Cuộc Chiến Khuy Cúc Chương 7

Chương 7
Những trận đánh mới

Bất chợt Panurge giơ bàn tay phải lên, thọc ngón tay cái vào lỗ mũi bên phải, còn bốn ngón kia kẹp lại song song với sống mũi, nhắm nghiền mắt trái, nhướng con mắt phải dưới hàng lông mày và mí mắt đang cụp xuống.

Rabelais (quyển II, Chương XIX)

 

Tám giờ sáng thứ Hai Lebrac đến trường với chiếc quần vá và chiếc áo khoác mỗi tay áo một màu, trông như đi Hội hóa trang.

Trước khi đi mẹ nó nghiêm khắc nhắc nhở nó phải hết sức giữ gìn áo quần; tối về nếu bà phát hiện một tí xíu vết bùn hay một vết rách nhỏ thì nó sẽ lại bị nhừ đòn. Nó không thoải mái mấy và thấy hơi khó cử động trong bộ cánh này, nhưng chỉ một lúc thôi.

Nó vừa vào tới sân trường thì Tintin đã kín đáo chuyển lời thề non hẹn biển của em gái và lời đề nghị hơi phàm tục hơn nhưng không kém quan trọng: trong trường hợp cần thiết em nó sẵn sàng cơ động khâu vá ngay những áo quần bị rách hoặc hư hại.

Thông tin này không cần quá nửa phút. Ngay sau đó hai đứa chúng nó đi tới nhóm chính. Ở đấy Gibus anh đang sôi nổi khua môi múa mép kể đến lần thứ bảy rằng tối hôm qua tí nữa thì hai anh em nó lại rơi vào ổ phục kích của lũ Velrans; lần này bọn chúng không chỉ chửi bới và ném đá mà còn định tóm tấm thân quý báu của anh em nó để báo thù cho hả dạ.

May mắn lúc ấy anh em Gibus không còn xa nhà mấy. Hai đứa liền huýt sáo gọi Turc là con chó Đan Mạch khổng lồ, may sao hôm ấy không bị xích. Con chó vừa chạy ra hai anh em liền suỵt nó chống kẻ địch, tiếng sủa gầm gừ, dáng dấp hung hãn và những chiếc răng nanh sắc lẻm sau đôi môi đỏ lòm khiến bọn Velrans chạy có cờ.

Bây giờ, Gibus anh kể, hai anh em nó yêu cầu tay thợ xay Narcisse quãng năm rưỡi chiều mỗi ngày thả con chó ra để khi cần thì có nó che chở hai anh em trên đường về nhà.

“Bọn khốn kiếp!” Lebrac lẩm bẩm. “Bọn khốn kiếp! Chúng sẽ phải trả nợ chúng mình! Trả thật đắt!”

Hôm ấy là một ngày mùa thu thật đẹp. Những đám mây là là che chở mặt đất khỏi bị giá đã kéo nhau đi khi mặt trời lên. Không khí ấm áp, làn sương trên con suối Vernois như tan vào trong những tia nắng đầu tiên, và tuốt dưới kia, sau những bụi cây ở Saute, bìa rừng phe địch chĩa thẳng lên khung trời đầy nắng những cây, cả non lẫn già, úa vàng và đôi khi trụi lá.

Một ngày tuyệt vời để đánh nhau.

“Tối nay chúng bay sẽ biết tay!” Lebrac mỉm cười nói.

 Đoàn quân Longeverne khấp khởi mừng. Lũ chim sẻ và mai hoa hót líu lo trên những đống cành con và trên những cây mận trong các vườn cây ăn quả. Giống như lũ chim, đoàn quân cũng ca hát. Mặt trời làm chúng vui tươi và tin tưởng, thanh thản và sạch mọi ưu phiền. Những ưu phiền ngày hôm qua và trận đòn của chủ tướng đã xa xôi rồi. Chúng chơi trò nhảy cừu(1)_ cho tới khi vào học.

Khi tiếng còi của bố Simon ré lên thì niềm vui kia như biến sạch. Những vầng trán nhăn nặng trĩu ưu tư, những cặp môi mím lại đầy cay đắng và trong những đôi mắt ẩn một vẻ tiếc nuối. Chao ơi! Cuộc đời!...

“Mày thuộc bài không, Lebrac?” La Crique kín đáo hỏi.

“Chậc, có... nhưng không thuộc lắm. Nếu được thì cố nhắc tao nhé! Chiều nay không thể có chuyện bị giữ lại lớp như thứ Bảy rồi. Tao học kỹ hệ mét, tao thuộc lòng những loại quả cân: loại bằng gang, loại bằng đồng, những bát con, cả những lá nhỏ giống như ngoài chợ nữa. Nhưng tao không biết cần những gì để được đi bầu. Bố tao đã gặp bố Simon rồi, chắc chắn nếu ông không hỏi tao bài này thì cũng hỏi bài khác thôi. Hy vọng ông hỏi về hệ mét.”

Điều mong mỏi của Lebrac đã được toại nguyện, nhưng nó gặp may thì ngược lại b ạn nó, Camus, lại không may. Nếu không có La Crique khéo kín đáo ra hiệu bằng môi và bàn tay như nhà diễn kịch câm lâm ly nhất thì chết Camus rồi và chiều hôm ấy hẳn thằng này đã phải ở lại lớp.

Thằng nhỏ tội nghiệp này, như chúng ta còn nhớ, mấy hôm trước tí nữa bị phạt khi được hỏi về định nghĩa “người công dân”, lần này hoàn toàn không biết gì hết về những điều kiện cần có để được đi bầu cử.

Nhờ La Crique làm hiệu, tay phải vung loạn trong không khí như cầm chiếc nĩa, bốn ngón chĩa ra còn ngón cái quặp vào, nên Camus ít ra cũng hiểu được cần bốn điều kiện.

Nhưng kể ra bốn điều kiện này thật khó hơn bội phần. Camus làm bộ như tạm thời mất trí nhớ, trán nhăn lại, ngón tay co duỗi như thể nghĩ ngợi ghê lắm nhưng mắt không phút nào rời kẻ đang tìm cách cứu nó là La Crique.

La Crique, dùng mắt ra hiệu, chỉ cho bạn tấm bản đồ nước Pháp do Vidal-Lablache(1) vẽ_ treo trên tường; nhưng Camus, trong cơn bối rối, đã hiểu nhầm cử chỉ không rõ ràng này nên thay vì nói phải là người Pháp nó lại trả lời là phải biết “địa ný” khiến cả lũ kinh hoàng.

Bố Simon hỏi nó có điên không hay là nó muốn giễu cợt mọi người, trong khi La Crique lo lắng về sự hiểu lầm này nên khẽ nhún vai và lắc đầu.

Camus trấn tĩnh lại. Một tia sáng lóe lên trong đầu, nó nói:

“Phải là người nước đó.”

“Nước đó là nước nào?” thầy giáo quát. Câu trả lời không chính xác khiến ông nổi giận. “Nước Phổ hay Trung Hoa?”

“Nước Pháp ạ,” kẻ bị hỏi trả lời. “Phải là người Pháp ạ!”

“Đấy, được rồi! Gì nữa?”

“Gì nữa?” Mắt nó cầu khẩn La Crique.

Thằng này rút dao từ trong túi, bật lưỡi, làm như định đâm Boulot ngồi cạnh để cướp giật, rồi lắc đầu quầy quậy.

Camus hiểu rằng không được giết người hay ăn cắp. Nó đáp ngay như thế, trong khi những đứa kia, có La Crique dẫn đầu, lớn tiếng trả lời khái quát hơn rằng phải có quyền công dân.

Không đến nỗi nào! Camus thở phào. Diễn tả điều kiện thứ ba, La Crique phải diễn đạt hết sức hơn nữa: nó đưa tay lên cằm giả vuốt râu, vê hàng ria mép dài vô hình, thậm chí nó còn thò hai bàn tay vào những chỗ kín đáo để ra hiệu chỗ đó có lông. Rồi nó bắt chước nhân vật Panurge của Rabelais trò chuyện bằng cách ra dấu với gã người Anh: nó xòe hai bàn tay chĩa lên trời hai lần, tiếp theo là ngón tay cái của bàn tay phải. Như thế chỉ có thể là “hai mươi mốt”. Camus hân hoan trả lời điều kiện thứ ba:

“Phải đủ hai mươi mốt tuổi ạ.”

“Còn điều kiện thứ tư!” bố Simon thúc giục, không khác người chủ trò chơi quay bánh xe số tại buổi lễ mừng thánh bản mệnh của làng.

Camus đưa mắt nhìn La Crique rồi lại ngước lên trần, rồi tới tấm bảng và cuối cùng lại quay về La Crique, lông mày nó nhíu lại như thể ý chí bất lực của nó đang khuấy tung làn nước trí nhớ.

La Crique lấy một quyển vở rồi dùng ngón tay trỏ vạch những chữ cái vô hình lên bìa.

Thế có nghĩa là gì nhỉ? Camus chịu chết không nghĩ ra! Lúc này kẻ nhắc kịch bản bèn nhăn mũi, hơi hé miệng, thè lưỡi giữa hai hàm răng và một âm tiết vẳng đến tai kẻ bị đắm tàu:

“Anh ách!”

Nó chẳng hiểu ất giáp gì nên không ngớt ngoái cổ về phía La Crique. Bố Simon tò mò trước việc thằng học trò toàn nhìn một cách ngớ ngẩn về một chỗ trong lớp nên bỗng dưng ông nảy ra cái ý tưởng nực cười, lạ lùng và lẩn thẩn là thình lình quay phắt người lại.

Thế là lại thêm một tai họa nhỏ nữa, vì ông bất chợt bắt gặp La Crique đang nháy nhó ra hiệu. Ông cho rằng nó lén làm trò chế giễu thầy sau lưng để chúng bạn cười.

Tức thì phạm nhân được nếm ngay cơn giận dữ đầy hận thù:

“La Crique, sáng mai mày phải nộp cách chia động từ ‘làm trò khỉ’ với đầy đủ các thì. Về thì vị lai mày hãy vui lòng viết ‘em sẽ không’ thay vì ‘em sẽ’! Nghe chưa?”

Trong lớp chỉ có một thằng đần độn duy nhất cười trước việc La Crique bị phạt: đó là thằng Bacaillé Cà nhắc. Hành động ngu xuẩn và mất đoàn kết này càng làm thầy giáo thêm bực mình nên ông lại truy Camus đến mức nó khó thoát nổi việc ngồi lại lớp:

“Sao? Mày có chịu nói cho tao biết điều kiện thứ tư không?”

Điều kiện thứ tư không xuất đầu lộ diện! Vì chỉ mình La Crique biết thôi.

“Hỏng mất rồi!” La Crique thầm nghĩ. “Nhưng còn nước còn tát”. Với vẻ ngây thơ vô tội của một đứa học trò sốt sắng muốn chuộc lỗi cho cung cách hỗn láo mới đây nó lên tiếng trả lời thay cho người bạn chí thiết, nhanh đến nỗi thầy giáo không kịp ngăn cản:

“Phải ghi tên vào danh sách cử tri của xã ạ.”

“Ơ kìa, ai hỏi mày đâu nào? Chẳng lẽ mày nghe thấy tao hỏi mày à?” bố Simon càng lúc càng lớn tiếng trong khi đứa học trò giỏi nhất của ông tỏ vẻ ăn năn ngờ nghệch, ngược hẳn với cơn phẫn nộ trong lòng nó.

Giờ học kết thúc suôn sẻ; nhưng Tintin thì thầm vào tai Lebrac:

“Mày có thấy thằng Bacaillé khoèo không? Mày biết không, tao nghĩ phải đề phòng nó đấy. Nó là đứa mách lẻo, không tin cậy được đâu!”

“Mày nghĩ thế thật à?” Lebrac giật nảy mình. “Có bằng chứng gì không?”

“Tao không có bằng chứng nào hết,” Tintin đáp, “nhưng nếu có chuyện gì thì tao sẽ không ngạc nhiên đâu. Nó là một thằng luồn cúi, một đứa đáng ngại. Tao không ưa nổi loại như nó!”

Những ngòi bút quẹt loạt soạt trên giấy, viết ngày tháng: “Thứ Hai... năm 189...

Ngày tưởng nhớ: nổ ra cuộc chiến tranh với Phổ. Trận Forbach.”

“Tintin này,” Guignard thì thầm, “tao không thấy rõ, Forbach hay Morbach v y?”

“Forbach! Còn Morbach là tên anh chàng lính pháo thủ ở nhà thằng Camus đã kể cho gia đình Chantelot Chủ nhật vừa rồi rằng anh ta về phép. Forbach! Hẳn là tên một vùng nào đấy.”

Chúng lặng lẽ làm bài tập. Rồi tiếng ồn ào mỗi lúc một tăng cho thấy chúng đã làm bài xong, tranh thủ thời gian nghỉ giữa hai tiết học để ôn bài cho giờ học tới hay trao đổi suy nghĩ về tình hình của hai đạo quân tham chiến.

Khi bị khảo bài về hệ mét thì Lebrac tỏ ra thật xuất sắc. Nó biết rõ các đơn vị trọng lượng cũng như các đơn vị đo chiều dài, còn có hai đại lượng nữa. Nó “tung hứng” những myriagram(1)_ và tạ không khác anh chàng làm xiếc ở chợ phiên tung hứng những quả tạ hai mươi ký. Thậm chí nó còn làm bố Simon phải sửng sốt khi nó đọc trơn tru như cháo và tả thật chi tiết mọi đơn vị trọng lượng thông dụng từ lớn nhất đến nhỏ nhất.

“Nếu bài nào mày cũng thuộc như vừa rồi thì sang năm tao sẽ đề nghị cho mày đi thi tốt nghiệp,” bố nói.

Nhưng Lebrac đâu thiết tha gì chuyện thi tốt nghiệp. Cứ phải đày đọa với những chính tả, làm tính và làm luận, ấy là chưa kể “địa ný” với sử ký, ồ, không, không phải những thứ đó! Do vậy, lời khen và hứa hẹn của thầy giáo chẳng khiến nó cảm động, và nếu nó cười thì chẳng qua là vì nó biết chắc rằng qua ấn tượng tốt sáng nay thì dù chiều nó có vấp váp chút ít về môn sử và văn phạm, bố Simon cũng sẽ bỏ qua cho nó.

Khi chuông điểm bốn giờ, chúng chạy ào về nhà lấy khúc bánh mì thường nhật rồi ngay sau đó tụ tập ở mỏ đá Pepiot. Camus, có nhiệm vụ đi tiền trạm, lên đường cùng Gibus anh và Gambette để canh chừng bìa rừng trong lúc đại quân nhanh chóng chạy đi “khoác chiến y”.

Tới nơi, Camus trèo lên cái cây của mình quan sát. Chưa phát hiện gì cả. Nó tận dụng thì giờ để siết lại dây thắt bằng cao su và miếng da của chiếc ná và phân loại những viên sỏi nó mang theo. Những viên ngon lành nhất cho vào túi quần trái, còn lại cho vào túi phải.

Trong lúc đó sĩ tốt của Lebrac và chủ tướng cởi quần áo dưới sự giám thị của Boulot, nó cho mỗi đứa một chỗ riêng với một viên đá to để quần áo lên trên, khỏi lo lấm bẩn.

 “Mày cầm cái còi này của tao rồi leo lên cây sồi kia kìa,” Tintin bảo Boulot. “Nếu thấy lão áo chùng thâm hay một gã chó chết hay bất cứ ai lạ thì thổi hai lần để tụi tao rút lui an toàn.”

Đúng lúc ấy Lebrac, đã cởi xong quần áo, hét lên giận dữ đập tay lên trán.

“Chết cha! Cà chớn quá! Tao quên không nghĩ tới! Bây giờ mình không có túi đựng sỏi đá.”

“Đúng thế, cà chớn thật,” Tintin hùa theo.

“Rõ chán mớ đời!” La Crique nói. “Chỉ gậy gộc thôi thì đâu có đủ.”

Rồi nó suy nghĩ thật nhanh...

“Mình lấy khăn mùi soa đựng sỏi đá vậy. Đứa nào ném hết đá rồi thì cột khăn ở cổ tay.”

Tuy kh n mùi soa thật ra phần lớn chỉ cắt từ áo cũ hay mảnh khăn lau nhưng hóa ra có tới hơn nửa tá chiến sĩ không có, đơn giản chỉ vì khi cần thì lấy ống tay áo quệt cũng được, thành ra với sự thông thái của chúng, chúng thấy không cần phải mang theo thứ vớ vẩn này làm chi cho nặng.

 Đón trước sự phản đối của những triết gia non choẹt này, Lebrac bảo chúng lấy mũ của mình hay của bạn làm “túi đựng đá”. Thế là vấn đề được giải quyết vừa lòng cả bọn.

“Mình xuất quân được chưa?” nó hỏi... “Vậy thì, tiến!”

Nó dẫn đầu, theo sau là Tintin, rồi La Crique, rồi đến những đứa khác không nhất thiết theo thứ tự. Tay phải cầm gậy, tay trái cầm khăn mùi soa buộc túm bốn góc đựng đầy những đá, chúng từ từ tiến lên. Những thân hình trắng trẻo, mảnh mai hay tròn trịa hơi run vì lạnh nổi lên trên nền thẫm của cả đoàn quân diễu hành. Trong vòng năm phút chúng tới Bụi Cây Lớn.

Ngay lúc ấy Camus mở màn chiến sự. Nó nhắm ngay thằng Mặt Bánh đúc, bảo nhất định sẽ cho thằng kia vỡ mõm.

Với lại đã đến lúc đại quân Longeverne tiến tới. Thằng Méo, đối thủ và là kẻ bắt chước Camus, báo rằng chỉ thấy ít địch quân thôi nên bọn Velrans, còn say mùi chiến thắng chiều hôm kia, chuẩn bị ăn gỏi dăm ba kẻ địch đang đối đầu với chúng. Nhưng khi chúng từ bìa rừng ùa ra định hình thành mũi dùi tiến công thì một trận mưa đá ầm ầm trút xuống buộc chúng phải rút lui và bị giảm nhuệ khí.

Thằng Méo vừa từ trên cây tuột xuống để tham gia tấn công lại leo tọt lên để kiểm tra xem liệu có viện binh đến Bụi Cây Lớn không. Nhưng nó chỉ thấy mỗi thằng Camus từ trên cây sồi tuột xuống, căng ná đứng gần Gibus anh và Gambette cũng đang giữ vị trí phòng thủ. Nghĩa là không có gì mới cả. Ấy là bởi các chiến sĩ Longeverne, cóng người và run lập cập, đã lặng lẽ náu mình bất động sau các thân cây hoặc bụi rậm.

 “Chúng sẽ lại tấn công nữa đấy,” Lebrac khẽ tiên đoán. “Có lẽ mình đã sai lầm khi vừa nãy ném nhiều đá quá; mong rằng chúng không biết là mình ém binh đợi chúng. Coi chừng! Chuẩn bị sẵn đá đi. Cứ để chúng tới thật gần đã, khi nào tao hô ‘bắn!’ thì hãy khai hỏa.”

Thằng Aztec rất hài lòng về báo cáo của trinh sát Méo, nó nghĩ nếu quân địch không xuất hiện và vẫn hành động giống như hôm thứ Bảy thì có nghĩa là chủ tướng của chúng vắng mặt và chúng chỉ loe ngoe vài mống. Cho nên nó quyết định bắt sống thằng Camus - vừa mới lại leo lên cây sồi. Các cố vấn của nó, vẫn còn hăm hở nhớ lại vụ bắt sống Lebrac, nhiệt liệt tán thành.

Nhất định thằng Camus sẽ không có thời giờ để tẩu thoát; lần này chúng sẽ tóm được nó và cho nó nếm mùi đau khổ. Nó sẽ phải chịu hình phạt giống y như thằng Lebrac. Từ lâu nay những viên đá của nó đã gây quá nhiều thiệt hại trong hàng ngũ của chúng rồi. Đã đến lúc thực sự cấp thiết phải cho nó một bài học nhớ đời và tịch thu giàn ná của nó.

Bọn chúng để Camus yên vị xong xuôi.

Tại những vụ đụng độ nho nhỏ thế này không cần chuẩn bị lâu, mà phần lớn lòng quả cảm và ý chí tiến công của chủ tướng mới quyết định thắng hay bại. Nên một lúc sau bọn Velrans, tin vào sức mạnh của chúng, mới vung gậy điên cuồng và hét lên những tiếng man rợ “A…a…a…” xông vào phần đất đối phương.

Tại Bụi Cây Lớn bên phía Longeverne không khí vẫn im ắng đến độ có thể nghe được tiếng ruồi bay. Chỉ có tiếng giàn ná của Camus bật tanh tách bắn đạn.

Lũ nhóc trần truồng đang núp trong tư thế quỳ hay ngồi xổm tuy lạnh run lập cập nhưng không đứa nào dám thú nhận. Tay phải chúng sẵn sàng đá còn tay trái nắm chặt gậy.

Lebrac đứng giữa đội quân, dưới gốc cây sồi của Camus. Nó được thân cây che kín, chỉ ló cái đầu với mái tóc rối bù tới trước. Dưới cặp lông mày nhíu lại mắt nó rực lửa nhìn chăm chăm. Bàn tay trái của nó bồn chồn nắm chặt thanh kiếm chỉ huy đeo bằng dây roi ngựa.

Nó theo dõi động thái của quân địch, đôi môi run run sẵn sàng ra hiệu lệnh tấn công.

Rồi bất ngờ, sung sướng như con quỷ từ trong chai vọt ra, toàn cơ thể co ro của nó nhảy dựng lên, từ cổ họng bật ra hiệu lệnh vang lừng như thể nó gào trong cơn điên loạn:

“Bắn!”

Nghe mà dựng tóc gáy.

Trận mưa đá dội xối xả vào đám Velrans khiến chúng khựng lại. Cùng lúc ấy tiếng Lebrac hét điên cuồng như vỡ lồng ngực lại vang lên:

“Tiến lên! Tiến lên! Tiến lên! Tiến!”

Đám lính của Lebrac, giống như một đạo quân lùn từ địa ngục hoang đường thình lình từ dưới đất nhô lên, từ những chỗ trú ẩn huyền bí phóng vọt ra, trần như nhộng, vung gươm giáo, vừa la hét man rợ vừa lao vào đám quân Velrans với sức mạnh không gì chống nổi.

Đội quân của thằng Aztec khựng lại như bị tê liệt, mới đầu do bất ngờ, rồi đâm hoảng hốt và cuối cùng khiếp đảm. Khi mối nguy cứ tăng từng phút từng giây thì chúng, tất cả như một, quay đầu tháo lui nhanh hơn cả lúc chúng chạy tới, phóng những bước dài như bị ma đuổi về phía cánh rừng, không đứa nào dám ngoái cổ lại một lần.

Lebrac, vẫn tiên phong như mọi khi, vung kiếm phóng tới. Hai cánh tay dài trần trụi của nó vung lên điên cuồng, đôi chân cứng cáp của nó mỗi lần sải những hai mét, toàn quân ào ào rượt theo sau, không vướng áo vướng quần, chúng sung sướng vì được chạy nóng cả người. Những mũi giáo phe Longeverne sắp đâm vào sườn quân địch vốn đã chạy tới đường Hào Lớn. Chúng sẽ biết tay.

Nhưng cuộc tháo chạy của bọn Velrans không hề dừng lại ở đó. Trước mắt chúng là những bụi cây như bức tường thành, ở bìa rừng thì thưa thớt nhưng càng vào sâu càng rậm rịt. Đội quân bại trận của Aztec không phí phạm thì giờ cho việc tìm cách lần lượt vượt qua Hào Lớn. Những đứa đầu vượt được, còn đám sau không ngần ngại gì mà không lao thẳng vào lùm cây rồi bất chấp tất cả, dùng tay chân vạch đường rút.

Còn phe Longeverne không quần không áo nên tiếc thay không truy kích được vì gai góc. Từ bìa rừng chúng nhìn theo quân địch bỏ trốn, quăng gậy, mất mũ, vứt lại sỏi đá rồi chạy tuốt giữa những bụi cây đầy gai góc, áo quần rách bươm, thịt da trầy xước, chẳng khác gì bầy lợn rừng bị vây dồn hay lũ hươu nai bị đàn chó sủa bao vây.

Lebrac cùng với Tintin và Gibus anh nhảy xuống Hào Lớn. Nó định túm vai thằng Mặt Bánh đúc đang run như cầy sấy - thằng này vừa mới bị nó đập kiếm vào be sườn một trận - thì từ chỗ đóng quân của nó vọng tới hai tiếng còi inh tai khiến Lebrac và quân của nó phải dừng lại, bỏ dở cuộc truy kích.

Thằng Mặt Bánh đúc để lại phía sau một mùi thối hoắc, bằng chứng của sự sợ hết vía. Thế là nó thoát được cùng đồng bọn vào tầng cây thấp.

Chuyện gì thế nhỉ?

Lebrac và các chiến sĩ của nó lo lắng ngoái nhìn lại sau khi nghe tiếng còi của Boulot. Dẫu sao chúng cũng không muốn bị một nhà bảo vệ thuần phong mỹ tục, dù thế tục, tôn giáo, tự nhiên hay bất kỳ cái gì khác của Longeverne hay đâu đó, bắt gặp trong thứ quần áo đáng ngờ này.

Lebrac tiếc rẻ nhìn theo bóng thằng Mặt Bánh đúc rồi chạy ngược đường hào về phía bìa rừng nơi lính của nó đang chờ và căng mắt tìm cách phát hiện nguyên do đưa đến tiếng còi báo động của Boulot.

Camus, đã từ trên cây leo xuống khi bắt đầu trận đánh và như chúng ta còn nhớ vẫn bận quần áo, thận trọng tiến ra bờ đường quan sát chung quanh.

Nó không phải chờ lâu! Ai thế kia?

Chính thị lão Bédouin vô tích sự và thô lỗ. Còn chính lão cũng giật nảy người khi nghe hai tiếng còi và đang đưa cặp mắt kèm nhèm dò tìm khắp mọi phía, mong phát hiện ra lý do bí ẩn của tiếng còi lạ thường và bất tường này!

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/t26085-cuoc-chien-khuy-cuc-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận