Jên Erơ Chương 28


Chương 28
Hai ngày trôi qua. Vào một buổi chiều hè, người đánh xe cho tôi xuống một nơi gọi là Waitocrôt,

bác ta không thể chở tôi đi xa hơn nữa vì số tiền tôi đưa đã vừa đủ chặng đường, mà tôi chẳng còn đồng xu nào khác, cỗ xe đã đi xa được một dặm, chỉ còn có một mình tôi, lúc ấy tôi mới sực nhớ ra rằng tôi quên không lấy gói đồ mà tôi đã cất trong hòm xe để cho chắc chắn. Nó ở đấy mà bây giờ vẫn còn ở đấy, còn tôi thì hết sạch chẳng có tí gì.

Waitơcrôt không phải là một thị trấn, mà cũng chẳng phải là một làng nào cả, đó chỉ là cột đá dựng lên ở một ngã tư, cột ấy quét vôi trắng, tôi chắc là để khi nhánh chẽ ra, thành phố gần nhất, theo chữ ghi trên một nhánh cách đó đến mười dặm, còn thành phố xa nhất thì hơn hai mươi dặm. Các thành phố này đều nổi tiếng, nên tôi được biết hiện đang ở trong địa phận quận nào, một vùng ở phía bắc Trung châu, núi non lô xô, và có những cánh đồng hoang làm cho phong cảnh thành âm u, điều này thì chính mắt tôi trông thấy. Sau lưng tôi và hai bên đường đều có những cánh đồng hoang rộng lớn, xa tít bên kia thung lũng, dưới chân tôi là những dãy núi trập trùng. Dân cư ở đây hẳn là thưa thớt vì tôi chẳng thấy một ai qua lại trên các ngả đường tỏa ra bốn phía: đông, tây, nam, bắc. Những con đường rộng rãi, trắng xóa và vắng vẻ, vạch trên cánh đồng hoang; các bụi cây um tùm hoang dại mọc lan cả đến ven đường. Nhưng biết đâu chẳng có một lữ khách đi qua, và tôi mong đừng có người nào nhìn thấy tôi lúc này, người khách lạ sẽ ngạc nhiên không hiểu tôi đang làm gì mà lại thơ thẩn bên cái cột đá chỉ đường này, có vẻ rõ ràng là người lang thang, lạc lõng. Có thể người ta sẽ hỏi tôi, và tôi biết trả lời thế nào, ngoài những điều rất khó tin, chỉ gây thêm nghi kỵ. Không một sợi dây nào ràng buộc tôi với xã hội loài người lúc ấy - không một sự quyến rũ hoặc niềm hy vọng nào gọi tôi về với cuộc sống của đồng loại - không ai trông thấy tôi mà có được một ý nghĩ đẹp đẽ hoặc một ước vọng tốt lành cho tôi. Tôi chẳng có thân quyến nào ngoài người mẹ phổ biến là Thiên nhiên, tôi muốn tìm đến nghỉ ngơi trong cánh tay người.

Tôi đi thẳng vào bụi cây, về phía một cái khe sâu trên bờ truông màu nâu sẫm. Tôi ngập trong đám cây cỏ um tùm cao đến đầu gối, lần theo những khúc quanh co, và khi thấy một hốc đá phủ rêu đen trong một góc kín đáo, tôi bèn ngồi lẩn vào đấy. Bờ tường cao bao quanh tôi, hốc đá che chở đầu tôi bên trên là bầu trời.

Đến chỗ này rồi mà cũng chẳng mất một lúc lâu tôi mới thấy yên lòng, tôi cứ mơ hồ sợ con thú hoang nào ở gần, hay một người đi săn nào tìm ra tôi chăng. Mỗi khi có một đợt gió thổi qua cánh đồng hoang tôi lại nhìn lên, tưởng sẽ thấy một con bò tót xô tới, mỗi khi có con chim óc câu nào hót, tôi lại tưởng có người đến. Nhưng khi thấy những nỗi sợ hãi của mình là không căn cứ, và được trấn tĩnh vì sự im lặng nặng nề ở quanh mình lúc bóng chiều chuyển dần sang hoàng hôn, thì tôi cũng yên tâm. Cho tới lúc ấy tôi đã không hề nghĩ ngợi gì cả, tôi chỉ lắng nghe ngóng, quan sát, lo sợ. Bây giờ năng lực suy nghĩ mới phục hồi.

Tôi phải làm gì đây? Tôi biết đi đâu? Trời, những câu hỏi mới tàn nhẫn làm sao, khi mình không thể làm gì được và chẳng biết đi đâu, khi cặp chân rã rời, run rẩy của tôi còn phải lê một độ đường dài nữa mới tới được chỗ có người, khi tôi cần phải van vỉ lòng từ thiện thờ ở của người ta, để mong được một chỗ trú chân, còn lại phải phiền quấy, xin một sự thông cảm miễn cưỡng, có khi bị xua đuổi nữa, rồi mới được người ta chịu nghe tôi kể cảnh ngộ và chịu giúp cho tôi một nhu cầu nào đấy!

Tôi sờ vào bụi cây, cây khô và còn ấm vì hơi nóng của ngày hè. Tôi ngước nhìn lên bầu trời trong suốt, một ngôi sao hiền từ lấp lánh ngay trên bờ dốc. Sương sa xuống, êm dịu một cách nhân hậu, không một ngọn gió thì thào. Thiên nhiên có một vẻ hiền hòa, tốt bụng đối với tôi, tôi nghĩ rằng Người thương yêu tôi dù tôi đang bị hắt hủi, và tôi - kẻ chỉ chờ đợi ở loài người những sự xỉ vả, nghi ngờ, xua đuổi - tôi sẽ quấn quít bên Người như đứa con yêu mẹ. Đêm nay, ít ra tôi cũng là khách của Người, như tôi đã làm con của Người. Mẹ tôi sẽ cho tôi trọ mà không nghĩ đến chuyện tiền nong giá cả gì hết. Tôi còn một mẩu bánh, mẩu sót lại của một tấm bánh mua ở một thị trấn đi qua lúc trưa với đồng xu cuối cùng vô tình tìm thấy. Tôi trông thấy những quả anh đào chín, lấp lánh đây đó như những viên ngọc huyền trong bụi cây, tôi bèn hái lấy một nắm và ăn với bánh. Lúc nãy tôi đói như cào ruột, bây giờ, tuy chưa no nhưng tôi cũng đã dễ chịu đôi phần, sau bữa ăn đạm bạc của nhà ẩn dật ấy. Ăn xong tôi đọc kinh tối, rồi chọn chỗ ngủ.

Bên cạnh hốc đá, bụi cây rất rậm, khi tôi ngả mình xuống thì chân tôi lấp hẳn vào trong, hai bên mình tôi, bụi rậm mọc cao chỉ chừa một khoảng nhỏ cho không khí ban đêm lọt tới. Tôi gập đôi chiếc khăn quàng, đắp lên người làm chăn, gối đầu lên một mô đất nhỏ phủ rêu. Nằm như thế, tôi không thấy lạnh, ít ra là khi trời chưa khuya.

Nếu lòng tôi không buồn thì tôi cũng đã có thể ngủ được một giấc ngon lành. Tim tôi rên rỉ vì những vết thương há miệng rỉ máu, vì những thớ thịt rạn nứt. Nó run rẩy lo cho ông Rôchextơ và số phận của ông, khóc thương ông với một mối thương cảm xót xa, tha thiết cầu mong được gần gũi ông, và tuy bị tàn phế như một con chim gãy cánh, nó rung những đầu cánh rách tả tơi để hoài công cố gắng tìm về với ông.

Mệt mỏi vì bị giày vò trong tư tưởng, tôi nhỏm dậy, quỳ trên gối. Màn đêm đã buông xuống, các vì tinh tú đã xuất hiện, một đêm yên lành và tĩnh mịch, đêm êm ả quá, khiến người ta không còn phải sợ hãi gì nữa. Ta vẫn biết Thượng đế ở khắp nơi, nhưng chắc chắn ta chỉ cảm thấy sự hiện diện của Người rõ rệt nhất khi các công trình của Người bày ra trước mắt ta trên một quy mô vĩ đại mà chính ở dưới vòm trời trong suốt của đêm thanh, nơi cái thế giới Người tạo ra đang chuyển vần theo những cuộc hành trình lặng lẽ, mà ta đọc được thấu đáo nhất sự vô cùng của Người, sức vạn năng của Người, sự hiển hiện rộng khắp của Người. Tôi đã quỳ gối cầu nguyện cho ông Rôchextơ. Ngước nhìn lên mắt mờ lệ, tôi thấy dải Ngân hà hùng vĩ. Nghĩ đến sự cấu tạo của nó - hằng hà sa số những hệ thiên thể rải ra trong không gian như một làn ánh sáng lờ mờ - tôi cảm thấy tất cả cái uy lực của Thượng đế. Yên trí Người có hiệu năng cứu vớt những gì Người đã tạo ra, tôi tin chắc thế giới này không thể bị tiêu diệt, cũng như các linh hồn là báu vật của nó. Kinh cầu nguyện của tôi trở thành lời tạ ơn Chúa, Đáng sáng tạo ra Đời sống cũng là Đấng cứu vớt linh hồn. Ông Rôchextơ hẳn phải được an toàn là con của Chúa, ông sẽ được Chúa che chở. Tôi lại nép mình nằm xuống sườn đồi và chẳng mấy chốc tôi đã quên được những đau đớn trong giấc ngủ.

Nhưng hôm sau, sự thiếu tốn hiện nguyên hình xám ngắt. Những con chim bé nhỏ đã rời tổ lâu rồi, những con ong đã đến từ lúc bình minh êm ả hút mật cây thạch thảo trước khi sương sớm khô đi. Khi các bóng cây vươn dài của buổi mai đã bị rút ngắn, và ánh nắng đã tràn ngập bầu trời, tôi đứng dậy và nhìn quanh.

Thực là một ngày êm ả, ấm áp, một ngày tuyệt đẹp! Cánh đồng hoang mênh mông trông không khác một bãi sa mạng vàng. Ánh sáng tỏa khắp nơi. Ước gì tôi được sống trong ánh sáng và sống nhờ ánh sáng. Tôi thấy một con thằn lằn trờn qua hốc đá, một con ong bận rộn giữa đám quả anh đào ngọt. Lúc ấy tôi rất muốn biến thành con ong hay con thằn lằn để tìm được thức ăn và nơi trú ngụ ở đó. Song tôi lại là một con người, và những nhu cầu của con người, tôi không thể lần lữa mãi ở một nơi không có gì để cung cấp cho con người. Tôi đứng dậy, nhìn lại cái tổ tôi rời bỏ. Không một chút hy vọng về tương lai, tôi chỉ ước có điều: giả thử đêm qua đấng Tạo Hóa sinh ra tôi rủ lòng thương đem linh hồn tôi đi, trong khi tôi đang ngủ, thì hay biết bao, và như vậy thì cái thể xác mỏi mòn này bây giờ chỉ có việc lặng lẽ tan ra và êm ái hòa vào lòng đất nơi hoang vu này, nhờ cái chết mà được giải thoát khỏi mọi giao tranh với số mệnh. Nhưng cuộc sống với tất cả những đòi hỏi, đau khổ và trách nhiệm của nó, vẫn đeo đuổi tôi. Tôi còn phải mang gánh nặng ấy, phải cung cấp cho mọi nhu cầu, phải chịu đựng mọi đau khổ, phải làm trọn mọi trách nhiệm. Tôi bước ra khỏi bụi cây.

Trở lại cột đá Waitơcrôt, tôi đi theo một con đường, quay lưng lại mặt trời, lúc này đã nhô cao và sáng chói. Tôi lựa chọn như vậy chẳng vì một lý do nào khác. Tôi đi bộ một lúc lâu, và khi thấy mình đã đi được một quãng khá dài, nghĩ mình có thể nghỉ ngơi một chút - vì tôi đã gần kiệt lực, cần tạm ngừng sự cố gắng khổ nhục này, tôi bèn xuống một hòn đá gần đó, buông mặc cho mỏi mệt ghì lấy trái tim và chân tay. Bỗng tôi nghe thấy một hồi chuông ngân nga - tiếng chuông nhà thờ.

Tôi quay lại về phía tiếng chuông và giữa đám đồi núi hoang dã, mà đã có đến một tiếng đồng hồ tôi chẳng buồn để ý đến phong cảnh thay đổi, tôi trông thấy một xóm nhỏ và một tháp chuông. Khắp thung lũng mé tay phải tôi, toàn là những đồng cỏ, đồng lúa và rừng cây. Một dòng suối óng ánh chạy quanh cho qua những sắc thái khác nhau của màu xanh, những đồng lúa chín vàng, những cánh rừng âm u và đồng cỏ sáng chói ánh nắng. Tiếng bánh xe xào xạo trên đường cái trước mặt tôi làm tôi bừng tỉnh, tôi thấy một chiếc xe chở nặng hàng hóa ì ạch leo lên đồi và ở đằng kia, không xa lắm, có hai con bò với người chăn. Cuộc sống và lao động của loài người ở gần ngay đây. Tôi phải tiếp tục phấn đấu, cố gắng mà sống, và chịu lao lung như mọi người khác.

Vào quãng hai giờ chiều, tôi bước vào làng. Cuối dãy phố duy nhất có một cửa hiệu nhỏ bầy vài cái bánh ở cửa sổ. Tôi thèm ăn một cái quá. Chỉ cần một chút bánh, có lẽ tôi sẽ lấy lại phần nào sức lực, không thì khó lòng mà đi được nữa. Tôi trở lại mong muốn có chút sức khỏe và nghị lực khi sống ở giữa đồng loại. Tôi cảm thấy gục xuống giữa đường cái trong một thôn xóm vì đói thì thực tồi tệ quá. Chẳng lẽ tôi không còn gì để đổi lấy một chiếc bánh kia sao? Tôi ngẫm nghĩ. Tôi còn một chiếc khăn lụa nhỏ quấn cổ, tôi còn đôi tất tay nữa. Tôi không rõ những người dù là đàn ông hay đàn bà, khi lâm bước đường cùng thì hành động ra sao. Tôi cũng chẳng biết liệu người ta có bằng lòng nhận đổi lấy những thứ đồ không? Có thể là không, nhưng tôi cứ phải thử xem đã.

Tôi bước vào cửa hiệu, có một người đàn bà ngồi đấy. Bà ta ra tiếp tôi một cách lịch sự, vì nhìn cách ăn mặc chững chạc của tôi chắc bà đoán tôi là một bà cao quý. Bà ta hỏi tôi muốn dùng gì? Tôi thẹn đến chín cả người, lưỡi cứng lại không nói ra được những câu đã chuẩn bị trước. Tôi không dám đề nghị đổi cái khăn nhàu nát và đôi tất tay đã sờn cũ, vả chẳng tôi thấy như thế cũng khó coi, nên tôi đã chỉ xin phép được ngồi nghỉ một chốc, vì tôi mệt. Thất vọng vì tôi không phải là khách mua hàng, bà lạnh nhạt đồng ý cho tôi ngồi nhờ. Bà chỉ có một cái ghế, tôi ngồi phịch xuống đó, tôi chỉ muốn khóc, nhưng biết khóc như thế cũng chẳng ra làm sao, nên tôi cố nén. Rồi tôi hỏi bà xem trong làng có ai may quần áo hay khâu thuê không?

- Có, độ hai, ba người, cùng vừa đủ số công việc.

Tôi suy nghĩ. Tôi bị dồn đến bước đường cùng, tôi đã đương đầu với sự thiếu thốn đây. Tôi đang ở trong hoàn cảnh một người tuyệt mọi nguồn sống, không bè bạn, không một xu nhỏ. Tôi phải làm một việc gì. Nhưng làm gì, phải hỏi chỗ khác xem sao. Nhưng biết hỏi nơi nào?

- Bà có biết nơi nào quanh đây cần người làm không?

- Không, tôi không biết.

- Thế ở đây dân cư sinh sống chủ yếu bằng nghề gì?

- Người thì làm ruộng, một số đông làm ở xưởng kim của ông Ôlivơ, hoặc ở lò nấu chì.

- Ông Ôlivơ có thuê đàn bà không?

- Không, đàn ông mới làm được việc.

- Thế đàn bà ở đây làm gì?

- Tôi chả biết. Người việc này, người việc nọ. Dân nghèo thì gặp việc gì mà chả phải làm.

Bà ta có vẻ chán ngấy những câu hỏi và quả thực tôi có quyền gì mà quấy rầy bà ta mãi? Có một hai người

- Đi xa à?

- Cũng không xa lắm, độ ba dặm thôi. Gia đình cho gọi ông ấy về vì thân phụ ông ấy mất. Bấy giờ ông ấy đang ở Mac En, chắc còn ở lại đến nửa tháng.

- Có bà nào ở trong nhà không?

- Chả có ai cả, chỉ có mình tôi là quản gia.

Thưa bạn đọc, tôi không thể xin bà ta một miếng ăn lót lòng cho qua cơn đói đang cào cấu, tôi vẫn chưa có thể ăn xin được, và tôi lại lê bước đi.

Một lần nữa, tôi lại bỏ cái khăn tay ra - một lần nữa tôi lại nghĩ đến những chiếc bánh trong cái cửa hiệu kia. Trời, giá được một tí cùi bánh, hay một miếng bánh thôi, để đánh lừa cái đói đang dằn vặt! Theo bản năng tôi lại quay mặt về phía làng, tôi lại thấy cái cửa hiệu, tôi bèn bước vào, và tuy ngoài người đàn bà lúc này còn có những người khác nữa, tôi cũng đánh liều hỏi:

- Bà đổi cho tôi một tấm bánh lấy cái khăn này nhé?

Bà ta nhìn tôi vẻ nghi ngờ rõ rệt.

- Tôi chẳng thấy ai mua bánh như thế bao giờ?

Gần tuyệt vọng, tôi đành xin đổi lấy một nửa cái bánh, bà ta vẫn từ chối, bảo:

- Nào tôi biết cô lấy cái khăn ấy ở đâu ra.

- Thế bà có lấy đôi tất tay này không?

- Không, lấy để làm gì?

Thưa bạn đọc, dừng lại lâu ở những chi tiết này thật chẳng thú vị gì, có người nói nhìn lại những kinh nghiệm đau đớn đã qua là một điều thích thú, nhưng đối với tôi ngày nay phải ôn lại những việc tôi vừa nhắc ở trên, tôi vẫn thấy khó chịu vô cùng, sự sa đọa về tinh thần hòa với nỗi đau đớn về thể xác làm thành một kỷ niệm chua xót chẳng bao giờ ta muốn nhớ tới làm gì. Tôi cũng không oán trách những người đã xua đuổi tôi. Tôi cho rằng đó là lẽ tự nhiên, không tránh được, một người ăn xin thường bị nghi ngờ, huống hồ một người ăn xin áo quần lành lặn thì bị nghi ngờ là lẽ tất nhiên. Đã hẳn là tôi chỉ xin công việc làm nhưng ai hơi đâu mà kiếm việc cho tôi? Huống chi họ mới gặp tôi lần đầu, chẳng hiểu thân thế tôi ra sao. Còn cái bà không muốn đổi bánh lấy khăn của tôi, bà ta cũng có lý, nếu thấy chuyện đổi chác có vẻ đáng ngại, hoặc chẳng lợi lộc gì. Bây giờ tôi xin phép kể vắn tắt, tôi cũng ngán chuyện ấy lắm rồi.

Một lát trước khi trời tối, tôi đi qua một cái trại ở trước cửa để ngỏ, người chủ trại đang ngồi ăn bữa chiều với bánh mì và pho mát. Tôi dừng lại và nói:

- Ông cho tôi xin một miếng được không? Tôi đói lắm.

Ông ta ngạc nhiên đưa mắt nhìn tôi, đoạn chẳng nói chẳng rằng, ông cắt một khúc bánh to đưa cho tôi. Tôi đoán ông ta cũng không nghĩ rằng tôi là một kẻ ăn mày, chỉ cho là một bà nào đó ưa lập dị, muốn ăn miếng bánh đen của ông ta xem sao. Vừa đi khuất ngôi nhà đó, tôi ngồi xuống ăn liền.

Không còn hy vọng tìm được chỗ trú, tôi đành phải tìm trong cánh rừng tôi vừa kể trên. Nhưng đêm hôm ấy, tôi thực khốn khổ, không ngủ được yên, đất thì ẩm, trời lại lạnh, ngoài ra luôn có người qua lại chỗ tôi, nên chốc chốc tôi lại phải đổi chỗ, không lúc nào có được cái cảm giác yên ổn và thư thái. Gần sáng, trời lại mưa, suốt ngày hôm sau, lúc nào cũng ẩm ướt. Bạn đọc, xin đừng hỏi tôi tỉ mỉ về những việc hôm ấy cũng như hôm trước tôi đi xin việc; cũng như hôm trước, tôi bị xua đuổi, và tôi cũng đói như hôm trước, chỉ có một lần tôi được một miếng vào bụng. Trước cửa một ngôi nhà tranh, tôi thấy một cô bé sắp đổ món canh bắp và đậu đã nguội vào máng cho lợn ăn. Tôi bèn hỏi:

- Cô cho tôi nhé!

Cô bé tròn mắt nhìn tôi kêu lên:

- Mẹ ơi! Có một người đàn bà xin con chỗ canh đây này?

Trong nhà có tiếng đáp:

- Cho người ta, nếu người ta là ăn mày. Lợn nó cũng chẳng cần đến.

Cô bé trút món ăn lầy nhầy ấy vào tay tôi, tôi ăn ngấu nghiến.

Khi bóng hoàng hôn ướt át buông xuống, tôi dừng lại trên con đường hiu quạnh dùng cho ngựa đi mà tôi đã lần theo từ hơn một tiếng đồng hồ rồi. "Sức mình kiệt quá mất rồi - tôi tự bảo - mình cảm thấy không tài nào đi được nữa, đêm nay mình lại vất vưởng nữa sao? Trời mưa thế này, mình phải úp mặt xuống đất ướt lạnh mà ngủ ư? Sợ rằng không thể làm khác được, vì ai là người chịu tiếp đón mình? Nhưng với cái cảm giác đói bụng mệt lả, lạnh lẽo, cô đơn, không một chút hy vọng, như thế thực là khủng khiếp. Vả chăng rất có thể là mình sẽ chết trước sáng mai, thế thì tại sao mình không yên tâm nhận lấy viễn cảnh của cái chết ấy? Tại sao cố vật lộn để níu lấy một cuộc sống vô nghĩa? Ấy là bởi mình biết, mình tin rằng ông Rôchextơ còn sống, vả chẳng chết đói chết rét là một số phận mà bản chất con người không thể nào cam chịu một cách thụ động. Ôi! Thượng đế, hãy nâng đỡ con thêm chút nữa! Hãy cứu giúp con, đưa đường chỉ lối cho con!".

Tôi đưa mắt thẫn thờ nhìn phong cảnh âm u dưới màn sương mờ mịt, tôi thấy tôi đã đi xa làng ấy rồi, bây giờ nó đã khuất rồi, và cả đến những thửa đất trồng trọt xung quanh nó cũng vậy. Một lần nữa, lần theo những đường hẻm lối tắt, tôi lại đến gần cánh đồng hoang, cũng cằn cỗi như những bụi thạch thảo, mà người ta đã nhổ đi ít nhiều.

"Thà mình chết ở chỗ kia còn hơn chết trong phố, hay trên một con đường có người qua lại", tôi suy nghĩ - "Thà cứ để xương thịt mình cho diều hâu hay quạ rỉa - nếu trong vùng này có quạ - còn hơn bị giam hãm trong một chiếc quan tài làm phúc, và rữa nát trong một cái hố chôn chung chạ".

Thế là tôi quay về phía ngọn đồi. Tôi đã đến nơi. Bây giờ chỉ còn việc tìm một hốc đá nào đó để nằm vào đó, và cảm thấy, nếu không được bảo đảm, thì ít nhất cũng là kín đáo, nhưng cả mặt đất trơ trụi, chỉ có những màu sắc khác nhau, chỗ có sậy và rêu trên đầm lầy thì màu xanh, chỗ đất khô chỉ có thạch thảo thì màu đen. Tuy trời đã choạng vạng tối, tôi cũng còn nhận thấy sự khác biệt này, chỉ qua những khoảng đậm nhạt khác nhau thôi, vì màu sắc thì đã biến cùng với ánh sáng ngày tàn.

Tôi còn đương đưa mắt nhìn ngọn đồi ảm đạm, lần theo bờ truông mờ dần trong cái khung cảnh hoang vu vô cùng ấy, thì chợt thấy một ánh sáng lóe lên ở một chỗ tối xa xa, giữa những gò đống và đầm lầy. "Đấy là ma trơi". Thoạt tiên tôi nghĩ thế, mà tôi đoán nó sẽ biến ngay. Nhưng nó cứ cháy, và đứng im một chỗ, không tiến không lùi. Tôi tự hỏi: "Thế thì là một ngọn lửa trại vừa nhóm chăng? Tôi nhìn xem nó có lan rộng ra không, nhưng không, chẳng thấy bé đi cũng chẳng thấy rõ ra. Lúc ấy tôi mới đoán:"Hay đó là một ngọn nến trong một ngôi nhà nào đấy - nhưng, nếu vậy, mình cũng chẳng bao giờ đến được đấy. Xa quá, mà cho dẫu chỉ cách đây một thước thôi, phỏng có ích gì? Mình sẽ gõ cửa để rồi người ta lại đóng sập vào mặt cho.

Và tôi ngã dụi ngay xuống chỗ tôi đang đứng, úp mặt xuống đất. Tôi nằm yên một lát, gió đêm lướt qua đồi; và qua mình tôi, rên rỉ tắt dần ở nơi xa xa, mưa rơi nặng hạt, làm tôi ướt sũng cả người. Giá tôi có thể cứng người ra trong cái giá lạnh yên ổn - sự tê dại dễ chịu của cái chết - thì mưa cứ việc đổ xuống, tôi sẽ chẳng cảm thấy gì nữa. Nhưng xác thịt tôi còn sống, cứ run lên bần bật vì mưa lạnh buốt. Tôi bèn đứng dậy.

Ngọn lửa vẫn ở chỗ cũ, qua màn mưa, nó sáng lờ mờ, nhưng vẫn đứng ngọn. Tôi cố gắng bước đi chậm chạp lê đôi chân rời rã đến chỗ ấy. Hướng theo nó, tôi leo chéo qua sườn đồi, qua một bãi lầy rộng mà về mùa đông hẳn là không lội qua được, vì ngay giữa mùa hè mà nó cũng lầy bùn. Chỗ này, tôi ngã đến hai lần, nhưng lần nào tôi cũng thu hết sức lực gượng đứng dậy. Ánh sáng kia là hy vọng cuối cùng của tôi, tôi phải đến kỳ được chỗ ấy.

Đi hết đầm lầy, tôi trông thấy một vệt trăng trắng trên cánh đồng hoang. Tôi lại gần, đó là một con đường hay một lối đi dẫn thẳng đến chỗ có ánh sáng, bây giờ tôi thấy nó chiếu ra từ một cái gò giữa một đám cây, xem chừng là những cây thông, căn cứ vào hình thù và cành lá tôi phân biệt được trong bóng tối. Khi tôi đến gần thì ngôi sao của tôi biến mất, có một vật chướng ngại nào đó chắn ngang. Tôi giơ tay ra sờ soạng cái đám đen ngòm trước mặt, tôi nhận ra đó là những tảng đá xù xì của một bức tường thấp, ở trên, có cái gì như hàng rào, và phía trong là một bờ giậu cao có gai. Tôi chập choạng tiến lên nữa. Lại thấy một vật trắng lờ mờ ở trước mặt, đó là một cái cổng - một cánh cửa nhỏ, khi tôi đụng vào nó thì nó quay trên bản lề. Mỗi bên có một bụi cây đen đen - cây ôrô hay thủy tùng gì đó.

Vào qua cổng và đi qua những bụi cây, tôi thấy bóng một ngôi nhà hiện lên trước mặt, đen ngòm, thấp và khá dài, nhưng ánh lửa dẫn đường lúc này thì không thấy đâu nữa. Tất cả đều tối đen. Những người trong nhà đã đi ngủ cả rồi chăng? Tôi sợ là như thế. Đi quanh ra góc nhà tìm cửa vào, tôi chợt lại thấy cái ánh sáng thân mật lóe lên, qua những ô kính hình quả trám của một cửa sổ nhỏ có chấn song hoa, cách mặt đất chừng một bộ, cửa sổ đã nhỏ mà lại bị cây trường xuân hay một loại cây leo nào đó che kín một phần, lá cây um tùm cũng che lấp cả một phần tường nhà ở chỗ ấy. Khuôn cửa đã hẹp, lại bị che khuất như vậy thành ra chẳng cần phải dùng đến màn hay mành cửa nữa, và khi tôi cúi xuống gạt đám cành lá lòa xòa phía trước, tôi có thể nhìn được mọi thứ ở trong nhà. Tôi thấy rõ một căn buồng lát gạch vuông, lau chùi sạch sẽ, một chiếc tủ gỗ đào hoa tâm, trên có xếp mấy hàng đĩa bằng thiếc, phản chiếu ánh lửa đỏ đang cháy rực rỡ. Tôi trông thấy một chiếc đồng hồ, một cái bàn gỗ trắng, vài chiếc ghế. Ngọn nến mà ánh sáng đã soi đường cho tôi lúc nãy, cháy ở trên bàn; dưới ánh nến, một bà có tuổi đang ngồi đan một chiếc bít tất, nom hình dáng hơi thô, nhưng thật là sạch sẽ, cũng như mọi vật chung quanh.

Tôi chỉ nhìn thoáng qua thôi - mọi thứ chẳng có gì đặc biệt. Đáng chú ý hơn là mấy người ngồi cạnh lò sưởi, yên lặng trong bầu không khí ấm áp, đỏ hồng ánh lửa, hai phụ nữ còn trẻ và duyên dáng - vẻ đài các về mọi mặt - một người ngồi trên ghế xích đu thấp, người kia trên một chiếc ghế đẩu thấp hơn. Cả hai đều bận tang phục bằng nhiễu và tréo go, bộ áo sẫm màu làm cho cái cổ và khuôn mặt trắng trẻo nổi bật hẳn lên. Một con chó săn già tựa cái đầu to kếch của nó lên gối một thiếu nữ, một con mèo đen nằm cuộn tròn trong lòng cô kia.

Những con người như thế mà lại ngồi trong cái bếp tầm thường này kể cũng lạ! Họ là ai? Họ không thể là con gái bà già ngồi ở bàn kia, vì bà ta trông quê mùa, m 5914 họ thì ra vẻ thanh lịch và có học. Tôi chưa gặp những bộ mặt này ở đây, tuy vậy, ngắm nhìn, tôi thấy hình như mình quen thuộc gần gũi với mỗi nét của từng người. Tôi không thể nói rằng họ đẹp, vì họ xanh xao và trang trọng quá. Họ đang cúi xuống đọc sách, cả hai người nom đều có vẻ trầm tư, gần như khắc khổ. Trên cái giá đó kê giữa họ có một ngọn nến thứ hai, và hai quyển sách lớn, hai người luôn luôn cầm đến cuốn sách này, hình như để so sánh đối chiếu với quyển sách nhỏ hơn họ đang cầm ở tay, giống như khi người ta tra tự điển để dịch. Cảnh tượng ấy lặng lẽ hết sức, thậm chí người ta tưởng họ chỉ là những cái bóng, còn căn buồng sáng ánh lửa chỉ là bức tranh, tĩnh mịch đến nỗi tôi nghe được cả tiếng tàn than rơi khỏi mạng lò và tiếng đồng hồ kêu tích tắc ở góc nhà, và tưởng chừng có thể phân biệt được cả tiếng kim đan của bà già va vào nhau lách tách. Vì vậy, sau cùng, khi có một câu nói phá vỡ bầu không khí im lặng kỳ lạ ấy, thì tôi nghe được khá rõ.

- Nghe này, Đyana - một trong hai cô sinh viên chăm chỉ ấy nói - Frăng và ông già Đanien cùng ngồi trong đêm tối và Frăng đang kể lại một giấc mộng làm anh ta kinh hoàng tỉnh dậy. - Nghe này! - Hạ thấp giọng, cô ta đọc một thứ tiếng gì mà tôi chẳng hiểu được một chữ nào, vì đó là tiếng ngoại quốc, không phải tiếng Pháp hay Latinh, còn có phải tiếng Hy Lạp hay Đức không thì tôi không rõ. Đọc xong cô nói:

- Hay thật - mình thích ghê lắm.

Cô kia ngẩng đầu lên nghe chị lẩm bẩm nhắc lại một câu, mắt đăm đăm nhìn ngọn lửa. Mãi sau này tôi mới biết tiếng và quyển sách đó là sách gì, vì vậy tôi cũng xin nhắc lại ở đây, tuy rằng mới nghe lần đầu tôi đã ù ù các cạc như vịt nghe sấm.

"Da trat hervor Einer, Anzusehen wie die Sternen Nacht". Hay thật! Hay thật! - Cô thốt lên, cặp mắt đen thẳm sáng long lanh - Đây là vị thượng đẳng thiên sứ sừng sừng hiện lên, oai nghiêm. Câu này thực bằng một trăm trang văn chương sáo rỗng. "Ich wage die Gedanken in der Schale meines Zornes und die Werke mit dem Gewichte meines Grimms". Mình thích lắm!

Cả hai lại yên lặng.

Lại có nước nào nói thứ tiếng như vậy? - Bà già đang ngồi đan ngẩng lên hỏi.

- Phải già Hanna ạ. Nước ấy lớn hơn nước Anh nhiều, ở đấy họ nói như vậy đấy.

- Thế thì họ hiểu nhau ra làm sao? Nếu một cô đến đấy thì cô cũng nói được tiếng họ nói chứ?

- Có lẽ chúng tôi cũng nói được ít nhiều tiếng họ, nhưng không nói được hết mọi điều, vì chúng tôi không giỏi như già tưởng đâu, già Hana ạ. Chúng tôi không nói tiếng Đức, và có đọc thì cũng phải dùng tự điển mới hiểu được.

- Biết thế thì có lợi gì không?

- Chúng tôi định rồi sẽ dạy tiếng Đức, hay ít ra cũng dạy vỡ lòng, để kiếm thêm tiền.

- Có thể được đấy. Nhưng bây giờ các cô đừng học nữa, tối nay học thế là đủ rồi.

- Phải đấy, với lại tôi cũng mệt. Chị thế nào, Mary?

- Mệt chết đi được. "Cày" một ngoại ngữ mà không có thầy, chỉ có độc một quyển từ điển, thì khổ vô cùng.

- Đúng đấy, nhất là với một thứ tiếng vừa khó lại vừa phong phú như cái tiếng Đức này. Chả hiểu đến bao giờ anh Xanh Jôn mới về?

- Chắc cũng sắp về, bây giờ đã mười giờ rồi (cô ta nhìn vào chiếc đồng hồ nhỏ bằng vàng, rút ở túi ra). Trời mưa mau đấy. Già Hanna, già ra xem qua hộ lò sưởi ở phòng khách đi.

- Bà già đứng dậy. Bà đã mở một cái cửa, qua đấy tôi trông thấy lờ mờ một hành lang, sau đó tôi nghe tiếng bà kều lửa ở buồng trong, rồi bà trở lại ngay.

- Gớm, các cô ạ - bà ta nói - tôi bước chân vào cái buồng đó mà cứ thấy thế nào ấy, vắng vẻ quá đi mất, cái ghế bành để chỏng trơ ở góc nhà.

Bà ta lấy tạp dề chùi mắt, vẻ mặt hai cô gái, lúc nãy trang nghiêm, bây giờ đượm buồn.

- Nhưng bây giờ ông đang ở một nơi tốt đẹp hơn - bà Hanna nói tiếp. Ta chẳng nên cầu mong ông trở lại đây làm gì, với lại mấy ai đã được chết nhẹ nhàng như ông.

Một cô hỏi:

- Già nói là ông không bao giờ nhắc đến chúng tôi à?

- Ông không kịp nhắc, cô ạ, chỉ độ một phút là ông đi ngay. Thấy ông chỉ hơi hơi khó ở một chút, giống hôm trước, nhưng cũng không có gì đáng chú ý, cậu Xanh Jôn hỏi ông có muốn cho gọi các cô về không thì ông chỉ cười, hôm sau ông cũng chỉ váng đầu - tức là cách đây nửa tháng - thế rồi ông đi ngủ và không dậy nữa. Khi anh các cô bước vào buồng thì ông đã lạnh cứng ra rồi. Trong số các cụ của dòng họ nhà thì ông là người cuối cùng; vì các cô và cậu Xanh Jôn đều khác hẳn các cụ, và giống mồ ma bà nhà ta nhiều hơn, mà cũng thông thái như thế. Cô Mary giống bà mẹ như tạc, còn cô Đyana thì giống ông hơn.

Tôi chỉ thấy họ giống nhau như lột, chả biết cái bà vú già (lúc này tôi đã đoán chắc bà là vú già) thấy họ khác nhau ở chỗ nào. Cả hai cô nước da đều trắng mịn, dáng người thanh tú, gương mạt có vẻ quý phái, thông minh. Đã hẳn là một cô sẫm màu hơn, và lối chải đầu của họ cũng khác nhau, những búp tóc màu gio của Mary rẽ sang hai bên và chải chuốt mượt mà, còn những búp tóc đen hơn của Đyana thì rủ lòa xòa xuống gáy.

Đồng hồ điểm mười tiếng. Già Hanna nhắc:

- Tôi chắc các cô đã thấy đói rồi chứ. Còn cậu Xanh Jôn thì lúc về, chắc cũng phải đói ngấu.

Bà ta đi dọn ăn. Hai cô thiếu nữ đứng dậy - hình như sắp lui vào phòng khách. Cho đến lúc ấy, tôi chỉ mê mải ngắm họ, diện mạo và chuyện trò của họ khiến tôi chăm chú đến nỗi gần quên bẵng tình trạng khốn đốn của mình, bây giờ thì tôi chợt nhớ lại, và do sự trái ngược, tôi cũng thấy hoàn cành mình đau khổ tuyệt vọng hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy thực hết sức vô lý, không thể nào làm cho những người ở nhà này quan tâm tới cảnh ngộ của tôi, làm cho họ tin rằng những thiếu thốn và khổ cực của tôi là có thực, khiến họ ban cho tôi một chỗ nghỉ ngơi trên đường lang thang phiêu bạt. Khi tôi lần ra đến cửa và rụt rè gõ, tôi có cảm tưởng rằng ý nghĩ sau cùng này của tôi chỉ là hão huyền thôi. Bà Hanna ra mở cửa:

- Cô muốn hỏi gì? - Bà ta hỏi, giọng ngạc nhiên trong khi ngắm nhìn tôi dưới ánh sáng ngọn nến cầm ở tay.

- Tôi muốn được thưa chuyện với các cô chủ - tôi nói.

- Định nói gì với các cô ấy, cô cứ nói với tôi thì hơn, cô ở đâu đến.

- Từ xa đến.

- Đêm hôm khuya khoắt thế này cô đến đây làm gì?

- Tôi muốn xin ngủ đỗ lại một đêm ở nhà xép hay ở đâu cũng được và muốn xin một miếng bánh ăn.

Vẻ hoài nghi - chính là điều tôi sợ nhất - hiện rõ trên mặt bà Hanna. Im lặng một lúc, bà ta nói:

- Tôi sẽ cho cô một miếng bánh, nhưng chúng tôi không thể để cho một người lang thang ngủ nhờ đâu, như thế không tiện.

- Bà cứ để tôi thưa chuyện với các cô chủ.

- Không, không được. Các cô ấy thì giúp gì được cho cô? Đáng lễ không được đi lang thang vào giờ này mới phải, như thế không tốt...

- Nhưng bà đuổi tôi thì tôi biết đi đâu? Tôi biết làm gì bây giờ?

- Ồ, tôi chắc rằng đi đâu, và làm gì thì cô thừa biết chứ. Chỉ nên nhớ đừng có làm bậy, có thế thôi! Cho cô một xu đây, bây giờ thì đi đi.

- Một xu thì tôi ăn gì được, tôi cũng chẳng còn đủ sức mà đi đâu nữa. Bà đừng đóng cửa lại, ồ lạy Chúa! Xin bà đừng đóng!

- Phải đóng chứ, mưa hắt vào nhà đây này.

- Bà nói hộ với các cô chủ, cho tôi gặp các cô ấy.

- Không được, tôi chẳng nói đâu. Cô không phải là người tử tế, chứ nếu không thì sao lại ầm ĩ lên như thế. Thôi đi.

- Nhưng đuổi tôi thì tôi chết mất.

- Cô mà chết khối! Tôi lo cô có mưu mô gì đây nên đêm hôm khuya khoắt mới lởn vởn ở gần nhà người ta như thế này. Nếu cô có dắt theo ai, trộm cắp hay đại loại như vậy thì hãy bảo cho họ biết rằng trong nhà không phải chỉ có mình chúng tôi đâu, mà còn có đàn ông, có nhiều chó và có cả súng nữa.

Nói đến đây người đầy tớ trung thực nhưng cương quyết đóng sập cửa lại và cài then.

Đến thế này là hết. Một nỗi đau đớn cực độ, tuyệt vọng cùng cực, giày vò, cấu xé tim tôi. Quả thực tôi đã kiệt lực, không tài nào nhấc bước đi được nữa. Tôi gục xuống bực cửa ẩm ướt, tôi rên rỉ, tôi vặn hai tay. tôi khóc lên, vô cùng đau đớn! Ôi! Bóng ma của thần chết, ôi! Cái giờ phút cuối cùng đang tới gần một cách khủng khiếp làm sao! Hỡi ôi! Bị cả giống người ruồng bỏ, cô đơn biết bao! Chẳng dám nói đến hy vọng, ngay nghị lực tôi bây giờ cũng không còn, ít nhất là trong lúc này. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng cố lấy lại bình tĩnh.

Tôi nói: "Chỉ còn có chết mà thôi, và ta tin ở Chúa. Ta hãy lặng lẽ đón chờ ý muốn của Người".

Câu này không phải tôi nghĩ, mà tôi thốt ra thành lời, và dìm sâu mọi nỗi khổ đau xuống đáy lòng tôi, tôi gắng buộc chúng phải nằm lặng lẽ câm nín ở trong đó.

- Mọi người đều phải chết - có tiếng nói ở ngay bên tôi. Nhưng không phải ai cũng bắt buộc phải chết dai dẳng và non yểu như cô, nếu cô chết ở đây vì đói.

- Ai, hay cái gì nói thế? - Tôi hỏi, kinh hoàng về câu nói bất ngờ, vì bây giờ tôi không còn trông mong vào đâu để được cứu giúp nữa. Một hình bóng xuất hiện ở bên tôi - hình bóng gì tôi không còn phân biệt được, vì đêm tối như mực và mắt tôi yếu không nhìn được rõ nữa. Người mới đến đập mạnh một lúc lâu vào cửa để gọi. Bà Hanna nói to:

- Cậu Xanh Hôn đấy à?

- Phải, phải, mở cửa ngay.

- Được. Đêm mưa gió thế này chắc cậu bị lạnh và ướt hết nhỉ. Cậu vào đi. Các cô ấy đang lo về cậu, mà tôi cho rằng quanh đây hiện đang có những của bất lương đấy. Vừa có một mụ ăn mày - mà kìa, nó chưa chịu đi! Nó vẫn nằm kia! Dậy đi! Thối thây chưa! Xéo ngay, đã bảo thế.

- Lặng im, già Hanna! Tôi muốn hỏi người đàn bà này vài câu. Già đuổi người ta là nhiệm vụ của già, bây giờ tôi cho người ta vào nhà là nhiệm vụ của tôi. Lúc này tôi đứng gần đây, nên nghe rõ cả tiếng hai người. Tôi chắc người này ở một cảnh ngộ đặc biệt, ít nhất tôi cũng phải xem qua. - Này cô gái, đứng dậy, và hãy bước vào trong nhà.

Tôi vâng lời ông ta một cách khó khăn. Lát sau tôi vừa đứng trong căn bếp sáng sủa sạch sẽ, ngay trước lò sưởi, run lẩy bẩy và kiệt sức, tôi hiểu mình đang ở trong tình trạng bi đát cùng cực, thân tàn ma dại, dầu mưa dãi nắng. Hai thiếu nữ, người anh là Xanh Jôn, và người vú già đều nhìn tôi chằm chặp. Tôi nghe một người hỏi:

- Ai đấy, anh Xanh Jôn?

- Tôi không biết. Tôi thấy cô ta ở cửa.

- Nom cô ta nhợt nhạt quá! - Bà Hanna nói.

Có tiếng đáp:

- Trắng bệch như chết trôi hay như đất sét ấy. Cô ta ngã mất. Cho cô ấy ngồi xuống.

Mà thực thế, đầu óc tôi quay cuồng. Tôi khuỵu xuống nhưng có một cái ghế đón lấy tôi. Tôi hãy còn tri giác, có điều là không sao nói được.

- Có lẽ cho uống một chút nước thì tỉnh ngay. Già Hanna, lấy hộ chút nước. Nom cô ta tiều tụy quá thế. Gầy quá. như thể hết cả máu.

- Như một cái bóng ma ấy...

- Cô ta ốm hay chỉ đói thôi?

- Chắc là đói. Già Hanna, có phải sữa đây không? Đưa cho tôi, với một miếng bánh mì nữa.

Đyana (tôi biết là cô ta, vì tôi trông thấy những búp tóc dài rủ xuống giữa tôi và ngọn lửa khi cô cúi xuống tôi) bẻ một tí bánh, nhúng vào sữa và đưa lên miệng tôi. Mặt cô ghé sát mặt tôi, tôi thấy gương mặt cô có vẻ thương hại, và tôi cảm thấy cô thở dồn dập ra chiều thông cảm:

- Cô ăn đi! - Câu nói đơn giản ấy của cô cũng thấm đượm tình thương như một lời an ủi.

- Ừ, cô ăn đi! - Mary dịu dàng nhắc lại, đưa tay nhấc chiếc mũ sũng nước của tôi và nâng đầu tôi lên. Tôi nhấm nháp thức ăn họ đưa cho, lúc đầu còn từ từ, rồi sau ăn ngấu nghiến.

- Thôi, hãy giữ lại đã, - người anh nói. - Lúc đầu đừng cho ăn nhiều quá. Cô ấy ăn là đủ rồi. - Ông ta nhấc chén sữa và đĩa bánh ra.

- Thêm chút nữa, anh Xanh Jôn ạ, nhìn mắt cô ta vẫn có vẻ còn thèm lắm.

- Đừng cho ăn thêm bây giờ, em ạ. Thử xem cô ta đã nói được chưa, hỏi tên cô ta là gì?

Tôi cảm thấy mình có thể nói được rồi và trả lời:

- Tôi tên là Jên Êliôt.

Tôi vẫn lo bị lộ tung tích nên đã định từ trước lấy cái tên giả này.

- Thế cô ở đâu? Người thân thuộc cô ở đâu?

Tôi yên lặng.

- Chúng tôi có thể nhắn tìm người nào quen biết cô không?

Tôi lắc đầu.

- Cô có thể cho biết về cô được không?

Không rõ tại sao bây giờ, một khi bước qua ngưỡng cửa cái nhà này, và đã đối diện với những người trong nhà, tôi không còn cảm thấy mình là kẻ lang thang lạc lõng, bị cả cõi thế gian rộng lớn xua đuổi nữa. Tôi đã dám trút bỏ cái bộ dạng ăn xin mà lấy lại tính tình và cử chỉ tự nhiên của mình. Một lần nữa tôi bắt đầu tỉnh trí lại; và khi ông Xanh Jôn hỏi chuyện tôi - lúc ấy tôi không còn đủ hơi sức mà kể - thì tôi lặng yên một lát rồi nói:

- Thưa ông, tối nay thì tôi chưa thể nói tỉ mỉ được.

- Nhưng như vậy thì cô muốn chúng tôi giúp cô điều gì?

- Không xin giúp gì cả - tôi chỉ còn đủ sức trả lời những câu vắn tắt.

Đyana lên tiếng:

- Cô định nói là chỉ cần chúng tôi giúp có thế này thôi phải không? Rồi lại để mặc cô lang thang ngoài đồng trong lúc đêm hôm mưa gió ư?

Tôi nhìn cô và chú ý khuôn mặt cô, một khuôn mặt vừa có vẻ cương nghị lại vừa nhân từ. Tôi bỗng có can đảm và đáp lại cái nhìn thông cảm của cô, tôi mỉm cười nói:

- Tôi tin ở các cô. Nếu tôi là một con chó lạc chủ, lang thang, tôi biết các cô cũng sẽ chẳng nỡ đuổi tôi ra, không cho tôi được sưởi lửa đêm nay ở đây. Vậy nên, thực tình tôi chẳng sợ hãi gì cả. Các cô muốn đối xử thế nào hay muốn làm gì tôi tùy ý. Nhưng bây giờ xin hãy cho phép tôi khỏi phải nói nhiều. Tôi hết cả hơi, mỗi khi nói, tôi thấy đau giần giật trong người.

Cả ba người nhìn tôi chằm chặp và cả ba đều im lặng. Sau cùng ông Xanh Jôn nói:

- Già Hanna, bây giờ hãy để cô ấy ngồi đây, đừng hỏi han gì cả. Mười phút nữa hãy đưa chỗ sữa và bánh còn lại cho cô ấy ăn nốt. Đyana, Mary, chúng ta sang phòng khách bàn về chuyện này.

Họ lui ra. Chỉ lát sau đã thấy một cô trở lại, không rõ là cô nào. Một cảm giác tê dại khoan khoái thấm vào người tôi khi tôi ngồi bên lửa ấm. Cô thì thầm dặn dò bà Hanna mấy câu. Được người vú già đỡ bên, tôi cố gắng leo lên cầu thang. Quần áo ướt đẫm của tôi được thay ra, và tôi được đặt vào một cái giường khô ráo, ấm áp. Tôi cảm tạ Chúa. Lòng rộn ràng sung sướng và biết ơn giữa lúc người tôi còn mệt lả rồi tôi ngủ thiếp đi.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86023


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận