Chuyện Tình Viên Phó Sứ Chương 3


Chương 3
Anh chàng mắt xanh

Cả tuần này, Hà Nội cứ mưa dầm, lòng nao nao buồn, Misen muốn đáp ô tô về với cô vợ trẻ nhưng lại nhớ ra những ngày này Quế đang về thăm mẹ ở quê xa, đành lững thững dạo bước đến gần ga Hàng Cỏ thăm người bạn đồng nghiệp khi xưa của bố. Ông già trưởng ga sắp về hưu, mái tóc ngả bạc hai chùm ria lún phún trắng, niềm nở đón người con trai của bạn ở nhà riêng. Đáp lại lời chào lễ độ của chàng trai (bằng tiếng Pháp), ông dang rộng cả hai cánh tay xởi lởi (cũng bằng tiếng Pháp):

- Ô! Chào Misen! Thật hân hạnh, hân hạnh! Đã lâu mới được đón anh. Vẫn ở tỉnh H. hay đã đổi lên Hà Nội? Thế nào? Ông nhà có khỏe không?

 

- Dạ, cảm ơn bác, ba cháu vẫn khỏe. Ba cháu hỏi thăm bác luôn. Gần như thư nào, ba cháu cũng nhắc lại một vài kỷ niệm của cái thời ông cụ đã cùng bác sống và làm việc trên cái xứ sở Đông Dương tươi đẹp này. Còn cháu thì... vẫn nguyên cư thôi ạ.

Cả chủ và khách cùng ngồi vào bàn nước. Ông già rót hai ly rượu vang - thứ rượu quý được làm bằng nho từ xứ sở Noócmăngđi quê hương ông - nâng lên mời khách. Ông từ tốn nhấp một ngụm nhỏ rồi đặt xuống vừa xoay xoay cái ly trên tay vừa trầm ngâm:

- Thời gian trôi nhanh thật. Mới ngày nào bác và bố cháu cùng làm việc ở sở Hỏa xa Hà Nội, vậy mà đã hơn một phần tư thế kỷ rồi. Ngày ấy anh chỉ mới là một cậu bé con tý tẹo đang lẫm chẫm tập đi, bác và bố anh là đồng nghiệp, lại là bạn đồng môn khi xưa, đã may mắn thuê được nhà ở gần nhau, những tưởng có thể kề vai sát cánh bên nhau mãi mãi ở xứ sở tươi đẹp này. Vậy mà...

Ký ức đưa ông già trưởng ga về với những hồi niệm của hơn hai mươi năm trước. Ngày ấy, đã thuê được hai ngôi nhà xinh xắn cạnh kề, hai ông bạn đồng môn còn rủ nhau đục bức tường ngăn, làm một cánh cửa ngách để bất kể ngày đêm, lúc nào họ cũng có thể đến cùng nhau, khi say tiệc rượu, khi vui cuộc cờ. Có lần cao hứng, Jean Butê (tức là bố của Misen Butê bây giờ) còn ao ước nếu như vợ bạn đẻ được con gái thì sau này sẽ xin cho thành thân với thằng Misen nhà ông để cho hai gia đình càng gắn bó với nhau thêm. Ngày ấy Misen vừa qua tuổi thôi nôi, nửa năm sau, thật may mắn là bà xã mình đã sinh con gái. Misen nhà Butê và con Misa nhà mình ngày một ngày hai lớn lên như thổi, cả hai đứa đều xinh đẹp, thông minh, cứ như hình với bóng, như hai anh em, lúc nào cũng ở bên nhau. Thằng Misen lớn hơn có tuổi rưỡi mà biết chiều em và xưng "anh" hẳn hoi. Hai bà mẹ đã hí hửng nghĩ tới ngày sắm sửa để cùng đưa hai đứa trẻ vào trường vào lớp. Vậy mà... Cái chuyện không hay ấy đã vô tình rơi xuống đầu nhà Butê...!

Đó là vào một trưa tháng sáu, nắng như đổ lửa, những phu khuân vác ở ga mồ hôi nhễ nhại, lưng đánh trần, họ cởi áo đội lên đầu hoặc buộc vào vai, vác những kiện hàng vừa nặng vừa cồng kềnh. Có người kêu mất một kiện hàng quý, trong khi ai đó phát hiện một phu khuân vác dáng khả nghi đang lúi húi làm gì đó sau cái đầu máy xe lửa bỏ không. Mấy viên cảnh sát nhà ga lôi anh ta ra tra khảo. Dầu cho đã bị mấy bạt tai và mươi dùi cui thoi vào mặt, vào ngực, anh ta vẫn một mực quả quyết rằng anh ta chỉ ra đó đi giải, và muốn nấn ná nghỉ lấy hơi một chút, vì anh ta đang vừa mệt vừa đói.

Ông trưởng ga (người Pháp) đã tới. Những người phu khuân vác vừa lo lắng cho bạn vừa chờ đợi, hy vọng. Nào ngờ, ông trưởng ga lạnh lùng quát (bằng tiếng Pháp):

- Thủ phạm không hắn thì còn ai? Trói đưa lên sở Cẩm!

Người đàn ông bị nghi oan vừa uất ức vừa xấu hổ những muốn đập đầu vào cột điện bên đường, nhưng may Jean Butê nhận thấy, liền ngăn anh ta lại. Jean Butê bấy giờ là một nhân viên hành chính của Sở Hỏa xa, phụ trách về nhân sự, xin với trưởng ga để bảo lãnh cho người kia được tự do. Thoạt đầu Jean nói tình:

- Thưa ngài, trông anh ta hiền lành, chất phác thế kia.

- Thiếu gì kẻ ăn cắp, thậm chí giết người vẫn làm ra cái bộ dạng hiền lành chất phác thế. - Ông trưởng ga mỉa mai.

- Thưa ông, tôi biết anh ta là người Thái Bình, làm phu khuân vác ở đây đã gần một năm, vốn chăm chỉ, thật thà, chưa hề có điều tiếng gì.

- Anh im đi cho. Đừng nhúng mũi vào việc của người khác có được không? - Ông trưởng ga quát, Jean Butê đành nói lý:

- Thưa ngài, tôi thiết nghĩ, bắt người vô cớ là phạm pháp.

- Đối với loại mọi ấy đâu có thể gọi là người.

Ông trưởng ga ném sang người bị bắt một cái nhìn


khinh bỉ.

- Thưa ngài, anh ta cũng có cha, có mẹ, có vợ, có con. Xin ngài cho tiếp tục điều tra. Rất có thể là anh ta bị oan.

Nói rồi, Jean Butê cho nhân viên dưới quyền mình phối hợp với cảnh sát nhà ga tiếp tục tìm kiếm. Buổi chiều, họ tìm thấy cái vỏ của kiện hàng ấy đã bị phá tung mà dấu vết để lại liên quan đến một viên cảnh sát. Anh phu khuân vác người Thái Bình được thả, cứ cắn rơm cắn cỏ đội ơn ông nhân viên hỏa xa, cái ơn cứu mạng, cái ơn tái sinh mà cả đời con đời cháu cũng không trả nổi. Ít lâu sau, người phu khuân vác ấy đưa đứa con trai lên mười đến tạ ơn Jean Butê. Những việc làm phúc đức như thế, gia đình Jean Butê cứ nghĩ sẽ được sống yên ổn, "ở hiền gặp lành" như một câu phương ngôn nổi tiếng của xứ sở này.

Nào ngờ, tính cương trực và thẳng thắn của Jean Butê lâu nay vẫn như cái gai chọc vào mắt ông trưởng ga người Pháp: một nhân viên hành chính dưới quyền mà không chỉ một lần dám đấu khẩu lý sự với ông ta, dám công khai bênh vực cho bọn nghèo hèn, cho dân bản xứ trước mặt ông ta. Và lúc nào cũng dồn được ông ta vào chân tường, ngõ cụt, cũng giành được thế thắng để ông ta phải bẽ bàng. Thế rồi, chỉ một năm sau hắn đã tìm được cớ để không chỉ buộc Jean Butê thôi việc mà còn buộc cả gia đình Butê ra khỏi Đông Dương. Họ đưa nhau về nước đúng vào lúc cuộc thế chiến thứ nhất kết thúc.

 

 

2

 

Ông nội của Misen Butê là một chiến sĩ chống phát xít. Ông vừa từ mặt trận trở về như một người anh hùng. Chính ông đã được đứng trong đội quân danh dự giương cao lá quốc kỳ Pháp tiến vào Khải Hoàn Môn, chân bước nhịp nhàng theo âm hưởng hào hùng của những điệu hành khúc khải hoàn. Nhưng trên mình ông còn mang nặng những thương tích chiến tranh. Trong sọ não và cả ở gần phổi của ông còn có những viên đạn chưa thể lấy ra được làm ông nhức nhối đến khổ sở những khi trái gió trở trời. Nhiều khi ông phải dùng nghị lực để chống chọi với những cơn đau, mà sức mạnh giúp ông vượt qua được những sự giày vò khắc nghiệt của bệnh tật chính là niềm hy vọng lớn lao vào Misen - đứa cháu đích tôn của ông. Dòng họ Butê khá lớn và có tiếng hiếu học ở Mácxây. Cả gia đình nhà Butê tạo mọi điều kiện để cho Misen Butê được học hành đến nơi đến chốn. Cộng thêm quyết tâm cao và trí thông minh trời phú của bản thân, con đường học vấn của Misen Butê khá thuận lợi và suôn sẻ. Năm 1930 vừa tròn hai mươi tuổi, Misen đã vượt qua kỳ thi vào trường quốc gia hải ngoại Pháp một cách xuất sắc - kỳ thi được coi là khó nhất ở Pháp - để được đào tạo lý thuyết chuyên môn cần thiết cho việc hoàn thành chức năng viên chức hành chính, thẩm phán, hoặc sĩ quan sau này.

Trong vài lần trao đổi với bạn bè người ViệtNamđến học tại Pháp, Misen Butê hiểu được rằng trong mắt họ, bằng đại học có tầm quan trọng đến mức nào - nó vốn là cửa mở để tiến thân vào giới quan trường ở ViệtNam. Vì vậy, để ghi tên trở lại Việt Nam, ngoài văn bằng của trường quốc gia hải ngoại Pháp, cậu thanh niên Misen Butê đã phấn đấu cật lực để nhận thêm một bằng đại học luật, một bằng đại học kinh tế chính trị, một bằng tiến sĩ quốc gia luật, một bằng của học viện dân tộc học và dĩ nhiên là hai bằng của trường quốc học sinh ngữ phương Đông. Misen háo hức trở lại ViệtNam- nơi cậu đã sinh ra và sống thời thơ ấu - để làm nghĩa vụ quân sự hai năm với hàm sĩ quan dự bị.

Con tàu Ngọc Châu cập bến cảng Mũi Ngọc vào một sáng đầu xuân năm 1936. Viên trung úy trẻ măng dong dỏng cao được chỉ huy trưởng đón về một biệt thự. Đó là một tòa nhà xây gạch, lợp ngói, có ba phòng, bốn mặt đều có ban công, nằm giữa một khu đất rộng. Trong những ngày mới tới, anh làm một cái vườn, có những bồn hoa rất đẹp, có thảm cỏ xanh và lát một lối đi bằng gạch đỏ. Một ông già người Nùng mang đến tặng anh ta hai con cò. Đôi chim cao cẳng, lông trắng mỏ vàng đứng trên một lối đi nhỏ ở cuối thảm cỏ xanh, tô điểm cho mảnh vườn trở thành một bức tranh Viễn Đông có kết cấu thật tuyệt vời. Misen ngắm nhìn thích thú.

Nhưng Misen không còn có thời gian chăm chút vườn lâu hơn, vì viên đại tá đã gọi đến, mời vào phòng làm việc của ông ta. Sau vài lời xã giao, ông ta trao cho Misen quyết định làm phụ tá cho đại tá. Nghĩa là mọi nơi, mọi lúc, kể cả chủ nhật, ngày nghỉ, Misen phải luôn luôn thường trực bên cạnh ông ta, để giúp ông ta tất cả mọi việc liên quan đến khu vực này. Misen có phần e ngại. Song ông đại tá đã nói lời khích lệ: "Không có một sĩ quan nào có thể hoặc muốn làm việc đó, nhưng anh là người duy nhất có thể vận hành cho cỗ máy hoạt động tốt nhất".

Misen thấy tự tin hơn và anh vui vẻ chấp nhận nhiệm vụ đầu tiên của mình. Những nhân viên văn phòng người Việt đã chào mừng sự có mặt của Misen. Ông đồ già người Nùng còn làm một bài thơ tặng anh. Bài thơ được viết bằng chữ Hán trên giấy dó, nét chữ bút lông khéo léo tinh tế, đẹp như một tuyệt tác.

Misen cảm ơn mọi người và hy vọng được mọi người cộng tác tận tụy. Khác với những quan chức bảo hộ khác, viên trung úy này đối xử thân mật và xưng hô rất lịch sự với các nhân viên dưới quyền mình. Với người thư ký, người chạy giấy... anh không bao giờ "mày tao" mà lúc nào cũng kèm từ "ông" vào trước tên riêng của họ. Đặc biệt với ông đồ già chạy giấy người Nùng, bao giờ Misen cũng tỏ một thái độ kính trọng và thán phục. Một cậu thanh niên đã tự nguyện đảm nhận việc chạy giấy cho ông già, vậy nên ông thường lặng lẽ ẩn mình vào một góc phòng, dùng bút lông, mực tàu mải mê viết chữ Hán. Misen chăm chú theo dõi những chữ viết như rồng bay phượng múa của ông già không chán mắt. Chẳng bao lâu, ông đồ già đã trở thành người thầy giáo đầu tiên dạy chàng thanh niên phương Tây này học tiếng Việt và Hán tự. Như một người học trò chuyên cần, hiếu học, Misen dần dần hiểu được ít nhiều những phong tục tập quán và giá trị văn hóa của dân tộc ViệtNam. Vì thế anh càng cảm thấy yêu mến và gắn bó với đất nước này. Ngoài thời gian lo lắng làm phận sự của một sĩ quan dự bị - một nhân viên phụ tá, Misen dành nhiều thời gian đọc sách ở thư viện Câu lạc bộ. Thỉnh thoảng anh mới có thể cùng các bạn chơi ít ván bài, đua thuyền hoặc ra sân chơi tennít.

 

 

3

 

Đang tự hài lòng với cuộc sống sôi động, tích cực tưởng như xuôi chèo mát mái ở một thị trấn nhỏ miền biên giới phía Bắc nước Việt của mình, bỗng Misen nhận được một bức điện khẩn của cấp trên điều động về nhận nhiệm vụ mới ở một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nơi anh đến là một thị xã nhỏ bé, yên tĩnh bên bờ hữu ngạn sông Hồng. Chiếc Fo A.30 xịch đỗ lại, viên trung úy tập sự hành lý gọn nhẹ, không có vũ khí, xuống xe với một con chó lai nhập khẩu, nhanh nhẹn thông minh như một con chó săn. Anh mở khuy áo ngực hứng làn gió mát rượi từ cánh đồng lúa mênh mông thổi tới, phóng mắt ngắm nhìn những dòng kênh loáng nước như những chiếc khăn quàng xanh xanh vắt ngang và những ngôi chùa mái ngói đỏ tươi xinh xắn náu mình sau các lũy tre làng. Trên vệ cỏ ven đường, mấy cậu bé đang hồn nhiên cười đùa, tay âu yếm vuốt nhẹ lên lưng những chú trâu béo mộng. Viên trưởng trạm cuối cùng - cũng là một trung úy - vui vẻ đón người khách mới về tòa Công sứ Pháp. Đó là một tòa nhà đẹp, được xây dựng theo kiểu cách kiến trúc thời Napôlêông, nằm ngay giữa thị xã. Ngoài những trách nhiệm về hành chính, sự vụ, viên trung úy tập sự còn được giao nhiệm vụ tiếp xúc với những người đưa đơn kiện. Công việc của anh là hướng dẫn những người khiếu nại làm đơn theo mẫu quy định và chỉ dẫn hoặc trả lời người khiếu nại những vấn đề đã được giải quyết. Theo thể thức, người thưa kiện phải có một cái khăn trên đầu. Biết rằng những người nông dân lần đầu đến cửa quan không có khăn, anh nhân viên chạy giấy đã dự trữ khăn cho thuê. Một ngày anh ta có tới vài chục khách thuê khăn và do đó, lợi nhuận anh ta thu được không phải là nhỏ. Misen không thể chấp nhận lối lạm dụng đó nên anh quyết định tự mình trực tiếp đến với những người đưa đơn kiện để nhận đơn của họ.

Những sinh viên đã tốt nghiệp ở đại học quốc gia Pháp cần kéo dài thời gian thực tập một năm để có thêm thực tế Việt Nam, có trình độ tiếng Việt và hiểu biết phong tục, tập quán của Việt Nam. Người kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được bổ nhiệm vào cấp phó. Tháng giêng 1938, Misen đã qua kỳ kiểm tra dễ dàng và được giữ chức này. Ngoài thời gian đến công sở, Misen tới sinh hoạt ở câu lạc bộ văn học Việt Nam. Ở đây, chàng thanh niên phương Tây trẻ trung này đã có cơ hội khám phá ra tác phẩm văn học lớn của Việt Nam: Truyện Kiều - bản trường ca nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du cách đây đã 200 năm mà ngày nay vẫn được các bạn trẻ hát lên và truyền tụng.

Trong cái thị xã nhỏ bé mà Misen đang sống có hai câu lạc bộ, một câu lạc bộ quan lại dành cho những kẻ có chức tước và giàu sang. Một câu lạc bộ của những người ở tầng lớp dưới, sống độc thân. Misen thích sinh hoạt ở câu lạc bộ này. Anh ta thường mời các bạn độc thân đến nhà mình ăn tối và tổ chức những buổi dạ hội. Chính trong một buổi dạ hội như thế, Misen - vị quan chức đứng thứ nhì hàng tỉnh này đã gặp cô gái mảnh mai, khiêm tốn, nết na, dịu dàng - cô gái đã để lại ấn tượng sâu đậm và làm rung động trái tim Misen - cô gái mà sau này anh ta đã lấy làm vợ - Quế.

Ngay trong lần gặp đầu tiên, để tạo điều kiện cho cô gái thoải mái, ông Phó sứ đã đưa lời thăm hỏi ân cần. Cô ngẩng đầu chào ông bằng một cái nhìn e ấp, bẽn lẽn. Nhưng chính cái nhìn ấy, dáng điệu ấy của cô, chính gương mặt tròn trịa và nụ cười nhè nhẹ của cô, dưới cặp mắt của Misen, là hiện thân của sự duyên dáng, tinh tế và khiêm nhường của một đất nước có nền văn minh truyền thống hàng nghìn năm... Qua bà Quản phường Bình Kha (mà Misen gọi là giám đốc câu lạc bộ), Misen được biết Quế có một hoàn cảnh éo le, nghèo nàn và một tuổi thơ rất lận đận. Misen càng thấy yêu mến, thương cảm và tha thiết muốn gần gũi, gắn bó với người con gái này.

Từ lúc biết Quế, cảm mến Quế, Misen thường tổ chức những buổi dạ hội, đề nghị cô tham gia. Misen thấy Quế hát rất hay, giọng ấm áp, dễ chịu. Cô hát gợi những huyền thoại xa xưa, tái hiện những thử thách mà nàng Kiều phải chịu đựng. Tài diễn xuất của cô đã đưa cảm xúc của Misen vượt ra ngoài khuôn khổ của những buổi dạ hội, dẫn Misen vươn tới những cảm nhận rung động và sâu sắc đến những phạm vi rộng lớn của nghệ thuật truyền thống đặc sắc đầy trí tuệ mà cũng vô cùng lãng mạn của dân tộc Việt Nam. Misen say đắm người hát và thả mình đắm say trong những điệu hát truyền thống ấy.

Vì làm phụ tá nên trong trường hợp khẩn cấp, bất cứ giờ nào, dầu là ban đêm, Misen cũng không được rời nhiệm sở. Trong mười năm dưới quyền vị công sứ này, thực sự Misen chỉ có 24 ngày nghỉ. Nhưng điều này không mảy may làm anh hối tiếc. Trái lại, lúc nào anh cũng say mê và cảm thấy công việc của mình rất tuyệt vời. Bởi lẽ, anh vẫn thật thà tin rằng mình đã tham gia vào việc phát triển uy tín của nước Pháp, nếu không phải là trên toàn thế giới thì cũng là trên xứ sở nhỏ bé này, nơi anh vẫn tin rằng công việc của mình thực sự có ích cho nhân dân bản xứ.

Đầu năm 1939, giữa lúc tình hình quốc tế đang căng thẳng, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai sắp nổ ra, thì Misen được điều động đến làm việc ở văn phòng viên Thống sứ cấp cao của Bắc Bộ. Misen rời tỉnh H. đi nhận nhiệm vụ mới với bao nhiêu luyến tiếc. Chàng thanh niên mắt xanh bịn rịn chia tay Quế và gia đình những người giúp việc thân thiết của mình. Anh dang rộng cánh tay kéo cô gái nhỏ mà anh rất mực yêu dấu vào lòng, xúc động nói trong hơi thở:

- Anh lên Hà Nội trước, ổn định công việc rồi, anh sẽ tìm một chỗ ở đón em và gia đình anh Bếp lên.

Quế run run không nói nên lời, chỉ thốt ra một tiếng "dạ" nhè nhẹ như làn gió thoảng và ngước cặp mắt đen ướt tin cậy nhìn Misen. Anh chàng si tình mà chung thủy thầm cảm ơn người anh yêu về cái nhìn âu yếm đó - cái nhìn như cổ vũ anh hãy yên tâm mà đi, cái nhìn đầy cảm thông và tin tưởng ở anh về một lời hứa hẹn.

 

 

4

 

Tới Hà Nội, Misen được đón về một căn nhà lớn cổ kính cạnh Hồ Tây, có đường nét kiến trúc kiểu Trung Quốc, với đầy đủ tiện nghi. Mặc dầu vậy, Misen cũng chỉ dám để anh Bếp ngày đêm kề cận chứ không dám mang theo Quế.

Ở Thủ đô, hình thức giải trí rất đa dạng: có rạp chiếu phim, câu lạc bộ thể thao, sân chơi tennít... Nhưng thời gian rỗi rãi để vui chơi giải trí của Misen thật hiếm hoi. Nhiệm vụ mới của anh là nhận, theo dõi và phân loại những công văn, thư từ được chuyển đến. Một hôm, anh tìm thấy trong đám thư từ một tờ đơn với nội dung như sau:

"Thưa ngài công sứ cấp cao,

Tôi tên là Hoa Sen, giáo viên phụ giảng trường tiểu học, quê ở làng... tổng..., huyện..., tỉnh..., xin kính đề nghị ngài xem xét cho một việc như sau: Thứ sáu tuần vừa rồi, tôi đến thăm một người anh họ, ông ấy là một nhà nho tiết tháo, dòng dõi quan lại, hiện đang giữ chức chạy giấy cho văn phòng số 1 của công sứ cấp cao. Tôi đến đúng lúc ông sếp của văn phòng số 1 gọi ông anh tôi lại nói về chuyện cái sọt giấy chưa được đổ ra hết trước giờ đóng cửa văn phòng. Tôi cũng tranh thủ lúc ấy để đi vệ sinh trong buồng toalét có ghi WC. Khi khép cửa vào, tôi thấy chốt vẫn ở ngoài khớp. Tôi cũng chỉ mới gột cái quần lụa của tôi bị bẩn cái gấu quần mà người thím tôi là Hoa Đào đã tặng tôi nhân tôi sinh nhật lần thứ 25. Đúng lúc đó cũng có một người đàn ông cao lớn bước vào toalét. Ông ta rất ngạc nhiên khi thấy tôi ở đấy. Ông ta ngắm nhìn tôi, rồi ông ta cười và nói: "Trông mày cũng xinh đấy nhỉ?". Ông ta nhấc bổng tôi lên mà không nghĩ rằng cái quần của tôi đã bị tuột. Ông ta áp sát vào người tôi, kéo tôi vào vòng tay của ông ta, đẩy tôi ra sau. Tôi không thể lùi được vì đằng sau tôi là một cái chậu vệ sinh. Vì vậy tôi phải bám vào ông ta. Ông ta siết chặt tôi hơn nữa, kéo tôi vào để tôi khỏi ngã và đút "cái của khỉ" vào người tôi, rồi ông ta hôn tôi và nói rằng tôi rất xinh. Sau ông ta chào tạm biệt tôi rồi vẫy tay ra đi mà không thèm đóng cửa lại. Vì vậy tôi kính xin tòa án của quý ngài cho phép tôi được hưởng một số tiền bồi thường thiệt hại, và khoản tiền ấy có thể tăng lên tùy tình hình sau chín tháng".

Đọc xong những lời khẩn cầu của người con gái bị xúc phạm, Misen bất bình, vội vã chuyển đơn ngay lên ngài công sứ cấp cao, những mong vụ việc sẽ được xử lý nghiêm minh và cô gái nạn nhân sẽ được đền bù thỏa đáng, nào ngờ sau đó, Misen nhận được thư trả lời, trong nét chữ rất khoáng đạt của ngài công sứ cấp cao, ông ta chỉ viết vẻn vẹn có một câu là: "Đề nghị cấp dưới thay khóa chốt cửa toalét".

Cái dòng chữ viết dửng dưng và quá ngắn gọn ấy của sếp làm Misen ngao ngán, bất giác hắt ra một tiếng thở dài: lần đầu tiên trong đời, Misen thấy lòng tin của mình bị lung lay, niềm tin rằng công việc của những ông quan cai trị, những nhân viên của nhà nước bảo hộ như mình sẽ làm tăng uy tín của nước Pháp, sẽ thực sự có ích cho người bản xứ bị lung lay. Anh khẽ lắc đầu, chau mày, nói một câu không thành tiếng: "Phải đưa lại vấn đề này cho sếp một lần nữa".

Đôi khi Misen được điều động đi tháp tùng công sứ cấp cao trong những cuộc kinh lý của ông ta. Nhờ vậy mà Misen đã có lần đến vùng ranh giới châu thổ Bắc Bộ, nơi mà Bộ trưởng Măngđen có ý tưởng hiếu kỳ là xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay với dự tính hết 600 triệu frăng Pháp và có thể hoạt động sau 5 - 6 năm xây dựng. Misen không tin vào khả năng nhà máy này có thể vận hành được. Tuy không ai hỏi ý kiến anh nhưng cuối cùng ý định xây dựng nhà máy không thực hiện được cũng đã chứng tỏ năng lực và trí tuệ của anh - một người đang đảm nhận công việc của một tùy viên văn phòng.

Tháng 7-1939, nhà lãnh đạo quân sự yêu cầu Misen gia nhập vào trung đoàn pháo binh số 9 đồn trú ở Hà Nội. Anh đến gặp giám đốc văn phòng của mình, đề nghị tìm người thay thế nhưng ông này thoái thác. Có lẽ sếp của Misen nghĩ rằng ván cờ khổng lồ của quốc tế trong Đại chiến thứ 2 ít tác động tới tình hình Đông Dương, vì vậy các quan chức Pháp ở đây cũng không cần tham gia vào tổng động viên. Hơn nữa, hầu hết người Pháp ở Đông Dương quan niệm rằng họ cũng không có đủ phương tiện cần thiết về người và của để chống lại hai sư đoàn của Nhật được trang bị rất đầy đủ vừa tràn qua Trung Quốc từ Bắc đến Nam và đang chiếm lĩnh hai tỉnh giáp biên giới Đông Dương.

Lệnh tổng động viên đã được ký ngày 2-9-1939. Misen đến từ biệt ông giám đốc văn phòng trước khi đi nhận nhiệm vụ mới. Ông này giãy nảy lên, nói với Tổng tư lệnh qua
điện thoại:

"Sáng, Misen sẽ làm những nhiệm vụ quân sự. Nhưng chiều, anh ta phải làm những nhiệm vụ dân sự ở công sứ tối cao".

Vậy là từ đó, sáng nào Misen cũng phải dậy từ 5 giờ 30, làm việc ở doanh trại đến 11 giờ 30, sau một bữa ăn trưa nhẹ vội vã, anh lại phải đến công sứ tối cao để làm việc cho đến tận chiều. Nhiều khi, Misen lại còn phải giải mã các bức điện trong buổi tối. Một tháng sau, anh hoàn toàn kiệt sức.

Misen thiếp đi từ lúc nào trong phòng làm việc tại nhà riêng, hai tay buông thõng, đầu gục lên mấy bức điện chưa kịp giải mã. Anh mơ màng thấy lại hình ảnh người con gái anh yêu trong lần gặp gỡ ban đầu với dáng điệu bẽn lẽn pha chút ngại ngần e lệ. Anh lại thấy nàng đang nhún nhảy theo một vũ điệu dân gian hồn nhiên, đôi chân kiễng cao nhịp nhàng duyên dáng. Và bên anh như đang văng vẳng giọng nàng ấm áp ngân nga trong một điệu hát ca trù mặn mà. Rồi Misen âu yếm quờ tay ôm lấy người anh yêu khi nhìn thấy đôi mắt ướt của nàng long lanh giọt lệ chia xa. Anh lại thấy như mình đã về bên cạnh nàng, mừng rỡ cất lên tiếng gọi trìu mến, thân thiết: Quế.

Anh Bếp đã nghe thấy tiếng gọi nhẹ nhàng ấy của chủ khi vừa đặt tách cà phê nóng xuống góc bàn làm việc của sếp. Bếp muốn nhắc ông chủ chuẩn bị tới công sở, nhưng vô tình tiếng động khẽ khàng của tác 15c8 h cà phê đã làm tan giấc mộng đẹp của Misen. Anh giật mình thức dậy trong vẻ sững sờ luyến tiếc. Đã hơn nửa năm rồi, Misen chưa thực hiện được lời hứa tìm một căn nhà nhỏ để đưa Quế lên Hà Nội. Cũng đã vài tháng nay, công việc căng thẳng đến nỗi anh chưa tranh thủ về tỉnh H. thăm vợ được một lần.

Lòng Misen xót xa nhớ thương Quế.

 

 

5

 

Sự đe dọa của bọn Nhật ngày càng tăng. Misen được giao nhiệm vụ chống máy bay địch, bảo vệ cầu Long Biên - tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời duy nhất còn lại thời kỳ này do tiến sĩ Đume và các kỹ sư Pháp xây dựng. Nhật âm mưu phá hủy cầu Long Biên nhằm cô lập hoàn toàn Hà Nội, nơi có những cán bộ cao cấp nhất về dân sự và quân sự, đồng thời nhằm cắt đứt tuyến phòng ngự của Đông Dương.

 

Dưới quyền Misen có một phân đội lính Lê dương làm nhiệm vụ bảo vệ cầu. Nhưng họ chỉ có 2 khẩu pháo 20 ly, mỗi khẩu chỉ có 25 viên đạn trong khi yêu cầu phòng không ít nhất cũng phải gấp 4 lần như vậy.

Misen hiểu rằng khẩu lệnh bắn chỉ có thể phát ra khi máy bay địch đã bộc lộ rõ hành động chống đối, nghĩa là đã phát hỏa phá hủy cầu.

Rời vị trí chỉ huy bảo vệ cầu, Misen đến gặp lãnh đạo của trung đoàn pháo cao xạ Bắc Bộ với một nhận xét rằng: "Không có gì chuẩn bị cho chiến tranh cả. Người ViệtNamrất tốt, nhưng vật chất rất thiếu thốn". Anh liền bị đẩy sang tiểu đoàn 5, phụ trách việc rút quân. Tiểu đoàn 5 là một tiểu đoàn bộ. Khi di chuyển họ dùng những con la. Năm 1940, những con la chết từ lâu, họ phải dùng những con ngựa bé tí của ViệtNam. Đi được khoảng 3 km thì ngựa bị thương, người kiệt sức. Misen gợi ý với Tiểu đoàn trưởng: "Ta trở về bằng cách thuê xe cam nhông của người ViệtNam". Tiểu đoàn trưởng đồng ý và giao cho anh thực thi nhiệm vụ ấy. Misen gặp nhiều khó khăn vì sự ngập ngừng của những chủ phương tiện, vì với họ tất cả những gì đã rơi vào tay nhà binh coi như là mất (truyền thống Trung Quốc cổ xưa đã dạy họ như vậy). "Chỉ có cách tiếp xúc một cách vật chất" - Misen nghĩ, rồi anh đặt vào tay họ những đồng tiền của nhà băng Đông Dương. Nhờ vậy, anh mới đưa đồng đội trở về được dưới chân Chùa Bảy.

Mười lăm ngày trước khi Nhật tấn công Lạng Sơn, Misen được chuyển đến Lào Cai. Ở đó, anh chờ đợi một cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng quân Nhật, đe dọa sườn phải của Nhật, đồng thời nhằm giải phóng lãnh thổ Trung Quốc.

Viên tướng phụ trách Lào Cai là Xéc Răng, trước đã từng là chủ tịch Hội đồng giám khảo kiểm tra Misen nay đang có yêu cầu có một sĩ quan đảm đương những vấn đề dân sự. Ông ta biết Misen đã từng làm việc ở Chùa Bảy, nay đang lúc anh ta không có nhiệm vụ gì quan trọng, Xéc Răng đặt vấn đề xin Misen. Điều này làm cho Misen rất ngạc nhiên, nhưng trong quân sự, những quyết định bất ngờ kiểu như vậy xảy ra thường xuyên. Misen chuyển giao Tiểu đoàn của mình cho một sĩ quan dự phòng là trung úy Rô Banh. Anh này người Úc, được gọi đi lính trong thời gian chiến tranh. Anh không hứng thú gì về nhiệm vụ ở Đông Dương, anh nói anh đi lính là để bảo vệ nước Pháp, Đông Dương chỉ là sự quan tâm cuối cùng. Sau đó, Rô Banh bị một trận mưa đạn của quân Nhật xả vào người, cơ thể bị cắt làm đôi.

Có thể bây giờ thi thể anh còn nằm lại nơi nào đấy trên vùng rừng núi Lạng Sơn. Cùng ngã xuống với Rô Banh ở đó còn có cả tướng Lơmôniê và một người bạn của Misen là Fenlơ - chủ tịch Công sứ Pháp ở xứ Lạng. Hai người này được các sĩ quan Nhật mời đến dự một bữa tiệc. Sau mấy lời chúc tụng về quan hệ hữu nghị Nhật - Pháp, bọn Nhật ra điều kiện hai viên tướng Pháp phải ra lệnh ngừng bắn vào quân đội Nhật. Cả Lơmôniê và Fenlơ đều kiên quyết chối từ, cả hai bị chúng chặt đầu, vì đã kiên quyết bảo vệ danh dự của những sĩ quan quân đội Pháp.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86581


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận