Quả thật từ ngày đến đây tôi đã tiêu pha khá nhiều: tám trăm quan một buổi sáng kia, ngày khác một nghìn quan, rồi một ngày khác nữa ba trăm écu.
Thư của Madame de Sévigné gửi Madame_de Grignan (ngày 15 tháng Sáu năm 1680)
Vừa vào tới sân trường Tintin yêu cầu ngay những đứa đem theo vở nộp cho nó một tờ giấy nháp để nó làm liền một quyển sổ cái cho quỹ, trong đó nó sẽ ghi mọi chi thu của đạo quân Longeverne.
Rồi nó nhận tận tay của những đứa đóng thuế số tiền ba mươi lăm xu đã dự kiến, thu của những đứa nộp bằng hiện vật bảy chiếc cúc khác nhau về hình dáng và kích thước cộng với ba mẩu dây. Nó đăm chiêu suy nghĩ.
Cả buổi sáng nó cầm bút chì tính tính toán toán, gạch chỗ này một tí, thêm chỗ nọ một ít. Tới giờ ra chơi nó hội ý với Lebrac, Camus, La Crique và những đứa có “máu mặt” trong nhóm, hỏi về giá cả cúc, kim băng, dây thun, so sánh độ bền của dây giày rồi cuối cùng quyết định nhờ cô em Marie của nó cố vấn, vì cô bé nhiều kinh nghiệm hơn chúng về những thứ này và cả chuyện bán buôn nữa.
Sau một ngày tham khảo ý kiến và động não gớm ghê khiến nó nhiều lần bị trách mắng và bị dọa phạt ngồi lại lớp, nó đã nguệch ngoạc gần xong dự thảo quỹ, trừ khi phải thêm bớt gì, đầy bảy trang giấy để trước giờ học sáng hôm sau nó sẽ đưa cho toàn thể chiến hữu kiểm tra và thông qua:
Quỹ chi thu của đạo quân Longeverne
Cúc áo sơ mi 1 xu
Cúc áo len và áo khoác 4 xu
Cúc quần 4 xu
Móc gài 4 xu
Dây đeo quần 5 xu
Dây thun nịt tất 8 xu
Dây giày 5 xu
Khuy móc áo khoác 2 xu
Tổng cộng 33 xu
Dự phòng cho chuyện chẳng may 2 xu
“Nhưng mày quên kim với chỉ rồi,” La Crique nói. “Nếu tao không nghĩ tới thì hỏng hết, đúng không? Lấy gì đính cúc đây?”
“Ừ nhỉ,” Tintin công nhận. “Vậy là mình phải sửa đổi chút ít.”
“Tao nghĩ mình cứ để nguyên hai xu dự phòng,” Lebrac nói.
“Ừ, tao cũng nghĩ thế,” Camus tán thành. “Ý này hay đấy. Mình mất cái này cái nọ như không, do túi quần thủng lỗ chẳng hạn... Mình phải nghĩ tới mọi tình huống.”
“Tụi bay thấy sao,” La Crique nói, “mình có thể bớt hai xu cho áo len không, đằng nào cũng chẳng ai thấy! Mình cài một hai cúc trên cũng đủ rồi. Đâu cần phải cài hết từ trên xuống dưới như lính pháo thủ!”
Camus có người anh phục vụ trong binh chủng pháo binh. Nó uống từng lời, dù nhăng cuội, của anh nó. Nghe nhắc đến hai chữ “pháo thủ” nó liền vui vẻ khe khẽ hát một bài nghe được khi anh nó về nhà nghỉ phép:
Không gì đẹp bằng
Anh lính pháo binh cưỡi lạc đà!
Không gì chán bằng
Tay lính bộ binh trên đống... c...!
Cả đám, vốn say mê mọi chuyện liên quan tới nhà binh và hào hứng với những điều mới mẻ, liền muốn học ngay bài hát này. Camus phải hát đi hát lại nhiều lần. Rồi chúng lại quay về chuyện quỹ. Chúng bàn từng khoản một và thấy rằng bốn xu cho khuy móc quần là quá nhiều. Mỗi cái quần chỉ cần một móc, mà nhiều đứa nhỏ không mặc thứ quần có móc gài phía sau. Cho nên chúng cắt khoản này hai xu. Như vậy vẫn hợp lý và thừa ra được bốn xu cho những thứ như sau:
1 xu chỉ trắng.
1 xu chỉ đen.
2 xu kim khâu.
Ngân sách được cả bọn chấp thuận. Tintin nói thêm rằng sẽ kê khai số cúc và dây nhận của những đứa trả bằng hiện vật. Sáng mai, sổ chi thu của nó sẽ đâu vào đấy và bất cứ lúc nào mọi người cũng có thể xem và kiểm tra quỹ cùng mọi tính toán chi thu.
Ngoài ra nó còn tiết lộ rằng cô em Marie của nó, người phụ trách bán buôn của đạo quân, nếu bọn nó muốn, đã hứa sẽ khâu cho nó một cái bao giống bao chúng vẫn dùng đựng bi, để nó cất giữ kho tàng phục vụ chiến tranh. Cô bé còn chờ xem kho tàng nhiều ít thế nào để cái bao không quá lớn hay quá nhỏ.
Chúng hoan hô nhiệt liệt tấm thịnh tình này và Marie, ai cũng biết là bạn gái của chủ tướng Lebrac, được long trọng phong làm “người bán buôn danh dự” của quân Longeverne. Rồi Camus tuyên bố rằng cô em họ Tavie của nó cũng muốn giúp em gái Tintin trong việc này càng thường xuyên càng tốt, chúng liền hoan hô luôn. Nhưng thằng Bacaillé chẳng những không hoan hô mà còn liếc xéo Camus nữa. Thái độ của nó không thoát khỏi La Crique cảnh giác và Tintin thủ kho. Hai đứa đều tự nhủ hẳn là có chuyện gì đó ám muội.
“Trưa nay tao sẽ cùng với La Crique tới quán của mẹ Maillot mua mấy món kia,” Tintin nói.
“Nên tới quán mụ Jullaude hơn,” Camus nói. “Tao nghe nói mụ có nhiều hàng để chọn hơn.”
“Phường buôn bán toàn bọn vô lại và trộm cắp cả thôi,” Lebrac nói xen vào. Hẳn nó đã có thành kiến và ít nhiều kinh nghiệm sống rồi. “Nếu muốn, mày cứ thử mua một nửa ở hiệu này, một nửa ở hiệu kia. Rồi xem hiệu nào lừa ít để trong tương lai mình cứ theo thế mà làm.”
“Có lẽ mình nên mua một lượng lớn,” Boulot nói. “Mình sẽ được giá hời.”
“Chậc! Tintin à, mày làm thủ kho thì cứ theo ý mày mà làm. Xong thì cho tụi tao xem sổ sách là được rồi. Tạm thời tụi tao không nên nhúng mũi vào làm gì!”
Cái cách Lebrac đưa ra ý kiến này đã chấm dứt buổi thảo luận, bằng không sẽ kéo dài chẳng biết bao giờ mới xong. Với lại cũng đã đến lúc rồi, vì bố Simon thấy nghi nên cứ đi tới đi lui, tai giỏng lên lắng nghe, không thèm làm bộ làm tịch gì cả, cố tóm được dăm ba câu trong cuộc bàn luận của chúng.
Ông thất bại hoàn toàn, nhưng ông quyết định sẽ đặc biệt chú ý Lebrac vì nó có những dấu hiệu lồ lộ và vẻ hưng phấn chẳng chút liên quan gì đến trường lớp cả.
La Crique, bị gọi như vậy vì nó gầy đét như con chim cu, nhưng bù lại, là một đứa nhanh trí và có tài quan sát hơn tất cả bọn chúng gộp vào, đã đánh hơi được suy tính của thầy giáo. Vì trong lớp Tintin ngồi cạnh chủ tướng nên nếu đứa này lâm nguy, đứa kia có thể bị vạ lây và khó lòng giải thích được vì sao trong túi nó có nhiều tiền thế. Do đó trong tiết học, La Crique khuyên nó hãy dè chừng, vì thấy ý đồ của thầy giáo thật đáng ngại.
Mười một giờ Tintin với La Crique tới tiệm của mụ Jullaude. Sau khi lễ phép chào và hỏi mua một xu cúc áo xong, chúng hỏi giá dây thun.
Thay vì trả lời, mụ hàng xén tò mò chăm chú nhìn chúng rồi vờ vĩnh hỏi Tintin một câu gài bẫy:
“Cho mẹ mày à?”
“Không!” La Crique sinh nghi nên trả lời hộ bạn. “Cho em gái nó.”
Rồi khi mụ Jullaude cười cười nói giá thì nó huých nhẹ Tintin, thì thầm:
“Mình đi thôi!”
Vừa ra tới đường La Crique giải thích rõ hơn:
“Mày không để ý thấy mụ tọc mạch này cứ hỏi tại sao, thế nào, ở đâu, khi nào rồi làm gì hay sao?
Nếu mình muốn cả làng biết rằng mình có kho tàng thì cứ việc mua của mụ. Song dẫu sao ta cũng không nên mua hết ngay một lần, chỉ khiến người ta nghi. Tốt hơn cả hôm nay ta mua thứ này, mai mua thứ khác, cứ thế. Còn chúng ta sẽ không đời nào trở lại quán của mụ dê già này nữa!”
“Có cách này tốt hơn nữa, mày biết không,” Tintin cắt ngang. “Mình nhờ Marie tới cửa hàng của mẹ Maillot thì bà sẽ nghĩ rằng nó mua cho mẹ tao. Với lại em tao rành chuyện này hơn tụi mình nhiều, nó lại biết mặc cả nữa. Tao tin chắc nó sẽ được hơn chúng mình một khúc dây và vài cái cúc.”
“Mày nói đúng,” La Crique tán thành.
Khi gặp Camus đang dùng giàn ná nhắm bắn lũ chim sẻ nhặt mồi quanh đụn phân của bố Gugu, chúng đưa nó xem năm mươi cúc áo bằng thủy tinh trắng gắn trên miếng giấy cứng màu xanh, giải thích lý do vì sao chúng thận trọng chưa mua nhiều hơn ngay một lúc, tuy vậy chúng bảo đảm khoảng một giờ sẽ mua xong hết.
Quả đúng thế thật, vì quãng mười hai giờ rưỡi, khi Lebrac ăn trưa xong, tay thọc túi quần trên đường đến trường, miệng huýt sáo bài hát rất mốt học được của Camus, nó thấy cô bạn thân thương của nó dáng vẻ vội vã trên khúc đường Ống khói đến nhà mẹ Maillot.
Vì vào giờ này chẳng có ai đứng trước cửa nhà và vì Marie không trông thấy nó nên nó kín đáo giả tiếng gà gô gáy để cô bé chú ý.
Cô bé mỉm cười, ra dấu một cách thông minh để chỉ cho nó biết mình đi đâu còn Lebrac, vô cùng hoan hỉ, cũng trả lời cô bằng một nụ cười rạng rỡ, phản ánh niềm vui phơi phới của một tâm hồn khỏe khoắn và lành mạnh.
Nh ng đứa có mặt ở góc sau sân trường hết thảy đều đăm đăm về phía cửa với vẻ sốt ruột, từng giây từng phút ngóng Tintin xuất hiện. Chúng biết cả rằng Marie chịu trách nhiệm đích thân đi mua sắm và Tintin đứng chờ sau giếng giặt để nhận từ tay cô bé kho tàng mà nó sẽ đưa chúng kiểm tra.
Cuối cùng Tintin cũng xuất hiện, đi sau La Crique. Cả đám đồng thanh “A” lên như thể chào mừng. Chúng xúm quanh nó, hỏi tới tấp:
“Mày có hàng không?”
“Một xu mua được mấy cúc áo khoác?”
“Mình có đủ dây không?”
“Cho xem mấy cái khuy móc đi!”
“Chỉ này có dai không đấy?”
“Bố khỉ, từ từ nào!” Lebrac lớn tiếng la. “Nếu tụi bay đồng loạt nói thì sẽ chẳng đứa nào nghe thấy gì hết và nếu đứa này leo lên lưng đứa kia thì chẳng ai thấy gì ráo. Nào, đứng thành vòng tròn đi! Tintin sẽ cho mình xem hết mọi thứ mà.”
Chúng miễn cưỡng lùi lại. Đứa nào cũng muốn đứng gần thủ kho và, nếu được, sờ mó những thứ quý báu nọ. Nhưng Lebrac khăng khăng không chịu, cấm Tintin lôi ra bất cứ món gì, trước khi cả bọn đứng tránh ra.
Khi đâu đấy trật tự cả rồi thì thủ kho Tintin mới đắc chí lần lượt móc túi lấy ra nhiều gói nhỏ bọc giấy vàng và liệt kê:
“Năm mươi cúc áo đính trên giấy cứng!”
“Chà!”
“Tám mươi cúc quần!”
“Ối giời!”
“Chín cúc gi lê! Thêm được một cái,” nó nói thêm, “bay phải biết rằng một xu chỉ được bốn cái thôi.”
“Nhờ Marie đấy,” Lebrac giải thích. “Cô bé đã mặc cả được!”
“Bốn khuy móc quần! Hơn một mét dây thun!” Tintin giơ lên cao cho thấy nó không nói xạo.
“Hai khuy móc áo khoác!”
“Đẹp quá, phải không?” Lebrac hỏi rồi nhớ tới buổi chiều bất hạnh kia. Nếu hôm ấy nó có được một cái khuy móc thì, có lẽ, rốt cuộc... tóm lại là…
“Năm đôi dây giày,” Tintin nói thêm. “Mười mét dây, tặng thêm một đoạn dài vì Marie mua nhiều một lần! Mười một kim khâu! Nhiều hơn mua lẻ một cái. Và một cuộn chỉ đen với một cuộn chỉ trắng!”
Mỗi món Tintin liệt kê, mở ra rồi giơ lên đều được đón chào bằng những “ồ”, “à”, “chà”, “mẹ kiếp” đầy cảm thán và ngưỡng mộ.
“Bắt được rồi!” Chợt Gibus em kêu lên như thể nó chơi đuổi bắt với chúng bạn. Nhưng thật ra đây là ám hiệu báo thầy giáo tới; chúng liền tản đi hết trong lúc Tintin nhét bừa vào túi quần những món nó vừa mở ra.
Chuyện diễn ra nhanh và tự nhiên đến nỗi bố Simon không mảy may ngờ vực. Cùng lắm là ông nhận thấy những gương mặt hai hôm trước còn ủ dột và khó đăm đăm bỗng trở nên thật tươi tắn.
“Lạ thật,” ông nghĩ, “không ngờ thời tiết, nắng, gió, mưa, dông lại ảnh hưởng tới tâm hồn bọn trẻ đến thế! Khi mưa to gió lớn thì không cấm cản chúng được, chúng phải ba hoa, gây gổ, không chịu ngồi yên chỗ; còn khi trời đẹp thì chúng lại tự động chăm chỉ, vâng lời và vui tươi như chim khướu.”
Ông thầy già trung hậu không mảy may nghi ngờ những lý do thầm kín sâu thẳm đã khiến đám học trò của ông tươi hơn hớn; đầu óc ông nhồi nhét những phương pháp sư phạm lờ mờ nên ông đã mò trăng đáy nước.
Ông cứ nghĩ rằng lũ trẻ, cái đám vốn thoắt một cái có thể thích ứng ngay với những trò giả trá của xã hội, sẽ bộc lộ bộ mặt thật của chúng trước những người có đôi chút uy quyền! Nhưng thế giới của chúng hoàn toàn biệt lập và chúng sẽ chỉ là chúng, thật sự là chúng khi chỉ có chúng với nhau, tách hẳn mọi ánh mắt soi mói tò mò. Mặt trời và mặt trăng chẳng ảnh hưởng gì mấy đến tính khí của chúng.
Đám Longeverne liền chạy đuổi nhau, chòng ghẹo nhau trên sân trường, rồi thì thầm khi gặp nhau:
“Vậy là nhất trí, chiều nay mình sẽ cho bọn chúng biết tay!”
“Dĩ nhiên rồi! Chiều nay!”
“Mẹ kiếp, chúng cứ việc tới đi! Rồi sẽ ốm đòn!”
Một hồi còi ré lên và tiếng thầy giáo khàn khàn ra lệnh như mọi ngày: “Xếp hàng! Nhanh lên!” cắt ngang những lời bóng gió về đánh nhau và những chiến công hiển hách mai đây của chúng.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !