Làn Da Của Đất Chương 1

Chương 1
Khu vườn trong lòng bàn tay

Tôi bắt đầu cuộc kiếm tìm những khu vườn bí mật của Mogador tại một cửa hàng bán gia vị trong thành phố. Mặt tiền cửa hàng phủ đầy đĩa gốm tráng men có những hình vẽ lạ lùng, chẳng hình nào giống hình nào, hình này đã đẹp hình sau càng đẹp hơn. Chúng vừa đúng bằng chiều dài của ba hàng giỏ và khay bày trước cửa hàng, trên bức tường trắng, như muốn chắn đường khách ra vào. Mỗi hàng xếp chín cái vừa giỏ vừa khay đựng gia vị đầy có ngọn, mỗi loại có mùi vị, hình dáng và màu sắc khác nhau. Bột nghệ tây với những đầu nhụy mảnh dẻ co rúm lại, màu đỏ da cam nổi bật bên những nụ đinh hương màu gỉ sắt nhỏ xíu có mũi nhọn hoắt. Ớt xay tạo thành những đụn bột nhẹ bỗng, trong khi ớt quả gợi nhớ đến những hòn sỏi trong thác nước chảy xiết. Nhưng lá móng mới chính là nữ hoàng trên sạp gia vị. Người ta mua lá móng dưới cả hai dạng: những chiếc lá nhỏ xíu căng mọng đựng trong giỏ hoặc thứ bột đặc màu xanh lục sáng bày thành đống hình chóp trên khay. Những người đàn bà mua thứ bột này bằng một đơn vị đo lường đặc biệt: chiếc thìa bạc mà họ dùng để xúc vào đống bột. Ánh mặt trời tạo ra sự hòa trộn thật vui mắt giữa sắc lá móng và ánh kim loại quý.

Tôi dừng lại trước cửa hàng gia vị này vì cảnh các đống gia vị chất ngất đầy màu sắc làm tôi nghĩ đến một khu vườn hay bộ sưu tập những mùi hương được bày bán. Mà cũng đúng vậy thôi. Nhưng rồi sau đó tôi tự nhủ chắc hẳn phía sau cửa hàng phải có một khoảnh vườn trồng các loại cây gia vị mà ta có thể tham quan. Rằng cũng giống như người bán so với những người trồng trọt, cửa hàng không phải là khu vườn mà chỉ là phía trước khu vườn, không phải là thiên đường mà chỉ là dấu hiệu báo trước cho sự hiện diện của thiên đường, cũng như những cánh hoa trên tay Hassiba đã khiến tôi ngay lập tức nghĩ rằng đó là một cách bán những bó hoa. Giây lát sau, tôi khám phá ra là ngay cả những bông hoa hình kỷ hà được vẽ trên những cái đĩa gốm treo trên tường cũng tạo thành một khu vườn, hay đúng hơn là sơ đồ khu vườn mà người ta mong muốn tạo ra, bức vẽ những khả năng mơ ước, lãnh địa ưu tiên cho mắt nhìn.

Người chủ cửa hàng mang một thứ mùi kỳ lạ, trộn lẫn giữa hoa hồi và vỏ cam. Anh ta cứ đi đi lại lại trước những đống gia vị như muốn thấm sâu vào người mùi hương của chúng rồi sau đó, bằng các cử động, gieo rắc khắp phố những lời quảng cáo vô hình cho hàng hóa của mình. Cứ thấy người đàn bà nào lại gần là anh ta lại gọi cô “người đẹp ơi”. Những người đàn bà mỉm cười vì được phỉnh nịnh.

Tôi tiến lại gần anh ta mà hỏi, tuy chẳng mấy hy vọng:

“Anh có vườn trồng gia vị không?”

“Tôi có rất nhiều vườn, rải rác khắp nơi trên thế giới. Đinh hương và đậu khấu của tôi nhập từ Ấn Độ, nghệ tây từ Samarkand, thứ “lá gió” này là từ Trung Quốc, cà chua khô trên cây từ Colombia, phù du thơm là một giống ở Costa Rica, còn thứ ớt rất cay này là của Mexico. Vườn của tôi ở khắp mọi nơi. Bốn bức tường bao quanh chúng ta biến mất ngay khi anh thực sự cảm nhận được một trong các gia vị của tôi, mùi vị của nó sẽ đưa anh đến nơi nào đó trên thế giới.”

“Tôi muốn biết liệu anh có vườn ở Mogador không, hay anh có biết ai có vườn ở thành phố này không, ngoài khu vườn của cha Hassiba, tôi đã thấy khu vườn đó rồi.”

“Trong nội thành ư? Không có đâu.”

“Nhưng sao người ta lại bảo vườn đẹp nhất là ở Mogador. “

“Này, cậu mua cái khu vườn đó rồi hả? Người ta bán nó cho cậu cũng như bán tháp Eiffel cho người Mỹ ở Texas chứ gì? Nếu cậu muốn thì tôi sẽ bán cho cậu một khu vườn như vậy.”

“Không, tôi chỉ muốn xem thôi.”

Anh ta nhăn mặt nghi ngờ và gọi một nữ khách hàng vừa bước vào cửa hàng rồi nhắc lại câu hỏi của tôi. Người đàn bà cũng cười nhưng không chế giễu tôi. Cô nói:

“Tôi biết kiểu vườn anh muốn thăm rồi. Đó là kiểu vườn mà những thương nhân như ông chủ cửa hàng này gọi là ‘vườn của những người đẹp’. Nơi người ta vun trồng tình yêu và đôi khi gặt hái ghen tuông.”

Cô chìa lòng bàn tay cho tôi xem, vừa kiêu ngạo vừa điệu đà. Tôi ngỡ ngàng hết sức. Giống như Hassiba, tay cô cũng có hình xăm, nhưng với những hình vẽ khác. Chúng phủ kín bàn tay, một phần cổ tay và phần đầu cánh tay. Những hình kỷ hà trông có vẻ đơn giản nhưng thực ra vô cùng phức tạp; có những hình đơn lẻ và những đường kết nối chúng lại với nhau. Cô giải thích cho tôi kiểu vẽ này được gọi là “vườn Nguồn cội”. “Mang nó trên tay, chúng tôi luôn nhớ rằng mỗi ngày phải tạo dựng thiên đường bằng chính đôi tay mình. Nó nhắc nhở nghĩa vụ của chúng tôi là mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh và bản thân mình. Và rằng chúng tôi phải toàn tâm toàn ý cho công việc đó với sự bướng bỉnh ngoan cố như bàn tay nắm chặt những ham muốn của mình.

“Đó cũng là một thứ bùa hộ mệnh bảo vệ chúng tôi tránh khỏi ma quỷ. Thành phố có những bức tường thành, còn chúng tôi thì có khu vườn trong lòng bàn tay. Tường thành hay vườn trong lòng bàn tay đều có chung vai trò. Đó là để bảo vệ chúng tôi nếu cần thiết, hoặc tạo ra cá tính và làm đẹp nếu bảo vệ là không cần thiết. Khu vườn này cũng là cách chúng tôi làm điệu: nó vừa che giấu một phần thân thể chúng tôi, vừa để lộ phần thân thể ấy qua những hình giống như lông công. Nó cũng giống như bức rèm che cơ thể, vừa bảo vệ chúng tôi trước những cái nhìn soi mói vừa thông báo là chúng tôi có che giấu thứ gì đó quý giá. Nó làm tăng vẻ đẹp của chúng tôi bằng cách gieo vẻ đẹp ấy vào giấc mơ những kẻ si mê chúng tôi. Khi nhớ về vợ chưa cưới của mình, những người đàn ông nhớ đến khu vườn vẽ bằng lá móng đầu tiên nơi có những lối mòn đầy hứa hẹn và ngoắt ngoéo như mê cung. Vì thế mà những hình vẽ bằng lá móng cũng là một thứ trang sức trong lễ cưới.

“Và thường khu vườn tí hon ấy có ẩn giấu một nét chữ. Những lời khó hiểu, nhưng khi được ngón tay hay đôi môi chạm vào thì sẽ nói cho ta biết cảm thấy hạnh phúc là như thế nào, làm thế nào để mang được trong mình tất cả những quyền năng tốt lành, làm sao để người tình và những người khác nữa cảm thấy thỏa nguyện, làm thế nào để dung hòa số phận hẩm hiu, sự thèm muốn và mối quan hệ thoảng qua.

“Một cuốn sách y học thế kỷ 18 khẳng định rằng ‘lá móng có tới chín mươi chín công dụng, nhưng công dụng chính là mang lại hạnh phúc’. Đương nhiên đó là một hamsa và nó chữa lành bệnh. Nó cho chúng ta biết làm thế nào để mỗi ngày đều đạt đến thiên đường, thoát khỏi nỗi đau đớn hành hạ, và làm thế nào để, cùng với toàn cơ thể đang chuyển động, biến thành khúc nhạc của con đường dẫn tới thiên đường. Một nhà thơ cổ xứ Mauritanie_(1) là Habib Mafoud đã nói: ‘Lá móng là sự thanh thản. Nếu tâm hồn mà có màu sắc thì nó sẽ mang màu lá móng.’

“Tất cả nằm trong sắc màu của lá móng, bởi nó là một loài cây trên thiên đường. Đó là thứ cây sa mạc. Nó mang trong mình nỗi nhớ da diết cơn mưa đầu tiên. Nó chịu được mọi thứ, bởi nó chính là cội nguồn của tất cả.

“Người ta nói mọi thứ trên đời đều từ bụi cây lá móng mà ra: mọi loài động vật mà ta biết đều sinh ra từ một căn bệnh của lá móng; mùi của hoa lá móng là nguồn gốc của mọi sự quyến rũ, mọi sức hấp dẫn, mọi ham muốn có trong không khí cũng như trong người đàn ông, bởi tất cả đàn ông đều là con đẻ của ham muốn, sống nhờ không khí, nước, lửa và vườn. Khu vườn nguồn cội hồi sinh mỗi khi chúng tôi tô lá móng lên bàn tay mình.”

Vậy thì Hassiba, anh muốn vẽ lên da em hình hài bí mật chốn thiên đường của hai ta. Thứ hình hài mà chỉ có em mới nhìn thấy, giải mã được và chuyển thành thứ ngôn ngữ do cơ thể chúng ta tự tạo ra. Hình dáng và đường nét của nó khiến em không bao giờ quên được bất cứ xúc cảm yêu đương nào giữa hai ta. Anh muốn thấy đường nét của hạnh phúc được vẽ trên da em, ghi dấu lên em bằng dấu vết thoảng qua của những ngón tay anh khi chúng ve vuốt em, bao khắp người em bằng nước bọt, thứ mực vô hình của anh, dấu vết đôi mắt anh để lại khi chúng dò xét cái nhìn của em hay phần giữa hai đùi em. Anh muốn là bột lá móng phủ khắp người em, thứ bột đến từ một nơi ở bên ngoài thế giới mà hai ta từng chia sẻ trong khoảnh khắc.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/t26492-lan-da-cua-dat-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận