Làn Da Của Đất Chương 3

Chương 3
Khu vườn trong chiếc tráp

Rất nhiều người dân thành Mogador sống bằng nghề mộc. Họ thường dùng gỗ trắc bách diệp thơm ngát có rễ giống như những ngón tay dị dạng trên bàn tay khổng lồ thọc sâu vào đụn cát. Có một truyền thuyết rất nổi tiếng về nguồn gốc những bụi trắc bách diệp lúp xúp mập mạp bao quanh thành phố cũng như về nghề chế tác sản phẩm bằng gỗ quý, với những bàn tay thô ráp lúc nào cũng thơm mùi hương gỗ. Tôi có diễm phúc được nghe kể câu chuyện về khu vườn này trên sân thượng quán cà phê Taros đầy gió. Xin kể ra đây câu chuyện như tôi đã được nghe.

Người ta bảo rằng các đạo sĩ và các kiến trúc sư từng thiết kế và xây nên cái mê cung nổi tiếng (nơi hình như Abenhacan el Bokhari qua đời, theo lời một người kể chuyện mù vốn rất được kính trọng, vốn thường mơ thấy hổ báo và những tấm gương) sau này được nhà vua giao cho nhiệm vụ dựng một khu vườn hoàn hảo. Họ vẽ ra một sơ đồ hoàn toàn theo những mô tả thiêng liêng về thiên đường, mô hình tối cao của mọi khu vườn. Trước tiên, họ thiết lập bốn khu cây cỏ theo kiểu cổ điển, ở tầm cao thấp khác nhau. Các khu này được phân cách rõ rệt bởi những kênh dẫn nước tượng trưng cho bốn dòng sông thiêng gồm nước, sữa, mật, rượu, thảy đều thanh khiết và thiêng liêng. Họ thêm vào đó những đài phun nước, những dòng kênh vô tận reo vui dưới những gốc lựu, giữa những hàng cọ, chà là và những bụi lá móng dại. Họ dựng nào là lầu gác, sân và những phong cảnh quang đãng như mời gọi nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng và gặp gỡ, họ thiết kế và sắp xếp chúng theo cách thức khiến cho ta thật khó biết mình đang ở trong hay ở ngoài nhà.

Họ cũng lựa chọn một người làm vườn. Sau khi mất rất nhiều công tìm kiếm, họ tìm được trong số các nghệ nhân ở Mogador một người đàn ông mà, khi quan sát cuộc sống và công việc của ông, họ thấy ông có vẻ là người chuộng sự hoàn hảo và yêu thiên nhiên. Hơn nữa, ông còn kiên nhẫn, thông minh và táo bạo. Ông thể hiện tài năng làm đồ gỗ của mình qua gốc trắc bách diệp, thứ cây rất phổ biến ở Mogador. Ai cũng phải trầm trồ khi nhìn đồ gỗ do ông làm. Để biến ông không chỉ thành người làm vườn mà còn là người làm vườn giỏi nhất, ba vị đạo sĩ kiến trúc sư dùng tay ban phép để truyền cho ông một di sản phi thường: niềm đam mê mãnh liệt của từng người trong số họ. Nhờ vậy mà, vừa tiếp tục hưởng những đức tính vốn có, người làm vườn lại vừa bị ám ảnh bởi ba niềm đam mê lớn: vị đạo sĩ đầu tiên, người rất thích hoan lạc, truyền cho ông niềm đam mê vô bờ với các loài hoa; vị thứ hai, người khéo léo hơn cả, thổi vào ông thú vui để đôi tay luôn làm việc không biết mệt mỏi; còn vị thứ ba, cũng là người thánh thiện và độc đoán nhất, truyền cho ông tình yêu tuyệt đối với hình kỷ hà và hơn nữa là ý thức rằng môn khoa học đó, với sự hoàn hảo của nó, có lẽ là hiện thể tối hậu của Thượng đế.

Sau khi hoàn thành xong tuyệt tác đó, ba vị đạo sĩ kiến trúc sư, lúc bấy giờ đều hơn trăm tuổi, đã có thể rời cõi thế để về yên nghỉ tại làng họ, phía bên kia sa mạc Sahara, nơi xa xôi đến nỗi nếu không có pháp thuật thì không tài nào tới nổi, nơi đất nhiều quyền năng đến nỗi mọi thứ đều được xây dựng bằng đất sét mà vẫn rắn và bền như đá hoa cương.

Suốt chín năm trời, người làm vườn kiên nhẫn và khéo léo vun vén cho khu vườn và đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Hoa ông trồng được cả thế giới công nhận là những loài hoa đẹp nhất. Chín năm cũng là vừa tròn một chu trình để cây ăn quả đạt đến độ cho quả nhiều và ngon nhất. Hơn nữa, mỗi góc trong khu vườn đều có thể biến thành một nơi nghỉ chân tình cờ với vẻ táo bạo và lối cấu trúc kỷ hà hết sức tinh tế khiến những ai thường xuyên lui tới có cảm giác khu vườn như vô tận.

Mùa xuân năm đó, người làm vườn thấy hạnh phúc trọn vẹn như vẻ tráng lệ của khu vườn. Niềm hạnh phúc ấy kéo d ài đến tận mùa hè, và đến chừng nào lá cây còn xanh thẫm một màu.

Nhưng tới mùa thu, đám mây buồn chán cứ dần dần xâm chiếm lòng ông, cùng với cảm giác không hài lòng vu vơ. Ông nhận thấy khu vườn của mình còn lâu mới hoàn hảo.

Từ đó, ông lao vào làm những công việc nhằm nhấn mạnh hình khối kỷ hà của những bụi cây, những hàng cây, những hình vòm do cành cây đan vào nhau tạo ra. Ông mơ đến những hình dáng trừu tượng tự tách khỏi nhau, như hình dáng của những cái cây không có thực tự nhân giống theo một phương trình hoàn hảo. Nhưng cứ hễ thức giấc là ông lại vỡ mộng. Đến mức ông cảm thấy tuyệt vọng khi mấy bông hoa không chịu giống với bông hoa hình kỷ hà trong giấc mơ.

Một hôm, ông cắt tiệt hết lũ hoa đi. Đức vua đang đi xa và chẳng ai có thể phản đối hay ngăn cản người làm vườn. Khu vườn là vương quốc của riêng ông. Mà đức vua ít nhất phải một năm nữa mới quay về.

Một hôm khác, ông tỉa tất cả các thân cây, biến chúng thành những cái cột có tám cạnh. Ông dùng hàng nghìn mét vỏ cây và gỗ thu được nhờ tỉa cây để cho xây một bức tường quây kín khu vườn lại. Nhờ vậy, các quần thần vốn đang rất công phẫn vì việc làm đó giờ không còn nhìn thấy khu vườn nữa. Suốt hàng tháng trời, ông và các phụ tá không rời khỏi khu vườn. Chắc hẳn vườn cây ăn quả và vườn rau đủ để nuôi sống họ. Những chú hươu màu bọt và đàn cừu vằn từng làm khu vườn nổi tiếng cũng biến mất, phục vụ cho nhu cầu ăn uống của đám thợ làm vườn thay nhau làm việc suốt ngày đêm.

Suốt chín tháng ròng, phía trong bức tường không hề thấy yên tĩnh nghỉ ngơi. Một hôm, người ta không nghe thấy gì nữa, và cả vương quốc lo lắng. Người ta đồn ầm lên về chuyện đã diễn ra. Ai cũng thề rằng tất cả những người trong khu vườn đã tự tử để dùng xác bón cây, một số người lại bảo rằng người làm vườn phát điên đã chôn tất, và rằng cây cối vẫn mọc, nhưng là mọc ngược xuống phía dưới.

Một hôm, nhà vua bất chợt quay về thành. Ngài về sớm hơn dự định vì đến nơi nào cũng nghe được những tin tức đáng lo về tình trạng tâm thần của người làm vườn yêu quý. Ngài hình dung ra khu vườn bị hỏa hoạn còn người làm vườn thì treo cổ trên cây. Sau khi chủ trì bữa yến tiệc lớn đãi dân chúng nhân dịp ngài trở về, đức vua cho vời người làm vườn tới. Người làm vườn chào mừng đức vua đã trở về, và trong khi bày tỏ lòng tôn kính với nhà vua, nỗi háo hức mỗi lúc một tăng lên trong lòng ông, đến mức không nén nổi nữa, ông liền thông báo cho nhà vua biết một sự bất ngờ đang đợi ngài, rằng giờ đây khu vườn của ngài đã trở nên hoàn hảo.

Đức vua cảm thấy an tâm và tự nhủ rằng những lời đồn đại về người làm vườn hẳn là do quần thần trong triều ghen ghét với ông mà ra. Đây chẳng phải lần đầu tiên có chuyện như vậy. Người làm vườn vẫn minh mẫn và chăm chút cho khu vườn với lòng nhiệt tình vốn có, vì ông vốn rất mê cây cối.

Nhà vua và người làm vườn cùng đi tới cánh cửa gần nhất trong số hai mươi bảy cửa của bức tường bao quanh vườn. Nhà vua trầm trồ kể cho người làm vườn nghe về những khu vườn đã thấy trong chuyến đi.

“Nhưng ngươi đừng lo, và cũng đừng nghi ngại gì, ngươi vẫn là người làm vườn giỏi nhất trên đời. Dù những kẻ khác có cố gắng đến đâu thì khu vườn tuyệt vời nhất mà ta từng thấy cũng kém xa khu vườn của chúng ta.”

Khi đi tới cánh cửa mà trước đây nhà vua chưa từng thấy đóng kín, người làm vườn nói ám hiệu và các phụ tá mở cửa cho hai người vào. Đức vua suýt nữa thì ngất xỉu vì bỗng thấy khu vườn của mình biến thành bãi chứa cây cối bị chặt dở và bị tàn phá. Cả khu vườn chỉ còn là bãi đất cằn cỗi với những mảnh gỗ lộn xộn chất cao như núi.

“Khu vườn của ta bị sao vậy? Đây là thứ mà ngươi gọi là khu vườn hoàn hảo ư? Ta chỉ thấy hoang tàn hủy diệt mà thôi.”

“Những thứ mới đây từng tồn tại chỉ là phác họa cho khu vườn hoàn hảo của bệ hạ. Chúng chỉ để làm mẫu cho thứ ngài sẽ được thấy ngay bây giờ đây.”

Người làm vườn vỗ tay ra hiệu, năm phụ tá liền xuất hiện, mang ra một chiếc tráp hình lập phương được làm bằng nhiều loại gỗ quý, thứ này khảm lên thứ kia, ngày nay người ta gọi đó là đồ gỗ dát.

“Nó có mùi thông bá hương. Ngươi chặt đám thông bá hương ta yêu thích rồi ư? Ngươi xẻ nhỏ đám thông bá hương ta cho mang về từ tận vùng núi Atlas_(1) chỉ để làm một cái tráp ư?”

“Đây không đơn thuần là một chiếc tráp. Nó được làm dựa trên sơ đồ kỷ hà của khu vườn đẹp nhất trên đời. Mọi tỷ lệ đều chính xác. Thiên đường chắc cũng giống như thế. Đó là thứ đồ vật hoàn hảo, hình ảnh của thiên đường, hay chính xác hơn là hình ảnh của Chúa trời. Phần thân chính làm từ giống gỗ thông bá hương arz vùng Atlas, vì đó là thứ gỗ duy nhất luôn giữ linh hồn xanh tươi trong hàng thập kỷ, vì phải mất nhiều năm, có khi là hàng thế kỷ, nó mới hiểu mình đã bị chặt hạ, tách rời khỏi thân cây mẹ, và rằng giờ nó đã được tự do. Hơn nữa, mùi gỗ thông bá hương có nesma_(2) của hạnh phúc. Ai đang mang buồn khổ trong tim chỉ cần đưa mũi vào trong chiếc tráp làm bằng loại gỗ này là lại thấy vui vẻ ngay. Thông bá hương được dùng ở nhà tắm hơi vì nó không bị hơi ẩm làm yếu hay biến dạng, lại chịu được thay đổi nhiệt độ nữa. Đã thế, nó còn không bị mối mọt, không như những loại gỗ khác quá mong muốn được yêu quý nên chấp nhận để mình bị gặm nhấm.

“Khiếm khuyết duy nhất của loài gỗ này chỉ xuất hiện khi nó gắn với đất, vì dưới tác động của đất, nó sẽ có ảo tưởng mình tồn tại độc lập, không chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai, và sẽ biến dạng theo kiểu rất lạ lùng, không sao nắn lại được. Dạng sống cao nhất của nó, sắc thái toàn vẹn nhất của nó là trong hình kỷ hà hoàn hảo của một khối được hợp thành từ những loại gỗ khảm khác, với các đường vân cách nhau những quãng chính xác, điều đó làm nổi bật lên tỷ lệ hoàn thiện và hình nh về sự hoàn hảo của nó. Tâu bệ hạ, cái tráp gỗ dát này là sự tổng hợp phong phú của khu vườn của ngài. Là sự biểu lộ hoàn hảo của thiên nhiên. Không phải cái cây bị thu nhỏ, mà nó được nâng lên tầm hình kỷ hà thuần nhất có thể có.”

Nhà vua cầm cái tráp lên tay, mở ra và ngửi thấy hơi húng quế tỏa trên mặt, ngài cười tươi.

Người làm vườn vui mừng vì thuyết phục được nhà vua. Thật cũng bõ công. Giờ thì ngay cả nhà vua cũng thừa nhận rằng cái tráp này là khu vườn của những khu vườn.

Nhưng nhà vua cười vì cuối cùng ngài cũng đã quyết sẽ làm gì với người làm vườn bị cơn hoang tưởng mang hình kỷ hà ám ảnh khôn nguôi này.

“Ngạo mạn chưa, ngươi từng là bậc thầy lỗi lạc, là nghệ nhân vĩ đại, thế mà vẫn còn chưa hài lòng. Ngươi tưởng mình là Chúa trời thế mà ngươi đã xuống tới địa ngục rồi. Ngay hôm nay, trước khi mặt trời lặn, ta sẽ bỏ tro của ngươi vào chiếc tráp này.”

Người ta còn kể rằng chính tham vọng của người làm vườn đã sinh ra nghệ thuật làm đồ gỗ dát, nghệ thuật khảm gỗ, xuất phát từ Mogador và lan ra khắp thế giới.

Nhưng người ta cũng nói rằng vài tháng sau, từ đám tro ấy nảy một mầm cây, thứ cây rất đẹp và kiêu ngạo. Không phải là thông bá hương vùng Atlas, arz, như trong triều người ta vẫn nghĩ, mà là trắc bách diệp, cây đầu tiên trong số những cây trắc bách diệp ở phía Đông Bắc thành phố. Chúng chặn những đụn cát trước đây cứ xâm chiếm thành phố mỗi khi có gió thổi.

Khi ra khỏi Mogador bằng con đường đất dẫn đến cảng El-Jadida, tên cũ là Mazagan, ta có cảm giác như đang đi trên mặt biển màu lục. Những đám cây trắc bách diệp lúp xúp khiến lá chúng lay động trong gió trông như sóng lừng biển động. Người ta bảo rằng thứ gió ấy là linh hồn người thợ làm vườn cầu toàn đang cố thoát ra khỏi vẻ thiếu hoàn hảo tự nhiên của thứ gỗ này nơi nó đang bị cầm tù.

Hãy để anh được hồi sinh bén rễ trong những đụn cát của em. Hãy cho anh được cảm nhận tất cả những gì khiến anh mê đắm trong chiếc tráp hoàn hảo của em. Hãy cho anh được cảm nhận mọi loại gỗ của em dát khảm nơi anh. Hãy để anh bị cầm tù trong mọi cử động của em mà vẫn thấy thật tự hào. Hãy cho anh được chiêm ngưỡng em như thể cả ngàn rừng, ngàn biển và ngàn sa mạc đều đổ vào nhan sắc hoàn hảo thiên biến vạn hóa của em.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/t26495-lan-da-cua-dat-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận