... tôi bắt đầu hành động!
Tôi xin ba tiền đóng đủ loại học phí. Ba còn mua chiếc xe Honda để tôi đi học vì tôi nói muốn học hết tú tài. Thực ra, tôi không đi học, mà lấy tiền đó để ăn chơi thỏa thích, để trả thù đời.
Tôi la cà hết quán cà phê này đến quán cà phê khác, rồi gia nhập các băng nhóm đua xe, kết thân với Loan “cơm tấm”, Lan “chùa”, Loan “lai”… Chúng tôi thường tụ tập ở quán cà phê đường Cống Quỳnh, đối diện trường Hưng Đạo. Các vũ trường từ lớn đến nhỏ đều có mặt bọn tôi. Ăn chơi, đàn đúm riết rồi thành mê. Bất kể nơi nào có dân choai choai tụ tập là nơi đó có tôi.
Bạn bè có đứa khuyên tôi nên cố gắng học hết tú tài rồi muốn làm gì thì làm. Tôi cũng nghe và cố quên chuyện nhà để học cho tốt. Nhưng cố gắng lắm tôi cũng chỉ học đến đệ tam, là lớp mười bây giờ. Nghe đám hippi trong băng L’amour và băng BB nói hút bạch phiến sẽ quên hết mọi phiền muộn của cuộc đời, tôi mon men hút thử. Nhưng mỗi lần hút là tôi bị ói tới mật xanh mật vàng. Sợ quá không dám hút nữa. Đám bạn chế nhạo là tôi nhát gan, chưa phải dân chơi thứ thiệt. Dám đua xe mà không dám hút bạch phiến, có tiền mà không biết cách xài tiền… thì chưa thể gọi là dân chơi. Nghe chúng khích, tôi vừa quê vừa tự ái, máu “anh hùng rơm” nổi lên. Tôi quyết chứng tỏ cho đám bạn biết bản lĩnh của mình. Về nhà tôi tìm đủ mọi cách để moi tiền của ba. Tôi lại tìm đến đám bạn mới.
Đám bạn mới ăn mặc mô đen hơn, giàu hơn, đua xe lạng lách cừ hơn đám cũ. Tụi nó toàn là con cầu con khẩn, như Cao Hiếu Nghĩa con của chủ nhà hàng Brodard, Cương con của chủ nhà hàng Rex, Sáng hippi ở Tạ Thu Thâu... ... Trong đám bạn mới, chỉ có mình tôi là con gái, lại được tiếng là xinh, nên được đám con trai chiều chuộng hết mình. Đám bạn mới hút bạch phiến nhiều hơn đám bạn cũ. Chẳng bao lâu, tôi đã nghiện loại thuốc giết người ấy! Tôi đã trở thành dân chơi thứ thiệt. Liều mạng, sống gấp bất cần ngày mai.
Tương lai ư? Làm gì có! Ba tôi có quá nhiều vợ; má cũng nhiều chồng, có ai quan tâm chăm sóc chúng tôi đâu?
Tôi sống với băng nhóm, cùng chia sẻ làn khói trắng đê mê, sống vội vã để quên đi tuổi thơ mất mát, những khổ đau rày đây mai đó, bị đánh đập, bị ức hiếp, bị lợi dụng thân xác… Tôi căm thù tất cả. Tôi căm thù những con người trên cõi đời mà tôi đang sống.
Hầu hết dân chơi Sài Gòn, Chợ Lớn tôi đều quen biết và được các anh chị ấy đỡ đầu, nhận làm em nuôi. Nhờ vậy, đám choai choai khó mà ăn hiếp tôi được vì sợ đụng chạm đến đàn anh đàn chị. Tại mỗi điểm ăn chơi, vũ trường lớn nhỏ của “Hòn Ngọc Viễn Đông”, tôi đều có từ một đến hai người đỡ đầu. Khu Tự Do tôi có anh Tầm Nhái, anh Châu Nhị; xóm đạo Bùi Thị Xuân thì có anh Hai Y, dân chơi gọi anh là “Y cà lết”; khu Ông Tạ có anh Sơn “đảo”; Lăng Cha Cả có anh chị Báu “Không quân”, có băng của các anh Bình “đen”, Tiêu “mù”, Mỹ “lỏi”; khu Tổng đốc Phương có anh Thạch Sen; khu cây Da Sà có anh Hùng “quắn”; khu đất đỏ Gò Vấp có anh Đồng “đen”… Nói chung, tôi đi đến đâu đều được các “đại ca” bảo bọc. Những gian xảo, lọc lừa tôi cũng học ở họ. Họ dạy tôi cách sống trong giới giang hồ, dạy tôi cách bảo vệ bản thân để không bị chà đạp bởi bọn đàn ông sàm sỡ.
Trong cái nhìn của tôi, các anh chị ấy tuy là người dưng nước lã nhưng lại yêu thương, đùm bọc tôi còn hơn ba má, anh chị ruột của tôi. Vắng tôi một ngày là họ đi tìm, đi kiếm. Họ lo lắng cho sự an nguy của tôi. Còn ba má, anh chị của tôi? Sao tôi vắng mặt cả tháng, cả năm cũng chẳng ai màng đến? Ba má tôi đều có gia đình riêng để yêu thương. Sự hiện diện của tôi giống như của nợ trong đời họ vậy. Tôi có lỗi gì chứ? Hay tại tôi chào đời không đúng lúc nên chẳng được ai quan tâm nuôi dạy đàng hoàng? Cả hai đứa em trai của tôi cũng thế. Chúng tôi có mặt trên đời đâu phải do lỗi của chúng tôi? Vì sự mất mát, tan vỡ của gia đình, chị em tôi không còn điểm tựa.
Tình yêu thương dành cho chúng tôi, ba má đã đem san sẻ cho người khác rồi. Con đường phía trước chúng tôi mông lung, mờ mịt. Tôi tự do sống trong nỗi dày vò của lòng căm phẫn và ý nghĩ trả thù. Nhưng sâu thẳm trong lòng tôi vẫn luôn âm ỉ một khát khao là có một mái ấm gia đình, nơi có ba má, chị em tôi sống cùng nhau, được quây quần quanh mâm cơm, ba gắp cho món này má gắp cho món kia. Mỗi khi tan trường được tự hào khoe với chúng bạn: “Kia là ba má tao, tao được cưng chiều lắm...”. Tôi ước được nghe một lời khen ngợi, vỗ về từ ba, từ má. Thậm chí còn mơ được ba má bắt nằm xuống, nhịp roi vào mông đánh đòn mỗi khi làm điều sai quấy…
Mơ ước đơn giản vậy mà chị em tôi cũng không có. Tuổi thơ của tôi đã mất tự hồi nào. Chúng tôi đã bị bỏ quên từ lâu lắm rồi. Hiện tôi đang sống trong thế giới của đàn anh đàn chị và tôi so sánh giữa hiện tại và quá khứ. Một khoảng trống mênh mông trong trí óc nhỏ bé của tôi… Tôi hận! Tôi hận người, tôi hận đời và tôi hận cả chính bản thân mình. Tôi căm thù người lớn và căm thù chính cuộc đời mình.
Và sự căm thù đó đã giết cuộc đời tôi sau này…
Càng bước càng lún sâu
Mười bốn tuổi.
Phải, chỉ mới mười bốn tuổi thôi mà tôi đã ăn chơi điên cuồng. Tôi càng bước càng bị cuốn đi xa hơn trong cơn lốc nghiệt ngã của cuộc đời mình. Tôi hút bạch phiến, hút á phiện “mâm đèn” và uống các loại tân dược. Bất cứ loại tân dược nào uống vào có cảm giác đê mê tôi đều dùng hết. Cho quên đời, quên mình. Nhưng liệu có quên được không? Hay đó chỉ là lời biện minh của kẻ đã rơi vào nghiện ngập như tôi? Tôi thường xuyên sử dụng LSD, một loại thuốc gây ảo giác, để tìm ảo tưởng “là mình đang sống trong một gia đình ấm êm”. Gần năm năm trời, tôi sống như thế và nung nấu ý nghĩ trả thù đời, trả thù đàn ông.
Dù tôi chỉ mới bước vào cái tuổi chưa thực sự trưởng thành nhưng đã được trời phú cho chút duyên, chút đẹp đủ để bọn đàn ông con trai thèm muốn, đeo đuổi. Kinh nghiệm cuộc đời đã dạy tôi rằng đâu cần phải sống với họ mới có tiền. Chỉ cần tôi dùng mình làm mồi đem ra nhử những con cá háu ăn, rồi dụ nó vào rọ. Vậy là xong. Ai khổ, ai chết thây kệ! Miễn tôi thỏa mãn đôi chút căm hờn trong lòng là được. Thế nhưng mỗi khi thấy một bé gái sống trên đường phố đi chung với người đàn ông lạ là tôi lại thấy lo. Tôi đi theo cho bằng được, với hy vọng sẽ cứu đứa bé kịp thời nếu gã đàn ông đó giở trò bậy bạ. Có thể tôi quá đa nghi nhưng ấn tượng bị làm nhục, đánh đập, đói khổ, bơ vơ, mất mát khó phai trong lòng của tôi. Bởi tâm hồn tôi đã bị tổn thương.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn nháo nhào, mọi người nhốn nháo, hối hả, bỏ của, bỏ người thân chạy ra phi trường, ra bến cảng. Họ đạp lên nhau, những mong leo lên được máy bay hoặc tàu di tản ra nước ngoài. Bạn bè rủ rê, lôi kéo nhưng tôi nhất định không đi. Thậm chí, anh Thắng bạn tôi là phi công năn nỉ tôi đi theo anh vì phi công được ưu tiên di tản trước, nhưng tôi cũng nhất định không đi. Tôi nghĩ ở Việt Nam tôi còn chưa sống được huống hồ... Ra nước ngoài, chắc tôi chết sớm hơn. Vậy là tất cả bạn bè thân quen bỏ tôi đi hết, còn lại mình tôi với Sài Gòn hỗn độn khi vừa mới giải phóng. Người ta lợi dụng sự hỗn độn đó, vào các kho xưởng hôi của, vào kho gạo bên quận Tư để lấy gạo. Họ cũng rủ tôi đi nhưng tôi không màng. Tôi đang cần một thứ khác quan trọng hơn.
Lúc này, bạch phiến bắt đầu khan hiếm. Tôi lùng sục khắp nơi nhưng nơi nào cũng nói là không có. Vật vã, đói thuốc, tôi chạy đôn chạy đáo tìm mua, lên tận Tân Hiệp - Biên Hòa. Khu dốc Sỏi là ổ bạch phiến mà cũng không có. Tôi chạy về xóm mới Gò Vấp, khu đất đỏ An Nhơn cũng không còn… Trong khi đó, á phiện đen lên ngôi. Người ta đem từng cục á phiện đi nấu thành nước để bán từng cc cho con nghiện, giá rất rẻ so với bạch phiến. Tôi chịu không nổi cơn vật vã đành phải mua loại “hàng đen” này để chích vào tĩnh mạch. Từ đó, tôi trở thành đệ tử trung thành của “cô Ba Phù Dung”.
Tôi làm bất cứ chuyện gì để có tiền đáp ứng cơn nghiện, không từ cả những việc tồi tệ nhất. Tôi lừa lọc tất cả những người mà tôi có thể lừa, giựt đồ, móc túi, vào chùa ăn cắp vặt… Mỗi lần làm chuyện xấu xa, tôi đều khấn “cô Ba Phù Dung” phù hộ cho tôi được thành công. Ngày ngày, tôi lang thang ở các chợ, thấy ai sơ hở gì là chộp ngay. Tối, tôi chui dưới gầm xe đò để ngủ (dạo ấy tôi thường ngủ tại bến xe khu vực Lê Lai). Cuộc sống bữa đói bữa no. Tiền chích thì có, tiền ăn thì không, bởi vì kiếm đủ tiền để chích đã khó thì làm gì có dư mà ăn? Nhịn đói thì được, nhưng nhịn chích thì không thể...
Tôi tìm về nhà thăm gia đình, thăm ba, mới hay ba tôi đã đi học tập cải tạo ở tận miền Bắc. Dì ghẻ vẫn giữ nguyên tánh ngồi sòng đánh bạc nên đồ đạc trong nhà lần lượt ra đi theo tướng xanh, tướng đỏ. Các em cùng cha khác mẹ của tôi trông như ăn mày, đói rách, bẩn thỉu. Nhìn gia cảnh mà chán ngán. Muốn làm cái gì đó để giúp các em cũng khó vì tôi còn chưa tự lo nổi cho mình, lại đang nghiện ma túy. Lý lịch thì xấu, không xin được việc gì…
Sài Gòn vừa giải phóng, mọi người đều ăn bo bo, khoai độn. Vậy mà các em tôi cũng không có khoai để ăn. Căn nhà lớn ngày trước đã theo Tướng Sĩ Tượng, Xe Pháo Mã đi rồi. Dì bán căn nhà có giá trị cao mua căn nhà trung trung. Rồi căn nhà trung trung cũng bị dì nướng vào sòng bài. Dì đổi lấy căn nhà bé tẹo trong con hẻm Lò Heo gần chợ Bà Chiểu. Nói là nhà cho xôm chứ thật ra chẳng khác nào cái chòi. Trong nhà không có thứ gì đáng giá để bán. Không còn tiền để ngồi sòng bạc, dì ghẻ chuyển sang uống rượu, say sưa tối ngày. Các em tôi phải đi lượm rau muống dạt ngoài chợ đem về nấu ăn thay cơm. Có khi tôi về thăm các em, tôi cho ít tiền mua được vài ký bo bo. Các em đem bo bo nấu loãng với rau muống để ăn. Nhìn các em húp lấy húp để thứ thức ăn lẽ ra chỉ đổ cho heo, tôi thực sự đau lòng. Vậy mà mẹ chúng cứ tỉnh như không. Tôi càng cám cảnh. Muốn tìm về má ruột nhưng sợ dượng ghẻ không cho vào nhà, tôi đành phải ở tạm nhà dì ghẻ với các em.
Tất cả đều sụp đổ.
Chẳng còn gì để tôi tranh chấp hay giành giật, giận dỗi hay ghen tị. Cảnh đói khát của các em diễn ra trước mắt tôi buộc tôi suy nghĩ. Tôi phải làm cái gì đó, trước để giúp chính tôi, sau là giúp các em được no bụng. Nghĩ vậy, tôi la cà ra đường Hàm Nghi, theo đám bạn lừa đảo đi bán đồng hồ dỏm cho bộ đội mới vào miền Nam. Mỗi cái đồng hồ được chúng tôi bỏ vào vài viên bi lắc nghe rẹt rẹt là bán rất có giá. Bộ đội miền Bắc rất thích mua loại đồng hồ đeo tay này. Mua gian bán lận rồi cũng bể mánh, tôi chuyển sang nghề bán “ken”, tức là á phiện nước. Tôi bán cho chủ, dân nghiện gọi chúng tôi là “cầm kim”. Cầm kim cho chủ chỉ đủ tôi ăn và chích, lấy đâu ra tiền giúp các em? Tôi lại đổi nghề đi bắt mối cho gái mại dâm. Mồi chài được một người, tôi lấy 20 phần trăm tổng số tiền khách đưa. Gặp người khách nào có xe Honda xịn, cả bọn bu quanh vồn vã gọi các cô đến cho khách chọn lựa, thực ra là để che mắt khách cho bọn tôi dễ bề “móc mắt”[1]. Xong rồi là kiếm chuyện đuổi ông khách tội nghiệp ấy đi, còn bóng đèn thì đem bán chia cho cả nhóm. Khách phát hiện bị mất bóng đèn hay cốp xe có trở lại tìm thì cũng thua.
Cuộc sống cứ trôi đi như thế: ngày ngủ vùi, đêm thức trắng để lường gạt khách làng chơi đi mua vui. Để kiếm sống, chúng tôi còn nghĩ ra nhiều cách lường gạt ngày một tinh vi hơn. Tôi kiếm tiền cũng được kha khá, nhờ đó các em tôi tạm no đủ qua ngày, đỡ phải đi lượm rau muống dạt về nấu ăn.
Được tin ba tôi đang ở Cao Bằng hay Lạng Sơn gì đó, tôi muốn gửi quà nhưng trong túi không có tiền, cộng thêm cơn ghiền ma túy càng ngày càng nặng đô khiến tôi lúng túng. Tôi muốn có thật nhiều tiền, nhưng bằng cách nào đây? Giết người thì sợ mang tội với trời đất. Cướp giựt thì đâu ai để hở đồ mà giựt hoài. Nghĩ mãi, cuối cùng tôi nảy ra một ý. Tuy trải qua đủ ngón ăn chơi nhưng tôi vẫn còn nguyên vẹn đời con gái. Muốn có tiền, chỉ còn cách bán nó đi!
Nghĩ là làm, tôi đem chuyện “bán trinh” nói với người anh cùng cha khác mẹ. Anh và những người khác trong gia đình không ai tin là tôi còn con gái. Họ chế giễu tôi “còn con khỉ khô gì mà đòi mua với bán, nói dóc cũng vừa vừa thôi”. Bạn bè tôi cũng vậy, không một đứa nào tin lời tôi là thật. Tôi thề độc lũ bạn cũng chỉ bán tín bán nghi. Mặc kệ, miễn tôi biết tôi là đủ rồi. Tôi đi vô khu Tổng đốc Phương nhờ mấy đứa bạn tìm mối bán trinh. Sau khi tìm được người mua, hai bên thỏa thuận: nếu tôi còn con gái thật sự, ông ta sẽ trả 50.000 đồng; nếu không thì coi như không có đồng nào. Tôi đồng ý. Vào thời điểm Sài Gòn đổi tiền lần đầu, mỗi gia đình dù nghèo hay giàu cũng chỉ đổi được 200.000 đồng tiền giải phóng. Như vậy số tiền mà tôi có được cũng bằng một phần tư số tiền của cả một gia đình.
Ngã giá xong, tôi theo về nhà ông ta để thực hiện cuộc mua bán. Một tuần lễ tôi ở tại nhà ông khách… Một tuần cay đắng. Thân xác rã rời, không chút cảm giác, chỉ thấy ê chề, tủi nhục. Tôi đã khóc và nghĩ liệu chữ “trinh” có “đáng giá ngàn vàng” như ông bà xưa từng nói hay không.
Cũng từ đó, tôi thật sự trở thành gái lề đường. Tôi gia nhập đội quân các cô gái đứng đường hàng đêm tìm người để bán cái “của không vốn”, cái nghề mà trước đây tôi từng dẫn mối để ăn tiền cò. Giờ thì người khác dẫn mối cho tôi. Tôi dấn bước vào cái nghề mạt hạng, đáng khinh nhất của xã hội. Nhưng, mặc kệ, miễn có tiền là tôi làm!
Tôi thường nghe mấy chị vào nghề trước nói “làm đĩ vừa sướng vừa có tiền”, nhưng khi chạm vào thực tế, tôi có thấy sung sướng gì đâu, chỉ toàn những lời miệt thị rẻ khinh, bởi mấy ai hiểu và cảm thông cho các cô gái kiếm tiền bằng thân xác. Khách mua dâm đâu phải ai cũng đàng hoàng, lịch sự. Họ bỏ tiền ra nên họ muốn phải được “đền đáp” cho xứng với đồng tiền của họ. Hầu như tất cả “lính mới” như tôi đều đắt khách, nhưng dễ bị “bề hội đồng”, dễ bị trấn lột, thậm chí còn bị đánh đập dã man nếu dám ho he chống cự.
Tôi cũng không ngoại lệ. Khách làng chơi ngã giá. Ban đầu chỉ có một người, nhưng khi về đến nhà của khách thì cả một đám đàn ông đang chờ sẵn, có thoái lui cũng không kịp. Nếu cự cãi thì không còn mảnh vải che thân mà về, hoặc họ báo công an đến bắt. Cho nên, làm gái cũng phải có kinh nghiệm nhìn người để biết khách mà mình qua đêm thuộc loại nào. Oái oăm thay, tất cả bọn tôi đều phải đắng cay chấp nhận, đều nhắm mắt đưa chân. Bởi không “đi khách” thì lấy đâu tiền trả tiền góp, lấy tiền đâu để tiêu xài, rồi còn phải lo cho gia đình… Không ra đường một ngày coi như đói một ngày.
Bên cạnh những cô gái như chúng tôi luôn có những người cho vay trả góp. Mỗi khi bệnh hoạn không làm ra tiền ư? Đã có chủ nợ khuyến khích cho vay. Mà lỡ mượn rồi thì phải lo làm ngày làm đêm mà trả. Những đêm ế khách hoặc gặp chiến dịch truy quét mại dâm, chúng tôi không kiếm ra tiền để góp thì số tiền lời sẽ tăng dần lên. Hầu như gái mại dâm nào cũng mắc nợ. Người mượn trả hoài không hết nợ dù chỉ mượn có một lần thôi.
Tôi có chị bạn làm chung trên con đường Hồng Thập Tự. Chị từ Long Xuyên lên thành phố sống lang thang, chồng đã có vợ khác, chị một mình nuôi hai con nhỏ. Hàng đêm, chị đứng đường kiếm tiền gửi về quê nuôi con. Một hôm, gia đình dưới quê báo tin lên cho hay con chị phải vào bệnh viện. Không có tiền gửi về, chị đành mượn tiền đứng 200.000 đồng, mỗi ngày đóng tiền lời 4.000 đồng. Chị trả ròng rã bốn năm trời mà số tiền 200.000 đồng ban đầu vẫn còn y nguyên. Bị bắt vào Trường Phục hồi nhân phẩm Phụ nữ trong một chiến dịch truy quét, ba tháng sau, chị trở về. Số tiền lời ba tháng không đóng cho chủ đã trở thành 200.000 đồng. Chủ nợ hối thúc chị trả, không có thì chửi bới thậm tệ. Cùng quẫn, chị trốn qua khu vực khác để làm. Chủ nợ cho người đi bắt về, rạch nát mặt chị, lại còn hăm dọa nếu chị đi thưa công an thì chỉ còn cách trốn khỏi nước Việt Nam. Từng chứng kiến cảnh tượng ấy nên tôi rất sợ, tôi ít dám mượn tiền. Làm được bao nhiêu xài bấy nhiêu.
Nhưng dẫu sao, từ ngày tôi đem thân mình đi bán, các em cùng cha khác mẹ với tôi cũng được no ấm hơn, chúng không còn đi lượm rau muống dạt về nấu ăn như trước nữa. Nhưng luật đời có vay có trả. Để có tiền tiêu xài, để các em có cái ăn thì thân xác tôi, tâm hồn tôi ngày càng tả tơi, bầm dập.
Chuỗi ngày trường trại
Tháng 3 năm 1976.
Trong lúc đang ngồi chích ở Bạch Đằng, tôi bị bắt đưa vô Trung tâm Phục hồi nhân phẩm Thanh niên mới, tức là Trung tâm cai nghiện túy bây giờ. Sau khi cai nghiện xong, tôi được chuyển qua Trường Phục hồi Nhân phẩm Phụ nữ 2 ở Thủ Đức. Tôi tìm cách trốn trường vì chịu không nổi bệnh ghẻ. Tất cả các chị em trong trường đều ghẻ lở. Tôi bị ghẻ lở đầy người, đêm không ngủ được vì những mụn ghẻ cương lên, nhức không chịu nổi. Vậy là tôi tìm cách trốn, nhưng không thoát. Bị bắt trởlại, bị kỷ luật gánh “hầm chè” phân hố xí lấy làm phân để tưới rau.
Trốn ban ngày không thoát, tôi tìm cách trốn ban đêm. Tôi thuyết phục các chị cùng phòng đục tường trốn đi. Ban đầu không ai dám đồng tình với tôi, nhưng thấy tôi nhất quyết làm, mọi người cũng không phản đối. Mỗi đêm, canh đến giờ bảo vệ không đi tuần tra, tôi múc nước tiểu tạt vô vách tường cho mau mục để thực hiện ý đồ đục tường. Gần một tháng trời, tôi đã đục được một lỗ to vừa đủ một người chui. Đêm đó, tôi chui ra trước, cả phòng chui ra sau. Không ngờ, chúng tôi chưa kịp trốn xa đã bị công an rượt đuổi và bắt lại hết, không sót một người. Tôi là kẻ chủ mưu bị nhốt cách ly một thời gian. Năm lần bảy lượt tìm cách trốn vẫn không thoát, tôi đành chấp nhận ở lại trường, tỏ ra ngoan ngoãn, mong được ưu ái hơn.
Tháng 11 năm 1976, dì Ba Mai phụ trách trường thông báo sẽ có đợt đăng ký đi lao động ở nông trường Phú Văn, lên đó ai lao động tốt sẽ được trả về gia đình. Nghe vậy, cả phòng ai nấy vui mừng không thể tả. Mọi người tranh nhau đăng ký để được đi lao động, trong đó có tôi. Tất cả chúng tôi không ai biết Phú Văn ở tỉnh nào, nông trường này xa hay gần, chỉ biết lên trên đó để được lao động, để được duyệt xét cho về là mừng rồi. Hoặc nếu không được duyệt xét thì hy vọng trốn trại cũng dễ hơn ở đây.
Ngày 20 tháng 11 năm 1976, chúng tôi tập hợp trước sân cờ, cán bộ của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cầm danh sách gọi tên từng người. Ai có tên thì được phát mùng mền, chiếu và hai bộ đồ thanh niên xung phong, cộng thêm chiếc ba lô. Tất cả sẵn sàng. Trước khi lên xe, cán bộ Ba Vân còn động viên mọi người: “Các cháu cứ yên tâm. Lên trên đó các cháu sẽ được tự do đi chợ. Cứ mười cháu ở chung một nhà. Phía trước sân nhà có giàn mướp, có trồng hoa, các cháu cố gắng phấn đấu để được cho về sớm hơn thời hạn. Chú mong trên đường đi, đừng có ai nhảy xe bỏ trốn, nhảy như vậy dễ mất mạng lắm, các cháu có đồng ý không?”. Cả bọn nhao nhao đồng ý. Mọi người lần lượt leo lên xe tải.
Mười giờ sáng, xe từ từ lăn bánh rời khỏi cổng trường. Đi suốt một ngày đường, đoàn xe mười chiếc nối đuôi nhau vừa tới chợ Phước Long thì trời sụp tối. Sương mù dày đặc. Đoàn xe tạm dừng tại chợ, chờ đến sáng khi mặt trời mọc, sương mù tan mới đi tiếp. Chú Ba Vân ra lệnh cho mọi người được ăn uống, nghỉ ngơi. Chú nói: “Mai mốt anh chị sẽ được phép đi chợ tự do. Đừng ai có tư tưởng trốn trong lúc này, không thoát đâu, trái lại còn bị trả về trường, bị kỷ luật ráng chịu”. Nghe chú Ba nói vậy, ai cũng mừng trong bụng.
Sáng hôm sau, chú Ba cho kiểm tra quân số, chỉ có một anh lẻn trốn mà thôi. Có lẽ mọi người đều có ý nghĩ giống như tôi, từ từ rồi trốn tội gì đi bây giờ, trong khi người ngợm đầy ghẻ lở thấy phát ghê. Sương mù tan, đoàn xe tiếp tục lên đường để vào nông trại Phú Văn. Hai bên đường dân cư đông đúc. Tất cả đều an tâm là chú Ba nói được đi chợ chắc là thật.
Xe chạy qua cầu. Đường vào nông trường bắt đầu khó đi. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Mặt đường đất sét nhão nhoẹt. Đoàn xe chậm chạp leo dốc. Cây rừng che mất lối đi. Chúng tôi chợt hiểu ra và không ai nói với ai câu nào, tất cả đều khóc ròng bởi hy vọng trốn trại quá mong manh. Chung quanh toàn rừng là rừng, không thấy một bóng người.
Đoàn xe đã vào tới cổng nông trại đúng 11 giờ trưa. Chúng tôi được gọi tên xếp hàng vào tổ, mỗi tổ mười người đi theo người phụ trách để nhận chỗ ở. Rừng già bao quanh nơi tôi vừa đến. Nhận nhà và tổ xong, chúng tôi mạnh ai nấy trải chiếu xuống cỏ để nằm nghỉ ngơi. Đang lúc chúng tôi ngủ ngon giấc vì đi đường quá mệt, một hồi kẻng vang lên, báo hiệu giờ lãnh cơm.
Ở miền rừng núi, đêm xuống rất nhanh. Chúng tôi nhóm lửa giữa nhà cho ấm, vì trời rất lạnh. Càng về khuya tiếng côn trùng đồng ca nghe não ruột. Không ai nói với ai lời nào, chỉ nghe tiếng thút thít, tiếng hỉ mũi rẹt rẹt... Rồi tiếng kẻng đánh thức chúng tôi dậy. Và... trời đất quỷ thần ơi, chiếc chiếu mới tinh đã biến mất gần phân nửa do bị lũ mối rừng gặm nhấm. Chúng tôi được gọi ra sân xếp hàng tập thể dục, xuống suối làm vệ sinh cá nhân, rồi trở về lãnh khoai mì ăn sáng. Một hồi kẻng lại vang lên. Mọi người tập trung trước sân để nghe đọc nội quy và bầu ra A trưởng. A trưởng lãnh cuốc, rựa, liềm, và chịu trách nhiệm đôn đốc những thành viên trong A đi khai hoang, phát rừng trồng trọt.
Từ nhỏ tới giờ tôi chưa hề đụng đến mấy thứ này. Cầm liềm để cắt cỏ tranh thì mũi liềm cắt vào chân chảy máu; cầm rựa đốn cây thì rựa bật tung ra làm tức cả lồng ngực; cầm cuốc xới xuống đất thì đất chẳng xới lên được mà tay phồng rộp hết cả… Chán nản, chịu cực không nổi, tôi chống cuốc nhìn đời hiu quạnh.
Bị cho là có thái độ “cộm”, tôi nổi điên cầm cuốc đánh vào đầu của một nữ thanh niên xung phong. Sau vụ đó, tôi bị kỷ luật phải đi cuốc đất trồng sả Java, vào rừng lấy củi cung cấp cho hậu cần, đốn lồ ô về cấp cho tổ đan giỏ.
Không quen với khí hậu khắc nghiệt nơi rừng thiêng nước độc, cộng thêm những cơn sốt rét hành hạ, tôi đau bệnh liên miên. Nhưng vì sợ A trưởng cho là kiếm chuyện để trốn lao động, tôi vẫn phải cầm cuốc đi làm.
Làm việc cực khổ nhưng chúng tôi ăn uống rất thiếu thốn, bữa ăn chủ yếu là bo bo hoặc khoai mì chấm với mắm khô cá nục mặn chát. Rau xanh còn quý hơn vàng. Mỗi tháng, khi xe chở thực phẩm từ thành phố lên tiếp tế, chúng tôi mới có rau xanh để ăn. May là chúng tôi được hướng dẫn hái rau rừng, hái măng, bắt cá dưới suối... đem về cải thiện bữa ăn.
Cực quá, tôi rủ mấy đứa bạn ở chung A tìm cách trốn trại. Để chuẩn bị cuộc chạy trốn, mỗi ngày chúng tôi bớt ra một ít phần ăn đem phơi khô để dành. Gần một tháng, nhắm đủ thức ăn để mang theo đi đường, chúng tôi quyết định ngày giờ trốn trại. Canh giờ đổi ca của bảo vệ gác đêm, năm đứa chúng tôi lẻn trốn.
Đó là đêm 27 tháng 12 năm 1977.
Vì không biết đường nên chúng tôi cứ nhắm hướng đi đại. Một tuần lễ đi không dám ngừng nghỉ nhưng chúng tôi vẫn còn nghe tiếng kẻng của nông trại. Làm dấu các con đường mòn đã đi qua, chúng tôi mới phát hiện ra mình vẫn còn ở chỗ cũ. Thực phẩm đem theo đã hết. Cuối cùng, chúng tôi quyết định quay trở về cho dù bị kỷ luật. Vậy mà, khi chúng tôi trở lại A vẫn không bị một ai phát hiện. Nghĩ cũng lạ!... Từ đó, tôi cố quên đi chuyện bỏ trốn và cố gắng phấn đấu miệt mài với hy vọng sớm được hồi gia.
Năm năm trời phấn đấu, tôi được giao phụ trách văn thể mĩ cho đội. Tôi làm tốt mọi công tác mà ban chỉ huy đội và ban tuyên huấn phân công. Tôi mong được đánh giá tốt để có ngày trở về. Chừng ấy năm ở Phú Văn, tôi không được một ai thăm nuôi, không tin tức gì về gia đình. Ba tôi cải tạo ở Cao Bằng không biết đã về nhà chưa? Má tôi bây giờ có còn ở chỗ cũ nữa không? Các anh, chị và em tôi như thế nào?...
Tôi hoàn toàn không có chút thông tin nào cả. Thế giới bên ngoài dường như không tồn tại. Xung quanh tôi bốn bề là rừng núi. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có núi với rừng.
Năm 1980, giám đốc nông trường cho phép học viên tìm hiểu nhau để lập gia đình. Tin vừa được loan ra, lập tức có mười cặp lên phòng tổ chức xin đăng ký kết hôn. Chú Tư Thanh, Giám đốc nông trường, đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới tập thể đó. Mấy ngàn học viên tại Phú Văn cùng chia vui với các cô dâu chú rể. Đa số các chú rể đều có gia đình lên dự lễ và trao cho cô dâu quà cưới đúng như phong tục xưa. Nhưng phía các cô dâu hoàn toàn không có ai, chỉ có chú Tư Thanh đứng ra đỡ đầu.
Mười cặp vợ chồng đầu tiên của nông trường được cấp đất, cấp nhà để lập nghiệp. Họ sống trong phạm vi nông trại quản lý nhưng được tự do đi lại, được phép về thăm gia đình. Trong số các cặp vợ chồng đó có nhỏ bạn của tôi, Thạch Ngọc Mai, còn gọi là “Mai đen”. Sau đám cưới, nhỏ Mai được gia đình bên chồng bảo lãnh về phép để ra mắt họ hàng. Hết phép, nhỏ trở lên nông trại. Tôi thấy nó khác hẳn lúc trước! Điều đó làm tôi suy nghĩ…
Tại sao mình không tìm cho mình một lối thoát danh chánh ngôn thuận? Tôi quyết định chấp nhận tình cảm của anh Đạt, phụ trách văn thể mĩ của liên đội nam. Anh đã nhiều lần gửi thư cho tôi nhưng tôi không hề hồi âm. Giờ thì tôi chủ động viết thư gửi cho anh và chúng tôi cũng đăng ký kết hôn. Mục đích kết hôn của tôi không phải để lập nghiệp, mà là tìm lối thoát khỏi nông trại. Tôi chẳng cần chuẩn bị gì cho một mái ấm gia đình.
Cuối cùng cái ngày mà tôi mong đợi cũng đến: Tôi được mẹ chồng tương lai làm đơn bảo lãnh về phép để bà dẫn đi mua sắm, chuẩn bị cho đám cưới của chúng tôi trong đợt hai mà nông trại sắp tổ chức đám cưới. Cầm tờ giấy quyết định cho đi phép, tôi như đi trên mây. Đạt dặn tôi mua đủ thứ trên đời dưới đất, cái gì tôi cũng gật đầu để khỏi con cà con kê.
[1]Từ lóng ám chỉ gỡ bóng đèn xe.