Làn Da Của Đất Chương 2

Chương 2
Khu vườn của những linh hồn nhảy múa

Cửa hiệu nhạc cụ ở Mogador mà Bouzid thừa hưởng của ông mình từ hơn ba mươi năm nay có bán những cái trống bằng da dê loại tốt nhất thành phố. Dù mọi người đều thừa nhận là trống bằng da cá được ưa chuộng hơn.

Trống da dê chóng hòa điệu với lửa, nhưng rồi lạc điệu cũng chóng y như thế. Người ta bảo chúng đỏng đảnh như lũ dê leo lên những cái cây argano ở vùng ngoại ô Mogador và chỉ chịu xuống khi chúng muốn. Người ta còn nói rằng những cái trống này phàm ăn như dê. Trống da cá chỉ hợp với sức nóng dài của âm nhạc và sự tiếp xúc lâu của những đôi tay đánh trống. Chỉ có sự bỏ bê khiến trống lạc giọng, cái yên lặng rỗng rang tiếp theo sự yên lặng no đủ sau những ngày hội.

Trong cửa hiệu của Bouzid có những cây sáo bằng gỗ, bằng đá và bằng đất sét, những cái xập xèng bằng kim loại, nhiều loại đàn luýt, ghita, rabab, violon và những loại đàn dây khác, những cái trống hình trụ bằng đất sét, đồng thau, những cái trống bằng gỗ tròn như những cái mông đồ sộ, và cả những cái trống lục lạc vuông có hai mặt căng bằng da mà người ta chơi bằng cách đẩy chúng qua lại giữa hai bàn tay như thể đôi tay đang ngoạm lấy chúng. Những đôi bàn tay, thường được xăm hình kỷ hà, hoa lá và bàn tay Fatma cũng có hình xăm.

Tôi nhờ Bouzid giải thích về những hình xăm trên nhạc cụ. Tôi tò mò muốn biết liệu những hình xăm ấy chỉ là để trang trí hay chúng có ý nghĩa nghi lễ nào đó. Ông dẫn tôi vào phía trong cửa hiệu, lấy trên cái giá đầy sổ sách cũ và giấy rời chừng hai mươi trang giấy đã ố vàng vì thời gian, phủ đầy những hình do ông cố của Bouzid vẽ. Ông cụ là người đã chép lại một vài trong số những hình vẽ trên nhạc cụ nổi tiếng nhất ở Mogador.

Mỗi trang giấy có nhiều hình vẽ, và những hình mà tôi thấy đẹp nhất và nhiều hàm ý nhất đều được ghi nhan đề ở dưới: “Vườn của những Linh hồn”, cạnh tên một nhạc công rất nổi tiếng ở Mogador hồi đầu thế kỷ 20. Một ghi chú khác nói rõ là những hình vẽ này được thực hiện trên một nhạc cụ có tên gambri. Tôi muốn được thấy nhạc cụ đó ngay, và nhất là được nghe âm thanh của nó. Nhạc cụ ấy giờ thuộc sở hữu của một người là hậu duệ của người đã vẽ nên nó, và ngày nay thường được chơi trong một lễ hội quan trọng sẽ diễn ra ngay chiều hôm đó. Bouzid giới thiệu tôi với người đang sở hữu chiếc đàn và canh giữ Vườn của những Linh hồn.

Cây đàn đó giống như một loại ghita cổ có thùng đàn làm bằng gỗ hồ đào, mặt trước đàn có phủ da dê, dưới ba dây đàn mạnh mẽ làm nó cong xuống.

Thân gỗ uốn cong hình lưng lừa, trồi ra cần đàn tròn bằng gỗ, người ta căng dây đàn ngay lên cần đàn, ở những vị trí cao thấp khác nhau. Cây đàn gambri nổi tiếng nhất Mogador được làm như vậy, với lớp da dê xăm những mô típ trang trí các khu vườn. Đàn gambri, đôi khi còn được gọi là hash-hush, là một trong những nhạc cụ điển hình của những nhóm Gnawa, tức phường hội nhạc công và là những người sống sót trong một đợt di dân từ châu Phi Đen tới. Âm nhạc và nghi lễ của họ giống với tín ngưỡng santería(1)_ của Cuba, đạo Candomblé ở phía Đông Bắc Braxin, đạo Vaudou ở Haiti hay những nghi lễ của người Garufina_(2), vv. Tất cả những loại nhạc nghi lễ vùng Caribê vốn trộn lẫn việc thờ thần linh có nguồn gốc châu Phi với việc thờ các thánh Thiên Chúa giáo đều có chút gì đó rất gần với nhạc Hồi giáo, thứ nhạc đã hòa vào chính thuyết vật linh ấy việc thờ cúng các thánh bên đạo Hồi.

Các nhạc công Gnawa thờ thánh Sidi Bilal, trước đây từng là nô lệ vùng Abyssini_(3), người đầu tiên được Mohamet chọn làm vị muezzin đứng trên tháp kêu gọi mọi người cầu nguyện. Theo truyền thuyết thì giọng nói rất đặc biệt của ông là thứ duy nhất có thể kéo Fatma, cô con gái yêu của nhà tiên tri Mohamet, ra khỏi vực thẳm âu sầu.

Mỗi nhóm Gnawa có một m’allim, thầy nghệ nhân, còn mỗi nhạc công được coi là một nghệ nhân của thứ nhạc lễ này và là học trò của m’allim. Gambri là nhạc cụ chính của vị này. Khi nghi lễ đến hồi cao trào, người thầy nghệ nhân bỏ cây đàn mình đang chơi và cầm lấy đàn gambri. Tiếng đàn gambri rung lên trầm mặc và thanh thản, nổi bật trên những tiếng đàn khác. Thật ngạc nhiên là nó mạnh hơn nhiều so với tiếng trống, tiếng xập xèng và giọng hát. Chắc vì lẽ đó mà nó làm thay đổi sâu sắc những gì người ta vẫn cảm nhận được cho tới lúc ấy, đưa thêm một chiều mới vào không gian nó đang làm chủ, chuẩn bị cho linh hồn những người sắp sửa nhập đồng. Bằng giọng nói quyền uy, nó gọi linh hồn và các vị thánh sắp sửa nhập vào một số người trong đám lễ.

Nghi lễ Gnawa bắt đầu trên phố, vừa là đám rước, vừa là lễ hội. Đôi khi, nhóm nhạc công mang theo trống chiêng đẩy con cừu là vật hiến tế đi trước, con cừu được trang điểm kỹ nhân dịp lễ này. Sau khi nghi lễ hiến tế đã xong, cả nhóm tuần hành trên đường phố, vừa đi vừa hát và nhảy múa, mọi người đi theo họ mỗi lúc một đông, và đám rước hình thành, tất cả mọi người đều nhảy múa cùng các nhạc công. Các nhạc công thỉnh thoảng dừng lại ở các quảng trường rồi lại đi tiếp. Họ xin nhà tiên tri Mohamet và thánh Sidi Bilal phù hộ baraka tức may mắn cho họ và cho tất cả những người tham dự. Lúc này đàn gambri vẫn chưa nhập cuộc.

Đám rước đi đến căn nhà nơi diễn ra nghi lễ. Bà chủ nhà đón chúng tôi với món chà là và sữa. Tất cả mọi người vào sân sau nơi nghi lễ sẽ được tiếp nối và kết thúc. Các trò chơi bắt đầu, đây là giai đoạn diễn ra trước nghi lễ lên đồng. Lúc này, các nhạc công làm những cử chỉ có tính tượng trưng mô tả các vị thần châu Phi truyền thống: Gri, thần săn bắn huyền thoại chuyên săn lùng ác thú, Bouderbala, người hành khất lang thang bí hiểm.

Rồi m’allim nhận khay hương hoa; ông thắp chúng lên và dạo cây đàn gambri trong hương khói. Tiếng đàn đã được thanh lọc đưa chúng ta vào một chiều không gian khác. Theo m’allim, đó chính là nơi mở ra khu Vườn của những Linh hồn. Giờ đây chúng ta đang ở trong khu rừng bí hiểm nơi những linh hồn hùng mạnh sinh sống. Ở đó, mỗi linh hồn có lãnh địa riêng, đánh dấu bằng một ký hiệu đặc biệt nơi hình kỷ hà trên đàn gambri. Nó cũng có màu riêng, có melk tức chủ đề âm nhạc riêng và cả những điệu múa cầu phúc riêng nữa.

Thứ nhạc mang tính nghi lễ và khẩn thiết của m’allim gọi các linh hồn. Âm thanh của cây gambri sẽ đưa lối dẫn dường cho các linh hồn từ thế giới của họ đến với thế giới của chúng ta. Được chuyển tải bằng âm nhạc, các linh hồn nhập vào cơ thể những người đang há hốc miệng lắng nghe nhạc, chân sẵn sàng xoạc ra nhảy múa, mắt mở to trong gió như những ô cửa sổ không cánh cửa, xương cốt trống rỗng, trút bỏ mọi gánh nặng để tham gia điệu nhảy đang cuốn hút họ. Khi linh hồn theo tiếng đàn gambri nhập vào máu và nhảy theo nhịp nhạc, người bị nhập hồn đánh mất nhịp điệu của bản thân mình, tim họ không còn kiểm soát được nhịp đập nữa. Khán giả buộc vào eo và quanh ngực người nhập đồng những miếng vải có màu sắc tương ứng với màu sắc của linh hồn đang nhập vào người đó. Họ nắm chặt đầu miếng vải để giữ cho người nhập đồng khỏi tự đánh vào người mình vì các bắp thịt đã hoàn toàn được thả lỏng và rung lên không kiểm soát nổi.

Chỉ có m’allim biết khám phá ra những âm thanh thích hợp cho việc gọi hồn. Khu vườn vẽ trên cây đàn gambri là ngôi đền vô hình của phường hội Gnawa. Người ta không trông thấy nó, nhưng nghe được tiếng nó. Nó xuất hiện từ hư không như sự hiện hình siêu nhiên. Khi khu vườn không rung lên thì những linh hồn ngủ yên trong thế giới bên kia. Khi nét mực xăm trên đàn gambri rung lên, khu vườn biểu tượng nở hoa và các linh hồn xâm chiếm không gian giữa các khuông nhạc. Khu vườn của gambri là một trong những nơi quan trọng nhất ở Mogador, chẳng kém gì nhà tắm hơi hay lò chung, và nó có lẽ là khu vườn bí mật giàu âm thanh nhất.

Khi nghe nhạc Gnawa, anh nghĩ đến tấm bản đồ vô hình luôn thay đổi đã chỉ lối đưa đường cho đôi bàn tay anh trên thân thể em. Và tiếng em rên rỉ, kêu lên hay thở dài thườn thượt nói cho anh biết những linh hồn do ngón tay anh đánh thức trong em giờ đang ở đâu. Em vừa hướng dẫn anh vừa làm anh lạc lối, và trong khu vườn linh hồn của em, cùng một lúc anh đánh mất rồi tìm lại được mình và kêu lên dưới đôi tay và đôi môi em đầy sở hữu. Khi tiếng đàn gambri của thân thể em (với những sợi dây căng từ bộ phận kín của em) vang lên mạnh mẽ, hòa vào tất cả những âm thanh từng vang lên và được nghe thấy, em cũng hòa vào anh, như giọng nói vang lên mạnh hơn dòng máu sục sôi nhất trong những cơ thể và khiến chúng lao ào ào vào bóng tối khu vườn linh hồn của em. Anh muốn mãi mãi được giọng em gieo xuống, được ám ảnh khu vườn những tiếng rên của em, khu vườn những khoảng tĩnh lặng đầy tiếng vọng của em.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/t26493-lan-da-cua-dat-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận