Chuyến Viếng Thăm Của Ngự Y Hoàng Gia Chương 5

Chương 5
Kẻ im lặng từ Altona

Bạn bè vẫn gọi anh ta là  "Kẻ im lặng". Anh ta không phải là một người nói nhiều, không phải không có lý do. Nhưng anh ta biết lắng nghe với sự chăm chú.

Điều quan trọng là thực tế anh ta luôn im lặng. Hoặc thực tế là anh ta có thể lắng nghe.

Tên anh ta là Johann Friedrich Struensee.

 

Tại Holsten, cách Hamburg chừng ba mươi dặm và thành phố Altona nhỏ hơn liền kề, có một điền trang mang tên Ascheberg. Điền trang có những khu vườn nổi tiếng ở châu Âu, thuộc quyền sở hữu của gia đình Rantzau.

Khu điền trang được xây dựng từ năm 1730 với kênh rạch, đường đi và các mảnh vườn hình chữ nhật trồng những bụi cây lúp xúp theo kiểu ba- rốc thời xưa. "Vườn Ascheberg" là một mô hình điển hình về phong cảnh và kiến trúc.

Thật ra chính cách tạo ra một hình dáng đặc biệt và tự nhiên của khu vườn đã mang lại tiếng tăm cho nó. Thiên nhiên được gắn kết với bàn tay con người. Những mảnh vườn kiểu ba- rốc với đặc trưng phong cảnh sâu lắng, đa dạng của các lối mòn và kênh rạch trải dài tới tận ven hồ. Nhưng phía sau lại nổi lên một khu đất nhô cao được gọi là" núi" đan xen thung lũng nhỏ giống như những doi đất ở vùng núi. Bên ngoài tòa nhà chính nhô lên một địa hình bậc thang với nét hoang sơ tự nhiên tạo ra cảnh sắc không thể pha lẫn đâu được của Đan Mạch.

Núi có rừng bao phủ, độ dốc thoai thoải, có bàn tay con người chăm sóc, nhưng vẫn mang đầy vẻ tự nhiên.

Thật đáng yêu, những thung lũng cũng như những hẽm núi.  Những cánh đồng bậc thang. Những cánh rừng. Thiên nhiên hoàn hảo được bàn tay con người kiểm soát và kiến tạo, một biểu hiện của tự do và hoang dã. Từ trên đỉnh núi ta có thể nhìn bao quát. Và cũng có thể nhìn thấy được bàn tay con người hoàn toàn đủ khả năng tái tạo lại thiên nhiên hoang dã.

Vùng núi lại có một khoảng rộng trong vườn. Thiên nhiên nơi đây đã được thuần dưỡng- đó quả là một giấc mơ của sự thống trị và tự do.

Ở một vùng "lõm" của khu núi có một thung lũng hẹp, người ta tìm thấy  hai túp lều cổ. Nguyên chúng là nơi ở của những người chăn cừu.

Một trong hai túp lều đó đã được phục chế lại vì một mục đích rất đặc biệt.

 

Vào năm 1762, Rousseau bắt đầu cuộc lưu đày của mình sau khi Hạ viện ở Paris ra lệnh cho những tên đao phủ đốt cháy tòa biệt thự Émile của ông.

Ông đã sống lưu vong ở rất nhiều nơi trên khắp châu Âu, và ông chủ của Ascheberg, một công tước dòng họ Rantzau, lúc đó tuy rất già nhưng suốt đời luôn trân trọng những ý tưởng cấp tiến, đã mời kẻ bị lưu đày kia về định cư tại Ascheberg. Ông đã được mời về sống tại túp lều trên núi. Không nghi ngờ người ta tin rằng nhà triết gia vĩ đại trong điều kiện hoang sơ rất gần với thiên nhiên ông có thể tiếp tục viết về những ý tưởng vĩ đại của mình và với cách đó nhu cầu bức thiết của ông cùng những ý tưởng của ông sẽ hòa hợp tốt đẹp.

Để làm điều đó, người ta đã dựng lên một đoạn đường" bắp cải" gần túp lều.

Ở đây, ông có thể trồng bắp cải và chăm sóc mảnh vườn. Không biết chuyện trồng bắp cải có liên hệ gì tới một câu ngạn ngữ nổi tiếng về con người" sống yên bình và thầm lặng vun xới những cây cải bắp và không chút để tâm tới chính trị." Dù thế nào đi nữa con đường bắp cải cũng được chuẩn bị. Không nghi ngờ gì vị công tước ã biết một cuốn sách của ông và đọc một đoạn: "Thiên nhiên rời bỏ những nơi thường được biết đến; nó ở trên những đỉnh núi và trong rừng sâu thẳm hay những hòn đảo xa để bộc lộ ra vẻ đẹp vốn có của nó. Những kẻ yêu thiên nhiên mà không thể đi xa buộc phải tự bằng lòng với điều đó và buộc chúng đến với họ; và không có điều nào trong những cái đó  được mang đến mà không có những biện pháp huyễn hoặc."

Khu vườn Ascheberg đại diện cho sự huyễn hoặc của tình trạng tự nhiên.

Tuy nhiên Rousseau chưa bao giờ tới Ascheberg dù tên của ông đã gắn với khu vườn Ascheberg, mang lại cho nó tiếng tăm ở châu Âu trong số những người tha thiết yêu thiên nhiên và tự do. Khu vườn Ascheberg đã chiếm vị trí quan trọng trong số những "điểm tâm linh" nổi tiếng khắp châu Âu. "Túp lều nông dân" vốn được dành cho Rousseau đã trở thành một nơi tá túc; túp lều nằm ở một thung lũng hoang vắng và con đường bắp cải, mỗi ngày một phát triển trong quên lãng là những điểm đáng tới thăm. Không còn ai hỏi về túp lều của người chăn cừu nữa mà là điểm đến lý tưởng cho các trí thức trên đường chuyển từ tình yêu thiên nhiên sang khai sáng. Những lối đi, cánh cửa và cửa sổ đều được viết lên bằng sơn những câu trích dẫn từ các bài thơ Pháp và Đức của những nhà thơ đương thời.

Ngay cả vua cha của Christian, Frederik V cũng đã trèo lên thăm túp lều của Rousseau. Vùng núi đó vì vậy được gọi là "Königsberg".

Vào khi ấy, túp lều đã trở thành một ngôi đền thờ thiêng liêng của những người Đan Mạch và Đức theo Chủ nghĩa Khai sáng. Họ tụ tập ở khu vườn Ascheberg trao đổi những ý tưởng vĩ đại trong ngày. Tên của họ là Ahlefeld và Berckentin; Schack Carl Rantzau, von Falkenskjold, Claude Louis de Saint Ulrich Adolph Holstein đến Enevold Brandt. Họ tự coi mình là những nhà khai sáng.

Một trong những người đó có tên là Struensee.

 

Tại đây, trong túp lều, mãi về sau này, anh ta đã đọc một đoạn trong cuốn Những ý tưởng đạo đức của Holberg cho Caroline Mathilde, Hoàng hậu Đan Mạch.

Ông ta gặp nàng ở Altona. Đó là điều  nhiều người biết.

Struensee gặp Caroline Mathilde khi nàng tới Altona, trên đường từ nước Anh đến để kết hôn với nhà vua Đan Mạch và ông ta thấy khuôn mặt của nàng đầm đìa nước mắt.

Tuy nhiên, cô gái lại không để ý đến Struensee. Anh ta ở trong số bao nhiêu người khác. Họ cùng ở trong một căn phòng nhưng nàng không nhìn. Hầu như cũng chả có ai nhìn Struensee lúc đó, nên chắc chắn rất ít người có thể mô tả con người ấy được. Anh ta là một người trung hậu và dè dặt, có chiều cao trên trung bình, tóc vàng và hai hàm rằng đều đặn. Những người cùng thời với anh ta ghi lại rằng anh là một trong những người đầu tiên sử dụng thuốc đánh răng.

Ngoài ra chẳng có gì khác nữa. Reverdil người đã sớm gặp anh ta từ mùa hè 1767, cũng nhận xét rằng Struensee, viên bác sĩ trẻ người Đức, có một phong cách kín đáo và biết kiềm chế.

Một lần nữa: trẻ trung, dè dặt và chăm chú lắng nghe.

 

 

2

 

Ba tuần lễ sau khi Christian quyết định thực hiện chuyến thăm châu Âu, công tước Rantzau, theo yêu cầu của chính phủ Đan Mạch đã tới thăm bác sĩ trẻ người Đức Friedrich Struensee tại Altona để tiến cử anh ta vào chân ngự y của vua Đan Mạch.

 

Hai người biết nhau khá rõ. Họ đã có nhiều thời gian ở cùng nhau tại Ascheberg. Họ đã trèo lên túp lều của Rousseau. Họ đều thuộc về phái Khai sáng.

Tuy nhiên, Rantzau già hơn nhiều còn Struensee rất trẻ.

 

Vào thời gian này, Struensee sống trong một căn hộ nhỏ ở góc đường Papagoyenstrasse và Reichstrasse, Struensee thường ra ngoài thăm bệnh nhân. Phải cố gắng lắm, Rantzau mới tìm được anh ta ở một căn nhà tồi tàn trong khu ổ chuột Altona, nơi anh ta đang giác hơi cho những đứa trẻ trong khu.

Không hề úp mở, Rantzau nói mục đích của chuyến đi và cũng không chút ngần ngừ, Struensee thẳng thừng từ chối.

Anh ta thấy công việc đó chẳng có gì hấp dẫn.

Khi ấy, anh ta vừa giác hơi xong cho một quả phụ và ba đứa con của bà. Anh ta ở trong tâm trạng vui vẻ nhưng không hào hứng. Không, anh ta nói, cái đó không hấp dẫn tôi. Nói rồi, anh ta thu xếp dụng cụ và vừa cười vừa lấy tay xoa nhẹ lên đầu lũ trẻ,  nhận lời cảm ơn cũng như lời mời của bà mẹ uống một cốc vang cùng với vị khách quý ở trong bếp.

Căn bếp là nền đất và lũ trẻ để giày ở phía ngoài.

Công tước Rantzau chờ đợi một cách nhẫn nại.

- Anh bạn trẻ, cậu cảm tính quá đấy, - ông nói. - Đúng là thánh Francis trong giới những người nghèo khổ ở Altona.  Nhưng hãy nhớ rằng mình là một người theo Chủ nghĩa Khai sáng. Cậu phải có cái nhìn xa. Lúc này, cậu  phải nhìn xa hơn. Cậu là một người có bộ óc sáng láng mà ta từng gặp; cậu có một nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đời. Không thể từ chối lời mời này được. Người bị bệnh có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi. Tất cả thành Copenhagen đều bị ốm.

Struensee không trả lời, chỉ mỉm cuời.

- Cậu cần phải tạo cho mình những thách thức lớn hơn. Một bác sĩ hoàng gia có thể gây ảnh hưởng lớn. Cậu có thể vận dụng vào thực tế những lý luận của mình... cuộc sống thực tế. Một cuộc sống thực.

Không có câu trả lời.

- Tại sao ta lại phải dạy cậu nhiều như vậy? - Rantzau tiếp tục, giọng  ông lúc này có  vẻ hơi phật ý. - Những buổi tranh luận! Những sự nghiên cứu! Tại sao chỉ là lý luận? Tại sao không đưa chúng vào thực t ế? Một cái gì đó... thiết yếu.

Điều đó khơi lại phản ứng từ phía Struensee, rồi sau một hồi im lặng anh ta bắt đầu bằng một giọng trầm trầm khúc triết kể về cuộc đời mình.

Rõ ràng, anh thấy bị tổn thương vì câu "Một cái gì đó thiết yếu".

Anh nói giọng thân mật nhưng xen vẻ châm biếm.

- Thưa ông bạn và người thầy giáo kính mến, tôi có cảm giác mình đang làm một điều gì đấy. Tôi có nghề nghiệp. Nhưng ngoài ra - thêm vào đó! - Tôi còn có nhiều thứ khác nữa. Thứ thiết yếu. Tôi giữ những thống kê về các vấn đề y tế ở Altona. Tôi đã kiểm tra ba đợt dịch kiết lỵ tồn tại ở cái thành phố với mười tám nghìn người dân này. Tôi giúp đỡ những người bị thương và những ai trở thành nạn nhân các vụ tai nạn. Tôi giám sát việc chữa trị những người mất trí nhớ. Tôi quan sát và giúp đỡ công việc mổ xẻ ở Theatro Anatomico. Tôi cũng chui vào các khu nhà ổ chuột nơi người dân ở trong tình trạng tồi tàn bẩn thỉu tìm xem ai là những người tuyệt vọng. Tôi lắng nghe nhu cầu của những kẻ vô vọng và người bệnh tật. Tôi cứu chữa những kẻ bị thương trong các nhà tù dành cho phụ nữ, bệnh viện tổng hợp và trại giam, tôi chữa bệnh cho các tù nhân bị canh giữ và trong các nhà giam. Ngay cả những người bị kết án cũng có thể bị ốm. Tôi giúp những kẻ bị kết tội để sống sót theo một cách có thể chấp nhận được cho đến khi những tên đao phủ lấy mạng họ. Mỗi ngày, tôi chữa trị từ tám đến mười người nghèo mà không thể trả tiền chữa bệnh, những người được quỹ dành cho người nghèo tài trợ. Tôi chữa bệnh cho những du khách nghèo không có tiền đi nhà thương, những người nông dân đi ngang qua Altona. Tôi chữa cho những người mắc bệnh truyền nhiễm, giảng bài về phẫu thuật. Tôi nghĩ ngài có thể nói. - Anh kết thúc câu trả lời của mình. - Rằng tôi quen thuộc với, chắc chắn không phải toàn bộ khu vực được cải hóa của thị trấn này. Không phải toàn bộ được cải hóa!

- Cậu đã nói xong chưa? - Công tước cười cười hỏi.

- Vâng, tôi đã nói xong.

- Tôi thấy rất ấn tượng. - Vị công tước nói.

Đó là một bài diễn văn dài nhất mà ông ta từng được nghe "Kẻ im lặng"  nói ra. Tuy nhiên, ông ta vẫn cố thuyết phục cậu.

- Hãy nhìn cha cậu mà xem, - ông nói, - cậu là một bác sĩ có thể giúp chữa trị cho cả Đan Mạch. Đất nước này là một căn nhà điên. Triều đình là một lũ điên. Nhà vua thì thông minh đấy... nhưng có lẽ... điên. Một người tháo vát và khai sáng ở bên cạnh ông ta có thể giúp dọn dẹp ngôi nhà bẩu thỉu đó, mà chính là Đan Mạch.

Một nụ cười hiện lên đôi môi của Struensee song anh ta chỉ lắc đầu im lặng.

- Ngay bây giờ, - Rantzau nói, - cậu có thể làm tốt ở một phạm vi nhỏ. Và cậu làm được. Tôi rất ấn tượng. Mà cậu cũng có thể làm thay đổi cả một thế giới rộng lớn. Không chỉ là mơ ước. Cậu có uy lực . Cậu không thể nói không.

Họ ngồi trong im lặng một lát.

- Anh bạn thân mến của tôi, - Rantzau cuối cùng nói bằng một giọng nhâu hậu, - ông bạn im lặng của tôi. Điều gì sẽ xảy ra đối với cậu? Cậu có nhiều ước mơ cao cả, tuy nhiên, giống tôi và như tôi hiểu, cậu lại ẩn chứa mối lo lắng về việc thực hiện chúng. Nhưng cậu là một người có tri thức. Chúng ta không thể hạ thấp những ý tưởng của chúng ta bằng thực tế.

Rồi Struensee ngước nhìn Rantzau với vẻ chán chường giống như một kẻ đã thấm đòn.

- Những người trí thức, - anh lẩm bẩm, - đúng những người trí thức. Nhưng tôi không tự coi mình là một trí thức. Đơn giản tôi là một bác sĩ.

Vào cuối buổi tối hôm đó, Struensee nhận lời.

Một đoạn ngắn trong những bản tự thú của Struensee tại nhà tù đã rọi ánh sáng đặc biệt vào cuộc trò chuyện này.

Anh ta nói rằng do "tình cờ" mà mình trở thành bác sĩ hoàng gia; đó không phải thực sự là điều anh muốn. Anh có những kế hoạch hoàn toàn khác. Anh đã nghĩ về việc rời Altona để đi du lịch nước ngoài "tới Málaga hoặc Đông Ấn Độ."

Không giải thích. Mà chỉ là mong muốn bay tới một gì đó.

 

 

 

 

3

 

Không, anh không tự coi mình là một trí thức. Có những kẻ khác ở trong nhóm Altona xứng đáng với cái tước hiệu ấy hơn anh.

Một trong số họ là người bạn và thầy giáo của anh, công tước Rantzau. Ông ta là một người trí thức.

Ông sở hữu điền trang Ascheberg được thừa kế từ người cha. Điền trang này cách Altona ba mươi ba dặm, một thị trấn lúc đó thuộc về Đan Mạch.Cơ sở kinh tế của điền trang này là chế độ nô lệ đối với người nông dân hoặc sự "quy đổi", nhưng  giống như nhiều điền trang khác ở Holsten, ở đây có ít sự tàn bạo hơn và các nguyên tắc tỏ ra nhân đạo hơn.

Công tước Rantzau vẫn coi mình là một trí thức và một người khai sáng. Lý do của điều đó như sau:

Ở tuổi ba mươi lăm, đã kết hôn và là bố của một đứa trẻ,  ông được cử là trung đoàn trưởng của một đội quân Đan Mạch do ông có kinh nghiệm quân sự trước đây khi phục vụ trong quân đội Pháp dưới quyền của thống chế Loevendah. Kinh nghiệm này được đặt dấu hỏi nhưng không thể xác minh được. Nếu so sánh với những kinh nghiệm ấy, thì quân đội Đan Mạch là nơi ẩn náu yên tĩnh hơn. Là một chỉ huy trung đoàn chả có điều gì phải lo sợ chiến tranh. Ông hưởng thụ những cái được của chức vụ đó. Tuy nhiên, ông đã đem lòng yêu một nữ ca sĩ người Italy và điều này đã hủy hoại danh tiếng của ông; không phải chỉ vì ông đã biến cô ta thành tình nhân mà còn vì việc ông thường xuyên cặp kè với cô ta trong chuyến đi lưu diễn ở khắp vùng nam Âu. Công ty của cô ta đi biểu diễn hết thành phố này sang thành phố khác nhưng ông không nhận thức được vị trí của mình và càng không thể  giữ mình. Để không ai nhận ra, ông liên tục thay đổi bộ dạng của mình, lúc thì như một nhà thời trang, lúc thì ăn mặc như một tu sĩ; tất cả điều đó là quan trọng vì bất cứ nơi nào tới ông ta đều ngập trong nợ nần.

Ở hai thành phố vùng Sicily, ông đã bị kết tội lừa đảo mặc dù không thành vì lúc đó ông đã trở về đại lục tới Napoli. Tại Genoa, ông đã  bịa ra một thư tín dụng trong đó viết:" Bố tôi, thống đốc Na Uy" nhưng ông không hề bị xét xử bởi lúc này ông đã ở Pisa, trên đường tới Arles. Sau đó, cảnh sát thấy không thể lần theo dấu vết của ông ta được.

Sau một hồi cãi vã vì ghen tuông, ông đã rời bỏ cô ca sĩ người Italy ở Arles và nhanh chóng trở về điền trang của mình để bổ sung nguồn thu, điều này hoàn toàn có thể thực hiện nhờ khoản thu của hoàng gia. Sau khi về thăm lại Ascheberg, ông thiết lập lại quan hệ với vợ và cô con gái rồi công tước lại lên đường sang Nga. Ở đây, ông đã tới thăm Hoàng hậu Nga hoàng Eliabeth lúc lâm chung. Theo như sự phân tích của ông thì người kế vị nữ hoàng rất cần ông ta trên cương vị một chuyên gia về các vấn đề Đan Mạch và châu Âu. Cũng còn một lý do nữa cho chuyến thăm Nga là cuộc chiến chắc sẽ nổ ra giữa nước Nga và Đan Mạch dưới thời người kế vị của Sa hoàng, mà ông có thể gạ gẫm nhân vật này những dịch vụ nhất định do những kiến thức sâu sắc của mình về quân đội Đan Mạch và Pháp.

Mặc dù có lời đề nghị ấy, lúc đó hoàn toàn có lợi cho nước Nga, nhưng nhiều người vẫn dè bỉu nhà quý tộc Đan Mạch này. Các vụ dính líu liên tục của ngài với phụ nữ và thực tế là cuộc chiến tranh đã không diễn ra đặt ngài vào một tình thế bất lợi, trong khi nhiều người vẫn mang nặng sự nghi kỵ đối với "tên gián điệp Đan Mạch". Sau một cuộc tranh chấp với triều đình Nga liên quan đến chuyện giành giật sự sủng ái của một quý bà có nhiều ảnh hưởng, ngài đã bị buộc phải chạy trốn và dừng lại ở Danzig khi tiền túi đã cạn kiệt.

Tại đây, ngài đã gặp một nhà sản xuất.

Ông này muốn được định cư ở Đan Mạch để đầu tư và đặt mình dưới sự bảo trợ của chính phủ vốn cởi mở đối với hoạt động đầu tư thương mại nước ngoài. Công tước Rantzau khẳng định với nhà sản xuất rằng với những mối tiếp xúc của mình ở triều đình, ông ta hoàn toàn có thể giành được sự bảo trợ đó. Thế rồi sau khi đã ngốn một khoản tiền khá lớn của nhà sản xuất nọ, công tước Rantzau đã xoay xở được để trở về Đan Mạch, vương quốc mà ông không còn muốn phản bội để bán mình cho Sa hoàng. Lúc đó, triều đình đã ban cho ngài khoản bổng lộc hoàng gia do tên tuổi và địa vị của ngài. Ngài đã giải thích rằng đi Nga chỉ là một điệp viên của Đan Mạch và rằng mình sở hữu những điều bí mật có giá trị đối với Đan Mạch.

Trong suốt thời gian ấy, vợ và con gái ngài vẫn ở lại điền trang Ascheberg. Lúc này, ngài đã tập họp quanh mình một nhóm những người trí thức và khai sáng.

Một trong số họ là bác sĩ trẻ Struensee.

Chính là theo con đường như vậy trong cuộc sống và qua những tiếp xúc rộng rãi của ngài ở hải ngoại cũng như ảnh hưởng đối với triều đình Đan Mạch nên công tước Rantzau tự coi mình là một trí thức.

Chẳng mấy chốc, ngài đã đóng một vai trò trung tâm trong các sự kiện xoay quanh cuộc cách mạng Đan Mạch, một vai trò trong sự xoay xở chỉ có thể được hiểu dưới ánh sáng của bản tiểu sử nêu ở trên.

Vai trò ngài đóng là vai trò của một người trí thức.

Đóng góp đầu tiên ngài cống hiến cho nhà nước Đan Mạch là việc giới thiệu bác sĩ người Đức J.F.Struensee trở thành bác sĩ hoàng gia cho nhà vua Christian VII.

 

 

4

 

Altona quả là một thành phố thật kỳ lạ.

Nó nằm gần ngay cửa sông Elbe, là một trung tâm thương mại với số dân chừng 1,8 vạn người và vào giữa những năm 1600 nó đã đạt tiêu chuẩn của một thành phố. Altona phát triển thành hải cảng tự do đầu tiên ở phía Bắc, trở thành một cảng tự do cũng vì nhiều tín ngưỡng khác nhau ở đó.

Một cách nhìn cởi mở là rất thiết yếu đối với thương mại.

Không khí trí thức hình như đã thu hút cả ý tưởng và tiền bạc và Altona trở thành cảng của Đan Mạch tới châu Âu, thành phố quan trọng thứ hai sau Copenhagen. Nó cách cảng Hamburg tự do lớn của Đức không xa, và trong giới những người bảo thủ nó đã có tiếng là hang ổ của những kẻ có đầu óc cách tân.

Đó là quan niệm chung. Một cái ổ của những kẻ hiểm ác. Nhưng do chủ nghĩa cấp tiến trở nên béo bở về mặt tài chính nên người ta cho phép giữ tự do trí thức.

Struensee là một bác sĩ. Anh ta sinh năm 1737. Vào tuổi mười lăm anh ta đã là sinh viên y khoa trường Đại học Halle. Cha anh là nhà thần học Adam Struensee, người trước kia đã từng bị tống giam vào ngục vì chủ nghĩa cực đoan, rồi sau đó trở thành giáo sư thần học ở trường Đại học Halle. Ông ta là một người đàn ông liêm chính, tận tụy, có học và buồn bã, luôn hướng nội với tâm trạng chán chường, trong khi mẹ anh lại là người thoải mái hơn. Sự mộ đạo của họ bắt nguồn từ trường phái Francke, chú trọng vào an sinh xã hội và bị ảnh hưởng bởi việc gieo trồng ý tưởng vốn lúc đó là nét đặc trưng của trường Đại học Halle. Gia đình của Struensee vốn khắc khổ; đạo đức và phẩm hạnh là ngôi sao dẫn đường.

Nhưng anh chàng Struensee trẻ tuổi lại nổi loạn. Anh ta trở thành kẻ tự do và vô thần. Theo quan điểm của anh, nếu con người được phép lựa chọn một cách tự do thì chắc chắn với sự giúp đỡ của lẽ phải họ sẽ chọn điều thiện. Anh viết rằng  từ sớm anh đã ôm ấp ý tưởng con người là "một cỗ máy", một cách diễn đạt đặc trưng cho ý tưởng về hợp lý hóa vào thời kỳ đó- thực ra anh  đã dùng thành ngữ này- và rằng duy nhất con người mới tạo ra ý tưởng, trạng thái tình cảm, thiện và ác.

Bằng điều này, hình như anh muốn nói rằng sự sắc sảo và tinh thần không phải đấng tối cao nào đó ban phát cho con người mà được hình thành bởi những kinh nghiệm của người ta trong cuộc sống. Đấy chính là nghĩa vụ của chúng ta với những người khác đã mang lại ý nghĩa cho mọi thứ, tạo ra sự thoả mãn trong nội tâm, làm sinh động mục đích của nó và định hướng hành động của một người.

Vì thế, thành ngữ "cỗ máy" ấn tượng, không còn nghi ngờ gì, được coi như là một hình ảnh nên thơ.

Luận văn bác sĩ của anh có tựa đề "Hiểm họa của những cử động không bình thường ở tứ chi". Sự phân tích của anh mang tính hình thức nhưng rất đặc trưng. Bản luận văn được viết tay có một nét hơi kỳ quặc; Struensee đã dùng nhiều loại mực màu vẽ nên các khuôn mặt khác nhau. Ở đây, anh đã đưa ra một bức tranh rối rắm và đầy tham vọng của chính nội tâm bản thân mình. Điều tranh cãi chính của bản luận văn là phương cách ngăn ngừa bệnh là quan trọng  và việc luyện tập là cần thiết, nhưng khi một bệnh tật hoặc tổn thương xảy ra cần phải thận trọng.

Đọc qua bản luận văn có thể nhận thấy, anh quả là một họa sĩ có tài, những khuôn mặt người rất hấp dẫn. Tuy nhiên, phần viết lại không hấp dẫn bằng.

 

*

 

Vào lúc hai mươi tuổi, Struensee chuyển đến Altona và ở đó anh bắt đầu hành nghề y. Anh luôn được coi là một bác sĩ.

Không phải là một họa sĩ, nhà chính trị, không phải là một trí thức. Một bác sĩ.

Nhưng một nét khác về nhân cách, anh lại là một nhà truyền bá. Nếu như Chủ nghĩa Khai sáng có mặt cứng nhắc của nó là niềm tin vào đạo lý thì chủ nghĩa kinh nghiệm trong y học, toán học, vật lý và chiêm tinh học có mặt mềm mại là độc lập về tư tưởng, lòng vị tha và sự tự do.

Người ta có thể nói rằng ở Altona, anh đã chuyển dịch từ phần cứng của Chủ nghĩa Khai sáng, sự phát triển của các ngành khoa học hướng tới  điều độ và chủ nghĩa kinh nghiệm sang phần mềm, sự cần thiết của tự do.

Tạp chí đầu tiên anh bắt đầu Tạp chí hàng tháng của lợi ích và khoái lạc, số đầu tiên gồm một bài phân tích dài về những hiểm nguy của việc dân chúng dịch chuyển từ nông thôn về đô thị. Đó là một phân tích xã hội- y học.

Chính ở đây, anh đã đặt người bác sĩ vào vị trí chính trị gia.

Đô thị hóa, anh viết, là một mối đe dọa về y tế với những phân nhánh chính trị. Thuế má, hiểm nguy của chế độ nghĩa vụ quân sự, tình trạng chữa bệnh tồi tệ, nghiện rượu, tất cả những cái đó tạo ra một tầng lớp vô sản thành thị, tầng lớp này có thể ngăn cản sự chăm sóc tốt hơn về y tế cho những nông dân. Anh đã đưa ra một bức tranh xã hội thật lạnh lẽo nhưng cũng quá đúng về đất nước Đan Mạch đang thối ruỗng; những con số tụt dốc về dân số, bệnh đậu mùa liên miên. Anh ghi nhận "những kẻ ăn xin trong nông dân hiện đã lên tới con số sáu vạn."

Các bài khác có tựa đề như Nạn di cư, Muỗi hoặc Say nắng...

Nhưng có một bài giọng châm biếm nhan đề Lời tán dương đối với hiệu ứng thiên đường của chó và phân chó đã hạ gục chính anh. Bài này được coi như, và đúng vậy, là một đòn tấn công cá nhân vào một bác sĩ nổi tiếng ở Altona, người đã kiếm được những khoản kếch xù từ việc chế ra một loại thuốc chữa bệnh, chế từ phân chó.

Tờ tạp chí bị tịch thu.

 

Tuy nhiên năm sau, anh lại bắt đầu một tờ khác. Anh cố gắng kiềm chế không dùng những lời lẽ thóa mạ và những tuyên bố được coi như phê phán chính quyền hoặc tôn giáo nhưng lại bị thất bại khi đăng một bài về bệnh chân - và - miệng, bị kết luận là động chạm đến phê phán tôn giáo.

Tờ tạp chí cũng bị tịch thu nốt.

Trong những bài viết cuối cùng ở nhà tù và hoàn tất vào ngày hôm trước khi bị đem ra xử, Struensee đề cập đến cái gọi là giai đoạn báo chí trong cuộc đời mình:" Những ý tưởng về đạo đức của tôi trong thời gian đó được phát triển khi nghiên những bài viết của Voltaire, Rousseau, Helvétius và Boulanger.  Tôi đã trở thành một kẻ suy nghĩ tự do, tin rằng một nguyên tắc cao hơn chắc chắn đã tạo ra thế giới và loài người, rằng không có cuộc sống nào sau cái chết và rằng những hành động chứa đựng sức mạnh đạo lý nếu như chúng ảnh hưởng đến xã hội một cách thích hợp. Tôi đã tìm ra rằng một sự trừng phạt sau khi chết là không có căn cứ. Con người đã bị trừng phạt quá đủ trong cuộc sống này rồi. Con người lương thiện chính là người làm một điều gì đó có ích. Những quan niệm của đạo Thiên chúa quá nghiêm khắc- và những sự thật được chúng chuyển tải có thể thấy đã được diễn tả trong các bài viết của các nhà triết gia. Tôi coi những tội ác về tình dục như một sự yếu đuối có thể bào chữa được chừng nào chúng không gây ra những hậu quả nguy hại đối với chính mình và người khác."

Những đối thủ của anh, khi tóm tắt một cách thật ngắn gọn ý tưởng của anh, đã nhận xét." Struensee đã coi con người chỉ là những cỗ máy."

Nhưng điều quan trọng lớn nhất đối với anh đã được phát hiện sau khi anh chết là cuốn sách bằng tiếng Đức của Ludvig Holberg nhan đề Những suy nghĩ về đạo đức được đọc đi đọc lại với nhiều chỗ gạch chân.

Một trong những chương của cuốn sách này thay đổi cuộc đời anh .

 

 

5

 

Vào ngày 6 tháng 5 năm 1768, vua Christian VII bắt đầu chuyến thăm dài tới châu Âu. Số người tháp tùng đã lên tới năm mươi lăm người, và chuyến đi được nhìn nhận như một cuộc thám hiểm về văn hóa, một cuộc du hý tình cảm theo kiểu Laurence Sterne (sau này người ta cho rằng Christian đã chịu ảnh hưởng lớn từ cuốn Tristram Shandy, cuốn VII). Nhưng mục đích của nó cũng là để cho thế giới bên ngoài chứng kiến sự huy hoàng phô bày qua một chuyến đi, một ấn tượng lâu dài về sự thịnh vượng và quyền lực của Đan Mạch.

Lúc đầu, người ta dự định có thêm nhiều thành viên nữa nhưng sau đó giảm đi dần; một trong những kẻ phải đưa về là một viên tùy tùng tên là Andreas Hjort. Gã bị đưa trở về thủ đô, và từ đó bị đày tới hòn đảo Bornholm vì trong một đêm, "rượu vào lời ra", gã đã tiết lộ với những đôi tai đang vểnh lên nghe ngóng là Nhà vua đã giao cho gã nhiệm vụ trong chuyến đi là tìm kiếm Bottine Caterine.

Struensee tham gia chuyến đi này ở Altona.

 

 

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ  rất kỳ quặc.

Nhà vua nghỉ tại dinh của viên thị trưởng. Một đêm khi ngài triệu gã tùy tùng Andreas Hjort tới để nghe thông báo là gã bị triệu hồi về nhà. Chẳng có lý do gì được đưa ra. Hành động của gã tùy tùng được mô tả là không thể giải thích được nhưng có thể xuất phát từ tình trạng bệnh tật ở gia đình gã.

Christian lại lên cơn tái phát những cơn đau co thắt, rồi bắt đầu đập phá dữ dội căn phòng, ném ghế và đập vỡ cửa sổ. Dùng một mẩu than từ trong đám củi ở lò sưởi ngài viết tên Guldberg lên những tấm thảm cực kỳ đắt tiền mặc dù ngài cố tình viết sai tên. Trong lúc lên cơn, cánh tay của Nhà vua bị sây sát và chảy máu vì vậy nhiệm vụ đầu tiên của Struensee là băng bó cánh tay của Hoàng đế.

Viên  ngự y mới được triệu đến.

Ấn tượng đầu tiên của anh ta về Christian là: một cậu bé gầy gò đang ngồi trên ghế, cánh tay chảy máu và đang nhìn mơ hồ về khoảng không phía trước.

Sau một hồi im lặng kéo dài, Struensee khẽ khàng hỏi:

- Thưa Đức vua, ngài có thể giải thích vì sao tự nhiên lại bực bội như vậy. Ngài không cần phải... nhưng.

- Không, ta không phải trả lời.

Sau một lúc, ngài nói tiếp:

- Chúng đã lừa ta. Nàng chả ở đâu cả. Ngay nếu như nàng ở đâu đó thì cũng không phải là nơi ta đến. Nếu như chúng ta đến, chúng sẽ đưa nàng đi mất. Có thể nàng đã chết. Đó chính là lỗi của ta. Ta phải bị trừng phạt.

Struensee viết rằng lúc đó anh ta không hiểu gì cả (mặc dù sau này thì hiểu ra) nhưng anh ta cũng lặng lẽ băng bó cánh tay cho Nhà vua.

- Có phải ngươi sinh ra ở Altona không? - Christian hỏi.

Struensee đáp:

- Tại Halle ạ. Nhưng hạ thần đến Altona khi còn rất bé.

- Họ nói rằng ở Altona không có gì ngoài những kẻ đầu óc tự do và những kẻ theo Chủ nghĩa Khai sáng, những kẻ muốn đập tan xã hội này thành tro bụi. - Nhà vua tiếp tục.

Struensee gật đầu.

- Đập nát! Xã hội hiện tại!

- Vâng, đúng vậy thưa Đức vua. Đó là những gì họ nói. Những người khác lại nói đấy chính là trung tâm châu Âu của Chủ nghĩa Khai sáng.

- Thế còn nhà ngươi thì, bác sĩ Struensee?

Việc băng bó đã xong. Struensse quỳ trước mặt Christian.

- Hạ thần là người theo Chủ nghĩa Khai sáng, nhưng trước tiên vẫn là một bác sĩ. Nếu như Bệ hạ muốn, hạ thần sẽ lập tức từ bỏ vị trí hiện nay để về với việc chữa bệnh hàng ngày của mình.

Lúc đó, Christian nhìn Struensee với vẻ thích thú mới phát hiện, không hề khó chịu trước sự thẳng thắn đến trắng trợn của anh ta.

- Này, bác sĩ Struensee, thế đã có bao giờ nhà ngươi muốn dọn dẹp nhà thờ của những kẻ báng bổ không? - Ngài hỏi bằng một giọng khẽ khàng.

Không có câu trả lời, Nhà vua nói tiếp.

- Đuổi những kẻ đầu cơ ra khỏi khu đền? Đập tan mọi thứ? Sau rồi có thể vươn lên từ đống tro tàn... một con phượng hoàng?

- Thưa Đức vua, chắc ngài đã đọc Kinh thánh. - Struensee trả lời.

- Thế nhà ngươi có nghĩ không thể làm cho tiến bộ được? Tiến bộ! Nếu như nhà người thật sự cố gắng... và đập nát mọi thứ để cho khu đền...

Bỗng nhiên ngài bắt đầu đi vòng quanh căn phòng lúc đó ngổn ngang mảnh kính vụn và bàn ghế gãy. Ấn tượng lúc này của Struensee thật mủi lòng vì thân hình bé bỏng của Nhà vua, mảnh mai, chẳng có gì đặc biệt đến nỗi mà khó có thể tin là ngài vừa đập phá mọi thứ như vậy.

Rồi ngài đến rất gần Struensee, thì thầm.

- Ta nhận được một lá thư từ ngài Voltaire. Một nhà triết học đáng kính. Ta đã cho tiền để tiến hành vụ xử. Và ngài đã cảm ơn ta trong lá thư này. Và...

Struensee chờ đợi. Thế rồi điều đó tới, được nói ra một cách nhẹ nhàng, thông điệp bí mật đầu tiên mà đã gắn bó họ với nhau. Nhưng, sau này Struensee vẫn nhớ rằng lúc ấy, anh đã mô tả trong những ghi chép ở tù, một giây phút thân mật tuyệt đối, khi đứa trẻ điên loạn, vị vua do sự ban ơn của đức Chúa, đã thổ lộ với anh ta một điều bí mật mà chưa từng được biết tới và gắn kết họ mãi mãi.

- Ngài đã ca ngợi ta... như một người khai sáng.

Không có tiếng động nào trong phòng. Và Nhà vua tiếp tục vẫn bằng giọng thì thào:

- Tại Paris, ta quyết định sẽ gặp ngài Voltaire người mà ta biết. Thông qua những lá thư trao đổi. Liệu nhà ngươi có giúp ta đến đó không?

Struensee mỉm cười đáp lại;

- Rất hân hạnh, thưa Đức vua!

- Liệu ta có  thể tin nhà ngươi được không?

Và Struensee nói một cách giản dị, khẽ khàng.

- Có, thưa Đức vua. Hơn cả điều ngài biết

 

Nguồn: truyen8.mobi/t87179-chuyen-vieng-tham-cua-ngu-y-hoang-gia-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận