Ngồi trên xe đò về thành phố một cách danh chánh ngôn thuận, còn điều gì hạnh phúc hơn? Tôi đến nhà mẹ chồng tương lai ra mắt ông bà, họ hàng. Mấy đứa em anh Đạt giục tôi đi tắm rửa để còn ăn cơm. Cơm nước xong, tôi xin phép ra chợ mua ít đồ dùng cá nhân. Ra khỏi nhà, tôi kêu xích lô đi thẳng về khu Lê Lai. Bạn bè xưa gặp lại tôi đã mừng rỡ. Đứa nào cũng muốn đãi tôi một chầu “chích choác”, mừng tôi trở về sau năm năm vắng bóng.
Tôi trốn luôn ở thành phố, không về núi rừng Phú Văn, không thèm kết hôn, không cần gì cả. Tự do vẫn hơn.
Tôi lại tiếp tục đêm đêm ra đứng lề đường bán “của không vốn” để có tiền mua cái cảm giác đê mê do “nàng tiên nâu” ban tặng. Tôi không về sống với dì ghẻ nữa, tôi sống bụi đời tại khu Lê Lai. Thỉnh thoảng vô mánh có tiền, tôi ghé về cho các em rồi lại đi. Mỗi lần về nhà, tôi lại thấy các em lôi thôi, nhếch nhác. Dì ghẻ vẫn ngồi sòng bài, vẫn rượu chè be bét. Chứng kiến cảnh tượng này, tôi càng thêm chán ngán cuộc đời.
Về đời chưa được một tháng, tôi bị người của nông trường đi tìm và bắt trở lại Phú Văn. Tôi bị kỷ luật, phải đi phát rừng làm rẫy và ăn, nghỉ trưa đều ở ngoài nắng. Nắng mưa gì cũng phải ráng mà chịu. Hết kỷ luật được trở về A, tôi lại nghĩ cách trốn trại tiếp, nhưng lần này tinh vi hơn, kín đáo hơn.
Dưới vỏ bọc luôn luôn chấp hành nội quy nông trại, tôi cố gắng làm đủ thứ việc mà cấp trên yêu cầu. Hơn một năm trời phấn đấu tốt, tôi lại được cân nhắc lên làm văn thể mỹ. Làm văn thể mỹ là một điều sung sướng đối với trại viên như tôi, bởi không còn phải cầm liềm, cầm cuốc, đội nắng mưa để lao động nữa. Đơn vị tôi luôn được nhận giấy khen mỗi khi nông trường phát động thi đua, như viết báo tường, trình diễn văn nghệ, lao động sản xuất. Tôi được tin tưởng và tuyên dương là tấm gương cho những trại viên đơn vị khác noi theo. Nhưng trong đầu tôi vẫn chưa quên ý định đi tìm tự do.
Tôi bắt đầu rủ rê những người có ý định trốn trại. Lần này tôi đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm làm người dẫn đường và dẫn theo 50 chị cùng trốn. Cuộc trốn trại thật lắm gian nan. Không dám đi đường mòn vì sợ bị phát hiện, chúng tôi phá rừng để đi. Lũ vắt rừng theo bám đầy chân, máu chảy dài từ các vết cắn. Chúng tôi chia ra từng tốp nhỏ, mạnh ai nấy đi.
Tốp chúng tôi chạy được ra đến cầu ĐăkLung thì bị nhóm “vũ trang” của nông trường bắt lại. Chúng tôi quỳ lạy xin tha, nhưng bọn họ nhất quyết không đồng ý. Một người trong bọn họ gợi ý: “Nếu mấy bà muốn được tự do thì phải biết điều...”. Tôi mạnh dạn: “Tụi này cũng như các anh, bị bắt lên đây cải tạo lao động thì làm gì có của cải mà lo lót”. Thấy bọn họ cười cợt nhả nhớt, chúng tôi chợt hiểu. Chúng tôi chỉ còn cái thân này... Thôi thì, muốn tự do, chúng tôi đành phải liều mình. Xong việc lo lót kiểu rừng rú với bọn khốn nạn ấy, chúng tôi chia nhau ra tiếp tục cuộc trốn chạy.
Khi ra tới đường nhựa, tôi cải trang thành một phụ nữ mang thai với cái bụng to đùng rồi thuê xe ôm về thành phố. Biết tôi trốn trại, anh xe ôm khuyên tôi nên kiếm nón lá để đội thì mới giống dân địa phương. Rồi anh biểu tôi núp trong lùm cây, chờ anh về nhà lấy nón. Đội chiếc nón rách trên đầu cũng khó mà nhận ra. Vậy mà khi chúng tôi đi gần tới chợ Đồng Xoài thì có một tốp “vũ trang” khác đi Honda đuổi theo phía sau. Anh xe ôm cố gắng chạy thật nhanh nhưng cũng không thoát. Tôi bị bắt trở lại… Người bắt tôi không ai xa lạ, chính là người bạn-đường-phố ngày nào chơi chung với tôi những năm Sài Gòn chưa giải phóng. Tôi biết lạy lục van xin cũng vô ích nên chỉ thắc mắc: “Tại sao trốn năm, sáu chục người mà chỉ bắt có mỗi mình tôi?”. Anh ta nói: “Vì bà là người cầm đầu dẫn đường cho mấy đứa trốn. Chỉ cần bắt mình bà là đủ rồi. Hơn nữa, bà làm văn thể mỹ, bà nắm luật mà phá luật. Tội của bà lớn lắm, có biết không?”.
Tôi bị đưa về kỷ luật trên nông trại, bị cùm hai chân, nhưng cùm bỏ lỗ nằm sấp. Ăn uống, tiêu tiểu tại chỗ. Tôi bị kỷ luật một tháng trời vẫn chưa được thả cùm. Hai ống chân tôi lở loét, nhức nhối. Đây là một hình thức kỷ luật chưa từng có. Hình thức kỷ luật này không phải là chỉ đạo của Ban Giám đốc, mà do những học viên làm “vũ trang” nghĩ ra để trừng trị những người trốn trại nhiều lần. Như tôi chẳng hạn.
Một hôm đang nằm trong phòng kỷ luật, tôi nghe tiếng chú Hùng, phó giám đốc nông trại nói chuyện với mấy người “vũ trang” bên ngoài, tôi liền chửi toáng lên. Nghe tiếng la lối om sòm, chú hỏi: “Tiếng ai la sao giống tiếng con Tâm?”. Nghe chú hỏi, tôi lật đật trả lời: “Dạ, con đây chú ơi! Con đang bị tụi nó cùm bỏ lỗ ở trong này chú ơi. Chú cứu con với! Con chịu hết nổi rồi”. Một tháng qua chú nghỉ phép nên không nắm tình hình học viên. Chú xem sổ sách, hỏi lý do tôi bị kỷ luật và vô phòng coi những người bị kỷ luật được đối xử ra sao. Xem xong, chú kêu nhóm “vũ trang” mở cùm cho tôi. Một tháng trời nằm cùm, tôi không thể nào đứng dậy được, hai chân hoàn toàn bị tê xụi. Tôi khinh thường và căm thù bọn người “vũ trang” đó. Họ cũng là dân “ken” như tôi, nhưng họ phấn đấu bằng cách chà đạp lên người khác để giành phần lợi về mình. Họ lập công trên sự đau khổ của người khác.
Được thả cùm, tôi bắt đầu tập đi như đứa bé lên một. Tập từng bước, từng bước, dẫu tê buốt khó khăn. Cuối cùng, tôi cũng đi lại được nhưng nhóm người “vũ trang” luôn giám sát tôi gắt gao. Họ không rời mắt khỏi tôi nửa bước, dù tôi đi tiêu hay đi tiểu. Không có cách nào để trốn, tôi nhờ mấy chị ở chung phòng kỷ luật mỗi ngày đi làm bên ngoài cố gắng tìm giúp tôi dọc bờ suối ống tre nứa khô còn ứ nước bên trong. Tôi lấy mũi liềm mổ ống tre ấy ra để lấy nước. Mùi hôi thối xông lên, ai cũng bịt mũi. Tôi nín thở cố uống thứ nước ấy. Chỉ năm phút sau, tôi bị lên cơn sốt co giật, phải chuyển lên trạm xá của nông trại để nằm. Tôi mê man ba ngày liền mới tỉnh. Trong khi nằm điều trị, tôi đã chuẩn bị những thứ cần thiết cho cuộc trốn trại lần nữa.
Những ngày nằm điều trị tại trạm xá, tôi chỉ được mỗi một người chăm sóc tận tình và chu đáo. Đó là Hương “Huế”, người bạn cùng đi chuyến xe đông người với tôi lên nông trường Phú Văn ngày trước. Vừa khỏe lại, tôi năn nỉ Hương cố gắng tìm giúp cho tôi vài viên thuốc C, một ít thuốc rê, hộp quẹt, để tôi tìm đường về thành phố. Chuẩn bị các thứ cần thiết xong xuôi, tôi xin đi tắm rửa vệ sinh. Hai “vũ trang” đi theo canh chừng. Tụi nó đứng trên bờ suối cứ nhìn chằm chằm vào tôi. Tức mình, tôi quát lên: “Nữ tắm mà mấy ông cứ nhìn vậy làm sao cởi đồ mà tắm?”. La xong, tôi cởi phăng quần áo… Lúc đó, tụi này mới chịu quay mặt đi nơi khác. Chỉ chờ có bấy nhiêu, tôi lập tức ôm quần áo nhanh chân lủi vô bụi tre rồi men theo bờ suối để trốn.
Đi được một quãng xa, tôi nghe tiếng kẻng báo động có người trốn trại. Tiếng chân chạy rầm rập. Tiếng người nói với nhau: “Nó mới trốn chưa đi xa đâu. Phải tìm cho ra!”. Núp trong lùm cây, tôi cười thầm. Không kịp bắt tao lại lần nữa đâu. Tôi bò nhè nhẹ, bò thật xa rồi xé rừng mà đi không kịp mặc quần áo vào. Kinh nghiệm những lần trước, tôi không đi theo đường mòn nữa vì đi đường mòn dễ bị bắt trở lại. Tôi cứ xé rừng, dù bị gai và cỏ mắc cỡ tây cào nát mình mẩy, cộng thêm lũ vắt rừng cắn máu me tùm lum… Tôi thà chịu đau chứ thề không để bọn “vũ trang” bắt lại. Hơn một tuần trốn trong rừng, đói ăn trái rừng, khát uống nước suối. Cứ thế tôi đi, leo bao con dốc, vượt bao con suối, tối lên cây ngủ để tránh thú rừng.
Một buổi sáng, tôi thức dậy bởi tiếng ồn ào bên dưới đánh thức. Mặt trời đã lên cao. Từ chạc ba cây nhìn xuống, lố nhố phía dưới quá trời người. Hoảng hồn, tôi tuột từ trên cây xuống đất. Bọn người dân tộc bu quanh không cho tôi đi. Họ đòi dẫn tôi về nông trại để lãnh gạo (dân địa phương bắt được học viên trốn trường sẽ được thưởng gạo). Tôi quỳ lạy xin tha mãi không được. Bọn họ nói nếu tôi muốn được tha chỉ còn một cách... Và tôi đành nhắm mắt buông xuôi.
Bọn người đó hả hê đi rồi, tôi vẫn nằm đó với những vết thương đau rát do bị cào cấu, cắn xé. Hồi sức một chút, tôi tiếp tục hành trình trốn trại. Nhắm hướng mặt trời mọc, tôi cắm đầu cắm cổ chạy, mệt lả người cũng không dám dừng lại. Tôi lết đi và nhìn thấy phía trước con đường đất đỏ.
Cái đói, cái khát làm tôi kiệt sức. Tôi ngồi bệt xuống đất. Cạnh đó có đống xác mía, mừng quá, tôi lượm lên định ăn đỡ đói. Trời ơi, xác mía khô queo. Lũ kiến còn không thèm đếm xỉa tới, thì còn cái gì để tôi gặm? Chợt thấy xa xa thấp thoáng bông lau. Tôi cố bò đến. Một rừng mía đường trước mặt. Tôi bẻ một cây ăn ngấu nghiến. Hết cây mía là no bụng, trong người thấy khỏe hẳn. Tôi bẻ thêm hai cây, vừa để dự trữ, vừa làm nạng chống để đi. Vừa đi, tôi vừa nhẩm tính thấy mình trốn khỏi nông trại cũng hơn mười ngày rồi. Đám “vũ trang” chắc không còn đi lùng bắt nữa.
Tôi yên tâm tìm lối đi ra lộ đất đỏ. Ra tới đường đất, ngồi núp trong bụi cây kín đáo chờ xe ben chở cây đi qua để xin quá giang. Chờ từ lúc trời còn sáng đến khi sụp tối cũng chưa có xe. Kiên nhẫn ngồi chờ, cuối cùng cũng nghe tiếng xe. Tôi nhìn thấy ánh đèn xa xa. Bốn chiếc nối đuôi nhau chở đầy cây gỗ đang tiến đến gần chỗ tôi núp. Tôi bước ra, đứng giang hai tay chặn đầu xe. Cả bốn chiếc đều dừng lại. Tôi cầu xin các bác tài cho tôi được theo về thành phố. Họ bàn điều gì đó, tôi không biết. Chỉ nghe một trong số 12 người trên xe nói với tôi: “Em có biết điều thì tụi anh sẵn lòng che chở cho về đến nơi”. Thế là tôi phải chiều chuộng các bác tài, lần lượt 11 người đều được tôi đáp ứng một cách tự nguyện. Chỉ có một người không hề đụng tới người tôi dù cả đoàn xe thúc giục anh “làm đi”. Anh nói: “Tao có con gái. Tao sợ quả báo lắm! Tụi bây muốn làm gì cứ làm. Xong rồi nhớ giữ lời hứa cho người ta quá giang về tới thành phố là được rồi”. Tôi được biết anh tên Hải.
Sáng hôm sau, anh Hải cho tôi ăn sáng và cho tôi ngồi chung xe với anh để về Biên Hòa. Trên đường đi, anh khuyên tôi nên sống đàng hoàng. Tôi thầm cảm ơn người đàn ông tốt bụng. Đoàn xe đi qua bao nhiêu là chốt gác của nông trại. Mỗi lần ghé chốt gác để kiểm tra xem có người của nông trại trốn trên xe hay không, anh Hải đều giấu tôi. Nhờ vậy mà tôi theo anh về tới Biên Hòa. Đến Biên Hòa, anh cho tôi ít tiền xe để tôi về Sài Gòn. Anh còn căn dặn, cố gắng tìm việc gì đó để làm ăn, đừng sống cuộc sống cũ nữa. Tôi cám ơn lòng tốt của anh. Nhưng cuộc đời đâu dễ dàng chấp nhận tôi, một con bé vừa nghiện ma túy vừa làm mại dâm! Chia tay anh, tôi tới khu Lê Lai, lại đi ngay vào động chích ma túy. Tôi chích cho quên cuộc đời. Tôi hận nhiều người, hận chính bản thân tôi.
Về “đời” được hai tháng, tôi lại bị bắt về tội đứng đường đón khách bán dâm. Tội nghiệp các em của tôi, no ấm chưa được bao lâu thì tôi đã bị bắt nữa rồi!
Lần này, tôi bị đưa lên trại Đồng Phú. Đây là trại cải tạo lao động dành cho những đối tượng “cộm cán” nên kỷ luật vô cùng khắt khe. Ở Đồng Phú gần một tháng, tôi mới được đi lãnh cơm. Đi quanh co gần một cây số mới tới nơi. Mỗi người bưng một thau cơm. Nói cơm cho xôm chứ thực ra là bo bo đỏ. Cuộc sống ở đây khổ gấp trăm lần ở Phú Văn, lại còn cảnh “ma cũ ăn hiếp ma mới”, trấn lột, ức hiếp nhau ghê gớm. Tôi có cái may mắn hơn vì nhiều người ở ngoài đã biết tính tôi hay liều nên cũng nể mặt phần nào.
Trở lại việc lãnh cơm. Xuống tới hậu cần, chúng tôi mỗi người một thau bưng đi thành hàng một. Về tới khúc quanh, tôi xin phép cán bộ cho nghỉ chân vì mỏi tay. Tay cán bộ này bực mình chửi tôi: “Mẹ kiếp! Đám con thằng Thiệu mới đi có một chút đã than mỏi. Tao cho nghỉ hai phút”. Cán bộ cũng ngồi cạnh tôi để nghỉ chân. Một con chim đậu chót vót trên cây. Tôi nói: “Cán bộ coi con chim gì đẹp quá!”. Tội nghiệp anh cán bộ ngây thơ ngó lên ngọn cây. Lập tức, nguyên thau bo bo vừa nóng vừa nhão chụp vào mặt anh ta. Bị bất ngờ như vậy, cán bộ trở tay không kịp, chúng tôi lập tức bỏ chạy.
Cả bảy đứa chạy tán loạn vào rừng. Mạnh ai nấy chạy mong thoát thân. Tiếng súng báo động có người trốn trại vang cả khu rừng. Kệ! Tôi vẫn chạy. Ở đây, vào những năm tám mươi, tám mốt, những người cải tạo lao động mà bỏ trốn, cán bộ có thể bắn chết bỏ. Tôi không sợ chết. Vì chết là thoát nợ trần gian, là giải thoát cuộc đời. Nếu như còn sống là còn tìm đường về… Tiếng súng đì đùng bên tai. Tiếng chân người rượt đuổi… Tôi lủi vô bụi le rừng, nằm sát dưới gốc để tránh cuộc lùng sục. Chờ im tiếng súng, chờ hết cuộc lục soát của cán bộ vẫn chưa dám bò ra. Lũ vắt rừng bu đầy người tôi hút máu no nê. Bốn bề im ắng. Tôi định bò ra khỏi bụi le. Chợt nghe tiếng chân đi nhè nhẹ từ xa. Hoảng hồn tôi thụt trở lại, nằm nín thở suy nghĩ không biết là ai. Nếu cán bộ đi tìm thì phải đông người và ồn ào. Nhưng tại sao tiếng chân đi có vẻ như rụt rè? Nghĩ vậy, tôi vạch lá khe khẽ nhìn ra ngoài.
Thì ra là bé Bảy cùng nhóm với tôi. Tôi gọi nhỏ: “Bảy…Bảy…”. Nhanh như cắt, nó phóng cái ào vô bụi. Tôi lên tiếng cho nó yên tâm: “Tao nè… Tao ở bên bụi le cạnh mày nè”. Nó thấy tôi. Cả hai đứa cùng chui ra một lượt rồi ôm nhau mà khóc. Tôi an ủi nó: “Mày đừng lo, tao trốn trại quen rồi. Tao sẽ dẫn mày đi chớ không có bỏ mày đâu. Chết cùng chết. Thoát cùng thoát. Tao chỉ lo không biết mấy đứa kia có trốn thoát không. Mày ráng nằm chờ khi nào thật im rồi mới tìm đường lộ cho chắc ăn”. Hai đứa nằm trong bụi le, mùi lá khô lâu năm mục nát cộng thêm trời mưa tạo cái mùi hăng hăng ngai ngái thật khó chịu. Nằm chờ đến khi mặt trời lặn dần, hai đứa mới dám chui ra khỏi bụi le để đi.
Theo kinh nghiệm những lần trốn trường trước đây, tôi không theo lối mòn mà tự xé rừng để đi. Mắc cỡ Tây chằng chịt, cào xé nát thịt da. Máu chảy, ướt rồi khô. Mùi tanh của máu đã dẫn đường cho lũ vắt rừng búng theo bám đầy trên người hai đứa tôi. Mặc kệ, lo tìm đường thoát thân trước đã, nhắm hướng đi đại. Càng đi trời càng tối. Hai đứa lạc vào rừng già lúc nào không hay. Đến khi gặp cây cầy trái chín rụng đầy dưới gốc mới biết đã lạc vào rừng già. Sẵn đang đói bụng, hai đứa tôi ngồi dưới gốc cây nghỉ mệt và lượm trái cầy chín ăn cho đỡ đói. Đang ăn, bỗng nghe rào rào từ xa.
Một bầy heo rừng kéo đến. Tôi la lên: “Leo lên cây mau không thì lũ heo ủi chết đó!”. Tội nghiệp bé Bảy, vì quá sợ nó không thể leo lên cây được, cứ trèo lên lại tuột xuống. Tôi phải đỡ, nó mới leo lên được. Tôi cũng mau chân leo lên cây theo nó. Đúng lúc bầy heo rừng vừa đến, không biết bao nhiêu con mà kể. Chỉ một loáng, những trái cầy chín dưới gốc chỉ còn trơ hạt. Lũ heo rừng ăn xong bỏ đi, hai đứa mới dám tuột xuống đất. Bé Bảy lại sụt sịt khóc: “Em sợ lắm chị Tâm ơi! Chắc bỏ xác trong rừng quá. Như vậy làm sao nhà em biết mà tìm để đem xác em về?”. Tôi an ủi nó mà cũng là an ủi chính tôi: “Không sao đâu. Trời Phật sẽ phù hộ, che chở cho tụi mình. Tụi mình sẽ thoát. Đừng sợ!”. Tôi cũng muốn khóc nhưng sợ bé Bảy nản lòng nên cố nén để tiếp tục cuộc đào tẩu.
Ngày đi, đêm trèo lên cây mà ngủ. Đi năm ngày năm đêm, chúng tôi băng qua những con suối nước chảy cuồn cuộn, mấy lần suýt bị nước cuốn trôi. Để tìm đường ra khỏi rừng già, tôi leo lên cây tìm hướng mặt trời mọc rồi đi. Đến ngày thứ bảy, hai đứa gặp được rẫy bắp. Mừng còn hơn lượm được vàng. Tôi bẻ trộm bắp, không có lửa để nướng thì ăn sống. Ăn no rồi hai đứa tôi nằm trong rẫy bắp mà ngủ để dưỡng sức. Tôi biết có rẫy bắp là có nhà dân kinh tế mới. Vì quá mệt mỏi, vừa nằm xuống, hai đứa tôi đã ngủ ngon lành.
Đang ngon giấc, hai đứa tôi bị đánh thức bởi hai ông bà già và một bé gái. Sợ bị bắt trở lại, tôi và bé Bảy sụp lạy xin tha. Tôi lạy như tế sao. Hai ông bà không cho tụi tôi lạy và kêu hai đứa tôi vô chòi ngồi nói chuyện. Bà nói: “Mấy đứa ngồi ở đây du kích đi ngang qua, thấy có người lạ sẽ hỏi lung tung phiền phức lắm!”. Nghe có du kích, hai đứa lật đật theo ông bà vô chòi liền. Vô chòi, bà hỏi tại sao hai đứa tôi lại lạc vô rẫy bắp của bà.
Tôi kể thật cho hai ông bà nghe về hoàn cảnh của tôi với hy vọng bà sẽ tha cho bọn tôi đi. Tôi kể tới đâu bà khóc tới đó. Rồi bà cũng kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của hai ông bà. Bà có đứa con gái cũng cỡ tuổi tôi. Vì nhà quá nghèo, con gái bà cũng đi làm gái mại dâm để kiếm tiền về nuôi gia đình như tôi. Con gái bà cũng đi cải tạo lao động, cũng bỏ trốn và chết trong rừng mất xác, để lại đứa con nhỏ cho ông bà nuôi. Ông bà không nhà cửa, từ quận Tư tìm lên vùng này phá rừng làm rẫy “kinh tế tự do” để nuôi cháu ngoại.
Bà lấy quần áo của bà cho tôi và bé Bảy mặc tạm. Quần áo của hai đứa tôi không thể nào vá lại được vì rách tả tơi. Tắm rửa xong đã có cơm độn bắp nóng hổi để ăn. Trời! Sao ngon như chưa từng được ăn bao giờ. Tôi cám ơn ông bà Năm. Bà nói: “Ối, ơn nghĩa gì bây ơi! Tao cũng là dân thành phố, con gái tao hoàn cảnh cũng như bây cho nên gặp bây là ông bà già này muốn giúp liền hà. Thôi lo ăn đi, đừng khách sáo nữa con!”. Tôi xin ở lại nhà ông bà Năm ít bữa để phụ nhổ cỏ bắp với ông bà. Thời gian trôi qua thật nhanh, nhẩm tính lại tôi ở nhà ông bà Năm đã hơn một tháng. Đứa nào cũng mập ú, mà có ăn cao lương mĩ vị gì đâu, chỉ toàn bắp độn đậu xanh, bí đỏ.
Thấy ở cũng khá lâu, tôi xin phép ông bà cho tôi và bé Bảy về nhà. Nghe tôi xin phép về, ông nói: “Bây chịu khó chặt lồ ô để kết bè thả trôi theo sông Bé là về đến Bến Cát – Bình Dương. Rồi bây đi xe về thành phố. Bây đi như vậy an toàn hơn, khỏi sợ bị phát hiện”. Tôi nghe lời ông Năm, đi vô rừng chặt lồ ô đem về. Đang kết bè thì hai gã tự xưng là du kích vô chòi đòi bắt ông bà Năm về cái tội chứa chấp phạm nhân trốn trại. Tôi không thể để ông bà Năm bị bắt vì tôi, nên ra thú nhận. Họ đưa hai đứa tôi đi. Bé Bảy vừa đi vừa khóc vì lo sợ.
Dọc đường hai gã khốn nạn ấy đã đòi hỏi “sinh lý”. Một trong hai gã nói, nếu chúng tôi đồng ý quan hệ tình dục thì khi xong, họ sẽ thả cho đi. Không còn cách để lựa chọn, hai đứa tôi đành phải phục vụ tình dục cho hai gã đó. Hùng, tên du kích quan hệ với tôi, bảo tôi ở lại với gã, tôi không đồng ý. Gã nói, nếu tôi không đồng ý thì gã đưa hai đứa tôi trở vô trại liền. Uất ức tột cùng nhưng tôi cũng đành chịu. Tôi đồng ý ở lại với gã nhưng với một điều kiện: gã phải giúp bé Bảy về thành phố vì nó còn con nhỏ. Gã đồng ý. Khi gã đón xe ben, gửi gắm cho bé Bảy về đến thành phố, và khi xe chạy khuất con đường đất, tôi mới yên tâm. Buồn bã, tôi theo gã về.
Căn nhà nằm giữa rừng. Thì ra đây là một chốt gác. Gã dẫn tôi vô buồng riêng của gã rồi khóa cửa buồng bên ngoài. Mỗi đêm tôi phải phục dịch cho gã và đám nhân viên dưới quyền của gã. Ở chòi đã mười ngày rồi mà tôi vẫn chưa được phép bước ra khỏi cửa buồng. Tôi năn nỉ lạy lục van xin để được bước ra ngoài một chút cũng không được. Lúc nào cũng có người canh chừng, muốn la cầu cứu cũng không dám vì sợ bị đưa vô trại. Tôi dùng đủ mọi cách chiều chuộng gã để gã tin là tôi thật sự muốn ở lại với gã. Cuối cùng, gã cũng cho tôi đi vì mỗi lần quan hệ tôi nằm im như khúc gỗ khiến gã chán chê. Gã còn cho tôi 20.000 đồng làm lộ phí về thành phố. Men theo lối mòn tìm ra đường cái, không ngờ tên du kích từng quan hệ tình dục với tôi mỗi đêm đã dẫn theo mấy tên lạ mặt chặn đường bắt tôi trở lại. Đến nước này tôi không còn biết sợ là gì nữa. Căm thù tột cùng lũ mặt người dạ thú, tôi thách thức: “Tụi bay cứ bắt đi! Tao trốn trại gần hai tháng rồi. Tụi bay dẫn tao vô trại, tao sẽ khai thời gian trốn trại tao ở đâu, và bị tụi bay làm gì, ai bắt giữ tao để phục vụ tình dục suốt hai tháng trời. Tao đâu có chồng con gì mà tao sợ, một thân, một mình cùng lắm là chết. Còn tụi bay? Một du kích xã bắt được người trốn trại không chịu giao cho trại mà giữ lại để làm công cụ phục vụ tình dục cho tụi bay gần hai tháng mới đem giao để lãnh gạo hả? Đừng hòng!”. Vừa nói tôi vừa thách thức gã. Thấy tôi nói cứng rắn, dữ dằn, gã đành để tôi đi kèm theo một điều kiện: Cho cả ba tên quan hệ tình dục lần chót. Cá đã nằm trên thớt, tôi nhắm mắt buông xuôi. Từng tên chui vô bụi tre rừng để thỏa mãn. Bọn chúng cởi quần áo ra sẵn để đứng nhìn đồng bọn quan hệ tình dục với tôi và bình luận thật bỉ ổi. Thỏa mãn xong chúng mới cho tôi đi. Hận thù chất chứa trong lòng, tôi thề không bao giờ sống lương thiện.
Về tới thành phố, tôi đi thẳng ra bến Bạch Đằng đưa tay chích thiếu. Cảm giác ép phê chạy rần rần trong cơ thể. Đang ngồi thụ hưởng cảm giác đê mê của “nàng tiên nâu”, công an ập tới. Người bán ma túy bỏ chạy, vừa chạy vừa la: “Công an tới!”. Con nghiện tỉnh hồn nhưng chạy không nổi vì quá phê. Tất cả các con nghiện đều bị đưa lên xe, trong đó có tôi. Công an đưa đám con nghiện về quận. Về tới thành phố chưa được một ngày lại bị bắt, tôi càng thêm oán giận cuộc đời. Có mấy đứa chọc quê tôi: “Sao số mày xui quá vậy? Cứ ở tù hoài. Bộ mày thích ăn cơm tù lắm hả?”. Tôi điên tiết: “Đ.M, thích cái con c... Đứa nào lải nhải nữa tao đâm chết mẹ”. Nghe tôi chửi, cả phòng đều im lặng vì tụi nó biết tôi dám liều mạng.
Lần này tôi bị đưa ra Duyên Hải, cù lao của huyện Cần Giờ. Bốn bề sông nước. Hết bị nhốt ở rừng núi giờ lại bị nhốt giữa mênh mông sông nước. Ở trại nào tôi cũng có bạn bè ngoài đời, nên khi bị đưa vào trại tôi đều có bạn bè giúp đỡ. Tôi chỉ lao động cho có lệ vài hôm là được ra vào thoải mái. Tôi cố phấn đấu để tạo lòng tin của cán bộ phụ trách, để không bị dòm ngó. Có như vậy mới có cơ hội tìm đường trốn trại.
Ở được một năm, mọi hoạt động của nông trường, rồi văn nghệ, báo tường vào các dịp lễ lớn, tôi đều tham gia. Từ cán bộ đến bảo vệ nông trường, ai cũng tin tưởng tôi. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không tìm cách trốn? Tôi âm thầm bàn tính với chị Cúc cùng tổ chặt củi với tôi. Chị Cúc nói, chị rất muốn trốn nhưng không biết bơi thì làm sao thoát được. Tôi động viên chị. Tôi có cách đưa chị qua sông. Chỉ cần chị nằm yên là tôi dư sức đưa chị qua sông an toàn. Mỗi ngày sau khi hết giờ lao động, trong lúc tắm dưới sông tôi đều tập cho chị Cúc cách nằm ngửa trên mặt nước, tôi đỡ dưới lưng bơi tới bơi lui cho chị tin. Ở vùng này, tất cả trại viên đều tắm nước sông mặn chát.
2 tháng 9 là ngày lễ lớn, nông trường chuẩn bị lo tổ chức cho trại viên mừng lễ. Cơ hội đã đến. Trong lúc đi lấy củi, tôi và chị Cúc lẻn trốn trong rừng chà là gai. Hai đứa men theo bờ cho xa xa mới xuống sông. Tôi dặn chị cứ nằm yên thả ngửa trên mặt nước để tôi đưa chị qua sông. Khúc sông đồng tranh nước chảy rất xiết. Tôi cố gắng vừa bơi vừa đỡ chị qua sông. Gần kiệt sức… Cố gắng lên… Tôi bơi qua gần tới bờ bên kia sông. Tôi đuối sức cố gắng chòi đạp trong tuyệt vọng. Tôi bắt đầu chìm dần, chìm dần… Nước mặn đắng tràn vào miệng. May quá, chị Cúc đã chạm chân tới bùn. Chị còn sức để lôi tôi vào bờ. Tôi không còn biết gì nữa. Chờ tôi tỉnh lại, hai đứa len lỏi trong rừng chà là đến khi mặt trời khuất dạng mới dám ra mé sông Cát Lái ngồi chờ ghe xuồng đi ngang để xin quá giang.
Ngặt một điều, vào những năm tám mươi, con sông này thường có người tổ chức vượt biên trốn ra nước ngoài, nạn cướp ghe cũng xảy ra như cơm bữa. Chính vì vậy, những chiếc ghe đi ngang qua, nghe hai đứa tôi kêu cầu cứu, đều có câu hỏi giống nhau từ dưới ghe vọng lên: “Mấy chị là ai? Vượt biên hay cải tạo? Có mấy người ở trên đó?”. Làm sao tôi dám trả lời “cải tạo hay vượt biên”, vì nói là vượt biên thì bị bắt giao cho công an, còn bảo cải tạo cũng bị bắt giao cho nông trường để họ lãnh thưởng 5kg gạo. Vậy là tôi trả 6671 lời: “Dạ, tụi tui chỉ có hai chị em gái. Tụi tui đi chở gạo lậu bằng xuồng và bị chìm ở khúc sông này. Xin mấy chú giúp đỡ cho chị em tui quá giang”. Mặc cho sự van xin cầu cứu của chúng tôi, không một chiếc ghe nào dám tấp vô bờ vì sợ bị cướp. Bọn cướp thường giả dạng người bị chìm ghe ở đoạn sông giáp biển này. Vì lòng nhân ái mà bao nhiêu chiếc ghe đã bị cướp, cho nên người dân rất sợ mỗi khi nghe tiếng ai đó kêu cầu cứu trên bờ.
Hai đứa tôi cố gắng van xin một cách vô vọng. Lũ bù mắt cắn hai đứa tôi sưng vù mình mẩy. Bao nhiêu là ghe đi ngang qua cũng chỉ có câu hỏi: “Có thiệt mấy chị bị chìm ghe không? Trên đó có đàn ông không?”. Họ hỏi cho có lệ rồi chèo ghe qua luôn. Hai đứa tôi ngồi chờ trong lo âu. Nước đã ròng. Giữa bóng đêm lờ nhờ, tôi thấy ba chiếc ghe nối đuôi nhau neo giữa sông vì mắc cạn. Thấy họ cắm sào chờ nước lớn, tôi bàn với chị Cúc: “Mình ngồi đây xin quá giang tới sáng chưa chắc người ta chịu giúp. Chỉ còn cách lội sình xuống đại dưới ghe để xin quá giang”. Chị Cúc sợ bị lún sình không dám lội. Tôi hướng dẫn chị cách đi dưới sình mà không bị lún. Đi trong sình non thì nằm dài để trườn như em bé thì không bao giờ lún được. Nói là làm, tôi trườn đi trước, chị Cúc trườn theo sau.
Trườn tới ghe, tôi van xin giúp đỡ. Tôi đeo cứng mép ghe. Trên ghe có hai người đàn ông một già một trẻ, họ quan sát trên bờ. Không có ai ngoài hai đứa chúng tôi. Họ mới kéo chúng tôi lên ghe. Ông già chủ ghe hỏi hai đứa tôi: “Hai cô đi đâu mà lạc tới khúc sông này?”. Nhìn vẻ mặt phúc hậu của ông, tôi yên tâm và nói thật cho ông nghe: “Tụi con trốn cải tạo ở nông trường Đỗ Hòa. Vì quá khổ cực lại nhớ nhà nên trốn đại, đi riết mới lạc tới chỗ này”. Nghe tôi kể tới đây ông cắt: “Bây cứ kêu tao là bác Tư, còn bây thứ mấy?”. Lúc này tôi mới nói tên mình và tên chị Cúc. Tôi tiếp tục kể cho bác Tư nghe: “Hồi chiều tới giờ, có hàng chục chiếc ghe đi ngang đây con van xin, cầu cứu mà không có chiếc nào chịu cho tụi con quá giang. May mà nước ròng, thấy ghe của bác Tư neo lại, con trườn xuống đại để xin”.
Đưa tay khơi ngọn đèn mù u cho sáng, bác Tư thấy tay chân mặt mày của tôi và chị Cúc sưng vù vì bù mắt cắn, bác kêu người con trai: “Cu, mày lấy chai dầu cù là cho hai đứa nó xức đi!”. Giọng xúc động, ông hỏi tôi: “Nhà bây ở đâu? Tại sao bây bị bắt đi cải tạo?”. Tôi không dám nói thật về tôi cho bác Tư nghe mà tôi chỉ nói dối: “Dạ… nhà con ở Giồng Ông Tố. Con đi chơi với bạn về khuya không có giấy tờ tùy thân, đúng lúc chiến dịch nên con bị bắt đưa đi cải tạo ở nông trường Đỗ Hòa. Nhà con không ai hay biết gì hết”. Nghe tôi ở Giồng Ông Tố, bác Tư hỏi: “Bây ở Giồng Ông Tố hả? Vậy bây con cháu của ai?”. Tôi không dám nói tên ông nội. Tôi nói tên của ông Bảy em của ông nội: “Dạ, con là cháu ông Bảy Muộn ở tiệm vàng Huê Mỹ”. Tự nhiên nghe tôi nói tới tên Bảy Muộn, bác Tư liền gọi qua hai chiếc ghe phía sau: “Bà nó với con Hai ơi! Đem hai bộ đồ qua đây cho hai đứa nó thay”. Hai đứa tôi tắm rửa, ăn uống xong, bác Tư kể: “Ông Bảy là người từng giúp đỡ gia đình bác trong cơn hoạn nạn. Bây giờ gặp dịp để bác báo đáp công ơn”. Bác hứa giúp tôi với chị Cúc về tới nhà, bởi tôi nói về gia đình ông Bảy Muộn không sai một tí nào.
Bác Tư nói: “Tao đi đốn củi lứt về bán. Mới đi tới đây thì gặp bây, chưa có củi làm sao chở bây về?”. Tôi lẹ miệng nói: “Tụi con theo bác Tư phụ chặt củi, chừng nào đầy ghe cùng về luôn một thể. Tụi con biết cách chặt củi dưới nước mà, bác đừng lo!”. Bác Tư chần chừ: “Vậy cũng được”. Nước bắt đầu lớn. Ba chiếc ghe rút sào đi ra hướng cửa biển Cần Giờ, nơi có bao la rừng đước cho người nghèo chặt củi mang về bán kiếm sống qua ngày. Ghe của bác Tư chở hai đứa tôi lênh đênh trên sông nước. Mỗi ngày, chị Cúc phụ chặt củi, còn tôi xách thùng đi bắt ốc len đem về chứa đầy dưới khoang ghe. Qua năm ngày, ghe đầy củi, bác Tư cho ghe quay về. Nhà bác ở ấp Câu Kê, Phước Lý. Ghe về đến nhà lúc trời chập choạng tối. Cơm nước xong, bác Tư cho tôi ít tiền đi xe về Giồng Ông Tố. Hai đứa tôi cám ơn và từ giã vợ chồng bác Tư. Qua phà Cát Lái, hai đứa tôi đi xe về phà Thủ Thiêm.
Vừa qua phà, chia tay chị Cúc, tôi đi thẳng tới điểm bán hàng ở Bạch Đằng để tạ ơn “cô Ba Phù Dung” đã linh thiêng phù hộ cho tôi về tới thành phố được bình yên. Dân ghiền ma túy luôn tin tưởng “cô Ba Phù Dung” thật sự hiển linh. Chích xong, tôi về khu Lê Lai. Ở đây có chỗ tắm giặt, gửi hoặc mướn quần áo, nơi dành riêng cho dân bụi đời. Một ngàn đồng cho một lần tắm, mướn bộ đồ ba ngàn đồng nữa là xong, ai biết dân bụi đời mặc đồ mướn? Tôi lại tiếp tục cuộc sống trên đường phố. Tiếp tục đứng đường. Son phấn ư? Khỏi cần mua, đã có người cho thuê. Trang điểm một gương mặt chỉ tốn hai ngàn đồng. Những kẻ bụi đời như tôi đều có chung một suy nghĩ mua son phấn để xài, lỡ bị bắt coi như mất hết. Thà tốn hai ngàn đồng mà khoẻ hơn.
Cuộc đời cứ thế trôi đi. Nhiều đêm vắng khách, tôi ngồi bó gối bên gốc cây ven đường đưa mắt nhìn vào những căn nhà phía trước mà thèm khát một gia đình êm ấm. Ao ước có một ai đó chịu lấy tôi về làm vợ, rồi sinh con, vợ chồng con cái quây quần bên nhau, dù nghèo nàn nhưng hạnh phúc. Hoặc có ai đó chịu giúp tôi có một việc làm chân chính để tôi làm lại cuộc đời, để cuộc sống của tôi không còn phập phồng lo sợ. Tôi thật sự muốn làm một người phụ nữ bình thường như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác, nhưng thật không dễ dàng gì. Là cô gái “bán xác thân” để sống, lại ghiền ma túy, ai dám tin tôi chứ? Tôi muốn từ bỏ ma túy, từ bỏ những con đường đau khổ mà hàng đêm tôi phải đứng, từ bỏ sự lừa dối lọc lừa. Tôi muốn mở một tiệm buôn bán nhỏ. Nhưng vốn liếng lấy đâu ra? Ở đợ thì không ai cần. Thời buổi mà họ hàng thăm nhau phải đem theo gạo hoặc bo bo để ăn, nhà nào cũng chạy ăn từng bữa, liệu ai dám bỏ tiền ra mướn người làm?
Rốt cuộc, “cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”. Hễ trốn trường Phụ nữ 2 thì bị đưa vô Đỗ Hòa. Trốn Đỗ Hòa 1 thì qua Đỗ Hòa 2. Trốn Đỗ Hòa 2 thì lại bị bắt vào Đỗ Hòa Bình Thạnh. Tại Đỗ Hòa Bình Thạnh, tôi không cách gì trốn được. Họ giữ rất nghiêm. Thế là tôi lấy cây xương rồng hoang nhỏ mủ vào mắt để “phá bệnh”. Hai mắt sưng tấy lên. Không chẩn đoán ra bệnh để mà trị, trạm y tế của nông trường cho tôi chuyển viện. Vậy là tôi trốn luôn. Vừa hết bệnh đau mắt, tôi tiếp tục dính đến ma túy và bị đưa vào trại Bà Lài. Tôi cố tình để cho những nốt ghẻ lở trên cơ thể làm tanh hôi cả phòng. Không ai dám ngồi gần vì sợ lây. Trưởng phòng báo với cán bộ là tôi bị bệnh lậu “tim la hột xoài”, yêu cầu cán bộ giải quyết cho tôi ra trại để tránh lây nhiễm cho người khác. Vậy là tôi được dẫn ra ngoài bệnh xá điều trị. Tôi lại trốn...
Cứ trốn ra rồi bị bắt vô. Hết trường này đến trại khác. Cứ như vậy, thêm năm năm nữa, tôi không ngẩng đầu lên được để làm người.
Năm 1985.
Thành phố chuẩn bị kỷ niệm mười năm giải phóng Sài Gòn.
Vừa trốn khỏi nông trường Duyên Hải về, tôi chưa kịp mừng lễ lại bị đưa vô trường Phục hồi Nhân phẩm Phụ nữ 2. Nhân viên của trường vừa thấy tôi la lên: “Trời đất! Con nhỏ này sao mà giống bắt cóc bỏ dĩa quá vậy?”. Cô Thanh, nhân viên của lớp mây - tre - lá nhận tôi về lớp của cô. Tôi vừa xúc động vừa hổ thẹn. Bao nhiêu lần bị bắt vô trường, cô Thanh đều giúp đỡ, đều tha thứ bao dung. Cô động viên tôi: “Lần này em cố gắng phấn đấu, cô sẽ tìm cách giúp em được hồi gia danh chánh ngôn thuận đàng hoàng. Đừng tìm cách trốn trường nữa”.
Tôi không hứa với cô nhưng từ trong tâm khảm, tôi tự hứa sẽ không bỏ trốn nữa. Tôi ở trường phấn đấu thật tốt, tham gia mọi công tác của trường. Trong thời gian đó, tôi gặp được dì Tư Đỗ Duy Liên. Dì đến thăm trường và xem kết quả học tập của tất cả các chị em đang ở trường. Sau khi đọc bài báo tường do tôi viết, dì gọi tôi lên nói chuyện: “Dì thấy con có khả năng về văn hóa. Sao con không tìm việc gì để làm? Con cứ sống như vầy hoài làm sao có tương lai?”. Dì nói rất nhiều. Đợi cho dì nói xong, tôi xin phép dì cho tôi được nói. Dì đồng ý lắng nghe tôi: “Thưa dì, nếu như dì là một giám đốc của công ty, dì thấy hoàn cảnh của con như vầy dì có dám nhận con vào làm nhân viên cho dì hay không, dù là nhận con vào chỉ để làm tạp vụ? Hoặc nếu dì là người giàu có, thấy con như vầy dì có dám cho con mượn tiền làm vốn buôn bán không? Con chắc là không rồi. Nếu là giám đốc, dì nhận con vào làm trong khi quá khứ của con chẳng tốt, dì cũng sợ mang tiếng với nhân viên chứ. Còn nếu dì là người giàu có, dì cũng không dám cho con mượn tiền vì biết nhà cửa con ở đâu mà đòi? Ai cũng nói tốt được hết, nhưng khi đụng thực tế thì khác. Con đâu muốn làm người xấu, cũng đâu muốn bị bắt vô trường hoài. Con cũng muốn sống tốt lắm chứ, nhưng vốn liếng lấy đâu ra? Nhà cửa thì không có, giấy tờ cũng không, làm sao sống tốt được hả dì?”.
Nghe tôi nói một hơi, dì bảo lần đầu tiên dì gặp được một người dám nói sự thật với dì. Rồi dì khuyên tôi cố gắng học tập cho tốt để sớm được duyệt xét cho hồi gia. Tôi hứa với dì sẽ cố gắng phấn đấu và không trốn trường nữa. Cô Thanh cũng được Ban Giám hiệu khen thưởng vì đã giáo dục được một người như tôi chịu sống tốt. Mỗi khi Nhà Văn hóa Thủ Đức có chương trình ca nhạc, cô Thanh đề xuất cho tôi được ra ngoài xem vì cô tin tưởng tôi không bỏ trốn. Thấy cô lúc nào cũng yêu thương tin tưởng, tôi càng quyết tâm tiến bộ cho cô vui. Hai năm trời tôi sống ở trường và phấn đấu tốt. Đó là điều mà tất cả nhân viên của trường không ai ngờ. Làm việc quá sức, cơ thể tôi bắt đầu suy kiệt, người gầy nhom. Phòng y tế không tìm ra bệnh. Cô Thanh xót xa, lại xin cho tôi đi phép về chữa bệnh. Trước khi tôi ra khỏi cổng trường, cô Thanh khuyên tôi nên về tìm má, và nếu được, tôi nên cố gắng sống tốt, sau này có giấy hồi gia nên sống bên má, đừng để phải vào trường nữa.
Chữa bệnh xong, tôi ở luôn ngoài đời không vô trường nữa, cũng không cần sống tốt hay chờ giấy hồi gia làm gì! Lại tiếp tục cuộc sống lê lết trên đường phố về đêm. Canh có chiến dịch là tôi nghỉ làm, ở nhà mượn tiền sống tạm. Chờ qua chiến dịch lại tiếp tục để kiếm tiền trả nợ.
Bán thân nuôi chồng
Năm 1987, tôi gặp Lê Thanh Hòa. Anh là khách ngủ đêm thường xuyên của tôi. Tôi thường tâm sự với anh về hoàn cảnh gia đình và những ước mơ được làm người phụ nữ bình thường như bao người phụ khác trong xã hội. Anh cũng kể cho tôi nghe về anh với những mặc cảm mà anh đang mang. Anh có tật ở chân. Anh nói anh cũng mơ ước một mái ấm gia đình. Anh là thợ, cũng làm ra đồng tiền để nuôi vợ con, nhưng vì anh đi đứng không bình thường nên khó có người con gái nào chịu lấy anh. Anh nói, từ lúc gặp tôi đến nay, anh rất muốn tôi về làm vợ anh, nhưng vì còn mặc cảm nên chưa dám nói. Bây giờ có thể nói rồi…
Anh đề nghị tôi về làm vợ anh với một điều kiện: Tôi phải bỏ nghề làm gái mại dâm (anh không biết tôi nghiện ma túy). Anh còn nói, sở dĩ anh thường xuyên đi gặp tôi không phải anh là dân ăn chơi đâu. Vì anh muốn tìm một người vợ đúng nghĩa để dựa nhau mà sống. Anh còn nói, anh cũng từng có một đời vợ với một đứa con trai. Vợ anh đã bỏ đi theo người đàn ông khác. Con của anh thì được người chị thứ hai đứng tên làm mẹ. Con anh gọi anh là cậu chứ không gọi là ba. Và chị của anh đã bỏ đi vượt biên mấy năm nay chưa có tin tức gì. Cho nên gặp tôi, anh muốn lấy tôi về làm vợ để có thể săn sóc con trai của anh. Thấy anh chân tình tâm sự, tôi cũng mủi lòng. Từ khi quen biết, anh thường xuyên quan tâm đến gia đình tôi. Hồi đó là năm 1987.
Cũng thời điểm này, ba tôi được trả tự do sau mười hai năm cải tạo, trở về sum họp với gia đình. Ba tôi đi bán bong bóng trước cửa chợ Bà Chiểu. Tôi không muốn để ông đau lòng nếu như ông biết tôi đang làm cái nghề đáng xấu hổ ấy. Cho nên, tôi không suy nghĩ gì nữa, đồng ý lấy anh ngay. Tôi mơ ước cuộc sống bình thường này lâu lắm rồi!
Anh đưa tôi về thăm gia đình. Nhà anh rất đông anh chị em cùng ở chung với mẹ, còn ba và chị Hai đã vượt biên. Mẹ anh đồng ý nhận tôi làm con dâu. Gia đình hai bên gặp nhau. Nhà tôi nghèo, còn nhà anh thuộc vào hàng khá giả. Tuy vậy, gia đình anh không ai chê tôi khiến tôi càng yên tâm khi về làm vợ anh. Những người bạn cùng sống bằng nghề “bán trôn nuôi miệng” biết tôi lấy anh, đều khuyên tôi không nên lấy chồng vì trước sau gì cũng bị bỏ rơi hoặc bị lợi dụng để làm người ở không công. Tôi không tin anh tệ như vậy.
Về làm vợ anh không bao lâu, tôi phát hiện ra anh còn có người vợ thứ hai tên Thủy, sau khi người vợ đầu tiên bỏ anh đi. Anh với vợ sau luôn luôn bất hòa vì Thủy có con riêng. Thủy là đào hát cải lương. Tuy lấy anh nhưng Thủy thường xuyên vắng nhà nên mẹ anh không đồng ý, song cũng chẳng có ý kiến gì. Bà cũng không nói gì với tôi, chỉ khi Thủy về tôi mới vỡ lẽ. Tôi dở khóc dở cười cho số phận bẽ bàng. Hết làm gái mại dâm, hết nghiện ma túy, tưởng đâu cuộc đời hết đau khổ, nào ngờ lại phải làm vợ lẽ người ta. Anh và Thủy lấy nhau cũng chưa có con chung nên Thủy cũng vui vẻ chấp nhận tôi lấy chung chồng. Hai người phụ nữ cùng phục vụ một người đàn ông. Lỡ rồi, tôi đành chấp nhận vì tôi đã quá sợ cảnh đêm đêm đứng đường đón khách.
Làm vợ anh quả thật không đơn giản chút nào, khi vừa phục vụ gia đình chồng vừa phục vụ vợ lớn của chồng. Tôi cắn răng chịu cực, thức khuya dậy sớm, đi bán vé số rồi đi chợ nấu cơm phục vụ mọi người. Tóm lại, tôi làm việc thay cho con ở. Bù lại, tôi không còn lo bị công an bắt bớ vì cái tội làm gái hay chích ma túy nữa. Ở với anh, tôi bỏ ma túy được bốn năm. Những tưởng cuộc đời sẽ bình yên. Dù làm vợ bé, dù cực khổ đến đâu tôi cũng chịu được, chỉ mong có sự yêu thương chân thành của người chồng.
Nhưng tôi không thể học được chữ ngờ ở những con người mà xã hội cho là đàng hoàng, lương thiện. Thủy, vợ anh, bỏ ra Phan Thiết bán bia ôm, được vài tháng thì có tiền, khấm khá. Thủy bàn với anh lúc nào tôi không hay, chỉ nghe anh biểu tôi theo ra ngoài đó bán bia ôm chung với Thủy. Tôi không đồng ý, nhưng anh nói tôi nên đi để có tiền làm vốn về sau. Tôi đã quá sợ cảnh “bán trôn nuôi miệng” nên mới chấp nhận lấy anh, dù gia đình và anh đã gạt tôi, bây giờ anh lại muốn tôi trở về đường cũ là sao? Không bao giờ! Tôi không chấp nhận chuyện bán bia ôm trá hình. Hơn nữa, tôi đang đi bán vé số kia mà?
Bộ mặt thật của anh bắt đầu lộ ra. Một trận cãi vã dẫn đến chửi bới nhau, ầm ĩ cả nhà. “Đ.M, vợ tao phải đi bán bia ôm. Còn mày là cái thá gì mà ở nhà để tụi tao nuôi hả? Mày nhớ lại đi. Trước khi mày lấy tao mày là cái thứ gì?”. Như bị gáo nước lạnh tạt vào mặt, tôi ngỡ ngàng. Có phải anh đó không, người đàn ông từng ra điều kiện “em phải bỏ nghề mại dâm khi về làm vợ anh”? Anh tiếp tục lải nhải: “Vợ tao là con gái của soạn giả nổi tiếng, là con của soạn giả Thanh Cao đó mày biết không? Vậy mà nó còn đi bán bia ôm để phụ với tao. Còn mày, mày là cái gì hả?”. Tôi ghê tởm con người đã có một thời tôi tin tưởng là người tốt! Không làm căng nữa, tôi chấp nhận. Tôi dịu dàng với anh: “Bộ anh tưởng muốn đi bán bia ôm là bán sao? Phải có quần này áo nọ. Phải có bề ngoài một chút khách mới thích, mới dễ lấy tiền thiên hạ. Anh nhìn tôi đi. Ở với anh, tôi ăn mặc như ăn mày, ai mà thèm ngồi gần? Phấn son không có, cái gì cũng không. Không lẽ tôi ở truồng ngồi tiếp khách à?”.
Vậy là anh lập tức đi sắm cho tôi đủ thứ, từ trang sức đến quần áo, để tôi theo vợ anh ra Phan Thiết bán bia ôm. Lần đi này tôi làm ra rất nhiều tiền, nhưng tôi không gửi về cho anh như lời vợ anh dặn. Tôi gửi tiền về nhà cho dì ghẻ phụ lo với ba tôi nuôi các em. Quan niệm sống của tôi là làm đĩ thì không lấy chồng, mà lấy chồng thì không làm đĩ. Còn Thủy vợ của anh làm ra bao nhiêu tiền đều gửi về cho anh. Anh không chịu làm gì ngoài việc lêu lổng, chơi bời.
Thấy bốn năm tháng rồi tôi không gửi tiền về, anh tìm ra Phan Thiết. Tôi tỉnh bơ không đả động gì đến tiền bạc. Anh hỏi: “Làm mấy tháng nay sao mày không có đồng nào gửi về để tao trả nợ?”. Tôi không thèm trả lời. Anh kể lể, chửi bới ngay tại nhà hàng nơi tôi và Thủy đang làm. Quản lý nhà hàng sợ bị bể vụ bán bia ôm nên buộc tôi nghỉ việc. Tôi đành theo anh về Sài Gòn. Về tới nhà anh, chúng tôi ra quán kem Đại La Thiên ngồi nói chuyện. Anh bảo: “Nếu mày còn muốn ở với tao, mày phải gửi tiền về phụ tao trả nợ. Còn mày không muốn ở với tao nữa thì mày lột vòng vàng ðang đeo trên người trả lại tao. Tao lấy tiền của vợ sắm sửa cho mày, để mày đi làm phụ vợ tao gửi tiền về cho tao, chứ không phải sắm sửa cho mày để mày đi làm kiếm tiền gửi về cho gia đình của mày”. Tôi giận run lên khi nghe anh nói những câu nói bạc tình bạc nghĩa ấy. Tôi trả đũa ngay: “Nè ông, nghe cho rõ nha. Bắc thang lên hỏi ông Trời, có tiền cho gái có đòi được không. Ông cứ bắc thang hỏi đi, chừng nào ông Trời trả lời được thì tôi trả cho ông. Và tôi cũng nhắc lại lời của tôi cho ông nhớ: Vì tôi không muốn làm đĩ nữa, tôi mới chịu lấy ông. Ông nhìn lại thân thể ông đi? Tôi lấy ông để làm vợ chứ không phải lấy ông để về tiếp tục làm đĩ nuôi ông đâu, ông đừng có hòng…”.
Một trận đánh nhau tại quán kem. Anh chụp ly kem ném thẳng về phía tôi, cũng may tôi né kịp. Ly kem văng vô tường. Vài mảnh vỡ ghim vào mặt tôi chảy máu. Nghe ran rát, tôi nổi cơn điên chụp ghế đánh trả. Tôi đánh điên cuồng. Anh đánh không lại tôi. Anh bỏ chạy qua phường 13 quận 5, thưa với công an tôi là gái mại dâm, anh rước tôi về ngủ đêm với anh rồi tôi còn ăn cắp tiền của anh, bị phát hiện nên tôi đánh anh để chạy! Công an bắt tôi về phường và mời anh đi theo để làm việc. Trong lúc lấy cung, tôi khai tôi là vợ anh. Công an đánh tôi mấy bạt tai và nói tôi già mồm. Bị công an đánh, tôi không thấy đau mà tôi chỉ đau khi thấy được bộ mặt thật của anh. Tôi nói với công an, tôi có tạm trú tại nhà cha mẹ anh ở phường 10 quận 6. Nếu không tin, công an cứ gọi về nơi tôi vừa khai để xác minh sự thật, nếu không phải tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, còn nếu như đúng sự thật thì công an phải đưa tôi về nhà tôi ở tận chợ Bà Chiểu, chứ thả tôi ra tại đây anh sẽ giết chết tôi. Công an gọi điện về phường 10 và được xác nhận tôi là vợ của anh, tôi có tạm trú trên đường Lý Chiêu Hoàng, nhà cha mẹ anh. Sau khi xác minh, công an lại mắng tôi: “Vợ gì mà hung dữ, cầm ghế đánh chồng!”. Tôi phải nói rõ lý do tại sao tôi đánh anh. Công an quay ra chửi anh và thả cho tôi về.
Chia tay anh, tôi không cần mang theo bất cứ thứ gì. Tôi trở lại nghề cũ. Anh lại tìm đến những con đường nơi tôi thường làm. Không muốn gặp anh, tôi bỏ trốn về Phú Quốc với hy vọng nương nhờ các anh chị cùng cha khác mẹ. Nhưng… Về tá túc với anh chị, tôi lại bị má lớn không cho ở. Vừa đánh vừa chửi, bà nhất quyết không cho chị tôi chứa tôi trong nhà và cũng không cho các anh trai nuôi tôi. Buồn, tôi quay về thành phố, tiếp tục nghề “bán trôn nuôi miệng”.
Tôi đi tìm má ruột, nhưng má ruột cũng không còn nhà cửa. Sau bao nhiêu lần lấy chồng, cuối cùng bà sống cô đơn dưới chân cầu thang chung cư Chợ Quán. Hai mẹ con đùm bọc nhau mà sống. Ban đêm tôi đi làm, ban ngày ngủ vùi lấy sức. Chiến dịch liên miên, tôi có kinh nghiệm hơn nên không để bị bắt. Ế ẩm, lại mượn nợ. Lãi mẹ đẻ lãi con. Nợ chồng nợ chất. Tôi kêu trời, trời không thấu; kêu đất, đất không nghe. Tôi lại tìm đến “cô Ba Phù Dung”, lại chích cho quên đời. Cuộc đời chó má. Chích… Chích cho nhiều. Cho mau chết để thoát khỏi cuộc đời đau khổ này. Nhưng không thể nào chết được.