Thứ Ba, Thư Lộ thu âm x ong, hai vợ chồng liền dắt nhau về đằng ngoại ăn cơm. Vừa đặt chân vào cửa, tiếng cười sảng khoái của ba đã ập vào tai. Ông cụ rất ít khi cười, mà cười rộ lên thành tiếng thì càng hoạ hoằn.
Chỉ thấy chị gái mặt mũi đỏ ửng ngồi trên sô pha, anh rể ân cần rót nước đưa chị.
- Thư Lộ! – Chị mỉm cười nói: - Chị có bầu rồi, bác sĩ nói cái thai đã được hai tháng.
- Thật á! – Thư Lộ bước tới, cẩn thận sờ lên bụng Thư Linh, phẳng vậy mà bên trong lại ấp ủ một sinh mệnh bé nhỏ thần kỳ.
Từ bếp đi ra, mẹ cô hồ hởi nói:
- Nhà có hai mống con gái đều yên bề gia thất cả rồi, sau này mẹ chỉ việc bé cháu thôi.
Tối đó, không khí trên bàn ăn vui vẻ lạ thường. Thư Lộ mừng thay chị, cô để ý thấy nụ cười thường trực trên nét mặt ba. Một vẻ mặt rạng rỡ đầy tự hào mà cô thường thấy mỗi khi Thư Linh thi đạt điểm cao.
Sau này lớn lên, cuối cùng, Thư Lộ đành phải thừa nhận trong lòng, có lẽ ba quý chị Thư Linh nhỉnh hơn mình một tẹo. Song cô không hề ghen tỵ, bởi Thư Linh thực sự xuất sắc, thực sự hiền lành. Dù tình cảm giữa hai chị em chưa hẳn là thắm thiết, hồi nhỏ thường xuyên cãi cọ chí choé, nhưng được cái hai người luôn quý trọng lẫn nhau. Có lúc cô nghĩ, hay bởi mình tầm thường quá, nên không được yêu quý như chị, nhưng giờ đây, cách nghĩ ấy đã dần phai nhạt.
Bởi lẽ… cô len lén nhìn sang anh già, bởi lẽ có một người luôn dành cho cô mọi sự yêu mến.
- Anh biết không? – Buổi tối về nhà, Thư Lộ mới nói: - Hồi đầu năm, lúc em tưởng mình có thai, em đã nghĩ lung lắm.
- Em nghĩ gì. – Anh già mỉm cười cầm tay cô đoạn hỏi.
- Nghĩ mình phải nhìn mặt đứa bé ra sao, nhìn mặt ba mẹ ra sao, nhìn mặt anh ra sao. – Cô ngừng một lát rồi nói: - Nghĩ hoài mà chẳng ra.
- Thực ra… - Gia Tu vân vê tay cô: - Lúc đó anh cũng hơi ngạc nhiên.
- …
- Nhưng mà sau đó anh lại nghĩ, dù sao nó cũng là con của em và anh, anh tin mình sẽ nuôi được nó trưởng thành nên người.
Nhìn vào đôi mắt dịu dàng của anh mà cô nghẹn ngào nói chẳng nên lời.
- Bởi anh luôn nghĩ, nếu chúng mình có thể sống với nhau thì tốt biết bao..
Ý sâu sa mà lời thốt ra lại ít đến lạ lùng, song tuồng như Thư Lộ đã hiểu trọn vẹn mọi điều anh nói. Cô kinh ngạc nhận ra, đối với tương lai của hai người, anh không có một mảy may do dự hay lưỡng lự nào. Kể từ khoảnh khăc đó, anh đã đặt kỳ vọng vào tương lai.
Nhìn nét mặt nghiêng nghiêng của anh, lòng cô thoáng phân vân. Bởi từ khi mối quan hệ này bắt đầu, cô luôn ở thế bị động, sợ hãi, và cả do dự. Cô luôn cổ vũ chính mình phải tự tin, khổ nỗi, cô không thể xác định nổi tình yêu mình dành cho người đàn ông này là bao nhiêu, dù họ từng thế hứa sẽ bên nhau trọn đời trước sự chứng giám của Chúa trời.
Rồi bỗng nhiên cô nhận ra, những gì cô trao anh, so với những gì anh cho cô, đúng là một trời một vực. Thế mà trước đó, cô cứ tưởng mình và anh đều bỏ ra một số vốn liếng như nhau.
- Nhưng mà… - Cô nói: - Em có cảm giác mình chưa chuẩn bị tâm lý làm mẹ.
Đốm lửa hy vọng nhỏ nhoi trong mắt Gia Tu dường như lụi tắt theo câu nói ấy. Song anh vẫn vươn bàn tay ấm áp xoa đầu cô:
- Không sao, anh sẽ đợi đến bao giờ em sẵn sàng.
Thư Lộ không dám nhìn anh, bèn ngả vào bờ vai ấy. Cô sợ anh đọc được vẻ sợ hãi trong mắt mình.
Cô sợ mình, một ngày nào đó, sẽ mang thất vọng đến với anh.
[8] Kafka bên bờ biển
- Mỗi lần chạy xong đoạn quảng cáo thứ ba, tôi lại nhẩm tính, chúng ta đã đi được quá nửa thời gian chương trình.
- Những lúc tâm tình thoải mái, tôi sẽ nghĩ, công việc chẳng mấy sẽ kết thúc, sau đó tôi sẽ xuống căng tin ăn cơm, nói không chừng hôm nay sẽ có món sườn heo cốt lết và trứng sốt cà chua mà mình thích; Còn tâm trạng hơi kém vui, tôi lại nghĩ, thì ra mới đi được một nửa chặng đường dài, mà thu xong tiết mục, tôi lại phải mò mẫm cả chồng sách trên bàn, mới có cũ có, để chuẩn bị cho chương trình tuần sau.
- Thế mới nói, cùng một chuyện nhưng ở những thời điểm khác nhau, con người sẽ có những quan điểm và cảm xúc bất đồng. Song cũng đừng buồn, bởi lẽ, con người ta vốn là vậy.
Thư Lộ đỡ tai nghe, đoạn tiếp lời:
- Mới rồi trong thư Tiểu Man đã hỏi tôi, dạo gần đây đọc được sách gì, về vấn đề này, trước tiên chúng ta hãy hỏi Lạc Lạc.
- Gần đây nhất mình đã đọc “Đồng thoại nước Ý”, ngạc nhiên chưa.
- Một chút. – Thư Lộ ngả người vào lưng ghế, nhìn bạn đồng nghiệp: - Không phải bạn đọc để ru ngủ đấy chứ?
- Dĩ nhiên là không rồi. – Lạc Lạc ra vẻ kì quái: - Mình chỉ muốn ôn lại thời tiểu học mà thôi.
- Thật không đó, hồi lớp hai, trước lúc đi ngủ mình thường đọc quyển đó.
- Thôi được rồi. – Lạc Lạc nói: - Nếu bạn muốn nhấn mạnh “năm lớp hai bạn đã đọc quyển này” thì mình xin được khai “đến tận lớp năm mình mới đọc nó”.
Hai người nhìn nhau tủm tỉm, như bao cuộc tán gẫu giết thời gian dưới căng tin.
- Vậy gần đây nhất, bạn đã đọc gì? – Lạc Lạc hỏi.
- Kafka bên bờ biển.
- Mình nghĩ, sách của Haruki Murakami cũng là liều thuốc an thần tuyệt vời dành cho một bộ phận các bạn độc giả.
- Đôi khi sách của ông mang tới cho người đọc một cảm giác tĩnh lặng, đều đều, nhưng cũng có lúc sâu sa bí hiểm, nhưng có hề gì, độc giả thích Haruki Murakami chính bởi họ thích cái bầu không khí mà ông tạo dựng. – Thư Lộ cười nói.
- Bạn thích chứ?
- Khó nói lắm, chí ít chưa thích bằng Harry Potter. – Thư Lộ nhăn mặt làm trò hề, tỏ ý trêu đùa: - Nhưng mình cho rằng, thông qua những tác phẩm của mình, Haruki Murakami muốn biểu đạt quan điểm cá nhân hoặc thế giới mà ông đúc kết được.
- Nhưng cậu có cảm thấy quan điểm của ông nhiều khi khá là cực đoan không?
- Hẳn rồi. Có điều, giống như ông từng nói trong “Thuyền hàng đi Trung Quốc”: “Trung Quốc trong mắt tôi, chỉ là Trung Quốc tồn tại vì tôi”, “Nó cũng là NewYork của tôi, Petersburg của tôi, địa cầu của tôi, vũ trụ của tôi”. Cách nhìn nhận của chúng ta đối với mỗi con người, mỗi một cuốn sách đơn thuần chỉ là quan điểm của chính chúng ta, rốt cuộc đúng hay sai, tôi nghĩ, không bao giờ chúng ta tìm ra câu trả lời. Bởi lời giải cho câu hỏi trên cũng thuộc về đáp án của chính chúng ta.
Thư Lộ ngưng ngang một thoáng rồi nói:
- Hình như triết lý này hơi khó hiểu thì phải?
- Mình nghĩ… - Lạc Lạc hóm hỉnh trả lời: - Có lẽ “Đường sách thênh thang” cũng là liều thuốc an thần hữu nghiệm đối với một số bạn độc giả.
- Nếu đúng vậy thì đó là niềm vinh dự cho mình. Nhưng không sao, có lẽ một số bạn thính giả thích nghe chương trình này là bởi không khí đặc trưng của nó. – Thư Lộ mỉm cười nói: - Nào chúng ta hãy cùng xem cuốn “Kafka bên bờ biển” của Haruki Murakami, một cuốn sách nói về cái tôi và thực tế tàn khốc. Sau đó, chúng ta sẽ tiếp tục với lá thư Tiểu Man.
oOo
Thư Lộ hẵng nhớ, cuộc thi viết bình luận được tổ chức trước dịp kỷ niệm một năm ngày chương trình lên sóng, bài dự thi của độc giả lũ lượt gửi về văn phòng như thác lũ, khiến mấy tổ khác phải há hốc mồm ngạc nhiên. Chưa bao giờ Thư Lộ và Tiểu Man bận rộn như lúc này. Anh Triệu nói, đối với một chương trình đọc sách tẻ nhạt và khô khan mà nói, như thế cũng tạm gọi là thành công rồi đó.
Không rõ anh Triệu nói vậy là đang tuyên dương hay phê bình nữa, nhưng nhìn từ góc độ của hai cô gái, từ những liều lĩnh, khó khăn ban đầu, trải qua một năm nỗ lực, chí ít hai cô được nhiều người đón nhận, thậm chí manh mún kỳ vọng.
Tối thứ Sáu như đã thành lệ, Thư Lộ tay xách nách mang một túi thư nặng trịch về nhà. Đằng sau cánh cửa, tĩnh mịch ngự trị từng góc tối trong căn nhà. Cô nhấc tay xem đồng hồ, kim chỉ tám giờ rưỡi, bình thường cứ tầm này ngày cuối tuần, anh già đã tắm rửa xong xuôi, ngồi đọc báo ở phòng khách rồi cơ mà.
Đặt túi xuống, cô mở tủ lạnh lấy một lon coca mát rượi. Tháng Mười năm nay hình như không oi ả như tháng Mười năm ngoái. Cô mở cửa sổ, đứng đó phóng tầm mắt nhìn sang sân thượng trên đỉnh toà nhà khác ở chốn xa, dưới bầu trời ngập tràn ánh sao lờ mờ một ngọn đèn.
Đến tận bây giờ cô vẫn không tin nổi đây là cuộc sống của mình. Căn phòng trước kia của cô vốn chỉ có một chiếc giường đơn thoải mái, bốn mặt tường là tủ áo và giá sách, trong cái thế giới nhỏ bé ấy, tự cô dệt lên giấc mơ của chính mình. Còn giờ đây, ngoại trừ người đàn ông nằm cạnh cô mỗi ngày, căn nhà sau lưng quả thật có phần xa lạ.
Bỗng Gia Tu mở cửa bước vào, thấy cô đứng trước cửa sổ, anh như thở phào một hơi nhẹ nhõm.
- Anh đến đài phát thanh, đồng nghiệp của em nói hôm nay em về sớm.
- Anh đến đón em à? – Thư Lộ sửng sốt nhìn anh: - Sao anh không nói trước?
Hình như anh đang hờn dỗi cô thì phải.
- Anh bảo rồi, lần sau em đừng tự xách đồ nặng thế này, cho nên hôm nay anh mới đi đón em.
- Em có phải con nít đâu… - Thư Lộ lầu bầu.
Nhiều lúc, cách anh đối xử với cô chẳng khác nào với Nhã Quân và Nhã Văn. Anh quen áp đặt cuộc sống của cô ở mọi khía mặt.
- Anh thấy em còn bướng hơn cả trẻ con đấy. – Đặt đôi giầy vừa cởi vào chỗ “chuyên dụng của nó” trong tủ giầy, sau đó anh vô nhà vệ sinh rửa tay.
Thư Lộ ảo nảo quay người nhìn ra ngoài cửa sổ. Anh đã quá quen với việc áp đặt suy nghĩ, đồng thời vô tình cũng quen luôn với việc yêu cầu người khách phải làm theo cách của anh. Có thể, anh tài giỏi, thông minh, nhưng cũng kèm theo mấy cái khuyết điểm to đùng, đó là: độc đoán và đề cao cái tôi.
Cuộc đời trong mắt cô mỗi ngày một mới mẻ, cô không cần bất kỳ một khuôn mẫu, một cách thức cố định nào, cũng chưa từng mong muốn một cuộc sống như thế này. Anh già đúng là chiều cô thật đấy, nhưng bên cạnh đó, anh lại không ngừng can thiệp vào cuộc sống của cô, còn cô ngày càng phản cảm với lối can thiệp này.