Jên Erơ Chương 30


Chương 30
Càng hiểu biết rõ những người ở Mua Haodơ, tôi càng thêm mến họ.

Chỉ vài hôm sau, tôi đã lấy lại được sức khỏe đến có thể ngồi cả ngày được và đôi khi còn đi ra ngoài chơi nữa. Tôi có thể làm mọi việc với Đyana và Mary, chuyện trò với họ lâu bao nhiêu cũng được và giúp đỡ họ trong bất cứ việc gì và khi nào họ bằng lòng. Một niềm vui phấn khích tôi trong sự giao thiệp đó, một niềm vui tôi được hưởng lần đầu, do sự hoàn toàn giống nhau về sở thích, tính tình, và nguyên tắc đạo đức.

Tôi ưa đọc những sách họ ưa đọc, họ thích cái gì, tôi cũng thích cái ấy, những gì họ tán thành thì tôi cũng ca tụng. Họ yêu mến ngôi nhà hẻo lánh của họ, và tôi cũng vậy. Tôi cũng thấy một sức hấp dẫn mạnh mẽ, bền chặt trong ngôi nhà nhỏ màu xám và cổ lỗ ấy, với mái nhà thấp lè tè, những ô cửa sổ chấn song hoa, những bức tường loang lở, với hai hàng cây phong cổ thụ cùng mọc ngả về một phía theo hướng gió núi thổi về, với mảnh vườn âm u bóng cây ô rô và thủy tùng, mà ở đây, chỉ có những loại hoa cứng cáp nhất mới nở được. Họ tha thiết với những cánh đồng hoang đỏ sẫm bao quanh ngôi nhà với cái thung lũng sâu, từ cổng nhà đi xuống đó có một lối đi ngựa, gập ghềnh sỏi đá, lượn ngoằn ngoèo, thoạt tiên là giữa những lùm cây dương sỉ, rồi qua vài đồng cỏ hẹp hoang dại nhất viền quanh một vũng thạch thảo, những đồng cỏ ấy cung cấp thức ăn rêu bám đầy đầu. Họ tha thiết với khung cảnh này, tôi có thể nói là với một nhiệt tình gắn bó say sưa. Tôi hiểu tình cảm ấy, tôi cũng chia sẻ nó mạnh mẽ và thân thực như họ. Tôi thấy nơi này thật là hấp dẫn, tôi cảm thấy cái thiêng liêng của sự hiu quạnh ở đây. Mắt tôi ưa ngắm những đường nét nhấp nhô, những màu sắc man rợ phủ trên đồi núi, vì rêu, vì hoa bìm bìm, vì những bụi cây dương sỉ điểm hoa tươi sáng và những hốc đá hoa cương dịu màu. Các chi tiết này đối với tôi cũng hệt như đối với họ, nó là nguồn gốc của bao niềm vui sướng thuần khiết, êm đềm. Những cơn dông bão và những làn gió nhẹ, ngày mưa rét cũng như ngày mát mẻ, lúc bình minh và buổi hoàng hôn, đêm trăng sáng cũng như đêm mây mờ, những cái ấy ở nơi đây đều có sức cám dỗ đối với tôi hệt như đối với họ, cũng mê hoặc cảm quan của tôi như đã khiến cho họ phải say đắm.

Ở trong nhà, chúng tôi cũng rất tâm đầu ý hợp. Họ đều có nhiều khả năng và đọc nhiều hơn tôi, nhưng tôi hăng hái bước theo con đường học vấn mà họ đã đi trước. Tôi đọc ngấu nghiến những cuốn sách họ cho mượn, để rồi đến tối lại sung sướng thảo luận với họ về những điều đã nghiền ngẫm ban ngày. Tư tưởng quan điểm của chúng tôi gặp nhau, tóm lại chúng tôi rất hợp.

Nếu trong bộ ba chúng tôi, có một người bề trên, một người lãnh đạo, thì đó chính là Đyana. Về mặt thể chất, cô ta hơn tôi nhiều, vừa đẹp, vừa khỏe mạnh. Tính khí cô có một sinh lực, một sự vững chắc vừa khiến tôi ngạc nhiên, vừa vượt quá khả năng hiểu biết của tôi. Mỗi buổi tối, mới đầu tôi còn góp chuyện được, nhưng rồi nguồn sôi nổi, cái liến láu lúc đầu cạn đi, tôi đành chỉ ngồi trên ghế đẩu bên chân Đyana, ngả đầu lên đùi cô, để hết nghe cô lại nghe Mary nói, trong khi họ đào sâu những vấn đề mà tôi chỉ đề cập tới được qua quýt thôi. Đyana ngỏ ý muốn dạy tôi học tiếng Đức. Tôi rất thích học cô, tôi thấy vai trò cô giáo hợp với cô và cô ưng ý mà vai học trò cũng hợp với tôi và tôi cũng ưng ý không kém. Tính tình chúng tôi bổ sung cho nhau, kết quả là chúng tôi trở nên thân thiết. Họ khám phá ra là tôi biết vẽ, thế là họ đưa ngay cho tôi dùng bút và hộp thuốc vẽ của họ. Tài khéo léo của tôi chỉ hơn được họ ở mỗi điểm này, khiến họ ngạc nhiên và thích thú. Mary thường ngồi xem tôi vẽ hàng giờ, rồi cô cũng muốn học, và trở thành một người học trò dễ bảo thông minh, chăm chỉ. Cứ bận rộn như thế, vui chơi với nhau như thế, nên đối với chúng tôi ngày giờ trôi qua rất nhanh.

Riêng đối với ông Xanh Jôn thì cái tình thân mật nảy nở nhanh chóng và tự nhiên giữa tôi với các cô em ông lại không loan được đến ông. Một lý do của sự xa cách giữa chúng tôi ấy, là ít khi ông có mặt ở nhà. Hình như ông dùng phần lớn thời giờ vào việc chăm nom các người nghèo khổ, đau ốm trong số dân cư tản mát trong xứ đạo của ông.

Thời tiết thế nào hình như cũng không ngăn cản được ông đi thăm viếng các con chiên, trời mưa hay tạnh cũng vậy, cứ xong giờ xem xách buổi sáng, là ông chụp mũ ra đi, có Caclô, con chó săn già của cha để lại, chạy theo sau. Ông đi làm sứ mệnh vì tình thương hay vì nhiệm vụ, tôi cũng không rõ hẳn quan niệm của ông ra sao. Đôi khi, hôm nào trời rất xấu, các cô em can ngăn ông, thì ông thường nói, với một nụ cười kỳ lạ, trang trọng nhiều hơn là vui vẻ:

- Nếu anh để một luồng gió hay một hạt mưa ngăn cản anh làm những nhiệm vụ dễ dàng đó, thì sự chuẩn bị cho cái tương lai anh đã dự định cho mình sẽ như thế nào?

Câu trả lời của Đyana và Mary thường là một tiếng thở dài, và vài phút ra vẻ đăm chiêu buồn bã.

Nhưng ngoài sự ông hay vắng mặt, còn một chướng ngại khác ngăn trở tình thân giữa tôi và ông, tính tình ông hình như dè dặt, hững hờ, ít cởi mở. Tuy hăng say làm nhiệm vụ của người tu hành, và tuy rất đúng mực trong đời sống và mọi thói quen, hình như ông vẫn không có được thư thái của tâm hồn, sự hài lòng về mình, vốn là phần thưởng cho mọi người tín đồ Cơ đốc chân thành, cho mọi người chân tâm bác ái. Nhiều buổi tối, khi ngồi bên cửa sổ, ở bàn làm việc với giấy tờ trước mặt, ông thường ngừng đọc hoặc viết, tay chống cằm, thả tâm hồn theo dòng suy tưởng nào đó mà tôi không biết, nhưng cứ nhìn cái ánh sáng luôn luôn tóe lên trong mắt ông lúc mở to lúc lim dim, thì có thể đoán dòng ý nghĩ kia hẳn là rối ren sôi nổi.

Tôi còn nghĩ rằng đối với ông, thiên nhiên không phải là cái kho thú vị như đối với các cô em ông. Chỉ có một lần, chỉ một lần thôi, tôi được nghe ông bày tỏ một tình cảm mạnh mẽ đối với vẻ đẹp hoang dại của đồi núi, và một sự gắn bó bẩm sinh với cái mái nhà u ám và những bức tường rêu phong mà ông gọi là tổ ấm của ông. Nhưng trong giọng nói, trong lời lẽ ông dùng để biểu lộ tình cảm ấy vẫn có một cái gì buồn bã hơn là vui thích. Và hình như chẳng bao giờ ông đi lang thang trên cánh đồng hoang để được tận hưởng cái lặng lẽ êm dịu của nó, chẳng bao giờ ông khám phá hoặc thưởng thức muôn ngàn lạc thú thanh bình nó có thể đem lại.

Ông ít cởi mở như thế nên phải mất một thời gian, tôi mới có dịp để tìm hiểu tâm hồn ông. Lần đầu tiên tôi có một ý niệm về giá trị ông là khi được nghe ông thuyết giáo tại nhà thờ Mortơn. Ước gì tôi có thể mô tả buổi thuyết giáo ấy, nhưng điều đó vượt quá khả năng của tôi. Ngay sự nó tác động đến tôi thế nào, tôi cũng không thể diễn đạt lại trung thực đầy đủ được.

Mở đầu ông nói bình thản - mà thực ra cách nói cũng như giọng nói của ông từ đầu đến cuối vẫn bình thản. Song không mấy chốc một nhiệt tình chân thành, nhưng bị kiềm chế, đã biểu lộ trong cách phát âm rõ ràng, và bốc dần ngôn ngữ của nhà thuyết giáo, dần dần nó trở thành một sức mạnh dồn ép, cô đọng, có kiểm soát. Lời ông có mã hàng hóa lực khiến trái tim người nghe rung động, trí tuệ phải ngạc nhiên, nhưng cả hai đều không được hưởng sự êm đềm thư thái, toàn bộ bài nói để toát ra một sự chua xót lạ lùng, thiếu hẳn niềm dịu dàng an ủi, nhiều ám chỉ đến những giáo lý của giáo phái Canvin, nào là sự hoàn thiện, nào là phúc tội tiền định, nào hình phạt vĩnh thế, và mỗi câu nói về những điều đó đều nghe như một mệnh lệnh phán quyết. Khi ông thuyết giáo xong, đáng lẽ phải cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, yên ổn hơn, xán lạn hơn, thì tôi chỉ thấy một nỗi buồn thấm thía khó tả. Đối với tôi (tôi không rõ người khác có cảm thấy thế không), hình như những lời lẽ hùng hồn tôi được nghe kia đã trào ra từ một nơi sâu thẳm mà ở đó sự bất như ý để lại những cặn bã đục ngầu, ở đó quằn quại những kích động của bao ước vọng không thỏa mãn và bao khát khao sôi nổi. Tôi dám chắc Xanh Jôn - tuy thực là một người nhiệt tâm cần mẫn, sống trong sạch - đã không tìm thấy sự yên tĩnh của Chúa, nó vượt quá mọi sự lĩnh hội, tôi nghĩ ông đã không tìm thấy được sự yên tĩnh đó, cũng như tôi, với niềm tiếc hận âm thầm, day dứt vì nỗi thần tượng của tôi đã vỡ nát và thiên đàng của tôi đã tan biến, niềm tiếc hận mà gần đây tôi tránh không nhắc tới, nhưng lúc nào nó cũng ám ảnh, hành hạ tôi tàn tệ.

Rồi một tháng qua đi. Sắp đến ngày Đyana và Mary rời khỏi Mua Haodơ để trở lại cuộc sống và những khung cảnh khác xa đang chờ họ, với tư cách những cô giáo dạy trẻ tại một thành phố lớn có tiếng thuộc miền nam nước Anh, trong những gia đình mà những người quyền quý hợm hĩnh chỉ coi họ như những kẻ bề dưới tăm tối, không thèm biết đến những đức tính cao quý bẩm sinh của họ, và chỉ đánh giá tài năng của họ như đánh giá tài khéo léo của chị làm bếp hoặc khiếu thưởng thức của chị hầu phòng. Ông Xanh Jôn vẫn chưa nói gì với tôi về công việc ông tìm hộ tôi, thế mà bây giờ đã gấp lắm rồi, tôi cần phải có ngay một công việc gì đó. Một buổi sáng, nhân ngồi một mình với ông ít phút trong phòng khách, tôi đánh bạo lại gần chỗ cửa sổ được coi như một thứ phòng làm việc của ông, vì có kê bàn ghế và bàn viết. Tôi sắp hé miệng nói, tuy cũng chẳng biết rõ lắm là mình nên ngỏ ý thế nào cho tiện - vì bao giờ cũng vậy, khó phá vỡ được lớp băng dè dặt bao phủ những tâm hồn như ông - nhưng ông đã giúp tôi khỏi bối rối, vì chính ông mở đầu câu chuyện.

Lúc tôi bước lại gần, ông ngẩng lên nhìn:

- Cô có chuyện gì muốn hỏi tôi phải không? - ông nói.

- Vâng, tôi muốn được biết ông đã nghe nói có công việc nào mà tôi có thể đương nổi không ạ?

- Có, tôi đã tìm thấy, hay nói đúng hơn đã nghĩ ra được một công việc cho cô từ ba tuần nay, nhưng vì thấy cô có vẻ sung sướng và hữu ích ở đây - vì các em tôi đều tỏ vẻ gắn bó với cô, và sự chung sống với cô làm cho các cô ấy vui vẻ khác thường - nên tôi cho là chưa tiện đảo lộn cuộc sống êm đềm của các cô, và nên chờ đến khi các em tôi sắp rời Mac En, lúc đó cô mới cần phải đi.

- Ba ngày nữa các cô ấy đi, phải không ạ?

- Vâng, các em tôi đi rồi thì tôi cũng trở về xứ đạo Mortơn. Già Hanna đi theo tôi, ngôi nhà cổ này sẽ khóa trái lại.

Tôi đợi một lát, chờ ông trở lại vấn đề bàn tới lúc đầu, nhưng ông có vẻ lại chìm vào một dòng suy tưởng khác. Ánh mắt ông tỏ rằng ông đã quên tôi lẫn công việc của tôi. Tôi bắt buộc phải kéo ông trở lại một vấn đề thiết thân và rất cần cho tôi.

- Ông đã dự tính công việc gì cho tôi thế, thưa ông Rivơ? Tôi mong rằng sự trì hoãn đó sẽ không gây ra khó khăn khiến tôi không được làm việc ấy.

- À, không đâu, vì công việc ấy là tùy ở tôi để cô làm hay không và tùy ở cô có nhận hay không.

Ông lại yên lặng, hình như ông khó chịu không muốn nói tiếp. Tôi sốt ruột quá, tôi có một hai cử chỉ nóng nẩy, và mắt tôi cứ nhìn chằm chằm vào mặt ông; vẻ thiết tha, đòi hỏi, khiến ông hiểu rõ ý tôi chẳng khác gì tôi nói nên lời, nên tôi khỏi phải tốn công hỏi.

- Cô chẳng cần vội biết làm gì - ông nói. Để nói thực với cô, tôi không giúp cô được việc gì có lợi lắm đâu. Trước khi tôi trình bày, xin cô hãy nhớ lại rằng tôi vẫn nói là nếu giúp đỡ cô thì cũng như người mù giúp đỡ người què thôi. Tôi nghèo, tôi đã nhận ra rằng sau khi trả hết các món nợ cho cha tôi, tất cả gia tài còn lại cho tôi chỉ là kho chứa mục nát này, rặng cây phong xơ xác sau nhà, và mảnh đất hoang dại, cùng vài cây thủy tùng, vài bụi ô rô đằng trước. Tôi sống tối tăm, Rivơ là tên một dòng họ lâu đời, nhưng trong số ba người còn sót lại của dòng họ ấy, thì hai người đã phải đi tha phương cầu thực, còn người thứ ba thì vẫn tự coi là kẻ xa lạ với nơi cần chôn rau cắt rốn của mình - xa lạ chẳng những khi sống, mà cả sau khi chết nữa. Phải, tôi vẫn coi và bắt buộc phải coi đó là vinh dự cho mình, và chỉ khát khao đợi ngày được từ bỏ thể xác, với cây thánh giá đặt trên vai, tức là khi vị Chưởng giáo của tôn phái mà tôi là một môn đồ thấp hèn nhất ra lệnh: "Hãy đứng lên, theo ta!"

Xanh Jôn nói những lời ấy bằng một giọng bình thản, trầm trầm, hệt như lúc ông thuyết giáo, gò má không ửng đỏ, song cặp mắt rất ngời sáng. Ông nói tiếp:

- Và vì lẽ nghèo, tôi không có quyền thế, nên tôi chỉ có thể giúp cho cô một công việc cũng tầm thường mà thôi. Có khi cô còn cho là hèn kém nữa - vì nay tôi đã thấy cô có những thói quen mà người đời thường gọi là phong nhã. Cô có những sở thích nghiêng về lý tưởng, và cô đã sống trong một xã hội ít nhất cũng gồm toàn những người có học thức - nhưng tôi nghĩ rằng không có việc gì là hèn kém, nếu nó giúp ích được cho đồng loại. Tôi cho rằng mảnh đất mà người lao công của Chúa được giao cho cày bừa càng khô cằn, càng khó trồng trọt, phần thưởng cho công sức càng đơn bạc, thì vinh dự lại càng cao. Số phận của người ấy, trong hoàn cảnh như vậy, là số phận của những người lính tiền phong, và những người lính tiền phong trong kinh Phúc âm chính là các thánh tông đồ, mà người chỉ huy chính là Giêxu, Chúa Cứu thế.

Ông ngừng lời một lần nữa, tôi lại giục:

- Vâng, xin ông cứ nói tiếp:

Trước khi nói, ông nhìn tôi. Quả thực, lúc ấy ông như muốn đọc kỹ những ý nghĩ trên mặt tôi, dường như mỗi nét mặt là những chữ trên trang giấy, ông biểu lộ một phần những kết luận rút ra sự quan sát ấy trong những nhận xét sau:

- Tôi tin rằng cô sẽ nhận công việc mà tôi trao cho cô, và sẽ làm việc đó trong một thời gian ngắn, chứ không phải mãi mãi, cũng như tôi không thể cứ mãi mãi giữ cái chân cai quản một xứ đạo nơi thôn quê nước Anh này, một việc bình thường, tối tăm nhỏ bé, và làm cho người ta cũng trở thành nhỏ bé đi, bởi vì bản chất cô là hiếu động cũng như tôi, tuy hiếu động một cách khác nhau.

- Xin ông cứ nói rõ - Thấy ông lại ngừng một lần nữa tôi giục.

- Tôi xin nói rõ, và cô sẽ thấy cái công việc tôi tìm cho cô tầm thường như thế nào, nhỏ bé như thế nào. Tôi sẽ không ở Mortơn lâu, vì bây giờ cha tôi đã mất, và tôi có thể tự quyết định được. Tôi sẽ từ giã nơi này có lẽ trong vòng mười hai tháng tới, nhưng trong khi tôi còn ở đây, tôi đem hết sức ra để cải thiện nơi này. Hai năm trước đây, hồi tôi mới đến, Mortơn chưa có một trường học nào, con nhà nghèo hoàn toàn không có hy vọng gì tiến bộ. Tôi đã lập một trường cho các em trai, bây giờ tôi định mở một trường khác cho các em gái. Tôi đã thuê được một tòa nhà để dùng vào việc ấy, và một căn nhà nhỏ hai buồng ngay sát cạnh để làm chỗ cho cô giáo. Lương sẽ là ba mươi bảng một năm. Cô Ôlivơ đã có lòng tốt sắm đồ đạc cho ngôi nhà ấy, tuy giản dị thôi nhưng cũng tạm đủ tiện nghi. Cô là con gái độc nhất của một nhà giàu độc nhất trong xứ đạo của tôi, ông Ôlivơ, chủ nhân xí nghiệp làm kim và lò đúc sắt dưới thung lũng. Cũng chính cô Ôlivơ, sẽ trả tiền ăn học và tiền may mặc cho một em mồ côi, chỉ yêu cầu em này giúp cô giáo những việc vặt ở nhà riêng và ở trường, mà cô giáo vì bận dạy học mà không làm được. Vậy cô có bằng lòng làm cô giáo không?

Ông đặt câu hỏi một cách hơi vội vã, dường như ông có phần ngại ngùng tôi phật ý hoặc ít nhất cũng khinh bỉ từ chối, vì ông không hiểu hết tư tưởng và tình cảm của tôi, tuy có đoán được vài điều, nên ông không thể biết tôi coi công việc ấy như thế nào. Kể ra nó cũng tầm thường thật, nhưng cũng là một chỗ trú chân, mà tôi lại đang cần đến một chỗ chắc chắn. Nó cũng vất vả, nhưng so với địa vị cô giáo dạy tư trong một gia đình giàu có, thì được cái mình không bị phụ thuộc vào ai, và nghĩ tới cảnh phải phục dịch những người xa lạ tôi thấy sợ hãi như sợ sắt nung đỏ. Công việc ấy không xấu xa, cũng không phải là không xứng đáng, nó chẳng đến nỗi hèn kém gì về mặt tinh thần. Thế là tôi quyết định.

- Thưa ông Rivơ, tôi xin cảm ơn ông đã giúp đỡ tôi, tôi rất vui lòng được nhận công việc ấy.

Nhưng cô đã hiểu rõ lời tôi chưa? Đó là một trường học trong làng, học trò của cô toàn là con nhà nghèo, con nông dân, hay cùng lắm là con chủ trại thôi. Cô sẽ phải dạy đan, dạy khâu vá, dạy đọc, viết, làm tính, vậy những sở năng của cô sẽ dùng vào việc gì? Phần quan trọng nhất của tâm hồn cô - những tình cảm, thị hiếu - sẽ dùng vào việc gì?

- Cứ để đợi tới khi nào cần đến, nó cũng không mai một đi đâu?

- Như vậy là cô hiểu rõ công việc cô nhận làm?

- Tôi hiểu.

Bây giờ ông mới mỉm cười, không phải là một nụ cười chua chát hay rầu rĩ, nhưng là nụ cười hết sức thỏa mãn và biết ơn sâu sắc.

- Thế bao giờ cô bắt đầu vào nhiệm vụ?

- Mai tôi sẽ sang ở nhà mới, và nếu ông muốn thì tuần sau sẽ khai giảng.

- Được lắm, thế là ổn.

Ông đứng dậy, đi ngang qua phòng. Rồi chợt dừng lại, ông ngoảnh nhìn tôi lắc đầu. Tôi hỏi:

- Có điều gì ông chưa ưng ý, thưa ông Rivơ?

- Cô sẽ không ở Mortơn lâu đâu!

- Sao? Vì lẽ gì ông lại nói thế!

- Tôi đọc thấy điều ấy trong mắt cô. Nó nói lên rằng cô không chịu sống mãi một cuộc đời phẳng lặng được.

- Tôi có tham vọng gì đâu?

Nghe tiếng "tham vọng" ông giật mình, ông nhắc lại:

- Không, sao cô lại nghĩ đến tham vọng? Ai có tham vọng? Tôi biết là tôi có đấy, nhưng làm sao cô thấy được nhỉ?

- Tôi nói về tôi đấy chứ.

- À, nếu cô không có tham vọng thì cô... Ông ngừng lại

- Sao kia ạ?

- Tôi muốn nói, là người có tâm hồn say đắm, nhưng có lẽ cô hiểu lầm chữ ấy mà phật ý chăng. Tôi chỉ muốn nói là những tình cảm yêu mến và thiện cảm của con người chi phối cô rất mạnh. Tôi chắc rằng cô không thể bằng lòng để cho thì giờ nhàn rỗi trôi qua trong sự cô độc được lâu, và không thể hiện hết thảy những giờ lao động của cô cho công việc đơn điệu, hoàn toàn không có gì hứng khởi, cũng như tôi chẳng chịu được - rồi ông thêm, giọng kiểu cách - sống chôn vùi mãi trong những cánh đồng lầy ở đây, giam thân trong những dãy núi này. Bản chất tôi, mà Thượng đế đã ban cho tôi, chống lại sự đó, những khả năng thiên phú của tôi bị tê liệt đi ở đây, trở thành vô dụng. Bây giờ cô thấy tôi tự mâu thuẫn với tôi như thế nào, tôi là người thuyết rằng phải an tâm với số phận tăm tối của mình, và ca tụng thiên chức của người thợ xẻ, người gánh nước, để phụng sự Chúa, thế mà tôi, sứ giả của Người, tôi giãy giụa đến gần như phát rồ phát dại. Nhưng được rồi, thiên hướng và nguyên tắc rồi cũng phải được hòa hợp với nhau bằng cách này hay cách khác.

Ông rời khỏi buồng. Chỉ trong một giờ ngắn ngủi ấy, tôi đã hiểu biết ông hơn suốt cả một tháng trước, tuy thế ông vẫn còn làm tôi băn khoăn.

Càng gần ngày phải xa nhà và xa anh ruột, Đyana và Mary càng âm thầm rầu rĩ. Họ cố làm ra vẻ bình thường, nhưng vẫn không che giấu hoặc khắc phục được hoàn toàn nỗi đau buồn mà họ đang phải chế ngự. Đyana cho biết là cuộc chia tay này khác hẳn các lần trước, có lẽ họ phải xa Xanh Jôn trong nhiều năm, có khi cả đời cũng nên. Cô nói:

- Anh ấy sẽ hy sinh tất cả tình thương yêu và những tình cảm khác mãnh liệt hơn cho một dự định ôm ấp từ lâu. Trông bề ngoài, Jên ạ, Xanh Jôn có vẻ bình thản, nhưng thực ra anh ấy che giấu một tâm hồn cuồng nhiệt. Có thể cô cho là tính tình anh ấy khoan hòa, nhưng về một số điểm, anh ấy lại khắc nghiệt đến chết đi được, khổ nhất một nỗi là lương tâm tôi cũng khó cho phép tôi can ngăn anh ấy thực hiện dự định khắc khổ của anh, chắc chắn là tôi không có thể một phút nào trách cứ anh điều đó được. Quyết định của anh là đúng, là cao thượng, là hợp đạo Chúa, nhưng nó làm cho tôi rầu cả gan ruột.

Và cặp mắt đẹp của cô trào lệ. Mary cúi thấp đầu xuống đồ khâu:

- Bây giờ cha chúng tôi đã mất, chẳng bao lâu chúng tôi sẽ lại lâm vào cảnh không nhà cửa, không anh em nữa.

Đúng lúc ấy, một việc nhỏ xảy đến, hình như do số phận cố ý gây nên, để chứng thực cho câu ngạn ngữ: "Họa vô đơn chí", và tăng thêm sự khổ não của họ bằng sự thực đáng giận hơn "miếng ăn kề miệng còn mất được"(1). Xanh Jôn vừa đi qua cửa sổ vừa đọc một bức thư. Ông bước vào, nói:

- Cậu Jôn chết rồi.

Cả hai cô đều có vẻ sửng sốt, nhưng không đau buồn hay bàng hoàng, tin ấy xem chừng đối với họ quan trọng hơn là đau đớn.

- Chết à? - Đyana nhắc lại.

- Phải

Cô nhìn chằm chằm vào mặt anh, vẻ dò xét, và hạ thấp giọng, hỏi:

- Thế thì sao?

- Thế thì sao à, Đyana? - Ông trả lời, vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng như đá cẩm thạch. - Thế thì sao à? Hừ, chẳng có gì hết. Đọc đi.

Ông ném bức thư vào lòng cô em. Cô liếc qua rồi trao cho Mary. Mary im lặng chăm chú đọc, rồi trả lại anh. Cả ba người cùng nhìn nhau, rồi cả ba cùng mỉm cười - một nụ cười buồn rầu tư lự.

Cuối cùng Đyana nói:

- Amen! Chúng ta vẫn cứ sống được thôi!

- Dù sao thì chúng mình cũng chẳng vì thế mà khổ hơn trước.

- Có điều sự này bắt buộc ta phải nghĩ đến chuyện lẽ ra đã như thế nào - ông Rivơ nói, - nó trái ngược một cách quá rõ ràng với sự việc hiện xảy ra.

Ông gấp bức thư bỏ vào ngăn kéo khóa lại, rồi đi ra. Trong vài phút không ai nói gì. Đoạn Đyana quay về phía tôi nói:

- Jên ạ, có lẽ cô ngạc nhiên về chúng tôi và những điều bí mật của chúng tôi, và cho rằng chúng tôi lòng dạ sắt đá thế nào, nên nghe tin một thân nhân như ông cậu mình chết mà không động tâm, nhưng nào chúng tôi có bao giờ được biết, hay được gặp ông ấy đâu. Ông là em mẹ tôi. Trước đây lâu lắm, cha tôi đã liều đem phần lớn gia tài bỏ vào một việc kinh doanh, vì thế bị phá sản. Hai người cãi nhau, rồi giận dữ xa nhau, và không bao giờ hòa thuận với nhau nữa. Sau này, cậu tôi theo đuổi những việc kinh doanh khác phát đạt hơn. Hình như ông có gây dựng được một sản nghiệp khoảng hai vạn bảng, ông không lấy vợ và chỉ có chúng tôi là họ gần, không kể một người cháu khác, cũng không gần gì hơn chúng tôi. Cha tôi vẫn ôm ấp hy vọng cậu tôi sẽ chuộc lại lỗi lầm xưa bằng cách đ 465 lại gia sản cho chúng tôi. Bức thư này báo cho chúng tôi biết ông đã để lại tất cả của cải cho người bà con kia, trừ ba mươi ghi-nê chia cho Xanh Jôn, Đyana và Mary, để mua ba cái nhẫn tang. Cố nhiên ông có quyền làm theo ý thích, nhưng nhận được tin ấy, chúng tôi cũng không khỏi buồn trong chốc lát. Tôi và Mary, giá mỗi đứa được một ngàn bảng thì cũng tự cho là giàu rồi, còn đối với Xanh Jôn, thì một số tiền như vậy rất quý, vì nó sẽ giúp anh thực hiện được nhiều điều tốt.

Câu chuyện đã được giải thích như vậy, rồi cũng bỏ qua, ông Rivơ và già Hanna đều trở về xứ đạo, thế là ngôi nhà cổ ấy bỏ không.



1. Nguyên văn: "khoảng cách giữa cái cốc và cái môi", có nghĩa là từ miếng ăn đưa đến miệng cũng còn xa.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86025


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận