Cuộc Chiến Khuy Cúc Chương 8

Chương 8
Trả thù đích đáng

Donec ponam inimicos tuos, scabellum pedum tuorum.

(Kinh chiều Chủ nhật)


(Psalmo... nescio quo.)

Janotus de Bragmardo.

Lão Bédouin và Camus trông thấy nhau cùng lúc. Nó nhận ngay ra lão, còn lão, may mắn thay, lại không nhận ra nó.

Tuy nhiên với sự nhạy cảm của một tay lính già kỳ cựu, lão trương tuần cảm thấy thằng nhỏ vô lại trước mặt lão có liên hệ thế nào đấy với tiếng còi kia hay ít ra cũng có thể giải thích hoặc cho lão vài thông tin. Lão bèn ra hiệu bảo nó đứng lại rồi bước thẳng tới chỗ nó.

Thấy vậy, thằng Boulot mừng húm. Vì nó đang sợ lão già bẩn thỉu này sẽ tới chỗ nó rồi phát hiện ra nơi các chiến hữu Longeverne cất giấu quần áo. Nếu thế thì Boulot quyết ngăn cản bằng mọi cách. Cách hay nhất là để lão tới khá gần rồi chửi lão một câu gì đấy, miễn là - như trong trường hợp này - có dăm ba cái cây hay bụi rậm gần đó để trốn mà không hề bị phát hiện. Bằng cách nhanh nhẹn vọt từ chỗ nấp này qua chỗ nấp khác thì có thể dụ được lão ra xa khỏi bãi chiến trường.

 

Khi con gà gô

Thấy bầy con thơ

Mới mọc lông tơ

Đang gặp nguy hiểm...

 

Boulot thuộc lòng bài thơ ngụ ngôn này. Nó rất khoái mẹo của con gà gô và vì nó không đến nỗi đần hơn con vật mà nó có thể giả tiếng gáy y hệt, nên hẳn nó cũng biết cách dẫn dụ lão Zéphirin này ra xa và bỏ rơi lão.

Trò chơi này không phải không nguy hiểm và phiền toái. Điều nguy hiểm nhất là nhỡ một người làng nào đấy nhanh chân và tinh mắt bỗng dưng xuất hiện rồi mách với lão trương tuần. Nếu chẳng may đó lại là một người bà con, thông gia hay bạn bè của bố mẹ thì người ấy có thể dùng quyền uy của một người thân để túm tai kẻ phạm tội giao cho người đại diện công quyền. Tai hại lắm chứ chẳng chơi.

Vì tính Boulot vốn cẩn thận nên nó thấy tốt hơn là không nên mạo hiểm. Mặt khác, nó không biết trận đánh kết thúc ra sao và Lebrac dẫn quân theo hướng nào. Qua tiếng hò hét nó chỉ biết rằng trận tấn công rất dữ dội thôi. Nhưng bây giờ các chiến hữu của nó đang ở đâu?

Thật nan giải!

Còn Camus, như ta có thể đoán được, dĩ nhiên không chịu đợi lão trương tuần lại gần. Vừa thấy lão định tiến tới, nó liền đổi hướng, nhảy xuống đường trũng chạy đón đầu lũ bạn, khẽ bảo chúng chạy ngược lên phía trên vì Lão Bất Nhân, cách nó gọi lão Bédouin, đang từ phía dưới chạy lên.

Khi thấy Camus chạy trốn thì lão Zéphirin không còn hoài nghi gì nữa. Nhất định là bọn oắt con bẩn thỉu này đang định chơi khăm lão. Lão nhớ tới thằng nhỏ hôm kia hay hôm kìa gì đấy đã chổng cái mông trần trụi vào lão và vì chiều hôm nay thấy mình hăng hái nên lão liền đều bước đuổi theo thằng nhóc này.

Lão mướt mồ hôi và thở hổn hển nhưng cũng đến kịp để thấy cả một lũ trần như nhộng chạy vụt đi, lẩn vào những bụi rậm phía trên bìa rừng Saute. Chúng vừa chạy vừa lớn tiếng chửi lão, không thể nhầm được:

“Đồ chó già! Đồ bợm già! Đồ dê xồm!”

“Lũ nhóc con hỗn xược! Bọn chó chết! Quân mất dạy! Liệu hồn!” Lão chửi lại rồi tiếp tục đuổi theo. “Ông mà bắt được đứa nào, ông sẽ cắt tai, xẻo mũi, cắt lưỡi, cắt...”

Lão muốn cắt hết mọi thứ của bọn nhóc.

Nhưng để bắt được chỉ một đứa thôi, lão c n phải có đôi chân nhanh nhẹn hơn cặp cẳng già nua của lão hiện tại. Lão có vung gậy đập túi bụi vào các lùm cây đấy, nhưng chẳng thấy đứa nào. Rồi lão nghe từ phía xa có âm thanh vẳng lại, lão khấp khởi lần theo, song âm thanh ấy thật ra cũng chỉ để lừa lão.

 Để bảo vệ các chiến hữu trở về nơi cất giấu quần áo, Camus, Gibus anh và La Crique - cả ba đứa đều áo quần nghiêm chỉnh - đã thực hiện điều mà hồi nãy Boulot dự định làm. Chúng dẫn dụ lão Zéphirin qua cánh đồng cỏ Chasalans, tuốt về phía Velrans để lừa lão, khiến lão - vì mắt mũi kèm nhèm - tin rằng lũ trẻ làng bên mới là bọn đã xúc phạm danh dự một cựu chiến binh bảo vệ “tổ cuốc” và đại diện “pháp nuật”.

Vì mọi tín hiệu cảnh báo và tụ tập đã được thống nhất từ trước và vì cánh rừng phe địch đã vắng ngắt vắng tanh nên khi thấy đã đến lúc thích hợp Camus và hai trợ thủ thôi không chửi lão Bédouin nữa mà thình lình ngoặt vào cánh đồng, men theo bờ tường đồng cỏ nhà Fricot rồi lại biến vào rừng, từ đây men theo con hào phía trên tới những lùm cây trên vạt đất của xã, cách chỗ phía trên khúc đường quanh khoảng một trăm mét, nghĩa là đã đến bãi chiến trường.

Bãi chiến trường giờ đây thật vắng lặng. Không có gì gợi lại cuộc chiến đấu đáng ghi nhớ vừa diễn ra mới đây. Nhưng chúng nghe từ những bụi cây phía dưới kia vang lên đều đặn tiếng gà gô của đám Longeverne gọi chúng.

Nhờ chiến thuật dẫn dụ khôn khéo này mà các chiến sĩ về được an toàn nơi Boulot đang canh giữ; chúng hối hả mặc lại áo sơ mi, quần cộc, áo khoác và xỏ vớ, xỏ giày. Boulot tất bật chạy tới chạy lui, hết sức giúp bè bạn, nhét áo vào quần cho đứa này, cột dải đeo quần cho đứa kia hay gài cúc quần cho đứa nọ; nó thu góp mũ, thắt dây giày và chú ý để không đứa nào mất mát hay quên gì.

Chúng vừa mặc quần áo vừa chửi lão già mắc dịch cứ luôn chường mặt ra khi chẳng ai cần tới. Chưa đầy năm phút chúng hài lòng vì đã đóng bộ đâu vào đấy. Nhưng không hoàn toàn thỏa mãn với chiến thắng nửa vời vì không bắt được tù binh nào, chúng túa ra làm bốn, năm nhóm đi từ phía trên xuống dưới để gọi ba trinh sát đã vất vả với lão Bédouin.

“Lão sẽ biết tay tao,” Lebrac nói. “Đúng thế, tao sẽ trả mối thù này! Đây không phải lần đầu tao bị lão phá đám! Không thể tiếp tục thế này được, nếu không sẽ không có Chúa, không có công bằng, không có gì sất! Không, không thể chịu như thế được!”

Và Lebrac nặn óc tìm cách báo thù đáng sợ và khác thường. Các bạn nó cũng trầm tư suy nghĩ.

“Mày thấy sao, Lebrac,” Tintin đề nghị, “vườn lão có nhiều cây táo. Mình lấy sào phá cây của lão trong khi lão còn đang lùng tụi mình ở Chasalans có được không?”

“Rồi mình bới tung mấy luống rau của lão,” Gibus em bổ sung.

“Mình ném vỡ cửa sổ nhà lão,” Mắt Cá ngáo nói.

“Ừ, cũng được đấy,” Lebrac đồng ý, nó cũng đã nghĩ ra cách gì rồi. “Nhưng mình đợi mấy đứa kia đã. Với lại mấy chuyện này đâu làm ban ngày được. Nhỡ ai trông thấy làm chứng thì lão có thể tống mình vào nhà giam lắm chứ chẳng đùa... lão già không tim không óc này có gì mà không dám làm. Nhưng rồi sẽ thấy.”

“Tiruii,” tiếng gà gô vang lên từ những bụi cây phía Tây.

“Tụi nó đó!” Lebrac kêu rồi nó bắt chước tiếng gà gô xám gáy lại ba tiếng.

Tiếng giày gỗ nện vang dồn dập báo cho nó biết là ba trinh sát và nhóm lính rải rác bên sườn đồi đang tiến lại. Khi đã đông đủ rồi các trinh sát mới báo cáo:

“Lão Zéphirin chửi bới om sòm như điên khùng bọn mất dạy Velrans dám phá phách người lương thiện ngay trên vùng đất của họ,” chúng cả quyết, “lão vừa chửi vừa đổ mồ hôi vừa thở phì phò như con ngựa già kéo chiếc xe nặng chết người lên dốc nhà kho nghiêng như mái nhà.”

“Hay lắm,” Lebrac nói. “Có lẽ lão sẽ quay lại đây; phải có đứa nào đứng đây coi chừng lão mới được.”

La Crique, từng chứng tỏ là một nhà tâm lý và phân tích tài ba, có ý kiến khác:

“Lão mướt mồ hôi vậy lão sẽ khát. Nghĩa là lão sẽ quay thẳng về làng, vào quán Fricot làm một ly. Có lẽ cần một đứa trong bọn mình xuống đó canh chừng thì hay hơn đấy.”

“Rất đúng,” chủ tướng tán thành. “Ba đứa ở lại đây, ba đứa xuống đó. Những đứa khác theo tao vào rừng Teuré. Bây giờ tao biết mình cần làm gì rồi. Mình cần một đứa cực khôn canh chừng quán Fricot,” nó nói tiếp. “La Crique, mày tới đó, kéo theo Chancet và Pirouli. Tụi bay chơi bi ở đó, đừng lộ gì hết.

Boulot ở lại đây, cùng với hai đứa nữa ẩn trong mỏ đá. Tụi bay phải quan sát và lắng nghe xem lão nói gì. Khi lão đi rồi và tụi bay biết lão định làm gì thì tới gặp tụi tao ở cuối đường đi Donzé, ngay chỗ cây thánh giá kỷ niệm lễ khánh tiết ấy. Tao sẽ cho biết làm gì tiếp theo.”

La Crique băn khoăn vì nó và hai đứa bạn không mang theo bi. Lebrac liền rộng rãi đưa nó cả một tá (giá một xu cơ đấy!) để ba đứa có thể đóng trò tốt trước mắt lão trương tuần.

Rồi khi nghe chủ tướng dặn dò lần cuối, La Crique tự tin cười khẩy:

“Mày cứ yên trí! Tao sẽ lo chu đáo mà! Tao sẽ cho lão chó chết này biết tay!”

Rồi chúng tản đi tức thì.

Lebrac cùng đại bộ phận đạo quân rảo bước tới cánh rừng Teuré. Vừa tới nơi, nó ra lệnh cho lính lột những dây leo dài nhất của cây ông lão mà chúng có thể tìm được.

“Để làm gì chứ?” chúng hỏi. “Để hút à? A, tuyệt quá, mình làm thuốc lá!”

“Phải cẩn thận kẻo đứt đấy,” Lebrac cảnh cáo. “Được càng nhiều càng tốt. Để làm gì tao sẽ cho biết sau. Camus, mày leo lên cây gỡ những dây leo ấy ra. Leo cao vào, mình cần những sợi dài.”

“Dĩ nhiên, được thôi mà,” phó tướng trả lời.

“Khoan đã! Có đứa nào có dây cột không?” chủ tướng hỏi.

Đứa nào cũng có một đoạn dây dài từ một đến ba piê. Chúng chìa ra.

“Cứ tạm giữ đấy. Ừ,” nó quyết định, hẳn đó là câu trả lời cho câu hỏi nó thầm đặt ra cho chính mình. “Cứ giữ lấy và tìm dây leo đi.”

Trong khu rừng lâu năm này tìm dây leo dễ ợt, đầy ra đó. Những dây leo mềm và dai bám trên những cây sồi to, cây phong, cây bu lô, cây lê dại và hầu hết các loại cây khác, ghim chặt vào lớp vỏ sần sùi bằng những chiếc lá xoắn như đinh vít, quấn quanh cành như những con rắn thực vật sống động, vươn lên tận trời xanh để hứng ánh sáng và mỗi ban mai chúng lại uống một ngụm lớn ánh mặt trời. Dưới đất ta thấy đầy những gốc dây leo già xám xịt, cứng quèo, nứt rạn như một miếng thịt bò luộc quá lâu, còn đầu trên tưa ra như những dây roi ngựa mềm mại và dai.

Camus leo lên một cây; Tétas và Guignard cũng leo mỗi đứa một cây. Chúng hình thành ba nhóm, cùng nhau làm việc dưới đôi mắt chăm chú theo dõi của Lebrac.

Sắp leo lên đến nơi rồi.

Cho dù cây lớn đến đâu thì Camus, giống một đô vật thời cổ đại, vẫn cứ ôm bằng hai tay. Thường thì hai tay nó không đủ dài để ôm trọn thân cây.

Nhưng không hề gì! Hai bàn tay dẹp lép của nó bám như những ống giác vào các mắt trên vỏ cây; hai chân nó bắt tréo thành vòng như những chiếc cành cong của gốc nho. Một cái nhún chắc chắn của đầu gối đưa nó lên cao ba mươi đến năm mươi phân. Ở đó, vẫn hai bàn tay bám chặt, hai đầu gối ép sát và chỉ trong mười lăm đến hai mươi giây, Camus đã nắm được cành cây đầu tiên.

Giờ thì không phải đợi lâu thêm nữa: trước hết nó tì ngực và hai cẳng tay vào cành, rồi tì hai đầu gối vào thanh xà ngang thiên nhiên này đẩy người lên, chỉ ít giây sau hai bàn chân nó thay chỗ hai đầu gối. Từ đây Camus leo lên tận ngọn cây thản nhiên và dễ dàng như đi trên bậc tam cấp.

Sợi dây leo lẹ làng nằm trong tay chúng, vì một chiến hữu đứng dưới gốc cây đã lấy dao cắt dây ngang mặt đất trong lúc ba bốn đứa khác xúm lại cẩn thận kéo xuống từng đoạn dây leo dài đã gỡ từ thân cây.

Đám mục đồng nhỏ bé này đã làm như thế không biết bao nhiêu lần mỗi dịp hè, vào lễ thánh Jean, để trang điểm sừng lũ bò của chúng với cây xanh và hoa dại. Những vòng lá xanh thẫm điểm màu hoa tiêu nhân thảo, thường xuân, xa cúc lam, mào gà, cúc, cỏ lưỡi mèo. Chúng muốn tỏ ra hơn bạn về khiếu thẩm mỹ và óc sáng tạo. Vui biết mấy khi chiều đến thấy những con bò thân yêu mắt to ướt át trở về trong tiếng lục lạc lanh canh, điểm trang vòng hoa nọ trên sừng như những cô dâu về nhà chồng vào tháng Năm.

Về tới nhà, người ta treo vòng hoa lá kia lên một cái đinh to dưới mái cửa bếp - tới tận sang năm, có khi lâu hơn nữa cho thật khô - giữa những liềm hái thô kệch xám xịt lưỡi sáng lóa.

Nhưng hôm nay chúng không trang điểm cho bò.

“Gấp lên!” Lebrac thúc giục vì thấy trời đang tối rất nhanh và sương chiều đã đùn cao trên nhà máy x ay ở Velrans.

Sau khi gom chiến lợi phẩm, nó làm những con tính phức tạp, dang hai tay cẩn thận đo bề dài từng sợi dây leo. Rồi Lebrac quyết định lên đường. Chúng len giữa những hàng giậu về hướng Donzé, tới chỗ cây thập giá kỷ niệm.

 Lebrac có được bốn dây dai chắc, dài khoảng mười mét, tám dây khác ngắn hơn.

 Trên đường, chủ tướng ra sức nhắc nhở lính của nó không được làm đứt những sợi dây dài và ra lệnh cứ hai dây ngắn buộc làm một, càng chắc càng tốt. Mười sáu chiến binh cầm thứ chiến cụ này, những đứa kia nhìn ngó chúng, còn chủ tướng trầm tư suy nghĩ cho đến khi chúng tới điểm tập kết.

“Mình làm gì bây giờ, Lebrac?” đám trẻ hối.

Trời đã tối dần rồi.

“Còn tùy,” Lebrac không trả lời thẳng.

“Sắp đến giờ phải về nhà rồi,” một trong những đứa nhỏ nói.

“Những đứa kia chưa thấy tới! Cả Boulot lẫn La Crique!”

“Chúng nó có chuyện gì thế? Có chuyện gì với lão Bédouin?”

Lũ trẻ mất dần kiên nhẫn và vẻ mặt đầy bí mật của chủ tướng không giúp chúng bớt căng thẳng.

“A, Boulot với mấy đứa kìa!” Camus chợt reo lên.

“Boulot! Sao?”

“Thế này nhé,” Boulot đáp. “Lão đi lối đường cái, tận dưới kia cơ. Nếu tao không cảnh giác thì tụi mình chờ khướt. Chắc là lão lại đi qua rừng và ra tới đường cái bằng con đường mòn bắt nguồn từ khoảng rừng trống.

Tụi tao thấy lão từ chỗ mỏ đá. Lão vung tay vung chân liên tục, cứ như Kinkin_(1) lúc say khướt cò bợ. Hiển nhiên là lão cáu lắm!”

“Gibus em!” Lebrac ra lệnh. “Mày chạy đi xem thằng La Crique làm gì, bảo nó tới đây ngay, báo cáo tình hình dưới đó.”

Gibus em tuân lệnh vọt đi; sau chừng ba chục bước có tiếng gà gô khe khẽ khiến nó dừng lại.

“Mày đấy à, La Crique? Theo tao, nhanh lên! Tụi tao muốn biết tình hình dưới ấy như thế nào!”

Chỉ sau mấy giây hai đứa đã tới ngã tư đường.

Cả lũ xúm lại quanh La Crique. Thằng này liền kể.

Mười lăm phút trước lão Bédouin mặt đỏ gay như gà chọi tới chỗ ba đứa chúng nó đang tỉnh bơ chơi bi trước quán Fricot.

Chúng đồng thanh lễ phép chào lão. Lão nói:

“Giỏi lắm! Ít ra thì chúng mày cũng là những đứa trẻ ngoan ngoãn, chứ không như lũ bạn của chúng mày, cái lũ mất dạy ấy sẽ có ngày tao tống vào nhà giam!”

La Crique mở to mắt như cổng nhà kho nhìn lão vẻ ngạc nhiên lắm rồi nói chắc là ông Zéphirin nhầm đấy, vì lũ bạn nó giờ này đều phải về nhà giúp mẹ lấy nước, bổ củi cho ngày mai hoặc giúp bố chăm sóc lũ bò.

“Ra thế!” lão Zéphirin nói. “Vậy chứ hồi nãy đứa nào ở trên khu rừng Saute?”

“Việc ấy cháu không biết, thưa ông trương tuần; song nếu đó là lũ nhóc Velrans thì cháu chẳng có gì ngạc nhiên. Ông thử nghĩ xem, mới hôm qua anh em Gibus trên đường về Vernois bị chúng ném đá. Đúng là lũ mất dạy, đạo đức giả,” nó vờ vĩnh nói thêm, đánh vào lòng ghét cố đạo của người cựu binh già.

“Lạy Chúa, biết ngay mà,” lão Bédouin gầm gừ, nghiến mấy chiếc răng còn sót trong miệng - ta nên nhớ rằng Longeverne là đất của phe Đỏ, còn Velrans là đất của phe Trắng. “Phải rồi, tổ bà chúng, tao biết ngay mà! Bọn ôn con! Tôn giáo của chúng là thế đấy: chổng mông vào mặt người đứng đắn! Đúng là nòi của bọn áo chùng thâm, nòi của lũ lưu manh! Bọn chó má! Ông mà tóm được thì chết với ông!”

Nói xong, lão bảo ba đứa chúng nó cứ chơi vui tiếp và phải ngoan ngoãn, rồi lão vào quán Fricot làm một chầu.

“Lão gần chết khát,” La Crique kể tiếp. “Một cốc chẳng thấm thía gì đâu, bây giờ chắc chắn lão uống cốc thứ hai rồi. Trước khi tới đây tao đã bảo Chanchet và Pirouli ở dưới đó canh chừng và báo cho bọn mình biết nếu lão rời quán trước lúc tao quay lại.”

“Hay lắm,” Lebrac nói, mặt nó tươi hẳn. Đứa nào trong bọn bay còn ở lại đây được một lúc? Không cần tất cả đâu. Ít thôi.”

Tám đứa quyết định ở lại, dĩ nhiên toàn những thủ lĩnh cả.

Gambette mới đầu lưỡng lự, vì nhà nó ở xa! Nhưng Lebrac bảo rằng hai anh em Gibus cũng ở lại và sẽ rất cần đến nó vì nó chạy nhanh nhất. Nó khuất phục trước tài thuyết giảng của chủ tướng, kiên cường chấp nhận ăn đòn nếu bố nó không tin điều nó biện bạch.

“Xong, mấy đứa kia về được rồi đấy,” Lebrac quyết định. “Tụi tao không cần chúng bay nữa thành ra không cần thiết để bay phải ăn đòn ở nhà. Mai tụi tao sẽ kể cho biết sự việc diễn tiến ra sao. Tối nay tụi bay ở đây chỉ làm rối chân rối tay thôi. Về ngủ ngon đi, lão sẽ phải trả nợ bọn mình mà. Nhất là,” nó nói thêm, “phân tán ra, đừng đi chung một đám, kẻo có người để ý, điều này ta phải tránh.”

Khi chỉ còn lại Lebrac, Camus, Tintin, La Crique, Boulot, anh em Gibus và Gambette thì chủ tướng mới triển khai kế hoạch của nó.

Tất cả lũ chúng khẽ khàng đi theo đường lớn về làng, kéo theo những sợi dây leo. Rồi chúng sẽ đứng canh ở hai đống phân chuồng đối diện nhau tại những địa điểm đã được chọn lựa.

 Hai nhóm, mỗi nhóm hai đứa đủ để kéo căng sợi dây đặt ngang đường, khi lão trương tuần đi qua nhất định sẽ vấp. Lão sẽ lăn long lóc, khiến càng có vẻ say hơn. Chúng sẽ giăng bẫy ở bốn nơi tất cả.

Chúng theo đường đi xuống làng. Ở đống phân nhà Jean-Baptiste chúng đặt một dây, ở đống phân nhà Groscoulas sợi thứ hai. Boulot và Gibus em lo cái bẫy cuối cùng, còn La Crique và Gibus anh phụ trách bẫy áp chót. Trong khi chờ đợi cả bọn tiếp tục đi. Rồi Boulot, chỉ huy các trận mai phục, cùng một chiến hữu dừng lại ở đống phân nhà Botot, trong khi La Crique và bạn nó đứng canh ở đống phân nhà Doni.

Những đứa khác đi thay ca cho Chanchet và Pirouli. Chúng bảo hai đứa về nhà ngay rồi ngó qua cửa sổ nhìn vào quán xem lão Bédouin đang làm gì trong đấy.

Lão đang làm ly absinthe_(1) thứ ba và khoác lác hệt như một đại biểu quốc hội về những chiến dịch có thật và bịa đặt của lão - bịa đặt nhiều hơn, vì chúng nghe thấy lão nói:

 “Ấy, một ngày nọ, khi lão định đi từ Alger về Marseille nghỉ phép thì lão đến cảng, khốn nạn thật, đúng lúc tàu vừa mới rời bến.

Làm sao bây giờ đây? Lúc ấy ở trên bờ có một mụ bản xứ đang giặt quần áo. Không ‘oong đơ’ gì hết, lão nhấn ngay cổ mụ vào chậu gỗ, hắt thùng giặt của mụ rồi lão nhảy luôn vào thùng, dùng báng súng chèo theo luồng nước của con tàu. Thế rồi lão tới Marseille gần như trước cả con tàu.”

Nghĩa là chúng còn thì giờ. Gambette nấp sau một đống cành cây con. Khi nào lão Zéphirin rời quán rượu thì nó phải ra hiệu ngay cho hai nhóm cũng như Lebrac và đồng bọn.

Trong khi chờ đợi nó được nghe lão Bédouin kể về lần cuối cùng lão gặp người bạn cũ là Hoàng đế Napoléon III.

“Lần ấy lão đi ngang Paris, gần điện Tuileries, lão đang ngẫm nghĩ xem có nên vào đấy chào Ngài một tiếng không thì chợt có ai vỗ vào vai lão. Lão quay lại...

Chính là Ngài! ‘Hay quá thể!’ Ngài kêu lên. ‘Lão Zéphirin chết tiệt! Nay trời xui đất khiến mình lại gặp nhau! Vào đây, ta làm một chầu!’

Vào tới trong Ngài gọi Hoàng hậu: ‘Génie mình ơi! Zéphirin đây này; chúng tôi muốn cụng ly! Mình rửa nhanh cho hai cái cốc nhé!’”

Trong lúc đó ba thằng nhóc đi ngược lên phía nhà lão trương tuần.

Lebrac lách người qua cửa sổ mái nhà kho dụng cụ, và từ bên trong nó mở một chiếc cửa nhỏ nằm khuất cho lũ bạn, rồi cả ba đứa đi từ hành lang này đến hành lang khác vào phòng của lão Bédouin. Ở đây, chúng lui cui suốt mười lăm phút tiến hành một âm mưu bí mật với những bình tưới, xoong chảo, đèn, bình dầu, tủ, giường và bếp lò của lão.

Khi Gambette giả tiếng gà gô báo tin nạn nhân của chúng trở về, chúng kín đáo rút ra như đã kín đáo đột nhập vào.

Chúng chạy ào tới kịp trạm canh thứ hai của Boulot, trước cả lão Bédouin.

Cuối cùng lão Zéphirin còn kể cho ông chủ quán Fricot vài câu chuyện về “Arbis” và những con lang, chuyện cá mập làm ô uế vũng tàu ở Alger, vì một ngày nọ, khi lão cùng bạn bè ra đây tắm thì một trong số những con vật khốn kiếp này đã cắn cụt “ông kẹ” của một trong số những người bạn lão, khiến cả biển đỏ như máu. Rồi lão loạng choạng lê bước ra về dưới đôi mắt cười cợt của vợ chồng chủ quán.

Khi tới nhà Doni lão ngã lộn nhào lần đầu - rầm! Lão chửi thậm tệ con đường mà bố Bréda (một tay vô tích sự, chỉ vào lính có bảy năm và tham gia chiến dịch ở Ý, chẳng đáng nói!) phụ trách tu sửa như mèo mửa. Một lúc lâu sau lão nhỏm dậy đi tiếp.

“Tôi tin rằng bao nhiêu rượu trong người lão bay hết sạch rồi,” ông Fricot vừa nhận xét vừa đóng cửa lại.

Lão đi được thêm một đoạn thì vướng phải sợi dây Boulot căng rất hiểm độc làm lão ngã lộn xuống dòng nước phân. Trong khi đó hai thủ phạm bí ẩn đã lặng lẽ kéo dây chạy đi.

Tới đống phân nhà Groscoulas lão lại ngã lần nữa. Lão lớn tiếng chửi bới cái làng chết bầm tối như hũ nút này.

Trong lúc ấy nhiều người nghe tiếng lão om sòm đã ra đứng ở ngưỡng cửa. Họ nói:

“Chậc, tôi nghĩ là tối nay lão cựu binh này uống nhiều quá nên mới say bí tỉ thế kia!”

Rồi mười lăm hay hai mươi cặp mắt lại chứng kiến lão Bédouin chỉ mới sau hai chục bước đã lại không thừa nhận luật cân bằng, ngã lộn nhào lần nữa - những pha lộn nhào chẳng ai đếm xuể trong đời kẻ say rượu.

“Nhưng mình có say đâu chứ, quỷ thật!” Lão than thở sờ những vết sưng trên trán và cái mũi bầm giập. “Mình hầu như chẳng uống gì. Chẳng qua tại khí giận xông lên đầu đấy thôi! Lũ mất dạy!”

Đầu gối quần rách teng beng, lão mất gần năm phút moi tìm chìa khóa nằm sâu trong túi, dưới cái khăn tay lớn kẻ ô, giữa những dao, ví, hộp thuốc lá hít(1)_, tẩu, hộp thuốc tẩu và bao diêm.

Cuối cùng lão cũng vào được trong nhà.

Những kẻ tò mò dõi theo lão, trong đó có tám thằng nhóc, thấy lão mới đi được vài bước thì các bình nước tưới rơi ầm ầm. Chính chúng liệu trước nên đã để các bình nước cho lão vấp phải. Cuối cùng lão cũng mở được đường tới cái hốc trên tường là nơi lão cất diêm.

Lão quẹt một que vào quần, vào hộp diêm, vào ống lò, vào tường, nó nhất định không chịu cháy. Lão quẹt thêm que thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, cũng không cháy nốt, dù lão đã quẹt hết nơi này tới nơi khác.

“Cứ quẹt nữa đi,” Camus chế giễu. Nó đã nhúng hết diêm của lão vào nước rồi. “Cứ quẹt nữa đi, hay lắm!”

Lão Zéphirin chán quá liền móc diêm trong túi, quẹt lên định thắp đèn dầu. Nào ngờ ngọn bấc ương ngạnh không chịu bắt lửa.

Zéphirin càng lúc càng điên tiết:

“Đồ cà chớn, đồ bỏ đi, đồ dỏm! Mày không chịu cháy à, đồ khốn kiếp? Mày thực sự không chịu cháy đấy! Được, xem đây này! Xem đây này, đồ khốn!” Nói xong lão dùng hết sức ném cái đèn vào bếp lò khiến nó vỡ tan tành.

“Trời đất, lão dám đốt cháy nhà mất thôi!” một đứa nói.

“Không việc gì phải sợ,” Lebrac thầm nghĩ, vì nó đã thay dầu bằng rượu vang trắng còn trong một cái chai.

Sau hành động này lão mò mẫm trong bóng tối, vấp phải lò, hất đổ bàn ghế, vướng chân phải một cái bình tưới, nghiêng ngả giữa đống nồi niêu, lão la lối, lão chửi trời chửi đất, ngã dúi dụi, lại đứng lên, ra khỏi nhà rồi lại quay vào, cuối cùng lão kiệt sức cứ quần áo như thế lăn r a giường. Sáng hôm sau một người hàng xóm thấy lão nằm ngáy như kéo bễ giữa một đống hỗn mang chẳng có chút ý đồ nghệ thuật nào.

Chỉ một lát sau cả làng kháo nhau rằng tối hôm qua lão Bédouin say bí tỉ, khiến trên đường từ quán Fricot về nhà đã ngã tới tám lần, tới nhà lão làm lung tung lên hết cả, đánh vỡ đèn, đái ra giường và ị vào nồi xoong. Lebrac và lũ bạn cười thầm.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/t26086-cuoc-chien-khuy-cuc-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận