Tiền bạc là thần kinh của cuộc chiến tranh.
Bismark
Sáng hôm sau, trên đường đến trường các chiến hữu được nghe kể dần dần câu chuyện về lão Zéphirin. Cả làng say sưa xì xào, bàn tán những đoạn khác nhau của lần lão say bí tỉ này. Chỉ có nhân vật chính là ngủ ngáy như kéo bễ, không biết gì hết về những thiệt hại xảy ra trong nhà và cũng không biết rằng những chuyện động trời qua cách cư xử của lão ngày hôm trước đã chôn vùi thanh danh lão.
Những đứa lớn xúm quanh Lebrac trong sân trường. Chúng vừa ôm bụng cười vừa kể thật to để thầy giáo cũng nghe thấy mọi chi tiết liên quan đến những chuyện tai tiếng bị rêu rao khắp nơi mà thầy cũng đã biết này. Chúng khoái chí nhấn mạnh vào những chi tiết thô tục và sống sượng: chi tiết cái nồi và cái giường. Đứa nào không nói thì nhe răng cười. Những đôi mắt kiêu hãnh sáng ngời ngọn lửa chiến thắng, vì nghĩ rằng tất cả bọn chúng đều ít nhiều góp phần vào cuộc trả thù công minh và thích đáng này.
Ồ, giờ thì lão Zéphirin cứ việc mà gào thét! Một kẻ say bí tỉ đến nỗi người ta phải lôi lên như lôi con bò từ rãnh nước phân của xã và mất phương hướng đến nỗi tưởng giường là bồn tiểu và xoong nồi là chậu bô thì còn mong được kính trọng gì nữa?
Chỉ những đứa lớn nhất, cũng là những chiến binh quan trọng nhất, khẽ yêu cầu được giải thích chi tiết hơn. Lát sau tất cả đều được biết phần cống hiến của từng đứa trong tám đứa cho công cuộc báo thù này.
Chúng biết rằng chuyện bình nước tưới và hộp diêm là công phu của Camus, Tintin đã canh chừng lúc lão về, Gambette lo ra ám hiệu và hết thảy các bước đi trọng đại đều là thành quả từ trí tưởng tượng của Lebrac.
Có lẽ rồi lão sẽ nhận thấy chỗ rượu vang còn trong chai hôi mùi dầu; lão sẽ tự hỏi không biết con mèo khỉ gió nhà ai đã ăn vụng hũ pho mát của lão và tại sao nồi xúp hành còn dư lại mặn khiếp thế...
Nhưng chưa hết. Lão Bédouin có giỏi cứ thử phá đám Lebrac và bọn chúng lần nữa xem! Chúng sẽ nghĩ ra cách trả thù khác tinh diệu hơn! Quả thật Lebrac đã nung nấu trong đầu ý định dùng đất sét bít ống khói nhà lão hay gỡ tung chiếc xe kéo của lão rồi dấu biệt tích mấy cái bánh xe hoặc là tám ngày liên tục đêm nào cũng lấy ngói cạ vào tường nhà lão, chưa kể sẽ bẻ cây trái và phá nát các luống rau trong vườn của lão.
“Chiều nay tụi mình được yên rồi,” nó kết luận. “Lão không dám chường mặt ra đâu. Một là vì lão chưa hoàn hồn sau chuyến ngã lộn đầu xuống rạch nước phân, hai là lão còn khối việc phải làm ở nhà. Khi bận bịu chuyện nhà thì sẽ không nhúng mũi vào chuyện người khác được!”
“Thế chiều nay mình lại ở truồng à?” Boulot hỏi.
“Dĩ nhiên rồi,” Lebrac đáp. “Hôm nay chắc chắn sẽ không ai phá đám tụi mình.”
“Ờ, nhưng mà...” có đôi ba đứa rụt rè lên tiếng. “Mày phải biết là chiều hôm qua không ấm gì mấy. Trước khi tấn công tụi tao cóng cả người.”
“Đúng thế,” Tintin nói, “da tao nổi gai như gà bị vặt lông, chim tao teo lại tưởng chừng không còn nữa!”
“Với lại chiều nay bọn Velrans chắc chắn sẽ không tới đâu. Chúng vẫn còn tởn vì trận hôm qua. Chúng không biết cái gì đã đổ ập lên đầu chúng. Chúng cứ ngỡ bọn mình từ mặt trăng rơi xuống!”
“Ờ thì trông bọn mình cũng giống thế thật!” La Crique nhận xét.
“Không, nhất định chiều nay chúng sẽ suy tính xem mai làm gì. Mình có ra đó thì cũng chỉ đứng nghêu ngao đến mốc meo thôi!”
“Nếu chiều nay lão Bédouin không ra đó thì có thể người khác - lão đã ăn nói linh tinh trong quán Fricot - và mình càng có nguy c bị tóm. Đâu phải ai cũng cù lần như lão trương tuần!”
“Với lại tao không thích ở truồng đánh nhau lần nữa đâu, không!” Mắt Cá ngáo nói rành rọt, khác nào phất cao ngọn cờ làm loạn hay ít ra là phản đối không khoan nhượng.
Nghiêm trọng đây! Rất nhiều chiến hữu xưa nay vẫn ngoan ngoãn chấp hành các quyết định của Lebrac nay lại ủng hộ Mắt Cá ngáo. Lý do của sự bất đồng là trong trận tấn công chiều hôm qua ngoài chuyện lạnh run, có đứa còn đạp phải gai hay bị thương ngón chân vì cây cúc gai hay đau gót chân vì giẫm trên sỏi.
Nếu cứ tiếp tục kiểu này thì chẳng bao lâu cả đạo quân sẽ cà nhắc mất! Thế thì quá tệ! Thực sự là không được, hết vui!
Ý kiến của Lebrac hầu như không có ai theo nên nó phải thừa nhận rằng phương cách nó ca ngợi quả thật có nhiều bất lợi, nên tốt hơn cả là nghĩ ra cách nào khác.
“Nhưng cách nào? Nếu tụi bay khôn thì nghĩ ra xem nào!” Lebrac nói, trong thâm tâm hơi phật ý vì sách lược của nó chết yểu.
Cả lũ trầm ngâm.
“Chúng mình có thể mặc áo sơ mi đánh nhau,” La Crique đề nghị. “Như thế ít nhất áo khoác vẫn nguyên vẹn và chúng mình chỉ cần dây buộc giày và kim băng gài quần thôi, vẫn có thể về nhà được.”
“Để rồi hôm sau bố Simon sẽ phạt mày vì tội đi học mà ăn mặc lôi thôi và sẽ mách ông bà già mày, hở? Rồi ai khâu cúc áo sơ mi và áo len cho mày? Dây đeo quần nữa?”
“Thế cũng không được,” Lebrac nói xen vào. “Hoặc cởi hết hoặc không. Tụi bay không muốn ở truồng thì sẽ phải mặc đủ lệ bộ.”
“Chậc! Giá mà mình có được ai đó giúp vá lại lỗ khuy và khâu lại cúc!” La Crique nói.
“Và chuộc cho mày dây giày, nịt đeo tất và dây đeo quần, chứ gì? Sao không giúp mày đi đái và chùi đ... khi ‘ngài’ thải đồ trong ruột ra luôn, hở?”
“Tao sẽ nói cho tụi bay biết mình cần gì, vì dĩ nhiên bay vẫn chẳng nghĩ ra được gì ráo,” Lebrac nói. “Mình cần tiền!”
“Tiền à?”
“Phải! Đúng thế đấy! Mình cần tiền! Có tiền ta có thể mua đủ loại cúc, chỉ, kim, khuy móc, dải đeo quần, dây giày, dây cao su nịt vớ... tất cả mọi thứ, bay nên biết thế, tất cả mọi thứ!”
“Đúng thế, ai chẳng biết. Nhưng để mua mấy thứ linh tinh như mày nói thì mình cần khối tiền. Có khi tới cả trăm xu.”
“Trời đất ơi, cả một gia tài kếch sù! Nhiều thế mình chẳng bao giờ có nổi.”
“Tất nhiên, chẳng ai cho chúng ta liền một lúc cả, đừng mơ tưởng hão,” Lebrac thừa nhận. “Nhưng nghe kỹ này. Vẫn có một cách để có được hầu như tất cả những thứ mình cần.”
“Cái cách mà mày...”
“Nghe đã này! Không phải ngày nào mình cũng bị bắt làm tù binh, hơn nữa thỉnh thoảng mình lại tóm được một thằng Mặt Bánh đúc nho nhỏ, rồi...”
“Rồi sao?”
“Rồi mình giữ lấy khuy, khóa, khuy móc, dây đeo quần của bọn chó chết Velrans. Mình không cắt khúc dây giày của chúng nữa mà giữ để phòng hờ.”
“Chưa đỗ ông nghè thì chớ vội đe hàng tổng!” La Crique ngắt lời. Nó còn nhỏ mà đã uyên bác ra phết. “Có thể ngày mai ngày kia mình đã cần cúc rồi. Thành ra cách chắc chắn nhất để có được là mua.”
“Mày sẵn tiền chắc?” Boulot giễu cợt hỏi.
“Tao có bảy xu trong hộp tiết kiệm hình con nhái. Nhưng tao không lấy được vì con nhái không dễ chịu nhả. Với lại mẹ tao biết trong đó có bao nhiêu. Mẹ tao cất trong tủ. Mẹ tao bảo sẽ dùng tiền này để mua cho tao chiếc mũ vào lễ Phục sinh... hay chẳng biết bao giờ. Tao mà moi lấy một xu thì sẽ chết với bà.”
“Chán mớ đời, lúc nào cũng thế!” Tintin chửi đổng. “Khi có ai đó cho mình tiền thì mình chẳng bao giờ được phép giữ cả! Lúc nào ông bà già cũng vơ hết! Họ kể lể rằng đã hy sinh biết bao để nuôi ta khôn lớn và họ cần tiền này để mua áo quần, giày dép cho ta và những gì nữa chỉ có quỷ mới biết! Tao cần quái gì ba cái thứ vớ vẩn ấy! Tao muốn họ đưa trả tao tiền để tao có thể mua những món ích lợi mà tao thích: sô cô la, bi hay dây thun cho giàn ná. Đấy! Song, chỉ những xu thỉnh thoảng mình kiếm được bằng cách này cách nọ mới là của mình thôi, nhưng cũng chớ có dại giữ lâu trong túi!”
Một tiếng còi cắt ngang cuộc thảo luận. Đám học trò xếp hàng vào lớp.
“Mày biết không,” Gibus anh tiết lộ với Lebrac, “tao có hai xu của riêng tao, không ai biết cả. Tại vì mới đây tay Théodule ở Ouvans tới xay ở nhà tao. Tao giữ ngựa cho hắn nên hắn cho tao mấy xu này. Tay Théodule chịu chơi lắm, lúc nào cũng cho một cái gì đó... mày biết hắn mà, cái tay cộng hòa hễ say là khóc ấy!”
“Câm mồm, Adonis,” bố Simon nói - tên của Gibus anh là Adonis. “Nếu không tao phạt đấy!”
“Cục cư...!” Gibus anh khẽ rít giữa hai hàm răng.
“Mày lẩm bẩm gì thế, hử?” thầy giáo hỏi vì thấy Gibus anh mấp máy môi. “Để lát nữa tao hỏi về nhiệm vụ của người công dân xem mày có lắm mồm như thế này không nhé.”
“Im đi!” Lebrac thì thầm với nó. “Tao có sáng kiến.”
Chúng bước vào lớp.
Vừa ngồi vào chỗ, bày sách vở trước mặt xong Lebrac xé ngay ở giữa quyển vở nháp một tờ đôi. Nó gập lại rồi xé thành ba mươi hai miếng lớn như nhau. Trên đó nó viết câu hỏi quan trọng này:
“Macoxukho?” (Nghĩa là “mày có xu không?”)
Sau đó nó gập những mảnh giấy này lại rồi đề tên ba mươi hai đứa bạn cùng lớp. Sau khi huých mạnh vào sườn Tintin, Lebrac kín đáo lần lượt đẩy cho bạn ba mươi hai mẩu tin nhắn, trịnh trọng nhờ: “Chuyển cho đứa bên cạnh!”
Xong, nó lại viết lên một tờ giấy lớn ba mươi hai tên này lần nữa. Rồi trong lúc thầy giáo đặt câu hỏi, nó cũng đưa mắt hỏi từng đứa một, rồi tùy câu trả lời “có” hay “không” mà đánh dấu (+) hay (-) sau tên đứa đó. Sau cùng, nó đếm các dấu cộng: hai mươi bảy cái.
“Tuyệt!” nó nghĩ. Rồi nó suy nghĩ rất lung, làm những con tính dài lê thê để xây dựng một kế hoạch nó đã phác ra những nét lớn vài giờ trước đây.
Tới giờ ra chơi nó không cần triệu tập các chiến sĩ của mình. Tất cả bọn chúng tự động chạy tới góc sân quen thuộc sau nhà vệ sinh, xúm quanh nó, trong khi đó những đứa nhỏ nhất - tuy cũng là đồng lõa rồi nhưng chưa có quyền biểu quyết - chơi phía trước làm thành một hàng rào che chắn.
“Nghe đây này,” chủ tướng lên tiếng. “Hai mươi bảy đứa đóng góp được, ấy là tao chưa thể gửi thư hết cho mọi đứa đấy nhé. Mình có bốn mươi lăm đứa. Đứa nào trong bọn bay có tiền nhưng chưa nhận được thư của tao? Giơ tay!”
Có tám đứa giơ tay.
“Vậy là hai mươi bảy với tám. Xem nào, hai mươi bảy với tám... hai mươi tám, hai mươi chín, ba mươi...” nó vừa lẩm bẩm vừa đếm ngón tay.
“Ba mươi lăm!” La Crique xen vào.
“Ba mươi lăm... mày chắc không đấy? Vậy là ba mươi lăm xu tất cả. Ba mươi lăm xu tuy chưa phải là một trăm, nhưng dẫu sao cũng khá rồi. Bây giờ tao đề nghị thế này:
Chúng ta sống trong một nước Cộng hòa, chúng ta bình đẳng, vừa là bạn vừa là anh em: Tự do, Bình đẳng, Bác ái mà! Để mọi chuyện được trôi chảy thì mình phải giúp đỡ lẫn nhau, hiểu không? Bây giờ mình biểu quyết quy định một thứ thuế, phải rồi, một thứ thuế để góp thành một túi tiền, một cái quỹ, một cái quỹ chung mà mình sẽ dùng để sắm sửa kho tàng chiến tranh. Vì chúng ta bình đẳng nên mỗi đứa đóng góp như nhau và khi lâm nguy đứa nào cũng có quyền được sửa sang, chỉnh trang áo xống để về nhà khỏi bị đòn.
Marie, em gái Tintin, đã hứa sẽ cùng tới và sẽ vá cho những đứa bị bắt; tụi bay thấy đấy, như thế là chúng ta có thể yên tâm hành sự được rồi. Nếu bị bọn chúng tóm thì cũng chẳng sao, cứ mặc cho chúng làm gì thì làm, đừng nói năng gì cả, rồi nửa tiếng sau sẽ lại về nhà áo quần tinh tươm với cúc, khoen và khóa mới. Ai ngu? Bọn Velrans chứ còn ai nữa!”
“Tuyệt lắm! Nhưng còn tiền, bọn tao làm gì có, mày biết mà, phải không Lebrac?”
“Xì! Cà chớn vừa vừa thôi chứ! Chẳng lẽ tụi bay không thể hy sinh chút ít cho Tổ quốc à? Chẳng lẽ tụi bay phản quốc sao? Để khởi đầu và để quỹ có được ngay chút tiền tao đề nghị kể từ mai mỗi đứa đóng vào quỹ một xu mỗi tháng. Sau này khi ta khá giả rồi và tóm được vài đứa tù binh thì cứ hai tháng đóng một xu cũng đủ.”
“Khoan đã, bồ tèo ơi! Mày là ‘chiệu phú’ chắc? Mỗi tháng một xu! Nhiều lắm chứ tưởng à! Suốt đời tao cũng chẳng có nổi mỗi tháng một xu để đóng!”
“Nếu mỗi đứa bọn bay không chịu gắng lên một tí thì mất công đánh nhau làm quái gì. Hãy nhìn nhậ n quách là tụi bay chỉ có bột khoai tây trong huyết quản, chứ không phải máu, mà máu Pháp cơ. Chúa ạ! Tụi bay là dân ‘Đức... cống’ hay sao? Phải hay không phải? Tao chịu không hiểu nổi sao lại có đứa ngần ngại cống hiến điều mà nó có để bảo đảm thắng lợi! Tao sẽ góp cả hai xu liền… nếu tao có.”
“...”
“Nói thế đủ rồi, mình biểu quyết thôi.”
Đề nghị của Lebrac được thông qua với ba mươi lăm phiếu thuận và mười phiếu chống. Những phiếu chống dĩ nhiên là của mười đứa không có nổi một xu.
“Về chuyện của tụi bay,” Lebrac dứt khoát, “tao cũng đã nghĩ rồi. Mình sẽ sắp xếp chuyện này vào lúc bốn giờ ở mỏ đá Pepiot. Hay là mình nên tới chỗ cởi quần áo hôm qua? Ở đó có lẽ tốt hơn, yên tĩnh hơn đấy.
Mình sẽ cử người gác để tránh bị bất ngờ nếu chẳng may bọn Velrans tới. Nhưng tao không tin đâu.
Xong rồi, đừng lo. Chiều nay mình sẽ giải quyết mọi chuyện!”
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !