứ trái cấm đáng giá nhất trong số những phụ nữ, một chiếc giũa thần, một nốt ngứa trên dương vật của triều đình thì vì sao anh vẫn lặng thinh chẳng mấy quan tâm?
Đôi lúc nàng nghĩ: không biết liệu anh có bị cuốn hút bởi biển chết đen ngòm lấp lánh ánh bạc không?
5
Vào tháng Tư, mùa hè tới.
Nó đến sớm, một màu xanh bùng nổ và những chuyến đi dạo ở công viên Bernstorff quả là thú vị. Hoàng hậu muốn đi dạo một mình, mươi bước trước đám hầu cận. Những cung nữ cùng với đứa bé trong xe đẩy theo sau.
Sau khi Fru von Plessen bị giằng khỏi nàng, Hoàng hậu đã nhất quyết không chọn ai là thân tín cả. Đó là một quyết định có tính nguyên tắc.
Vào ngày 12 tháng 5, nàng gặp Struensee trong công viên.
Anh dừng lại. Anh đang đi dạo một mình. Anh cúi đầu rất lịch sự, với một nụ cười mỉm, thân thiện nhưng có lẽ mỉa mai trên môi anh làm nàng rất khó chịu và tức tối.
Tại sao nàng cũng dừng lại nữa? Bởi vì nàng đã có chủ định. Đó chính là lý do. Nàng có một mục đích chính đáng và tự nhiên và vì vậy nàng dừng lại để nói chuyện với anh.
- Bác sĩ… Struensee. Tên là… Struensee. Phải không nhỉ?
Anh phớt lờ, vẻ châm biếm nhẹ nhàng, chỉ đáp lại.
- Vâng, thưa Hoàng hậu?
- Đó là về việc giác hơi cho thái tử. Bệnh đậu mùa đang lan tràn khắp Copenhagen, người ta nói với ta ngài là một chuyên gia, nhưng ta e rằng và không biết chúng ta có dám..
Anh buồn bã nhìn nàng.
- Chẳng có điều gì phải lo ngại cả.
- Không sao ư?
Những cung nữ với đứa trẻ trên xe nôi đã dừng lại cách một khoảng cách vừa phải, chờ đợi.
Rồi anh nói:
- Nếu như Hoàng hậu muốn, hạ thần có thể làm giác hơi được. Hạ thần tin rằng mình có đủ kinh nghiệm vì đã từng làm giác hơi ở Altona rất nhiều năm.
- Nhưng nhà ngươi là… một nhà khoa học... mà cũng biết cách giác hơi à?
- Hạ thần không viết tham luận về giác hơi. - Anh mỉm cười đáp. - Đây là vấn đề kinh nghiệm thực hành. Vài nghìn đứa trẻ. Đề tài của hạ thần không liên quan đến chủ đề này.
- Vậy nó liên quan đến cái gì?
- Đó là về sự nguy hiểm của những cử động không kiểm soát được của các chi.
Nói rồi anh im lặng.
- Vậy chi nào đương đầu mối hiểm nguy lớn nhất?
Anh không trả lời. Lúc này không khí thật nặng nề; nàng có cảm giác anh bỗng nhiên trở nên do dự và điều ấy làm nàng cảm thấy hồ hởi để tiếp tục.
- Nhà vua nói rất tốt về nhà ngươi. - Nàng nói
Anh ta khẽ cúi đầu.
- Mỗi khi có dịp nói chuyện với ta, Đức vua đều nói tốt về nhà ngươi. - Nàng nói rõ hơn nhưng rồi lập tức thấy tiếc là đã làm vậy. Tại sao nàng lại nói thế? Trong những dịp ngài nói với ta. Không nghi ngờ gì cả, anh ta hiểu nàng muốn gì song đấy không phải là mối quan tâm của anh ta.
Không thấy có câu trả lời.
- Nhưng ta lại chẳng biết gì về nhà ngươi cả. - Nàng nói giọng lạnh tanh.
- Không, không ai, không ai ở Copenhagen cả.
- Không có ai ư?
- Không có ai ở đây.
- Thế nhà ngươi còn điều gì hứng thú khác ngoài sức khoẻ của Nhà vua không?
Lúc này, anh có vẻ tò mò như thể việc không tiếp cận nổi của mình đã bị phá vỡ và lần đầu tiên anh nhìn nàng chăm chú, như vừa tỉnh dậy và nhìn thấy nàng.
- Triết học. - Anh nói với nàng.
- Ồ, thế còn gì nữa?
- Cưỡi ngựa.
- Vậy à... ta lại không cuỡi được ngựa.
- Có thể học cuỡi ngựa được.
- Có khó không?
- Kể ra cũng khó nhưng tuyệt.
Lúc này,nàng nghĩ, cuộc chuyện trò đã trở nên thân thiết hơn. Nàng biết anh cũng đã để ý đến trái cấm, về điều này nàng chắc chắn. Đột nhiên, nàng cảm thấy bực tức với chính mình, và chính mình là người đã buộc phải đưa nó ra ánh sáng. Lẽ ra anh ta phải tự mình làm điều đó. Không có sự hỗ trợ. Giống như những kẻ khác.
Nàng bắt đầu bước đi. Rồi nàng dừng lại và nói:
- Nhà ngươi là một kẻ xa lạ trong triều đình.
Đó không phải là một câu hỏi, mà là một lời tuyên bố. Điều này có nghĩa là đặt anh ta vào đúng vị trí của anh ta.
Chính lúc ấy anh trả lời, rất tự nhiên và như thể rất rõ ràng và tuyệt đối hoàn hảo.
- Vâng, cũng giống như Hoàng hậu thôi ạ.
Thế là nàng không thể kiềm chế được nữa.
- Trong trường hợp đó, nhà ngươi sẽ dạy ta cưỡi ngựa. - Nàng nói rất nhanh không hề có chút biểu cảm gì.
6
Công tước Rantzau, người đã một lần, cách đây một năm, đề xuất với Guldberg ý tưởng đưa bác sĩ người Đức Struensee vào là ngự y của hoàng gia giúp Nhà vua, không có nói tình hình ra sao nữa.
Thật lạ lùng ông cảm thấy như mọi việc đã tuột khỏi tầm tay.
Hoặc là mọi thứ diễn ra tốt đẹp hoặc ông đã đánh giá sai về người bạn và kẻ được mình đỡ 4f04 ầu, Struensee, người luôn luôn ở cùng với Nhà vua nhưng hình như bị động một cách kỳ quặc. Rất gần với Đấng tối cao nhưng giữa hai người họ lại có một sự im lặng bao trùm. Người ta nói rằng giờ đây Struensee có thể mở thư từ của Nhà vua, xem có gì quan trọng và viết dự thảo cho các chỉ dụ của Nhà vua.
Điều đó có thể là gì khác ngoài biểu hiện của quyền lực? Và còn hơn nữa là khác.
Cũng vì lý do này ông ta đã mời Struensee đi dạo quanh thành phố để tìm hiểu xem tình hình đến đâu.
Đấy là cách ông ta bày tỏ. Sự cấp thiết phải tiến hành giác hơi trị liệu, theo ông là điểm xuất phát thích hợp cho việc tiếp nối mối quan hệ thân tín đã có với ông bạn của mình.
Người đàn ông im lặng từ Altona.
Họ đi bộ qua Copenhagen. Struensee hình như chẳng mấy bận tâm đến tình trạng bẩn thỉu, hôi thối, như thể anh ta đã quá quen vậy, nhưng Rantzau thấy thật ghê sợ.
- Dịch đậu mùa có thể lan tới triều đình, - Rantzau nói, - nó có thể tràn tới... khiến chúng ta trở tay không kịp.
- Bất chấp lực lượng quốc phòng Đan Mạch, mặc dù có những khoản chi tiêu khổng lồ cho quân đội. - Struensee đáp lại.
- Thái tử cần phải được bảo vệ. - Rantzau lạnh lùng đốp lại vì ông vẫn chưa tìm được chủ đề thích hợp để vào cuộc.
- Tôi biết, Hoàng hậu đã nhờ tôi và tôi sẽ làm việc đó. - Struensee nói.
Rantzau gần như cứng lưỡi song ngài kịp trấn tĩnh lại, cố tìm câu trả lời thích hợp.
- Hoàng hậu ư? Đã nhờ rồi? Thật tuyệt.
- Vâng, Hoàng hậu.
- Nhà vua sẽ thần thánh hóa anh bạn cho đến hết phần còn lại của cuộc đời nếu như việc giác hơi thành công. Ngài đã thần thánh hóa anh trên thực tế rồi. Thật kinh ngạc. Ngài lại tin cậy anh bạn.
Struensee không trả lời.
- Thế tình hình Nhà vua ra sao? Thực chất thế nào.
- Rất phức tạp. - Struensee anh trả lời.
Anh cũng không nói gì thêm. Và đấy chính xác là những gì anh nghĩ. Sau những tháng trôi qua kể từ khi họ trở về sau chuyến đi châu Âu, anh cảm giác mình đã nhận thức được tình hình của Nhà vua khá phức tạp.
Cuộc trò chuyện của Christian với các nhà bách khoa toàn thư Pháp ở Paris quả là một giây phút chưa từng có. Và sau vài tuần, anh đã tin rằng Christian có thể được chữa lành lặn; đứa trẻ bé bỏng đó có thể mắc triệu chứng thui chột linh hồn nhưng chưa phải đã quá muộn. Những tuần sau, Christian hình như đã tỉnh sau cơn mê ngủ; ngài đã nói về một nhiệm vụ phải tạo ra một vương quốc của lẽ phải và triều đình là một căn nhà điên loạn song ngài hoàn toàn tin tưởng ở Struensee.
Ngài tin tưởng anh hoàn toàn. Chắc chắn và hoàn toàn. Ngài nhắc đi nhắc lại điều đó.
Nhưng chính lý do đằng sau sự toàn tâm của ngài lại đáng ngạc nhiên. Struensee phải là chiếc "roi" của ngài, ngài nói thế, như thể ngài còn là một đứa trẻ, đã túm được cái gậy của ông thầy hiệu trưởng rồi đặt nó vào tay của một gã tay sai mới.
Struensee nói với ngài rằng anh không muốn mình là một cái "roi", thậm chí cả một lưỡi kiếm, cũng không phải là kẻ báo thù. Vương quốc của lẽ phải không thể được xây dựng trên sự trả thù. Và cùng nhau, họ đọc đi đọc lại lá thư của Voltaire gửi cho Nhà vua và về ngài.
Khai sáng. Lẽ phải. Nhưng đồng thời Struensee cũng biết rằng thứ ánh sáng và lẽ phải này nằm trong tay một đứa trẻ lại đang mang bóng tối trong lòng, giống như một ngọn đuốc lớn màu đen.
Vậy làm sao ánh sáng có thể được sản sinh ra từ đó?
Song cũng có đôi điều về hình ảnh "cái roi" đã hấp dẫn Struensee, bất chấp cả chính bản thân mình. Liệu "cái roi" có thực cần thiết cho sự thay đổi không? Voltaire đã nói một điều mà anh không thể quên được, về sự cần thiết (hoặc ông ta nói là nghĩa vụ?) phải bước qua cái lỗ hổng mà có thể bất ngờ được tạo ra trong lịch sử. Và anh đã luôn mơ rằng những thay đổi có thể thành hiện thực, nhưng anh cũng lại nghĩ rằng, chính mình, một bác sĩ người Đức, chẳng có tên tuổi gì từ Altona, có cuộc sống chả hơn gì một người công nhân nhỏ bé mà nhiệm vụ là gạt bỏ đi bằng lưỡi dao của mình những cái thối tha từ tất cả mọi người. Anh không nghĩ "lột bỏ", cái đó quá sắc và báo một điềm gở. Nó gắn liền với những cuộc phẫu thuật khi anh tiến hành với những kẻ tự sát hay những kẻ bị xử tử. Không, anh đã hình dung nó chỉ đơn giản như một lưỡi dao của người thợ. Cắt đi để bộc lộ ra thứ gỗ thuần túy của cuộc sống. Giống như một người công nhân.
Cạo đi bằng con dao của người công nhân. Cạo đi những cái xấu xa của cuộc sống. Rồi bề mặt của gỗ lại trở nên trong sáng, hằn thớ và sinh động.
Nhưng lời chào của Diderot từ Voltaire lại chứa đựng một cái gì khác nữa.
Ông ta không dùng từ "nhiệm vụ". Nhưng đấy lại là điều ông ta muốn. Và Struensee tỉnh dậy vào ban đêm trong căn buồng của mình ở cái lâu đài lạnh như băng và nằm yên nhìn lên trần rồi đột nhiên nghĩ: Có lẽ ta chính là người đó, và giờ là giây phút mà sẽ không bao giờ tái hiện nữa, nhưng nếu quyền lực nắm ta chặt lại thì ta sẽ bị biến mất và đẩy tới sự diệt vong mà ta thì lại không muốn điều này; nó làm anh thở mạnh hơn, gần như đau đớn, và anh bắt đầu nghĩ đây là một trách nhiệm, một trách nhiệm to lớn và giây phút đó sẽ không bao giờ quay trở lại. Giây phút đó là ở Copenhagen.
Và anh chính là người đó.
Như thể anh đã nhìn thấy cánh cửa của lịch sử đã mở, và anh biết rằng đây là cánh cửa của cuộc sống, và chỉ có mình anh là người có thể bước qua. Có lẽ, chỉ có lẽ, đấy là nghĩa vụ của anh.
Và anh thấy vô cùng sợ hãi.
Anh không hề muốn mô tả tình hình của Nhà vua cho Rantzau. Lúc ấy cảm giác như dính nhớp nháp. Rantzau là một con người dai như đỉa. Trước đây anh chưa hề thấy điều này, không thấy tại khu vườn Ascheberg, cũng không thấy trong những đêm hè tuyệt vời tại túp lều của Rousseau, nhưng lúc này anh thấy nó dai dẳng làm sao. Và anh chỉ muốn thoát ra khỏi điều đó.
- Phức tạp lắm ư? - Rantzau hỏi.
- Ông ta mơ về việc tạo ra ánh sáng, và vương quốc của lẽ phải. Và tôi e rằng mình phải giúp đỡ Nhà vua. - Struensee nói.
- Sợ ư?
- Vâng, tôi thấy sợ.
- Tuyệt vời, - Rantzau nói bằng một giọng kỳ lạ. - Vương quốc của lẽ phải. Lẽ phải. Thế còn Hoàng hậu thì sao?
- Một người đàn bà lạ lùng.
- Chỉ chừng nào mà lẽ phải không giết chết được ham muốn. - Rantzau nhẹ nhàng nói.
Liên quan đến điều đó là một sự kiện đã diễn ra ba ngày trước đấy.
Sau này, Struensee sợ rằng mình đã hiểu sai. Nhưng thực sự bản chất phức tạp của tình hình đã làm anh phải suy nghĩ vài ngày liền.
Có lẽ do sự kiện mà anh đã dùng chữ "phức tạp" với Rantzau.
Dưới đây là điều đã xảy ra.
Christian và Struensee đang ở một mình trong phòng làm việc của Nhà vua. Con chó, như thường lệ, nằm trên đầu gối Nhà vua; Christian đang ký một lô văn bản mà Struensee theo yêu cầu của Nhà vua, đã soạn lại theo quan điểm thuần túy ngôn ngữ đơn thuần.
Đó là thoả thuận mà họ đã thống nhất với nhau. Struensee viết mọi thứ. Tuy nhiên, anh ta khăng khăng đấy chỉ là việc soạn thảo lại cho phù hợp về mặt ngôn từ. Christian chậm rãi ký tên mình một cách bay bướm rồi tự lẩm bẩm.
- Thật bực khi điều này xảy ra. Bernstoff. Guldberg. Gã này phải biết vị trí của mình chứ. Gã sẽ phải biết đến vị trí của mình! Ta sẽ hủy diệt. Nội các. Tất cả mọi thứ.
Struensee nhìn Nhà vua một cách thận trọng nhưng không nói điều gì vì anh đã quá quen thuộc với cách nói của Nhà vua về sự phá hủy, con phượng hoàng và phải dọn dẹp ngôi đền.
- Phải đập tan! Đập tan tành mọi thứ, phải không Struensee? Ta có một ý tưởng đúng đắn, phải không?
Rồi Struensee nói bằng một giọng bình tĩnh và khẽ khàng.
- Đúng vậy, thưa Đức vua. Phải làm một điều gì đó với cái vương quốc thối nát này.
- Ánh sáng! Từ phương Bắc!
Ngài hôn con chó, một hành động làm anh tởm lợm, rồi nói tiếp:
- Phải dọn dẹp sạch sẽ ngôi đền! Hủy diệt hoàn toàn! Ta cùng với nhà ngươi, có phải không?
Mọi thứ cho đến lúc đó vẫn bình thường. Nhưng Struensee bỗng thấy hơi khó chịu với sự bột phát của Nhà vua, rồi lẩm bẩm như chỉ nói với riêng mình.
- Thưa Đức vua, không phải lúc nào cũng dễ dàng hiểu được ngài.
Anh nghĩ nhận xét đó đã trôi qua mà Nhà vua chẳng để ý. Nhưng Christian đặt bút xuống, nhìn Struensee với thái độ rất phiền muộn, hoặc sợ hãi, như thể muốn làm sao cho anh hiểu.
- Đúng vậy, ta có nhiều khuôn mặt.
Struensee nhìn Nhà vua ngẫm nghĩ vì anh để ý lúc này giọng nói Nhà vua hơi lạ.
Rồi Nhà vua nói tiếp:
- Nhưng, thưa bác sĩ Struensee, trong cái vương quốc của lẽ phải, có lẽ chỉ có chỗ duy nhất cho những ai chọn một quân cờ mà thôi.
Sau một hồi im lặng, anh nói:
- Nếu đúng vậy thì liệu có chỗ cho hạ thần không?
7
Họ hình như đang chờ đợi.
Sau cuộc gặp gỡ Struensee trong công viên, Hoàng hậu cảm thấy hết sức bực bội; nàng đã xác định đúng là cơn giận dữ.
Nàng không thể bình tĩnh được. Đó là sự giận dữ.
Ban đêm, nàng cởi hết quần áo ngủ rồi vuốt ve phần kín đáo trên cơ thể. Ba lần sự ham muốn lại ào ạt đến nhưng chẳng có gì đem lại sự yên bình cả, mà chỉ có cơn giận dữ ở lại.
Có lẽ ta sắp mất tự chủ mất rồi, nàng tự nhủ, phải cố gắng kiềm chế.
Ta phải cố gắng kiềm chế.
*
Christian, Caroline Mathilde, Struensee. Bộ ba.
Họ hình như quan sát lẫn nhau với vẻ tò mò và nghi ngờ. Triều đình cũng quan sát họ nữa. Và họ cũng quan sát triều đình. Mọi người hình như đều chờ đợi.
Thỉnh thoảng họ cũng bị quan sát từ bên ngoài. Sau mùa thu năm đó, một lá thư đã được viết theo một cách thức nhất định, như một điềm báo trước điều gì đó sẽ xảy ra. Một người quan sát có cặp mắt tinh tường, Thái tử Thụy Điển Gustav, sau này trở thành vua Thụy Điển Gustav III, người kế vị ngai vàng cũng trong năm đó, đã đến Paris và dừng lại một thời gian ngắn ở Copenhagen. Vị thái tử đã nhìn thấy điều sẽ xảy ra. Có thể không phải là xảy ra mà là sắp diễn ra.
Ngài đã viết vài lá thư cho mẹ về tình hình trong triều đình Đan Mạch.
Ngài thấy thất vọng với triều đình Đan Mạch, thấy lâu đài thật vô vị. Vàng, vàng và tất cả là vàng, hay mạ vàng. Chẳng có phong cách gì. Những cuộc diễu binh thật đáng thương. Binh lính chẳng hề bước theo nhịp, họ quay đi quay lại chậm chạp, không chuẩn xác. Ăn chơi khoái lạc và tha hóa trong triều đình" thậm chí còn tồi tệ hơn ở chỗ chúng ta". Theo đánh giá của ngài thì Đan Mạch khó có thể là mối đe dọa về quân sự đối với Thụy Điển được.
Mùi vị kém và quay chậm chạp.
Nhưng cặp vợ chồng hoàng gia và Struensee lại là mối quan tâm lớn nhất của ngài.
"Song điều kỳ lạ nhất là ông chúa của triều đình và mọi thứ xung quanh Nhà vua. Một con người nhìn được, nhưng ngài thật nhỏ bé và mảnh mai nên rất dễ nhầm Nhà vua với một đứa trẻ mười ba tuổi hoặc một cô gái mặc quần áo đàn ông. Madame du Londelle khi mặc quần áo đàn ông trông lại rất giống ngài và con không nghĩ là Nhà vua lại to lớn hơn bà ta.
"Điều làm con không thể tin được ngài là Nhà vua mà không đeo mề đay; không chỉ là việc ngài tuyên bố không đeo mề đay Seraphim ngài còn không đeo huân chương Ngôi sao. Trông ngài giống hệt như nàng công chúa của chúng ta và ngài nói chuyện y như cô ta, mặc dù ngài nói nhiều hơn. Nhà vua có vẻ ngượng nghịu và khi nói bất cứ điều gì thì ngài cũng tự chữa giống như công chúa và hình như lo rằng mình có thể nói điều gì đó hớ. Dáng vẻ của ngài thật lạ lùng, như thể đôi chân không mang nổi thân hình ngài.
"Còn Hoàng hậu thì lại hoàn toàn khác. Nàng cho con một cảm giác quả cảm, mạnh mẽ và hùng hậu. Phong cách của nàng hoàn toàn không kiềm chế và không điệu bộ. Cách nói của nàng sinh động, thông minh và cũng rất nhanh. Nàng không đẹp và khỏe; về chiều cao giống như hầu hết mọi người, nhưng nàng đẫy đà mà không béo, luôn mặc theo kiểu cưỡi ngựa với đôi ủng và tất cả những người phụ nữ ở cương vị nàng đều ăn mặc như vậy; điều đó có nghĩa là tại nhà hát, và thực tế, ở tất cả mọi nơi, những người phụ nữ tháp tùng nàng đều có thể dễ dàng phân biệt được với những người khác."
Thái tử Gustav cũng nghiên cứu kỹ Struensee. Tại bàn ăn, Struensee ngồi đối diện với Hoàng hậu. Anh ta nhìn ngấu nghiến Hoàng hậu làm Thái tử Thụy Điển phật ý. "Nhưng điều lạ lùng nhất là Struensee đã trở thành lãnh chúa của cả lâu đài, anh ta thậm chí còn cai trị cả Nhà vua. Có sự bất mãn lớn về điều này, và hình như ngày càng phát triển. Nếu như có một lực lượng ở đất nước này ngay giờ đây thì là sự bất mãn, mọi sự việc có thể có chiều hướng đảo ngược nghiêm trọng."
Đó là vào mùa thu. Vị Thái tử Thụy Điển hình như đã nhìn thấy một điều gì đấy.
Và một cái gì đấy đã diễn ra.