Người ta gọi nó là con dở người. Bị ngã: cười. Bị đánh: cười. Bị trêu ghẹo: càng cười dữ hơn. Học hết lớp Năm, nó ở nhà. Vì người như nó học cũng chẳng để làm gì. Ấy là bố mẹ nó bảo thế. Hàng xóm láng giềng bảo thế. Bạn cùng lớp cũng bảo thế. Lũ bạn đều kinh nó. Cả tuần không tắm. Hình như cả tháng cũng không tắm. Quần áo nó một mùi lờm lợm. Hơi thở một mùi lờm lợm. Mắt nó, tự nhiên, nhìn vào cũng thấy lờm lợm. Tội vạ đâu phải nó. Chẳng ai có thời gian ngồi tắm cho nó. Bố đạp xích lô. Mẹ chuyên vớt rau muống sông bán cho lợn ăn. Rồi tranh thủ cất đậu phụ ở hàng gần nhà và mang ra chợ bán. Nào thì đậu rán. Nào thì đậu trắng. Nào thì đậu nướng. Nào thì tào phớ cho vào xô. Nào thì đậu nành lỉnh kỉnh trong các chai 65 ml. Cả ngày cắm mặt vào lo kiếm sống. Con một đàn phải tự mà lo lấy thân. Nhưng chỉ mình nó dở. Mình nó không tự lo được thân.
Cả ngày nó tha thẩn đi chơi quanh xóm. Không ai cùng chơi thì tự chơi. Cũng may có người thương nên còn chơi với nó, hỏi chuyện nó. Chứ cứ một mình thui thủi cả ngày, chẳng nói chẳng rằng, sớm muộn nó cũng trở nên người câm mất.
Nước lênh láng từ cửa vào tận giữa bếp. Nồi lớn, nồi bé. Nước đậu bốc khói nghi ngút. Chảo mỡ ù ù reo. Nước phớ đầy săm sắp. Chậu lớn, chậu bé. Chậu ngâm đậu. Chậu chứa bã. Bã viên thành hình tròn, to bằng quả bưởi. Bã dành cho đàn lợn đang hồng hộc gặm máng sau nhà. Trong xóm nhà nào đến mua cũng được. Không mua đậu thì mua bã. Không mua sữa đậu nành thì mua tào phớ. Cả xóm này nhà nào mà chẳng dùng đậu của nhà ấy. Bình dân là đậu luộc chấm muối đưa đẩy với cơm mậu dịch đỏ quành quạch. Sang hơn là đậu rán chấm mắm tôm chanh ăn với bún. Người già cao huyết áp thì uống nước đậu nhạt. Trẻ con biếng ăn thì có tào phớ. Cuối tuần “ăn tươi” thì có nồi chuối ốc - đậu. Sang hơn thì đậu nhồi thịt. Thế nào cũng chiều.
Nó hay sang đấy. Hồi trước thì đi lẵng nhẵng theo mẹ sang cất đậu về bán. Sau thì chẳng cần có mẹ nó cũng tự sang. Tại nhà gần. Tại có nhiều thứ hay hay cho nó xem. Này thì trút đậu tương vào chậu. Này thì gỡ đậu nóng ra khỏi khuôn, lột cả lớp vải màn mỏng tang. Cữ cắt đã quen, tay cứ thế mà xén khúc một khúc một. Cả dải đậu chạy vắt ngang mặt bàn trong nháy mắt đã được chia thành các thanh đậu nhỏ nhắn, gọn ghẽ. Chỗ này thì chắt bã ra xô. Mùi bã đậu chua chua át đi mùi lờm lợm từ quần áo nó. Mùi đậu rán ngầy ngậy át đi mùi lờm lợm từ hơi thở nó. Lò than rừng rực hắt những quầng sáng màu lửa làm khuôn mặt dày bì bì của nó ửng hồng. Thế cũng đủ để trông dễ coi hơn.
Nó đứng thập thò ngoài cửa hàng giờ liền, nhìn vợ chồng nhà đậu phụ (cả xóm đều gọi thế) làm luôn chân luôn tay. Có khi nó mon men đến bên chậu bã đậu, véo một miếng, cho vào lòng bàn tay, xoa xoa, nắn nắn. Và tự cười. Hàng giờ liền. Rồi lê la bên chậu bã đậu chua chua. Cả ngày không chán. Vợ chồng nhà đậu phụ bận tối tăm mặt mũi, chẳng hơi đâu mà xua đuổi. Hơn nữa, nó cũng vô hại.
Bạn bè mười lăm, mười sáu tuổi, xúng xính áo quần. Tóc óng, da hồng. Đôi nhũ hoa đội áo nhô lên nửa rụt rè, nửa vênh vang. Mắt biết liếc ngang liếc dọc. Má biết đỏ. Hông biết đánh. Con trai con gái thích cấu chí nhau.
Nó vẫn là con dở. Nhệu nhạo cười cả ngày.
Hai cái vú đầy nưng nức. Bụng dày bì bì. Cái mông lúc la lúc lắc.
À, nó dậy thì!
Bố mẹ nghĩ thế. Người làng đều nghĩ thế. Tuổi nó, dậy thì thế là muộn.
Nhưng cái bụng cứ chướng mãi lên. Hai vành môi thâm lại, đầy phướn mặt. Mũi nở tướng ra như bị ong châm. Lông mày dựng đứng. Chân đi hai hàng, nặng nhọc.
Người làng chột dạ. Mẹ nó chột dạ. Bố nó đạp xích lô đi tối ngày nên không biết. Có biết thì nó giờ hồn.
Với ai? Đàn bà về dò hỏi chồng. Đàn ông bụm miệng cười.
“Họa có mà điên!”
Người già thở dài thườn thượt. Làng xóm thức khuya hơn, nghe ngóng.
Trẻ nhỏ mới bảnh mắt đã lẵng nhẵng theo sau con dở, véo von hát. Hát rằng:
Ve vẻ vè ve
Cái vè con dở
Bỗng dưng có bầu
Ối làng nước đâu
Đến mà xem nhé
Ve vẻ vè ve...
Con dở hềnh hệch cười. Hát càng to, cười càng giòn. Hai cái tay vỗ bành bạch vào bụng.
“Mày khai ra!”
Mẹ nó quất roi vun vút. Nhưng mẹ nào mà chẳng xót con. Cái roi cứ nhè xuống đất mà nảy lên ten tét. Nó nhìn theo đầu roi, cười sằng sặc.
“Với đứa nào, hả con trời đánh kia?”
Mắt mẹ nó bật nước. Nó cười lăn xuống đất. Dãi ứa đầy miệng.
“Con ơi là con! Khổ thân con tôi!”
Mẹ nó quăng roi, ngồi thừ xuống chân giường. Nó bặt cười, thẫn thờ nhìn mẹ.
“Thím nghe tôi, mang nó đi mà giải quyết.”
“Nhục lắm bá ơi! Bây giờ to quá, ai người ta giải quyết cho mình nữa. Mà tiền ăn còn chẳng đủ thì
bá bảo...”
“Thế thím định thế nào?”
“Chắc chờ nó sinh xong thì mang lên chùa thôi chứ biết làm sao hả bá...”
“Thím tính thế thật à?”
“Thì nó cũng là con người. Bá bảo em nỡ lòng nào”...
Bụng mỗi ngày một phươn phướn, trông rõ là chướng mắt. Nhưng nó vẫn la đà đi quanh xóm, vừa đi vừa nhệch mồm ra cười. Có lúc đang đi, nó ngồi phịch xuống đất, ôm lấy bụng, mặt méo xẹo. Cái bụng sao mỗi ngày một dở chứng, hết lục bục sôi lại giằng bên nọ, đạp bên kia, đau đến toát mồ hôi.
Nước lênh láng từ cửa vào đến tận giữa bếp. Nó nhớ chỗ này lắm...
Đậu rán xèo xèo, vừa thơm vừa béo. Nó nhẩn nha vần đống bã đậu đến nát nhừ. Chán vần vò thì lại chim chim thành từng nắm nhỏ rồi tung lên. Bã đậu rơi vào người nó, vỡ ra, bám bê bết trên tóc. Bám vào vành tai. Chạy quanh cổ. Lọt vào giữa khe ngực. Nhột. Nó phủi phủi tay. Không hết nhột. Nhảy cẫng lên. Càng nhột. Nhột quá! Nó giựt cúc áo ra. Bã đậu lả tả rơi xuống đất. Nó thấy trò này hay quá. Này thì bã đậu ấp vào hai đầu ti vừa nhu nhú. Nó cười nấc lên khi nhìn thấy hai “hạt đậu” hồng hồng ngỏng đầu lên cõng theo vụn bã đậu mát mềm, ủ mùi chua chua, gây gây.
Đột nhiên một bóng đen trùm lên người nó. Hai bàn tay thô sần vần vò đống bã đậu trên ti nó. Bã đậu đã rơi hết cả mà tay vẫn cứ vần vò không chán rồi cứ thế trượt dần xuống khe đùi ẩm ướt...
... Nó ngửi thấy mùi đậu khét lẹt. Nhưng lúc này thì nó đã nằm trên đống bã đậu vừa mềm vừa êm. Mắt nó nhìn thao láo lên trần nhà. Muội than bám đen cả xà ngang, xà dọc. Xà ngang, xà dọc giật lên giật xuống trước mắt nó liên hồi. Nó thấy chóng mặt nên cố ưỡn người lên cho mọi thứ không bị xê dịch nữa. Nhưng một cú dập cửa như trời giáng khiến nó điếng người, lịm đi ...
Nó tỉnh dậy vì nghe có tiếng cãi cọ.
“Chết rấp ở đâu để cháy đen cả mẻ đậu thế này? Đúng là toi cơm!”
“...”
“Bị câm hả? Quần áo sao xộc xệch thế này?”
“Thì con lợn nó sổng ra ngoài.”
“Làm sao mà sổng?”
“Đi mà hỏi nó ấy.”
“À, ra ông bảo tôi là lợn à? Chó chết!”
“Này thì chó chết này!”
Một cái vung nồi rơi xoảng xuống đất. Con dở thấy bà vợ nhà đậu phụ te tưởi đi qua trước mặt mình. Như một phản xạ tự vệ, nó rút đầu vào sau mấy bao tải đựng đỗ tương. Cửa nhà trên đóng sập lại. Tiếng cạo chảo trong bếp rít lên ken két. Mùi mỡ cháy khét lẹt vẫn ngập ngụa cả gian bếp. Tự nhiên nó thấy sợ mùi mỡ cháy. Nó len lén vòng ra sau chuồng lợn, chui rào trốn về. Đường này chỉ có nó và con Vện biết.
Mà nó cũng thích đi đường này hơn. Không phải đi qua khoảng sân nhơm nhớp nước. Lại sà ngay vào đống bã đậu ấm mềm. Bã đậu ấp lên cổ, lên hai hạt đậu hồng hồng. Nó thích trò này.
Nhớ trò chơi với đống bã đậu, hôm sau nó lại sang.
Tự nhiên cái lỗ rào bị dấp lại. Con Vện tần ngần vẫy đuôi nhìn nó như dò hỏi. Cả hai thẫn thờ một lúc lâu rồi lại dắt nhau vòng ra đằng trước. Lại phải qua khoảng sân nhơm nhớp nước.
Vợ nhà bã đậu quắc mắt nhìn nó. Chồng, áo may ô rỗ lỗ chỗ, tay chống hông, tay cầm cán chảo xỉa về phía nó. Một chậu nước hất toẹt ra. Con Vện kêu lên ăng ẳng, chạy biến ra ngoài cổng. Nó thẫn thờ nhìn những vệt nước rơi rớt trên tóc, trên quần áo. Và nhệch mồm cười. Con Vện lên tiếng gọi. Nó lệch nhệch lội ngược khoảng sân nhơm nhớp nước, đi theo con Vện.
Nó đã quên trò chơi với đống bã đậu.
Bố nó có đạp xích lô cả đêm cả ngày thì cũng không thể không phát hiện ra cái bụng của nó. Khác với dự đoán của hàng xóm, sấm chớp không nổ ra. Cả nhà lặng thinh như đưa đám. Không ai muốn và nỡ bắt chuyện với bố mẹ nó để xem tình hình thế nào.
Vì rốt cuộc sau những lời cợt nhả, người ta tự thấy mình hình như không phải...
Vì biết thêm điều gì cũng chỉ càng đau lòng mà thôi.
Chuyện, coi như sự đã rồi.
Nó giãy giụa trên đống bã đậu. Cái bụng cương lên làm nó khó thở. Cái người ngồi chồm chỗm trên đùi nó làm nó đau đớn. Nó chờ cho việc này sớm kết thúc. Nhưng chờ mãi, chờ mãi. Tay nó ra sức cào cấu vào áo may ô rách trước mặt. Ngay lập tức, cả người nó bị đẩy sấp xuống một cách thô bạo. Mặt nó bê bết bã đậu. Răng nó cắn ngập vào đống bã đậu. Nó muốn ọe mà không được. Cổ họng tắc nghẹn. Nó thấy căm ghét đống bã đậu này. Nó không còn thiết chơi nữa.
Hôm nay nó đang đi chơi với con Vện thì áo may ô rách lỗ chỗ chặn đường, lôi tuột nó vào. Con Vện thấy thế bèn bỏ nó đi chơi chỗ khác rồi. Nó cô độc. Chỉ biết nhệch mồm ra cười não nuột.
... Đột nhiên, nó thấy mình bị nhả ra. Một cảm giác trống rỗng, uể oải. Liền sau đấy một cú đấm gọn, chắc kèm theo một tiếng “hự”. Một người đổ xuống bên nó, nhão nhoẹt. Nó tò mò nhìn. Máu. Máu rì rì chảy ra từ lỗ mũi đỏ bầm của áo may ô rách lỗ chỗ. Rồi thì nồi lớn nồi bé nháo nhào một đống giữa sân. Chậu lớn chậu bé hắt tóe ra sàn. Mấy bao đậu tương sau lưng nó vãi tung lên trời. Nó nhìn thấy bố. Rồi nó thấy mình bị lôi đi xềnh xệch. Qua khoảng sân nhơm nhớp nước và ồn ã tiếng người xen lẫn với tiếng nhổ nước bọt phì phì. Nó ngoái lại nhìn về cái hàng rào phía sau chuồng lợn. Chỉ có nó và con Vện là biết...
Cả ngày nó bị nhốt ở trong nhà. Con Vện tha thẩn ngoài sân mãi cũng phát chán nên bỏ đi chơi. Đi hóng chuyện.
Khắp xóm cồn lên như bão. Cánh đàn bà thì ân hận. Cánh đàn ông thì chửi vung thiên địa. Người già rân rân nước mắt. Người trẻ thở dài, ngao ngán.
Người thăm, người hỏi.
Kẻ xúi người giục.
“Cho nó tù mọt gông đi chứ.”
“Không thì cũng phải lấy tiền mà chăm con mình.”
“Con bé nó cũng là con người chứ có phải là...”
“Không thể cho qua được.”
“Mẹ con nó thế nào rồi?”
Độ này nó thấy khó ở quá. Cái bụng rùng rùng chuyển động, vẹo bên nọ, rồi bỗng dưng nổi phồng sang bên kia. Cả ngày lẫn đêm. Người lúc nào cũng nhơm nhớp mồ hôi. Vừa uống hết bát nước cổ họng đã khô rông rốc. Hai chân phù tướng, chẳng còn đôi dép nào đi vừa. Nó phải đi nhờ dép của anh trai. Áo cũng mặc của anh trai, nhưng phải chọn cái rộng nhất, vậy mà cái sinh linh trong bụng vẫn cứ nhất mực vươn lên, kéo căng cả đường chỉ hai bên tà áo.
Nó sợ phải thay đổi tư thế như đứng lên hay ngồi xuống. Những lúc ấy nó thấy xây xẩm cả mặt. Đang nói chuyện với con Vện, tự nhiên nó thấy cả một đàn chó nhảy xổ ra trước mặt mình. Rồi cả đàn ấy cùng ghếch mõm, ve vẩy đuôi, thành thử nó chẳng biết phải nói chuyện với con nào. Ban ngày thèm ngủ lơ mơ, cả đêm lại chòng chọc, chỉ xoay bên này, lật bên kia rồi bò dậy, ra sân đi vệ sinh là cũng hết đêm. Vậy là cả nhà phải nghe nó cười hềnh hệch cả đêm. Nghe mãi cũng chán, cũng mệt. Vậy là bố ngáy. Anh cả ngáy. Anh hai cũng ngáy. Mẹ nó nằm bên thở dài sườn sượt rồi cũng bập bõm ngáy. Cả nhà rộn lên bởi cả một dàn đồng ca bất đắc dĩ.
“Khổ thân mẹ con thím.”
“Bá à, em còn biết phải làm sao?”
“Thím dại thế, kiện không kiện, tiền cũng không cầm. Ờ... thì bảo kiện tụng vừa mất công, vừa xấu mặt, nhưng cái quân bất nhân ấy cũng phải cho nó gánh hậu quả chứ. Ai lại... Mà còn cầm tiền lo cho con bé chứ. Nó có tội tình gì đâu mà ông giời bắt phải khổ thế này.”
“Bảo nó bất nhân lại cầm tiền của cái quân bất nhân ấy sao được hả bá.”
“Thím nói thế cũng phải. Ông trời biết cả thôi. Trước hay sau cũng phải bán xới mà đi thôi. Sống cũng không yên đâu, rồi đấy thím xem. Không còn kinh doanh bán chác gì được nữa đâu. Cả làng người ta đang nhổ vào mặt cho kia kìa. Đồ dã man. Quân khốn nạn. Ngữ ấy chỉ đáng cho quạ tha, gà mổ mắt. Dưng mà còn con mình...”
“Bá ơi, em khổ quá!”
“Thôi đừng khóc nữa. Thím khóc là tôi khóc đây này. Sao hôm trước nghe nói có người hỏi xin cháu rồi hả?”
“Vâng, họ cũng hiếm muộn...”
“Thế thì tốt quá rồi. Chứ con mẹ như nó còn chẳng lo được thân nữa là...”
“Bá ơi, em khổ quá!”
Con dở nhăn nhở cười nhìn hai người đàn bà ngồi xuýt xoa to nhỏ với nhau. Một cơn đau quặn khiến nó tắt cười. Nó bấu chặt tay vào thành giường, chờ cơn đau qua đi. Mồ hôi mướt mát. Nó chưa kịp nghỉ lấy sức thì cơn đau khác lại kéo đến, dữ dội hơn. Nó bò lê bò càng ra đất. Mười đầu ngón tay bào vào đất đến bật máu. Cơn đau ngớt, mẹ xốc nó lên giường. Chưa kịp ngồi xuống, cơn đau khác lại sầm sập đến, làm nó tối tăm mặt mũi. Nó ngoạm mồm vào tay mẹ, cắn nghiến ngấu. Mẹ nó ôm ghì lấy con, cố chịu đau, nước mắt tuôn lã chã.
Rồi nó thấy từ khe đùi, một dòng nước nhờ nhờ đỏ ộc ra, rỉ rả chạy dọc ống chân, rỏ xuống nền nhà. Nó bật cười. Tiếng cười rời rạc như người ta kêu rên, rồi ngay lập tức bị chèn bởi một cơn đau bất thình lình ập tới. Nó ôm bụng, ngã lăn ra đất, để lại vết bầm sâu hoắm trên tay người mẹ. Con Vện cuống quýt đi vòng quanh cô chủ rồi liếm láp nền đất loang ướt bởi thứ nước nhờ nhờ đỏ.
Đèn điện chòng chọc sáng. Thứ ánh sáng khiến người ta nhức mắt.
Mẹ và bà bác xúi xó bên nhau, ngồi chờ.
Bố nó bỏ dở cuốc xích lô lao đến. Giờ khoanh tay, nhắm mắt, ngồi chờ.
Anh hai hết giờ cơ quan tất tưởi chạy đến, ngồi chờ.
Anh cả rời xưởng dệt lúc mười giờ đêm, chạy đến sau cùng, ngồi chờ.
Chờ là việc duy nhất có thể làm trong lúc này.
Xe cút kít đẩy qua đẩy lại. Xoe xóe tiếng trẻ khóc. Cuống cuồng làn xách, cặp lồng rơi.
Cả nhà nó vẫn ngồi chờ.
Bảng thông báo sinh mỗi lúc một dài ra.
Đèn điện nhẫn nại tỏa sáng.
“Người nhà cô Hoài, cô Hoàng Thị Thu Hoài
đâu nhỉ?”
“Người nhà cô Hoàng...”
Mẹ nó choàng tỉnh. Bố nó choàng tỉnh. Anh cả choàng tỉnh. Anh hai choàng tỉnh. Bác gái ngỡ ngàng. Đã từ rất lâu, nó, con dở, mới được gọi bằng đúng cái tên của mình - Hoàng Thị Thu Hoài. Một cái tên đẹp, được gọi bằng cái giọng trịnh trọng, đủ để người khác phải ghen tị.
“Con gái. Ba cân hai. Đẻ thường.”
Bà ngoại - bây giờ phải gọi là bà ngoại - reo lên khe khẽ. Bác gái xuýt xoa: “To quá nhỉ!” Ông ngoại - vừa mới lên chức đây thôi - di di mẩu thuốc Sông Cầu đang cháy dở xuống nền nhà, bộ dạng có phần luống cuống. Cháu đầu đây mà. Anh cả, anh hai ôm nhau. Cháu gái đầu lòng hẳn hoi nhé. Ruộng sâu trâu nái...
Cửa phòng hộ sinh mở rộng. Xe băng ca tiến ra. Trên đó, giữa màu trắng sạch sẽ, thoang thoảng mùi thuốc sát trùng, nó - người mẹ - và đứa con đỏ hỏn đang chằm bặp vục mồm vào bầu ti, hai mắt nhắm nghiền, viên mãn.
“Có đau lắm không con?”
Mẹ ghé sát vào con nghe ngóng. Nó nhệu nhạo cười, từ hai khóe mắt nó, hai giọt nước mắt to tròn vỡ ra. Những vết hoen nước mắt trước đó vẫn chưa khô hẳn khiến khuôn mặt nó càng trở nên nhợt nhạt. Lần đầu tiên trong suốt bao nhiêu năm, người mẹ mới thấy con mình đáng tự hào
đến thế.
“Thế là tốt rồi!”
Tiếng bố nó ồ ồ khác thường.
Cả nhà vừa dắt díu nhau từ viện về chưa ấm chỗ
thì “người ta” đã đến. Người ta đến xin con về, như đã thỏa thuận.
“Xin bác thư thư vài bữa. Con bé nó còn non quá.”
“Phải đưa nó về ngay không vài bữa nó quen hơi mẹ lại càng khó ra.”
“Bác cương quyết nhận cháu về luôn ạ?”
“Vâng!”
Bà ngoại ngồi phịch xuống ghế, cố nén hơi thở
dồn dập.
“Thế bác ngồi xơi tạm chén nước. Mẹ con cháu đang cho nhau ăn. Đợi tí nữa các cháu nó ngủ, bế đi cho đỡ quyến luyến.”
“Thế cũng được.”
Nằm trong nhà, nó vẫn nghe thấy hết cuộc nói chuyện của mẹ với khách. Nó bần thần đưa mắt nhìn con Vện nằm lim dim dưới chân giường. Con bé con mút mát chán lại quay ra lằn nhằn đầu ti mẹ khiến nó thấy nhột. Nó bật cười mà mắt vẫn lơ láo nhìn ra nhà ngoài...
Mấy lần mẹ nó nhòm khe cửa nhìn vào vẫn thấy mắt nó mở thao láo. Nấn ná mấy lần, bị khách giục, mẹ nó đánh bạo bước vào.
“Thôi tranh thủ mà ngủ đi. Để con đây mẹ bế cho.”
Nó ngồi phắt dậy, quên cả đau do vết rạch lúc chuyển dạ, đẩy mẹ ra khỏi con bé con. Con Vện cùng lúc lao ra nhà ngoài, cứ nhè mặt khách sủa ầm ĩ. Con bé con bị đánh động đột ngột, khóc ré lên.
“Ơ... ơ...”
Nó cuống cuồng ôm ghì lấy đứa trẻ, khuôn mặt dăn dúm, nửa cười, nửa mếu. Đứa trẻ bị ôm chặt quá, càng khóc dữ hơn.
Bố nó đang sau vườn, căng lại cái liếp che gió cho cửa sổ phòng con, nghe ồn ào bèn chạy bổ đến.
“Có chuyện gì thế?”
“Nhà bác ấy đến xin cháu về như hôm trước đã thưa chuyện.”
“Vài bữa nữa rồi tính.”
“...”
“Thế nhé.”
Biết không xoay chuyển được ý của người đàn ông cao lỏng khỏng và đen sạm trước mặt, bà khách dợm đứng lên.
Mẹ nó tần ngần tiễn khách ra cổng.
Con bé mỗi ngày một phổng phao. Cứ rúc theo hơi mẹ mà tìm sữa. Rúc theo hơi mẹ mà ọ ẹ trò chuyện. Hễ ngủ thì chớ, thức dậy là hai mẹ con lại xoắn lấy nhau không chán.
Cả nhà diễn ra một sự thay đổi lớn lao. Tiếng trẻ thay cho tiếng cười hềch hệch giữa giấc đêm. Ông ngoại đi làm về, phải xuống xe từ đầu ngõ, rồi kẽo kẹt đẩy cái xích lô vào giữa sân để khỏi đánh động cháu. Bác hai tan giờ làm cũng tranh thủ ngó nghiêng kiếm đồ chơi cho cháu. Bác cả hết ca đêm về đến nhà còn phải nhìn mặt “con chó con” rồi mới ngủ được. Bà ngoại thì khỏi nói. Hết giờ chợ là tất ta tất tưởi về nhà. Mà lần nào cũng mang về lúc thì đôi tất, khi thì cái mũ che thóp... cho cháu. Trước, chẳng mấy khi cả nhà ngồi nói chuyện được với nhau, giờ thì nửa đêm vẫn còn chưa hết chuyện. Nào thì nóng lên rồi, kiếm lá sài đất về tắm cho con bé. Cái lưỡi nó bị tưa, phải xin ít mật ong về đánh tưa. Con mẹ nó độ này ít sữa, phải nấu thêm cháo chân giò cho ăn. Mà cái con bé thật buồn cười, cứ động vặn vẹo là người đỏ tía lên. Mà cái mặt nó lúc nào muốn ị là cứ đần ra, trông rõ ngộ. Bao 98f giờ được ba tháng để xem nó lẫy nhỉ. Trông nó lúc thì giống ông ngoại, lúc thì lại giống bà ngoại. Ông bảo: “Nó giống tôi hơn chứ”, thế là kiểu gì bà cũng phải cãi lại bằng được. Còn mỗi cách giải quyết là “phải trật tự” cho con bé con nó ngủ thì mới yên ắng được.
Không còn ai đả động đến chuyện cho đứa trẻ đi.
Đó đã là chuyện của ngày hôm qua.
“Gà nhà tôi mới đẻ, tôi mang chục trứng sang cho hai mẹ con nó bồi dưỡng. Thế con bé thế nào?”
“Trộm vía bà ạ. Cứ ăn xong là lăn ra ngủ như lợn con ấy.”
“Thế con mẹ nó thì thế nào?”
“Cứ kè kè ôm con suốt. Cũng biết ru cho con bé con nó ngủ nữa đấy bà ạ.”
“Đấy, ai bảo nó là... Mà thôi, để cho mẹ con nó ngủ, lúc nào nó thức, tôi vào thăm cháu sau. Thôi chịu khó rau cháo mà nuôi nhau. Ông trời chẳng bạc người lành đâu.”
Trong nhà, con bé con đã ngọ ngoậy thức giấc. Nó rúc cái đầu đen nhưng nhức tóc vào ngực mẹ. Cái ti vừa chờm vào môi nó đã mở ngoác cái miệng ra, rồi cứ thế mà tem tém mút. Người mẹ - có cái tên thật đẹp - Hoàng Thị Thu Hoài - lặng lẽ cảm nhận cái mùi thơm gây gây trên tóc đứa trẻ.
À ơi... con cò mày đi ăn đêm…
Câu ru này từ rất xa xưa rồi, nó được nghe và bây giờ lại cất lên lời, ru cho một đứa trẻ lớn khôn thành NGƯỜI.
À ơi...