Chuyện Tình Viên Phó Sứ Chương 1


Chương 1
Con ma

Qua cổng làng Ghềnh, đi một quãng trên con đường sống trâu thì tới nhà cụ Lang Huy. Đó chỉ là một nếp nhà gỗ ba gian, lợp ngói, sân đất, với cái mái rạ dưới chái ngang làm bếp. Song thoạt nhìn ai cũng thấy ngay được nhà cụ có bát ăn bát để, vào loại gia thế trong làng. Thế của nhà cụ Lang Huy không phải là thế ăn trên ngồi trốc của các ông chánh, ông lý mà là cái thế của một người dòng dõi nho gia. Nghe nói ông nội và chú, bác cụ ngày xưa đã có những người đỗ đạt cao trong các kỳ thi hương, thi hội, có người đã từ chức quan huyện, quan phủ. Cụ thân sinh của cụ Lang Huy cũng là người có học vấn uyên thâm, được vời vào làm phụ tá giúp việc cho quan tri huyện sở tại, nhưng chưa được bao lâu đã bỏ chức, bỏ nhà ra tận vùng Yên Thế để làm người dưới trướng kề cận của cụ Đề Thám. Cụ Lang Huy từng là một môn sinh giỏi của bác ruột mình, nhưng không theo đòi khoa bảng, cũng không có máu giang hồ như các bậc cha chú, chỉ nối nghề làm thuốc của ông ngoại và mở lớp dạy học cho bọn trẻ nghèo trong làng Ghềnh. Gọi cụ Lang Huy hay cụ Đồ Huy cũng chính là cụ, tùy theo mối quan hệ giữa người nhà bệnh nhân với thầy thuốc hay giữa phụ huynh học trò với thầy giáo. Và cả hai "chức danh" ấy đã nổi tiếng đến hàng huyện. Chẳng những được bà con trẻ già tôn kính, mến phục mà các chức dịch trong tổng, trong làng cũng phải nể vì. Bởi những khi người nhà họ cần thăm mạch, bốc thuốc chữa bệnh hay bản thân các vị ấy có lúng túng khó khăn về chữ nghĩa đều không khỏi trịnh trọng khăn xếp, áo the tươm tất đến cậy nhờ cụ Lang Huy - cụ Đồ Huy.

Ông cụ có bốn người con, hai trai, hai gái. Cụ cẩn thận dạy các con chữ Nho, lễ nghĩa và cái đức chăm chỉ, cần kiệm, biết ghét thói gặp chăng hay chớ, ăn xổi ở thì, biết sống rộng bụng, rộng lòng, có tình làng nghĩa xóm. Cũng nhờ có cụ bà biết thu vén, tùng tiệm, dành dụm nên những khi cụ ông dù dốc lòng dốc sức trị bệnh cứu người nghèo hay dạy học cho trẻ con nhà khó vẫn nhất định không lấy tiền. Người con gái lớn của cụ Huy là Huệ, thoạt đầu cũng được cha dạy cho ít chữ nghĩa, nhưng về sau đông em nên chỉ bế em, chăn bò, cắt cỏ tối ngày. Năm mười sáu tuổi bệnh đau mắt hột khiến mắt Huệ bị lòa. Nên mãi tới ngoài hai mươi hình như vẫn chưa có chàng trai nào để ý đến cô. Bấy giờ ở huyện bên có cụ Bồng, vốn là bạn đồng môn của cụ Huy khi xưa, đã tìm đến làng Ghềnh nhờ người bạn cũ bốc thuốc chữa bệnh cho bà vợ đang ốm nặng. Chỉ một tháng sau, bà cụ Bồng khỏi bệnh. Vì đã dùng bao nhiêu thuốc quý mà ông bạn nhất định không chịu lấy tiền, lại thấy cô con gái lớn nhà ông bạn khỏe mạnh, hay lam hay làm, cả hai vợ chồng cụ Bồng tính chuyện hỏi cô Huệ về làm vợ cho cậu con trai độc nhất của họ tên là Hoạt. Hoạt đẹp trai, tính lại phóng túng, đồng lứa với người em trai kề cận của Huệ, nghĩa là kém Huệ chừng hai tuổi. Vợ chồng cụ Bồng bảo: "Nhất gái hơn hai!". Những khi lên bến xuống thuyền, những đêm trăng tát nước..., không phải chỉ một lần Hoạt bắt gặp cô nọ cô kia liếc mắt đưa tình hay che nón làm duyên với mình. Nhưng giữa cụ Bồng và cụ Lang Huy tình nặng nghĩa sâu, Hoạt không cưỡng nổi quyết định của cha mẹ. Thế là dẫn đến đám cưới của chàng trai bên huyện với cô gái làng Ghềnh. Đêm tân hôn, chú rể nhất quyết không chịu động phòng, anh chàng chê cô dâu "vừa lòa vừa xấu". Như hai người cùng giới chẳng ưa gì nhau lại bắt buộc trọ chung một căn buồng, họ chẳng nói chẳng rằng, cứ ở vậy suốt một tuần trong sự chờ đợi, thấp thỏm, mong ngóng của các bậc cha mẹ. Huệ cũng nhẫn nại lặng lẽ chờ đợi và bấu víu vào sợi dây hy vọng mỏng manh là thời gian: một tháng, một năm hay lâu hơn nữa, rồi anh ấy sẽ nghĩ lại, anh ấy sẽ nhìn nhận mình... Nhưng đến hôm thứ tám, khi Huệ dậy rất sớm để băm bèo, thái khoai, làm nhiệm vụ thường nhật của người con dâu trong nhà thì đã không còn thấy Hoạt ở đâu nữa. Cả mấy cái quần áo tối hôm qua Huệ mới giặt cho chồng phơi ở đầu sào cũng không còn! Hoạt đã ra đi! Hơn một năm sau nhà cụ Bồng nhận được tin dữ: đứa con trai độc nhất của họ đã bị ngã nước chết ở trên rừng! Huệ bỏ múi khăn xô thờ chồng chưa được bao lâu thì ông cụ Bồng lâm bệnh qua đời. Huệ lại cam phận làm dâu ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng ngót nghét đến bảy, tám năm. Khi mãn tang bà cụ Bồng thì cô con dâu tội nghiệp đã ngoài ba mươi tuổi. Đôi mắt cô đã lòa càng lòa thêm! Vợ chồng cụ Lang Huy thương con, xót xa!

Một hôm tình cờ, bà dì ruột của Huệ lấy chồng ở làng trên về quê ăn giỗ, vui mồm kể chuyện có cậu hàng xóm vợ bị chó dại cắn chết đã ba năm, tuổi ngoại tứ tuần rồi mà vẫn chưa chịu đi bước nữa.

"Thôi thì rổ rá cạp lại", bà dì của Huệ ướm lời, được vợ chồng cụ Lang Huy ưng thuận, thế là nhanh nhảu làm mối cho anh chàng góa vợ kết bạn đời với cô cháu lớn của mình. Khốn nỗi, đôi bên nào có biết mặt nhau. Nhà anh chàng kia bố mất sớm, chỉ còn bà mẹ và hai người em trai, đã thành gia thất cả. Việc cưới vợ kế cho anh con cả được quyết định chóng vánh và tổ chức cũng đơn giản thôi. Hôm về nhà chồng, tối ngồi đun bếp, thấy ba người đàn ông ngồi uống nước trên chõng tre, Huệ khẽ hỏi cô em dâu:

- Thím ơi! Ông nào là ông nhớn?

Cô em dâu cười và nói:

- Thế chị chưa biết mặt bác trai à? Bác trai đang cầm bát nước đấy.

Chồng Huệ sinh ra trong một gia đình rất nghèo, bố mẹ không có lấy một tấc vườn tấc ruộng nào. Cả nhà năm miệng ăn chỉ trông chờ vào nghề đóng gạch thuê của ông bố và cái mẹt quà vặt dăm mười nải chuối, vài đấu bỏng ngô của người mẹ. Được cái ba người con trai rắn chắc, lực lưỡng. Tất thảy đều chẳng học hành trường lớp gì. Lớn lên, cả ba đều theo bố, cũng làm nghề đóng gạch thuê. Như kiến tha lâu đầy tổ, mấy cha con ngày ngày góp nhặt những viên gạch mộc sứt sẹo không đủ tiêu chuẩn vào lò, đưa về phơi khô, cùng với ít rạ đánh thành tranh dựng lên một túp lều nhỏ ở đầu đê làm chỗ chui vào chui ra cho cả nhà. Nơi đầu đê ấy dân hàng tổng vẫn gọi là Mỏ Kè, có lẽ vì nó còn mang vết tích của một trận vỡ đê năm nào: cả ba bốn làng, trong đó có làng Ghềnh đã phải huy động sức người sức của, tập trung cơ man nào là tre pheo, đất, đá, mới kè chắn nổi con nước quái ác đang tràn vào, cứu cho hàng ngàn hộ dân và hàng trăm mẫu ruộng trong đê thoát khỏi thảm họa lụt lội. Sau khi ông bố mất, hai người em trai mỗi người đi một phương, đóng gạch thuê cho hàng xứ. Nhờ sức vóc đàn ông, ít lâu sau trở về, mỗi người cũng kiếm được một chút đỉnh để tự lo bề gia thất cho chính mình. Chỉ có anh cả, vẫn ở trong cái lều rạ thưng gạch mộc sứt ngoài Mỏ Kè, đóng gạch thuê nuôi mẹ, cho đến khi bà vợ bị chó dại cắn và đón được con gái nhớn nhà ông Đồ Huy từ làng dưới về ở cùng. Cô gái lòa góa bụa một thời nhưng cũng nên danh nên giá, chẳng những vì cô là con cụ Đồ, cụ Lang Huy nổi tiếng một vùng, mà mới năm trước đây thôi, người con cả của cụ Đồ Huy, tức là anh cả của Huệ vừa được nhậm chức chánh tổng. Chị em Huệ vẫn gọi là "Anh Cả Thung", còn dân hàng tổng gọi "Ông Chánh Thung". Chánh Thung là người đức độ, có chữ nghĩa, vốn dòng dõi Nho gia, lại trực tính trực nết. Nghe nói ngày trước đã có lần Cả Thung dám lớn tiếng với lão Chánh Bật để bịt mồm lão, khi lão rắp ranh bới móc cái chuyện cụ thân sinh ra cụ Đồ Huy, tức là ông nội của Thung bỏ làng đi theo Đề Thám để chống Pháp, hòng tâng công với quan trên. Bây giờ lão Bật nằm đó bán thân bất toại, là hậu quả của những năm tháng đương chức đã hút xách, ăn chơi vô độ. Và lão, dẫu ba mụ vợ vẫn không có nổi một mụn con trai nối dõi, anh em thì mỗi người mỗi hướng, thành thử dân hàng tổng cứ bấm bụng mừng thầm khi biết cơ thể lão Chánh Bật đang bị tàn phá, hủy hoại dần. Và họ nuôi hy vọng, người ra nắm quyền chánh tổng kế theo sẽ là Cả Thung. Dòng dõi nhà ấy có học có tài, có nghĩa có nhân, chắc hẳn không để dân tình phải ngột ngạt khó thở. Nhưng từ khi ông Cả Thung bước vào trường danh vọng, hợp lòng dân thì cụ Lang Huy ngã bệnh. Số là mấy hôm trước, một buổi chiều mưa nhớp nháp, cụ bảo đứa cháu gái người nhà bệnh nhân: "Con cứ ở lại chăm bà để ta về một mình". Thầy lang cám cảnh nhà bà cụ neo người, lại cũng muốn tiện thể ghé thăm mạch cho con gái lớn ở ngoài đầu đê. Nó đang có thai con so. Bây giờ chắc cũng đã tám, chín tháng. Cụ Huy mải nghĩ ngợi, nhẩm tính ngày đứa cháu ngoại đầu tiên của mình ra đời, chẳng may trượt chân ngã xuống cầu khỉ, cái cầu bắc qua mương nước, cách nhà bà cụ bệnh nhân chưa bao xa. Chẳng biết cụ bị đập lưng xuống đá hay gỗ, tre dưới nước, nhưng khi con cái và người làng cáng cụ về đến nhà, vừa tỉnh dậy, cụ đã biết ngay là mình bị gãy xương sống và đứt tủy ở cổ! Đúng là dao sắc không gọt được chuôi! Cụ Lang Huy danh tiếng một đời, nhọc sức chuyên tâm chữa bệnh cho dân cả huyện lại không còn có thể tự chữa bệnh cho mình. Trong mấy đứa con, chỉ có cậu Út muốn nối nghiệp làm thuốc của cha nhưng lại chưa đủ sức đủ tài. Cô gái nhớn võ vẽ học được đôi ba phần nhờ những khi phụ giúp cha bốc thuốc cho người thì nay đang bụng mang dạ chửa sắp tới kỳ sinh nở. Cô loay hoay sớm tối đi về như một con thoi, khi làng trên, khi xã dưới, hết chăm bố đẻ lại nuôi mẹ chồng. Sự hiếu thảo của mấy người con, nhất là những nỗi vất vả, mệt mỏi của cô con gái lớn cũng không kéo dài tuổi thọ của cụ Lang Huy được bao lâu. Hai năm, sau khi đi bước nữa, Huệ sinh cho chồng một đứa con gái. Nhưng đúng vào lúc đứa con vừa lọt lòng thì sản phụ nhận được tin báo "ông ngoại nó mất rồi!". Cái tin đau đớn làm Huệ ngất lịm đi. Người em ruột của Huệ đang mặc cả áo đại tang ào lên làng trên cứu chị. Bà nội con bé hoảng hốt và lúng túng bế đứa cháu đói sữa khóc ngặt trên cánh tay già nua, bà đành nhai gạo sống mớm cho con bé. Mấy ngày sau, người này người khác đến thăm, biết mẹ nó chưa kịp đặt tên con mà bố nó thì đang đi làm xa, vài ba tháng mới một lần mang tiền về đong gạo, khi có người hỏi tên cháu, bà nói đại "Mật", nó tên là Mật. Có lẽ bởi bà cụ già luận từ tên bố nó mà ra. Chả là bố nó - anh con trai cả của bà tên Đường. Đường - Mật, bà muốn cho cuộc sống của con và cháu bà sau này bớt phần cay đắng mà thêm phần ngọt ngào hơn đó chăng?

Vậy là đứa trẻ mới sinh ở Mỏ Kè ngày ấy có cái tên cúng cơm là Mật. Và đó chính là nhân vật chính của một câu chuyện dài ngót hai phần ba thế kỷ mà người cầm bút hôm nay đang ghi lại đây.

 

 

2

 

Người đàn bà bị bệnh hậu sản nằm liệt giường cả tháng trời. Cậu em út phải dốc hết những ô ngăn kéo tủ thuốc quý của bố để lại, sắc cho chị uống may ra mới hồi phục được dần dần. Song, phải đến khi anh chồng chạy được ít tiền cầm lên tỉnh mua về mấy viên thuốc thì bệnh người vợ mới khỏi hẳn. Nhưng uống thứ thuốc ấy (chắc là một thứ kháng sinh đặc hiệu của thời bấy giờ) sản phụ bị mất sữa, khiến cho đứa trẻ không được bú mớm, cứ khóc suốt cả ngày. Nhà nghèo quá nên không có ai đến vú nâng. May thay Huệ còn có bà cô họ đang nuôi con nhỏ, mỗi ngày một vài lần ghé qua cho đứa cháu bú nhờ. Bà nội cháu ngày ngày bắc một nồi cháo loãng, khi gạo khi tấm, cho mẹ nó ăn cái, con nó ăn nước. Dần dần, Huệ cũng bình phục, chị đã có thể tự mình chăm con và thay bà mẹ chồng bán mẹt hàng khô kiếm thêm mỗi tháng vài ba hào. Đứa con nhỏ đã lên hai. Những tưởng từ đây vợ chồng, con cái sẽ bớt nỗi nhọc nhằn, nào ngờ, anh Cả Đường lần ấy vừa về tới nhà thì mắc bệnh cảm hàn, chết. Không biết có ai đó đội vào đầu con Mật một cái mũ dây chuối bện rơm và trao tay nó một cái gậy bảo nó chống rồi hỏi:

- Bố đâu?

 

- Bố chết rồi. Bỏ hòm chôn rồi.

Đứa con nít lên hai vô tư bập bẹ trả lời.

Bố cái Mật ốm không có tiền chạy chữa, chết không có tiền chôn. Mẹ nó phải gửi bà nội về ở với chú Nhỡ và đành lòng bán cái nhà đang ở đầu đê (căn nhà rạ ba gian, tường thưng gạch mộc mà bố nó đóng cả năm trời vừa xây cất lại), cho ông bà Xung để lấy tiền làm ma cho chồng. Bây giờ thì một người đàn bà góa bụa với một đứa trẻ mồ côi miệng còn hơi sữa ấy đã trở thành kẻ cùng khốn bậc nhất hàng tổng rồi, không cửa không nhà, gia sản còn lại duy nhất chỉ là đôi bàn tay trắng đầy chai sạn. May thay, ông bà Xung chỉ có hai vợ chồng già, lại là người tốt bụng nên đã cho hai mẹ con ở nhờ. Tối tối hai mẹ con lại nằm trên chiếc chõng tre kê ở đầu bếp.

Hàng ngày, người mẹ lòa cõng đứa con thơ lên mãi làng Ngọc Đồng gửi chủ rồi ra đồng cấy thuê. Quà cho con mỗi bận chỉ là quả ổi xanh, vài củ khoai sống. Sáng, tối hai bữa, Mật chỉ được ăn cùng mẹ vài lưng cơm tấm với chút muối vừng hay mấy quả cà chát mặn. Vậy mà, lên bốn tuổi Mật đã rõ ra là một đứa bé gái xinh xắn, ai thấy cũng phải xuýt xoa khen. Nhiều người ngỏ ý muốn xin nó về làm con nuôi. Mẹ nó dỗ dành:

- Đi làm con nuôi người ta còn được cơm no áo ấm, ở nhà với u thì đói, thì khổ. Mà u đi làm suốt ngày con chơi với ai, ở với ai?

- Ứ ừ. Con không sợ đói, không sợ khổ. U cho con ở nhà với u cơ. - Đứa bé lên bốn vừa nũng nịu, vừa cương quyết.

Bảo không được, dỗ không xong, mẹ cái Mật phải quật mấy roi thật đau vào đít nó, lôi đi, bắt nó phải làm con nuôi nhà cô ba Thất. Nghe đâu cô ấy sa sẩy một hai lần, người ta bảo phải có con nuôi mới đậu được. Nhưng chỉ mấy hôm thôi là con Mật bỏ trốn. Chập choạng tối, người mẹ đi cấy trên làng Ngọc Đồng về đã thấy đứa con ngồi tha thẩn chơi trước sân nhà bà Xung. Mẹ nó sợ đứa con ở nhà rồi lêu lổng, phơi đầu ra nắng cảm mạo thì khốn. Nhà lại ở ngay bờ sông, chẳng may... Nghĩ đi nghĩ lại, mẹ nó lại chạy sang làng bên, cậy cục, nài nỉ cho đứa con đi ở. Thế là con Mật mới lên năm tuổi đã phải đưa thân đi làm tôi tớ ở cửa nhà người. Nó đi ở bế em.

Một đứa trẻ con bé tí lại phải bế ẵm một đứa nặng hơn mình nên trông cứ như mèo tha dưa. Cả hai chị em mặt đỏ rần rần, mũi dãi nhòe nhoẹt. Cái Mật đưa tay quệt mũi cho em một cái, lại cũng quệt mũi mình một cái. Cả ngày nó đánh vật với con em, bế không xong, cõng không nổi. Con em chỉ mặc áo, con chị chỉ mặc quần, cả hai đang lếch thếch chạy chơi giữa sân hàng xóm, bỗng "oạch", con chị vấp quần ngã, con em đổ máu mồm, sưng vếu lên. Tối về, lão chủ xót con, hầm hầm lôi con bé con đi ở vào đe nẹt:

- Con ranh con! Mày trông em thế à? Mày làm tình làm tội nó thế à? Mày ham chơi cho lắm, để con bé ngã sưng cả mồm miệng thế hả?

Cứ mỗi lần dứt câu là một cán phất trần quật xuống. Lưng và mông con bé Mật lằn dọc lằn ngang. Con bé không lạy van, cũng không khóc. Lão vừa buông cán phất trần thì con bé con không áo xống, vẫn chỉ độc một manh quần rách vừa vấp ngã hồi chiều, chạy thục mạng. Nhưng không phải nó về nhà... Nó đi ra ruộng ngô. Vừa đau, vừa đói, nó cố với mãi mới bẻ được một bắp ngô non, vội vàng tước bẹ, nó cạp bông ngô ngon lành đến nhẵn thín. Rồi lại một bông nữa. Ăn xong, nó lội ra bãi sông Hồng uống nước. Khi mặt trời đã lặn, gió sông Hồng thổi mạnh, nó chợt rùng mình, cảm thấy lành lạnh ở sống lưng, và bỗng dưng nó sợ. Vội chạy về nhà, con Mật rón rén nấp sau hàng gạch mộc, nhìn qua khe hở: U chưa về. Nó nhón chân bước vào đầu hè, với tay rút cái áo. Mẹ nó đi làm về, lão chủ đến mách, người mẹ vừa giận vừa lo, cầm roi đi tìm. Con Mật ẩn ở sau nhà, nhưng mẹ nó mắt kém, tìm đâu có thấy. Khi trời tối hẳn, mẹ nó vừa thương con nhịn đói, vừa lo sợ không biết đứa con có ngã xuống ao chuôm sông nước nơi nào. Chị buột miệng lẩm bẩm cầu khấn và nhờ mấy đứa trẻ hàng xóm đi tìm hộ. Con bé hàng xóm tinh mắt nhìn thấy liền. Nó gọi:

- Cô Cả Đường ơi, cái Mật nó đấy kìa.

Người mẹ mừng rỡ chạy đến, cầm tay con dỗ dành:

- Thì thôi, con đi về với u. Từ nay u cho con ở nhà với u, con không phải đi ở nữa.

Con bé phụng phịu đi vào nhà, mẹ nó nhẹ nhàng đặt lên tay một bát cơm:

- Con ăn đi. Đói quá rồi còn gì. Cả ngày nay con chưa được ăn cơm phải không?

Ăn xong, Mật gối đầu lên đùi mẹ ngủ say sưa như bất kỳ một đứa trẻ con sung sướng nào.

 

 

 


 

 

3

 

Đang khom lưng cấy lúa cho chủ trên ruộng Ngọc Đồng, chợt nghe một tiếng kêu từ xa: "Dưới Mỏ Kè có trẻ con chết đu...ốố... uối!". Ai đó vội vã báo tin dữ cho người đàn bà lòa. Chị Huệ sững sờ, chết lặng, giảnh mạ trên tay rơi xuống nước. Tĩnh trí lại, chị vội bò lên bờ ruộng, sấp ngửa chạy về nhà. Đất dưới chân như lún xuống, đầu tóc tung tơi ra, hai tay bơi bơi phía trước, chị vừa gào vừa khóc, nước mắt làm mờ cả con đường làng thông thuộc.

- Mật ơi! Mật ơi! Con ơi! Hù hù hù...

Trong tâm trí người đàn bà lúc này, đứa trẻ chết đuối ở Mỏ Kè ấy là con chị. Con Mật với con Chè nhà bà Oản chuối ngày nào chả ra sông tắm. Mà những khi mình vắng nhà hai đứa còn rủ nhau ra chơi cả buổi ngoài bãi sông Hồng, khi thì cùng lội trong ruộng dưa, chia nhau ăn một trái dưa lột kiếp, khi thì chơi trốn tìm trong bãi ngô non. Cái Chè lên bảy, khỏe và cao hơn, nhưng vẫn mày mày tao tao với cái Mật. Còn cái Mật thì ngoan ngoãn một chị một em với cái Chè. Ra sông ra nước, đứa sơ sẩy là con Mật rồi. Mà cái Chè thì làm sao cứu nổi con Mật được. "Mật ơi là Mật ơi! Con ơi! Hù hù hù...". Người đàn bà lòa vừa khóc vừa gạt đám đông đang đứng túm tụm ở đầu đê, lách ào vào: một chiếc chiếu đôi nửa trải nửa đắp lên một thi thể nhỏ nhoi đang nằm đó. Chị vội vã lật đầu chiếu lên: "Con ơi! Mật ơi!". Nhưng đứa trẻ nằm trong chiếu ấy là cái Chè. Người đàn bà lại gào khóc: "Chè ơi! Cháu ơi! Em Mật đâu?". Bấy giờ chị mới định thần nhìn thấy con mình cách chiếc chiếu một quãng, nửa người ướt sũng, đang ngồi tái xanh tái xám, nước mắt giàn giụa. Nó cũng đang gào trong tiếng nức nở nghẹn ngào non nớt: "Chị Chè ơi! Chị Chè ơi!". Chính nhờ tiếng kêu thét "Chị Chè ơi!" thất thanh của nó mà một bác thuyền chài ngoài bãi sông Hồng đã vớt được xác cái Chè lên khi nó đã bị lún cát, ngập chìm mất dạng. Con bé yếu ớt, chậm trễ, không theo kịp chị, mới lội ướt quần đã không thấy chị đâu nữa, nó gào lên "Chị Chè ơi! Chị Chè ơi! Chị Chè chết đuối rồi! Hù hù hù...".

Từ bữa đó, người mẹ bỏ đầu đê, không ở nhà ông bà Xung nữa, mang con vào làng ở nhờ nhà bà cụ Tiêu. Bà chính là cô ruột của Huệ, tức là em gái của ông Đồ Huy, mà cũng là cô của ông Chánh Thung. Bà cụ thời con gái đẹp người đẹp nết, có cái tên cúng cơm cũng rất dịu dàng: tên Thùy, làm con trai hàng tổng có bao nhiêu người muốn cầu thân. Cuối cùng thì bà nghe lời cha "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", về làm vợ ông phó mộc nổi tiếng trong làng. Sập gụ, tủ chè của các nhà quyền quý, chức dịch gần xa thường không khỏi qua tay mấy đời nhà ông ấy. Hai ông bà sống cũng khá giả, dư dật, nhưng chỉ sinh được hai mụn con gái. Cả hai đi lấy chồng xa. Cho đến năm ngoái tuổi ngoại thất thập thì ông cụ quy tiên. Bà cụ còn lại một mình, tiếp tục sống bằng nghề buôn chuyến. Bà buôn chè tươi từ chợ thị xã về bán sỉ ở chợ làng chợ huyện. Nay tuổi cao, sức yếu, bà vui vẻ thuận tình cho mẹ con cái Mật ở nhờ. Bà muốn coi con bé như người giúp việc trông nhà và mượn mẹ nó gánh chè tươi theo bà đi đổ cho các nhà hàng. Có khi phải gánh đi xa hàng mười cây số. Bà cụ cho hai mẹ con cái Mật ăn cơm. Tuy là cơm rau, cơm độn nhưng mà no. Mỗi bận người lớn về con bé mừng rơn, chạy bổ lại mẹ xin quà: khi quả thị, khi đẵn mía, lúc nào cũng có. Nó cứ lớn, cứ hớn hở tung tăng, vui vẻ vì được ở với u, được ngủ với u. Nhưng mẹ nó gánh chè tươi cho bà cụ thì chỉ được ngày hai bữa ăn chứ không có tiền công. Mà bà cụ cũng già yếu rồi, đi bộ xa không nổi nữa, không bán buôn được nữa. Mẹ nó xin bà cụ cho ở nhờ và đi làm thuê cho người ngoài để kiếm mấy hào chỉ may vá cho con tấm áo manh quần. Gặp việc gì mẹ nó làm việc ấy, khi đi cấy, đi gặt, làm cỏ, bỏ phân, khi xay lúa, giã gạo, thậm chí có ai thuê giặt giũ, chăm nom người già, người bệnh... mẹ nó cũng không nề hà. Nhiều đêm, người mẹ phải ở lại luôn nhà chủ, thành thử con bé con, mẹ nó gửi hẳn bà cụ Tiêu. Bà cụ vẫn khen: "Con bé ngoan đáo để". Mới năm tuổi đã biết quét lá khô, bã mía về đun, biết rửa rau, vo gạo, quét nhà, quét cửa. Lên sáu tuổi, cái Mật làm hết việc nhà bà, nấu cơm giặt giũ rồi ngày ngày quảy hai trái bầu khô ra ao kín nước về đổ bể cạn nhà bà. Nhưng rồi cụ Tiêu ốm nặng. Vợ chồng người con gái cả về bán nhà, đưa bà về làng mình. Thế là mẹ con cái Mật lại rơi vào tình cảnh vô gia cư, không còn có chỗ nương thân. Mẹ cái Mật lại phải đành đoạn cho đứa con lên sáu đi ở chăn bò.

- Ngày hai bữa cơm ăn và mỗi năm một bộ quần áo, nghe chửa? - Nhà chủ giao hẹn với mẹ nó, rồi đặt lên đầu con bé một cái nón rách đã cắt tua ngoài. Trông hệt một anh lính cơ, con bé xắn quần, đánh bò ra chăn ngoài rệ đê.

Mùa nước lên, anh mõ đã rao đi rao lại cái lệnh cấm thả trâu bò ăn cỏ trên đê, vì sợ hỏng đê: "Nhà ai để trâu bò lên đê sẽ bị phạt nặng". Nhưng con Mật chẳng may vớ phải con bò đực ương bướng cứng cổ, người nó thì bé mà con bò vừa to vừa nặng, không kéo xuống được. Con bò cứ trèo phăng phăng lên bờ đê, kéo cả con Mật lên theo. Con bé chỉ còn có nước cố cầm chặt lấy thừng bò, vừa lao theo nó vừa khóc. Dĩ nhiên là tuần bắt được, cột bò ở điếm, mụ chủ phải đưa thóc ra nộp phạt mới được nhận con bò về. Tức quá, mụ đánh con bé. Thế là con Mật lại ngay từ hôm đó đã cởi áo trả chủ rồi bỏ trốn. Đói, nó lần ra chợ, lân la bên cụ Sếu điên, nhặt gốc mía ăn cầm hơi. Cụ Sếu xin được ba đồng xu, cẩn thận xâu vào sợi dây, giấu kín trong đống gốc mía. Quá chiều, tan chợ, cụ Sếu trở về đống gốc mía mà cụ kiếm được, tìm xu không thấy, cụ cầm cái roi rượt đuổi theo tụi trẻ con tra khảo. Chúng nó khóc, chạy tán loạn. Một đứa mách: "Cái Mật nó lấy đấy! Nó trốn trên cây nhãn ở cửa đình kia kìa!". May mà mắt cụ Sếu kèm nhèm, ngửa cổ nhìn mãi cũng chẳng tìm thấy cái Mật đâu. Sẩm tối, cụ đành chịu về, cái Mật mới dám tụt từ trên ngọn nhãn xuống chạy về nhà đợi u. Trong bụng thấp thỏm lo sợ u đánh, nó lại trốn sau gốc chuối. Khi u nó vừa về đến đầu làng, chủ nhà đã đến mách tội nó. Bà ta bảo: "Nhà chị đi mà tìm nó về, rồi tôi cũng trả chị thôi. Mới bằng con cún mà đã cứng đầu, cứng cổ, tôi không nuôi nữa". Từ sau khóm chuối nhà ông Nhỡ, cái Mật nghe hết. Nó chờ xem u nó nóng tới mức độ nào, nhưng chỉ thấy u nó cúi đầu thút thít khóc, rồi u nó đi hỏi thăm tụi trẻ con hay chơi với nó:

- Chúng mày có thấy cái Mật nhà bác đâu không?

Cả bọn chúng ồ lên kể:

- Nó nhặt gốc mía ăn ở ngoài chợ.

- Nó ăn cắp xu của cụ Sếu điên.

- Nó sợ cụ Sếu bắt được, cụ đánh, trèo lên cây nhãn trốn.

Người mẹ liền dò dẫm ra chợ, rồi lại ra cây nhãn ngoài cửa đình ngước lên tìm con. Trời tối quá, chẳng thấ 4b05 y gì, cái Mật đi nhè nhẹ sau lưng cũng không thấy, chị vừa đi tìm con vừa van vỉ, xót xa thương con: "Mật ơi! Con ở đâu thì về ăn cơm với u, u không đánh đâu". Thế là cái Mật yên trí, bước dấn lên cầm lấy tay mẹ gọi: "U ơi! Con đây!". Người mẹ mừng rỡ quên cả giận hờn, ôm ghì lấy con như sợ bóng tối lại làm nó lạc mất, rồi chị ân cần dắt con về.

 

 

4

 

Sau khi cụ Tiêu bán nhà đi với người con gái, hai mẹ con cái Mật lại trở về đầu đê ở nhờ cái lều bé tí của chú thứ hai là ông Nhỡ để đi làm thuê trên làng Ngọc Đồng cho gần. Ông chú làm ra cái lều này chỉ để canh gác cái vườn chuối. Đằng trước là Mỏ Kè, xung quanh cơ man nào là chuối. Mà chuối nhà nào cũng cỏ tranh mọc kín, chỉ có một lối đi vào. Hai mẹ con không giường không chõng, chỉ có một chiếc chiếu và một cái bao tải xin từ trên Ngọc Đồng về. Người mẹ trải lá chuối khô lót ổ, dỗ dành đứa con: "Tha hồ ấm nhé. Con ngủ sớm đi, để mai u còn dậy sớm đi làm", rồi rũ tấm bao tải nhẹ nhàng đắp lên người nó. Chị lại trùm chiếc chiếu che không kín người hai mẹ con, một tay luồn xuống cổ con cho nó gối đầu, tay kia chị vỗ nhẹ nhẹ vào lưng con như muốn hát lên lời ru "à... ơi...". Nhưng chưa ru được thành lời thì cơn buồn ngủ đã kéo sập cả hai mi mắt chị. Hai mẹ con chìm sâu vào bóng đêm, ngủ ngon lành. Bên ngoài gió rít ào ào, tiếng những tàu lá chuối vật vờ phành phạch hòa với tiếng côn trùng rả rích nghe đến não nề.

Sáng nào cũng vậy, cứ nghe tiếng mõ tuần trên điếm điểm sang canh tư là u cái Mật choàng dậy nấu cơm và nắm cho con một nắm bằng quả cam với ít muối vừng, gói vào miếng vải rồi buộc vào người nó. Khi người mẹ đi làm thuê trên làng Ngọc Đồng thì đứa con ra chơi ở bến đò. Chả là ở đó trưa nào cũng có những người thợ cày, thợ cấy mang cơm đi, ngả ra ăn ở gốc cây ổi nhà ông Mẫn - cây ổi to, cành lá sum suê tỏa bóng mát rộng ra con đường xuống bến đò. Có một lần, ngoài bến nắng quá, ăn cơm xong, cái Mật lững thững mò về nhà, vừa tới cửa thì một chú rắn đen xì ngóc cổ bò ra, thế là nó ù té chạy. Từ hôm ấy, dầu mưa dầu nắng, cái Mật cũng cứ lang thang trên đê đợi u nó cho đến tối để cùng về. Vì cái Mật ở trong túp lều hẻo lánh đó, lại cứ nghịch ngợm tha thẩn chơi một mình, nên tụi trẻ con trong làng vẫn kháo nhau gọi nó là "Ma Mỏ Kè". Thế nên không có đứa nào đánh bạn với nó, thậm chí còn trêu chọc và xa lánh. Bởi thế, Mật rất sợ phải ở lều một mình. Có bữa thức dậy không thấy mẹ, nó hoảng hốt như vừa gặp cơn ác mộng: "U ơi! U ơi! Chờ con với... ới...!" Ngỡ là mẹ nó đi rồi, nó gọi với theo. Nhưng mà nó chưa thấy có nắm cơm buộc trong mảnh vải, chắc là u nó chỉ đi kín nước hay là ra vườn tước lá chuối khô. Vậy là nó theo ra vườn cùng nhặt lá chuối khô với mẹ, về chất thành đống quanh lều, để đun. Những đêm tối trời, bọn trẻ đố có dám ra vườn chuối, nhưng khi cần lại đi trộm lá xanh về bán cho người ta gói bánh, gói giò. Chúng rủ nhau năm ba đứa cùng đi vào chính ngọ. Những khi ấy, các lều canh chuối đều vắng ngắt, không một bóng người. Vào những đêm trăng sáng, bọn trẻ trong làng tụm năm tụm bảy kéo ra vườn chuối đầu đê tập trận giả. Chúng cắt sống lá chuối làm súng, rồi chĩa thẳng về phía cái lều của "Ma Mỏ Kè": "Bắn!". Sau tiếng hô, cả lũ gạt tay trên sống chuối, hàng loạt tiếng "súng" nổ lách tách lách tách, con Mật nghe cũng đến ghê. Nó thu tròn người lại rúc vào lòng mẹ. Bọn trẻ biết con Mật sợ, càng thích chí tiến sát đến gần hô to: "Phải đốt cái lều, tiêu diệt Ma Mỏ Kè! Xung phong!". Con Mật càng co rúm người lại, mặt tái xanh tái xám, trào cả nước mắt và mũi dãi nhòe nhoẹt. Nó thút thít vừa ôm lấy mẹ: "U ơi! Làm sao bây giờ? U ơi!". Người mẹ biết bọn trẻ chỉ đùa dai, không la hét quát mắng chúng, chị ôm chặt lấy con vỗ về: "Không sao đâu. Bọn nó chỉ đùa, sao lại khóc". Ngày một ngày hai rồi con Mật cũng quen dần với kiểu đùa nghịch quái quỷ của bọn trẻ, nó không sợ nữa. Thậm chí khi nghe chỉ vài đứa đi lẻ mà kháo với nhau "Ma Mỏ Kè" thì nó còn bước mạnh mẽ và vênh mặt lên, ý chừng như muốn thách thức: "Ừ đấy! Chúng mày làm gì nổi tao!".

Lên bảy tuổi, cái Mật đi ở cho cụ Miễn. Tiếng rằng đi ở nhưng nó được hai cụ rất thương, luôn gọi nó bằng cháu, nó thích lắm. Vì hai cụ thấy nó ngoan và xinh, những mong muốn mình sẽ có được một đứa cháu nội như nó. Nhưng ông Dư là con trai độc nhất của họ lấy vợ đã ba năm mà chưa có con. Một lần bà Thàn là vợ ông Dư sai con Mật cầm chén nước trà vào mời cụ ông. Chén nước vừa nóng vừa đầy, con bé sợ bỏng, để tuột tay rơi đánh choang, chén vỡ, nước đổ tung tóe. Bà Thàn bực mình củng cho con Mật một cái. Ông cụ Miễn trông thấy, liền gọi bà con dâu vào mắng: "Mày coi chừng ngày sau xách dép cho nó không đáng. Rót chén nước như vậy đến tao cầm cũng không được nữa là nó". Một năm sau, vợ chồng ông Dư sinh được đứa con gái, cụ Miễn càng quý con Mật, nghĩ rằng may nhờ có nó mang phúc đức lại hai cụ mới có chút cháu nội xinh xắn là vậy.

Khi con bé con lẫm chẫm biết chạy thì vợ chồng nhà Dư ra ở riêng để mẹ nó chạy chợ buôn bán nhì nhằng, còn ông bố thì theo bạn ra tỉnh làm thợ nề, có khi cả tháng mới về một lần. Vậy là hàng ngày ở nhà hầu như chỉ có hai chị em: con bé đi ở lên chín với đứa bé gái con nhà chủ vài ba tuổi. Hàng ngày khi bà chủ quảy gánh ra chợ thì mọi việc trong nhà do tay con Mật cả.

Nó trông nhà, cõng em, quét dọn rồi đi xách nước tận giếng Đền ở xóm bên. Có lần, không gửi được em cho ai, con Mật đành phải mang cả em đi xách nước. Trời nắng, nó cởi áo đội đầu cho em còn mình thì cởi trần, quần vo quá gối, hai tay xách hai cái lọ, đi leo dốc, về leo dốc. Thông thường nó xách độ mười một mười hai chuyến, khi nắng lên đến đỉnh đầu thì cũng đầy chum, nhưng lần này, em theo lẵng nhẵng, nó vừa đi vừa đợi, mãi đến khi trời đứng bóng rồi chum nước vẫn còn vơi. Bà Thàn đi chợ vừa về tới lưng chừng dốc đã thấy đứa con đội nắng chạy theo con Mật, mặt mày đỏ lửng đỏ lơ, quần áo lôi thôi lếch thếch, bà ta vội chạy đến ôm con rồi vừa dẫm chân đành đạch vừa chỉ tay tận mặt con bé đi ở mà quát: "Mày về đây chết với bà!". Con Mật hoảng sợ nhưng cũng chẳng còn biết làm thế nào, đành lủi thủi đi về để chịu trận đòn. Vì xót thương con bị phơi nắng, người đàn bà giận quá mất khôn, cầm cả cây nứa đập giập phang vào người con Mật tới tấp. Cây nứa cắt thịt cắt da, con bé con tóe máu. Phải đến khi gia đình cụ hàng xóm phá giậu sang can, bà Thàn mới chịu ngừng tay. Tối, u cái Mật về, sờ mình con thấy những lằn roi cũng chỉ biết cắn răng xót xa, thương con mà không dám nói, sợ nó bị chủ đuổi rồi biết ăn đâu ngủ đâu. Hơn một năm sau, ông Dư tìm được việc làm ổn định trên tỉnh, về đón vợ con đi, không thuê đứa ở nữa, thành thử hai mẹ con cái Mật phải đến ở nhờ dưới chái bếp nhà một bà cụ mãi trong xóm Đình. Ngày ngày, người đàn bà lòa đi giã gạo thuê, được người ta trả cho năm xu và hai bát tấm, cái Mật nhặt trấu, nhặt sạn rồi đổ vào trong cái lọ sành sứt miệng, hai mẹ con ăn dè. Nhưng rồi, u nó lăn đùng ra ốm, ốm cả tháng trời, không đi làm thuê được ngày nào. Tiền hết, gạo không. Cái Mật chờ tối đến thì lần xuống ao bắt trộm ốc về luộc. Có đêm đói quá, hai mẹ con đánh liều ăn vụng cám lợn bà chủ nhà. Rồi cái Mật bị lả, mẹ nó cực chẳng đã phải cõng con xuống làng dưới ăn mày, xong lại xấu hổ sợ người làng ấy cũng nhận ra cháu ông chánh tổng, chị đợi cho đứa con tỉnh lại rồi dúi vào tay nó một cái gậy đánh chó và bày cách cho nó nói: "Lạy ông...! Lạy bà...!". Nhưng đứa con gái đã lên mười, biết thẹn, vừa vào đến cổng nhà lý trưởng thì vứt cả nón cả gậy chạy tuốt ra ngoài đường cái. May thay bữa đó đang dịp "tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân", người ta đang cúng cháo, cúng bỏng, chả giò, hoa quả... Cái Mật cũng hăm hở, chuẩn bị lao vào cướp. Nhưng bọn trẻ con khỏe mạnh nhanh tay hơn cướp hết những thức ngon, cái Mật ốm yếu, lẻo khoẻo chỉ giành được vài nắm cơm và một ít bỏng nẻ, nó cởi áo ra, cẩn thận bọc về cho u.

 

 

5

 

Cứ vào mùa hè là nhà bà Chín trong xóm Đình có giỗ. Lần này, bà quản ca mãi từ trên tỉnh cũng đi xe kéo về. Bà muốn nhân thể, nhờ bà Chín là chỗ chị em họ tìm cho một đứa cháu gái trong làng để nó bế ẵm đứa con gái mới lên hai của bà. Bà Chín nói với u cái Mật, u nó bằng lòng ngay. Thế là chỉ vài hôm sau, u con cái Mật theo chân bà Chín đi lên tỉnh. Thấy các cô đào hát trong nhà bà Quản ca quần trắng áo dài, người mẹ mù lòa những mừng thầm: hẳn ngày sau con mình cũng được như thế.

Cái Mật đi ở bế em và làm việc vặt trong nhà bà Quản ca dễ đã được hơn hai năm. Hễ nghe tiếng trống chầu ở đâu là nó lại cõng em mon men chạy tới, đứng lấp ló sau cánh cửa mải mê nhìn. Nó chăm chú để ý xem mấy cô đào tập hát. Rồi dần dần nó cũng mạnh dạn, cứ ngửa cổ nhâm nhẩm hát theo. Một lần bà Quản ca đang cởi áo ngoài, sắp bước vào phòng ngủ với con, chợt nghe từ trong phòng ư ử ngâm nga một giọng hát ca trù non nớt: "Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ, quyết ra tay buồm lái với cuồng phong". Con Mật đang ru em. Người đàn bà hơi dướn đôi lông mày một chút, để lộ ánh mắt vui vui, rồi nhếch miệng cười, dường như đang hài lòng trước một sự phát hiện bất ngờ của mình: "Con bé có cái hơi hát hay". Mấy hôm sau, sắp ngang qua bếp, chỗ con Mật đang đun nước, tình cờ bà Quản thấy con bé hai tay cầm hai que cời, tay lên tay xuống, tay thấp tay cao... gõ gõ! Con Mật đang tập đánh phách! Trong lòng bà Quản như reo lên. Bấy giờ đứng xa ngó tới, lần đầu tiên bà Quản ca ngắm nghía con bé con đi ở: mới mười ba tuổi nó đã rõ ra là một đứa con gái xinh xắn: hai mắt tròn to đen láy, đôi môi chúm chím như một nụ hồng, gương mặt tươi tắn rạng rỡ. Ngồi đun nước nhưng con bé như đang thả tâm hồn bay theo câu hát và nhịp phách mà nó đang nhẩm không thành tiếng. Bà Quản ca suy tính: "Phải nhắn u nó ra, mình sẽ ướm hỏi nó làm con nuôi rồi dạy cho nó hát".

Khi người mẹ lòa chân ướt chân ráo ra tỉnh thăm con, bà chủ nhà không cần vòng vo dài dòng, đi vào câu chuyện ngay:

- Cô cho nó làm con nuôi tôi, tôi sẽ dạy nó hát. Có được cái duyên con gái, cái giọng hát trời cho, mười tám tuổi nó sẽ đi hát nuôi cô.

- Dạ, trăm sự xin nhờ bà. Mong sao bà dạy cho cháu được nên người.

Lẽ dĩ nhiên mẹ cái Mật bằng lòng. Con bé đã đi ở không công, lại thêm cái nghĩa con nuôi, bà Quản ca càng yên trí, không còn gì phải lo nữa.

Một năm hai bộ quần áo đờ-mi-phin, đứa con nuôi suốt ngày đêm ngồi còng lưng chia bài tổ tôm, mạt chược, được đồng nào mẹ nuôi lại "mượn" góp tất. Nó chỉ còn được năm xu tiền công mỗi ngày. Thương u lắm, nó không dám ăn quà vặt, chỉ bỏ ống để dành. Cuối năm đổ ống được chừng hơn đồng kẽm, đưa về cho u. Nó xin phép mẹ nuôi: "Tết, xin phép mẹ cho con về quê lễ gia tiên, không có thì cô chú con rầy la". Mà quả thật năm ngoái, giữa ngày tết, các cô chú đã rầy la u nó: "Bác bán quá phòng tử hay sao mà người ta không cho nó về cúng gia tiên và bố nó?". Chả là dạo ấy trên tỉnh có đông đám khao đến đón các cô đào đi hát, bà mẹ nuôi không cho nó về.

Thấy con bé có chút nhan sắc và năng khiếu, bà Quản ca nóng vội cho nó học hát nhanh để hầu khách kiếm tiền. Mười hai mười ba tuổi, hai năm con bé học hát "được hưởng" không biết bao nhiêu là đòn roi. Được bà Chín dạy thì nó thuộc ngay, nhưng nếu mẹ nuôi dạy thì chẳng vào, vì bên cạnh bà luôn có cái roi bò hay se điếu, ngập ngừng là quật, bất kỳ đầu, mặt, vai, lưng. Bà Quản cứ tay quật roi, miệng chửi bới, chịu không nổi, đôi lúc con Mật muốn trốn. Nhưng đường xa, không biết lối, mẹ lại đi ở thuê nay đây mai đó trên làng Ngọc Đồng, trốn về, không có nhà thì biết ăn đâu ở đâu?

Con Mật cứ tối hát, ngày làm việc vặt trong nhà: trông em, quét nhà, đun nước, giặt quần áo, thay ống nhổ, đổ chuồng tiêu... thôi thì chẳng thiếu một việc gì. Mùa hè nó còn phải ngồi kéo quạt cho cả nhà ngủ. Con bé mệt quá, ngủ gật, lập tức bị mẹ nuôi đạp cho một cái vào giữa mặt. Một lần cõng em đi chơi, đánh ngã nó bêu đầu, chảy cả máu răng, con Mật bị mẹ nuôi kéo vào lột quần áo, trói vào gốc cau, rồi cứ roi tre vụt vào lưng. Nó bị trói đúng nửa ngày, giữa trời rét, mẹ nuôi nó thì ngồi trong nhà đốt cái lò con, vừa pha chè vừa sưởi, thỉnh thoảng lại chạy ra sân "hỏi tội" nó mấy roi, ai can cũng không được. May có ông chánh Đoàn là anh rể của bố nuôi nó ở đâu vừa đến, thấy con bé bị hình phạt quá tàn nhẫn, mới gọi tên cúng cơm của mẹ nuôi nó ra mà mắng:

- Này cô Ngô! Cô biết điều cởi trói cho nó. Nếu nó có hư không dạy được thì gửi về trả mẹ nó. Người ta tin cậy cô để cô dạy dỗ nên người chứ có phải giao con cho cô để cô hành hạ nó đâu.

Vừa nói, ông chánh Đoàn vừa cởi trói, thả luôn con bé ra. Mẹ nuôi nó vẫn chưa hết cơn giận. Đợi lúc ông chánh về rồi, bà ta thét con Mật vào cởi quần áo rồi đuổi về quê.

- Con trả áo, còn quần con mượn, khi về đến nhà sẽ gửi xuống trả mẹ.

Con bé biết xấu hổ, không dám cởi truồng, nó nói rồi mình trần ra bến ô tô tìm đường về. Nhưng mẹ nuôi con Mật thấy nó có giọng hát hay, và nó cũng kháu khỉnh, sắp dậy thì, lại đã mất tiền nuôi dạy mấy năm trời, trồng cây sắp đến ngày hái quả, dễ gì chịu cho nó về..., bà ta sai anh gác đạp xe đuổi theo. Anh ta nói rất ngọt ngào:

- Mẹ em cho anh đi dỗ em về, mẹ hết nóng rồi, mẹ rất thương em, quý em.

Con Mật không tin lời anh gác, vừa khóc vừa bỏ chạy. Anh ta dọa:

- Mẹ sẽ sai người về tận quê, bắt em nhốt vào sở cẩm.

Con Mật tưởng thật, sợ quá, thế là đành ngồi lên xe để anh gác đèo trở lại. Về tới trước mặt bà Quản, anh ta đẩy nó vào, bảo: "Chắp tay lạy mẹ nuôi đi!". Nhưng con Mật cứ xị mặt xuống, đứng như trời trồng.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86579


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận