Jên Erơ Chương 27


Chương 27
Khoảng buổi chiều, tôi ngẩng đầu dậy, đưa mắt nhìn quanh thấy mặt trời sắp lặn, ánh nắng vàng chói chiếu lên mặt tường.

Tôi tự hỏi: "Mình phải làm gì đây?".

Nhưng câu trả lời: "Rời ngay Thornơfin" đến trong trí tôi nhanh quá, thê thảm quá khiến tôi phải bịt tai lại, tôi tự nhủ lúc này không thể chịu đựng nổi câu nói ấy. "Ta không phải là vợ ông Rôchextơ, đó chỉ là một phần nhỏ trong sự đau khổ của ta. Tôi khẳng định thế - Ta đã bừng tỉnh khỏi những giấc mơ huy hoàng nhất để thay chúng là hư ảo, hão huyền, đó là một nỗi hãi hùng mà ta chịu đựng và chế ngự được, song phải rời bỏ ông ngay lập tức; rời bỏ dứt khoát, hoàn toàn, thì thực quá sức ta, ta không sao làm được".

Nhưng rồi một tiếng nói vang lên trong óc, bảo tôi có thể làm thế, và báo trước rằng tôi sẽ làm thế. Tôi giằng co với quyết định của chính tôi, tôi muốn mình yếu đuối để khỏi phải dấn thân vào con đường ghê sợ bày ra trước mắt, đưa tôi đến những đau khổ mới nữa; nhưng ý thức trở thành bạo chúa, nắm lấy cổ tình yêu, say đắm, khinh bỉ bảo nó rằng cho đến nay nó chỉ mới nhúng chân mảnh dẻ vào bùn thôi, và thề sẽ dùng cánh tay sắt này mà quẳng nó xuống vực sâu thẳm của thống khổ.

- Thế thì cứ dứt tôi ra khỏi nơi này! - Tôi kêu lên, - có ai khác giúp tôi với!

- Không! Mi phải tự giúp mình ra khỏi đây, sẽ không có ai giúp mi, chính mi sẽ tự móc mắt phải của mình, tự cắt tay phải của mình, trái tim mi sẽ chịu nạn, và chính mi là người giáo sĩ đâm xuyên nó.

Tôi đột ngột nhỏm dậy, hoảng sợ trong cảnh cô đơn có một phán quan khắc nghiệt như thế ám ảnh, trong sự im lặng chỉ vang lên có mỗi giọng nói khủng khiếp kia. Đầu óc tôi quay cuồng choáng váng khi tôi không đứng dậy. Tôi nhận thấy mình đến ốm vì đói và bị kích thích, cả ngày hôm ấy tôi đã ăn miếng nào, uống ngụm nước nào đâu, vì ban sáng tôi không ăn điểm tâm. Và lòng tê tái kỳ lạ, tôi chợt nghĩ rằng tôi giam mình trong buồng đã lâu mà chẳng có ai đến hỏi xem tôi làm sao, hoặc mời tôi xuống nhà, thế con bé Ađen cũng chẳng tới gõ cửa và cả bà Fefăc nữa cũng chẳng đến tìm tôi. "Đời có ai phù suy bao giờ đâu", tôi lẩm bẩm và mở then cửa đi ra. Tôi vấp phải một vật nào đó, đầu óc tôi còn choáng váng, mắt tôi còn hoa và chân tay còn bủn rủn, nên tôi chưa hoàn hồn ngay được. Tôi ngã, nhưng không phải xuống sàn, một cánh tay đang ra giữ tôi, tôi nhìn lên: ông Rôchextơ, ngồi trên một chiếc ghế bắc ngang cửa buồng, đã đỡ lấy tôi.

Ông nói:

- Thế là sau cùng em đã ra khỏi phòng. Tôi chờ em và nghe ngóng đã lâu, nhưng không hề nghe thấy một cử động hay một tiếng nức nở, nếu sự im lặng như chết ấy kéo dài thêm năm phút nữa, thì tôi đến phải phá cửa mà vào như một tên kẻ cướp. Vậy là em tránh mặt tôi ư? Em tự giam trong phòng để đau khổ một mình! Thà em cứ đến xỉ vả trách mắng tôi tàn tệ còn hơn. Em vốn là người dễ xúc cảm kia mà, tôi cứ đợi chờ một cảnh tượng như thế đấy. Tôi sẵn sàng hứng chịu một trận mưa nước mắt nóng hổi, có điều tôi chỉ mong nó sẽ đổ lên ngực tôi thôi, thế mà bây giờ, chỉ có cái sàn vô tri kia, hay cái khăn tay ướt đẫm của em là được hứng nó. Nhưng tôi nhầm, em có khóc tí nào đâu! Gò má nhợt nhạt, cặp mắt thẫn thờ nhưng không có vết nước mắt. Vậy dễ thường trái tim em đã khóc ra máu chăng? - Kìa Jên! Em không trách móc ư? Không một lời chua cay độc địa? Không một lời đoạn tuyệt, hoặc gây phẫn nộ? Em chỉ ngồi lặng lẽ ở chỗ tôi đã đặt em, và nhìn tôi bằng cặp mắt mỏi mệt, thụ động như vậy. Jên! Tôi không chủ tâm làm em đau khổ như thế! Giả thử một người có một con cừu non, coi thân thiết như con gái mình, cho nó ăn miếng bánh của mình, cho nó uống vào cốc của mình, cho nó ăn nằm trong lòng mình và rồi vì một sự lầm lẫn nào đó, lại đập chết nó trong lò sát sinh, thì người ấy cũng không thể nào hối tiếc sự lỗi lầm đẫm máu của mình như tôi được. Em có bao giờ tha thứ cho tôi không?".

Thưa bạn đọc, lúc ấy, tôi đã tha thứ cho ông ngay lập tức. Trong mắt ông ánh lên một niềm hối hận sâu xa, giọng nói ông có một sự thương xót chân thành, cử chỉ ông có một nghị lực mạnh mẽ, và hơn nữa cái nhìn và dáng điệu của ông nói lên một tấm lòng chung thủy, xiết bao nồng hậu, nên tôi tha thứ cho ông hết thảy, nhưng tôi không nói thành lời, không tỏ ra bề ngoài, mà chỉ giấu trong thâm tâm.

- Em cho tôi là người nham hiểm ư, Jên? - Một lát sau, ông hỏi tôi, vẻ trầm ngâm, hẳn ông ngạc nhiên vì thấy tôi vẫn cứ im lặng và bình thản, thực ra đó chỉ là vì tôi yếu mệt chứ không phải tôi muốn tỏ ra như vậy.

- Thưa ông, vâng!

- Thế thì cứ nói thẳng băng và gay gắt với tôi đi, đừng nể nang gì cả!

- Em không thể, em mỏi mệt và đang ốm. Em muốn uống một hớp nước.

Ông buông một tiếng thở dài run rẩy rồi buông tôi lên, đưa tôi xuống dưới nhà. Mới đầu tôi không rõ ông cho tôi vào phòng nào, mọi vật đều lờ mờ trước mắt đờ đẫn của tôi. Rồi tôi thấy hơi ấm của một ngọn lửa, vì tuy đang làm mùa hè mà ở trong buồng tôi, tôi thấy mình lạnh cóng, ông kề cốc rượu vang lên môi tôi, tôi nhấp uống và thấy hồi sức, rồi tôi ăn một thứ gì đó ông đưa cho, và tỉnh hẳn lại. Tôi đang ở phòng sách, ngồi trong ghế của ông, ông đứng sát bên tôi. Tôi nghĩ: "Giá thử lúc này mình có thể từ giã cuộc đời, không bị đau đớn dằn vặt lắm thì thực là sung sướng, như thế mình không phải gắng sức đứt bỏ những dây ràng buộc trái tim mình với trái tim ông Rôchextơ. Mình thì phải từ giã ông - hình như vậy nhưng mình không muốn, mình không thể xa rời ông được".

- Bây giờ em thấy thế nào, Jên?

- Thưa ông đã khá, em khỏe ngay thôi.

- Nếm ít rượu vang nữa nhé.

Tôi vâng lời ông, ông đặt cốc lên bàn, đứng trước mặt và chăm chú nhìn tôi. Bỗng ông quay đi, thốt lên một tiếng gì không rõ, đầy xúc cảm say mê. Ông bước nhanh ngang qua phòng sách rồi quay lại, ông cúi xuống như để hôn tôi, nhưng tôi nhớ ra rằng bây giờ không thể còn có những cử chỉ vuốt ve đó nữa. Tôi ngoảnh mặt đi và đẩy ông ra.

- Sao!... Thế là thế nào? - Ông vội kêu lên. - À! Tôi biết em không còn muốn hôn người chồng của Becta Maxơn chứ gì? Em cho rằng cánh tay tôi phải ôm, môi tôi phải hôn một người khác mới là thích hợp?

- Thưa ông, dù sao em cũng không thể, và cũng không có quyền như thế.

- Sao, Jên? Tôi muốn tránh cho em khỏi phải nói nhiều, tôi sẽ trả lời thay em - vì tôi đã có vợ - em muốn nói thế chứ gì? Tôi đoán có đúng không?

- Vâng.

- Nếu em nghĩ như thế hẳn em có một ý nghĩ lạ lùng về tôi, hẳn em phải cho tôi là tên trác táng khốn kiếp, một kẻ chơi bời đê tiện làm ra vẻ thành thực yêu đương, để lừa em vào một cạm bẫy chủ tâm bày ra, và phá hoại danh dự với lòng tự trọng của em. Em nói sao? Tôi thấy em không nói gì được, trước hết là vì em hãy còn yếu, chỉ ngồi thở cũng đã mệt, thứ nữa, em còn chưa quen xỉ vả buộc tội tôi, vả chăng nếu em nói nhiều thì nước mắt em sẽ trào ra như suối. Mà em không muốn giày vò, hành hạ tôi, em đang nghĩ phải hành động thế nào đây... còn nói thì em coi là vô ích. Tôi biết em lắm, tôi đang sẵn sàng chờ đợi.

- Thưa ông, em không muốn hành động gì chống lại ông. Tôi nói giọng run run, khiến tôi vội dùng lại ngay.

- Em đang nghĩ cách giết tôi, không phải theo nghĩa của em về chữ ấy mà theo nghĩa của tôi. Em đã ngụ ý cho tôi hiểu rằng tôi là một người đã có vợ, vì tôi đã có vợ nên em phải xa lánh tôi, vừa rồi em không chịu hôn tôi. Em dự định ra mặt hoàn toàn xa lạ đối với tôi, chỉ là một người bảo mẫu của Ađen dưới mái nhà này thôi. Nếu có bao giờ tôi nói với em một lời thân mật, nếu có bao giờ có một tình cảm thân thiết đưa em lại ngả về phía tôi thì em sẽ nói: "Người đàn ông này thiếu chút nữa đã biến được ta thành nhân tình của y, ta phải tỏ ra sắt đá đối với y". Và như thế em trở thành sắt đá.

Tôi đằng hắng giọng để trả lời cho được rõ ràng.

- Thưa ông, xung quanh em, mọi sự đều đã thay đổi. Em cũng phải thay đổi, sự đó không còn nghi ngờ gì nữa. Và để tránh chuyện tình cảm dạt dào lên xuống, tránh khỏi đấu tranh liên miên với những kỷ niệm chuyện cũ thì chỉ có một đường thôi, là ông phải thay người bảo mẫu cho Ađen.

- Ồ, Ađen sẽ đến trường, tôi đã thu xếp việc ấy rồi. Tôi cũng không muốn giày vò em với những kỷ niệm xấu xa về lâu đài Thornơfin - cái nơi đáng nguyền rủa này, cái lều của Achan(1), nấm mồ ngạo nghễ phơi ra ánh nắng bầu trời cái bộ mặt ma quái của một thây ma sống, cái địa ngục nhỏ bằng đá này, với một con quỷ thực sự còn khủng khiếp hơn cả một bầy quỷ có thể tưởng tượng được - Jên ạ, em sẽ không ở đây nữa, mà tôi cũng vậy. Tôi đã biết lâu đài Thornơfin bị ma quái ám ảnh thế nào mà còn đưa em đến đây, thật tôi lầm lẫn quá sức. Ngay từ trước khi gặp em, tôi đã ra lệnh cho mọi người phải giấu cái tai ương của nơi này, chỉ vì tôi sợ Ađen sẽ không được một người bảo mẫu nào dạy dỗ, nếu người đó biết mình phải ở chung với một kẻ như thế nào, và tôi cũng không thể tính cách rời con quỷ ấy đi nơi khác - mặc dù tôi có một ngôi nhà cũ, là trang thự Fecđen, tại một nơi còn kín đáo, hẻo lánh hơn chỗ này, tôi có thể yên trí giữ nó ở đấy, nếu lòng trắc ẩn không khiến lương tâm tôi bỏ định đó, vì nơi ấy ở ngay giữa rừng, khí hậu độc. Có thể những bức tường ẩm ướt ở đó sẽ sớm trút nhẹ tôi cái gánh nặng về nó, song mỗi kẻ tồi tệ đều có thói xấu riêng, thói xấu của tôi không phải là khuynh hướng muốn giết người một cách gián tiếp, dù là giết kẻ tôi căm ghét nhất.

Giấu em cái điều phải ở cạnh một người đàn bà điên rồ quả không khác gì phủ một tấm áo choàng lên một đứa bé, rồi đặt nó dưới gốc cây qua-oa(2), bầu không khí quanh cái cây quái quỷ đó thế nào cũng bị đầu độc. Và bao giờ cũng thế. Tôi sẽ đóng cửa lâu đài Thomơfin, niêm phong cửa chính, bịt các cửa sổ. Tôi sẽ cho cô Pun hai trăm bảng một năm để sống ở đây với vợ tôi, như cô muốn gọi con điên ghê gớm ấy. Grêxơ thì làm gì cũng được miễn là có tiền, chị ta sẽ gọi người con trai gác cổng nhà thương Grimxbai(1) đến ở chung và giúp chị một tay, khi vợ tôi lên cơn, giở thói quen đốt người trong khi người ta đang ngủ, đâm chém, cào cấu da thịt người ta và v.v...

- Thưa ông, - tôi ngắt lời, - ông quá khắt khe đối với người đàn bà bất hạnh ấy. Ông nói về bà ấy với giọng khinh ghét thù hắn. Như thế là ác. Bà ấy có muốn điên rồ thế đâu.

- Jên, cô em yêu dấu của tôi (tôi gọi em thế vì em là như thế); em không hiểu em đang nói gì đấy, em xét lầm tôi, không phải vì nó điên mà tôi ghét nó. Giả thử em điên, em có nghĩ rằng tôi sẽ ghét em không?

- Thưa có.

- Thế thì em lầm, em chẳng hiểu một chút nào về tôi, về thứ tình yêu mà tôi có thể có. Mỗi mảy da thịt em đối với tôi cũng quý như là tôi vậy, ngay trong lúc bệnh tật ốm yếu cũng thế. Tâm hồn em là châu báu của tôi, nếu em mê sảng, tôi sẽ giam em trong cánh tay tôi, chứ không phải trong cái áo bó của người điên. Ngay trong lúc điên, nếu em có cào cấu tôi, thì cũng vẫn cứ là thích thú cho tôi. Nếu em cuồng dại lao vào tôi như người đàn bà sáng nay, tôi sẽ hết sức âu yếm ôm em trong tay để ngăn ngừa em, tôi sẽ không tránh em vì ghê tởm như sáng nay tôi tránh người đàn bà kia. Những lúc em dịu cơn, chính tôi và chỉ có tôi là người trông nom, chăm sóc cho em, tôi sẽ quanh quẩn bên em không mỏi mệt, dù em không có một nụ cười đáp lại, tôi sẽ ngắm nhìn mắt em không biết chán, dù đôi mắt ấy không còn nhận ra là có tôi nữa. Nhưng sao tôi lại cứ theo đuổi mãi dòng ý nghĩ ấy nhỉ! Tôi đang nói chuyện đưa em rời khỏi lâu đài Thornơfin. Em ạ, mọi việc đều đã sửa soạn để em đi ngay. Ngày mai em sẽ đi, tôi chỉ nài em ở lại dưới mái nhà này một đêm nữa thôi, Jên ạ. Và rồi thì vĩnh biệt những nỗi thống khổ khủng khiếp ở chốn này! Tôi đã có một chỗ ở ẩn, đó sẽ là nơi thâm cung yên ổn, xa lánh mọi hồi tưởng đáng ghét, mọi sự thăm hỏi khó chịu, và cả những sự dối trá lọc lừa.

- Ông nên mang theo Ađen, nó sẽ là người bầu bạn của ông.

- Em muốn nói gì thế, Jên? Tôi đã bảo em rằng tôi sẽ gửi Ađen vào trong trường. Vả lại tôi cần gì phải có một đứa trẻ làm bầu bạn, nó có phải là con đẻ của tôi đâu, nó là con hoang của một vũ nữ người Pháp. Sao em lại muốn làm phiền tôi vì nó? Tôi hỏi, tại sao em lại muốn đòi tôi mang theo Ađen làm bầu bạn?

- Thưa ông, ông nói đến ở ẩn, mà ẩn dật với cô quạnh thì buồn lắm, buồn cho ông quá lắm.

- Cô quạnh! Cô quạnh! - Ông giận dữ nhắc lại, - tôi thấy cần phải nói cho minh bạch, tôi không hiểu sao em lại lấy cái nét mặt giống mặt của con "nhân sư"(1) như vậy. Em phải chia sẻ nỗi cô quạnh với tôi, em hiểu chưa?

Tôi lắc đầu, kể cũng phải có một mức can đảm nhất định mới dám lặng lẽ tỏ ý không bằng lòng, đang lúc ông bị kích thích như vậy. Ông bồn chồn đi đi lại lại trong phòng một lúc, rồi đột nhiên dừng lại như bị cắm chân xuống một chỗ. Ông nhìn chằm chằm hồi lâu vào mặt tôi. Tôi quay đi, chăm chú nhìn ngọn lửa, cố làm ra vẻ điềm nhiên, bình thản.

- À, bây giờ mới gặp những chướng ngại trong tính tình của Jên đây. - Sau cùng ông nói, nhìn vẻ mặt ông, tôi tưởng ông không thể bình thản được như vậy - Cuộn chỉ tơ rút đều đặn khá lâu, nhưng tôi vẫn biết là có một chỗ mấu, chỗ rối, tức là chỗ này đây. Bây giờ mới đến những sự rầy rà, bực bội, rắc rối vô tận. Trời! Tôi thèm có một chút sức lực của Xamxơn để gỡ tung chỗ rối này.

Ông tiếp tục đi đi lại lại, nhưng rồi dừng lại ngay, và lần này đứng thẳng trước mặt tôi:

- Jên, em có muốn nghe ra lẽ phải không? (Ông cúi xuống kề sát môi bên tai tôi), vì, nếu em không nghe, thì tôi sẽ dùng đến sức mạnh.

Giọng ông khàn khàn, cái nhìn của ông là cái nhìn của một người sắp dựt tung sợi dây trói ác nghiệt và lao đầu vào hành động bừa bãi. Tôi thấy rằng nếu để sang một lúc khác và nếu để cho ông bị kích động bồng bột thêm thì tôi sẽ không thể ngăn ngừa được ông. Ngay bây giờ, ngay giây phút thoáng qua này, tôi chỉ còn có khoảng thời gian đó thôi để kiềm chế, điều khiển ông một cử chỉ cự tuyệt, xa lánh, sợ hãi, sẽ quyết định số phận của tôi cũng như ông. Nhưng tôi không sợ hãi chút nào, tôi cảm thấy có một sức mạnh bên trong, tôi có ý thức về ảnh hưởng của mình, điều đó nâng đỡ tinh thần tôi. Cơn khủng hoảng thực là nguy hiểm, nhưng không phải là không say sưa hấp dẫn, có lẽ cũng như cái thú của người da đỏ chèo con thuyền nhỏ lao trên dòng thác. Tôi nắm lấy tay ông, nhẹ gỡ những ngón tay xiết chặt và ôn tồn nói với ông:

- Ông hãy ngồi xuống, em sẽ nói chuyện với ông lâu bao nhiêu cũng được, và em sẽ nghe tất cả những điều ông muốn nói dù phải lẽ hay không.

Ông ngồi xuống, nhưng tôi không để ông nói ngay, từ nãy đến giờ tôi đã cố cầm nước mắt, khó khăn lắm tôi mới nén được, vì tôi biết ông không muốn nhìn thấy tôi khóc. Nhưng bây giờ tôi cho là nên để nước mắt tự do tuôn rơi, lâu chừng nào cũng được. Nếu nhìn tôi khóc mà ông khó chịu thì càng hay. Vì vậy tôi để mặc cho nước mắt trào ra và khóc nức nở.

Lập tức tôi nghe thấy tiếng ông tha thiết xin tôi hãy bình tĩnh lại. Tôi nói chừng nào ông còn tức giận như vậy thì tôi không thể nào bình tĩnh được.

- Nhưng tôi có tức giận đâu, Jên? Chỉ vì tôi yêu em quá, mà em cứ làm mặt lạnh nhạt, sắt đá với tôi quá thể khiến tôi không chịu được. Thôi, nín đi em, lau mắt đi.

Giọng nói ôn tồn của ông chứng tỏ ông đã chịu khuất phục, vì vậy tôi cũng bình tĩnh lại. Bây giờ ông muốn ngả đầu lên vai tôi, nhưng tôi không chịu, ông lại định kéo tôi sát vào người ông, tôi cũng không nghe.

- Jên! Jên! - Ông nói với giọng buồn rầu chua chát làm rung động cả não của tôi. Em không yêu tôi saọ? Chỉ vì địa vị của tôi mà trước đây em muốn làm vợ tôi sao? Và bây giờ cho rằng tôi không đủ tư cách làm chồng em nữa, nên em lẩn tránh không thèm đụng chạm đến người tôi, như thể tôi là một con cóc hay con đười ươi?

Những lời nói đó làm tôi đau lòng, nhưng tôi không biết nói gì, làm gì? Có lẽ tôi chẳng nên nói hoặc làm gì cả nhưng tôi vô cùng đau khổ, hối hận vì đã làm tổn thương đến tình cảm của ông, nên không cưỡng lại nổi ý muốn làm dịu vết thương tôi đã gây nên.

- Em yêu ông hơn bao giờ hết! - tôi nói, - nhưng em không được quyền bộc lộ, hay buông thả mình theo tình cảm ấy, và đây là lần cuối cùng em phải nói rõ điều đó.

- Lần cuối cùng, Jên! sao vậy? Em tin rằng em có thể sống bên tôi, hàng ngày trông thấy mặt tôi, mà vẫn lãnh đạm xa lánh được tôi, dù em còn yêu tôi ư?

- Thưa ông, điều đó thì em chắc là không thể được, vì thế em thấy chỉ còn một con đường, nhưng em sợ nói ra thì ông lại nổi xung lên.

- Ồ cứ nói đi, nếu tôi có nổi nóng thì em đã có cách là khóc kia mà.

- Ông Rôchextơ ạ, em phải xa ông thôi.

- Trong bao lâu, Jên? Trong vài phút, để em chải lại bộ tóc hơi bị rối, và để em rửa bộ mặt nóng bừng như sốt kia chứ?

- Em phải xa Ađen và Thornơfin. Em phải xa ông suốt đời, em phải bắt đầu một cuộc sống mới, giữa những người xa lạ và những cảnh sống xa lạ.

- Cố nhiên, tôi đã bảo em là phải như thế. Tôi bỏ qua ý nghĩ điên rồ của em muốn rời xa tôi. Em muốn nói em là một phần của con người tôi. Còn một cuộc đời mới thì... cái đó rất nên thôi. Em vẫn sẽ là vợ tôi, tôi chưa hề có vợ. Em sẽ là bà Rôchextơ về danh nghĩa cũng như trong thực tế. Tôi sẽ chung tình với em suốt đời, chừng nào đôi ta còn sống. Em sẽ đến ở một biệt thự của tôi ở miền nam nước Pháp, một biệt thự quét vôi trắng, bên bờ Địa Trung Hải. Ở đó em sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc, được che chở, và hoàn toàn vô tư lự. Đừng sợ tôi sễ lừa dối, đưa em vào tội lỗi... biến em thành một người tình nhân. Sao em lại lắc đầu thế, Jên? Em phải biết lẽ phải chứ, không thì, thực đấy, tôi lại nổi cơn điên lên bây giờ.

Giọng nói và tay ông run run, hai cánh mũi nhập phồng, cặp mắt sáng quắc, tuy thế tôi vẫn dám nói:

- Thưa ông, vợ ông hãy còn sống, đó là một sự thực mà chính ông đã thừa nhận sáng nay. Nếu em chung sống với ông như ông muốn, thì em sẽ phải là tình nhân của ông thôi, nói khác đi chỉ là quỷ biện... là giả dối.

- Jên, tôi không phải là một người tính nết ôn hòa, em quên điều đó rồi. Tôi không chịu được đâu, tôi không lạnh lẽo, điềm tĩnh được đâu. Vì thương tôi, cũng như thương chính em, em hãy thử sờ vào mạch máu tôi xem, em sẽ thấy nó đập như thế nào, và... em hãy coi chừng!

Ông vén tay áo và chìa cổ tay cho tôi xem, mà ông, môi ông không còn một hột máu, trông nhợt nhạt. Tôi hoàn toàn bí quẫn, bối rối. Khích động ông một cách sâu xa như thế, bằng cách chống đối mà ông ghét nhất, thì thực là tàn ác, nhưng nhân nhượng lại không thành vấn đề nữa. Tôi đã làm cái điều mà người ta thường làm theo bản năng, khi bị dồn đến bước đường cùng, tìm sự giúp đỡ trên sức con người, không chủ định tôi bỗng thốt lên: "Lạy Chúa cứu con?"

Đột nhiên ông Rôchextơ kêu lên: "Mình ngu thực! Mình giữ không cho nàng biết mình có vợ và không giải thích tại sao. Mình quên rằng nàng không hề biết một tí gì về tính tình người đàn bà ấy, hoặc trường hợp đã đưa tới cuộc hôn nhân khủng khiếp ấy. Mình tin rằng Jên sẽ đồng ý với mình khi nàng đã rõ tất cả những gì mình biết". Jên, chỉ xin em cho tôi nắm bàn tay em thôi, để tôi có thể chứng thực bằng xúc giác cũng như bằng thị giác rằng em vẫn ở cạnh tôi, rồi tôi sẽ kể vắn tắt em nghe tình hình thực tế như thế nào. Em có chịu nghe tôi nói không?

- Thưa ông, vâng, em nghe hàng giờ cũng được.,

- Tôi chỉ xin em vài phút thôi, Jên ạ, có bao giờ em nghe tôi nói hoặc biết rằng tôi không phải là con trưởng trong gia đình mà tôi còn có một người anh nữa không?

- Em nhớ có một lần bà Fefăc nói với em như thế.

- Thế có bao giờ em nghe nói cha tôi là một người bủn xỉn, cay nghiệt không?

- Em có biết chút ít.

- Vậy thì Jên ạ, cha tôi đã quyết ý giữ nguyên gia sản. Ông nhất định không chịu nghĩ đến việc cho tôi một phần của cải thích đáng, ông quyết để lại tất cả cho anh tôi là Rôlen. Tuy vậy ông cũng không muốn một người con trai ông phải chịu cảnh nghèo nàn. Chỉ có cách cho tôi lấy vợ giàu. Ông Maxơn, một điền chủ và thương gia ở Tây Ấn, là chỗ quen biết cũ của ông. Ông biết chắc ông này có một gia sản lớn, ông đã cho điều tra, biết ông Maxơn có một trai một gái và được ông này cho hay ông ta sẽ cho con gái ba vạn bảng làm của hồi môn, thế là đủ lắm rồi. Khi tôi rời khỏi trường đại học, tôi được đưa tới Jamaica, để lấy một cô vợ người ta đã hỏi sẵn cho tôi. Cha tôi không nói năng gì về của hồi môn của cô ta, mà chỉ bảo tôi rằng sắc đẹp của cô Maxơn là một sự hãnh diện cho Xpanit Tao, mà quả có thế thực. Tôi thấy cô là một người xinh đẹp, theo kiểu cô Ingram, cao lớn, đường bệ, tóc hung. Gia đình cô ta muốn tôi làm rể vì tôi là con nhà gia thế, và cô ta cũng muốn vậy. Họ trưng cô ta cho tôi thấy trong những buổi dạ hội, ăn mặc lộng lẫy. Ít khi tôi được gặp riêng và càng ít được trò chuyện với cô. Cô tán tụng tôi, và đem hết các ngón khéo léo, duyên dáng ra làm vui lòng tôi. Hết thảy các công tử vây quanh cô đều tỏ vẻ say mê cô và ghen ghét với tôi. Về phần tôi, tôi cũng thấy lóa mắt, và vì mọi giác quan bị kích thích, vì ngu ngốc, non nớt, thiếu kinh nghiệm, tôi tưởng rằng tôi yêu cô ta. Không có sự điên rồ, dại ngốc nào mà những ganh đua ngu xuẩn trong xã hội phù hoa, thói nhục dục, sự nhẹ dạ mù quáng của tuổi trẻ, lại không thúc đẩy con người phạm phải. Họ hàng cô ta khuyến khích tôi, những kẻ tình địch khiêu khích tôi, cô ta cám dỗ tôi, thế là tôi đã thấy cô ta trước khi biết mình làm gì. Trời! Mỗi khi nghĩ đến hành động ấy, thực tôi không còn muốn kính trọng tôi nữa, một sự khinh bỉ ghê tởm dằn vặt trong lòng tôi. Tôi chưa hề bao giờ yêu cô ta, tôi chưa hề quý cô ta, mà cũng chưa hề bao giờ biết rõ cô ta nữa. Tôi không thể chắc rằng con người ấy có một đức tính nào. Tôi không hề nhận thấy một tí gì là khiêm nhường, là nhân hậu, là trong sạch, là tao nhã trong tâm hồn cũng như trong cử chỉ của cô ta. Ấy thế mà tôi lại lấy cô ta làm vợ. Tôi thực ngu xuẩn, hèn hạ, mù quáng, thô lỗ biết chừng nào! Giá nhẹ tội lỗi hơn, tôi đã có thể... Nhưng tôi quên mình đang nói chuyện với ai rồi.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bà nhạc tôi, tôi cứ tưởng bà đã chết. Sau tuần trăng mật, tôi mới biết rằng mình lầm. Bà ta chỉ điên thôi, và bị giữ trong một nhà thương điên. Lại có một người em trai, vừa câm vừa mất trí. Còn người anh thì cô đã rõ, rồi cũng có ngày đến thế mất thôi (hắn ta thì tôi không oán ghét được, tuy tôi ghê tởm cả họ hàng nhà hắn, vì trong tâm hồn yếu đuối của hắn còn le lói có một chút cảm tình, hắn luôn luôn tỏ ý quan tâm đến người em gái khốn khổ, và, trước kia có hồi hắn đã trung thành với tôi như một con chó vậy). Cha tôi và anh Rôlen tôi đều biết hết chuyện, nhưng chỉ nghĩ đến ba vạn bảng, nên đã đồng mưu lừa tôi.

"Đó là những sự thực bỉ ổi được khám phá, tuy nhiên tôi sẽ chẳng vì những điều ấy mà trách cứ gì vợ tôi, trừ cái điều bị giấu giếm lừa dối, dù sau đấy tôi nhận ra sự khác biệt hoàn toàn giữa tính tình cô ta với tôi, những sở thích quá ư khả ố, tâm hồn tầm thường thấp kém, hẹp hòi, không tài nào nâng cao lên hoặc mở rộng ra được - dù khi tôi nhận thấy rằng tôi không thể nào sống với cô ta được lấy một buổi tối thoải mái, hay chỉ một giờ trong một ngày thôi, rằng chúng tôi không thể trò chuyện thân mật với nhau được, vì bất kỳ vấn đề nào tôi đề cập đến đều bị cô ta xoay ngay sang những chuyện tầm thường, thô tục, đểu cáng, ngu xuẩn - dù khi tôi nhận thấy rằng tôi sẽ không bao giờ có được một cửa nhà yên tĩnh, ổn định, vì không một người đày tớ nào chịu đựng được những cơn tam bành của cái tính tình thô bạo và vô lý ấy, cũng như những mệnh lệnh quái giở, mâu thuẫn và khe khắt của cô ta. Ngay đến khi đó tôi vẫn tự kiềm chế mình, tôi tự ngăn mình không mắng mỏ, không trách móc gì. Tôi cố gắng âm thầm nghiền ngẫm sự tiếc hận ghê gớm, tôi kiềm chế những ác cảm sâu xa.

"Jên ạ, tôi sẽ không làm phiền em với những chi tiết khả ố đó. Vài lời mạnh mẽ cũng sẽ diễn đạt được những gì tôi muốn nói. Tôi sống với người đàn bà trên gác kia bốn năm, thời gian này quả thực là một thử thách gian khổ đối với tôi. Tính nết cô ta thành cố tật và phát triển với một tốc độ đáng sợ, những tật xấu nảy nở nhanh chóng và mạnh mẽ, quá quắt đến nỗi chỉ có sự tàn bạo mới ngăn chặn nổi, nhưng tôi không muốn tàn bạo. Cô ta có một trí tuệ tí hon và những khuynh hướng độc địa khổng lồ. Những khuynh hướng ấy tai hại khủng khiếp cho tôi biết chừng nào! Becta Maxơn, cô con gái xứng đáng với một bà mẹ bỉ ổi, đã bắt tôi trải qua hết thảy những nỗi đau khổ gớm ghiếc nhục nhã mà một người chồng lấy phải một cô vợ vừa rồ dại, vừa ô trọc, tất yếu phải chịu.

"Trong thời gian đó, anh tôi chết, và bốn năm sau cha tôi cũng mất. Bấy giờ tôi đã khá giàu rồi - tuy thế mà lại nghèo nàn ghê gớm, một con người thô bỉ nhất, dơ dáy nhất, sa đọa nhất, xưa nay chưa hề thấy, đang chung sống với tôi, và được xã hội và luật pháp gọi là một phần của bản thân tôi. Tôi không thể dứt bỏ được nó bằng một biện pháp hợp pháp nào, vì bấy giờ các thầy thuốc phát hiện ra rằng vợ tôi điên, mọi sự thoái hóa đã phát triển quá sớm mầm mống của bệnh điên trong người nó. Jên, em không thích nghe chuyện tôi sao? Em có vẻ như ốm, hay là tôi để một ngày khác sẽ kể tiếp?

- Thưa ông, không, xin ông cứ kể tiếp. Em rất thương ông, em thương ông vô cùng.

- Lòng thương, Jên, ở một số người, chỉ là một món quà độc hại có ý nghĩa nhục mạ, đáng được người ta ném trả vào mặt kẻ nói ra, đó là lòng thương bắt nguồn từ một tâm hồn ích kỷ lạnh lùng, đó chỉ là một nỗi đau đớn pha tạp, vị kỷ vì phải nghe nói đến những đau khổ của kẻ khác, trộn lẫn với sự khinh mạn ngu ngốc đối với những nạn nhân. Song tình thương của em không phải như vậy, Jên ạ. Đấy không phải là thứ tình cảm đang tỏa sáng trên gương mặt em lúc này, đang dâng lên tràn đầy đôi mắt em, đang khiến cho trái tim em đập mạnh và đang làm cho bàn tay em run rẩy trong tay tôi. Tình thương của em, những nỗi băn khoăn của tình thương ấy chính là sự đau khổ sinh ra tình yêu say đắm thiêng liêng. Tôi xin nhận tấm lòng thương ấy, Jên ạ, hãy để cho kết của nó được tự do bộc lộ, tôi xin dang tay chờ đón.

- Bây giờ, thưa ông, xin ông kể nốt đi. Khi đã biết cô ấy điên thì ông làm gì?

- Jên ạ, tôi đã đến bờ vực của sự tuyệt vọng. Một chút lòng tự trọng còn sót lại, là tất cả những gì ngăn cách tôi với cái vực thẳm đó. Trước mắt người đời, hiển nhiên tôi mang một mối ô nhục dơ dáy, nhưng trước mắt tôi, tôi quyết giữ mình trong sạch, chống lại đến cùng không cho những tội lỗi của cô ta lây sang mình, tự dứt ra khỏi sự tiếp xúc với những hư hỏng về tinh thần của cô ta. Tuy nhiên xã hội vẫn gắn liền với tên tuổi con người tôi với cô ta, hàng ngày tôi vẫn phải trông thấy và nghe thấy tiếng cô ta. Hơi thở cô ta (khiếp quá!) pha trộn trong không khí tôi thở hít, và, ngoài ra, tôi vẫn nhớ rằng tôi đã có một thời là chồng cô ta. Nhớ lại chuyện ấy, lúc đó cũng như ngày nay, đối với tôi thực khủng khiếp không bút nào tả xiết, hơn nữa, tôi lại biết rằng chừng nào cô ta còn sống tôi không thể là chồng của một người đàn bà khác tốt đẹp hơn, và tuy hơn tôi năm tuổi (ngay cả về tuổi, gia đình cô ta và cha cô ta kém gì tôi, vì trí tuệ còm đi bao nhiêu thì sức vóc cô ta lại lực lưỡng bấy nhiêu. Tuy là mới hai mươi sáu tuổi, tôi đã tuyệt đường hy vọng.

"Một đêm những tiếng la hét của cô ta làm tôi thức giấc (từ khi thầy thuốc cho biết cô ta điên, tất nhiên phải giam cô ta lại), ấy là một đêm nồng nực ở miền Tây Ấn, hiện tượng báo trước một trận bão ở phong thổ ấy, không tài nào ngủ được, tôi trở dậy và mở cửa sổ ra. Bầu không khí như đầy hơi diêm sinh, không tìm đâu được một chút mát mẻ. Muỗi vo vo bay vào và tiếng kêu khó chịu ấy tràn ngập khắp phòng. Từ phòng tôi có thể nghe rõ tiếng biển gầm thét buồn thảm như trong cơn động đất, mây đen dồn lên đầy trời, mặt trăng nhấp nhô trên ngọn sóng lớn tướng, đỏ ối như một quả tạc đạn rực lửa ngó cặp mắt đỏ ngầu nhìn một lần cuối cùng cái thế giới đang run rẩy đợi chờ cơn bão tố. Bầu không khí và khung cảnh ấy ảnh hưởng đến cơ thể tôi, tai tôi ù lên vì những tiếng la thét của người điên, trong đó đôi lúc tên tôi được nhắc tới một giọng thù hằn quỷ quái làm sao, bằng thứ ngôn ngữ mà ngay đến một con gái điếm chuyên nghiệp cũng không thể có được! Cách nhau đến hai căn buồng mà tôi vẫn nghe rõ từng tiếng một, vì những bức vách mỏng trong ngôi nhà Tây Ấn không thể ngăn được những tiếng rú như chó sói của cô ta.

"Cuộc đời này - cuối cùng tôi tự nhủ - thực là địa ngục. Đây là bầu không khí và những tiếng động trong một cái giếng sâu không đáy. Nếu có thể, ta có quyền giải thoát cho ta ra khỏi cái giếng ấy. Ta sẽ từ bỏ được những nổi đau khổ về tinh thần cùng với cái xác thịt nặng nề giam hãm tâm hồn ta. Ta không hề sợ hãi kiếp sống vĩnh viễn bị lửa thiêu như những kẻ cuồng tín, tương lai dù có tối tăm đến đâu cũng còn hơn cái hiện tại này. Thôi, ta hãy tìm đường giải thoát mà trở về với Chúa!".

"Tôi nói thế trong lúc tôi quỳ xuống mở cái rương trong đó có hai khẩu súng ngắn đã nạp đạn, tôi định tự bắn mình. Tôi chỉ có ý tưởng này trong một lát, vì vốn không mất trí, nên cơn khủng hoảng của một nỗi tuyệt vọng hoàn toàn đã gây nên ý muốn tự hủy hoại ấy cũng trôi qua trong giây lát.

"Một luồng gió mát từ phía Âu châu băng qua đại dương lùa vào khung cửa sổ rộng mở, bão tố đã nổi lên, mưa trút xuống, sấm vang, chớp lòe, và không khí trở nên trong sạch. Lúc đó tôi có một dự kiến quyết định. Trong lúc đi đi lại lại dưới những gốc cây cam đang nhỏ và bụi dứa sũng nước, và trong khi cảnh bình minh chói lọi của miền nhiệt đới đang bừng sáng quanh tôi, tôi đã lý luận như thế này, Jên ạ, em hãy nghe tôi, chính lúc ấy sự khôn ngoan chân chính đã an ủi tôi, và chỉ cho tôi con đường phải nên theo.

"Luồng gió mát dịu từ phía Âu châu thổi lại còn thì thào trong những vòm lá tươi mát và Đại Tây Dương cuồn cuộn sóng dâng lên, tự do, rạng rỡ, trái tim tôi từ lâu bị khô cạn, hun đốt, nay bỗng căng lên và tràn trề một bầu máu nóng hổi - con người tôi khao khát một hớp nước trong lành. Tôi thấy hy vọng sống lại và cảm cuối vườn, tôi ngắm nhìn biển cả - xanh hơn cả bầu trời. Cựu thế giới nằm ở bên kia, triển vọng tươi sáng hé mở:

"Hãy trở về Âu châu mà sống - Hy vọng bảo tôi - ở đó người ta chưa biết mi đã phải mang một cái tên ô nhục như thế nào, mi đã bị ràng buộc vào một gánh nặng bẩn thỉu như thế nào. Mi có thể đem theo cả con điên ấy về Anh, giam cầm nó lại ở Thornơfin thực cẩn thận và cho người chăm nom, rồi đi ngao du bất cứ nơi nào mi thích và tìm quan hệ mới nào tùy ý. Người đàn bà ấy đã đày đọa mi bao lâu như thế, đã làm ô uế tên tuổi mi như thế, đã làm thương tổn danh dự mi như thế, đã hủy hoại tuổi trẻ mi như thế - đâu có phải là vợ mi, và mi đâu phải là chồng y. Hãy cho y được chăm nom săn sóc thích hợp với tình trạng y, như vậy là mi đã làm gì Thượng đế và con người đòi hỏi ở mi rồi. Hãy chôn vùi trong quên lãng tên tuổi y, quan hệ của y với mi. Mi không việc gì phải thổ lộ những điều đó với những người nào hết. Hãy cho y sống yên ổn và đầy đủ tiện nghi, giấu kín sự sa đọa của y trong bí mật, rồi cứ việc rời bỏ y".

"Tôi đã làm đúng ý nghĩ ấy. Cha tôi và anh tôi trước đây cũng không hề loan báo cuộc hôn nhân của tôi cho người quen kẻ thuộc biết, vì ngay trong bức thư đầu tiên viết báo tin cho cha tôi, đã khẩn thiết xin giữ kín chuyện đó, vì lúc ấy tôi đã bứt đầu kinh tởm hết sức nghĩ đến hậu quả cuộc hôn nhân, và do tính cách gia đình nhà vợ và thể chất của Becta, tôi như đã nhìn thấy một tương lai gớm ghiếc mở ra trước mắt. Chẳng bao lâu, hành vi ô nhục của người vợ mà cha tôi đã chọn cho tôi trở thành quá đáng, đến nỗi chính ông cũng phải xấu hổ có cô ta làm con dâu. Chẳng những không muốn loan tin về cuộc hôn nhân, ông còn lo lắng giấu chuyện chẳng kém gì tôi.

"Tôi đem cô ta về Anh. Cuộc hành trình của con quỷ cái ấy ở trên tàu thực là khủng khiếp. Khi mang được cô ta về tới Thornơfin và thấy cô ta có chỗ ăn ở bình yên trên tầng gác ba đó, tôi sung sướng biết bao, và từ mười năm nay, cô ta đã biến căn phòng bí mật phía trong ấy thành hang của một con thú dữ, cái tổ của một con quỷ. Khó khăn lắm mới tìm được một người chăm nom cho cô ta, vì hẳn là phải có một người hoàn toàn tin cậy được, thế nào trong những lúc mê sảng, cô ta chẳng phơi bày điều bí mật ấy của tôi, vả chăng có những ngày, có khi hàng tuần, cô ta tỉnh táo, cứ chửi rủa tôi ra rả. Sau cùng tôi thuê được Grêxơ Pun ở nhà thương Grimxbai. Chị ta và bác sĩ Cactơ (người đã băng bó vết thương cho Maxơn cái đêm hắn bị đâm và cào cấu) là hai người độc nhất của tôi biết chuyện, bà Fefăc chắc cũng có nghi ngờ đôi chút, nhưng bà ta không thể biết đích xác sự việc cụ thể. Chị Grexơ nói chung là một người canh gác tốt, tuy có nhiều lần tính thận trọng cảnh giác của chị đã bị ru ngủ và lừa dối, điều này một phần cũng do cái tật của chị ta, xem chừng không có gì chữa được, vả chăng làm cái nghề khó nhọc ấy thì cũng phải như thế. Cái cô điên kia rất tinh ranh quái ác, bao giờ cô ta cũng biết lợi dụng những dịp chị Grêxơ sơ suất. Một lần cô ta lấy trộm con dao để đâm người anh ruột và hai lần cô ta đánh cắp được chìa khóa buồng để lẻn ra ngoài ban đêm, lần đầu tiên cô ta toan thiêu tôi trên giường, lần sau cô ta đã đến thăm em một cách ma quái. Tôi cảm ơn Chúa đã che chở cho em nên mới khiến cô ta chỉ xé có cái khăn choàng thôi. Tôi không dám nghĩ đến việc có thể xảy ra cho em lúc ấy. Khi tưởng tượng cái con vật nhảy lên cổ tôi sáng nay, đã có lần cúi cái bộ mặt đen ngòm và tím bầm của nó xuống tổ chim câu của tôi, thì máu tôi đông giá lại...

- Thưa ông, - tôi hỏi khi ông ngừng kể, - thế ông làm gì sau khi đã thu xếp cho bà ấy ở đây? Ông đi những đâu?

- Tôi làm gì ư, Jên? Tôi biến thành ma trơi. Tôi đi đâu ư? Tôi lang thang cuồng dại như gió tháng ba. Tôi sang lục địa và đi lung tung khắp nơi. Ước vọng dứt khoát của tôi là tìm được một người đàn bà hiền thục và thông minh mà tôi có thể yêu được, trái hẳn với kẻ điên dại tôi bỏ lại ở Thornơfin kia.

- Nhưng ông lấy vợ sao được nữa?

- Tôi đã quyết định và tin chắc rằng tôi có thể và tôi phải lấy vợ. Thoạt đầu tôi không có ý định lừa dối ai, như tôi đã lừa dối em. Tôi định tâm kể hết chuyện tôi, ngỏ thẳng ý mình và được coi là có quyền yêu và được yêu, sự đó đối với tôi là tuyệt đối hợp lý, cho nên tôi tin chắc có thể tìm được một người đàn bà nào đó sẵn lòng và có thể thông cảm cảnh ngộ của tôi, thuận tình lấy tôi, mặc dù tôi vẫn còn phải đeo nặng cái tai ách kia.

- Thế nào, ông?

- Mỗi khi em tò mò hỏi, bao giờ em cũng làm tôi buồn cười. Em giương to mắt như con chim háu ăn, thỉnh thoảng lại có những cử chỉ sốt ruột, dường như câu trả lời không đủ mau lẹ làm vừa lòng em, và em chỉ muốn đọc thẳng ở trái tim người ta. Nhưng trước khi tôi kể tiếp em hãy cho biết em muốn nói gì với câu: "Thế nào, ông?", em hay dùng câu nói ngắn ngủi ấy, và đã bao lần nó lôi kéo tôi đi vào những chuyện liên miên không dứt. Tôi không hiểu tại sao.

- Em muốn nói, về sau thì thế nào? Ông làm những việc gì nữa? Chuyện ấy kết quả ra sao?

- Đúng rồi. Thế em muốn biết điều gì nào?

- Ông có tìm được người nào hợp ý ông không? Ông có hỏi người ấy làm vợ không? Và người ta trả lời ra sao?

- Tôi có thể nói với em về chuyện có tìm được người tôi yêu hay không, có hỏi người ấy làm vợ hay không. Nhưng người ấy trả lời thế nào thì điều đó còn ghi trong quyển sổ của Số Mệnh. Trong mười năm trời đằng đẵng, tôi lang thang đó đây, hết sống ở kinh đô này lại đến kinh đô khác, khi thì ở Xanh Pêtecbua, thường thường ở Pari, đôi khi ở Rôm, Naplơ và Flôrăngxơ. Tiền nhiều, thêm một giấy thông hành mang tên một dòng họ cũ, tôi có thể tự chọn lấy xã hội riêng của mình, không nơi nào đóng cửa đối với tôi, tôi đi tìm người đàn bà lý tưởng trong số những người đàn bà thượng lưu quý tộc ở Anh, ở Pháp, ở Ý, ở Đức nhưng tôi không tìm được. Đôi khi tôi tưởng chừng đã bắt gặp thoáng qua, trong chốc lát, một khóe mắt, một giọng nói, một thân hình giống người tôi mơ ước nhưng rồi tôi lại thất vọng ngay. Em đừng cho rằng tôi muốn tìm một người vẹn toàn mọi mặt, về tâm hồn cũng như thể xác. Tôi chỉ ước ao một người phù hợp với tôi, trái hẳn với người đàn bà sinh ở thuộc địa kia, nhưng tôi đã khát khao vô vọng. Đã biết trước mọi nỗi nguy hiểm, ghê tởm của cảnh vợ chồng không xứng hợp, trong bọn họ tôi đã không tìm ra được người nào tôi có thể hỏi làm vợ, dù tôi có được tự do hoàn toàn chăng nữa. Thất vọng, tôi chẳng giữ gìn nữa. Tôi tìm cách giải trí, nhưng không bao giờ tìm sự trác táng, mà tôi đã ghét và tôi vẫn còn ghét cay ghét đắng. Đó là một đặc tính của bà Metxalina(1) Tây Ấn của tôi, sự ghê tởm thâm căn của tôi đối với sự trác táng và vợ tôi đã kiềm chế tôi, ngay cả trong những phút truy hoan.

Mỗi cuộc hành lạc có khuynh hướng ồn ào hình như lại đẩy tôi lại gần cô ta và những tật xấu của cô ta, thế là tôi xa lánh ngay.

"Tuy vậy tôi không thể sống đơn độc, vì thế tôi phải tìm người tình để chung sống. Người đầu tiên tôi chọn là Xêlin Varen, đây cũng là một hành động khiến người ta tự khinh mình khi nhớ lại. Em đã biết y là người thế nào rồi, và quan hệ giữa tôi với y đã chấm dứt ra sao. Rồi hai người khác kế tiếp, một người Ý, tên là Giaxinta, và một người Đức là Clara. Cả hai đều được đánh giá là những trang giai nhân tuyệt sắc. Nhưng chỉ sau vài tuần, sắc đẹp của họ chẳng có nghĩa gì đối với tôi. Giaxinta sống vô nguyên tắc và tính tình thô bạo, mới được ba tháng tôi đã chán ngấy cô ta. Clara thì chân thực và điềm đạm hơn nhưng cục mịch, đần độn, vô duyên, chẳng hợp ý tôi chút nào. Tôi sung sướng cắt đứt được một cách êm thấm với cô ta sau khi hiến cô một món tiền làm vốn buôn bán. Nhưng Jên, nhìn vẻ mặt em, tôi thấy em không tán thành hành động của tôi lắm thì phải? Em cho tôi là kẻ vô tình và thiếu đạo đức, phải không?

- Thưa ông, thỉnh thoảng quả có những lúc em không thấy ưa ông lắm. Ít nhất thì ông cũng nhận thấy sống như vậy là không đúng chứ? Hết cô này lại đến cô khác, ông nói chuyện ấy cũng như là chuyện tất nhiên ấy.

- Tôi đã thấy như thế thật, và tôi không thích thế. Đó là một cách sống thấp hèn, tôi không muốn trở lại lối sống ấy nữa. Bao một tình nhân cũng là việc xấu như mua một người nô lệ, cả hai loại người này, thường vì bản chất cũng như vì địa vị của họ, đều thấp kém hơn mình, và chung sống với những người kém mình là một sự sa đọa. Bây giờ tôi rất ghét nhớ lại quãng thời gian tôi sống bên Xêlin, Giaxinta và Clara.

Tôi cảm thấy hết sức chân thực của câu nói ấy, và tôi rút ra một kết luận chắc chắn rằng, nếu có bao giờ tôi quên mình và quên những giáo huấn tôi đã tiếp thu được từ thuở nhỏ mà đi theo vết chân những người con gái khốn khổ kia, bất kỳ vì cớ gì, dù viện bất cứ lý do nào, hoặc bất kỳ sự cám dỗ nào, thì rồi sẽ có ngày ông cũng coi tôi như họ, với những cảm tưởng bôi nhọ hình ảnh họ trong ký ức ông như bây giờ. Tôi không nói ra lời điều tin chắc ấy, cảm thấy thế cũng là đủ rồi. Tôi ghi khắc nó vào tim, để cho nó luôn luôn ở đây mà giúp đỡ tôi trong cuộc thử thách.

- Jên, sao bây giờ em lại không nói câu: "Thế nào, ông?". Tôi chưa nói hết chuyện. Em có vẻ trầm ngâm. Em, vẫn không tán thành tôi, tôi biết lắm. Nhưng hãy để cho tôi kể tiếp. Tháng giêng vừa rồi, từ bỏ hết tình nhân, trong một tâm trạng ngán ngẩm, đắng cay, kết quả của một cuộc sống lang thang, cô độc vô ích, lòng bị những thất vọng đục khoét, chán ghét tất cả mọi người và đặc biệt là đàn bà (vì tôi bắt đầu coi ý niệm một người đàn bà trí thức, trung thành, biết yêu đương chỉ là một ảo tưởng), tôi trở lại nước Anh,vì công việc làm ăn đòi hỏi.

Vào một buổi chiều đông băng giá, tôi phóng ngựa về Thornơfin, thật là nơi đáng ghét! Tôi không chờ đợi một cuộc sống yên ổn, hạnh phúc ở đây. Trên một bậc thềm bên lề đường Mây Lên, tôi thấy một bóng người nhỏ bé ngồi lặng lẽ một mình. Tôi dửng dưng đi qua như đi qua cây liễu cụt ngọn trước mặt người ấy. Tôi không thể linh cảm thấy người ấy rồi đây sẽ có nghĩa gì đối với tôi, trong lòng tôi không có gi báo trước rằng con người điều khiển cả cuộc đời tôi - vị thần xét xử điều thiện hay ác của tôi - đang chờ tôi dưới hình thức tầm thường ấy. Ngay đến lúc con Mexrua gặp nạn, bóng người ấy chạy lại và ân cần giúp tôi, tôi cũng vẫn còn chưa biết. Con người thật trẻ thơ và mảnh dẻ! Tựa hồ một con vành khuyên đến nhảy nhót bên chân tôi và đề nghị mang tôi trên đôi cánh xinh xinh của nó. Tôi càu nhàu, nhưng cô ta vẫn không chịu đi, cứ đứng cạnh tôi với dánh điệu kiện nhẫn lạ lùng, mắt nhìn, miệng nói ra dáng truyền lệnh. Thế là tôi phải để bàn tay ấy giúp đỡ tôi, và tôi đã được giúp đỡ.

"Khi tôi ấn tay lên đôi vai mảnh dẻ ấy, thì một cái gì mới lạ - một luồng nhựa sống, một cảm giác tươi mát - bỗng len lỏi vào cơ thể tôi - vì cô ở trong nhà tôi, dưới kia - tôi lấy làm mừng, vì nếu phải thấy cô lại buột khỏi tay tôi và biến mất sau rặng rào tối nọ, thì hẳn là tôi phải tiếc hận vô cùng. Jên ạ, tôi đã nghe thấy tiếng em trở về nhà đêm ấy, mặc dù có lẽ em không ngờ đâu rằng tôi vẫn nghĩ đến em và ngóng đợi em. Hôm sau, tôi lại quan sát em nửa tiếng đồng hồ, mà không để em trông thấy, trong khi em đang chơi với Ađen ở hành lang. Tôi còn nhớ hôm ấy tuyết rơi, em không ra khỏi cửa được. Tôi ngồi trong phòng, cánh cửa vẫn để hé, thành ra tôi có thể vừa nghe vừa nhìn được. Em chăm chú đến Ađen một lát, nhưng tôi cứ tưởng tượng tâm hồn em để đâu đâu, tuy thế em đã rất kiên nhẫn với nó, Jên ạ, em nói chuyện và chơi đùa với nó một hồi lâu. Sau cùng khi nó đi rồi, em lại rơi vào trong một giấc mơ xa xôi. Em thẫn thờ đi quanh hành lang. Thỉnh thoảng, đi ngang qua cửa sổ em lại đưa mắt nhìn cảnh tuyết rơi tơi bời ở bên ngoài. Em lắng nghe tiếng gió nức nở, rồi em lại nhẹ nhàng bước đi và mơ mộng. Tôi nghĩ rằng những giấc mơ ban ngày của em lúc ấy không có gì là u ám. Chốc chốc mắt em lại ánh lên một niềm vui, dáng vẻ của em thoáng để lộ một phấn khích nhẹ nhàng, những cái đó không nói lên rằng em suy nghĩ những điều chua chát, cay đắng. Đúng hơn, mắt em biểu lộ những giấc mơ êm đềm của tuổi thanh xuân, khi linh hồn của nó theo đôi cánh ngoan ngoãn của Hy vọng, bay vút về cõi thiên đường lý tưởng. Tiếng bà Fefăc nói với một người đầy tớ trong phòng lớn làm em chợt tỉnh, và lúc ấy em mỉm cười tự giễu mình trông mới ngộ nghĩnh làm sao! Nụ cười của em có rất nhiều lương tri, nó có vẻ sáng suốt và giễu cợt sự mơ mộng của chính em. Hình như nó muốn nói: "Tất cả những ảo ảnh êm đềm của ta đều rất đẹp, nhưng ta chớ nên quên rằng đó chỉ là toàn là những ước mơ hão huyền. Ta có cả một bầu trời hồng thắm và một khu vườn tiên xanh tươi đầy hoa ở trong óc, nhưng ở bên ngoài thì ta biết rất rõ mình đang dấn bước trên một con đường gập ghềnh, và ta còn phải đương đầu với bao cơn giông tố tối tăm tụ tập quanh mình". Em chạy xuống nhà và yêu cầu bà Fefăc cho làm một việc gì đó, tính toán tiền chi thu hàng tuần trong nhà, hay đại khái như vậy, tôi chắc thế. Tôi bực mình với em vì không nhìn thấy em nữa.

Tôi ngong ngóng chờ đến tối, vì lúc ấy tôi có thể cho gọi em đến gặp. Tôi ngờ em là một người có tính tình khác thường, hoàn toàn mới lạ đối với tôi. Tôi muốn tìm hiểu sâu sắc và biết em rõ ràng hơn. Em bước vào phòng với ánh mắt và vẻ mặt vừa e lệ, vừa đường hoàng, em ăn vận buồn cười quá - cũng như bây giờ vậy. Tôi gợi chuyện cho em nói, và chẳng mấy chốc tôi đã thấy em có rất nhiều mâu thuẫn kỳ quái. Cách ăn mặc và cử chỉ của em bị nội quy gò bó, dáng điệu thường ngượng nghịu tuy có sự tinh tế thiên bẩm, nhưng em hoàn toàn bỡ ngỡ với cách thù tiếp xã giao, lúc nào cũng chỉ lo cho mình nhầm lẫn vụng về một cách lộ liễu. Tuy nhiên, khi nghe tôi hỏi, em ngửng lên nhìn tôi và tiếp chuyện với cặp mắt mạnh dạn, long lanh, sắc sảo. Mỗi cái nhìn của em đều có sức mạnh thấm thía. Bị hỏi dồn dập, em vẫn có những câu trả lời sẵn sàng. Chả mấy chốc hình như em đã quen với tôi. Tôi tin rằng em cũng cảm thấy có một mối cảm tình nào đó giữa em và người chủ cằn nhằn khắc khổ, vì, Jên ạ tôi rất ngạc nhiên thấy ngay sau đó em đã có những cử chỉ tự nhiên thoải mái. Tôi khó tính như thế mà đối với tôi, em không hề tỏ ra ngạc nhiên, sợ hãi, bực mình hay khó chịu. Em nhìn tôi và đôi khi mỉm cười với một vẻ duyên dáng đơn giản nhưng tinh tế, mà tôi khó tả được. Lập tức tôi vừa thích thú, vừa bị kích thích vì những điều nhận thấy đó. Tôi ưa những gì tôi nhìn thấy và muốn được biết hơn nữa. Tuy vậy, trong một khoảng thời gian dài, tôi đối xử xa vời với em và ít khi tìm gặp mặt em. Tôi là người theo chủ nghĩa Êpicurơ(1) về mặt tinh thần, nên muốn kéo dài quá trình làm quen mới lạ và kỳ thú đó, vả chăng, hồi mới đầu tôi có một nỗi sợ ám ảnh, sợ quá tự do đụng đến bông hoa thì nó sẽ phai tàn chăng, cái duyên tươi thắm dịu dàng của nó sẽ rời bỏ nó chăng. Bấy giờ tôi chưa biết rằng đây không phải là một bông hoa sớm nở tối tàn, mà đúng hơn, nó giống một bông hoa rực rỡ tạc bằng đá quý không gì hủy hoại được. Hơn nữa, tôi muốn xem em có ý tìm tôi không, nếu tôi tránh em. Nhưng không, em vẫn ở yên trong phòng học, như cái bàn hay cái giá bảng của em. Nếu ngẫu nhiên tôi gặp em, em cũng đi qua rất mau mà chỉ để ý đến tôi gọi là vì lễ độ. Hồi ấy, vẻ mặt thường của em là đôi mắt nhìn trầm mặc, không phải là vì chán nản, vì em có đau đớn chuyện gì đâu, nhưng không được tươi, vì lúc ấy em ít hy vọng, mà không có thú vui gì hiện tại. Tôi tự hỏi không biết em nghĩ gì về tôi - hoặc có khi nào em nghĩ đến tôi không? Để khám phá điều đó, tôi lại ra vẻ chú ý đến em. Trong khi trò chuyện, ánh mắt em biểu lộ một niềm vui thích, và cử chỉ em có một vẻ gì thân mật. Tôi thấy rõ là em có một tâm hồn cởi mở, chính căn phòng học lặng lẽ với cuộc đời tẻ nhạt của em đã khiến em thành ủ rũ. Tôi tự cho mình sự thích thú đối xử dị 6463 u ngọt với em, cung cách lịch sự khiến em cảm động ngay, vẻ mặt em trở nên dịu dàng, giọng nói của em êm ái. Tôi thích nghe tên tôi được em nói lên bằng một giọng vui sướng, cảm kích. Hồi ấy, tôi lấy làm thích thú được gặp em bất chợt, cử chỉ của em có một vẻ rụt rè e ấp, ngộ nghĩnh làm sao, em lén nhìn tôi với đôi chút bối rối, với một thoáng nghi ngờ, em không rõ sở thích thất thường của tôi sẽ như thế nào - liệu tôi sắp đóng vai một ông chủ nghiêm khắc, hay vai một người bạn ân cần đây. Bấy giờ tôi đã yêu em quá rồi cho nên không muốn vờ đóng vai ông chủ nữa, và khi tôi thân mật giơ tay ra, thì gương mặt trẻ trung tha thiết của em bỗng rạng rỡ lên một niềm vui sướng, một ánh sáng tưng bừng, khiến nhiều lúc tôi khó khăn lắm mới ngăn được mình khỏi ôm em ghì sát trái tim tôi.

- Xin ông đừng nhắc lại những ngày ấy làm gì nữa - tôi ngắt lời ông, gạt thầm vài giọt lệ ứa ra. Những lời ông nói vò xé lòng tôi, vì tôi biết tôi đã phải làm gì - và phải làm ngay - vậy tất cả những hồi ức kia, những lời thổ lộ tâm tình của ông chỉ làm cho công việc của tôi thêm khó khăn thôi.

- Không, Jên ạ, - ông đáp, - cần gì cứ phải nặng lòng với quá khứ, khi hiện tại chắc chắn hơn nhiều, và tương lai lại càng sáng sủa hơn nữa.

Nghe lời khẳng định tự mãn ấy, tôi rùng mình.

- Bây giờ em đã rõ hoàn cảnh tôi rồi - ông nói tiếp - sau một thời thanh niên và tráng niên qua đi, trong cảnh khổ sở không sao tả hết và cảnh cô độc âm thầm, bây giờ lần đầu tiên tôi đã tìm thấy người mà tôi có thể thực sư yêu được - tôi đã tìm thấy em. Em là tình yêu của tôi, là cái gì tốt nhất trong tôi, là nàng tiên từ thiện của tôi - và giữa tôi với em có một mối tình ràng buộc chặt chẽ. Tôi tin em là người tốt, đáng yêu, có nhiều năng khiếu thiên bẩm. Lòng tôi ôm ấp một mối tình nồng nhiệt, trang trọng. Mối tình ấy hướng về em, nó lôi kéo em tới trung tâm cuộc sống của tôi, đem cuộc đời tôi bao bọc lấy em, và nó nhóm lên một ngọn lửa tinh khiết, nồng đượm, nó hun đúc đôi ta nhập lại với nhau làm một.

"Vì tôi cảm thấy và biết rõ như thế, nên tôi quyết định lấy em. Nói với tôi rằng tôi đã có vợ thì chỉ là một câu giễu cợt vô nghĩa, bây giờ em đã rõ tôi chỉ có một con quỷ ghê tởm. Tôi đã lầm lẫn định lừa dối em, nhưng cũng vì tôi sợ tính em ương ngạnh, tôi sợ những thành kiến ăn sâu từ khi em còn ít tuổi, tôi muốn chiếm được chắc chắn rồi mới dám thổ lộ sự tình. Như thế là hèn nhát, đáng lẽ ngay lúc đầu, tôi phải kêu gọi lòng quảng đại của em, như bây giờ đây, phải giãi bày cho em rõ cuộc đời thống khổ của tôi, diễn tả cho em thấy lòng tôi khao khát thèm muốn một cuộc sống cao quý hơn và xứng đáng hơn như thế nào, trình bày với em không phải sự quyết tâm (chữ này còn yếu quá), là khuynh hướng không sao cưỡng lại được của tôi là yêu một cách chung thủy và đằm thắm, khi tôi cũng được yêu lại như thế. Và lúc, tôi mới xin em nhận lấy mối tình chân thực của tôi, và xin em cũng ban cho mối tình chân thực của em. Jên, bây giờ em hãy ban cho tôi đi.

Yên lặng.

- Jên, sao em lại lặng thinh thế?

Tôi đang trải qua một cơn thử thách. Một bàn tay sắt xiết chặt lấy tâm hồn tôi. Giây phút hãi hùng, nồng cháy, đầy vật lộn và bóng tối! Trên đời chưa ai có thể mong ước được yêu như tôi đã được yêu, và tôi tuyệt đối phục thờ con người đã yêu tôi như vậy. Ấy thế mà tôi phải từ bỏ tình yêu với thần tượng đó. Bổn phận khốc liệt của tôi nằm gọn trong một chữ buồn rầu: Đi!

- Jên, em hiểu tôi cần gì ở em chứ? Chỉ cần em hứa: ông Rôchextơ, em sẽ thuộc về ông".

- Ông Rôchextơ, em sẽ không thuộc về ông.

Lại một phút yên lặng lâu hơn.

- Jên! - Ông lại nói bằng một giọng dịu dàng khiến tôi chết cả cõi lòng vì đau đớn, và lạnh ngắt cả người vì sợ hãi một điều gở, vì cái giọng bình thản ấy là tiếng thở hổn hển của một con sư tử đang vươn mình đứng dậy.

- Jên, thế là em nhất định đi một đường trong cuộc đời, và bỏ mặc tôi đi một đường khác ư?

- Thưa ông, vâng.

- Jên! (ông cúi xuống và ôm lấy tôi) bây giờ em còn nhất định thế nữa không?

- Vẫn thế.

- Và bây giờ? - ông hôn nhẹ lên trán và má tôi.

- Vẫn thế! - Tôi vội gỡ hẳn mình ra khỏi cánh tay ông.

- Ồ Jên, thế thì chua chát quá. Sự đó, chính điều đó là xấu chứ yêu tôi có phải là xấu đâu.

- Vâng lời ông, thì sẽ là xấu.

Một vẻ hung dữ làm lông mày ông nhướn cao lên và nét mặt ông cau lại, ông đứng dậy tuy thế ông vẫn tự kiềm chế được. Tôi đặt tay lên lưng một chiếc ghế để có chỗ tựa. Tôi run rẩy, tôi sợ, nhưng tôi đã nhất quyết.

- Một phút nữa, Jên, khi nào em bỏ đi, em hãy ngoảnh lại nhìn cuộc đời khủng khiếp của tôi. Em đi thì mọi hạnh phúc của tôi cũng bị rứt theo. Rồi còn lại gì? Một người vợ? Nhưng tôi chỉ có con quỷ ở trên gác, nó có khác gì một cái thây ma ở ngoài nghĩa địa kia. Tôi sẽ làm gì đây, Jên? Tôi biết hướng về đâu để tìm một người bạn đồng hành, để tìm một chút hy vọng.

- Ông hãy làm như em. Tin vào Thượng đế và chính mình. Hãy tin ở thiên đường. Hy vọng ta lại gặp nhau trên ấy.

- Như vậy là em nhất định không chịu?

- Không.

- Thế là em buộc tôi phải sống một cuộc đời khốn nạn và rồi sẽ chết khổ nhục - Ông nói to hơn.

- Em khuyên ông sống một cuộc đời không tội lỗi, em chỉ mong khi chết lòng ông được thanh thản.

- Thế là em cướp mất của tôi tình yêu và sự trong sạch. Em xô đẩy tôi trở về cuộc sống lấy nhục dục làm thú say mê, lấy thói hư làm lẽ sống.

- Ông Rôchextơ, em không hề muốn gán cho ông cái số phận ấy cũng như chính bản thân em không muốn bám lấy nó. Chúng ta sinh ra để phấn đấu và chịu đựng, ông cũng như em, hãy nên làm như vậy. Ông sẽ quên em trước khi em quên được ông.

- Em nói như vậy là coi tôi như một kẻ lừa dối, em bôi nhọ danh dự tôi. Tôi đã nói với em rằng tôi không thể đổi thay, thế mà em lại bảo vào mặt tôi rằng chẳng bao lâu tôi sẽ đổi thay. Hành động của em chứng tỏ một sự phán đoán sai lầm, những ý nghĩ bậy bạ. Phải chăng thà xô đẩy một đồng loại vào cõi tuyệt vọng, còn hơn vi phạm một luật pháp của con người, dù là sự vi phạm ấy chẳng làm thiệt cho ai? Em có họ hàng bè bạn nào đâu mà sợ họ không hài lòng vì em sống với tôi?

Thật đúng như vậy. Trong khi ông nói chính lương tâm và lương tri tôi cũng quay lại phản tôi, và lên án tôi đã cưỡng lại ông. Chúng lên tiếng mạnh mẽ không kém gì trái tim tôi, và cùng hung dữ thét lên: "Hãy thuận tình đi, hãy nghĩ đến nổi khổ sở của ông ấy, sự nguy hiểm của ông ấy - nhìn xem ông ấy sẽ ra sao, nếu bị bỏ lại một mình, hãy nhớ lại tính ông ấy liều lĩnh thế nào, hãy quan tâm đến những sự bừa bãi của ông ấy sau khi tuyệt vọng. Hãy an ủi, cứu vớt, hãy yêu ông ấy, nói với ông ấy rằng mi yêu ông và sẽ thuộc về ông. Trên đời này nào có ai lo lắng cho mi? Có ai bị thiệt hại gì vì hành động của mi?"

Nhưng rồi câu trả lời vẫn cứ khăng khăng một mực: "Tôi lo lắng cho bản thân tôi. Tôi càng cô độc, càng không bè bạn, càng không nơi nương tựa, thì tôi lại càng tự trọng. Tôi sẽ tuân theo luật pháp do Thượng đế ấn định và đã được loài người công nhận. Tôi sẽ giữ vững những minh mẫn, chứ không điên dại như bây giờ. Luật pháp và những nguyên tắc đạo đức đâu phải đặt ra cho lúc bình thường không có sự cám dỗ, mà là có những lúc như thế này, khi thể xác và linh hồn nổi lên chống lại sự khe khắt của chúng. Chúng khe khắt, chúng sẽ không bị vi phạm. Nhưng vì thuận tiện cho mình mà tôi phá bỏ chúng thì chẳng hóa chúng không có giá trị gì ư? Chúng có giá trị, bao giờ tôi cũng tin như vậy, và nếu bây giờ tôi không tin, thì chi là vì tôi điên dại - hoàn toàn điên dại, mạch máu tôi chạy rần rật, như muốn bốc lửa, tim tôi đập dồn dập. Những quan điểm và những quyết định có sẵn từ trước là tất cả những gì bây giờ tôi phải níu chặt lấy, tôi phải cột chân tôi vào đó.

Tôi đã làm thế. Ông Rôchextơ nhìn diện mạo tôi, cũng thấy tôi đã quyết định thế. Sự giận dữ của ông lên đến cực điểm, ông cần phải cho nó nổ bung ra trong chốc lát, sau đây muốn ra sao thì ra. Ông đi ngang qua buồng và nắm lấy cánh tay tôi, ghì lấy người tôi. Dường như ông muốn nuốt chửng lấy tôi trong ánh mắt nẩy lửa, về mặt thể xác, tôi cảm thấy mình bất lực, như một cọng rơm ném vào một ngọn lửa rực cháy, nhưng về mặt tinh thần, tôi vẫn tự chủ được và tin chắc rằng cuối cùng tôi sẽ được vô sự. May thay, linh hồn được có một người thông dịch - thường là vô ý thức nhưng là người thông dịch chính xác - ấy là con mắt. Tôi ngước mắt nhìn ông, và trong khi nhìn bộ mặt hung tợn của ông, tôi không kìm giữ được một tiếng thở dài. Tay ông nắm tay tôi đau quá và sức lực tôi, bị thử thách quá nhiều, hầu như đã kiệt.

- Chưa bao giờ - ông nghiến răng nói - chưa bao giờ có một con người ẻo lả như thế này mà lại bướng bỉnh như thế này. Trong tay ta nàng chỉ là một cây sậy (ông nắm chắc lấy tôi mà lắc). Ta chỉ cần cặp hai ngón tay lại cũng đã nghiền nát được nàng, nhưng nghiền xé nàng, xé vụn nàng ra cũng chẳng ích gì. Hãy nhìn con mắt kia, hãy nhìn cái vẻ kiên quyết, táo tợn, tự chủ lóe trong đôi mắt ấy và đang thách thức ta một cách không phải chỉ là gan dạ - một cách đắc thắng. Con người đẹp đẽ và man rợ kia? Dù cho ta làm gì vỏ ngoài của nàng, ta cũng vẫn không dám nắm được nàng. Nếu ta xé nát, đập vỡ cái nhà tù mỏng manh, ta sẽ chỉ làm cho kẻ bị giam xổng mất. Dù ta có chiếm được ngôi nhà nhưng chủ nhân sẽ trốn lên thiên đường trước khi ta có thể coi cái chỗ ở bằng đất sét là thuộc quyền sở hữu của ta. Vậy mà hỡi linh thể kia, ta muốn được chính người - cùng với ý chí, nghị lực, đạo đức và sự trong sạch - chứ đâu phải chỉ có tấm hình hài ẻo lả của người. Tự ý người, người có thể nhẹ cánh bay tới đậu trên ngực ta nếu người muốn, nhưng nếu cưỡng ép tóm lấy người thì người sẽ thoát bay đi như một chất hơi, người sẽ biến mất trước khi ta thấy được hương vị của người. Ôi, lại đây, Jên lại đây?

Ông vừa nói, vừa buông tay ôm tôi ra, và chỉ nhìn tôi thôi! Chịu đựng cái nhìn ấy còn khó khăn hơn cái ghì xiết điên cuồng. Tuy nhiên chỉ có ngu xuẩn mới chịu quỵ lúc này. Tôi đã dám đương đầu vượt qua sự giận dữ của ông, giờ tôi phải tránh sự đau buồn của ông. Tôi đi ra phía cửa.

- Em đi đấy à?

- Vâng, em đi đây.

- Em bỏ tôi sao?

- Thưa ông, vâng

- Em sẽ không trở lại ư? Em không muốn là người an ủi tôi, cứu vớt tôi? Tấm tình sâu sắc của tôi, nỗi đau khổ cùng cực, lời cầu nguyện khẩn thiết của tôi, tất cả đều vô nghĩa đối với em sao?

Sao mà giọng nói của ông đau thương khó tả! Khó lắm tôi mới nhắc lại được câu: "Em đi đây" một cách kiên quyết.

- Jên!

- Ông Rôchextơ!

- Đã vậy thì em cứ đi nghỉ - tôi bằng lòng - nhưng em hãy nhớ em bỏ tôi ở lại đây với bao thống khổ. Em lên buồng riêng đi và hãy suy nghĩ lại về những điều tôi nói. Jên, hãy ngó lại những đau khổ của tôi, hãy nghĩ đến tôi.

Ông quay đi, gieo người xuống xôfa, mặt úp sấp.

- Ôi! Jên, hy vọng của tôi, tình yêu của tôi, lẽ sống của tôi!

Những lời ấy bật ra khỏi môi ông thành một tiếng kêu vô cùng đau đớn. Rồi một tiếng nức nở bật lên âm thầm, mạnh mẽ.

Tôi đã ra đến cửa, nhưng, thưa bạn đọc, tôi lại quay lại - tôi quay lại cũng quả quyết như tôi đã quả quyết rút lui. Tôi quỳ xuống cạnh ông, tôi nâng mặt ông trên gối, xoay về phía tôi, tôi hôn má ông, tôi vuốt tóc ông và nói: trời cho tôi, một bầu trời tạm bợ. Tôi chỉ cần bước vào nói:

"Ông Rchextơ, em sẽ yêu ông và sống cùng ông cho đến chết", và một nguồn hạnh phúc sẽ làm mát dịu môi tôi. Tôi đã nghĩ đến điều đó.

Người chủ động rộng lượng ấy lúc này không ngủ được và đang nóng lòng chờ sớm mai. Sáng sớm ông sẽ cho người gọi tôi, lúc ấy tôi đã đi rồi. Ông sẽ cho người lùng kiếm, vô hiệu, ông sẽ cảm thấy mình bị ruồng bỏ, tấm tình của ông bị hắt hủi, ông sẽ đau khổ, có lẽ tuyệt vọng nữa. Tôi đã nghĩ cả đến điều đó. Tay tôi đưa vào ổ khóa cửa, nhưng tôi lại rút lại, và rón rén bước đi.

Tôi lần theo cầu thang lượn vòng bước xuống, lòng rầu rĩ, tôi biết mình phải làm gì, và tôi đã làm việc ấy như một cái máy. Tôi tìm chiếc chìa khóa cửa ngang trong bếp, tôi lại tìm một lọ dầu và một chiếc lông chim, phết dầu vào chìa khóa và ổ khóa. Tôi uống ít nước và lấy ít bánh, vì có thể tôi phải đi bộ xa, và tuy thể lực của tôi bị những việc mới đây lay chuyển, tôi không được phép ngã quỵ. Tôi làm mọi việc đó không một tiếng động. Tôi mở cửa bước ra ngoài, rồi nhẹ nhàng đóng lại.

Bình minh lờ mờ lóe rạng trong sân. Các cổng lớn đều đóng và khóa chặt, nhưng có một cái cửa nhỏ ở cổng chỉ tra then ngang. Tôi bèn nhấc lên để đi qua, rồi lại đóng lại và bấy giờ tôi đã ra khỏi Thornơfin.

Cách đây một dặm, bên kia cánh đồng, có một con đường đi ngược chiều lối về Mincôt, một con đường tôi chưa hề đi, tuy thường chú ý đến và tự hỏi không biết nó dẫn đến đâu, bây giờ tôi cứ phía ấy mà rảo bước. Tôi không dám suy nghĩ gì cả, không quay đầu nhìn lại cũng chẳng dám suy nghĩ gì cả, không quay đầu nhìn lại cũng chẳng dám nhìn về phía trước. Tôi không được có một ý nghĩ nào về quá khứ cũng như về tương lai. Quá khứ là một trong trang sách êm đẹp thần tiên - mà cũng buồn đến chết lòng người - chỉ đọc một dòng trên trang đó cũng đủ khiến can đảm của tôi tiêu tan, nghị lực của tôi rời rã. Tương lai là một khoảng trống kinh khủng, tựa hồ thế giới sau trận đại hồng thủy.

Tôi đi men theo những cánh đồng, những bờ rào theo con đường nhỏ cho tới lúc mặt trời mọc. Tôi nghĩ hôm đó là một buổi sáng mùa hạ đẹp đẽ. Tôi biết đôi giày tôi đi vào từ lúc rời khỏi nhà chẳng mấy lúc đã ướt sũng sương đêm. Nhưng tôi không nhìn vầng dương đang mọc, bầu trời tươi cười, cũng như cảnh thiên nhiên đang thức tỉnh. Kẻ bị đưa ra pháp trường, có đi qua một phong cảnh hữu tình, thì cũng chẳng còn bụng dạ nào mà ngắm các bông hoa chúm chím bên đường, hắn chỉ nghĩ đến khúc gỗ thớt kề cổ và lưỡi dao chém sắc, đến cảnh thịt nát xương tan và nấm mồ đang há miệng đón chờ ở đầu đường, cũng như tôi chỉ đang nghỉ đến cảnh lẻn trốn buồn bã, cảnh bơ vơ lạc lõng - và hỡi ôi! Đến những gì được. Lúc này, tôi nghĩ đến ông Rôchextơ, trong căn phòng của ông, đang ngóng chờ mặt trời mọc, hy vọng tôi sẽ đến bảo ông rằng tôi vui lòng ở lại với ông, và làm vợ ông. Tôi ao ước được làm vợ ông, tôi thèm khát được quay lại, cũng chưa quá muộn nào, tôi còn có thể tránh được cho ông nỗi đau lòng tê tái vì một cuộc sinh ly. Tôi chắc cũng chưa ai biết là tôi đã trốn đi. Tôi có thể trở lại và làm người an ủi ông - niềm kiêu hãnh của ông, người cứu ông thoát cảnh khổ sở, có thể là khỏi sự sa đọa nữa. Trời, mối lo sợ ông bị cô đơn - còn bi đát hơn nỗi cô đơn của tôi nhiều - mới cấu xé tâm can tôi làm sao! Nó là mũi tên nhọn có ngạnh xuyên vào ngực tôi, xé rách da thịt tôi khi tôi cố dứt nó ra, nó làm tôi đau đớn khi những chuyện cũ lại ấn nó vào sâu thêm trong lòng tôi. Chim bắt đầu ca hót trong những cánh rừng nhỏ, chim chóc còn biết trung thành với bạn, chim chóc là biểu tượng của tình yêu. Còn tôi thì sao? Giữa nỗi đau đớn của trái tim vò xé và sự cố gắng cuồng nhiệt tuân theo đạo lý tôi thấy khinh ghét chính mình. Tôi không có được sự đồng tình của chính mình để tự an ủi, cũng không có cả lòng tự trọng nữa. Tôi đã cho ông chủ tôi đau khổ, bị thương tổn, và ruồng bỏ ông. Trước mắt tôi, tôi tự thấy mình đáng ghét. Tuy thế, tôi không tài nào trở lại được, không thể quay lại, dù là một bước. Hẳn là Chúa đã dẫn đường tôi. Nỗi đau đón bạo cuồng đã chà đạp lên ý chí tôi, đã bóp nghẹt lương tâm tôi. Tôi vừa khóc sướt mướt, vừa bước trên con đường vắng vẻ, tôi rảo bước thật nhanh, thật nhanh, như một kẻ mê sảng. Một sự suy nhược bắt đầu từ trong lòng, lan dần ra đến chân, chế ngự tôi và tôi ngã xuống. Tôi nằm trên mặt đất vài phút, úp mặt trên cỏ ướt. Tôi mang máng sợ - hay mong mỏi - rằng tôi sẽ chết ở đây, nhưng rồi tôi lại dậy ngay; mới đầu chống tay bò về phía trước, đoạn đứng hẳn lên, quyết tâm và hăng hái đến đường cái cho bằng được.

Khi tới đó rồi, tôi buộc phải ngồi nghỉ bên một hàng rào. Đang ngồi thì nghe có tiếng bánh xe lạo xạo, rồi thấy một cỗ xe tiến lại. Tôi đứng dậy giơ tay vẫy, xe dừng lại. Tôi hỏi xe về đâu, người đánh xe nói tên một nơi xa, mà tôi chắc ở đó ông Rôchextơ không có ai quen thuộc. Tôi hỏi bác đưa tôi đến đấy thì lấy bao nhiêu tiền, bác đòi ba mươi silinh, tôi trả lời chỉ có hai mươi silinh thôi, bác ta cũng bằng lòng vậy. Đoạn bác bảo tôi bước vào trong xe, xe không có khách, tôi chui vào, cửa đóng lại và xe chuyển bánh.

Bạn đọc thân mến, cầu cho bạn đừng bao giờ cảm nghĩ như tôi lúc ấy! Cầu cho mắt bạn đừng bao giờ phải nhỏ những giọt lệ nóng hổi, tràn trề, xé ruột xé gan như tôi. Cầu cho bạn đừng bao giờ phải cầu xin Chúa một cách tuyệt vọng và đau khổ như tôi đã cầu xin trong giờ phút ấy. Cầu cho bạn đừng bao giờ lo sợ như tôi, phải trở thành nguồn đau khổ cho người mà mình yêu với tất cả tâm hồn.



1. Theo truyền thuyết trong kinh thánh, Achan giấu trong lều của mình cái cướp được của quân địch, nên bị Chúa Trời trừng phạt

2. Một thứ cây nhựa rất độc, những người dân ở Java thường lấy nhựa cây này tẩm vào mũi tên.

1. Một nhà thương điên có tiếng ở Anh.

1. Nhân sư: theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, là con thú đầu người mình sư tử, hay ra những câu hỏi bí hiểm cho khách đi đường. Nếu không trả lời được sẽ bị hại. ở đây là vẻ mặt bí hiểm.

1. Một bà hoàng La Mã nổi tiếng dâm đãng.

 Một nhà triết lý học cổ Hy Lạp chủ trương sự khoái lạc tinh thần trong đạo đức.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86022


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận