1
Ngày càng khó khăn để hiểu được tình hình.
Ánh đèn sân khấu dường như vẫn hướng vào một vài nhân vật trên sàn diễn. Nhưng họ vẫn đứng quay mặt lại với nhau. Sẵn sàng nói những điều của mình. Tuy vậy vẫn có những khuôn mặt quay đi và im lặng.
Một buổi tối, khi Christian lại kể với Struensee cơn ác mộng của ngài về cái chết đau đớn của hạ sĩ Mörl và mải mê sa đà vào các chi tiết thì anh bắt đầu đi đi lại lại trong phòng rồi bực bội nói với Nhà vua thôi không kể nữa.
Nhà vua rất ngạc nhiên. Ngài vẫn hay nói kiểu như vậy khi Reverdil còn ở đây trước khi bị trừng phạt tống cổ đi. Giờ thì Struensee xem ra đã mất bình tĩnh. Christian bèn hỏi vì sao lại thế, Struensee chỉ đáp gọn lỏn:
- Thưa Đức vua, ngài không hiểu rồi. Và hãy đừng bao giờ cố làm ra vẻ hiểu. Mặc dù thực tế Đức vua và hạ thần biết nhau đã khá lâu, nhưng hạ thần đâu phải là một kẻ dũng cảm. Hạ thần rất sợ đau đớn. Hạ thần không muốn nghĩ về điều đó. Hạ thần dễ bị hoảng sợ. Chính vì vậy mà bệ hạ cũng cần hiểu nếu như ngài quan tâm.
Ngài chăm chú nhìn Struensee khi thấy anh nổi cơn giận dữ rồi nói:
- Ta cũng luôn sợ chết.
- Hạ thần không sợ chết! - Struensee nôn nóng đáp lại. - Chỉ có sợ đau. Chỉ sợ đau.
Từ cuối mùa hè 1770, Nhà vua đã vẽ một bức họa về một đứa trẻ da đen. Người rất ít khi vẽ tranh nhưng những bức tranh còn lại đều cho thấy ngài quả là một tài năng. Bức họa mô tả Moranti, một đứa trẻ da đen được ban cho Nhà vua để giúp ngài xua đi cơn buồn phiền "cũng như cùng chơi với ngài".
Chẳng có ai dám nói theo lối nói như vậy. Buồn phiền là một từ chính xác, không phải là bạn chơi cùng. Nhưng Brandt đã có một ý tưởng, diễn tả một cách chính xác: bạn chơi cho hoàng thượng. Một tâm trạng im lặng âm ỉ diễn ra quanh Nhà vua. Thật khó mà tìm được những kẻ chơi trong số những cận thần. Nhà vua hình như tập trung toàn bộ trí lực trong ngày vào giờ phút người dành để ký các văn bản và thông cáo mà Struensee đặt trước mặt ngài nhưng sau khi chúng được đưa đi rồi thì ngài lại bị cuốn vào tâm trạng chán chường và nói lẩm bẩm. Brandt thì chán ngán với việc phải làm bạn với Nhà vua nên đã mua một đứa trẻ da đen để ngài chơi cùng. Khi anh ta xin được phép làm điều đó thì Struensee lắc đầu một cách bực bội, song rồi cũng đồng ý.
Vị trí của Struensee ở triều đình giờ đây đã được củng cố vững chắc đến nỗi mà phải có sự đồng ý của anh mới được mua nô lệ da đen.
Thật hoàn toàn tự nhiên anh ta trở nên chán chường, Brandt giải thích, vì mối quan hệ chơi bời với hoàng thượng không thể coi là một trong những nhiệm vụ của anh ta là giám đốc nhà hát. Brandt cảm thấy mệt mỏi và giận dữ. Quan hệ của anh ta với Nhà vua giờ đây đã trở nên ngày càng đơn điệu, bởi Nhà vua chỉ suốt ngày ngồi trên ghế, vẫy tay rồi lẩm bẩm một mình hoặc nhìn vơ vẩn lên tường. Nhà vua cũng có thói quen đặt ghế sát tường rồi quay lại để tránh phải nhìn xung quanh.
Vậy Brandt phải làm gì? Nói chuyện thì khó khăn. Anh ta không thể chen vào đứng giữa chiếc ghế và bức tường, anh giải thích với Struensee.
- Thôi cứ làm như ngài muốn đi, nơi này vẫn là một căn nhà điên. - Struensee nói với anh ta.
Đứa trẻ da đen được đặt tên thánh là Moranti.
Moranti sẽ chấm dứt đóng một vai trò nhất định trong những gì sẽ xảy ra tiếp theo. ngay cả trong các báo cáo ngoại giao.
Cuối mùa thu đó, tình hình đã tới thời điểm nguy kịch và những báo cáo phiền toái về quyền lực của Struensee cũng tới tai Nhà vua các nước láng giềng, viên Đại sứ Pháp yêu cầu có cuộc gặp mặt với Nhà vua. Nhưng khi viên đại sứ tới thì chỉ có duy nhất Struensee có mặt trong phòng và anh giải thích ngày hôm đó vua Christian VII bận, song ngài vẫn muốn bày tỏ sự tôn trọng đối với ngài đại sứ của Chính phủ Pháp.
- Bác sĩ Struensee... - Viên đại sứ Pháp bắt đầu nhưng lập tức ông ta bị Struensee chữa lại.
- Cố vấn cho Nhà vua.
Không khí căng thẳng, thù địch nhưng lịch sự.
- ... một tin đồn đã tới chỗ chúng tôi liên quan đến những kế hoạch cách mạng của triều đình Đan Mạch. Thật thú vị. Thú vị. Tất nhiên, chúng tôi quen với những ý tưởng như vậy ở Paris. Và cực lực phê phán chúng. Điều này không nghi ngờ gì các ngài đã biết. Chúng tôi, với sự tôn trọng, muốn được khẳng định rằng không có những lực lượng cách mạng đen tối nào bằng lỗi lầm! Bằng lỗi lầm! Tuồn ra. Trên đất nước ngài. Hoặc ở châu Âu. Vì thế bệnh dịch chủ nghĩa khai sáng sẽ không... mà tôi sẽ diễn tả thế nào nhỉ, bệnh dịch! Sẽ không xuất hiện quanh chúng tôi. Vì chúng tôi biết rằng bệ hạ trẻ tuổi biết lắng nghe, chúng tôi muốn...
Struensee trái với phép lễ tân đã không mời vị Đại sứ Pháp ngồi, họ đứng đối mặt với nhau ở một khoảng cách khoảng năm bước.
- Thế ở Paris người ta có sợ không? - Struensee hỏi bằng một giọng châm biếm. - Sợ đất nước Đan Mạch bé nhỏ, không mấy ý nghĩa? Có phải đấy là điều ngài muốn nói không?
- Có lẽ chúng tôi muốn biết điều gì đang xảy ra?
- Điều gì đang xảy ra là mối quan tâm của Đan Mạch..
- Thế điều gì thì không liên quan...?
- Chính xác là vậy.
Viên đại sứ nhìn Struensee với cái nhìn lạnh tanh rồi hét lên bằng một giọng quyết liệt như thể vào lúc đó ông ta đã mất bình tĩnh.
- Một người theo quan điểm Khai sáng như ngài, thưa bác sĩ Struensee, không nên xấc xược như vậy!
- Chúng tôi chỉ nói thực tế!
- Nhưng nếu quyền lực của hoàng gia đang bị đe dọa...
- Nó không hề bị đe dọa.
- Chúng tôi lại nghe ngược lại.
- Thế thì đừng nghe nữa...
Đột nhiên, những tiếng thét man dại vẳng lại từ phía sân cung đình. Struensee tái mặt rồi bước tới cửa sổ. Điều anh nhìn thấy là nhà vua Christian VII đang chơi đùa với đồ chơi của mình. Nhà vua giả vờ là con ngựa và đứa trẻ da đen đang ở trên lưng ngài, hét lên man dại như thể nó đang thu hoạch mùa vụ còn vị Hoàng đế thì đang bò bằng bốn chân.
Struensee quay lại nhưng không kịp nữa rồi. Viên đại sứ Pháp cũng đã theo chân anh ta tới cửa sổ từ lúc nào và nhìn ra ngoài. Struensee vội buông rèm, thái độ rất cương quyết.
Nhưng mọi việc đã quá rõ ràng.
- Ngài Struensee, - Viên đại sứ Pháp nói bằng một giọng giễu cợt và giận dữ. - Tôi không phải là thằng ngốc. Nhà vua của chúng tôi cũng như các vị hoàng đế khác ở châu Âu. Tôi xin nói một cách thẳng thắn rằng điều cao rao của ngài được đánh giá rất cao. Ngài đang đùa với lửa. Chúng tôi không cho phép ngọn lửa thiêu đốt của cuộc cách mạng nhen nhóm lên từ đất nước nhỏ bé và thối tha này.
Nói rồi ông ta cúi đầu theo đúng lễ nghi.
*
Chuyện xảy ra sân cung đình là rõ ràng và có thật. Không thể chối bỏ được.
Liệu người thống trị tối cao còn giương cao ngọn đuốc của lẽ phải trong tay không? Hoặc đó là một kẻ điên khùng? Liệu Struensee sẽ làm gì được với người đó?
Không, anh chẳng hề có ý nghĩ sẽ làm gì với Christian.
Vấn đề cứ mỗi lúc một phát triển. Và cuối cùng thì vấn đề lại chính là đặt Struensee vào thế bị xem xét. Liệu anh có phải là người đúng không? Hay có một ngọn lửa đen ở trong anh?
Tuần lễ trước khi cậu bé da đen tới lâu đài, Struensee cảm thấy rất tuyệt vọng. Có lẽ tiếng nói của lẽ phải cần lên tiếng. Có lẽ khôn ngoan nhất là để mặc cho Christian với bệnh tật của ngài, phó mặc ông ta bị bóng tối nuốt chửng.
Liệu ánh sáng đến từ bóng đêm của sự tăm tối có được thắp sáng không? Lẽ phải được coi như một cái cán cân đặt dưới ngôi nhà của thế giới. Nhưng không có bất kỳ điểm cố định nào? Lẽ phải sẽ ra sao nếu không tìm được điểm tựa?
Nhưng anh lại thích đứa trẻ đó. Anh từ chối không chịu rời bỏ Christian, người có lẽ là một trong những số không cần thiết, một người không có chỗ trong cái kế hoạch rộng lớn. Nhưng liệu những kẻ không cần thiết có tham gia vào kế hoạch rộng lớn ấy không?
Liệu có phải vì những kẻ không cần thiết mà kế hoạch được tạo ra không?
Anh ngẫm nghĩ một hồi lâu về sự không chắc chắn của mình. Christian đã bị tổn hại, tâm hồn đã bị thui chột, nhưng dù sao thì quyền lực của ngài lại cần thiết. Điều gì đến nếu như chính ngài khao khát hoặc ít nhất như hiện nay đang tận dụng tối đa. Sự ốm yếu của Christian đã tạo ra một khoảng trống ở trung tâm quyền lực. Nơi này là chỗ mà anh đã tới thăm. Phải có một vài khả năng để cứu vãn cả đứa trẻ lẫn ước mơ thay đổi xã hội.
Đó là điều anh tự nhủ với mình. Mặc dù anh không chắc chắn đầu tiên là anh đang bảo vệ Christian hay chính mình.
Hình ảnh của ngọn đuốc màu đen xuất hiện từ bóng tối không chịu rời khỏi anh. Một ngọn đuốc đen cháy bên trong vị vua trẻ tuổi, giờ thì anh hiểu điều này và bóng tối của nó dường như đã dập tắt lẽ phải. Nhưng tại sao hình ảnh lại từ chối anh trong yên bình? Có lẽ không có ngọn đuốc đen trong anh. Không, không thể nào.
Nhưng cái gì tồn tại bên trong anh?
Ánh sáng, một ngọn lửa trên thảo nguyên. Những lời hoa mỹ.
Nhưng Christian lại vừa là ánh sáng vừa là cơ hội và là một ngọn đuốc đen toả bóng tối khắp thế gian.
Liệu đó có phải là một con người không? Vừa là cơ hội vừa là một ngọn đuốc đen?
Christian đã có lần, trong một giây phút tỉnh táo, nói về những người đứng về một phía; nhưng bản thân ngài lại không đứng một phía, ngài nói. Ngài có nhiều gương mặt. Rồi Christian tự hỏi: Liệu có một nơi nào cho một ai đó giống như mình trong vương quốc của lẽ phải không?
Một câu hỏi trẻ con và giản đơn. Và tất cả bỗng làm cho Struensee cảm thấy đau đớn.
Cũng phải có chỗ cho Christian nữa chứ. Thế có phải tất cả cho điều đó không? Có phải chính vậy mà cánh cửa của lịch sử sẽ mở ra trước Struensee? Đấy cũng là một phần nhiệm vụ của anh không?
Vậy nhiệm vụ của ta là gì sau tất cả những điều ấy? Anh có thể hình dung ra mình trước con mắt của đám cận thần giống như viên bác sĩ người Đức đến thăm căn nhà điên.
Vậy ai là người được giao nhiệm vụ?
"Chuyến viếng thăm" là một từ hay hơn gọi là nhiệm vụ. Song, đấy là điều anh bắt đầu nghĩ. Nó đã lớn dần lên trong anh. Một chuyến thăm, một nhiệm vụ phải hoàn tất, một nhiệm vụ được giao, một cánh cửa được mở trong lịch sử, và rồi anh sẽ bước sang một bên và biến mất.
Nắm lấy tay Christian. Có lẽ đây là điều quan trọng. Không được để Christian tụt lại phía sau. Ngài- người có nhiều bộ mặt và không đứng về một phía và bên trong có một ngọn đuốc đen đang cháy ngày càng mạnh hơn, toả bóng đen che phủ mọi thứ.
Hai chúng ta, Struensee thỉnh thoảng nghĩ. Một cặp tuyệt vời. Một đứa trẻ với ngọn đuốc đen tạo ra từ bóng tối và ta với cặp mắt sáng và nỗi sợ hãi khủng khiếp vẫn được ta che giấu một cách thật khôn khéo.
Và hai chúng ta sẽ đặt một cái cán cân dưới ngôi nhà của thế giới.
2
Anh nhận ra rằng lẽ ra anh không nên cho phép đồ chơi đó.
Đứa bé da đen là một món đồ chơi. Một thứ đồ chơi không phải là thứ Nhà vua cần; nó sẽ dẫn ngài tới một hướng sai lệch, như một cú chọc vụng về trong ván bi-a.
Lý do mà anh phải nhượng bộ- như sau này anh nghĩ, - là một sự kiện diễn ra trong tuần lễ đầu tiên của tháng Sáu năm 1770.
Christian đã bắt đầu đi quanh quẩn bên anh giống như một con chó: lảm nhảm một cách say sưa hoặc cầu xin anh trong im lặng. Phải làm một điều gì đó để đưa ngài thoát ra khỏi tình trạng hôn mê. Chính vậy nên Struensee quyết định cần thực hiện một chuyến du lịch, ngắn ngày, không phải tới các triều đình châu Âu mà là tới thực tế. Thực tế sẽ đưa Nhà vua ra khỏi tình trạng buồn chán. Chuyến đi sẽ đưa Nhà vua về vùng đồng quê Đan Mạch và cho ngài thấy được bức tranh của tình hình những người nô lệ Đan Mạch; nhưng đó là một bức tranh thực, người thật, không có sự bưng bít của triều đình, không cho những người nô lệ biết được sự có mặt của Nhà vua trong số họ, quan sát cuộc sống của họ.
Chinh vì lý do này nên chuyến đi cần được thực hiện bí mật.
Một ngày trước chuyến đi đã được Nhà vua chấp thuận, không có ý kiến gì, bởi vì ngài chẳng hề được thông báo về mục đích thực sự của chuyến đi cũng như chẳng hề tỏ ý quan tâm một chút nào về chuyến đi, nhưng những tin đồn đoán đã bị lọt ra ngoài. Điều này đã dẫn đến một cuộc đối đầu dữ dội với Rantzau, người mà lúc đó hình như đã lấy lại được vị thế của mình ở triều đình, trở lại được Nhà vua sủng ái và được coi là một trong những người bạn gần gũi nhất của Struensee.
Sớm hôm đó khi Struensee đến chuồng ngựa để cưỡi ngựa buổi sớm, trời mới hửng sáng. Anh buộc yên cương vào con ngựa của mình rồi phi ra cổng nhưng đã thấy Rantzau ở đó. Ông ta túm lấy dây cương. Struensee rất tức tối bèn hỏi ông ta muốn gì.
- Từ những gì tôi biết được, - Rantzau nói với vẻ giận dữ không buồn che giấu, - thì anh là người muốn rất nhiều thứ. Nhưng tất cả những cái đó là gì vậy? Nhà vua sẽ bị kéo đi xềnh xệch giữa đám nông dân à? Không phải là tìm kiếm những nhà quản lý hoặc những người khác mà chúng ta cần cho công cuộc cải cách. Mà lại là nông dân. Để xem cái gì?
- Thực tế.
- Anh đã giành được lòng tin của Nhà vua. Song anh sắp phạm phải một sai lầm đấy.
Lúc ấy, Struensee suýt nữa thì nổi cáu nhưng anh đã kiềm chế được. Anh giải thích rằng tình trạng hôn mê và tâm trạng chán chường của Nhà vua cần phải được chữa trị. Hoàng thượng đã dành quá nhiều thời gian trong ngôi nhà điên loạn này nên gần như mất trí khôn. Người chả hiểu gì tình hình của Đan Mạch cả.
- Thế Hoàng hậu nói thế nào? - Rantzau hỏi.
- Tôi chưa hỏi Hoàng hậu. - Struensee đáp. - Hãy buông dây cương của tôi ra.
- Anh đang mắc phải sai lầm rồi. - Rantzau rít lên bằng một giọng rất to khiến mọi người chung quanh đều có thể nghe được. - Anh đã quá ngây thơ; rồi thì anh cũng có mọi thứ trong tay nhưng anh đâu có hiểu luật chơi. Mặc kệ thằng điên đó đi, anh không thể...
- Buông ra, và tôi cũng không cho phép ngài gọi Nhà vua là thằng điên. - Struensee nói.
Nhưng Rantzau vẫn từ chối không chịu buông ra và tiếp tục nói rất to.
Rồi Struensee thúc ngựa khiến cho Rantzau loạng choạng ngã vật ra và Struensee phóng vọt đi không thèm ngoái đầu nhìn lại.
Sáng hôm sau, Nhà vua và Struensee khởi hành chuyến đi thị sát những người nông dân Đan Mạch.
Hai ngày đầu tiên thành công. Ngày thứ ba thì tai họa ập đến.
Đó là vào lúc cuối buổi chiều ở gần Hillerod. Từ trên xe ngựa, họ nhìn thấy một nhóm nông dân tụ tập xung quanh một cái gì đó, như thể đang có một cuộc họp vô thưởng vô phạt. Rồi xe ngựa tiến đến gần và mọi việc rõ dần.
Một nhóm người đang xúm xít quanh một vật gì đấy. Khi chiếc xe ngựa tiến tới gần thì đám đông tản ra, rồi một vài người chạy về phía những tòa nhà chính gần đó.
Chiếc xe dừng lại. Từ bên trong, Nhà vua và Struensee có thể thấy một người đang ngồi trên chiếc khung bằng gỗ. Nhà vua ra lệnh cho người lái xe tiến gần lại để có thể nhìn thân hình người ấy rõ ràng hơn.
Ngồi trên một con ngựa bằng gỗ làm bằng hai thanh gỗ bào vội vàng là một cậu bé nông dân rất trẻ, trần truồng, hai tay bị trói ghì phía sau còn đôi chân bị cột chặt vào thanh ngang. Cậu ta độ chừng mười sáu tuổi. Lưng cậu ta đẫm máu; rõ ràng là cậu bị người ta dùng roi quất và máu bắn toé ra.
Nạn nhân đang run bắn người và hình như sắp bị ngất xỉu.
- Hạ thần đoán là cậu bé định chạy trốn. Vì vậy nên người ta đặt cậu ta lên mình con ngựa gỗ. Những kẻ nào sống sót sẽ không bao giờ chạy trốn nữa. Chỉ những ai chết đi mới thoát được cảnh nô lệ. Đó là cảnh mọi việc đang diễn ra trên vương quốc của ngài, thưa Đức vua.
Christian, mồm há hốc, cố gắng không bị hoảng loạn, nhìn chăm chú đứa trẻ bị tra tấn. Đám những người còn lại dần dần tản đi.
- Cả một tầng lớp nông dân đang phải ngồi trên ngựa gỗ, - Struensee nói, - đó là thực tế. Hãy giải phóng cho họ, giải phóng cho họ.
Khi việc gán nợ được ban hành vào năm 1733, nó đã trở thành một phương tiện cho tầng lớp quý tộc để kiểm soát hay nói đúng hơn là ngăn cản phong trào trong tầng lớp lao động. Một người là nông dân trên một điề n trang không được phép rời bỏ nơi đó cho đến khi bốn mươi tuổi. Những điều kiện, đồng lương, quy định về công việc và nhà ở... tất cả đều do chủ nhân của trang trại quyết định. Ngoài bốn mươi tuổi, anh ta mới được phép đi nơi khác. Thực tế là vào lúc đó hầu hết nông dân đã trở nên bị phụ thuộc, nghiện ngập, chìm trong nợ nần hoặc bệnh tật nên việc di chuyển hầu như không xảy ra.
Đó là một hình thức nô lệ kiểu Đan Mạch. Nó đã vận hành rất tốt làm cơ sở kinh tế cho tầng lớp quý tộc; và điều kiện ở miền Bắc còn tồi tệ hơn ở miền Nam của Jutland, song đấy là hình thức nô lệ.
Đôi khi nô lệ chạy trốn. Struensee đã đoán đúng. Và đó là vì sao họ bị trừng phạt.
Nhưng Christian thì hình như chẳng nắm được gì; cứ như hình ảnh này chỉ khiến ngài nhớ lại một điều gì đó mà ngài đã từng chứng kiến trước đấy. Ngài hình như không theo kịp những lời giải thích của Struensee mà nghiến hai hàm răng thật chặt như thể không thể thốt ra được; và sau vài giây ngài hét lên những lời rất vô nghĩa và cuối cùng lẩm bẩm.
- Này, cậu bé nông dân ấy- có thể là một đứa trẻ bị thay thế - giống như ta! Tại sao họ lại trừng phạt ta? Giống như vậy! Hả Struensee! Ta đã làm gì nào, liệu đó có phải là một sự trừng phạt không, Struensee, có phải ta đang bị trừng phạt không?
Những lời lẩm bẩm của Christian mỗi lúc một to hơn.
- Thằng bé chạy trốn, bị trừng phạt trên con ngựa gỗ. - Struensee cố gắng giải thích, song Nhà vua chỉ lắp bắp với những câu vô nghĩa, càng lúc càng rối rắm.
- Đức vua cần bĩnh tĩnh trở lại, - Struensee thúc giục. - Hãy bình tĩnh lại. Bình tĩnh.
Nhưng không thể.
Hoàng hôn buông xuống, lưng của đứa bé giờ đây đen kịt máu, chắc nó đã phải ngồi trên con ngựa gỗ khá lâu. Struensee, sau một hồi cố gắng trấn an Nhà vua không được đành chịu thua, đứng nhìn thân thể của đứa trẻ rũ về phía trước, trượt trên tấm gỗ rồi treo ở đó, đầu ngoẹo xuống.
Christian bỗng nhiên hét lên, thật man dại và không nói lời nào. Đứa bé trên con ngựa gỗ im lặng. Tất cả mọi việc giờ đây tuột khỏi tầm tay.
Không thể nào dỗ dành Nhà vua được. Người ta chạy ra khỏi căn nhà chính. Nhà vua cứ thế hét to lên mãi, nghe chói cả tai, nhất định không chịu im.
Đứa trẻ trên con ngựa gỗ treo ở đó, khuôn mặt của nó chỉ cách mặt đất chừng một khoảng ngắn.
Struensee hét lên với người đánh xe ngựa bảo quay xe trở lại. Nhà vua có vấn đề, chúng ta phải quay trở lại Copenhagen. Nhưng ngay khi chiếc xe vội vàng quay lại thì Struensee đột nhiên lại nghĩ về cậu bé bị treo lơ lửng trên con ngựa gỗ. Họ không thể để cậu ta như vậy được. Chắc chắn cậu bé sẽ bị chết. Anh nhảy ra khỏi chiếc xe ngựa cố gắng thuyết phục họ tha cho cậu bé nhưng chiếc xe chạy đi ngay lập tức và những tiếng kêu gào tuyệt vọng của Nhà vua càng ngày càng to.
Cậu ta bị treo lơ lửng không động đậy. Đám đông đang ào tới trông thật hung dữ. Struensee cảm thấy sợ sệt. Việc này đã quá khả năng của anh. Anh thấy mình đang ở trong một vùng hoang dã của Đan Mạch. Lẽ phải, luật lệ, tước hiệu hay quyền lực không hề có chút thẩm quyền gì ở nơi hoang dã này. Ở đây con người trở thành loài vật. Họ sẽ xé xác anh ra từng mảnh.
Anh cảm thấy nỗi sợ hãi hoàn toàn xâm chiếm anh.
Chính vậy, anh đã từ bỏ ý định cứu thoát đứa trẻ trên con ngựa gỗ.
Chiếc xe ngựa và những con ngựa cùng với ông vua đang la hét khi thò đầu ra ngoài cửa sổ, sắp sửa biến đi trong hoàng hôn. Trời đang mưa. Đường lầy lội. Struensee chạy, hét lên với người đánh xe dừng lại, chân ngập trong bùn, anh cố chạy về phía chiếc xe.
Đó là sự chấm dứt của chuyến đi tới những người nô lệ Đan Mạch.
3
Nhà vua ngày càng nhiều thời gian để chơi với Moranti, đứa trẻ da đen.
Chẳng có ai ngạc nhiên. Nhà vua rất bình tĩnh khi ngài đang chơi đùa.
Vào đầu tháng Tám, Moranti bị lên một cơn sốt đột ngột và liền trong ba tuần nằm bẹp trên giường, hồi phục rất chậm; Nhà vua cảm thấy bị sốc và quay trở về tình trạng buồn chán. Trong hai ngày khi bệnh của Moranti trở nên nguy kịch, đe dọa tính mạng thì tâm trạng Nhà vua lại ổn định. Viên quan Đổng lý B.W.Luxdorph, người đã chứng kiến sự kiện từ cửa sổ của tòa nhà đổng lý, viết vài dòng trong nhật ký:" từ 11 đến 12 giờ những con búp bê bằng sứ, sách vở, giá sách, giấy kẻ nhạc... tất cả bị ném ra từ phía ban công cung đình. Hơn bốn trăm người tụ tập dưới ban công. Mọi người chạy toán loạn với những gì họ vớ được."
Sau khi Moranti đã phục hồi, Nhà vua trở nên bình tĩnh hơn nhưng cảnh đó được lặp lại một lần nữa mặc dầu sự khác biệt không có ý nghĩa gì lắm: ngài không ở trên ban công một mình. Sự kiện này được một nhà ngoại giao viết:" Nhà vua, còn rất trẻ và tính cách nghịch ngợm, đã định trong đầu là vào sáng thứ Sáu đi ra ngoài ban công cùng với một đứa trẻ hầu da đen, chơi trò ném mọi thứ ngài có thể tìm được xuống dưới. Một cái chai đã rơi trúng vào chân viên thư ký của phái đoàn Nga làm anh ta bị thương nặng."
Không thấy nhắc đến là liệu Moranti có tham gia vào việc ném các vật xuống không.
Hành động bất thường đó được mô tả như không thể giải thích được.
Họ đang đi vòng quanh nhau với những vòng cứ hẹp dần lại. Họ đi đến với nhau.
Quan hệ giữa Hoàng hậu Caroline Mathilde và bác sĩ hoàng gia Struensee ngày càng trở nên gắn bó.
Họ thường đi dạo trong rừng. Ở trong rừng, họ trò chuyện, trong khi những kẻ hầu tụt lại phía sau; Hoàng hậu cảm thấy rất thú vị khi đi dạo trong rừng với Struensee.
Đó là khu rừng ở bãi biển.
Struensee nói về tầm quan trọng của việc làm cho chân tay của thái tử trở nên cứng cáp thông qua luyện tập; đứa trẻ giờ đây hai tuổi. Hoàng hậu lại nói về những con ngựa. Struensee nhấn mạnh điều quan trọng cho đứa bé là phải được chơi đùa như những đứa trẻ bình thường khác. Nàng nói về biển cả và những con thiên nga trên mặt nước trông giống như thủy ngân. Anh nghĩ đứa trẻ cần học những chi tiết đòi hỏi ở một nhà cai trị; Hoàng hậu lại hỏi anh xem những cái cây có biết suy nghĩ không.
Anh trả lời: Chỉ trong tình hình hết sức nguy hiểm. Nàng đáp lại: Chỉ khi nào cái cây hạnh phúc nhất thì mới có thể suy nghĩ được.
Khi họ đi ngang qua rừng nơi có những bụi cây rậm rạp thì những kẻ hầu không thể theo kịp. Nàng thích đi trong rừng. Nàng tin rằng những cái cây đều có thể yêu. Nàng thấy hoàn toàn tự nhiên là những cái cây cũng có thể mơ ước. Tất cả điều mà người ta có thể làm là quan sát một khu rừng vào lúc hoàng hôn để có thể tin được.
Anh hỏi nàng liệu một cái cây có cảm thấy sợ hãi không.
Đột nhiên nàng có thể kể cho anh tất cả mọi thứ. Không, không phải là tất cả mọi thứ đâu. Nàng có thể hỏi vì sao mọi người lại cảm thấy khó chịu khi nàng mặc quần áo đàn ông đi cưỡi ngựa, và anh sẽ trả lời. Nhưng nàng không thể hỏi anh vì sao nàng lại được chọn để trở thành một con bò cái hoàng gia dùng để phục vụ. Tại sao nàng lại là người đàn bà số một và được tung hô nhất trong số phụ nữ trong khi nàng chỉ là một loại truyền giống, ở vị trí thấp nhất trong loài hạ đẳng?
Nàng đi rất nhanh. Thỉnh thoảng nàng lại đi trước anh, nàng đi vượt anh có chủ ý. Thật dễ dàng hơn khi hỏi một số câu hỏi nhất định nếu như anh không thể nhìn thấy khuôn mặt của nàng. Nàng không thể quay lại mà hỏi anh khi lưng quay về phía anh.
- Làm sao anh có thể có được sự kiên nhẫn như vậy với cái đồ điên ấy? Em không thể hiểu được
- Vì đó là Nhà vua?
- Ông ấy bị bệnh
- Không, không phải vậy. - Anh nói với nàng. - Anh không cho phép em nói về chồng mình như thế. Dù thế nào thì em cũng yêu Nhà vua.
Nàng dừng lại đột ngột.
Đó là khu rừng rậm. Anh có thể nhìn thấy lưng của nàng bắt đầu run lên. Nàng đang khóc không thành tiếng. Từ phía sau, anh có thể nghe thấy tiếng của những người hầu gái vọng lại khi họ thận trọng đi vào khu rừng rậm.
Anh bước tới chỗ nàng. Nàng khóc trong tuyệt vọng, dựa vào vai anh. Họ đứng im lặng một hồi lâu. Những tiếng động nghe rõ dần.
- Thưa Hoàng hậu, - anh khẽ nói, - Hoàng hậu phải cẩn thận...
Nàng ngước nhìn anh, với vẻ đã bình tĩnh trở lại.
- Tại sao vậy?
- Người ta có thể... hiểu nhầm...
Những tiếng động nghe rõ hơn, nàng vẫn còn đang đứng sát anh, tựa vào vai anh và ngước lên, nói gần như không cần diễn tả.
- Mặc họ. Em không sợ. Không sợ gì cả. Không sợ gì cả.
Và rồi anh nhìn thấy những khuôn mặt dò xét đầu tiên xuất hiện trong lùm cây rậm rạp; tiến đến mỗi lúc một gần hơn. Nhưng cũng vài giây nữa, Hoàng hậu tỏ ra chẳng sợ sệt gì cả; nàng cũng nhìn thấy những khuôn mặt qua lùm cây, nhưng nàng không sợ.
Anh hiểu rằng nàng không hề sợ sệt và điều đó làm anh bỗng thấy hoảng hốt.
- Thế em không sợ điều gì ư? - Anh nói với giọng trầm.
Rồi họ tiếp tục đi theo đường của mình qua khu rừng.
4
Những buổi tối đánh bài vốn đã thành thông lệ giữa ba Hoàng hậu nay chấm dứt; Thái hậu không giải thích lý do chuyện này. Caroline Mathilde thì chẳng còn thích thú gì. Cũng không hề giải thích. Những buổi tối đánh bài chỉ đơn giản không còn nữa.
Nhưng Thái hậu biết lý do của việc đó. Bà ta thấy mình không còn là trung tâm của mọi thứ nữa.
Tuy nhiên, để có được một lời giải thích hoặc giải quyết chuyện này cho dứt điểm, Thái hậu tìm đến Caroline Mathilde tại phòng của Hoàng hậu. Bà không muốn ngồi. Bà đứng giữa phòng.
- Hoàng hậu đã thay đổi từ khi đến Đan Mạch. - Thái hậu nói với giọng lạnh nhạt. - Hoàng hậu không còn hấp dẫn. Về mọi mặt không còn vui vẻ như trước kia nữa. Đấy không phải chỉ là ý kiến của ta, mà là ý kiến của mọi người. Hoàng hậu cố giữ khoảng cách. Hoàng hậu không có suy nghĩ hành xử ra sao.
Biểu hiện của Mathilde chẳng có gì thay đổi, nàng chỉ nói:
- Đúng như vậy.
- Ta khẩn cấp cầu xin con đừng có đi cưỡi ngựa trong trang phục của đàn ông nữa. Chưa bao giờ từ trước tới nay một phụ nữ trong hoàng tộc lại ăn mặc quần áo của đàn ông. Điều ấy thật kinh khủng.
- Nhưng đối với con điều đó chẳng hề sốc chút nào.
- Thế còn bác sĩ Struensee thì sao?
- Ông ta cũng chẳng hề bị sốc.
- Ta xin con.
- Con sẽ làm như mình thích. - Caroline Mathilde đáp lại. - Con sẽ mặc như mình thích. Con sẽ cưỡi ngựa như mình thích. Con sẽ nói chuyện với những ai con thích. Con là Hoàng hậu. Chính vì vậy con là người ra lệnh. Cách con cư xử cũng rất đúng mực. Liệu có phải Thái hậu ghen tị không?
Hoàng Thái hậu không trả lời mà chỉ nhìn nàng với cái nhìn câm lặng, đầy phẫn nộ.
- Vâng, có đúng vậy không? Bà ghen tức với tôi? - Malthilde nói.
- Hãy nói năng cẩn thận. - Hoàng Thái hậu đốp lại.
- Vâng, con chắc chắn sẽ làm vậy. Nhưng chỉ khi nào chuyện đó vừa lòng con.
- Ngươi thật không biết xấu hổ.
- Chẳng bao lâu nữa, con sẽ cưỡi ngựa với tấm lưng trần. Họ nói thật thú vị. Có phải là Thái hậu ghen không? Bởi vì con lạ gì mọi người nhìn vào thế nào rồi? Con nghĩ Thái hậu ghen với con.
- Hãy ăn nói cẩn thận. Ngươi còn là một đứa trẻ. Ngươi chẳng biết gì cả.
- Nhưng có những người đã đến một trăm tuổi mà vẫn chẳng nhìn thấy gì, chẳng biết gì. Và còn có thế giới bên ngoài triều đình.
Nghe đến đó, Thái hậu giận dữ bỏ đi.
Hoàng hậu vẫn ngồi yên tại chỗ. Nàng nghĩ: Dù sao thì anh ấy cũng nói đúng. Có những người đến một trăm tuổi rồi mà vẫn chẳng nhìn thấy điều gì. Còn có một thế giới bên ngoài triều đình; và khi ta nói điều này, tấm màn che bị chọc thủng, sự sợ hãi, sự giận dữ bùng lên và ta được tự do.
5
Vào ngày 26 tháng 9, Nhà vua và Hoàng hậu với Struensee tháp tùng, cùng một bầu đoàn vừa khởi hành một chuyến đi nghỉ lễ ngắn tới Holsten. Họ tới thăm Ascheberg và Struensee chỉ cho Hoàng hậu túp lều nổi tiếng của Rousseau.
Đó là một mùa thu tuyệt vời. Một vài ngày trời lạnh đã làm cho lá cây chuyển sang màu vàng óng. Khi họ đi xe ngựa tới Ascheberg vào buổi chiều, trái núi dát vàng sắc màu mùa thu, không khí thật ấm áp và tuyệt vời.
Đó là một mùa hè ngắn ngủi ở Ấn Độ vào năm 1770. Ngày hôm sau họ bắt đầu những cuộc đi dạo.
Trong suốt mùa hè, anh đã bắt đầu đọc sách cho nàng. Trong chuyến đi này, nàng đã đề nghị anh chọn một cuốn sách anh đặc biệt thích thú. Anh lại chọn một cuốn làm nàng vui lòng, thu hút được sự quan tâm của nàng bằng cách đưa ra những thông tin mới, dạy cho nàng một đôi điều về chính bản thân anh và phù hợp với địa điểm họ sắp đến thăm.
Một sự lựa chọn dễ dàng, anh nói với nàng, nhưng từ chối không nói thêm gì nữa. Anh sẽ làm nàng ngạc nhiên khi họ kéo ghế ngồi trong túp lều của Rousseau.
Rồi nàng sẽ hiểu.
Vào ngày thứ hai, họ đi tới túp lều một mình. Túp lều đã được giữ gìn cẩn thận và tôn tạo thêm thật tráng lệ; nó có hai phòng nhỏ, một phòng cho nhà triết học dự định làm việc, còn phòng kia để nghỉ. Họ đã quên không làm một phòng bếp; vì cho rằng để tạo ra không khí hoang sơ nên để những người phục vụ bê thức ăn từ điền trang Ascheberg đến.
Với vẻ thích thú, nàng đọc những trích dẫn các câu thơ viết đầy trên tường và trần nhà, rồi Struensee kể với nàng về Rousseau.
Nàng cảm thấy rất hạnh phúc.
Rồi anh lấy ra cuốn sách. Họ ngồi xuống một chiếc ghế sô- pha kiểu ba-rốc rất đẹp ở trong phòng làm việc; ông già Rantzau đã mua nó ở Paris năm 1755 và sau đó đưa vào trong túp lều hy vọng Rousseau sẽ tới thăm. Cuốn sách anh sẽ đọc cho nàng là cuốn Những ý tưởng về đạo đức của Ludvig Holberg.
Tại sao anh lại đặc biệt chọn cuốn này?
Lúc đầu nàng nghĩ rằng cuốn sách này, sự lựa chọn này, rất buồn tẻ; thế rồi anh đề nghị nàng hãy quên đi một lát tên của cuốn sách mà có lẽ nó không hấp dẫn và hãy cho phép anh đọc những tiêu đề của các chương, mà theo anh sẽ mang lại những ấn tượng khác hẳn.
- Một điều gì đó cấm kỵ. - Nàng hỏi.
- Ở mức độ cao nhất. - Anh trả lời.
Những tiêu đề đó quả nhiên thu hút nàng. "Đừng mất thời gian vào những hoạt động rỗng tuếch. Chỉ có người điên là hạnh phúc. Tôi từ chối kết hôn. Hãy từ bỏ một ý nghĩ nếu nó bị bác bỏ. Tất cả tội ác và tội lỗi không nghiêm trọng như nhau. Chỉ có kẻ dốt nát mới tin rằng mình biết mọi thứ. Bạn sẽ hạnh phúc nếu bạn hình dung rằng mình hạnh phúc. Một số người phạm tội và cầu xin. Thời gian và địa điểm quyết định cái gì là đạo đức. Đạo đức và tội phạm thay đổi theo thời gian. Hãy bỏ tiết tấu trong nghệ thuật thơ ca. Nhà thơ sống trong danh dự và nghèo khổ. Những cuộc cải cách dễ dàng tuột khỏi tầm kiểm soát. Cân nhắc thận trọng những hậu quả của một cuộc cải cách. Bác sĩ hãy trả lời câu hỏi hơn là thuyết trình. Hiệp định giết chết, xung đột kích thích. Những sự ưa thích tồi lại có ích. Chúng ta rất thèm khát những gì bị cấm đoán."
Và ở tiêu đề cuối cùng, nàng bảo anh dừng lại.
- Thật đúng vậy, điều đó rất đúng. Và em muốn biết xem Ludvig Holberg nói gì về điều ấy.
- Xin chiều lòng em. - Anh nói.
Nhưng anh lại bắt đầu một chương khác hẳn.
Nàng gợi ý anh tự chọn lấy trong số các chương sao cho việc đọc kết thúc với nội dung về điều cấm kỵ. Nàng muốn nghe nội dung trước rồi nghe những suy nghĩ của anh. Anh đọc phần 84 với nhan đề" Thời gian và địa điểm quyết định cái gì là đạo đức". Anh bắt đầu đọc nội dung vào buổi chiều ngày thứ hai trong thời gian họ nghỉ ở túp lều của Rousseau, khi ấy vào tuần cuối tháng 9 tại Ascheberg, khu vực anh đã hiểu rất rành, đã từng là một phần cuộc sống trước đây của anh, cuộc sống mà anh đã hầu như quên đi nhưng giờ đang cố gắng nhớ lại.
Anh cố tìm kiếm ý niệm của sự liên tục trong cuộc sống của mình. Anh biết nó có tính liên tục nhưng anh vẫn chưa kiểm soát nó được.
Vào buổi chiều ngày thứ ba, anh đọc chương bắt đầu với câu"Đạo đức là bất cứ cái gì đó phù hợp với mốt được chấp nhận trong ngày và không đạo đức là những gì mâu thuẫn với nó." Và anh đọc chương thứ hai mươi trong cuốn bốn, một chương bắt đầu bằng câu: "Điều đặc biệt nhất trong con người là người ta lại có một ước muốn lớn nhất đối với những gì bị cấm nhất."
Nàng nghĩ giọng đọc của anh thật đáng yêu.
Nàng cũng thích Ludvig Holberg nữa. Như thể giọng của Struensee và Holberg hòa quyện với nhau thành một. Đó là một giọng trầm, ấm áp nói với nàng về một thế giới mà nàng chưa hề biết đến; giọng nói ôm chặt lấy nàng, nàng cảm thấy như thể nàng đang trôi nổi trong nước ấm, đóng sập triều đình và Đan Mạch cùng với Nhà vua và tất cả mọi thứ; giống như nước, như thể nàng đang trôi trên mặt biển ấm áp của cuộc sống và không hề sợ hãi.
Nàng nghĩ giọng của anh thật hay. Nàng nói với anh như vậy
- Anh có một giọng thật truyền cảm, bác sĩ Struensee.
Anh tiếp tục đọc.
Nàng đang mặc một chiếc áo choàng buổi tối làm bằng chất liệu mỏng vì thời tiết đang vào cuối hè và ấm, thứ vải nhẹ nàng đã chọn vào đêm hè mát dịu. Nàng cảm thấy thoải mái khi mặc bộ đó. Chiếc áo khoét cổ rộng. Nước da trẻ trung của nàng, thỉnh thoảng khi mắt anh rời khỏi cuốn sách lại nhìn vào làn da nàng; rồi dừng lại ở đôi tay của nàng và bỗng anh chợt nhớ có lần mình đã nghĩ đến bàn tay đó cầm chặt lấy dương vật của anh, một ý nghĩ đã có lần thoáng qua rồi anh lại tiếp tục đọc.
- Bác sĩ Struensee, - nàng nói, - anh phải chạm vào tay em khi đọc cơ.
- Tại sao vậy? - Anh hỏi, sau một thoáng ngập ngừng.
- Bởi vì nếu không thì những từ ngữ sẽ khô khốc. Anh phải chạm vào làn da của em thì em mới hiểu rõ những từ đó có nghĩa gì.
Vậy là anh chạm vào tay nàng. Bàn tay không đi găng và rất mềm mại. Anh có thể nói ngay rằng nó rất mềm.
- Chạm vào tay em, từ từ thôi.
- Thưa Hoàng hậu, hạ thần sợ...
- Hãy chạm vào đi...
Anh tiếp tục đọc, bàn tay của anh lướt nhẹ tr n cánh tay trần của nàng. Sau nàng nói.
- Em nghĩ Holberg đang nói rằng cái cấm kỵ nhất là một giới hạn.
- Một giới hạn ư?
- Một giới hạn. Và bất cứ nơi nào cũng tồn tại giới hạn, nơi đó có cuộc sống, cái chết và đó là ham muốn lớn nhất.
Bàn tay anh tiếp tục chuyển động rồi nàng cầm lấy tay anh bằng đôi tay của mình và đưa sát vào cổ họng.
- Ham muốn lớn nhất, tồn tại ở giới hạn. Đúng như vậy. Đúng như những gì Holberg đã viết. - Nàng thì thầm.
- Chỗ nào là giới hạn? - Anh thì thào.
- Hãy tìm đi! - Nàng nói.
Rồi cuốn sách rơi khỏi tay anh.
Chính nàng chứ không phải anh là người khóa cửa lại.
Nàng không hề sợ hãi, nàng chả hề lúng túng khi họ cởi quần áo; nàng tiếp tục cảm thấy như mình đang ở trong vùng nước ấm áp của cuộc sống, không có gì hiểm nguy, cái chết rất gần và mọi thứ đều rất thú vị. Mọi thứ xem ra đều mềm mại, chậm chập và ấm áp.
Họ nằm cạnh bên nhau, trần truồng trên cái giường ở phòng trong của túp lều, nơi có thể đã có lần nhà triết học người Pháp Rousseau đã nghỉ, mặc dù ông ta chưa hề tới. Đó là nơi họ đang nằm. Điều này làm nàng tràn ngập sự hứng khởi, nó là một địa điểm thiêng liêng và họ sắp bước qua ranh giới, điều đó thật là cấm kỵ, cấm kỵ nhất. Nơi đó là cấm kỵ; nàng là trái cấm và gần như hoàn hảo.
Họ chạm vào người nhau. Nàng nắm lấy dương vật của anh. Nàng thích nó; nó đã cứng nhưng nàng vẫn chờ đợi vì sự gần gũi của họ đã tới ranh giới rất hứng khởi và nàng muốn giữ mãi phút giây đó.
- Hãy chờ chút, đừng vội. - Nàng nói.
Anh nằm cạnh nàng, ve vuốt nàng, họ thở vào nhau hoàn toàn bình thản và tràn đầy ham muốn; nàng hiểu ngay rằng anh cũng giống nàng. Rằng anh cũng thở như nàng. Cùng một hơi thở. Rằng anh ở trong lá phổi của nàng và họ thở cùng một nhịp thở.
Anh muốn đi vào trong nàng, một chút, giờ đây anh đang ở rất gần, nàng vuốt ve cổ anh rồi thì thào.
- Đừng ngay một lúc. Đừng vội.
Nàng cảm thấy anh chạm vào thân thể nàng, khẽ đi vào một chút, rút ra rồi lại vào.
- Đừng ngay một lúc, chờ chút.
Anh chờ đợi, gần như ở bên trong nàng, vẫn chờ.
- Đó, - nàng thì thào, - đừng vội. Anh yêu. Anh hãy chuyển động ra vào giới hạn đi.
- Giới hạn ư? - Anh hỏi.
- Đúng, đó. Anh đã cảm thấy giới hạn chưa?
- Đừng chuyển động nữa. Đừng chuyển động. - Anh nói.
Anh hiểu. Họ chờ đời, hít thở vào nhau như những con ngựa chạm mũi vào nhau, mọi thứ diễn ra không một tiếng động, anh hiểu.
Rồi nàng bị cuốn đi bởi một đợt sóng hạnh phúc dâng trào, anh hiểu, anh sẽ chờ đợi, chẳng bao lâu nữa nàng sẽ ra hiệu, chẳng bao lâu nữa, anh hiểu.
- Giới hạn, - nàng lại thì thào và thì thào nữa, ham muốn cứ từ từ, từ từ dâng trào khắp cơ thể nàng. - Anh có cảm nhận được nó không, ham muốn lớn nhất, hơn nữa, đó là ranh giới.
Bên ngoài kia hoàng hôn đã buông xuống. Anh nằm trên người nàng, gần như không động cựa gì, trượt ra trượt vào khẽ khàng.
- Thế, rất nhanh. Qua ranh giới rồi, - nàng thì thào, - vào nữa đi. Ồ, đã vượt qua rồi.
Và cuối cùng, rất nhẹ nhàng anh trượt vào bên trong nàng, vuợt qua cái cấm kỵ nhất của mọi giới hạn, và nó chính là điều phải như thế.
Giờ đây, nàng nghĩ, giống như thiên đường.
Khi đã xong, nàng nằm đó mắt nhắm nghiền mỉm cười. Yên lặng anh mặc quần áo rồi đứng bên cửa sổ hồi lâu, nhìn ra ngoài.
Trời đã tối và anh nhìn ra ngoài công viên rộng lớn, ở dưới thung lũng phía dưới kia, cái hồ, con kênh, những cái cây, những loài vật hoang dại và đã được thuần dưỡng.
Họ ở trên núi. Và điều đó đã diễn ra.
- Chúng ta phải xuống với họ. - Anh khẽ nói.
Nơi đây, thiên nhiên thật hoàn hảo. Nơi đây là hoang dã và thuần hóa. Anh nghĩ đến những gì họ để lại phía sau, triều đình, Copenhagen. Trông nó ra sao khi một đợt sương mù nhẹ trôi là là trên Oresund. Đấy là một thế giới khác. Ở đó không nghi ngờ gì nước đêm nay đen ngòm; những con thiên nga cuộn tròn đi ngủ; anh nghĩ đến những điều nàng đã nói với mình về nước dát bạc và những chú chim cuộn tròn trong giấc mơ của chúng. Và ngay lập tức một chú chim thức dậy, đôi cánh của nó đập vào mặt nước, làm sao nó trở thành tự do và biến đi trong sương mù.
Sương mù, nước và những chú chim ngủ cuộn tròn trong những giấc mơ.
Và rồi cung đình, giống như một lâu đài cổ đầy rẫy những đe dọa khủng khiếp đang chờ đợi thời gian tới.